Trong các văn bản cũ, người ta thường nghe đến “phục tùng,” một từ được trích từ Thư Thánh Phaolô Tông Đồ về thái độ đúng đắn của người vợ đối với chồng mình. Đoạn trích đó luôn được hiểu rằng trong khi vợ phải phục tùng chồng, thì chồng phải luôn yêu thương vợ mình như Chúa Giêsu yêu thương Hội Thánh, theo nghĩa tự hiến. Đức Giáo Hoàng Benedict XVI gọi tình yêu này là tình yêu hiến tế – một tình yêu sẵn sàng hiến thân cho người mình yêu. Thánh Phaolô cũng khuyên các ông chồng phải yêu thương và tôn trọng vợ như thân thể mình.

Trong xã hội ngày nay, từ phục tùng gây ra cảm giác tiêu cực. Việc sử dụng sai thuật ngữ này dẫn đến cái nhìn “thống trị trên người khác,” người vợ trở thành người lệ thuộc vào chồng và có cảm giác giống như một người nô lệ. Việc lạm dụng có thể dẫn đến việc giải thích sai lạc từ ngữ “tùng phục.”

Là người Công giáo, chúng ta phải tìm hiểu ý nghĩa nguyên thủy của từ này. Chính sự kiêu ngạo của tổ tông loài người, là Ađam và Evà, đã gây ra tội lỗi và sự chết. Sự bất tuân của họ ảnh hưởng trên tất cả các thế hệ. Đối ngược lại tác động tiêu cực này, sự vâng phục hoàn toàn của Chúa Giêsu Kitô (Adam mới) và Mẹ của Ngài, Đức Maria (Evà mới), đã mang lại ơn cứu độ cho tất cả mọi người. Vâng phục là dấu chứng của một kitô hữu tốt lành.

Trước hết và trên hết, sự vâng phục phải được dành cho Thiên Chúa Toàn Năng. Các Kitô hữu tốt cố gắng tuân theo thánh ý của Thiên Chúa, chứ không phải theo ý muốn của mình trong cuộc sống. Thứ hai, một Kitô hữu tốt cố gắng tuân theo thẩm quyền hợp pháp. Tất cả quyền hành đều đến từ Thiên Chúa, và khi thực thi trong sự hiệp nhất với lề luật của Thiên Chúa, thì tuân phục là điều rất chính đáng. Trong trường hợp kết hôn, đó là một tương quan bình đẳng. Không ai là người có thẩm quyền, ngoài một mình Thiên Chúa. Khi vợ chồng cố gắng tìm kiếm, và thi hành ý muốn của Thiên Chúa trong đời sống của mình, thì họ đang làm những gì Thiên Chúa muốn. Trong xã hội gia trưởng, thường là người chồng xác định đâu là ý muốn của Thiên Chúa. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, trách nhiệm đó thuộc về cả hai. Đôi khi, một trong hai thành viên có thể phải nhắc nhở người bạn đời của mình về việc vâng theo ý muốn của Thiên Chúa. Điều này được hiểu rằng hôn nhân Kitô giáo là tương quan đôi bạn được Thiên Chúa thiết lập, trong đó đôi bạn giúp đỡ nhau trên đường về thiên quốc. Sự vâng phục Thiên Chúa là dấu hiệu cơ bản và quan trọng nhất cho thấy bạn đang đi đúng con đường dẫn về thiên đàng.

Chuyển ngữ: Nhóm Maiorica, Học viện Dòng Tên

Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D., The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question, (Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007), 138-39.