• Vấn nạn về loài Trân Châu Tía (Purple Loosestrife)

Bà Judy K. đang thả bộ bên bờ ao thì nhận thấy một cảnh tượng kỳ lạ. Maria, hàng xóm của bà, đang lội dọc theo bờ ao và nhổ những đám cỏ dại màu tím sáng, mọc ở vùng nước nông. Maria vung tay cùng với những gì cô thu được và kêu lớn “Trân châu tía! Mày phải biến khỏi đây!” Bà Judy có vẻ bối rối và cất tiếng hỏi tại sao. Cô Maria đáp: “Trân châu tía là một loài thực vật xâm lấn quanh vùng này”. “Nó lấn át các loài thực vật bản địa khác. Nếu để chúng phát tán, chúng có thể làm thay đổi hệ sinh thái của hồ. Chúng cũng có thể gây hại cho động vật hoang dã vì loại bỏ các loại thức ăn tự nhiên và môi trường sống”. Bà Judy thực sự bối rối. Các thực vật dường như không bị xâm lấn cho dẫu bà thấy những ao khác gần đó có mật độ trân châu tía lớn hơn và dày đặc hơn nhiều. Bà liền khự nự: “Nhưng tôi thích loài trân châu tía”. “Và tại sao tôi phải thích loài thực vật bản địa hơn nhưng loại thực vật ‘xâm lấn’ chứ?” Cô Maria liền hỏi: “Bà không quan tâm đến đa dạng sinh học ư?” Bà Judy tư lự trước câu hỏi của Maria. Bà thực sự chưa bao giờ nghĩ đến đa dạng sinh học. Sao bà phải quan tâm nó chứ? Bà phải có nghĩa vụ loại bỏ loài trân châu tía chăng, ngay cả khi bà chẳng trồng nó từ đầu? Ngay lúc này, bà cảm thấy một cảm giác không thoải mái khó tả về loài trân châu tía, nhưng bà không chắc chắn liệu thực sự bà muốn nó biến mất chăng?

  • Tại sao lại là đạo đức?

Bà Judy K. đang gặp phải một tình huống khó xử về đạo đức mà hầu hết mỗi người trong chúng ta thường gặp. Bà nghĩ bà có nghĩa vụ luân lý để làm điều gì đó. Hẳn nhiên người hàng xóm của bà cũng đồng suy nghĩ. Nhưng chính bà Judy lại quá lưỡng lự. Bà cần thời gian để suy nghĩ thật kỹ liệu nhổ loài trân châu tía sẽ là lựa chọn tốt chăng, cũng như bà sẽ phải giải thích thế nào cho Maria hàng xóm của mình biết về quyết định của bà. Việc nghiên cứu về đạo đức nhằm giúp những người giống như trong hoàn cảnh của bà Judy lúc này.

Đạo đức là một lĩnh vực triết học tập trung vào việc minh giải và bảo vệ các phán đoán về hành vi đúng và sai. Chúng ta thường nghĩ đạo đức là những quy tắc chúng ta phải theo để trở thành một người tốt. Nhưng chúng ta cũng có thể định nghĩa đạo đức theo nghĩa rộng hơn, như là nghiên cứu về những gì góp phần tạo nên một cuộc sống nhân loại tốt đẹp hoặc đáng chọn lựa. Nghĩa là, đạo đức không chỉ nói về các quy tắc những còn nói về những mục đích tốt đẹp đáng theo đuổi, làm thế nào để sống tốt và tròn đầy trong thế giới này. Tương quan của bạn với thế giới tự nhiên có thể góp phần tạo nên một cuộc sống tốt đẹp theo nhiều cách. Rõ ràng nhất, tất cả chúng ta dựa vào tự nhiên để kiếm cái ăn, áo mặc và hết thảy mọi thứ chúng ta dùng đến trong cuộc sống. Chất lượng của thế giới tự nhiên ảnh hưởng đến sức khỏe và thể trạng của chúng ta. Việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên cũng ảnh hưởng đến các mối tương quan của chúng ta với người khác – những người đã sản xuất, đã bán, đã cần hoặc mua nhưng thứ này. Vì thế, tương quan của chúng ta với tự nhiên là một phần của đạo đức xã hội.

Tuy nhiên chúng ta không chỉ sử dụng tự nhiên mà thôi; chúng ta cũng cần biết ơn và trân quý tự nhiên nữa. Chúng ta ngỡ ngàng trước vẻ huy hoàng của tự nhiên, chúng ta thấy mình thật khiêm tốn trước sự vĩ đại của nó, nhiều lần chúng ta được làm dịu mát bởi nét mỹ miều của tự nhiên, và chúng ta rạng rỡ nhờ nét độc lạ không ngờ của nó. Những ngọn đồi quả núi giúp chúng ta kiểm tra sức bền bỉ và tính kỷ luật của mình. Những kỳ đông lạnh giá bắc bán cầu giúp chúng ta lượng đo sức ngoan cường của mình, và khi đối diện với những đau khổ của loài vật, chúng ta biết độ sâu thẳm nơi lòng cảm thương của mình. Chúng ta cũng có thể lấy cảm hứng thiêng liêng hay nghệ thuật từ thế giới tự nhiên. Hay mặt khác, chúng ta cũng có thể quay lưng lại với vẻ đẹp của tự nhiên hầu kiếm tìm những giác ngộ tâm linh. Đạo đức học cũng quan tâm đến giá trị của các kinh nghiệm này.

Cuối cùng, bạn có thể bị thuyết phục rằng bạn có bổn phận tôn trọng những sinh vật sống, đơn giản chỉ vì chúng (giống bạn) đang sống; chúng có khả năng phát triển theo cách đặc trưng riêng và điều đó đáng được trân quý. Nói khác đi, bạn có thể cưu mang một nền đạo đức thể hiện sự tôn trọng không chỉ đối với con người nhưng còn đối với chính tự nhiên nữa.

Hầu hết mọi người đều muốn sống tốt. Ít ra họ cũng muốn có thể biện minh cho những lựa chọn của mình – tức là giải thích tại sao họ lại sống theo cách đó. Ví dụ, chúng ta muốn suy nghĩ minh bạch về loại trải nghiệm nào với thế giới tự nhiên mà chúng ta đánh giá cao và lý do tại sao? Chúng ta muốn suy nghĩ minh bạch về việc liệu những chọn lựa của chúng ta (về nơi sống, về ngành nghề theo đuổi, về thức ăn, về những hàng hóa tiêu dùng, …v.v) có đang dẫn chúng ta đi vào loại hình tương quan với tự nhiên như chúng ta mong muốn hay không. Và chúng ta muốn biết chúng ta đang hài lòng với những nghĩa vụ luân lý của mình. Việc nghiên cứu đạo đức sẽ giúp chúng ta làm minh bạch những điều đó.

(còn tiếp)

Chuyển ngữ: Học viên Phaolô Nguyễn Xuân Danh

Nguồn: Kimberly K. Smith, Exploring Environmental Ethics – An Introduction,
(Carleton College, Northfield: Springer, 2018), 8-9.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *