- Thuyết tương đối văn hóa
“Thuyết tương đối văn hóa” là một thuật ngữ được sử dụng trong nhiều ngành học, và nó mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Ví dụ, thuật ngữ này, trong nhân chủng học, có thể chỉ đến ít nhất bốn ý niệm khác nhau sau đây:
Thuyết tương đối văn hóa mô tả (Descriptive cultural relativism): thuyết này cho rằng các sự kiện tâm lý và xã hội về con người được nền văn hóa của họ xác định. Do đó, những giải thích về sự khác biệt giữa người với người nên được xem là sự khác biệt văn hóa thì đúng hơn. Có nhiều quan điểm khác nhau về phạm vi và chiều sâu của thuyết do văn hóa quyết định này (cultural determinism); và đỉnh điểm của nó là thuyết tương đối tri thức luận (epistemological relativism).
Thuyết tương đối văn hóa tri thức luận (Epistemological cultural relativism): Lập trường này khẳng định rằng lý trí con người (lý trí con người là những khái niệm chúng ta vận dụng để suy tư, ngay cả chính bản thân luận lý học) khác nhau tùy theo nền văn hóa. Do đó, người ta có thể hiểu được các hiện tượng xã hội chỉ từ trong một nền văn hóa. Trong hình thái chặt chẽ nhất của nó, quan điểm này còn nghi ngờ về khả thể thấu hiểu nhau theo kiểu giao thoa văn hóa hay nghi ngờ những học thuyết xã hội vượt ra ngoài bối cảnh của những nền văn hóa cụ thể.
Thuyết tương đối văn hóa quy chuẩn (Normative cultural relativism): Quan điểm này cũng dựa trên thuyết tương đối mô tả, nhưng nó không bao hàm thuyết tương đối tri thức luận. Thuyết tương đối quy chuẩn quan niệm rằng tất cả các chuẩn mực đạo đức (giống như các chân lý xã hội khác) được văn hóa xác định. Không tồn tại các chuẩn mực xuyên văn hóa mà chúng ta có thể tham khảo để đánh giá tính đúng sai của các phán đoán đạo đức. Đây là loại thuyết tương đối thường được các triết gia đạo đức đề cập tới và đã được luận bàn ở trên.
Cuối cùng là thuyết tương đối văn hóa phương pháp luận (methodological cultural relativism): Thuyết này đề cập đến lập trường của các nhà nhân chủng học khi họ nghiên cứu một nền văn hóa. Họ sẽ tạm hoãn các phán đoán đạo đức của họ và cố gắng đi vào thế giới quan của các đối tượng mà họ đang nghiên cứu. Nhìn chung, thuật ngữ này nói tới định hướng chung của các nhà nhân chủng học dành cho các đối tượng mà họ nghiên cứu: nhạy bén với sự khác biệt văn hóa và cam kết tôn trọng cùng đánh giá cao quan niệm riêng của một nền văn hóa.
- Chủ nghĩa thực dụng
Một số triết gia cố gắng tránh những vấn đề tranh biện của cả chủ nghĩa khách quan lẫn chủ nghĩa chủ quan bằng việc luận lý rằng chúng ta nên xem những nguyên tắc đạo đức không phải là tỏ bày thái độ của người phát ngôn hay đưa ra những tuyên bố chân lý về một thế giới “ngoài kia”.
Đúng hơn, những nguyên tắc này là công cụ chúng ta dùng để làm việc trong thế giới đạo đức. Một nguyên tắc đạo đức tốt, giống như một công cụ tốt, thì không phải là nguyên tắc ấy “đúng” cho bằng là một hướng dẫn hữu ích cho một tình huống luân lý. Thay vì lo lắng về việc liệu các tuyên bố đạo đức có đúng hay không, thì chúng ta nên suy nghĩ việc làm sao để chúng có thể vận hành tốt.
