(Hình ảnh từ Internet)

1.Lời Chúa

3 Chúc tụng Thiên Chúa
là Thân Phụ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta.
Trong Đức Ki-tô,
từ cõi trời, Người đã thi ân giáng phúc
cho ta hưởng muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần.

4 Trong Đức Ki-tô,
Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ,
để trước thánh nhan Người,
ta trở nên tinh tuyền thánh thiện,
nhờ tình thương của Người.

5 Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người,
Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử
nhờ Đức Giê-su Ki-tô,

6 để ta hằng ngợi khen ân sủng rạng ngời,
ân sủng Người ban tặng cho ta
trong Thánh Tử yêu dấu.

7 Trong Thánh Tử, nhờ máu Thánh Tử đổ ra
chúng ta được cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi
theo lượng ân sủng rất phong phú của Người.

8 Ân sủng này, Thiên Chúa đã rộng ban cho ta
cùng với tất cả sự khôn ngoan thông hiểu.

9 Người cho ta được biết thiên ý nhiệm mầu:
thiên ý này là kế hoạch yêu thương
Người đã định từ trước trong Đức Ki-tô.

10 Đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn
là quy tụ muôn loài trong trời đất
dưới quyền một thủ lãnh là Đức Ki-tô.
Cũng trong Đức Ki-tô,

11 Thiên Chúa là Đấng làm nên mọi sự
theo quyết định và ý muốn của Người,
đã tiền định cho chúng tôi đây làm cơ nghiệp riêng
theo kế hoạch của Người,

12 để chúng tôi là những người đầu tiên
đặt hy vọng vào Đức Ki-tô,
chúng tôi ngợi khen vinh quang Người.

13 Trong Đức Ki-tô, cả anh em nữa
anh em đã được nghe lời chân lý
là Tin Mừng cứu độ anh em;
vẫn trong Đức Ki-tô,
một khi đã tin, anh em được đóng ấn Thánh Thần,
Đấng Thiên Chúa đã hứa.

14 Thánh Thần
là bảo chứng phần gia nghiệp của chúng ta,
chờ ngày dân riêng của Thiên Chúa được cứu chuộc,
để ngợi khen vinh quang Thiên Chúa. (Ep 1:3-14)

2.Tìm  hiểu Ep 1:3-14

Lời chúc tụng cao vời, vốn nằm ở phần mở đầu thư gửi tín hữu Ê-phê-sô, là nền tảng cho toàn bộ điều thánh Phao-lô sẽ nói đến trong phần còn lại của lá thư. Kinh ngạc trước kế hoạch cao vời của Thiên Chúa được mặc khải trong Đức Ki-tô, thánh tông đồ tán dương Thiên Chúa là Cha của Đức Ki-tô Giê-su. Mặc dù đằng sau lời tán dương này còn có nhiều khía cạnh khác, nhưng lời tán dương ấy luôn luôn lấy công trình của Thiên Chúa trong Đức Ki-tô làm trọng tâm. Vì thế, trong Đức Ki-tô, Thiên Chúa đã ban đầy ơn Chúa Thánh Thần cho các tín hữu; trong Đức Ki-tô, Ngài đã chọn lựa họ trước cả khi tạo thành vũ trụ; và nhờ Đức Ki-tô, Ngài đã tiền định cho họ được làm nghĩa tử. Trong Đức Ki-tô, các tín hữu được cứu chuộc nhờ máu của người đổ ra; và giờ đây, khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã thực hiện kế hoạch của ngài là phục hồi mọi sự trong Đức Ki-tô. Mục đích của sự hiện hữu là tán dương Thiên Chúa vì vinh quang của ngài. Các tín hữu đã được đóng ấn Thánh Thần, là phần thưởng trước nhất trong gia nghiệp chúng ta được thừa kế.

Mặc dù có rất nhiều chủ đề trong lời chúc tụng này, nhưng chủ đề về kế hoạch của Thiên Chúa được mặc khải trong Đức Ki-tô lại tiếp tục được khai triển. Sự sống, sự chết, và sự phục sinh của Đức Ki-tô đã tỏ lộ điều đã bị giấu kín qua bao thế hệ. Cụ thể hơn, Thiên Chúa đã mặc khải mục đích của ngài là phục hồi mọi sự trong Đức Ki-tô.

Điều thánh Phao-lô nói trong bài chúc tụng này củng cố lời kêu gọi sống luân lý ở phần thứ hai của lá thư. Vì thế, nếu Thiên Chúa đã chọn lựa các tín hữu Ê-phê-sô trong Đức Ki-tô, thì họ không thể sống như trước được nữa. Kế hoạch của Thiên Chúa được mặc khải trong Đức Ki-tô kêu gọi họ tán dương Thiên Chúa vì mọi sự đã được thực hiện trong Đức Ki-tô. Kế hoạch ấy mời gọi họ sống một cuộc sống thánh thiện và không thể chê trách.

Đối với nhiều người, thế giới hiện ra như một nơi hỗn mang không có trật tự hoặc lý tính. Tuy nhiên, lời chúc tụng mở đầu của thư gửi tín hữu Ê-phê-sô tạo cơ hội cho các nhà giảng thuyết trình bày một cái nhìn khác về thế giới, một nơi Thiên Chúa đã lên kế hoạch phục hồi mọi sự trong Đức Ki-tô. Không phải ai cũng chấp nhận tầm nhìn này, và các nhà giảng thuyết cần ý thức điều đó. Sự phục hồi mọi sự trong Đức Ki-tô là một mầu nhiệm mà Thiên Chúa đã mặc khải nhưng thánh Phao-lô phải giải thích. Giống như thánh Phao-lô thấy cần phải giải thích mầu nhiệm này cho tín hữu Ê-phê-sô, các nhà giảng thuyết cũng sẽ nhận thấy cần thiết phải nhắc nhở các cộng đoàn của mình về kế hoạch của Thiên Chúa và vai trò của họ trong kế hoạch ấy.

Nguồn: Frank J. Matera, Strategies for Preaching Paul, (Nguyễn Hữu Phong chuyển ngữ) (Minnesota: The Liturgical Press, 2001), 87-88.