• Tại sao lại là đạo đức môi trường?

Việc nghiên cứu đạo đức đã có từ rất lâu; nhưng lĩnh vực học thuật về đạo đức môi trường lại tương đối mới. Quyển sách A Sand County Almanac của Aldo Leopold (xuất bản năm 1949) là một trong những tác phẩm chính đầu tiên kêu gọi một nền đạo đức mới hướng đến tự nhiên. Trong số những người đã hưởng ứng lời kêu gọi đó phải kể đến Richard Sylvan (tên thật là Routley), tác giả của bài báo “Liệu có cần một nền đạo đức mới, một nền đạo đức môi trường hay không?” – đây là một bài viết quan trọng trong việc nghiên cứu học thuật về đạo đức môi trường. Leopold và Sylvan tạo nên một điểm chung: Đạo đức học cho đến nay chỉ tập trung vào nghĩa vụ của con người đối với những người khác. Tuy nhiên, không ít người trong chúng ta có cảm thức rằng chúng ta cần phải có bổn phận đạo đức đối với tự nhiên, chẳng hạn như động vật. Sylvan hiểu rất rõ về ý niệm này trong cuốn truyện phim “người cuối cùng” (the Last Man) của ông: Hãy tưởng tượng chỉ còn một người cuối cùng sống sót sau sự sụp đổ của các nền văn minh và sự tuyệt chủng của tất cả sự sống con người trên trái đất. Nếu anh ta cũng tiêu diệt nốt những loài thực vật và động vật còn sót lại, liệu hành động ấy có sai trái chăng? Giả như chẳng còn sót lại người nào khác để có thể trân trọng những thực tại tự nhiên đó, thì hành động hủy hoại của anh ta liệu có được xem là gây thiệt hại hoặc sai trái với ai đó chăng? Không ít người trong chúng ta cảm thấy rằng hành động hủy diệt của con người cuối cùng này đáng chê trách về mặt luân lý (nghĩa là, đây là một trực giác đạo đức dường như được sẻ chia một cách rộng rãi). Có rất nhiều cách để minh giải vì sao các hành động của người đó sai: Có lẽ, thiên nhiên đang được đề cập đến đó có giá trị đạo đức độc lập với bất kỳ giá trị nào của con người; hay có lẽ, chúng ta nhận thấy trong các hành động của con người cuối cùng đó một điểm khiếm khuyết khiến cho cuộc sống của anh ta dường như ít đáng lựa chọn hơn. Có nhiều cách thức khác để giải thích phản ứng tiêu cực của chúng ta đối với các hành động của người đó. Nhưng hầu hết các giải thích giúp chúng ta nhận thấy rằng chúng ta tin việc làm hại đến thiên nhiên là sai đạo đức ngay cả khi chúng ta không vi phạm nghĩa vụ đối với những người khác. Trực giác này, theo lập luận của Sylva, cho thấy sự cần thiết của một nền đạo đức học mới, một nền đạo đức công nhận những giá trị của thế giới tự nhiên và nghĩa vụ của chúng ta đối với chúng.