Một số người phản đối chủ nghĩa thực dụng dựa vào cùng một lý do mà họ dùng để phản đối chủ nghĩa chủ quan. Nghĩa là, họ lo sợ mọi người có thể chọn bất cứ quan điểm đạo đức nào, chỉ bởi vì “nó phù hợp với tôi”. Nói chung, quan điểm ấy không cho phép phổ quát hóa các tuyên bố đạo đức. Tuy nhiên, các nhà thực dụng có thể đáp lại rằng những gì hợp với bạn không phải là vấn đề do bạn tự do chọn lựa, và có lẽ nó cũng không là của riêng bạn. Thế giới mà chúng ta đang cố gắng điều hướng bằng những nguyên tắc đạo đức có một thực tại khách quan; điều đó lý giải vì sao một số nguyên tắc đạo đức có vẻ phù hợp với tất cả mọi người. Chúng ta đang cố gắng hoạt động trong một môi trường xã hội và vật lý được chia sẻ chung với nhau. Không quá ngạc nhiên khi tất cả mọi người trong chúng ta đều có khuynh hướng tìm đến cùng một bộ nguyên tắc đạo đức căn bản. (Thật vậy, bạn có thể tự mình thử điều này: Hãy tạo ra một hệ thống đạo đức mới lạ và cố gắng áp dụng sống hệ thống ấy trong một ngày. Xem nó hoạt động như thế nào.)
Một ý kiến phản đối sâu sắc hơn đối với chủ nghĩa thực dụng là nếu chúng ta đánh giá một nguyên tắc đạo đức bằng cách xem nó vận hành tốt hay không, thì chúng ta phải xác định từ “vận hành” có nghĩa là gì. Nếu chúng ta có ý nói rằng nguyên tắc này giúp mọi người sống một cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc và triển nở, thì dường như chúng ta đang quay lại với quan điểm của những người theo chủ nghĩa khách quan vốn cho rằng các nguyên tắc đạo đức bắt nguồn từ trong chính bản chất của con người; tức là những nguyên tắc ấy tuyên bố chúng ta phải sống như thế nào nếu chúng ta muốn phát triển. Mặt khác, nếu người ta tin rằng “vận hành” có nghĩa là được xác định bởi văn hóa hay tâm lý của một người, thì dường như chúng ta đang quay lại với chủ nghĩa chủ quan. Tuy nhiên, ngay cả khi không thể hoàn toàn tránh khỏi những câu hỏi thuộc về siêu đạo đức học này, thì chủ nghĩa thực dụng cũng thực sự nhắc nhở chúng ta rằng những tranh luận lý thuyết về các tiêu chuẩn đạo đức không được làm mất đi ý nghĩa của việc áp dụng những tiêu chuẩn ấy vào thực tế. Ví dụ, một nhóm các nhà đạo đức môi trường có tầm ảnh hưởng đã được gợi hứng bởi các nhà thực dụng để tiến hành nghiên cứu thực nghiệm về cách thức các giá trị môi trường hoạt động trong thực tế.
Tóm lại, tôi có khuynh hướng nghĩ rằng mỗi quan điểm siêu đạo đức học nắm giữ một vài khía cạnh quan trọng về những lý luận đạo đức. Thật vậy, chủ nghĩa chủ quan đã đúng khi cho rằng các tuyên bố đạo đức diễn tả thái độ tán thành và không tán thành, còn chủ nghĩa tương đối văn hóa nhắc chúng ta những tuyên bố đó có thể được định hình sâu sắc bởi văn hóa hoặc tâm lý của cá nhân. Chủ nghĩa khách quan cũng có lý khi cho rằng các tuyên bố đạo đức đang cố gắng phát biểu một điều gì đó về thế giới, chứ không chỉ nói về những cảm xúc hay những thái độ của chúng ta. Bởi vì các phán đoán đạo đức được dựa trên những lập luận ít là phải có khả năng mang tính phổ quát. Và những nhà thực dụng cũng đúng, vì cho thấy rằng các tuyên bố đạo đức không phải chỉ có ý nghĩa trên lý thuyết, nhưng chúng còn phải là những chỉ dẫn hữu tích trong thực hành.
- Trở lại với vấn nạn về loài trân châu tía.
Những thảo luận về lý thuyết đạo đức này có ý nghĩa gì trong tình huống cây trân châu tía của bà Judy K.? Thật không may, tất cả những gì chúng ta đã tra vấn cho đến lúc này sẽ không nói cho bà Judy biết nên làm gì đối với loài thực vật này. Tuy nhiên, những thảo luận đó đưa ra một vài bài học rất đáng giá khi bà Judy phải vật lộn với vấn đề của mình.
- Người theo chủ nghĩa chủ quan có thể bảo Judy rằng cho dẫu các tiêu chuẩn của bà dường như là đúng với bà, nhưng rốt cuộc chúng có lẽ chỉ dựa trên những trực giác chủ quan vốn không (và có thể không) có giá trị chân lý khách quan. Vì thế, bà phải cẩn trọng để không cho rằng bất kỳ ai bất đồng với bà đều là vô lý cả.
- Người theo thuyết tương đối văn hóa sẽ đề nghị rằng những ý tưởng của bà về loài trân châu tía có lẽ bắt nguồn từ các niềm tin văn hóa sâu xa về các giá trị và ý nghĩa của cảnh quan, và có lẽ bà không thể vượt qua những niềm tin đó để đưa ra các phán quyết. Ít nhất, quan điểm của người theo thuyết tương đối nhắc chúng ta rằng sẽ rất hữu tích cho Judy khi bà tìm hiểu sâu hơn về việc tại sao Maria lại xem loài cây này như một kẻ xâm lấn không mong muốn, và khám phá xem quan điểm của chính bà về loài trân châu tía này xuất phát từ đâu.
- Tuy nhiên, ngay cả một người theo thuyết tương đối văn hóa cũng có thể thừa nhận rằng những khác biệt văn hóa đó ít nhất cũng có thể hiểu được; và nếu khác biệt ấy không quá sâu sắc, Judy và hàng xóm của bà có thể đạt được một sự đồng thuận chung giữa hai người về cách thức đánh giá loài thực vật tím ấy.
- Người theo chủ nghĩa thực dụng có thể bổ sung rằng để tiến tới sự đồng thuận này, Judy và hàng xóm của bà phải chú tâm vào việc tìm ra một phương pháp đạo đức phù hợp với tình hình thực tế.
- Tuy nhiên, người theo chủ nghĩa khách quan đạo đức sẽ cho thấy rằng, cuối cùng, chúng ta muốn các tiêu chuẩn đạo đức của chúng ta không chỉ hữu dụng nhưng còn đúng nữa, đúng theo nghĩa khách quan. Người theo chủ thuyết khách quan sẽ thúc đẩy Judy tiếp tục tra vấn các quan điểm của bà cũng như của những người hàng xóm về các loài thực vật xâm lấn và việc quản lý ao hồ. Quá trình tra vấn dựa trên lý trí-phê bình này sẽ giúp cho quan điểm của Judy tiếp tục lớn mạnh. Cuối cùng, bà phải hình thành nên một lập trường chặt chẽ và hợp lý, dựa trên các nguyên tắc (nếu chưa mang tầm vóc phổ quát) thì ít nhất cũng vượt ra ngoài cộng đồng nhỏ bé của bà.
Tóm lại, thách đố mà cô Maria đem đến cho bà Judy có thể là khởi đầu của một thực hành đáng giá trong việc luận lý đạo đức. Ngay cả khi bà Judy khó có thể làm bất cứ điều gì về sự tràn lan của loài trân châu tía, nhưng ít nhất bà sẽ biết bà nghĩ gì về vấn đề đó và tại sao bà nghĩ về như thế. Đây là bước đi quan trọng để có một cuộc sống tốt đẹp. Nhưng liệu quá trình luận lý đạo đức này sẽ cải thiện tương quan của bà Judy với tự nhiên chăng? Chúng ta đã suy xét tại sao nghiên cứu đạo đức học lại hữu ích, nhưng tiếp theo chúng ta cần tra vấn thêm: Tại sao chúng ta cần đến đạo đức môi trường?
(còn tiếp)
Chuyển ngữ: Học viên Phaolô Nguyễn Xuân Danh
Nguồn: Kimberly K. Smith, Exploring Environmental Ethics – An Introduction,
(Carleton College, Northfield: Springer, 2018), 16-18.