Đức Kitô, Chúa chúng ta, đã dạy rằng hôn nhân là một mối dây liên kết bất khả phân ly. Trong Tin Mừng Mc 10: 11- 12, Chúa Giêsu nói, “Ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình đối với vợ mình; và ai bỏ chồng để lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình.” Ly dị và tái hôn là thực hành khá phổ biến nơi người ngoại giáo và Do Thái giáo. Đức Kitô dạy rằng đó không phải là ý định của Thiên Chúa, Cha chúng ta, ngay từ thủa ban đầu. Từ sách Sáng Thế Ký, chúng ta biết rằng Thiên Chúa đã tạo dựng con người có nam có nữ để họ nên một trong một mối dây liên kết tình yêu bất khả phân ly. Do tội nguyên tổ, hôn nhân mất đi tính vĩnh viễn. Chính nhờ Chúa Giêsu Kitô, đấng đã nâng hôn nhân tự nhiên lên hàng bí tích mà tính vĩnh viễn này được phục hồi. Hình ảnh loại suy của Chúa Kitô như là tân lang với Giáo hội là tân nương diễn tả mối liên hệ keo sơn đặc biệt này.

Chúa Giê-su nhắc lại ý nghĩa ban đầu của hôn nhân trong Tin Mừng Mátthêu 19, 6: “Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt.” Hiệp nhất là bản tính của Ba Ngôi Thiên Chúa – ba ngôi vị thần linh trong một Thiên Chúa duy nhất. Thiên Chúa tạo ra sự hiệp nhất giữa chúng ta. Hôn nhân là sự hiệp nhất của hai người mà họ sẽ trở thành một gia đình mới. Sự hiệp nhất này phản chiếu tình yêu của Chúa Ba Ngôi, Chúa Cha yêu Chúa Con, Chúa Con yêu Chúa Cha, và từ tình yêu của Chúa Cha và Chúa Con đến với Chúa Thánh Thần. Tương tự, chồng yêu thương vợ mình, vợ yêu thương chồng mình, và từ tình yêu vợ chồng sinh ra con cái.

Hôn nhân thiết lập một mối dây liên kết vĩnh viễn và độc quyền qua đó Thiên Chúa ban ân sủng cho đôi vợ chồng. Một khi cuộc hôn nhân thành sự, nó chỉ có thể được tháo cởi bằng cái chết. Hôn nhân, không giống như Bí tích Rửa tội, Thêm Sức và Truyền Chức Thánh, không tiếp tục sau khi chết. Sau khi vợ hoặc chồng qua đời, người kia được tự do kết hôn lần nữa.

Khi một người Công Giáo ly dị về mặt dân sự, thì đối với Giáo Hội, họ vẫn đã kết hôn. Nói cách khác, ly hôn không phá hủy bí tích. Để một cuộc hôn nhân thành sự, cần phải có sự đồng thuận cách hợp lệ từ hai người Công Giáo (khác phái) đã được rửa tội, những người tự do bước vào mối dây ràng buộc hôn nhân. Ngoài cái chết, có vài trường hợp hiếm hoi khi Giáo Hội có thể công bố một cuộc hôn nhân vô hiệu. Trước hết, nếu cuộc hôn nhân đó thành sự nhưng chưa hoàn hợp (ratum et non consummatum). Sự hoàn hợp xảy ra khi vợ chồng nên một với nhau trong hành vi giao hợp. Hai là điều mà Giáo Luật (Canon Law) gọi là đặc ân Phaolô, hay đặc quyền của đức tin, theo đó, hôn nhân tự nhiên (không bí tích) của hai người được đức Giám Mục Giáo Phận cho phép tháo cởi nếu một trong hai người được rửa tội và họ ly hôn, và người phối ngẫu được rửa tội bây giờ muốn tiến tới hôn nhân bí tích (giữa hai người được rửa tội) với một người Công Giáo được rửa tội khác. Trường hợp thứ ba được gọi là đặc ân Phêrô, theo đó Đức Giáo Hoàng có thể tháo cởi một cuộc hôn nhân không bí tích giữa một người được rửa tội với một người không được rửa tội kết thúc bằng ly dị, và người chưa được rửa tội chuyển sang Công Giáo và muốn bước vào một cuộc hôn nhân bí tích với một người Công Giáo được rửa tội.

Chuyển ngữ: Nhóm Maiorica, Học viện Dòng Tên

Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D., The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question, (Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007), 140-41.