- Phương pháp tra vấn đạo đức
Nhưng làm thế nào chúng ta có thể giải thích lý do cho những chọn lựa thường có vẻ quá sâu xa, phức tạp, mang đậm tính cá vị và phong thái riêng? Làm thế nào chúng ta có thể hy vọng đưa ra lý do và thứ tự ưu tiên cho những quyết định như thế?
Các triết gia đã và đang trăn trở với nan đề này hàng ngàn năm qua. Một vài tác phẩm quan trọng nhất về đạo đức học mà chúng ta có được đến từ một nền văn minh trên bán đảo Hy Lạp, vốn phát triển mạnh mẽ khoảng 5000 năm trước đây. Nền văn minh này cung cấp cho chúng ta không chỉ những triết gia vĩ đại như Plato và Aristotle nhưng còn mang lại những nền tảng về những gì mà thế giới đương đại gọi là truyền thống triết học đạo đức phương Tây. Quyển sách này là một phần của truyền thống đó. Truyền thống Tây phương về triết học đạo đức chỉ là một trong nhiều luận đàm về một cuộc sống tốt đẹp đang diễn ra khắp nơi trên thế giới này; nhưng thực sự, đó cũng chỉ là một trong nhiều luận đàm trong chính các xã hội phương Tây. Ví dụ, các thực hành tôn giáo thường cũng bao hàm rất nhiều suy tư và lý luận về đạo đức, và cũng có rất nhiều thảo luận chuyên ngành giữa các học giả trong lĩnh vực nghiên cứu tôn giáo và trong lĩnh vực triết học.
Tuy vậy, những triết gia đạo đức luôn nỗ lực biện lý về những vấn đề đạo đức theo một lối độc lập với bất kỳ truyền thống tôn giáo cụ thể nào. Nghĩa là, thay vì khởi đi từ thẩm quyền của một bản văn hoặc một giới luật tôn giáo, chúng ta bắt đầu từ những trực giác hoặc niềm tin đạo đức của chính mình. Sau đó, chúng ta đưa những niềm tin đó vào những phân tích phê bình dựa trên lý trí (rational critical analysis). Nghĩa là, chúng ta cố gắng xác định xem liệu một vài niềm tin của chúng ta có mâu thuẫn với những niềm tin khác vốn đã được minh định là tốt hơn. Điều này có thể liên quan đến tiến trình làm việc qua lại giữa những phán đoán cụ thể và những nguyên tắc phổ quát hơn, để đảm bảo chúng nhất quán với nhau. Các triết gia đặc biệt gọi tiến trình làm việc qua lại này là phương pháp quân bình suy tưởng (reflective equilibrium).[1] Mục đích nhằm đạt tới sự nhất quán nội tại giữa tất cả những niềm tin đạo đức của chúng ta. Chúng ta có thể nhận thấy rằng một vài niềm tin cần phải được sửa đổi, hay thậm chí phải hoàn toàn loại bỏ.
Ví dụ, chúng ta có thể gặp phải một câu hỏi gây ra nhiều bàn cãi hoặc tranh luận, như: Phải chăng là sai khi giết các động vật để làm thực phẩm? Chúng ta tiếp cận với câu hỏi đó bằng việc bắt đầu với một số nhận định có lẽ ít gây tranh cãi hơn, như: Phải chăng là sai khi giết con người làm thức ăn? Sau đó, chúng ta có thể lập luận từ cam kết chung đó: Giả như chúng ta đúng khi cho rằng không được giết người để làm thực phẩm, thì còn điều gì khác mà chúng ta phải khẳng định là đúng? Chúng ta có thể khởi đi từ việc giải thích lý do tại sao ăn thịt người là sai: Có phải có một điều gì đó về con người, một vài đặc điểm nào đó về con người khiến họ không thể bị biến thành thức ăn? Chúng ta có thể cũng muốn suy xét một vài trường hợp con người đã bị biến thành thực phẩm: Điều gì đã xảy ra trong những trưòng hợp đó khiến việc ăn thịt người dường như được chấp nhận? Cuối cùng, chúng ta có thể kết thúc việc tra vấn phán đoán của mình: Chẳng hạn, có lẽ việc ăn thịt người chỉ sai khi còn có sẵn những loại thức ăn khác. Rồi, chúng ta sẽ xem xét ở bất kỳ khía cạnh quan trọng mang chiều kích đạo đức, liệu con vật và con người khác nhau chăng. Theo cách thức đó, chúng ta cũng sẽ phải nại đến những gì chúng ta biết về động vật và con người. (Chúng có thấy đau đớn không, theo cùng những cách thức và cùng mức độ giống như con người? Liệu chúng có biết số phận của mình là trở thành thức ăn không? Chúng có quan tâm đến điều đó chăng?) Vào cuối tiến trình này, bạn có thể kết luận rằng có nhiều lý do chính đáng để nghĩ con vật khác biệt với con người trong cách thức có thể chấp nhận việc ăn thịt con vật. Dĩ nhiên, tôi có thể quyết định khác. Việc phân tích đạo đức học không hứa hẹn kết thúc những tranh biện về những vấn nạn đạo đức khó khăn. Tuy vậy, tiến trình này sẽ đem lại cho bạn một ý niệm rõ ràng hơn về những luận chứng hỗ trợ cho quan điểm của bạn. Đó là những lý do mà có lẽ tôi không thể không tôn trọng quan điểm của một ai đó, ngay cả khi tôi không đồng ý với chúng. Nói khác đi, quan điểm đạo đức của bạn sẽ được minh định rõ, và bạn sẽ thấy rõ ràng hơn và chắc chắn hơn về quan điểm đó là gì và tại sao bạn lại có quan điểm như vậy.
Có lẽ bạn đang tự hỏi: “Tại sao phải bận tâm đến tất cả những thứ này? Tôi cảm thấy những gì tôi tin là đúng; vậy vẫn chưa đủ sao? Chắc hẳn bạn không cần phải học đạo đức để trở thành một con người thiện lành. Đức hạnh chính yếu là một vấn đề của thói quen và xã hội hóa tốt. Tuy nhiên, nghiên cứu đạo đức học nhằm giúp người ta suy tư phản tỉnh cách nghiêm túc về các giá trị và thói quen mà họ đã thủ đắc, một cách thiếu cân nhắc, từ quá trình giáo dục của mình. Đây là điều tối quan trọng và thiết thực trong một nền văn hóa được định hình bởi chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tiêu thụ – những chủ nghĩa có thể cổ võ những lối hành xử thiếu trách nhiệm với môi trường. Thực vậy, những gì bạn cảm thấy đúng có thể rất sai lầm và việc duyệt xét mang tính phê bình có thể giúp chúng ta khám phá và sửa chữa những thói quen và giá trị đó.
- Tra vấn đạo đức so với tra vấn khoa học
Lưu ý rằng phương pháp được dùng trong phần này khác với những phương pháp được dùng để khám phá chân lý trong các khóa học về khoa học xã hội hoặc tự nhiên. Các nhà đạo đức học thường không tiến hành các thí nghiệm hoặc thu thập dữ liệu để kiểm tra các lý thuyết của họ. Mặt khác, giống với các nhà khoa học, họ nỗ lực làm sáng tỏ bao nhiêu có thể những giả định của mình, và họ tập trung phần lớn vào việc liệu những suy luận được rút ra từ những giả định có chặt chẽ và hợp lý hay không.
Như đã luận bàn ở Chương 1, các nhà đạo đức học thường đưa ra một số giả định về phạm vi địa lý và thời gian (the geographic and temporal scale) của cộng đồng đạo đức. Ví dụ, một phân tích đạo đức có thể giả định rằng cộng đồng bạn đang sống không quá lớn, vì bạn có thể dễ dàng nhận ra những hành động của bạn sẽ ảnh hưởng đến người khác như thế nào. Việc phân tích đó cũng có thể giả định rằng không khó để nhận biết những hành động nào sẽ gây ra những kết quả tương ứng nào. Đây là những giả định đơn giản hóa (simplifying assumptions) nhằm mục đích làm cho một vấn đề dễ quản lý hơn và phù hợp hơn với phân tích đạo đức. Nhưng trong một thời đại môi trường, đa văn hóa, và toàn cầu của chúng ta đang sống, những giả định đó dường như không còn đứng vững. Chúng ta biết rằng các hành động của mình tác động vượt ra ngoài cả cộng đồng mình đang sống và vượt xa hơn cả những ngày sống của mình trên trái đất này. Chúng ta nhận thức được chúng ta là một phần của các hệ thống không hề đơn giản, và chỉ một hành động nhỏ của mình cũng có thể gây ra những thiệt hại lớn.
Một điều cấp thiết trong tình trạng đạo đức hiện nay, như tất cả chúng ta đều thấy, đó là nhu cầu cần có những chiến lược dài hạn và trên một quy mô rộng lớn nhằm quản lý các vấn đề môi trường – những chiến lược đòi hỏi sự hợp tác toàn cầu. Do đó, chúng ta cảm thấy áp lực nặng nề để thăm dò xem liệu các trực giác đạo đức của chúng ta về các vấn đề môi trường có được người khác chia sẻ chăng, đặc biệt bởi những người đến từ những nền văn hóa không gần với chúng ta. Điều đó dẫn chúng ta đến với các ngành học khác, như xã hội học và nhân học, cũng như đến với các ý niệm về thuyết tương đối văn hóa, sẽ được luận bàn ở mục 2.4.2.
