• Đạo đức – một phần trong Giáo dục Môi trường Liên ngành.

Quyển sách đặc biệt được viết cho những ai quan tâm đến lối tiếp cận liên ngành về các vấn đề môi trường. Nhiều đại học thiết lập những khóa học dựa trên môn học về các vấn đề môi trường: một người có thể học hóa học, sinh thái học, vật lý, địa lý, khoa học chính trị, kinh tế, lịch sử, hoặc triết học, và áp dụng các lý thuyết và các phương pháp học được trong các môn học đó vào trong các vấn đề môi trường. Lối tiếp cận đó sẽ mang đến cho bạn một vài công cụ hữu ích và những hiểu biết có giá trị. Tuy nhiên, các chương trình liên ngành phải dựa vào việc xác tín rằng các vấn đề môi trường được bắt nguồn từ trong các hệ thống sinh thái xã hội phụ thuộc lẫn nhau. Không một môn học nào riêng rẽ có thể minh giải đầy đủ về cách thức các hệ thống đó vận hành hoặc đưa ra phương thức quản lý chúng một cách tốt nhất. Chúng ta cần tri thức từ nhiều môn học khác nhau, và chúng ta cần những cách thức hiệu quả để nội tâm hóa những gì chúng ta học được trong các môn học quá khác biệt nhau này.

Đó là một vấn đề không hề dễ dàng, vì mỗi một môn học dựa vào những giả định khác nhau và thậm chí bất khả đối chiếu: những giả định về tự nhiên là gì, những yếu tố nhân quả nào chúng ta nên lưu tâm, phạm vi không gian (địa lý) và thời gian thích hợp nào để hiểu về thế giới, và ngay cả những gì được coi như là “chân lý.” Ví dụ, một nhà sinh thái học luôn luôn nghiên cứu các hiện tượng ở cấp độ cảnh quan (phạm vi địa lý) và xem xét những thay đổi xảy ra trong một khoảng thời gian tốt nhất là vài năm (phạm vi thời gian). Nhà sinh thái học nghĩ về tự nhiên như một hệ thống phức tạp và năng động, ở đó các loài thực vật và động vật, khí hậu, thủy sinh và các yếu tố tự nhiên khác tương tác gây nên những hiện tượng như chúng ta quan sát thấy. Và nhà sinh thái này sẽ xác minh lại các kết luận nhờ vào việc thu thập các dữ liệu từ lĩnh vực nghiên cứu của mình, đồng thời sử dụng các phương pháp thống kê nhằm rút ra những tham chiếu đến những hiện tượng lớn hơn cũng như các lĩnh vực rộng hơn. Trái lại, một nhà kinh tế học có thể chỉ tập trung vào các hệ thống kinh tế quốc nội hoặc quốc tế, đánh giá những chuyển biến diễn ra trong một vài thập niên. Nhà kinh tế học cho rằng những lựa chọn của con người (ví dụ, được phản ánh trong các chính sách cộng đồng hoặc hành vi người tiêu dùng) gây nên những hiện tượng như chúng ta vẫn thấy. Nhà kinh tế học cũng thu thập các dữ liệu và đưa ra các tham chiếu – đó là một sự tương đồng quan trọng – nhưng biết đâu lại nghĩ về thiên nhiên như là một hộp lưu trữ tài nguyên, chứ không như một hệ thống năng động. Như thế, một chút quan ngại đó là các nhà sinh thái học và các nhà kinh tế học thường gặp khó khăn trong việc trao đổi với nhau về các vấn đề liên quan đến môi trường.

Đạo đức là một ngành triết học luân lý vốn cũng là một môn học thuật dựa trên những giả thiết nhất định. Các nhà đạo đức học, một cách truyền thống, đã tập trung vào cách thức các chọn lựa được thực hiện bởi từng cá nhân ảnh hưởng đến những người khác trong một thời gian ngắn, hơn là chú trọng vào các hệ thống xã hội hoặc tự nhiên phức tạp hoạt động qua nhiều thập niên hoặc thế kỷ. Tuy nhiên, các vấn đề môi trường trong thời đại biến đổi khí hậu toàn cầu là kết quả của sự tương tác phức tạp của hàng ngàn hay hàng triệu những quyết định nhỏ và ảnh hưởng đến những người sống cách nhau cả nửa vòng trái đất hoặc đến những người mãi về sau này. Lối tiếp cận học thuật truyền thống với đạo đức học đã phải cải biến hầu giải quyết những vấn đề như: Các nhà đạo đức môi trường đã phải mở rộng phạm vi địa lý và thời gian trong tư duy của họ. Họ phải dấn thân vào lãnh vực khoa học tự nhiên và suy nghĩ về việc liệu chúng ta có nghĩa vụ luân lý đối với những thứ như các loài hoặc hệ sinh thái hay không. Và họ đã phải đối diện với sự thật rằng trong thế giới thực, các cá nhân có thể không có nhiều chọn lựa về cách họ tương tác với môi trường, vì họ bị mắc kẹt trong các hệ thống sinh thái – xã hội phức tạp vốn giới hạn các lựa chọn của họ.

Quyển sách này là một nỗ lực nhằm đem môn đạo đức học vào cuộc đối thoại sâu xa hơn với các bộ môn khác vốn đã góp phần vào việc quản lý các vấn đề môi trường. Quyển sách sẽ mời bạn suy nghĩ về quan điểm của một nhà đạo đức học khác với quan điểm mà bạn gặp thấy trong các khóa học nghiên cứu môi trường khác như thế nào. Ví dụ, các nhà sinh thái học có những định nghĩa tiêu chuẩn về các khái niệm như “hệ sinh thái” và “đa dạng sinh học”. Còn các nhà đạo đức học lại thường đặt câu hỏi về các định nghĩa đó, hỏi (cách ngụ ý) chúng dựa trên những giá trị nào? Tương tự, các nhà kinh tế lên chiến lược cho việc quyết định bao nhiêu giá trị để tạo ra lợi nhuận trong tương lai (được gọi là “chiết khấu”). Các nhà đạo đức đã đặt vấn đề làm thế nào và tại sao các nhà kinh tế có khuynh hướng chiết khấu những lợi nhuận trong tương lai như thế. Liệu có được biện minh về mặt triết học và đạo đức khi đánh giá các lợi ích cho các thế hệ tương lai khác với việc chúng ta đánh giá các lợi ích mà chúng ta hưởng dùng ngày nay? Trở nên nhạy bén với những sự khác nhau giữa các ngành – nơi các học giả khác nhau “xuất phát”, các học giả đưa ra những giả định gì, và nghiên cứu của họ liên hệ thế nào tới công việc đang được thực hiện trong các ngành khác – thì tối quan trọng đối với ai dấn thân vào công tác liên ngành. Tôi mong quyển sách này sẽ giúp bạn phát huy sự bén nhạy đó.

  • Tổng quan về quyển sách.

Quyển sách này không có ý đề cập hết mọi chủ đề trong lĩnh vực đạo đức môi trường một cách chi tiết. Thay vào đó, nó chọn ra một số chủ đề trọng yếu và đem đến một cái nhìn tổng thể về các bàn luận học thuật diễn ra giữa các nhà đạo đức học (cũng như giữa các nhà đạo đức học với các học giả của các ngành khác) liên quan đến chủ đề đó. Tổng quan này có ý nghĩa như một hướng dẫn về tài liệu học thuật trong lĩnh vực này (nhưng không thay thế cho việc tự đọc tài liệu ấy!).

Chương 2 bàn về bản chất của việc tra vấn đạo đức và tại sao chúng ta cần đến một nền đạo đức nhằm giải quyết rõ ràng mối tương quan của chúng ta với thế giới tự nhiên.

Chương 3 giới thiệu những khái niệm khác nhau về công bằng vốn có thể giúp chúng ta suy nghĩ về chính sách môi trường. Chương này cũng bàn luận về mức độ mà chính quyền phải tiến hành bảo vệ môi trường (nghĩa là, những giới hạn thích hợp của quyền lực chính phủ là gì?) và đâu là những điều chúng ta có thể mong đợi ở các công dân và các tổ chức có liên hệ tới môi trường (nghĩa là, nghĩa vụ công dân của chúng ta là gì?)

Chương 4 và 5 suy xét, ngoài những người mà chúng ta cùng chung sống, những đối tượng nào nữa chúng ta cần phải có các trách nhiệm công bình: Liệu chúng ta phải có trách nhiệm với các động vật, thực vật, các loài, hệ sinh thái không? Các thế hệ tương lai thì thế nào? Làm sao để các thế hệ tương lai đó hình dung được những quyết định của chúng ta lúc này?

Chương 6 khám phá ý nghĩa và giá trị của các quyền sở hữu tài sản và cách thức quản lý có thể góp phần tạo nên một cuộc sống tốt đẹp và đáng lựa chọn.

Chương 7 đề cập đến một vấn đề trọng tâm khác trong chính sách môi trường: Đâu là những giá trị và ý nghĩa chúng ta nhận ra nơi các cảnh quan? Điều gì khiến cảnh quan đáng được bảo tồn? Làm thế nào để giải thích cảnh quan liên hệ tới công bình và một cuộc sống tốt lành?

Cuối cùng, Chương 8 xem xét những cách thức người ta có thể tạo ra không gian cho việc quản lý môi trường trong cuộc sống của chính mình.

Quyển sách ngắn gọi này đơn thuần chỉ là một bước khởi đầu, một nỗ lực nhằm đưa đến cho bạn một nền tảng để khám phá và phản tỉnh sâu xa hơn nữa. Mỗi chương kết thúc với một số gợi ý các bài đọc thêm trong lĩnh vực đạo đức môi trường. Tuy nhiên, việc phát triển đạo đức môi trường hơn lúc nào hết là một vấn đề của việc bắt tay vào hành động và của việc phát triển những thói quen chu đáo, chú tâm và cẩn thận trong giao tiếp của bạn với thế giới tự nhiên.

(còn tiếp)

Chuyển ngữ: Học viên Phaolô Nguyễn Xuân Danh

Nguồn: Kimberly K. Smith, Exploring Environmental Ethics – An Introduction,
(Carleton College, Northfield: Springer, 2018), 3-5.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *