(Hình ảnh từ Internet)
1.Lời Chúa
7 Và để tôi khỏi tự cao tự đại vì những mặc khải phi thường tôi đã nhận được, thân xác tôi như đã bị một cái dằm đâm vào, một thủ hạ của Xa-tan được sai đến vả mặt tôi, để tôi khỏi tự cao tự đại.8 Đã ba lần tôi xin Chúa cho thoát khỏi nỗi khổ này.9 Nhưng Người quả quyết với tôi: “Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối.” Thế nên tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Ki-tô ở mãi trong tôi.10 Vì vậy, tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Ki-tô. Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh. (2Cr 12,7-10)
2.Tìm hiểu 2 Cr 12:7-10
Chương 10-13 làm nên phần thứ ba của 2 Cô-rin-tô, và cũng thật thất vọng khi mà Bài đọc hôm nay không tận dụng được hết giá trị của chúng. Bối cảnh của chúng có thể được tóm kết như sau.
Sau khi kêu gọi cộng đoàn hòa giải trong các chương 1 – 7 và khuyến khích họ hoàn tất việc lạc quyên, thì trong các chương 10-13 thánh Phao-lô bàn về những kẻ ở bên ngoài vốn gây cho ngài rất nhiều khó khăn. Việc họ đến Cô-rin-tô đã xâm phạm vào cánh đồng sứ mạng của ngài. Quan trọng hơn, họ đề cao chính họ bằng cách hạ thấp uy tín thánh Phao-lô, tố cáo ngài chỉ biết viết những lá thư quyết liệt nhưng lại khá nghèo nàn về khoa ăn nói. Họ cho rằng ngài đã lợi dụng cộng đoàn.
Thánh Phao-lô ý thức những tố cáo này và dường như ngài biết được phải làm gì với họ, những người mà ngài gọi một cách mỉa mai là “những siêu tông đồ”. Theo ngài, họ quá phóng đại về quyền hành và sức mạnh của họ, và họ không coi trọng vai trò của đau khổ và yếu đuối trong đời sống tông đồ. Vì thế, thánh Phao-lô nói thẳng thừng rằng họ là những tông đồ giả và là tay chân của Satan, những kẻ giả danh là tông đồ của Đức Ki-tô. (11:13).
Tuy nhiên, thánh Phao-lô phải đối phó với họ, dù cho ngài không muốn đề cao chính ngài. Kết quả là ngài dùng một chiến thuật khá thú vị trong những chương cuối cùng của lá thư này. Ngược lại với những siêu tông đồ, những kẻ đã phóng đại về dòng dõi Do Thái, kỹ năng ăn nói và kinh nghiệm huyền bí của họ, thánh Phao-lô lại đề cao những đau khổ và yếu đuối của ngài.
Bản văn tuần này là một phần của một đơn vị lớn hơn trong đó thánh Phao-lô dấn thân vào việc phóng đại ngu dại (11:16-12:10). Vì thế, những nhà thuyết giảng phải đọc toàn bộ bản văn một cách cẩn thận. Bài diễn văn bắt đầu với việc thánh Phao-lô đề cao về dòng dõi Do Thái của ngài nhưng nhanh chóng được chuyển sang những đau khổ và sỉ nhục mà ngài đã phải chịu như một vị tông đồ của Đức Ki-tô. Cho nên, trong chương 12, thánh Phao-lô kể lại một huyền nghiệm trong đó ngài được đưa lên các tầng trời, nhưng ngài kết luận rằng ngài lại tự hào về một cái dằm mà ngài được trao ban.
Chiến lược của thánh Phao-lô trong những chương này rất rõ ràng: Thông điệp nghịch lý của tin mừng chính là ở chỗ Thiên Chúa mặc khải quyền năng của người trong sự yếu đuối, giống như người đã thực hiện trên thập giá. Vì thế, thánh Phao-lô kết luận rằng chính khi ngài mạnh là lúc ngài yếu. Những kẻ siêu tông đồ vẫn chưa hiểu biết được nghịch lý của thập giá, và vì thế, họ không có khả năng trở thành những thừa tác viên đích thực của Đức Ki-tô.
Đây là một cơ hội tuyệt vời để những nhà giảng thuyết có thể nói về thông điệp nghịch lý của thập giá. Để làm điều đó, họ phải đọc những chương này và suy tư về những cách thức trong đó thánh Phao-lô đề cao đau khổ và yếu đuối của ngài hơn sức mạnh và quyền lực. Họ sẽ làm tốt nếu khai thác hiểu biết của thánh Phao-lô rằng chính khi ngài yếu là lúc ngài mạnh, vì sức mạnh trở nên hoàn hảo trong sự yếu đuối. Điểm then chốt để hiểu nghịch lý này chính là thập giá; vì, khi tín hữu từ bỏ quyền lực và sức mạnh, như Đức Ki-tô đã làm trên thập giá, Thiên Chúa sẽ lấp đầy họ bằng sự sống phục sinh.
Nguồn: Frank J. Matera, Strategies for Preaching Paul, (Nguyễn Hữu Phong, SJ chuyển ngữ) (Minnesota: The Liturgical Press, 2001), 82-83.