- Phương pháp tiếp cận Đạo Đức học của Phật giáo
Các truyền thống đạo đức và niềm tin khác cũng tham gia vào những bàn luận đạo đức. Dưới đây là một ví dụ về lý luận đạo đức Phật giáo về chủ đề ăn thịt động vật, do Giáo sư Tôn giáo Roger Jackson của Đại học Carleton cung cấp:
“Tại sao lại ăn thịt là một câu hỏi gây băn khoăn cho phần lớn các Phật tử, bắt nguồn từ sự căng thẳng giữa hai hướng dẫn nền tảng do Đức Phật đặt ra.
“Hướng dẫn đầu tiên là “Giới Luật Thứ Nhất” nổi tiếng, áp dụng cho tất cả các tăng, ni và cư sĩ, cấm không được sát sinh. Bản thân giới luật không chỉ rõ những dạng sống nào, nhưng nói chung là bao trùm tất cả “chúng sinh”, tức là từ con người “xuống đến” côn trùng nhưng không bao gồm thực vật. Trong việc cân nhắc các hậu quả của nghiệp, thường được gọi là “độ nặng” của nghiệp, rõ ràng là giết người thì tệ hại hơn giết một con vật, lý do thông thường là vì sự luân hồi của con người giàu tiềm năng tâm linh hơn so với việc sinh ra của con vật. Tuy nhiên, giết bất kỳ con vật nào cũng phải gánh chịu ác nghiệp, do đó có nguy cơ gây ra những hậu quả tiêu cực trong kiếp này và trong những kiếp sau.
“Hướng dẫn thứ hai là chỉ dẫn cụ thể mà Đức Phật đã truyền cho các đồ đệ khi được hỏi liệu ăn thịt có được chấp nhận hay không. Ngài trả lời rằng chỉ cần thịt đáp ứng đủ ba tiêu chí thì có thể ăn được. Ba tiêu chí đó là: (a) bạn không tự tay giết con vật, (b) bạn không ra lệnh giết con vật đó cho bạn, và (c) theo mức độ tốt nhất mà bạn có thể biết, con vật ấy không bị giết một cách rõ ràng cho bạn. Trong các điển tích đạo đức Phật giáo, ý hướng là chìa khóa của trách nhiệm đạo đức, và với việc đáp ứng ba điều kiện này, thì đối với hầu hết các Phật tử, những người ăn thịt là vô tội. (Điều quan trọng cần lưu ý: các chư Tăng Ni Phật giáo, theo nghĩa đen, là “những người khất thực” (bhikkhus/bhikkhunis), và vì vậy họ phải ăn bất cứ thức ăn nào được cho vào bát khi đi khất thực. Đây có thể là lý do thiết thực giúp điều chỉnh việc cho phép ăn thịt, và chắc chắn đó là điều khoản đã cho phép ngay cả những Phật tử tuân thủ giới luật cách tỉ mỉ cũng được ăn thịt với một lương tâm tốt lành.)
“Dòng suy luận này rõ ràng đặt ra một số câu hỏi, chẳng hạn như về mức độ chúng ta đồng lõa với việc sát sinh khi mua thịt ở siêu thị. Thật vậy, chính những lập luận dai dẳng của sinh viên về sự ảnh hưởng có tính liên đới này đã khiến tôi ăn chay trường từ khoảng hai mươi năm nay. Nhưng lý do mà họ – và tôi – sử dụng cho việc ăn chay là một phần mở rộng của các giới luật Phật giáo chứ không phải là sự giải thích chặt chẽ về những giới luật ấy, và ngụ ý rõ ràng rằng Giới Luật Thứ Nhất vượt trội hơn bất kỳ tiêu chuẩn nào có thể đã được thêm vào, ngay cả bởi chính Đức Phật. (Roger Jackson, email gửi tác giả, ngày 9 tháng 6 năm 2012).”
[1] Một thuật ngữ do John Rawls đặt ra khi nghiên cứu phép biện chứng Elenchus của Socrates, được nhắc tới nhiều trong trước tác “Luận về công bình”.
(còn tiếp)
Chuyển ngữ: Học viên Phaolô Nguyễn Xuân Danh
Nguồn: Kimberly K. Smith, Exploring Environmental Ethics – An Introduction,
(Carleton College, Northfield: Springer, 2018), 9-11.