Lập luận của Leopold cũng kéo sự chú ý của chúng ta đến với những bổn phận đạo đức vượt ra ngoài cộng đồng nhân loại.  Bài viết “Đạo đức thổ nhưỡng ” (the Land Ethic) dùng một hình thức luận lý gọi là  chủ nghĩa mở rộng đạo đức (moral extensionism). Ông mời gọi chúng ta hình dung chúng ta là những thành viên không những chỉ thuộc về một cộng đồng người nhưng còn thuộc về một cộng đồng sinh vật (biotic community): bao gồm các loài thực vật, động vật, và những mối liên hệ hỗ tương giữa chúng vốn tạo nên bối cảnh sinh thái mà trong đó con người sống cũng như phụ thuộc vào. Bài thực hành về trí tưởng tượng đạo đức này tạo thuận lợi cho việc nhận thức bổn phận của chúng ta đối với tự nhiên. Giống như việc chúng ta mong muốn cộng đồng người của chúng ta lớn mạnh và phát triển, thì chúng ta cũng phải mong muốn các quần thể động thực vật chúng ta chung sống cùng cũng được sinh sôi và phát triển. Thậm chí, chúng ta phải tin chúng ta có nghĩa vụ giúp các loài động thực vật lớn mạnh, hoặc ít là chúng ta đừng can thiệp đến sự sống của chúng. Leopold gọi sự bén nhạy đạo đức này là một đạo đức thổ nhưỡng. Khái niệm về đạo đức thổ nhưỡng giúp giải thích tại sao bà Judy K. có thể cảm nhận thấy trách nhiệm cần phải thực hiện một điều gì đó đối với loài trân châu tía trong ao hồ của bà: Bà cảm giác rằng bà có bổn phận không chỉ đối với những người láng giềng của bà nhưng còn đối với chính vùng đất bà đang sống. Chúng ta sẽ khám phá xem bổn phận đó chính xác là gì ở các chương tiếp theo. Còn ở đây chúng ta chỉ nói về ý thức gắn kết với đất đai và ý thức là một phần của một quần thể sinh vật. Ý thức này có thể là một phần quý giá của một cuộc sống tươi đẹp và đáng lựa chọn.

Suy nghĩ về một cộng đồng đạo đức bao gồm cả tự nhiên đã thách đố giả định truyền thống trong đạo đức học trước đó vốn chỉ xem con người là đối tượng xứng đáng để suy xét về mặt đạo đức mà thôi. Nhưng thách đố này có thể chưa đủ sâu đậm, vì: Hãy lưu ý rằng Leopold và Sylvan vẫn còn tập trung vào cộng đồng địa phương và những tác động tức thời từ các hành động của con người – Các phạm vi thời gian và địa lý mà các nhà khoa học này thực hiện vẫn giống như các nhà đạo đức học truyền thống sử dụng. Họ chưa đối mặt với một thực tế rằng chúng ta cũng tham dự vào một hệ thống toàn cầu, chính vì thế mỗi hành động của chúng ta có thể ảnh hưởng lên những con người ở những nơi rất xa chúng ta, những người dường như chúng ta không cảm thấy bất kỳ cảm thức cộng đồng nào cả. Và sự ô nhiễm chúng ta tạo ra cho hệ thống đó có thể kéo dài đến nhiều thế hệ, ảnh hưởng lên con người cũng như các sinh vật khác trong một tương lai rất xa. Như thế, đạo đức môi trường của thế kỷ 21 có thể phải xem xét lại ý niệm về cộng đồng đạo đức. Các chương tiếp theo sẽ khám phá xem cộng đồng đạo đức mới của thế kỷ 21 này có thể mang dáng dấp như thế nào.

  • Các trường phái đạo đức môi trường.

Bối cảnh của đạo đức môi trường được chia thành hai hệ thống: duy nhân (anthropocentric)duy sinh thái (ecocentric). “Duy nhân” có nghĩa đặt con người làm trung tâm. Quan điểm đạo đức này dựa trên tiền đề cho rằng duy chỉ đời sống con người mới có giá trị nội tại (nghĩa là, tốt tự thân); còn sự sống của những sinh vật không phải con người chỉ có giá trị trong mức độ nó đóng góp vào lợi ích của con người. Đạo đức học duy sinh thái thừa nhận rằng sự sống của những sinh vật không phải con người cũng có thể có giá trị nội tại; chúng có thể có cùng đích tự thân. Các nhà duy sinh thái cấp tiến hơn thì cho rằng sự sống con người không có giá trị đạo đức nào lớn hơn sự sống của các sinh vật không phải con người; mọi sinh vật đều có giá trị ngang nhau. Hai trường phái có tầm ảnh hưởng của đạo đức học duy sinh thái đó là: Sinh thái học chiều sâu (Deep ecology) và sinh thái học nữ quyền (ecofeminism).

  • Sinh thái học chiều sâu

Trường phái này, được đưa ra bởi triết gia Thụy Điển Arne Naess, nhận thức con người là một phần trong một hệ sinh thái lớn hơn, mà hệ sinh thái này lại có giá trị tự thân. Luận lý đạo đức khởi phát khi từng cá nhân phát triển một ý thức sinh thái, một nhận thức về việc mình là một phần của sinh quyển thuộc hành tinh lớn lao này. Mỗi cá nhân khi đạt được ý thức này sẽ trực giác hiểu rằng nếu chúng ta làm hại đến tự nhiên nghĩa là chúng ta đang làm hại chính mình. Do đó, sinh thái học chiều sâu dựa trên nguyên tắc bình đẳng sinh học – tất cả mọi vật trong sinh quyển đều có quyền sống bình đẳng và đạt đến các dạng thức riêng của sự tự hoàn thiện bản thân. Cách chung, áp dụng vào thực tế, chúng ta nên tìm cách giảm thiểu tác động của mình lên các loài khác và lên Trái đất.

  • Sinh thái học nữ quyền

Các nhà sinh thái học nữ quyền xem những mối tương quan thống trị –  nam giới đối với nữ giới và con người đối với tự nhiên – là nguyên nhân chính gây ra sự bất công và tàn phá môi trường. Họ biện luận rằng trong các xã hội ở Tây phương, phụ nữ và tự nhiên được đồng hóa chặt chẽ với nhau, và cả hai được quan niệm một cách tự nhiên là thụ động và lệ thuộc vào những mục tiêu và dự án của nam giới. Dó đó, hai hệ thống thống trị này có quan hệ mật thiết với nhau; và sinh thái học nữ quyền tìm cách lật đổ cả hai.

Chủ nghĩa sinh thái học nữ quyền cho rằng ngay cả khi mối bận tâm chính của bạn là công bình xã hội hơn là mối tương quan với tự nhiên, thì bạn cũng có thể nhận thấy đạo đức môi trường là tối quan trọng. Ví dụ, Carl Anthony – một nhà ủng hộ công bình xã hội người Mỹ gốc Châu Phi – lập luận rằng những người bị áp bức bóc lột có thể tìm thấy ý nghĩa và niềm an ủi trong đạo đức môi trường. Ông cho rằng những áp bức chủng tộc có thể tước đi nơi những nạn nhân cảm giác an toàn về bản thân, và đẩy họ ra khỏi cộng đồng của mình. Họ cảm giác như thể họ là “những ngoại kiều giữa một vùng đất xa lạ”. Anthony nhận ra việc nghiên cứu khoa học môi trường giúp chống lại não trạng tiêu cực này bằng cách đem đến cho ông một quan điểm khác về xã hội của mình – một quan điểm không chỉ đơn giản là phản chiếu lại các giá trị của nền văn minh da trắng. Ông viết: “Sự hiểu biết về trái đất và  về vị trí của chúng ta trong lịch sử tiến hóa lâu dài của nó có thể đem đến cho chúng ta một cảm thức về căn tính và sự thuộc về vốn có thể sửa trị sự kiêu căng và ngạo mạn là vũ khí của những kẻ áp bức chúng ta” (Anthony 2006, tr. 203).

  • Đạo đức học và những biến đổi xã hội.

Ngay cả khi chúng ta phác họa nên một nền đạo đức môi trường tốt hơn cho thế kỷ 21, thì một số người làm việc về chính sách môi trường vẫn sẽ không quan tâm đến những gì mà các nhà đạo đức học có bổn phận phải nói. Vấn đề ở chỗ: Leopold, Sylvan và nhiều nhà đạo đức môi trường khác dường như cho rằng việc phát triển đạo đức môi trường sẽ làm chúng ta thành những nhà quản lý môi trường tự nhiên tốt hơn. Nhưng nhiều nhà khoa học xã hội lại ngờ vực. Không phải ngẫu nhiên khi tin rằng đạo đức của chúng ta định hình những hành vi cá nhân của chúng ta, và do đó thay đổi đạo đức cá nhân sẽ đem đến những hành vi tốt. Nhưng cũng có những lý do chính đáng để tin rằng việc thay đổi niềm tin đạo đức cá nhân chưa hẳn là cách tốt nhất để tạo nên những biến đổi xã hội trên quy mô lớn. Có những quyền lực mang tính hệ thống định hình hành vi của chúng ta và những quyền lực này có thể  làm xói mòn đạo đức cá nhân. Thực tế, nhiều nhà khoa học xã hội cho rằng các cá nhân thực sự có rất ít quyền tự quyết về mặt đạo đức vì họ bị nhấn chìm vào trong các hệ thống kinh tế và chính trị bất công sâu sắc, vốn tước đi của họ những chọn lựa ý nghĩa về mặt đạo đức. Đây là một sự khác biệt quan trọng giữa đạo đức học truyền thống và các ngành khoa học xã hội, như xã hội học và khoa học chính trị: Các nhà đạo đức học luôn luôn tập trung vào các quyết định của cá nhân, nhưng các nhà khoa học xã hội lại tập trung tìm hiểu hệ thống xã hội, vì đó là những gì định hình nên hành vi cá nhân.

Chắc chắn, quan điểm của hệ thống xã hội này cũng có lý. Hãy xem xét các chọn lựa mà bạn có về cách sử dụng tài nguyên thiên nhiên: Bạn có quyền kiểm soát nguồn năng lượng bạn dùng để giặt giũ hay nấu ăn không? Bạn có quyền kiểm soát bao nhiêu trong cách gieo trồng thực phẩm của bạn? Chúng ta thường giống như bà Judy K., phải đối mặt với sự xâm lấn của loài trân châu tía vốn không phải tự bà gây ra và bà cũng không thể làm gì khác. Đây là một vấn đề mang tính hệ thống, nên một cá nhân hành động đơn lẻ sẽ có rất ít khả năng kiểm soát.

Tuy nhiên, ngay cả những nhà khoa học xã hội này thường không kết luận rằng mỗi cá nhân không thể thực hiện bất kỳ điều gì hữu ích. Ví dụ, việc hiểu những lỗ hổng trong các hệ thống xã hội có thể dẫn chúng ta đến hành động chính trị nhằm thay đổi hệ thống đó. Có lẽ, bà Judy cần tập họp và tổ chức lại khu dân cư của bà, đồng thời cần phát triển một cảm thức chung về các loài sinh vật ngoại lai cần được kiểm soát và phác thảo một kế hoạch để làm việc đó. Nói khác đi, nếu chúng ta bị kẹt trong một hệ thống bất công, có lẽ điều đạo đức mà chúng ta cần làm là phải thay đổi hệ thống đó. Chúng ta có thể cần phải phát triển một nền đạo đức chính trị bên cạnh đạo đức môi trường của chúng ta.

Hơn nữa, ngay cả khi hoạt động chính trị có thất bại và những lựa chọn cá nhân còn bị bối cảnh xã hội hạn chế đi nữa, thì chúng ta cũng vẫn có thể cố gắng làm cho những thực hành và những chính sách của mình phù hợp với những gì chúng ta hiểu biết cách tốt nhất về các giá trị môi trường. Thật vậy, một nền đạo đức môi trường dù có thể hay không thể cải thiện thế giới, nhưng chắc chắn nó có thể giúp bạn sống một đời sống cá nhân và nghề nghiệp của mình ý nghĩa hơn trong mối trương quan với cộng đồng sinh vật nơi bạn sống.

(còn tiếp)

Chuyển ngữ: Học viên Phaolô Nguyễn Xuân Danh

Nguồn: Kimberly K. Smith, Exploring Environmental Ethics – An Introduction,
(Carleton College, Northfield: Springer, 2018), 12-13.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *