Phần Mở Đầu

Lý do chọn đề tài

Ngang qua các phương tiện thông tin đại chúng, hiện trạng của thế giới cho thấy con người ngày nay đang đối diện với nhiều vấn đề về luân lý, tư tưởng, chính trị, kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, đây không phải là những vấn đề chỉ có ở thế giới hiện đại. Suốt chiều dài lịch sử, nhân loại luôn phải đối diện với một câu hỏi mang tính hiện sinh “ý nghĩa của cuộc sống này là gì?”. Con người luôn bị chính câu hỏi đó thôi thúc để có thể đi tìm ý nghĩa thật sự của sự hiện hữu của mình. Và tất cả mọi hành động của con người cốt yếu là để đáp trả cho câu hỏi mang tính lịch sử ấy. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là với một lý tưởng cao đẹp như vậy, tại sao đời sống lại nảy sinh những vấn đề tiêu cực như thế? Dù khác nhau về cách thức diễn tả, nhưng tựu chung lại, những vấn đề đó hướng đến một khao khát tự nhiên của con người, đó là khao khát đi tìm hạnh phúc. Tuy vậy, những cách thức khác nhau ấy lại đem lại những hậu quả khác nhau về lối sống, có khi là tiêu cực. Và đến cực độ, con người trong chính sự bế tắc của mình phải tìm đến cái chết như một sự giải thoát. Chính vì thế, nghịch lý xảy đến là con người đi tìm hạnh phúc nhưng lại đánh mất hạnh phúc của chính mình. Vậy đâu mới là con đường mà chủ thể có thể vận dụng để đi tìm hạnh phúc đích thực? Bài viết này mong muốn đóng góp một phần vào trong tiến trình suy tư ấy, chí ít là với phương diện cá nhân, để giúp đưa con người tới một nhận thức sâu xa về chính mình hơn để cuộc sống được hạnh phúc hơn.

Phương pháp nghiên cứu

Qua việc đào sâu bản văn, bài viết sẽ đi theo hướng tiếp cận hiện sinh nhất của con người với câu hỏi về cái chết. Từ đó, cái chết sẽ hướng dẫn con người tìm ra được ý nghĩa của cuộc sống này. Qua đó, con người bắt đầu quá trình suy tư để biết mình phải làm gì trong thế giới này. Để rồi, con người có thể sống những gì mình đã nghiệm được bằng đời sống nhân đức để có thể có được một hạnh phúc đích thực trong cuộc đời.

Phạm vi nghiên cứu

Bài viết tập trung chính vào tư tưởng khắc kỷ hiện sinh trong tác phẩm Suy Tưởng của tác giả Marcus Aurelius.

Đối tượng nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu chính của bài viết là mối tương quan giữa hạnh phúc và lý trí của con người. Hay nói cách khác, bài viết nhắm đến việc con người có thể có hy vọng đạt đến được hạnh phúc của chính mình nhờ sự vận dụng lý trí một cách đúng đắn.

Ý nghĩa nghiên cứu

Bài viết trước hết xác định được vị trí sự hiện hữu của con người trong thế giới. Từ đó, việc sử dụng lý trí đúng đắn trở nên cách thức giúp con người đi tìm ý nghĩa của cuộc đời mình và từ đó đạt được một đời sống hạnh phúc.

Đóng góp của nghiên cứu

Đề nghị một lối sống để giúp giải quyết vấn đề đau khổ của đời sống trong bối cảnh hiện nay

 

Chương 1
Tổng Quan
Bối Cảnh Lịch Sử

Thân thế sự nghiệp

Marcus Aurelius (Marcus Aurelius Antoninus Augustus ; 26 tháng 4 năm 121 – 17 tháng 3 năm 180 sau Công nguyên) là hoàng đế La Mã từ năm 161 đến 180. Ông mất cha từ sớm nên được ông nội nhận nuôi. Sau này, ông được hoàng đế Hadrianus nhận làm con nuôi và được thừa kế ngai vàng.

Tác giả sinh sống và tác phẩm được hình thành trong bối cảnh của đế chế La Mã trong thời kỳ thịnh vượng. Đây là lúc đế chế trải dài trong một vùng đất rộng lớn với số dân ước tính khoảng 80 triệu người, gồm đủ các sắc tộc và cả người nô lệ.[1] Mọi việc trong đế chế chỉ nhắm đến một mục đích duy nhất là đi chinh phạt các vùng đất mới và bảo vệ đế chế trước nguy cơ của ngoại xâm. Đây cũng là yếu tố quan trọng để xây dựng nên ý niệm về công ích của Marcus Aurelius. Vì việc chinh chiến cần rất nhiều nguồn lực về nhân lực và vật lực, nên việc kêu gọi sự đóng góp của người dân được xem như là vấn đề thiết yếu. Hơn nữa, môi trường quân đội đòi hỏi một sự kỷ luật rất cao, nên được xem như là cách để rèn luyện ý chí và lý trí. Chính trong một môi trường như thế, yếu tố lý trí được đề cao như là cách để đưa đến việc hành xử trong xã hội. Bên cạnh đó, một lối sống hưởng thụ cũng chi phối phần lớn cư dân của đế quốc.

Sự phân cấp trong xã hội cũng là một trong những yếu tố nổi bật của thời kỳ này. Người La Mã đã duy trì chế độ chiếm hữu nô lệ trong gần 1000 năm hình thành của đế quốc. Mọi sản phẩm của đế chế gần như được sản xuất dưới bàn tay của người nô lệ.[2] Trong bối cảnh này, yếu tố tự do hay giải phóng là điều thường được nhắc đến. Do đó, muốn duy trì được một bộ máy chính trị ổn định, nhà cầm quyền phải đảm bảo được tính công bằng cho xã hội. Đây chính là một trong những nhân đức trụ mà Aristotles đã nghị. Tuy vậy, Aurelius còn tiến xa hơn. Ông không chỉ nhắm đến tự do của thể xác nhưng là sự tự do của tinh thần. Một sự tự do để làm chủ bản thân. Những điều này sẽ được đề cập cách sâu hơn ở phần sau.

Tuy nhiên, điểm nhấn ở đế chế La Mã lúc này chính là sự kế thừa các tư tưởng tinh hoa của các bậc tiền nhân. Đặc biệt, nền giáo dục đã tương đối phát triển với nhiều trường học được mở ra. Những xu hướng này đã góp phần ảnh hưởng đến tư tưởng của Marcus Aurelius sau này.

Tiền đề làm nên tư tưởng

Marcus Aurelius tiếp thu một nền giáo dục văn chương và tu từ. Vì thế, ông bị ảnh hưởng ban đầu bởi những truyền thống này. Tuy nhiên, nhờ một nền giáo dục như thế, ông đã có cơ hội được tiếp xúc với nhiều hệ thống tư tưởng Hy La thời cổ đại. Đặc biệt, ông chịu ảnh hưởng nhiều bởi tư tưởng khắc kỷ của Epictetus ngang qua người thầy của ông là Rusticus.[3]

Phái khắc kỷ được xem như là do Zeno khởi xướng vào thế kỷ thứ tư trước công nguyên. Tuy nhiên, người đã xây dựng triết lý khắc kỷ thành một hệ thống triết học có sức ảnh hưởng lớn lại là Seneca và Epictetus. Aurelius đã tiếp cận gần nhất với tác phẩm Discourses của Epictetus và tư tưởng này đã ảnh hưởng sâu đậm trên triết thuyết khắc kỷ của ông. Triết lý khắc kỷ nhắm đến giải thích 3 vấn đề chính: vật lý, luận lý và đạo đức. Vật lý đến từ truyền thống Heraclitus. Luận lý đến từ truyền thống của Aristotles. Cuối cùng, đạo đức đến từ truyền thống của Socrates.[4] Trong ba yếu tố này thì đạo đức đóng vai trò cốt lõi. Vật lý và luận lý tự bản thân nó không phải là đối tượng để cho con người nhắm đến. Chúng đơn thuần chỉ mang tính chất của tri thức luận. Trái lại, đạo đức mang trong mình yếu tố cùng đích mà con người đang nhắm đến. Tuy nhiên, cả ba yếu tố này liên hệ với nhau cách chặt chẽ. Bởi vì, con người sẽ không hiểu được một lối sống đạo đức sẽ như thế nào hay bản chất của con người là gì nếu như thiếu đi sự hiểu biết về thế giới mà họ đang sống. Như Gourinat đã nhận định: “Tự nhiên trở thành không chỉ như là cùng đích của đạo đức nhưng còn là nền tảng và điểm khởi của đạo đức.”[5] Nền tảng và điểm khởi là căn cứ để cho đạo đức được hiện thực. Và đối tượng của các hành động nhân đức là chính môi trường mỗi người đang sống.

Tuy nhiên, cách nhìn của Aurelius được xem là khá mở khi ông cũng dung hòa tư tưởng của phái khoái lạc và các tử tưởng khác.[6] Tất cả được hòa quyện trong một phương cách mới cho những suy tư của ông.

Một vài phác họa về tác phẩm

Tác phẩm Suy tưởng không phải là một tác phẩm chính thống của Marcus Aurelius. Thay vào đó, nó là tập hợp những suy tư của chính ông về cuộc đời. Người viết là Marcus Aurelius và đối tượng cũng chính là Marcus Aurelius.[7] Vì thế, người đọc cần đặt mình trong vị thế của Marcus Aurelius với tất cả bối cảnh của La Mã cổ đại.

Tác phẩm Suy Tưởng không mang trong mình một cấu trúc cụ thể. Mặc dù vậy, tác phẩm vẫn được chia thành 12 phần và trong mỗi phần được chia nhỏ thành các phân đoạn. Những phần này không được nối kết với nhau theo một trật tự. Tuy vậy, sợi chỉ đỏ xuyên suốt nối các phần lại với nhau là cách sử dụng lý trí để nhận biết và sống trong thế giới này để đi tìm hạnh phúc. Các chủ đề của cuốn Meditations sẽ quay quanh chủ đề chính, đó là cách thức để con người vận dụng được lý trí trong cuộc sống.

 

Chương 2
Vị Trí Của Con Người Trong Thế Giới

Đau khổ cái chết

Đối với cách nhìn bình thường, sự đau khổ của con người được xem như là sự xấu. Đây là một kinh nghiệm hiện sinh sâu xa của của con người. Khi sinh ra, chắc hẳn ai cũng đã từng có kinh nghiệm về sự đau khổ, không những chỉ ở thể xác mà còn là tinh thần. Chính vì thế, đau khổ trở thành một thực tại chi phối đời sống con người. Sự chi phối ấy ảnh hưởng rất cụ thể lên từng hành động của bản thân. Có thể nói như phái khoái lạc, con người lựa chọn dựa theo những cảm xúc khoái lạc hay đau khổ của mình.[8]

Hơn thế nữa, còn một sự đau khổ khác, một sự đau khổ đến tận cùng đó chính là cái chết. “Con người là hữu thể hướng về cái chết.”[9] Ý tưởng nổi tiếng này của Heidegger nêu bật lên tính hiện sinh của con người. Tuy vậy, không phải cho đến thời của ông mà nhân loại mới ý thức được sự hữu hạn của mình. Ngay từ thời cổ đại, cái chết luôn là một sự bí ẩn dành cho triết học. Mọi người ai sinh ra cũng khác nhau, khác về tính tình, về thể lý và tâm lý. Tuy vậy, tất cả mọi người đều gặp nhau ở một điểm chung này đó chính là cái chết. Hơn nữa, dù là sự đau khổ hay cái chết có hiện diện một cách hiển nhiên, nhưng không chắc rằng bất cứ ai cũng có thể ý thức đầy đủ về nó.

Khi đối diện với cái chết, phản ứng của con người thường là sợ hãi và rất tiêu cực. Vậy, vấn đề đặt ra là tại sao cái chết rất hiển nhiên nhưng ai cũng sợ hãi khi đối diện với nó? Câu trả lời hệ tại ở việc con người không ý thức và đón nhận được thực tại của cái chết. Hay nói cách khác, ý nghĩa của cái chết bị con người bỏ qua khi quá bám víu vào sự sống. Trong khi đó, ý nghĩa thật sự của cái chết chính là một sự ý thức về tính hữu hạn của con người để từ đó con người mới đi tìm những điều thật sự ý nghĩa để thực hiện trong cuộc đời này. Đây là điều cơ bản để những giá trị của sự suy tư khởi đi.

Điều này đã được Aurelius mô tả rất cụ thể trong những suy tư của mình. Phần 4 trong tác phẩm của mình, ông đã nhắc đến cái chết như sau:

Cái chết, cũng giống như sự ra đời, là một bí ẩn của tự nhiên, một bên là sự kết hợp lại với nhau của chính những nguyên tố và một bên phân tán chúng về trạng thái ban đầu, nhưng đó không phải là điều gì đó mà người ta phải xấu hổ, vì nó không mâu thuẫn với những gì có lợi cho một sinh vật có lý trí cũng như với các nguyên tắc trong thể chế của nó.[10]

Cái chết, theo cách nhìn của Aurelius không gì khác hơn là sự phân rã của các nguyên tố. Quá trình này đi ngược lại với sự sinh ra. Đây là góc nhìn mang tính thuần vật lý.[11] Như thế, với góc nhìn này, cái chết là sự biến đổi tất yếu của mọi sự vật. Nói cách khác, sinh ra và chết đi là quy luật bất biến của vũ trụ. Mọi vật trong vũ trụ đều phải trải qua quá trình này.[12] Và con người, một hữu thể trong vũ trụ, cũng phải chịu chung một số phận như thế. Tuy cái chết là hiển nhiên, nhưng nó vẫn chứa đựng trong mình những bí ẩn. Vấn đề này đặc biệt liên quan đến ý niệm về con người, cụ thể là sự bất tử của linh hồn.

Marcus Aurelius chấp nhận lý thuyết về linh hồn và thể xác.[13] Tuy nhiên, chính ông lại phản bác ý kiến cho rằng linh hồn có sự bất tử.[14] Đối với ông, linh hồn cùng chết với thân xác và chẳng có gì là tồn tại sau cái chết. Điều này trái ngược với nhiều nguồn tư tưởng khác. Cụ thể, tư tưởng Kitô giáo quan niệm rằng linh hồn thì bất tử và có sự sống đời sau.[15] Chính vì có quan niệm khác nhau về sự bất tử của linh hồn nên quan niệm về cái chết cũng khác nhau. Một bên quan niệm cái chết chỉ như là một sự chuyển tiếp giữa giai đoạn đời sống hiện tại và mai sau. Một bên quan niệm cái chết là một sự chấm dứt tuyệt đối vì chẳng còn gì tồn tại sau cái chết. Cả hai quan điểm này đều gặp phải một nghịch lý, mà theo cách nói của Kant, là nó vượt quá khả năng hiểu biết của con người.[16] Tuy vậy, ở đây, Marcus chấp nhận lý thuyết về sự kết thúc thật sự của con người sau khi chết. Ông không nhìn linh hồn dưới dạng tinh thần nhưng là dưới dạng vật chất.[17] Linh hồn cũng chiếm không gian. Có thể nói, linh hồn được cấu tạo cũng bằng những nguyên tố đã cấu tạo nên thân xác. Góc nhìn về thế giới của ông là một thế giới hữu hạn. Chính vì vậy, mọi sự vật phải tuần hoàn để cho sự vật khác được tái sinh.[18] Nếu không như vậy, thế giới này sẽ đến lúc đi đến giới hạn của chính nó. Bằng cách nhìn như thế, Marcus khẳng định về sự chấm dứt vĩnh viễn của chủ thể. Như thế, điểm nhấn trong lý thuyết của ông quay sang một góc nhìn khác đó là tầm quan trọng của sự sống.

Đặt mình trong các suy tư, Aurelius đưa nền tảng về cái chết để làm cứ điểm cho mình. Chính nhờ cái chết mà mọi sự vật có thể lộ ra chân tướng thật của chính nó.[19] Giàu sang, danh vọng, địa vị… tất cả đều tan biến cùng với cái chết của chủ thể. Tất cả những thứ kia chỉ thể hiện ra bản chất hữu hạn thật sự của nó khi chính nó cũng phải đối diện với sự kết thúc. Alexander Đại Đế chia sẻ cái chết cùng một cách thức với đứa trẻ trông chuồng ngựa.[20] Seneca đã nhắc đến cái chết như sau: “tự bản chất, cái chết không phải là điều xấu, nó chỉ đơn giản là sự kết thúc của một người.”[21] Như vậy, cái chết đâu chứa đựng trong nó sự sợ hãi. Sự sợ hãi chỉ là một tiến trình của tâm lý con người.[22] Chính tự nội tâm của con người làm cho chính mình phải sợ hãi. Nói đúng hơn, đó là kết quả của một sự phán đoán sai lầm về một thực tại tự nhiên.[23] Và theo như Aurelius, “nếu ai đó lại đi sợ tiến trình của tự nhiên, người ấy không hơn gì một đứa trẻ”.[24] Điều này cũng tương tự với các đau khổ. Đau khổ được coi như là những cảm giác mà con người phản ứng lại với những sự vật xung quanh. Những yếu tố đau đớn, buồn, vui, tức giận… là sản phẩm của tinh thần con người.[25] Chính vì thế, tự bản chất, các cảm xúc này không đặt một nền tảng chung cho mọi người. Và cũng chính những cảm xúc này làm cho con người mất đi sự yên tĩnh nơi tâm hồn. Tuy nhiên, điều cần thiết nhắc lại ở đây đó chính là bản chất thật sự của sự vật. Những gì con người tri nhận chỉ là những hình ảnh của chúng. Do đó, điều mà con người hướng đến không phải là những hình ảnh ấn tượng bên ngoài, mà là cái như chúng là. Do đó, cảm xúc tức thời chỉ là phản ứng với hình ảnh của sự vật trong tâm trí mà không phải là chính sự vật.[26] Vậy, tại sao lại có thể mang trong mình một tâm thế sợ hãi vì một hình ảnh trong tâm trí? Có lẽ, sẽ là không hợp lý khi con người lại đi sợ cái mà mình tạo ra. Đúng hơn, con người bị đòi hỏi để nhận ra chân tướng của sự vật cách rõ ràng nhất để có thể hành động một cách thiết thực nhất trong đời sống hơn là phản ứng với những ấn tượng của chúng trong tâm trí. Như Epictetus nhận xét: ‘Điều đáng sợ không phải là cái chết hay đau khổ nhưng là chính nỗi sợ chết và đau khổ.’[27]

Trái lại với sự sợ hãi, thái độ được mong muốn đối với cái chết là một ‘tâm hồn vui tươi’[28] vì đã sẵn sàng ở vị trí chủ động. Không còn thế bị động của việc bị cái chết bóp nghẹt. Chính lý trí đã lột tả sự chân thực của cái chết và đem lại cho nó vai trò trở thành nền tảng đích thực cho sự lựa chọn. Chính cái chết làm cho sự sống có ý nghĩa. Như thế, không thể lựa chọn một điều gì nếu không nhớ rằng một mai ta sẽ chết.

Nói tóm lại, cái chết là một thực tại mà con người luôn phải đối diện trong kiếp làm người của mình. Tuy nhiên, không phải vì thế mà cái chết có thể đem lại cho con người một sự bất an trong tâm hồn. Sự sợ hãi chỉ được xem như là một sản phẩm của tâm trí khi không nắm bắt đủ thực tại của cái chết. Con người cần phải nhận ra được chân tướng thực sự của cái chết để có thể đón nhận nó như là một phần thực sự của sự sống nơi con người.

Sự sống

‘Hãy để cho mọi hành động, lời nói và suy nghĩ của bạn trở nên như thể của một người sẽ chết bất cứ lúc nào.’[29]

Từ cái chết vĩnh viễn, con người nhận ra giá trị nội tại của sự hiện hữu của chính mình. Cái chết không làm giảm giá trị của sự sống. Trái lại, cái chết làm cho con người trân quý sự sống của mình hơn. Trân quý chứ không phải bám víu. Đây là hai thái độ hoàn toàn khác nhau. Trân quý là nhận ra được ý nghĩa của cuộc sống và trân trọng nó như nó là. Trong khi đó, bám víu thể hiện một sự sợ hãi, nuối tiếc về cuộc sống mà không nhận ra được vẻ đẹp nội tại của nó.[30] Chính vì vậy, có thể nói, cái chết hướng dẫn cách để cho con người sống. Không những sống, nhưng là sống tốt hơn.[31] Đối với Marcus, bởi vì có cái chết nên cuộc đời của một người dài ngắn không quan trọng. Quan trọng đó là cá nhân tìm được một đích nhắm cho cuộc đời của mình.

Bị giới hạn trong không gian và thời gian, con người không thể hoàn toàn làm những điều mình muốn. Chính vì thế, con người phải có sự lựa chọn. Và đặc biệt hơn nữa, sự lựa chọn ấy phải đem lại lợi ích cho người đó. Theo một cách tự nhiên, không ai lại chọn điều không mang lại lợi ích cho bản thân. Do đó, để sự lựa chọn đem lại kết quả, cá nhân phải đặt sự lựa chọn ấy trong quá trình suy tư của lý trí. Và quá trình chọn lựa ấy đặt nền tảng trên giá trị.[32] Ngang qua cái chết, các sự vật lột tả được bản chất thật sự của mình. Và chỉ khi lột bỏ hết tất cả những gì là bóng bẩy bên ngoài, giá trị thật sự ở bên trong mới được lộ ra. Và đây mới là điều được xem xét để cho các cá nhân lựa chọn. Đối với một người đang gần chết vì đói, một mẩu thức ăn thì giá trị hơn cả đống vàng. Ở đây, sự dịch chuyển đi từ cái ấn tượng bên ngoài đi vào giá trị nội tại bên trong.

Như vậy, vai trò của giá trị là cực kỳ quan trọng trong việc lựa chọn. Và giá trị ấy có thể mang giá trị về vật chất nhưng cũng có thể mang giá trị về tinh thần. Trong ví dụ trên, cá nhân ấy có thể lựa chọn miếng ăn để bảo vệ sự sống của mình. Nhưng Socrates thì khác, ông lựa chọn ly thuốc độc để chết hơn là đánh mất chính mình. Giá trị của chân lý cao hơn mạng sống của chính ông. Nói cách khác, đối với một triết gia như Socrates thì sống và chết không hơn gì nhau, quan trọng là chân lý. Điều đó cho thấy rằng, nơi bản thân con người luôn có một khao khát đi tìm được cùng đích của cuộc đời mình. Một giá trị mà làm cho cuộc đời của mình có ý nghĩa. Và giá trị đó đủ sức lôi cuốn bản thân dám đánh đổi cả mạng sống của mình. Hay nói cách khác, con người không còn đi tìm cái mình ‘có’ nhưng chính là cái mình ‘là’. Vậy, điều gì làm nên sự hiện hữu của con người?

Mọi việc con người làm khi suy cho cùng phải hướng đến một mục đích nào đó.[33] Mục đích này sẽ hướng dẫn toàn bộ đời sống của một người cho dù người đó có ý thức đủ về nó hay không. Do đó, khi mọi giá trị khác của thế giới này được so sánh với sự hạnh phúc đều mất đi vẻ đẹp của nó thì chính hạnh phúc trở thành điểm nhắm cho hành động của con người. Vậy, cùng đích của con người là gì nếu không phải là hạnh phúc.[34] Đi tìm hạnh phúc là khao khát lớn nhất của con người.[35] Có thể nói, hạnh phúc là động lực để thúc đẩy con người sống trong thế giới này. Vậy, bản chất thật sự của hạnh phúc là gì?

Tuy nhiên, chúng ta đang sống theo đuổi hạnh phúc một cách mù quáng và háo hức; và chúng ta càng làm sai cách trong sự vội vàng, chúng ta càng chệch hướng hơn so với kết thúc cuộc hành trình của mình.[36]

Đây là nhận định của Seneca về cách mà con người đang tìm hạnh phúc. Ông cho rằng con người luôn muốn theo đuổi hạnh phúc của mình nhưng lại không biết hạnh phúc đó là gì. Kết quả là, sự lệch lạc nảy sinh trong cách thức đi tìm hạnh phúc của con người. Hạnh phúc chân thực hướng đến một sự hiện hữu toàn vẹn của con người như là ‘con người’ chứ không chỉ là cảm xúc hài lòng về mặt tâm lý.[37] Nhưng hơn thế nữa, nó là một đời sống hòa hợp với chính bản chất tự nhiên của con người và vũ trụ.[38] Đây là điều mà nhiều nhà chú giải về Aurelius cũng nhắc đến.[39] Hạnh phúc là một người được sống như một ‘con người’. Và điều mà làm cho con người ‘làm người’ đó chính là lý trí.

‘Chính bạn là gì?’ – Lý trí.[40]

Con người là một sinh vật có lý trí.[41] Chính cái giá trị, cái lý tưởng về một đời sống làm người thật sự giúp cho con người vươn lên hơn việc chỉ dừng lại trong việc thỏa mãn những dục vọng của bản thân. Và lý trí giúp con người nhận ra giá trị ấy. Nói cách khác, hạnh phúc là cuộc sống của một đời sống có ý nghĩa ngang qua việc vận dụng được khả năng tư duy tự nhiên của mình.[42] Đây không phải là điều gì xa lạ. Nó là chính thúc đẩy tự nhiên của con người và là một sự đòi hỏi của phận làm người. Nếu như lý trí xác định vị trí của con người trong thế giới, thì ngang qua việc vận dụng lý trí cách đúng đắn, con người đã trở lại đúng vị trí của mình. Chính bản chất suy tư của lý trí đã đưa ra một sự thuyết phục như thế. Cho nên, đòi hỏi một đời sống đi tìm hạnh phúc không phải là điều gì đó bên ngoài nhưng nó mang tính nội tại bên trong đời sống. Và một đời sống như thế chỉ có thể tìm thấy nơi một đời sống nhân đức. Đây là quan điểm nổi bật của các nhà khắc kỷ về hạnh phúc.[43]

Tuy vậy, đây cũng chính là điểm làm cho người này khác người kia. Người khác người là ở nơi giá trị họ theo đuổi. Có người chọn lựa những giá trị như tiền bạc, danh vọng làm giá trị sống cho cuộc đời mình. Như thế, đối với họ, những điều ấy được thỏa mãn là con người được hạnh phúc. Trái lại, có những mẫu người lựa chọn sự hy sinh, bình an làm hạnh phúc của cuộc đời. Mỗi cách đều có sự chủ quan riêng của nó. Như thế, điểm chung của mọi người là đi tìm hạnh phúc, nhưng mỗi người lại có một quan điểm khác nhau về hạnh phúc. Nếu xét như thế thì phải kết luận rằng hạnh phúc chỉ là những giá trị mang tính chủ quan của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, vấn đề xảy ra ở đây đó chính là việc xung đột lợi ích giữa các giá trị khác nhau. Liệu sự hy sinh có thể đứng cùng một phía với danh vọng. Có lẽ rất khó và dường như không thể cho điều này xảy ra. Như vậy, dù rằng có những khác biệt nhưng những giá trị đưa đến hạnh phúc thật sự không thể mâu thuẫn lẫn nhau. Điều này dẫn đến một yếu tố khác của hạnh phúc đó là tính cộng đồng.[44] Đây cũng chính là vấn đề mà Jacob Klein đã nêu lên trong luận văn của mình. Ông đặt vấn đề với các tư tưởng của các nhà chú giải cho rằng hạnh phúc của chủ thể của phái khắc kỷ được xem như là nhất nguyên và quy kỷ.[45] Nhất nguyên được hiểu như là hạnh phúc chỉ duy nhất dựa trên lý trí của chủ thể. Điều này đồng nghĩa với việc loại bỏ đi mối liên hệ với các lý trí khác của tha nhân. Quy kỷ đó là đặt hạnh phúc của chính mình là duy nhất và trên hết trong ý hướng của hành động của mình. Về vấn đề này, việc một người đi tìm hạnh phúc cho chính mình đó là yếu tố chính. Việc khẳng định như thế là đúng nhưng chưa đủ. Ý tưởng đó đã quá bó hẹp chủ thể trong lợi ích riêng của cá nhân mình. Như đã nói, nếu không có một lý tưởng chung, lợi ích của các cá nhân sẽ có nguy cơ bài trừ lẫn nhau. Như vậy, hạnh phúc của người khác cũng trở nên thiết yếu cho hạnh phúc của một người, ít nhất là dưới khía cạnh không triệt tiêu lẫn nhau.[46]

Để giải quyết vấn đề này, Jacob Klein đã đưa ra 3 cách để hiểu về hạnh phúc.[47] Trước hết, mặc dù mỗi hành động có lý trí của một cá nhân đều hướng đến hạnh phúc, nhưng khái niệm về hạnh phúc không mang tính cá nhân của người ấy. Nghĩa là, chỉ có một hạnh phúc chung tổng quát cho tất cả mọi người bao gồm tất cả các hạnh phúc của các cá nhân. Yếu tố này xuất phát từ ý niệm về một lý trí phổ quát bao gồm các lý trí cá nhân.[48] Do đó, hành động của một người cũng phải hướng đến hạnh phúc của người khác chứ không loại trừ yếu tố này. Thứ đến, những hành động lý trí của người khác sẽ gia cố, hơn là xung đột, với hạnh phúc của cá nhân. Và cuối cùng, xung đột chỉ xảy ra khi các cá nhân không hướng đến hạnh phúc. Điều này dựa trên cách nhìn nhận rằng con người có khả năng lựa chọn những điều không đưa đến hạnh phúc. Không có tính nhất nguyên và quy kỷ chỉ đơn thuần dựa trên lý trí của một cá nhân mà có thể đạt được hạnh phúc trọn vẹn. Như vậy, hạnh phúc của từng cá nhân cũng phải là hạnh phúc của toàn thể và ngược lại.

Tóm lại, con người khi đối diện với sự kết thúc của mình sẽ tìm cách để cho chính cuộc đời của mình trở nên ý nghĩa hơn. Chính vì thế, con người sẽ lựa chọn hạnh phúc để trở nên cùng đích của cuộc đời mình. Và hạnh phúc ấy không gì khác hơn là việc con người được là chính mình. Đó là việc có thể sử dụng lý trí của mình để tìm thấy ý nghĩa trong mọi biến cố của đời. Cụ thể nhất, đó là ngang qua việc thực hành các nhân đức. Tuy nhiên, hạnh phúc của một cá nhân không thể tồn tại một cách độc lập. Trái lại, với bản chất xã hội của mình, con người chỉ có thể tìm được hạnh phúc của mình trong tương quan với tha nhân.

Sứ mạng – siêu hình

Như đã nói, phục vụ công ích là ưu tiên hàng đầu trong giáo dục để trở thành một người lính như Marcus Aurelius. Trong thế giới La Mã cổ đại, việc đào tạo các chiến binh là một nhu cầu cấp thiết. Chính vì thế, việc chuẩn bị cho các chiến binh có thể ra trận, dám hy sinh vì tổ quốc là một điều cần thiết. Tuy nhiên, ý tưởng về một sứ mạng như thế chỉ mang tính khởi đầu. Bởi vì con người có tính xã hội nên vai trò của từng cá thể trong cộng đồng là một yếu tố không thể thiếu. Tính xã hội ở đây muốn nhắm đến mối tương quan của con người với con người. Ngoài ra, mối tương quan ấy còn cần mở rộng với môi trường sống và cả vũ trụ. Sự ảnh hưởng này mang vai trò tích cực trong việc xây dựng thế giới. Con người không chỉ hiện diện trong thế giới như là những phần tử, nhưng còn là tác nhân làm thế giới chuyển động. Đứng trước một thế giới như thế, con người được thúc đẩy để tìm ra vị trí của mình trong toàn bộ vận hành của thế giới. Nói cách khác, con người bằng lý trí của mình nắm vai trò chủ động để tham gia vào trong vận hành này. Như thế, việc con người sống trong thế giới không chỉ có chính mình chắc chắn đòi hỏi một sự cộng tác trong tương quan.

Aurelius không chỉ nhìn thấy vai trò của từng cá thể như là lời mời gọi, ông còn xem chúng như là một sứ mạng.[49] Một sứ mạng thì mang tính đòi buộc hơn là một lời mời gọi. Tại sao con người trong thế giới bị đòi buộc như thế trong cuộc sống của mình? Câu trả lời nằm ở ý nghĩa của cuộc sống. Hay nói cách khác, đó là một đòi hỏi của lý trí.[50] Có thể nói rằng, lý trí thúc đẩy con người phải tìm đến được một sự dấn thân cho công ích. Lý do cho việc này đó chính là “những gì mang lại lợi ích cho cộng đồng thì cũng mang lại lợi ích cho cá nhân.”[51] Tuy nhiên, sứ mạng, cũng như vai trò, không thể được hiểu như là đơn thuần những việc phải làm. Nó chính là cách thế hiện hữu trong tương quan của cá nhân với xã hội.[52] Có thể đưa ra vài ví dụ rất điển hình về điều này như sau. Người đàn ông trong tương quan với vợ của mình phải làm tròn sứ mạng làm chồng, đó là yêu thương, chăm sóc cho vợ. Người phụ nữ cũng phải chu toàn sứ mạng làm vợ của mình bằng việc chăm sóc, yêu thương chồng. Bố mẹ chu toàn sứ mạng yêu thương, nuôi nấng, dạy dỗ con cái… Trong xã hội, một cá nhân phải là người xây dựng xã hội bằng những khả năng của mình. Người cai trị phải hoàn thành sứ mạng chăm sóc người dân của mình. Bác sĩ phải lấy việc chăm sóc bệnh nhân làm sứ mạng của mình và phải chu toàn nó. Đi xa hơn, sứ mạng ấy mang mức độ của vũ trụ. Như vậy, con người hiện hữu không phải như cá thể nhưng là một cộng đồng và chính trong cộng đồng mà con người tìm thấy hạnh phúc về sự hiện hữu của mình. Sứ mạng của từng cá nhân là phục vụ công ích.

Tuy nhiên, sứ mạng ấy dẫn theo một vấn nạn đó là sứ mạng ấy phát xuất từ đâu? Khi xét đến vũ trụ như là một tổng thể, chính nó có những quy luật vận động riêng của mình. Khi đó, con người được xét như là từng cá thể trong vũ trụ ấy cũng phải tuân theo các quy luật của nó. Tuy nhiên, vượt trên những quy luật tự nhiên đó là những yếu tố siêu hình chi phối vũ trụ. Ở đây, đối với Aurelius, đó là sự quan phòng của các vị thần linh. Trong truyền thống văn hóa của Hy Lạp, và sau này văn hóa La Mã phát triển thêm, các vị thần được xem như là những thế lực bất tử tạo thành và chi phối vũ trụ này.[53] Cùng với đó, các vị thần tượng trưng cho một sự khôn ngoan của lý trí để có thể giả định rằng sự điều phối của họ sẽ đem lại một kết quả tốt đẹp cho toàn thể vũ trụ. Do đó, mọi việc xảy đến trong thế giới đều mang trong mình một lý do hiện hữu, đó là do ý muốn của các vị thần. Quan niệm về sự an bài hay định mệnh là một đặc trưng của phái khắc kỷ.[54] Quan niệm này diễn tả một sự hữu hạn của con người trong thế giới. Không phải con người có thể hoàn toàn làm chủ được sự vận hành của thế giới này. Trái lại, con người sống trong thế giới và phải chịu sự chi phối của nó. Ở đây, các vị thần linh được xem như là Lý trí của vũ trụ với đủ sự khôn ngoan để vận hành thế giới.[55]

Vậy, dựa vào đâu để con người có thể khám phá ra sứ mạng của mình? Đó là dựa vào định mệnh hay sự quan phòng của thần linh. Nhưng làm sao để có thể thấy được định mệnh ấy? Câu trả lời nằm ngay chính khả năng của từng cá nhân. Khi hiện hữu trong thế giới, mỗi người có được cho mình một khả năng hay tài năng khác nhau. Vậy nếu để đi tìm nguồn gốc những khả năng ấy, cá nhân sẽ tìm thấy đa phần câu trả lời nằm ở yếu tố bẩm sinh và môi trường sống. Thế nhưng, hai yếu tố này không tách biệt nhưng chúng liên kết với nhau ở sự hòa hợp. Những gì thuộc yếu tố bẩm sinh thì được xem như là sự an bài của thần linh. Tuy nhiên, tài năng bẩm sinh cần một môi trường xã hội thuận lợi để phát triển. Và ở đây, môi trường xã hội ấy cũng vẫn nằm trong sự quan phòng của thần linh. Trong sự khôn ngoan của mình, cả yếu tố bẩm sinh và môi trường phát triển đã nằm trong sự quan phòng của thần linh. Tuy nhiên, sự hòa hợp là yếu tố cần thiết để dung hòa sự quan phòng của thần linh cùng với lý trí của con người. Định mệnh là yếu tố cần, nhưng lý trí con người là yếu tố đủ. Do đó, một sự phát triển đầy đủ là việc con người nhận ra được đâu là những hạt giống của khả năng nơi bản thân mình mà phát triển nó trong một môi trường phù hợp, để trở thành những tài năng. Tài năng ấy được đối chiếu trong viễn cảnh phục vụ công ích thì đó là chính sứ mạng của mỗi người. Tất cả đi theo một sự hòa hợp của lý trí. Do đó, sứ mạng của một cá nhân trong sự quan phòng của lý trí vũ trụ đó chính là sự kết hợp giữa tài năng của một cá nhân và môi trường sống của họ. Một người hiểu biết về y học trong hoàn cảnh gặp một người đau bệnh thì sứ mạng của họ là chữa lành cho người đau bệnh. Đối với các triết thuyết khác thì đây có lẽ chỉ là một sự gặp gỡ ngẫu nhiên. Nhưng đối với phái khắc kỷ, đây là một sự an bài.

Như thế, sứ mạng thể hiện sự dấn thân trọn vẹn của cá nhân vào trong đời sống.[56] “Sáng sớm, khi bạn cảm thấy khó khăn để thức dậy, hãy sẵn sàng cho những suy tư này: ‘Tôi thức dậy để làm công việc của một con người.’[57]” Marcus Aurelius dùng những hình ảnh rất tự nhiên để thấy được vai trò của mỗi loài trong thiên nhiên của các loài động vật như chim, kiến hay những con ong đi kiếm ăn. Những hoạt động của chúng phát xuất từ những yếu tố tự nhiên chúng được sinh ra. Còn mỗi cá nhân phải chu toàn sứ mạng là người của họ ngang qua những khả năng và tài năng mỗi người đang có. Tất cả điều này được xem như một mệnh lệnh của con người phát xuất từ lý trí. Lý trí phản tỉnh về những khả năng tự nhiên mà mình có được. Đồng thời, từ những phản tỉnh ấy, lý trí nhận ra được những công việc mình phải hoàn thành trong đời sống đối với tha nhân, đó là đem những khả năng của mình để giúp đỡ người khác. Như thế, con người không thể chối bỏ được sứ mạng của mình trong thế giới bởi vì chính sứ mạng đó đã được ghi khắc trong lý trí của cá nhân khi hòa hợp với lý trí lớn hơn của vũ trụ.

Để kết lại, con người trong việc cố gắng tìm về hạnh phúc của bản thân luôn tìm thấy vai trò của mình trong sứ mạng. Sứ mạng ấy là một sự kết hợp giữa những khả năng của bản thân và môi trường sống. Hay nói cách khác, đó chính là định mệnh được lý trí của vũ trụ quan phòng. Tuy nhiên, con người nhận ra được sự quan phòng ấy nhờ chính vai trò suy tư của lý trí nội tại nơi bản thân của mỗi người. Như thế, một hạnh phúc đích thực không phải chỉ là những suy tư về hạnh phúc nhưng còn là việc dấn thân để sống những suy tư ấy.

 

Chương 3
Nhận Thức, Suy Tư Như Là Tiền Đề
Cho Việc Tìm Đến Ý Nghĩa Hiện Hữu Của Một Cá Nhân

Tất cả các yếu tố vừa trình bày ở trên bao hàm một sự vận dụng lý trí. Tuy nhiên, một sự thật hiển nhiên rằng khi mới sinh ra, con người không thể tự mình vận dụng lý trí của mình. Thay vào đó, nó cần có một quá trình để lớn lên để có thể tự vận hành với những điều kiện riêng của mình nhưng cũng đồng thời tiến đến với một sự hợp nhất của lý trí vũ trụ. Quá trình này được xác định bởi các yếu tố giáo dục, chiêm ngắm thế giới và suy tư.

Giáo dục – kinh nghiệm

Ngay từ khởi đầu, yếu tố giáo dục được xem như là cách thức để một người có thể học cách vận dụng lý trí của mình. Khi mới sinh ra, con người chưa có được sự vận dụng trí năng của mình một cách rõ ràng trong đời sống. Ngang qua thời gian, việc tiếp cận với thế giới bên ngoài đã kích hoạt các khả năng tiềm tàng của ý thức nơi con người. Tuy nhiên, nếu chỉ để cho con người được tiếp xúc với các môi trường thuần tự nhiên, thì chính hành động của con người cũng mang tính thuần phản xạ. Nghĩa là, con người chỉ có thể hành động dựa trên bản năng. Nói cách khác, những hành động của con người khi đó chỉ mang giá trị của sự sinh tồn. Đói thì ăn, khát thì uống. Chính lúc này, giáo dục đóng vai trò của mình trong việc truyền tải cách thức tri nhận thế giới và phản hồi với thế giới ấy.

Giáo dục được xem như là sự thông truyền tri thức giữa các cá nhân. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn đó là việc không xem giáo dục đơn thuần chỉ là phương tiện cung cấp kiến thức nhưng là sự hướng dẫn để mỗi cá nhân vận dụng sự suy tư của mình mà khám phá ra tri thức. Giáo dục là sự hướng dẫn để vận dụng lý trí. Điều này được chính Aurelius kinh nghiệm ngang qua các vị thầy dạy của mình.[58] Chính ông đã được thừa hưởng một nền giáo dục bậc cao của thế giới La Mã cổ đại. Có thể thấy rằng, việc suy tư không phải đơn thuần là một bản năng. Chính xác hơn, nó là một bản năng nhưng cần được kích hoạt. Chính giáo dục đem lại phương pháp cho lý trí.

Qua một giai đoạn thực hành việc suy tư, cá nhân sẽ tích hợp cho mình những kinh nghiệm. Kinh nghiệm ấy được xem như là một yếu tố khách quan để đánh giá lại quá trình suy tư. Nói cách khác, suy tư phải gắn liền với thực tế. Và suy tư phải được kiểm chứng bằng kinh nghiệm. Có thể nói rằng, các triết gia thực thụ là những người đã sống điều mình suy tư. Tuy nhiên, không nhất thiết kinh nghiệm chỉ xuất phát từ bản thân chủ thể suy tư. Nó còn được chia sẻ lại ngang qua việc giáo dục. Điều này có thể là do tính kế thừa của giáo dục. Những kiến thức được truyền dạy đã bao gồm kinh nghiệm suy tư của các nhà tư tưởng trước đó. Chính vì thế, lý trí vừa thừa hưởng nhưng đồng thời cũng tiếp tục suy tư để đóng góp cho nền tư tưởng chung của nhân loại. Đây chính là tính cộng đồng của lý trí. Lý trí được xem là có tính cá nhân nhưng cũng mang cả tính cộng đồng. Giá trị của điều này đảm bảo cho lý trí của mỗi cá nhân có được sự khách quan của chính nó khi nó kế thừa các tư tưởng trước và được chứng thực bởi các tư tưởng sau. Tuy nhiên, điều cần lưu ý đó chính là nếu xem lý trí của tập thể là tập hợp của các lý trí cá nhân thì nó vẫn chứa đựng trong nó sự giới hạn. Tuy rằng, sự giới hạn đó có thể nhỏ hơn hay lớn hơn sự suy tư của cá nhân, nhưng chắc chắn một điều rằng, mọi suy tư này đều có thể làm chất liệu cho suy tư khác. Như thế, giáo dục không phải là một quá trình đóng khung hay định hình tư tưởng của một cá nhân. Trái lại, nó là một quá trình mở để cho mỗi cá nhân có được sự kế thừa suy tư của mọi người nhưng đồng thời cũng có không gian để mỗi cá nhân đưa ra những suy tư riêng của mình.

Và một yếu tố quan trọng của nền giáo dục, đặc biệt là thời La Mã cổ đại, đó chính là bộ môn logic học hình thức. Đây chính là phương pháp của suy tư. Hay nói đúng hơn, nó là mô thể của suy tư. Bằng việc suy tư logic, lý trí mới có cơ hội thoát khỏi những sai lầm. Nó sẽ đảm bảo tính chính xác của các suy tư của lý trí. Và vì thế, lý trí sẽ có cơ hội tiến gần hơn đến lý trí cao nhất của vũ trụ.

Như thế, với một sự khởi đầu đầy non nớt của mình, ngang qua giáo dục, lý trí đã bắt đầu thu lượm được những yếu tố cần thiết cho việc tự hoàn thiện chính bản thân nó. Và giáo dục không thể được xem như là một sự áp đặt nhưng là một sự mở ra để đón nhận chân lý đang tự tỏ lộ.

Chiêm ngắm thế giới

Nếu giáo dục đưa ra logic như là tiến trình, thì việc chiêm ngắm thế giới sẽ là nguyên liệu của suy tư. Các quy luật của vũ trụ không phải là điều gì xa lạ nhưng là chính những gì đang diễn ra trong đời sống hằng ngày. Chính qua việc quan sát những điều bình thường như thế mà con người có thể bắt đầu rút ra được quy luật của cuộc sống. Bởi vì thế giới mà con người đang sống là chính toàn bộ thực tại bao gồm tất cả sự vật khả giác và siêu vượt.[59]

Điều đầu tiên mà Aurelius nhận ra được nơi thế giới này chính là sự biến đổi.[60] Đây là một sự kế thừa tư tưởng của Heraclitus.[61] Thế giới là một chuỗi vận động: ngày – đêm, sinh ra – chết đi… Hình ảnh này được xem như là sự vận động của lửa. Mọi thứ được sinh ra từ lửa và lại trở về với lửa.[62] Hơn thế nữa, một trong những nét nổi bật mà Marcus Aurelius quan sát được đó chính là quy luật của sự chết. Mọi thứ đều phải đi đến sự tận cùng của chính nó. Sự chuyển động này phát xuất từ tư tưởng nguyên tử. Sự sống là việc các nguyên tử gắn kết với nhau. Cái chết đó là thời điểm các nguyên tử tách rời nhau. Đây là một quy trình tuần hoàn, các nguyên tử sau khi tách rời nhau lại kết hợp với các nguyên tử khác để tạo thành sự sống mới. Ông cũng cho rằng các nguyên tử tồn tại trong thế giới này với một số lượng có hạn. Chính vì thế, các sự vật không có cho mình được một sự tồn tại vĩnh viễn. Điều này tương ứng với cách nhìn của ông về sự chết như đã trình bày ở phần trên. Tuy nhiên, sự biến đổi ấy nội tại nơi con người mang một chiều kích rất lớn. Đó là chiều kích của thích nghi và sáng tạo. Trong một thế giới không ngừng vận động, con người cũng không thể ngừng vận động. Do đó, con người buộc phải có sự sáng tạo và thích nghi trong đời sống của mình. Nếu không sáng tạo và thích nghi, con người đã tự mình đi lệch ra khỏi quy luật của vũ trụ. [63] Thực tại vẫn ở đó như chính nó là, chỉ có cách con người nhìn nhận về nó mới là điều thay đổi.

Khi nhìn về con người, ông cho thấy con người được cấu tạo bởi thân xác, hồn và lý trí.[64] Đây là cách nhìn ông kế thừa từ các bậc tiền nhân. Cả ba đều mang trong mình những vai trò khác nhau. Thân xác có chức năng tri nhận các tác động từ thế giới bên ngoài ngang qua các giác quan. Hồn đem lại những thúc đẩy, đam mê và là cách con người phản ứng sơ khởi bởi các tác động của giác quan đem lại.[65] Cuối cùng, đó là lý trí. Đối với phái Khắc kỷ và đặc biệt là Aurelius, đây là cơ quan đóng vai trò quan trọng nhất. Chính lý trí làm cho con người khác các loài vật là những loài cũng có xác và hồn. Và con người trổi vượt hơn các vật khác vốn chỉ có thân xác. Bởi vì lý trí con người là một phần của lý trí vũ trụ, đời sống con người được tháp nhập vào đời sống của các vị thần linh. Có thể nói, bản chất của con người đó là lý trí. Và do đó, sống theo tự nhiên đó là sống theo mệnh lệnh của lý trí. Tuy vậy, con người vẫn là một sự tổng hòa của các yếu tố thân xác, hồn và lý trí. Mỗi yếu tố đều mang đặc nét riêng của nó mà các yếu tố khác không thể thay thế được. Nhưng lý trí sẽ nắm vai trò điều phối và hướng dẫn để các chức năng khác của giác quan và cảm xúc có thể đem con người tiến đến cùng đích của mình là hạnh phúc.

Một yếu tố khác của thế giới mà Aurelius rất trân trọng đó chính là yếu tố tương quan giữa các cá thể và cộng đồng. Có thể nói rằng, do được thông phần vào trong lý trí trí của vũ trụ nên các tất cả các lý trí của các cá nhân được thông phần với nhau. Như thế, mối trương quan của các lý trí là mối tương quan tương hỗ để có thể có thể giúp nhau đi đến cùng đích. Hình ảnh của một đời sống cộng đồng không khó tìm trong thế giới tự nhiên. Điển hình nhất đó là đời sống của loài ong và kiến. Đây là 2 hình ảnh được Aurelius nhắc đến nhiều trong tác phẩm của mình. Chúng là các loài động vật. Và vì là các loài động vật nên chúng không có lý trí như con người. Mọi hành động của chúng đều thuộc về bản năng. Tuy nhiên, cần phải nhận định đến yếu tố này đó là việc lý trí của vũ trụ cũng quan phòng trên chúng. Nói cách khác, đời sống của chúng là một đời sống tương hợp với tự nhiên. Chính vì thế, điều có thể rút ra đó là đời sống cộng đồng là một quy luật của thiên nhiên. Không chỉ như thế, Aurelius còn nhìn thấy những công việc nơi chúng một sứ mạng. Mỗi cá thể trong cộng đồng phải hướng đến công ích chung. Mà đối với ông, công ích cũng chính là lợi ích của cá nhân và ngược lại.

Do đó, ông nhận thấy nơi thế giới còn có một yếu tố khác đó là sự hài hòa. Hài hòa giữa các nguyên tố để tạo thành sự vật. Hài hòa giữa các cá thể trong cùng một cộng đồng. Và sự hài hòa của tất cả mọi sự trong vũ trụ. Điều Aurelius chiêm ngắm được đó là trật tự của thế giới. Mọi sự vật, hiện tượng đều chứa đựng trong nó những quy luật rất hài hòa. Và điều đó đương nhiên kéo theo một ý niệm siêu hình về lý trí của vũ trụ. Có thể nói rằng, tự bản thân lý trí của con người không thể nhận biết được lý trí của vũ trụ là gì. Con người chỉ có thể bằng lý trí thực hành nhận ra rằng sẽ có một yếu tố siêu hình mà thôi.[66]

Ở đây, có thể nhận xét rằng, Aurelius đã đưa ra một lý thuyết về cả 2 yếu tố đó là thuyết ‘ngẫu nhiên’ theo cách hiểu của Epicure[67] và chính thuyết ‘quan phòng’ của phái khắc kỷ. Một bên từ chối sự hiện diện của một quy luật tổng quát trong vũ trụ và một bên chấp nhận thượng đế là một thực tại siêu việt chi phối đời sống con người. Như vậy, làm sao để có thể dung hòa được hai yếu tố này đó là một vấn đề cần được đề cập đến. Trước hết, trong cách nhìn thuần vật lý, vũ trụ này được tạo thành bởi các nguyên tố. Tuy nhiên, sự khác nhau giữa 2 trường phái đó chính là bản chất của vũ trụ.[68] Phái khắc kỷ đưa đến một cách nhìn nhận rằng vũ trụ là một thực tại sống chứ không đơn thuần là các yếu tố liên kết với nhau một cách ngẫu nhiên. Và vũ trụ ấy có tinh thần là những vị thần hay thượng đế.[69] Lý do cho việc này đó chính là yếu tố quy luật, điều mà các nhà khắc kỷ nhận thấy ở thế giới này. Vậy, sự ngẫu nhiên vẫn chứa đựng trong nó một quy luật. Phải có một tinh thần chi phối thế giới này. Và sự chi phối ấy sẽ bao trùm toàn bộ các thành phần ở trong thế giới này. Nói cách khác, thế giới sẽ biến đổi dựa trên một thực tại không đổi đó là Thượng đế.[70] Tuy nhiên, Thượng đế theo cách hiểu của phái khắc kỷ không mang ý niệm như là một nhân vị. Trái lại, thượng đế chỉ đơn thuần được hiểu như là lý trí của vũ trụ bao gồm các quy luật vận hành trong đó.

Thượng đế[71] sẽ có 3 vai trò chính. Trước hết, đó là vai trò tạo thành vũ trụ ngay từ ban đầu. Chức năng này mang lại sự liên hệ đến ‘Đấng hóa công’ của Plato. Tuy nhiên, ‘Đấng hóa công’ của Plato không tiếp tục tạo ra các vận hành thay đổi trong thế giới. Mà đây là đặc tính thứ hai của Thượng đế. Cuối cùng, chức năng duy trì của Thượng đế đảm bảo sự tồn tại của các sự vật. Tuy nhiên, điểm nhấn ở đây đó chính là sự tồn tại không phải ngoại tại nhưng là nội tại bên trong sự vật của Thượng đế. Đó là một thể thống nhất của toàn thể vũ trụ. Thượng đế vừa là một thực tại siêu việt nhưng cũng là nội tại.[72] Mỗi người có một lý trí riêng nhưng lý trí ấy cũng hòa trong tổng thể của một lý trí lớn hơn của vũ trụ. Như thế, vai trò của Thượng đế đó chính là ‘quan phòng’.

Câu hỏi đặt ra là Thượng đế có ‘quan phòng’, hay có tác động cho các thiên tai, thảm họa xảy ra? Câu trả lời là có. Nếu như vậy, phải chăng Thượng đế không quan tâm đến vận mạng của con người? Cần phải nhấn mạnh một điều là, bởi vì Thượng đế có ‘quan phòng’ đến thế giới này, và chắc chắn con người là một phần của nó, nên mọi sự được vận hành theo cách thức của nó là chứ không phải theo cách con người muốn. Đối với con người, các thảm họa được coi như là một sự đau khổ. Nhưng thực ra, như đã nói ở phần trước, sự đau khổ ấy là do con người áp đặt ước muốn của chính mình lên sự vận hành của thế giới này. Cuộc sống đó là một chuỗi các sự kiện có nguyên nhân của nó và điều này vượt trên sự kiểm soát của con người.[73] Nói theo cách của các nhà khắc kỷ, đó chính là định mệnh. Như thế, sự quan phòng của thượng đế được đảm bảo cho sự liên tục có tính quy luật của chuỗi các sự kiện được gọi là định mệnh.

Tóm lại, tự bản thân của thế giới tự nhiên đã chỉ ra rằng nơi nội tại của chúng có những quy luật vận hành đang chi phối. Đó là sự biến đổi, sự tương giao và tất cả đang vận động một cách hài hòa trong lý trí của vũ trụ đem lại ý nghĩa hiện hữu của từng sự vật. Chính vì thế, một lối sống tự nhiên con người được mời gọi để sống cũng không thể đi trật ra khỏi quỹ đạo của những quy luật này.

Suy

Suy tư là cách con người đặt mọi tư tưởng trong sự vận hành của lý trí. Chính qua việc suy tư mà các quy luật của đời sống, quy luật của vũ trụ được rút ra. Đây là quá trình trừu tượng hóa những yếu tố đã được các giác quan nhận biết ngang qua một quá trình phân tích của lý trí. Không chỉ như thế, kết quả của quá trình suy tư đó là những hướng dẫn thực hành đời sống của con người. Khả năng của lý trí chính là việc suy tư. Chính qua việc suy tư mà con người có thể đưa đến những hành động của nhân đức dựa trên những hiểu biết chân thực về thế giới.

Trong việc suy tư, một trong những yếu tố căn bản nhất đó là khả năng phân tích. Khi phân tích một vấn đề, những yếu tố cốt lõi của vấn đề ấy sẽ được lột bỏ khỏi những yếu tố của cảm giác. Cảm giác đem lại cho con người những ảo ảnh. Do đó, cá nhân sẽ không thấy được chân tướng thật của sự việc. Chỉ khi nào con người lột sạch những yếu tố gây nhiễu thì chính lúc ấy, bản chất thật của sự vật mới được phơi bày. Có thể nói, đây là cách nhìn của Aurelius dưới tác động của lý thuyết phân tử. Con người cố gắng đi sâu vào trong từng sự vật, hiện tượng để nhận ra yếu tính của nó. Ví dụ như, bản chất thật sự của cái chết là gì nếu không là sự phân rã của các nguyên tố.[74] Các lời ca tụng là gì nếu không phải là một sự hào nhoáng về mặt cảm xúc nhưng chỉ là chuyển động của các sóng âm tác động lên màng nhĩ. Hay việc quan hệ thân xác chẳng qua chỉ là sự ma sát của ‘khúc ruột’.[75] Khi các sự vật được lột trần, chúng mới cho thấy được giá trị thật sự của chúng. Giá trị ấy là cơ sở để cho con người có thể lựa chọn. Ở đây, tác giả không chối bỏ vai trò của các yếu tố khác của cảm xúc và những quy ước của xã hội. Ông chỉ muốn nhấn mạnh đến giá trị nội tại thật sự của các yếu tố này. Bởi vì, khi xét đến tương quan của giá trị, những điều thường được xem là quan trọng sẽ đánh mất đi vẻ đẹp của chúng vì chúng thiếu đi những giá trị thật sự ở bên trong.

Ngược lại, lý trí còn có khả năng tổng hợp hay khái quát hóa những điều cụ thể thành những trừu tượng. Đó là khả năng để rút ra được quy luật chung từ những điều quan sát được trong thế giới. Để từ đó, mỗi cá nhân trong hoàn cảnh cụ thể vẫn có thể áp dụng những nguyên tắc chung của vũ trụ. Hạnh phúc không thể tri nhận được bằng giác quan. Không có một nơi nào trên thế giới này được gọi là hạnh phúc để con người tìm thấy. Trái lại, đó là kết quả của một sự đúc kết qua kinh nghiệm của chính lý trí. Hay như ý niệm về lý trí vũ trụ. Không ai có thể thấy lý trí vũ trụ với một hình thể đang đi ngoài đường. Tuy nhiên, dù không thấy nhưng lý trí bằng khả năng tổng hợp của mình vẫn nhận thấy rằng có một lý trí của vụ trụ đang vận hành thế giới. Tuy nhiên, ở đây, cần có một sự phân biệt rõ ràng giữa khả năng tổng hợp của lý trí và trí tưởng tượng. Trí tưởng tượng không có một đối thể tương xứng của nó trong thế giới. Đó chỉ là một sản phẩm của tâm trí con người. Ví dụ như các con vật trong truyền thuyết. Trái lại, các yếu tố siêu hình, ví dụ như là lý trí của vũ trụ, là một thực tại trong vũ trụ. Lý do cho điều này đó chính là nó không phải làm sản phẩm của suy tư nhưng là kết quả suy tư có phương pháp của lý trí. Mặc dù những thực tại siêu hình này vượt lên trên khả năng hiểu biết của con người nhưng chúng có một nền tảng vững chắc cho sự hiện hữu của chúng nơi lý trí con người.

Ngoài ra, lý trí còn có một khả năng khác đó là khách thể hóa chính nó. Lý trí là chủ thể của suy tư giờ đây trở thành đối tượng của suy tư. Nói cách khác, cá nhân có thể bước ra khỏi chính mình để có thể đặt mình như là đối thể của suy tư. Từ đó, con người có thể đối diện rõ ràng hơn với bản chất thật của mình. Các cụm từ mà Aurelius thường hay sử dụng đó là ‘Nói với bản thân mình’, ‘xem xét chính mình’… Và đặc biệt, chính cuốn Meditations là những gì ông muốn nói cho chính mình. Đây đích thực là một cuộc đối thoại nội tâm của chính Aurelius. Chính sự khách thể hóa này mang lại cho lý trí một sự suy luận đa diện hơn. Bằng góc nhìn như thế, lý trí cũng có thể nhận diện rõ hơn những gì xảy đến với bản thân trong thế giới. Nhờ đó, nó có thể đưa ra những phán quyết chắc chắn hơn để đảm bảo cho một hành trình đi đến hạnh phúc không bị lạc lối. Ngoài ra, khi khách thể hóa chính mình, lý trí có khả năng loại bỏ được các yếu tố thúc đẩy của đam mê. Đam mê chỉ là một thực tại nơi một cá nhân cụ thể. Do đó, đam mê của người này không thể tác động đến người khác. Như thế, khi nhìn bằng một góc từ bên ngoài, lý trí có thể gạt bỏ được tác động này và nó trở nên khách quan nhất.

Và cuối cùng, để lý trí không đi chệch hướng, tất cả các suy tư ấy cần được đặt nền trên ba điều: hạnh phúc của bản thân, công ích và sùng kính thần linh. Một quá trình suy tư đúng đắn không thể đưa đến một phán quyết đi lại các nhân đức, là điều hoàn thiện hạnh phúc của cá nhân. Tương tự như thế, lý trí đúng đắn không thể đưa ra một phán đoán đi ngược lại với công ích. Cuối cùng, một quá trình suy luận đúng đắn sẽ tìm thấy một thực tại vượt trên chính nó là lý trí vũ trụ.

Tự bản chất, khi xét dưới góc nhìn của chủ thể, sự vật chỉ có thể phân biệt thành 2 loại chính:

Những gì phụ thuộc vào chúng ta là các phán đoán giá trị (hypolepseis), thúc đẩy đến hành động (horme), và ham muốn (orexis) hoặc chán ghét; nói một cách dễ hiểu, là mọi thứ thuộc về trách nhiệm của chúng ta. Những gì không phụ thuộc vào chúng ta là thân thể, sự giàu có, danh dự và chức vụ cao; nói một cách dễ hiểu, tất cả mọi thứ không phải là trách nhiệm của chúng ta.[76]

Như thế, những thứ mà chúng ta không thể kiểm soát được mang trong chính chúng một giá trị trung tính về mặt luân lý. Cụ thể là, thân thể tự bản chất không tốt, không xấu. Sự giàu có cũng mang một giá trị tương tự. Danh dự, chức vụ đều trung tính về mặt luân lý. Thậm chí đến cả sự sống hay cái chết cũng không có gì khác biệt nhau về mặt luân lý.[77] Trái lại, chỉ những gì phát xuất nơi tâm trí mà chúng ta có quyền quyết định mới mang một giá trị tốt, xấu về mặt luân lý. Bởi vì, chính trong tâm trí mà chúng ta có một sự tự do để lựa chọn. Nói cách khác, những gì chúng ta không thể lựa chọn không mang trong mình giá trị luân lý.

Như vậy, cái tốt và cái xấu không nằm ở đâu khác ngoại trừ trong chính lựa chọn của con người. Tuy nhiên, dù là sự lựa chọn thuộc về tự do của con người nhưng chính con người bị đòi buộc lựa chọn điều tốt hơn là điều xấu. Bởi vì một cách tự nhiên, sự vận hành của vũ trụ trước hết tiến đến việc bảo toàn được trật tự trong chính nó. Và khi con người hòa hợp được với trật tự ấy thì đó chính là điều tốt. Để đảm bảo được kết quả ấy, quá trình suy tư theo cách nhìn của Marcus Aurelius dưới ba phần: phán đoán, ao ước và thúc đẩy đến hành động.[78] Phán đoán là để nhìn nhận sự vật cách khách quan nhất. Điều này đồng thời cũng loại bỏ đi những ấn tượng ban đầu của cảm giác có thể làm sai lạc sự thât. Kế đến, đó là một khao khát đặt nền tảng trên một ý niệm về định mệnh của lý trí vũ trụ. Hay nói cách khác, con người ngay tự bản chất hướng về điều thiện. Và cuối cùng, đó là một sự thúc đẩy của bản tính tự nhiên của con người là hướng đến làm điều thiện.

Để tóm lại, ngang qua những khả năng của chính mình, lý trí giúp cho con người hiểu về bản chất thật sự của thế giới này mà không bị những ảo ảnh của giác quan chi phối. Và cũng chính ngang qua việc suy tư ấy, con người mới có thể xác định được đâu mới thực sự là cùng đích của cuộc đời mình. Và để khám phá ra những điều ấy, con người không thể không đặt nền tảng trên hạnh phúc của bản thân, cộng đồng và một sự sùng kính thần linh. Tất cả những suy tư này mang đến một sự tự do cho cá nhân trong những quyết định của mình.

 

Chương 4
Nhân Đức Như Cách Thế Hoàn Tất Việc Đi Tìm Hạnh Phúc

Như thế, chính khi đối diện với sự hữu hạn, con người mới có thể lựa chọn được những giá trị đích thực đưa đến hạnh phúc. Tuy nhiên, hạnh phúc không phải chỉ là một lý tưởng, nó là chính đời sống của một người. Để có thể đạt được hạnh phúc, người đó phải đưa chính mình vào trong sự vận hành của vũ trụ ngang qua việc thực hành. Như thế, nhân đức không gì khác hơn là những thái độ của chủ thể thuận theo tự nhiên để đưa đến hạnh phúc đích thực. Hay nói cách khác, nhân đức là một đòi hỏi về cách sống của một người khi họ vận dụng lý trí của bản thân. Nhân đức chính là biểu hiện hay mặt thực hành của những suy tư của lý trí. Suy tư tự bản chất không làm nên hạnh phúc, suy tư ấy phải được thực hành. Chính một đời sống nhân đức làm cho hạnh phúc của con người nên trọn vẹn.

Và vì mỗi hành động có ý thức đều có đối tượng khách quan của nó nên các nhân đức cũng sẽ có những đối tượng áp dụng khác nhau. Ở đây, Aurelius đề cập đến các nhân đức chính cho bản thân, xã hội và Thượng đế.

Bản thân

Một trong những điểm nổi bật của đời sống khắc kỷ đó là việc vận dụng vận dụng lý trí vào trong mọi tình huống của cuộc sống. Vì thế, đời sống của cá nhân cũng không được phép đi ra ngoài quỹ đạo này. Có thể nói, điều quan trọng đối với một cá nhân đó chính là việc có thể làm chủ được cuộc sống của mình. Điều này đòi hỏi một phương thế vận dụng những khả năng suy tư của lý trí để đưa ra những phán đoán của bản thân phù hợp với hoàn cảnh sống của mình. Tuy nhiên, câu hỏi nền tảng để xác định cách hành xử của một người đó chính là lý do nào để lựa chọn hành động đó. Mỗi hành động của một người phải mang trong chính nó một ý nghĩa. Điều này có nghĩa là không có hành động nào của một người có thể thoát ra khỏi sự chi phối của ý thức. Nói cách khác, việc sử dụng lý trí đúng đắn trở nên nền tảng cho bất cứ lối hành xử của bản thân. Và vì thế, việc vận dụng lý trí để suy xét tự bản thân nó trở thành một nhân đức. Bởi vì hành động của chủ thể được suy xét dựa trên các giá trị nên các hành động ấy đưa con người đến sự hoàn thiện của bản thân. Việc có thể vận dụng lý trí để hướng dẫn đời sống của bản thân thì đã trở thành một nhân đức cao cả. Trái lại một tội ác ghê gớm đối với bản thân đó là việc không thể vận dụng hết những khả năng mà lý trí có thể đem lại.

Các chất liệu của giác quan đưa đến những ấn tượng ban đầu cũng chứa đựng trong nó một giá trị. Giá trị ấy chính là kênh thông tin liên lạc của chúng ta với thế giới và biết nhu cầu của chính mình. Một người biết sử dụng lý trí đúng đắn sẽ không thể nào không biết đâu là những nhu cầu tối thiểu của bản thân. Và một cách nhận biết thông thường, con người cần phải được đáp ứng những nhu cầu cơ bản đó để sống và phát triển. Tuy nhiên, lý trí cũng thiết đặt một giới hạn cho những nhu cầu của thể xác và tinh thần.[79] Sự tiết chế ấy là cả một nhân đức. Nó thể hiện một sự cân bằng trong đời sống của một người. Nhưng nhu cầu cơ bản của một người cần được đáp ứng đầy đủ nhưng không vượt quá giới hạn. Vậy làm sao để có thể biết được những giới hạn như thế? Dựa vào chính nền tảng của các nhân đức trụ từ kinh nghiệm suy tư của các bậc tiền nhân. Lấy một ví dụ, trong việc ăn uống, cảm giác đói đó là một báo hiệu cho nhu cầu tự nhiên của một người và nó đòi hỏi một sự đáp ứng. Tuy nhiên, ăn cái gì hay như thế nào mới hợp lý? Qua suy tư, một người sẽ thấy được lượng thức ăn làm cho bản thân họ no để có sức học tập, dấn thân vào sứ mạng nên họ sẽ ăn thức ăn vì chất dinh dưỡng. Trái lại, có những người sẽ chọn ăn vì vị ngon, đó là cảm xúc của một người với thức ăn. Như thế, thử đặt 2 cách thức này dưới ánh sáng của một đời sống nhân đức, các giá trị của chúng sẽ được bộc lộ. Liệu ăn ngon có góp phần giúp cho một người trong việc họ sống khôn ngoan, dũng cảm, công bằng hay tiết độ? Rất khó để có thể tìm được một lý do hợp lý cho việc này. Trái lại, ăn đủ chất dinh dưỡng sẽ góp phần cho việc thực hiện các nhân đức trên vì yếu tố sức khỏe là cần thiết. Như vậy, ngay cả việc ăn uống tưởng chừng như rất bình thường cũng mang trong mình một sự vận động chung của Lý trí vũ trụ. Nói cách khác, khi đặt mọi việc dưới ánh sáng của lý trí, con người chỉ có thể thực hiện nó khi có một lý do hợp lý cho hành động của mình. Mọi việc đều có chủ đích của nó chứ không phải chỉ có tính ngẫu nhiên.

Khác với việc hoàn thiện bản thân bằng cách thỏa mãn những nhu cầu về mặt cảm xúc và thân xác, một hành động phát xuất từ một lý trí đúng đắn sẽ đem lại hạnh phúc cho con người khi nó theo đuổi những giá trị mang tính bền vững. Đối với một người, đó là sự bình an nội tâm. Ở đây có một vấn đề nảy sinh, liệu có sự tương đồng nào giữa việc thỏa mãn những nhu cầu về thân xác, cảm xúc và sự bình an. Trước hết, đối tượng của hai điều này hoàn toàn khác nhau. Tính quy kỷ là đặc điểm nổi bật khi nhắc đến điều đầu tiên. Những giá trị chi phối hành động của một người phần lớn chỉ là những việc nhằm thỏa mãn bản năng sinh tồn của người ấy.[80] Nói cách khác, cảm giác được cho là bình an có thể chỉ là những cảm xúc thỏa mãn về mặt thân xác. Trái lại, bình an đích thực không hệ tại ở việc thỏa mãn những nhu cầu của thân xác nhưng là việc được chạm đến lý tưởng sống của bản thân.[81] Chính lý tưởng sống là điều mà mỗi cá nhân đã có thể tìm thấy khi đối diện với sự hữu hạn của cuộc đời mình. Lý tưởng sống và nhu cầu của bản thân là hai yếu tố có thể hòa hợp nhưng cũng có lúc xung khắc lẫn nhau. Thứ đến, phương thức để lựa chọn hành động cũng khác nhau. Một bên, những ấn tượng ban đầu về sự vật được đưa vào để lựa chọn. Bên còn lại, cá nhân phải sử dụng lý trí của mình. Trong cách hành xử của mình, Marcus Aurelius đã kinh nghiệm sự giằng co rất lớn này. Nếu chiều theo cảm xúc, ông đã có thể quan hệ thân xác với những người hầu của mình.[82] Nếu xét đó là những nhu cầu của bản thân thì chính ông có lý do để đáp ứng cho nó. Tuy nhiên, lý trí của ông không cho phép ông làm điều đó.[83] Đối với ông, cuộc sống còn có những giá trị cao quý hơn mà ông cần theo đuổi so với việc thỏa mãn những nhu cầu của thân xác. Ở đây, ông đang nhắm đến các nhân đức như khôn ngoan và tiết độ. Sự khôn ngoan đó là để ông đưa các giá trị lên bàn cân dưới ánh sáng ý nghĩa cuộc đời để lựa chọn. Hay nói bằng cách khác đó chính là ông đang vận dụng lý trí của mình để có thể đưa ra những hành động phù hợp giúp ông đạt đến cùng đích của cuộc đời mình. Chính sự khôn ngoan đưa ông đến một nhân đức nữa đó là sự tiết độ. Sự tiết độ là việc đưa lý trí vào trong những phán đoán để chế ngự những cảm xúc nơi bản thân. Thay vì một cá nhân chỉ hành động theo cảm xúc mà làm tổn hại đến hạnh phúc thì lý trí giúp cho người ấy có thể nhận ra đâu là giới hạn của cảm xúc trong việc đưa ra hành động. Như thế, có thể rút ra rằng, cảm xúc có vai trò của nó trong việc gia tăng các chất liệu của cuộc sống nhưng nó không có tính quyết định cho một hành động của cá nhân.

Như vậy, khi mỗi cá nhân có thể tự chủ về mặt cảm xúc nhờ thực hành những nhân đức, chính người đó sẽ không bị ảnh hưởng bởi yếu tố bên ngoài mà làm mất đi ý nghĩa của cuộc sống. Chính lúc này, tâm trí con người được xem như là một ‘pháo đài’ bảo vệ người ấy khỏi những chuyển động của những đam mê.[84] Bởi vì khi đã có được một cứ điểm vững chắc, một người sẽ có tự do hoàn toàn để làm điều tốt. Hơn thế nữa, nó còn gạt bỏ đi tác động của các tật xấu của tha nhân hay của xã hội. Người khác sống không tốt nhưng không có nghĩa là tôi phải sống không tốt.[85] Và hạnh phúc của tôi không phụ thuộc vào thái độ của người khác đối với tôi.[86] Toàn bộ năng lực của bản thân lúc này được dồn vào việc thực hành các nhân đức để đạt được hạnh phúc của chính mình. “Tóm lại, một người phải đứng hiên ngang chứ không phải bị dựng đứng hiên ngang.”[87] Khi ấy, con người sẽ sống trong chính giây phút hiện tại của mình mà không còn bị những yếu tố của quá khứ hay tương lai lôi kéo.[88] Một hành động của một người trong một hoàn cảnh với không gian và thời gian cụ thể cùng với những suy xét đúng đắn là tất cả những điều người ấy có thể làm. Như vậy, người ấy sẽ không còn bị sự hối tiếc chi phối khi sau này nhận thấy được kết quả sẽ tốt hơn khi lúc đó thay đổi một điều gì đó. Những sự thay đổi ấy chỉ có thể mang giá trị tư vấn cho cách thức suy tư hiện tại của chủ thể được tốt hơn chứ bản thân nó cũng chẳng thay đổi được quá khứ. Và chỉ khi có được điều này, con người mới có được một sự bình an thực sự.

Vì vậy, một người khi đã nhận ra vẻ đẹp của cùng đích mình đang nhắm đến, người ấy có khả năng trung tín cho đến cùng với cùng đích của mình. Socrate thà chết hơn là đánh mất chính mình. Hay nói cách khác, ông tìm thấy chính mình trong việc đón nhận cái chết. Cũng có thể nói rằng, khi một người đã sống trong sự hạnh phúc thì sống hay chết cũng như nhau. Chính sự trung tín là kết quả của sự nhận biết giá trị chân thực.

Do đó, một người làm một việc tốt hay sống một đời sống nhân đức là do lý trí thúc đẩy chứ không phải vì mong chờ phần thưởng. Như đã nói, một khi một người đã sống một đời sống nhân đức chân thật, mọi tác động ở bên ngoài không thể làm lay chuyển người đó. Như thế, cho dù hoàn cảnh có diễn biến tốt hay trở nên bất lợi cho họ, lối sống nhân đức của họ vẫn trước sau như một. Điều này giúp ta nhận biết với những cá nhân có lối sống giả hình. Đây là những người làm việc tốt vì mong tiếng khen của mọi người. Khi không còn tiếng khen, đời sống được coi như là nhân đức cũng tan theo mây khói. Trái lại, đối với người sống một đời sống nhân đức, phần thưởng lớn nhất của họ là hạnh phúc nội tâm vì được là chính mình chứ không phải là tiếng khen của người đời.[89]

Như thế, nhân đức đối với chính bản thân trước hết là việc vận dụng tối đa khả năng tư duy trong khả năng có thể để nhận biết thế giới này. Đó là sự khôn ngoan. Không chỉ có thế, nhân đức tiết độ còn biết hướng con người đến một giá trị thật sự hơn là việc chỉ nhắm đến một sự hào nhoáng bên ngoài. Đây cũng là cách để lý trí vượt lên trên được những thúc đẩy tức thời của các giác quan. Và cuối cùng, sự trung tín để nắm lấy các giá trị cốt lõi giúp con người gạt bỏ đi những gì là vinh hoa phù phiếm bên ngoài.

Tha nhân

Con người không phải là một hòn đảo nhưng là một thành viên trong một tập thể. Chính vì thế, việc đạt được hạnh phúc không phải chỉ hiện tại nơi bản thân của mỗi người nhưng còn cần được xét trong tương quan với các cá nhân khác của xã hội. Hay nói đúng hơn là việc xây dựng nhân đức của cá nhân được bày tỏ qua cách họ sống với người khác.

Điều cốt lõi đầu tiên đó chính là nhận thấy tha nhân cũng có nhân phẩm như chính mình.[90] Điều này mang tính phổ quát cho mọi người kể cả những người được xem là bị khiếm khuyết về khả năng tư duy. Chính vì thế, hành động đối với tha nhân không thể đi ra ngoài quỹ đạo của việc hành động đối với chính mình. Điều này thể hiện rõ trong nhân đức công bằng. Nền tảng cho nhân đức này không gì khác hơn đó chính là vai trò của lý trí của từng cá nhân. Tuy khác nhau, nhưng lý trí của mỗi cá nhân vẫn có sự vận hành giống nhau. Đó chính là cách mà lý trí xác định được vai trò của mỗi cá nhân trong đời sống tập thể. Một người khi sử dụng lý trí của mình để suy xét thì đồng thời nơi tha nhân cũng có một lý trí với vai trò tương tự. Hơn thế nữa, điều này còn giả thiết về một lý trí của vũ trụ nơi mà mọi lý trí là thành phần của nó. Như thế, sự công bằng không phát xuất từ những cảm xúc đơn thuần, nhưng là việc tìm đến vai trò cốt lõi của lý trí. Chính vì thế, sự công bằng có tính áp dụng như là đòi hỏi chung cho mọi người bởi vì nó là đòi hỏi của lý trí. Như thế, không thể có sự công bằng khi không thể nhận ra vai trò của những giá trị tương đồng mà mỗi cá nhân đang theo đuổi.

Tuy nhiên, sự công bằng mang tính áp dụng chung nhưng lại phụ thuộc vào từng hoàn cảnh được áp dụng. Đối với xã hội La Mã cổ đại, nhân phẩm con người cũng chịu ảnh hưởng nhiều bởi những hình thức văn hóa khác nhau, đặc biệt là chế độ nô lệ. Như thế, liệu có thể nói rằng lý trí không thể tìm đến được sự công bằng như quan niệm của ngày nay? Để trả lời cho vấn đề này, trước hết cần nhắc lại rằng con người khi sinh ra không tự nhiên ở trạng thái hoàn hảo. Cuộc đời của mỗi người đó là đi tìm kiếm để hướng đến sự hoàn hảo. Như thế, mỗi lần suy tư, con người tiến đến gần với lý trí chung vận hành của vũ trụ hơn với hy vọng đến một lúc nào đó có thể trở nên một. Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là lý trí sai lầm với những nhận định của nó nhưng phải nhìn nhận đây là một tiến trình. Chính lúc đó, lý trí nhận ra được sự giới hạn của nó và cần có một lý trí cao hơn để có thể cho nó tháp nhập vào.

Như thế, trong mối tương quan này, mỗi cá nhân trong một tập thể có vai trò giúp đỡ lẫn nhau để cùng hoàn thành sứ mạng. Mặc dù lý trí cá nhân có tính vận hành riêng của nó, lý trí vẫn cần có một sự chuẩn nhận một cách khách quan từ các lý trí khác của tha nhân. Cả hai có thể mang nét khác biệt nhau nhưng khi va chạm với nhau, chúng nảy sinh một cách tiếp cận mới về thực tại với hy vọng gần hơn với lý trí vũ trụ. Như thế, một lý trí đúng đắn không phải là cố thủ theo cách suy tư của mình. Trái lại nó phải được mở ra để đón nhận những nguồn suy tư khác. Và vì giới hạn chính nó, lý trí của cá nhân phải thừa nhận sự không hoàn hảo của mình. Từ đó, lý trí sẽ dễ dàng mở ra với những sự giúp đỡ của lý trí của tha nhân hơn. Tuy nhiên, mối căng thẳng ở đây là làm sao các lý trí có thể tạo ra được một sự hòa hợp giữa các lý trí khác nhau đến mức đối nghịch? Vấn đề không nằm ở câu trả lời nhưng là nằm ở câu hỏi. Lý trí vận hành theo cùng nguyên tắc. Khi có sự khác nhau, đó là do lý trí đã không vận hành đúng theo cách thức của nó. Như vậy, sự tương tác giữa các lý trí chỉ chỉ cho nó thấy được những sai lầm này và có thể tránh khỏi những sai lầm cho lần sau. Đây là cách mà các lý trí giúp đỡ nhau để tiến đến Lý trí tối cao. Điều này được phản ánh rất rõ trong cách Aurelius đối diện với các hệ thống tư tưởng khác, đặc biệt là phái khoái lạc. Chính ông cũng nhìn nhận những điểm hợp lý mà các lý thuyết khác đem lại.

Nhân đức để sống mối tương quan giữa các lý trí bao gồm 2 mặt. Trước hết, các cá nhân cần khiêm nhường để nhận ra được những sai lầm của mình và mở ra để nhận được sự sửa chữa của người khác. Thứ hai, chính lý trí của cá nhân cũng phải nhận thấy và giúp tha nhân nhận ra và sửa chữa những sai lầm của bản thân họ với một tâm thế quảng đại và tự do. Như vậy, các cá nhân trong cùng một xã hội mới có phát triển và làm cho xã hội phát triển.

Với Marcus Aurelius thì những điều mang lại lợi ích cho xã hội cũng đem lại lợi ích cho cá nhân.[91] Bởi vì đã xem tha nhân như là chính mình, do đó ông đã đặt công ích lên hàng đầu và trở thành nền tảng cho sự lựa chọn của lý trí. Như một ngưỡi đã nỗ lực như thế nào để có thể đem lại hạnh phúc cho chính họ, thì họ cũng phải cho thấy nỗ lực đó trong đời sống xã hội. Đó là sứ mạng của họ trong xã hội. Như đã nói, lý trí đã đưa cho họ một mệnh lệnh ngang qua những tài năng của họ. Do đó, mỗi người có nhiệm vụ để chu toàn mệnh lệnh đó của lý trí.

Như vậy, mỗi người cần đối xử với nhau như những con người trọn vẹn. Tuy nhiên, việc thực hành nhân đức ấy cần có một sự lưu tâm đặc biệt. Trước hết đối với mỗi cá nhân, cần có một sự trân trong đối với tha nhân cho dù người đó nói xấu hay đối xử không công bằng với mình. Như đã nói, tâm trí con người là một pháo đài được dựng vững chắc trên lý trí. Nó chỉ vận hành theo quy luật lý trí. Như thế, nếu một người cũng đối xử bất công với người đã bất công với họ, thì hành động đó không còn dựa trên lý trí nhưng dựa trên hoàn cảnh. Nhưng trái lại, người khác sống không tốt nhưng chính tôi, bằng thúc đẩy của lý trí, tôi phải sống tốt. Người khác đối xử bất công với tôi, về phần tôi, tôi vẫn đối xử công bằng với họ. Marcus đã minh chứng điều này bằng chính đời sống của ông. Trong sử sách ghi lại, vợ của ông là một người không chung thủy.[92] Bà chạy theo những nhục cảm của bản thân và đã ngoại tình với một cận vệ của Aurelius. Tuy nhiên, đối lại với sự phản bội, Aurelius vẫn đón nhận bà với những lời ca ngợi về nhân đức của bà trong cuốn thứ I.[93] Chỉ có lý trí mới có thể giúp cho Aurelius có được một sự quảng đại như thế.

Tóm lại, trong tương quan giữa người với người, yếu tố đầu tiên cần được suy xét đó là sự công bằng. Đây là một đòi hỏi của việc tôn trọng phẩm giá của người khác như là những nhân vị. Và từ đó, con người hướng đến việc chu toàn những nghĩa vụ cao cả hơn trong tương quan mở rộng của xã hội. Như thế, sự bác ái đối với tha nhân trở nên một lời mời gọi mang tính phổ quát đối với con người. Và bởi vì chính giới hạn của mình, lý trí cần một cộng đồng để có thể phát triển.

Thượng Đế

Như đã nói, lý trí của mỗi cá nhân tự nó có thể khám phá ra giới hạn của chính nó. Vì thế, khi xem xét tính hữu hạn của mình, lý trí sẽ tự đặt vấn đề để khám phá ra điều được gọi là vô hạn. Ở đây, con người khám phá ra có một năng lực vượt lên trên toàn thể nhân loại và chi phối mọi hoạt động của từng cá thể. Đó chính là ý niệm về Thượng đế hay Lý trí vũ trụ mà phái khắc kỷ đang nhắm đến. Đây cũng là điểm nhắm siêu hình để xác nhận sự tồn tại của Thượng đế. Tuy nhiên, Thượng đế ở đây không được hiểu như là một nhân vị. Đối với Marcus Aurelius, các vị thần linh tượng trưng cho những quy luật của vũ trụ và tất cả được quy định bởi trí tuệ vũ trụ. Nói cách khác, Thượng đế chính là lý trí cao cả nhất của vũ trụ nắm giữ việc điều phối sự vận hành của thế giới này. Như vậy, lý trí của từng cá nhân sẽ tháp nhập vào trong sự vận hành của lý trí chung của toàn thể vũ trụ.

Như thế, có thể nói rằng, mọi biến cố trong cuộc sống đều được xem là có ý nghĩa riêng của nó khi nó được đặt vào trong sự điều phối của lý trí vũ trụ. Ở đây, việc thờ phượng đạo đức như là một nhân đức không bao hàm ý nghĩa về sự mê tín. Trái lại, việc thờ phượng được xem như là việc mở ra và đón nhận sự vận động chung của toàn thể vũ trụ. Hơn thế nữa, chính lý trí của từng cá nhân cũng phải tiến lên trên con đường tháp nhập vào lý trí của vũ trụ. Bởi vì, chỉ khi đó, con người mới có thể đạt được cùng đích của đời mình là hạnh phúc. Chính quy luật này giải thích tất cả những đau khổ hay vui sướng mà một người đang phải trải qua. Đó không phải là một điều gì xa lạ nhưng đúng hơn nó chính là cuộc sống. Con người có sinh, lão, bệnh, tử. Đó chính là quy luật. Như thế, khi không thể thay đổi quy luật thì cách duy nhất đó là đón nhận quy luật. Chính trong lúc này, con người mới thật sự là người hơn. Nếu xét theo mặt cảm xúc, những yếu tố tiêu cực cần phải được loại bỏ để có thể xây dựng được một hạnh phúc. Tuy nhiên, chính điều ấy lại đưa con người ra khỏi quy luật đời sống của mình. Như thế, liệu con người có còn là con người nữa chăng. Nếu mỗi cá nhân không kết thúc cuộc đời của mình bằng cái chết, thì đâu là nền tảng để giúp cho con người có thể lựa chọn cho cuộc sống?

Cùng với việc nhận ra sự hữu hạn của con người, Marcus Aurelius cũng hướng tới việc cầu xin sự trợ giúp của thần linh. Nhưng là lời trợ giúp nào? Đó là lời cầu xin sức mạnh để có thể vận dụng lý trí và sống nhân đức. Đó là một lời cầu xin. Tuy nhiên đúng hơn, đó là một lời nhắc nhở chính bản thân để có thể đi đến tận cùng của vấn đề từ đó lựa chọn cho đúng điều mà lý trí thúc đẩy với hy vọng có thể tìm được hạnh phúc.

Trong mọi trường hợp, ai đã nói với bạn rằng các vị thần không hỗ trợ chúng ta ngay cả trong những việc nằm trong khả năng của chúng ta? Hãy cầu nguyện như thế này, và bạn sẽ thấy. Một người cầu nguyện, “Cầu mong tôi có thể ngủ với người phụ nữ đó”, nhưng bạn, “Cầu mong tôi không khao khát ngủ với cô ấy.” Một người khác cầu nguyện, “Cầu mong tôi thoát khỏi người đàn ông này,” nhưng bạn, “Cầu mong tôi không còn muốn thoát khỏi anh ta nữa.” Hoặc một người khác, ‘Cầu mong tôi không mất đứa con bé bỏng của mình,’ còn bạn, “Cầu mong tôi không sợ mất nó.” Nói cách khác, hãy xoay chuyển những lời cầu nguyện của bạn theo cách như vậy, và xem điều gì sẽ xảy ra.[94]

Đối với Marcus, một sự đạo đức như thế là điều cần phải có. Có thể nhiều người sẽ cảm thấy lạ khi phái khắc kỷ lại thực hành niềm tin vào các vị thần linh trong khi nhiều phái khác cho rằng mê tín. Tuy nhiên, sẽ không vô lý khi lý trí nhìn thấy được sự bất lực của nó trước viễn cảnh bao la mênh mông của vũ trụ, là nơi mà Thượng Đế với lý trí của mình đang quan phòng mọi sự. Và sự thờ phượng sùng tín không gì khác hơn là một phương thế để nhắc nhớ bản thân sống theo cách thức mà tự nhiên đòi hỏi. Không trốn tránh thực tại nhưng là đối diện với thực tại một cách kiên cường vì biết chắc rằng, thực tại ấy vượt quá khả năng kiểm soát của bản thân.

Tóm lại, như một sự nhắc nhớ về phận vụ làm người của mình, việc tôn kính thần linh mở ra cho con người một viễn tượng về cách thức mà con người sẽ tháp nhập chính mình vào trong lý trí của vũ trụ.

 

Chương 5
Sử Dụng Lý Trí Đúng Đắn Như Là Cách Thức Để Tiến Đến Một Sự Hiện Hữu Trọn Vẹn

Như thế, sợi chỉ xuyên suốt và cũng là căn cốt của tiến trình này là việc con người vận dụng lý trí cách đúng đắn để hiểu được cách vận hành của thế giới, thấy được giá trị của nó và sống phù hợp với những giá trị ấy bằng cách xây dựng nhân đức. Đây là cách thức để con người có thể tìm thấy được hạnh phúc của cuộc đời mình. Ngang qua việc chiêm ngắm thế giới, con người nhận diện được vị trí của mình trong thế giới này. Con người, cùng với mọi sự vật khác, là một phần của thế giới này. Tuy nhiên, điểm khác biệt giữa con người và các sự vật khác đó chính là lý trí. Chỉ có con người mới có lý trí, nghĩa là, con người được tự do hành động theo những gì mình suy tư thấy điều đó là hợp lý. Điều này đi ngược lại với cách sống theo bản năng của các loài động vật. Chúng cũng hành động nhưng hành động của chúng chỉ hướng đến việc thỏa mãn các nhu cầu của thể xác và của cảm xúc. Trái lại, con người, với lý trí của mình, sẽ chọn lựa theo giá trị cùng đích của cuộc đời mình. Đó chính là ý nghĩa của cuộc hiện hữu của con người. Việc hiện hữu của con người trong thế giới luôn đi kèm với nó là một mục đích. Chỉ ngang qua việc suy tư, con người mới có thể nhận ra được điều ấy. Như thế, sự hiện hữu của con người không phải là một sự ngẫu nhiên, tình cờ. Thay vào đó, đó là cả một quá trình vận hành lớn lao của vũ trụ.

Và như thế, việc sử dụng lý trí được xem như là cách thức hiện hữu của con người. Mọi hành động của con người luôn phải có một mục đích cho nó.[95] Tại sao tôi lại làm điều này? Nó không xuất phát từ một yếu tố nào khác nhưng nó là chính sự đòi hỏi của hiện hữu. Bởi vì con người khác các loài khác ở khả năng suy tư, nên nếu cá nhân không vận dụng khả năng suy tư của mình, thì chính họ đánh mất đi căn tính hiện hữu của mình. Và lý trí có một khả năng hướng về điều thiện như là bản chất tự nhiên nên việc thực hành nhân đức không là gì khác hơn là kết quả của việc suy tư. Hay nói đúng hơn, lý trí nhận ra được quy luật của vũ trụ và cách con người bước vào trong quy luật đó thì chính là nhân đức.

Như thế, sự hiện hữu của con người được xác định như là một tiến trình làm người chứ không chỉ là ở một giai đoạn nhất định. Đây không phải là một điều mang tính thần bí nhưng là một kinh nghiệm thực tiễn. Hạnh phúc không còn là một điều gì xa vời nhưng là chính quá trình con người đi đến việc hoàn thiện chính mình. Nói cách khác, phái khắc kỷ không chỉ suy tư nhưng còn là sống cái suy tư ấy. Nội tại của những nhân đức đã bao hàm việc thực hành. Không thể nói rằng một người là nhân đức khi người ấy chỉ dừng lại ở những suy nghĩ về nhân đức của mình. Trái lại, họ phải đem những suy tư ấy và thực hành và làm biến đổi cuộc sống của họ. Cũng không thể nói một người sống hòa hợp với những quy luật của lý trí vũ trụ khi những hành động của người ấy chỉ được thực hiện dưới sự tác động của cảm xúc hay bản năng. Như thế, lý trí nắm giữ vai trò cực kỳ lớn trong cách hành xử thật sự của mỗi cá nhân. Đối với Aurelius, suy tư bắt buộc sẽ dẫn đến thực hành mới có thể đem lại được một hạnh phúc đích thực. Hạnh phúc phải bao gồm trọn vẹn cả nhân vị nhưng hạnh phúc đích thực ấy cũng bắt nguồn từ chính lý trí.

Từ chiêm ngắm thế giới đến hành động nhân đức đó là cả một quá trình làm việc dài kỳ của lý trí. Con người là một phần của thế giới. Chính vì thế, khi con người cố gắng để thoát ra khỏi những quy luật ấy, con người có nguy cơ đánh mất chính mình. Vai trò của lý trí là cố gắng đưa con người vào trong những quy luật để có thể có được một đời sống tốt hơn. Ở đây, việc sống theo các quy luật ngang qua các nhân đức không phải là một trạng thái mang tính bị động. Trái lại, đó là một quá trình hoàn toàn chủ động để tháp nhập. Quay trở lại với sự vấn đề của sự chết, nếu không đón nhận cái chết như là một thực tại của đời sống con người, con người đã đánh mất đi tính hiện sinh của cuộc đời. Thay vì nhìn vào thực tại để sống thì cá nhân có nguy cơ trốn tránh vào một trạng thái nào đó của sự ấu trĩ và mất đi sức sống hiện tại của mình.

Hơn thế nữa, chính lý trí bảo vệ con người khỏi những ngụy biện mà con người phải đối diện khi sống trong thế giới này. Chính những ngụy biện ấy lôi kéo con người trật khỏi hành trình mà mỗi cá nhân đang hướng đến. Đặc điểm rõ nét nhất đó chính là sự cản trở để một người không thể tiến lên trong con đường nhân đức. Kết quả là con người có nguy cơ mất đi hạnh phúc của chính mình. Để tránh được những ngụy biện ấy, con người phải quay lại với cái chết. Bởi vì cái chết là một thực tại nền tảng, nên chính nó có thể đảm bảo sự chính xác cho những suy tư của con người. Như thế, thái độ thật sự của một nhà khắc kỷ đó là cố gắng nhất trong mức có thể để nhìn nhận sự việc đang hiện hữu như nó là và đáp trả lại bằng các nhân đức. Như thế, sẽ không có yếu tố tích cực hay tiêu cực nhưng chỉ còn là sự vật nó là như nó là. Do đó, trong các quyết định hành động, giá trị cốt lõi được bảo tồn.

Tuy nhiên, điều này được khá nhiều các nhà chuyên môn, đặc biệt là khía cạnh tâm lý, phản bác lại khi cho rằng các nhà khắc kỷ là những con người khô cứng với lý do không chú ý đến cảm xúc.[96] Đây là vấn đề cần phải xem xét lại. Trước hết, được xét như là đại diện của phái khắc kỷ, Marcus không hề chối bỏ cảm xúc của bản thân. Ông vẫn xác nhận rằng cảm xúc là một trong những quan năng của con người. Cảm xúc là cách mà con người phản ứng lại với những điều xung quanh mình. Tuy nhiên, cảm xúc không đóng vai trò đưa ra quyết định của một người. Lý do cho việc phân biệt này xuất phát từ chính đặc tính của cảm xúc. Bởi vì cảm xúc dựa chỉ dựa trên những kinh nghiệm cá nhân nên có thể nói rằng chúng thiếu đi tính khách quan cần thiết. Không có một nguyên tắc chung để xác định được sự hình thành của tình cảm. Ngược lại với vấn đề này, lý trí có được nguyên tắc chung của logic hình thức để từ đó hình thành một định hướng chung cho các suy tư. Nhưng để lý trí có thể thực hiện được chức năng của mình, nó cần có chất liệu để suy tư. Và ở đây, cảm xúc đóng vai trò cung cấp chất liệu cho lý trí để suy tư về chính điều tạo nên cảm xúc đó. Như vậy, không có việc đánh giá, phân biệt cao thấp các chức năng của lý trí hay cảm xúc. Điều cần nhấn mạnh ở đây đó là chức năng của lý trí và cảm xúc. Mỗi quan năng đều có nhiệm vụ riêng của mình và vai trò của lý trí đó là ra đưa ra hành động. Và như theo cách nhìn của Aurelius, con người không là một con rối bị giật dây bởi những đam mê của thể xác và tinh thần.[97] Trái lại, con người chủ động trong những quyết định của mình để có thể sống thật nhất với giá trị mà một con người phải sống.

Như vậy, cho dù chất liệu có nhiều đi chăng nữa thì không phải bất cứ chất liệu nào cũng có thể làm tiền đề cho phương trình logic. Tự bản thân các nguyên tắc logic sẽ chắt lọc các yếu tố ngụy biện để có thể đưa ra một kết luận chính gần chính xác nhất. Tuy vậy, việc này cũng đồng thời thừa nhận một điều rằng lý trí bị giới hạn bởi những chất liệu đầu vào. Có thể nói rằng, giới hạn của suy tư cũng tương đương với giới hạn hiểu biết của con người. Nói cách khác, con người không thể cùng một lúc tri nhận toàn bộ sự vật như nó là, nhưng chỉ ở mức độ mà sự vật ấy tỏ lộ ngang qua hiện tượng. Như thế, lý trí của cá nhân cần phải được tháp nhập trong một lý trí lớn hơn của vũ trụ, một lý trí tự thân nhận biết mọi sự vật như nó là. Và vì giới hạn của chính mình, lý trí cá nhân chỉ có thể tiếp cận cách tiệm tiến vào trong lý trí của vũ trụ. Nhưng như thế cũng đảm bảo được sự hy vọng tháp nhập hoàn toàn của từng cá nhân vào trong vũ trụ ấy.

Trường hợp này mang tính cụ thể hơn ở những người bị khiếm khuyết khả năng tư duy. Đối với trường hợp này, các cá nhân không thể sử dụng lý trí của mình cách hiệu quả. Như thế, liệu họ có thể tiến đến được hạnh phúc của chính mình? Để giải quyết vấn đề này, việc trước tiên là xác định lại nền tảng. Và ở đây, nền tảng ấy là tính xã hội của con người. Một người không thể sử dụng lý trí của mình để suy tư thì xã hội giúp anh làm điều ấy. Lý trí của vũ trụ được xem như là nguyên lý chung của toàn thể vũ trụ, nó bao trùm mọi cá nhân. Như thế, mọi thành phần được thừa hưởng cái tổng thể. Lấy một ví dụ cho vấn đề này. Biển bao gồm các giọt nước biển. Nhưng tập hợp tất cả các giọt nước biển không phải là biển. Tuy nhiên, chính các giọt nước biển là biển và biển là chính các giọt nước biển. Tương tự như vậy, lý trí vũ trụ là một thực tại vượt lên trên con người nhưng cũng nội tại ở chính con người. Và như thế, ở các cá nhân không thể vận hành lý trí của mình cách đúng đắn thì sự vận hành lý trí của các cá nhân khác sẽ giúp người ấy. Điều này không quá xa lạ khi một người từ lúc mới sinh cho đến tuổi khôn, mọi suy tư của họ đều phải dựa vào người khác. Chính những suy tư của người khác làm nên sự hiện hữu của họ nhưng không phải theo cách áp đặt nhưng là sự cùng tháp nhập vào trong một thực tại lớn hơn của lý trí vũ trụ.[98]

Tuy nhiên, liệu có một tự do tồn tại trong cách nhìn mọi sự được chi phối bởi quan niệm định mệnh? Điều này cần đến một cách hiểu về sự tự do. Đầu tiên, có những quy luật của thiên nhiên mà bản thân con người không thể thay đổi được. Và chắc chắn, con người sẽ thấy mình mất tự do khi chịu sự chi phối của các quy luật tự nhiên ấy. Tuy nhiên, sự tự do ở đây đó là khả năng đưa ra những sự lựa chọn cho riêng mình trong những hoàn cảnh định sẵn. Với lý trí, con người có thể đưa ra những quyết định cách thức mình sẽ sống như thế nào. Bản thân sự lựa chọn mang trong mình hai yếu tố. Trước hết, đó là đối tượng của sự lựa chọn. Ở đây, đối tượng của sự lựa chọn đó là một lối sống nhân đức phù hợp với tự nhiên. Tuy nhiên, điều này đồng thời giả thiết sẽ có những đối tượng không phù hợp với các nhân đức. Do đó, sự lựa chọn này sẽ dẫn đến yếu tố thứ hai đó là kết quả của sự lựa chọn. Một người có thể có thể chọn được đời sống nhân đức để đưa đến hạnh phúc hay là từ chối một lối sống như thế. Như vậy, cho dù một đời sống nhân đức là một đòi hỏi của sự hiện hữu nhưng con người có khả năng để từ chối chính hạnh phúc của mình. Đây là trách nhiệm hoàn toàn mang tính cá nhân. Như thế, không ai có thể nói rằng ‘tôi không hạnh phúc bởi vì người khác làm cho đời sống của tôi không hạnh phúc.’ Một tự do để con người có thể lựa chọn là chính mình hay đánh mất mình.

Hơn nữa, việc sử dụng lý trí trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống lại là một cuộc chiến. Cuộc chiến ấy đòi hỏi một sự kỷ luật cá nhân to lớn. Điều này không xa lạ ngay với cả lý thuyết tâm lý học hiện đại. Cụ thể nhất, Maslow trong lý thuyết về tháp nhu cầu của mình đã không ngần ngại dành vị trí cao nhất cho một cái tôi siêu vượt.[99] Mà theo ông mô tả, đó không là gì khác hơn một đời sống nhân đức đầy lòng vị tha. Một bên, con người bị lôi kéo vào các dục vọng. Bên kia, con người được vẻ đẹp của nhân đức thu hút. Do đó, cái làm nên giá trị của một con người đó là sự vươn lên. Khi sinh ra, con người chứa đựng trong mình một hạt giống của sự hoàn thiện chứ không phải là chính sự hoàn thiện. Nếu nói như Aristotle, con người là tiềm thể hướng đến một sự hiện thể của chính mình. Nói cách khác, mặc dù lý trí là một yếu tố bẩm sinh nhưng nó phải được trải qua một quá trình huấn luyện. Marcus Aurelius đưa ra các nguyên tắc như thế cho chính ông nhưng cũng là nguyên tắc cho những ai muốn thực hành một lối sống khắc kỷ. Và để hỗ trợ cho một tiến trình đầy khó khăn như thế, qua kinh nghiệm của mình, Marcus Aurelius đưa ra một đúc kết ngắn gọn trong hai điều: “Thứ nhất, không bao giờ hành động một cách ngẫu nhiên mà không có qui chiếu rõ ràng về cùng đích; và thứ hai, hành động của bạn chỉ liên hệ không ngoài điều gì khác là công ích.”[100]

Con người là một toàn thể

Như thế, lý trí nắm giữ một vai trò cực kỳ quan trọng trong cách hướng dẫn con người để đạt được hạnh phúc. Tuy nhiên, sẽ là một sai lầm khi chỉ coi việc đơn thuần sử dụng lý trí như là con đường duy nhất để dẫn đến hạnh phúc. Ngoài lý trí, con người còn là một thân xác có xúc cảm và có niềm tin. Nếu loại trừ đi hết các yếu tố này, con người có nguy cơ rơi vào chủ nghĩa duy lý một cách cực đoan. Con người là một tổng thể của xác và hồn. Lý trí không tồn tại một cách độc lập với thân xác. Trái lại, lý trí cần một thân xác để có thể biểu lộ những suy tư của nó. Hơn thế nữa, chính những thay đổi thể lý cũng góp phần tác động lên những suy tư của con người. Và cảm xúc cũng có vai trò tương tự. Như đã trình bày, cảm xúc được xem như là một yếu tố con người phản ứng với những điều xảy ra xung quanh mình. Tuy nhiên, cảm xúc không thể chỉ được tách riêng trong vai trò của mình. Trái lại, đó là một phần làm nên nhân vị. Trong thế giới hiện đại ngày nay, cảm xúc là một vấn đề đáng lưu tâm khi con người dần trở nên khô cứng với những suy tư của mình. Không những thế, cảm xúc về điều thiện lại chính là một động lực thúc đẩy con người đi tìm chân lý. Và cuối cùng, niềm tin vào một Đấng siêu việt tạo một điểm bám cho con người trong thế giới đầy biến động. Đó cũng chính là giới hạn của con người. Sự giới hạn về khả năng tri nhận thế giới. Chính lý trí phải thừa nhận giới hạn của nó và nhận ra nó chỉ là một phần trong những yếu tính huyền nhiệm làm nên con người. Như thế, một sự cực đoan để tách biệt lý trí như là thực tại duy nhất dẫn đưa con người đến hạnh phúc cần phải được loại bỏ. Hạnh phúc phải bao trùm cả nhân vị. Điều đáng nói ở đây đó chính là một sự hài hòa của các yếu tố: lý trí, cảm xúc, đức tin và thể lý. Cảm xúc cần có lý trí để tránh trở nên thái quá. Lý trí cần có cảm xúc để giảm lại sự khô cứng của chính mình. Đức tin làm nền tảng cho con người khi phải đối diện với những điều vượt quá khả năng của lý trí. Và cuối cùng, lý trí cần hài lòng với chính thân xác của mình và phát triển nó tốt nhất trong khả năng có thể. Có thể ví con người như là một chiếc tàu với thân xác là thân tàu, ngọn hải đăng là đức tin, những cơn gió là cảm xúc và người hoa tiêu là lý trí. Tất cả đang trong hành trình đêm đen của cuộc đời. Nhưng hạnh phúc lại chính là cuộc hành trình trong đêm đen ấy vì biết chắc rằng sẽ có một điểm đến xa xa ở phía trước.

Kết Luận

Để kết lại, khởi đi từ cái chết như là một thực tại mà con người luôn phải đối diện trong kiếp làm người của mình, con người được mời gọi để vượt qua sự sợ hãi đối với cái chết. Thay vào đó, con người cần phải nhận ra được chân tướng thực sự của cái chết để có thể đón nhận nó như là một phần của sự sống thực sự của con người. Từ đó, con người khi đối diện với sự kết thúc của mình sẽ tìm cách để cho chính cuộc đời của mình trở nên ý nghĩa hơn. Đó chính là giá trị của hạnh phúc trong cuộc đời. Và hạnh phúc ấy không gì khác hơn là việc con người được làm người. Nó hệ tại ở việc con người có thể sử dụng lý trí của mình để tìm thấy ý nghĩa trong mọi biến cố của đời. Và nơi ấy, con người tìm ra vị trí của mình trong tương quan với tha nhân. Chính vì thế, con người trong việc cố gắng tìm về hạnh phúc của bản thân luôn tìm thấy vai trò của mình trong sứ mạng. Sứ mạng ấy là một sự kết hợp giữa những khả năng của bản thân và môi trường sống. Hay nói cách khác, đó chính là định mệnh được lý trí của vũ trụ quan phòng. Tuy nhiên, con người nhận ra được sự quan phòng ấy nhờ chính vai trò suy tư của lý trí nội tại nơi bản thân của mỗi người. Như thế, một hạnh phúc đích thực không phải chỉ là những suy tư về hạnh phúc nhưng còn là việc dấn thân để sống những suy tư ấy.

Tuy nhiên, lý trí cần đến giáo dục như là bước khởi đầu để bắt đầu thu lượm được những yếu tố cần thiết cho việc tự hoàn thiện chính bản thân nó. Giáo dục sẽ hướng dẫn lý trí để tự bản thân lý trí có thể đi tìm những quy luật vận hành đang chi phối thế giới này. Từ đó, lý trí nhận ra rằng, sự vận động một cách hài hòa của vũ trụ đem lại ý nghĩa hiện hữu của từng sự vật. Chính vì thế, một lối sống tự nhiên con người được mời gọi để sống cũng không thể đi trật ra khỏi quỹ đạo của những quy luật này. Khi đó, lý trí giúp cho con người hiểu về bản chất thật sự của thế giới này mà không bị những ảo ảnh của giác quan chi phối. Và cũng chính ngang qua việc suy tư ấy, con người mới có thể xác định được đâu mới là việc mình phải làm. Tất cả những suy tư này mang đến một sự tự do và trách nhiệm cho cá nhân trong những quyết định.

Tuy nhiên, một đời sống hạnh phúc không chỉ dừng lại ở những suy tư. Lý trí dẫn con người đến với lối sống nhân đức như là cách hiện thực hóa hạnh phúc nơi chính mình. Đối với bản thân trong việc vận dụng tối đa khả năng tư duy, nhân đức đó là sự khôn ngoan, tiết độ, trung tín. Và trong tương quan giữa người với người, con người được thúc đẩy sống một lối sống công bằng và bác ái. Đây là một đòi hỏi của việc tôn trọng phẩm giá của người khác như là những nhân vị. Và từ đó, con người hướng đến việc chu toàn những nghĩa vụ cao cả hơn trong tương quan mở rộng của xã hội. Và cuối cùng, việc tôn kính thần linh mở ra cho con người một viễn tượng về cách thức mà con người sẽ tháp nhập chính mình vào trong lý trí của vũ trụ. Và chính khi đó, hạnh phúc tồn tại nơi con người khi nó không phải là một đích đến nào đó quá cao vời nhưng là chính một đời sống được là chính mình.

Như thế, lý trí đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc hướng dẫn con người đi tìm hạnh phúc của chính mình. Ngang qua lý trí, con người tìm thấy được con đường để đưa mình đến hạnh phúc. Và hạnh phúc ấy không gì khác hơn là việc con người được là chính mình trong thế giới. Tuy thế, vai trò của lý trí không thể tách ra để đứng độc lập nhưng phải được hòa hợp với các yếu tố khác của con người mới có thể đem lại được một hạnh phúc đích thực. Vì thực ra, con người là một huyền nhiệm.

Vậy, hạnh phúc không nằm ngoài nhưng nằm trong mỗi cá nhân.

Thư Mục Tham Khảo

Ackeren, Marcel van. A Companion to Marcus Aurelius. Blackwell Companions to the Ancient World. Chichester, West Sussex, UK ; Malden, MA: Wiley-Blackwell, 2012.

Aristotle. Nicomachean Ethics. Translated by Terence Irwin. Indianapolis: Hackett Pub. Co, 1985.

Aristotle. The Politics. Translated by Ernest Barker and R. F. Stalley. Oxford: Oxford University Press, 1995.

Bénatouïl, Thomas. “How Industrious Can Zeus Be?” In God and Cosmos in Stoicism. Edited by Ricardo Salles. Oxford: Oxford University Press, 2009.

Brennan, Tad. The Stoic Life : Emotions, Duties, and Fate. Oxford: Clarendon Press, 2005.

Duignan, Brian. “Eudaimonia.” Encyclopedia Britannica. 2020. Accessed March 17, 2021. https://www.britannica.com/topic/eudaimonia.

Gourinat, Jean-Baptiste. “Ethics.” In A Companion to Marcus Aurelius. Edited by Marcel van Ackeren. Blackwell Companions to the Ancient World. Chichester, West Sussex, UK ; Malden, MA: Wiley-Blackwell, 2012.

Hadot, Pierre. The Inner Citadel : The Meditations of Marcus Aurelius. Cambridge, Mass. ; London: Harvard University Press, 1998.

Hazlitt, Frances Kanes, Henry Hazlitt, Lucius Annaeus Seneca, Epictetus, and Aurelius Marcus. The Wisdom of the Stoics : Selections from Seneca, Epictetus, and Marcus Aurelius. Lanham, MD: University Press of America, 1984.

Heidegger, Martin. Being and Time: A Translation of Sein Und Zeit. Translated by Joan Stambaugh. Suny Series in Contemporary Continental Philosophy. Albany, NY: State University of New York Press, 1996.

Kant, Immanuel. Phê Phán Lý Tính Thực Hành. Translated by Bùi Văn Nam Sơn. Hà Nội: Tri Thức, 2007.

Klein, Jacob Samuel. “Nature and Reason in Stoic Ethics.” PhD. Dissertation, Cornell University, 2010.

Konstan, David. “Epicurus.” The Stanford Encyclopedia of Philosophy. Metaphysics Research Lab, Stanford University. Summer 2018, 2018. Accessed March 16, 2021. https://plato.stanford.edu/archives/sum2018/entries/epicurus/.

Marcus, Aurelius. The Meditations of Marcus Aurelius. Translated by A. S. L. Farquharson. Everyman’s Library. New York: Knopf, 1992.

Maslow, Abraham H. “Theory Z.” In The Farther Reaches of Human Nature. New York, N.Y., U.S.A.: Arkana, 1993.

McLynn, Frank. Marcus Aurelius : A Life. 1st Da Capo Press ed. Boston, MA: Da Capo Press, 2009.

Meyer, Susan Sauvé. “Chain of Causes.” In God and Cosmos in Stoicism. Edited by Ricardo Salles. Oxford: Oxford University Press, 2009.

Minh, Tòa Tổng Giám Mục Thành Phố Hồ Chí. Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo. Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Hồ Chí Minh, 1997.

Salles, Ricardo. “Chrysippus on Conflagration and the Indestructibility of the Cosmos.” In God and Cosmos in Stoicism. Edited by Ricardo Salles. Oxford: Oxford University Press, 2009.

Salles, Ricardo. “Introduction: God and Cosmos in Stoicism.” In God and Cosmos in Stoicism. Edited by Ricardo Salles. Oxford: Oxford University Press, 2009.

Sedley, David. “Epicureanism.” Routledge Encyclopedia of Philosophy. 2005. Accessed March 17, 2021. https://www.rep.routledge.com/articles/thematic/epicureanism/.

Stefon, Matt, and Theodorus P. van Baaren. “Providence.” Encyclopedia Britannica. 2020. Accessed March 17, 2021. https://www.britannica.com/topic/Providence-theology.


[1] Frank McLynn, Marcus Aurelius : A Life, 1st Da Capo Press ed. (Boston, MA: Da Capo Press, 2009), 3.

[2] McLynn, 5.

[3] Aurelius Marcus, The Meditations of Marcus Aurelius, trans. A. S. L. Farquharson, Everyman’s Library (New York: Knopf, 1992), x.

[4] Pierre Hadot, The Inner Citadel : The Meditations of Marcus Aurelius (Cambridge, Mass. ; London: Harvard University Press, 1998), 73.

[5] Jean-Baptiste Gourinat, “Ethics,” in A Companion to Marcus Aurelius, ed. Marcel van Ackeren, Blackwell Companions to the Ancient World (Chichester, West Sussex, UK ; Malden, MA: Wiley-Blackwell, 2012), 422.

[6] Có thể nhận thấy điều này ngang qua việc trích dẫn rất nhiều các tác phẩm và tư tưởng của các trường phái khác nhau của Aurelius.

[7] Hadot, 30.

[8] David Konstan, “Epicurus,” The Stanford Encyclopedia of Philosophy, Metaphysics Research Lab, Stanford University, Summer 2018, 2018, accessed March 16, 2021, https://plato.stanford.edu/archives/sum2018/entries/epicurus/.

[9] Martin Heidegger, Being and Time: A Translation of Sein Und Zeit, trans. Joan Stambaugh, Suny Series in Contemporary Continental Philosophy (Albany, NY: State University of New York Press, 1996), 242-43.

[10] Marcus, 25. Ghi chú: bản dịch được thực hiện bởi người viết.

[11] Tư tưởng này của Aurelius kế thừa từ truyền thống của phái khoái lạc. Cf. Hadot, 39.

[12] Marcus, 31.

[13] Marcus, 10. Đây là một vấn đề gây nhiều bối rối giữa các nhà chú giải Marcus Aurelius khi lý thuyết này có vẻ xa lạ với lý thuyết truyền thống. Ngoài hồn ra còn có một cơ quan cao cấp hơn đó chính là lý trí hay tâm trí.

[14] Marcus, 27.

[15] Tòa Tổng Giám Mục Thành Phố Hồ Chí Minh, Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo (Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Hồ Chí Minh, 1997), 997n.

[16] Immanuel Kant, Phê Phán Lý Tính Thực Hành, trans. Bùi Văn Nam Sơn (Hà Nội: Tri Thức, 2007), 2-3.

[17] Marcus, 27.

[18] Marcus, 27.

[19] Marcus, 13.

[20] Marcus, 48.

[21] Frances Kanes Hazlitt et al., The Wisdom of the Stoics : Selections from Seneca, Epictetus, and Marcus Aurelius (Lanham, MD: University Press of America, 1984), 34.

[22] Hadot, 109. Hadot trích lại lời của triết gia Arrian (c.86-c.160) để nói đến yếu tố phán đoán của một các nhân trước một sự vật.

[23] Hadot, 102.

[24] Marcus, 13.

[25] Hadot, 111. Tư tưởng này xuất phát từ Epictetus.

[26] Hadot, 107. Marcus, 76.

[27] Hazlitt et al., 80.

[28] Marcus, 16.

[29] Marcus, 13.

[30] Marcus, 33.

[31] Marcus, 46.

[32] Hadot, 110.

[33] Thuật ngữ được sử dụng là telos

[34] Eudaimonia

[35] Brian Duignan, “Eudaimonia,” Encyclopedia Britannica, 2020, accessed March 17, 2021, https://www.britannica.com/topic/eudaimonia. Aristotle, Nicomachean Ethics, trans. Terence Irwin (Indianapolis: Hackett Pub. Co, 1985), 2. Hazlitt et al., 2.

[36] Hazlitt et al., 11.

[37] Tuy nhiên, theo Seneca, hạnh phúc cũng được xem như là một trạng thái của tinh thần mà nơi đó sự an tĩnh được xem như là trạng thái hoàn hảo của con người để có thể đưa ra những quyết định đúng đắn. Nói cách khác, đó là trạng thái con người được tự do sử dụng lý trí của mình để quyết định. Cf. Hazlitt et al., 12.

[38] Marcus, 68.

[39] Marcel van Ackeren, A Companion to Marcus Aurelius, Blackwell Companions to the Ancient World (Chichester, West Sussex, UK ; Malden, MA: Wiley-Blackwell, 2012), 421.

[40] Marcus, 74.

[41] Aristotle, 29-33. Aristotle, The Politics, trans. Ernest Barker and R. F. Stalley (Oxford: Oxford University Press, 1995), 11. Ở đây, Aristotle không nhắc nguyên văn về định nghĩa của con người. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh đến yếu tố của lý trí như là điều tạo nên sự khác biệt của con người đối với những loài sinh vật khác. Đối với Aristotle, có 3 loại hồn: sinh hồn – các loài thực vật, giác hồn – các loài động vật, và linh hồn – con người. Yếu tố lý trí thuộc về linh hồn.

[42] Marcus, 58.

[43] Hadot, 36-37. Marcus.

[44] Marcus, 11.

[45] Jacob Samuel Klein, “Nature and Reason in Stoic Ethics” (PhD. Dissertation, Cornell University, 2010), 4.

[46] Klein, 5.

[47] Klein, 7-8.

[48] Phần này sẽ được trình bày kỹ hơn ở phần sau

[49] Marcus, 34.

[50] Marcus, 71.

[51] Marcus, 35.

[52] Marcus, 88-89.

[53] Marcus, 66.

[54] Matt Stefon, and Theodorus P. van Baaren, “Providence,” Encyclopedia Britannica, 2020, accessed March 17, 2021, https://www.britannica.com/topic/Providence-theology.

[55] Hadot, 76.

[56] Marcus, 66.

[57] Marcus, 34.

[58] Marcus, 3.

[59] Hadot, 79.

[60] Marcus, 10.

[61] Marcus, 23.

[62] Ricardo Salles, “Chrysippus on Conflagration and the Indestructibility of the Cosmos,” in God and Cosmos in Stoicism, ed. Ricardo Salles (Oxford: Oxford University Press, 2009), 127.

[63] Marcus, 97.

[64] Marcus, 10, 22. Tuy nhiên, ở đây, cách hiểu này được nhiều tác giả xem như là đi ngược lại với truyền thống của phái khắc kỷ.

[65] Linh hồn có phần nào mang tính chất như của thân xác.

[66] Marcus, 12. Kant, 25.

[67] David Sedley, “Epicureanism,” Routledge Encyclopedia of Philosophy, 2005, accessed March 17, 2021, https://www.rep.routledge.com/articles/thematic/epicureanism/.

[68] Salles, “Introduction: God and Cosmos in Stoicism,” in God and Cosmos in Stoicism, 1.

[69] Salles, “Introduction: God and Cosmos in Stoicism,” in God and Cosmos in Stoicism, 1.

[70] Salles, “Introduction: God and Cosmos in Stoicism,” in God and Cosmos in Stoicism, 3.

[71] Từ ngữ ‘thượng đế’ sẽ được dùng để nói đến một trí tuệ siêu việt của vũ trụ – lý trí vũ trụ theo cách nhìn của phái Khắc kỷ.

[72] Thomas Bénatouïl, “How Industrious Can Zeus Be?,” in God and Cosmos in Stoicism, ed. Ricardo Salles (Oxford: Oxford University Press, 2009), 26.

[73] Susan Sauvé Meyer, “Chain of Causes,” in God and Cosmos in Stoicism, ed. Ricardo Salles (Oxford: Oxford University Press, 2009), 71.

[74] Marcus, 45.

[75] Ibid.

[76] Hadot, 84. Hadot trích lại lời của Epictetus trong cuốn Manual, I, 1.

[77] Marcus, 13.

[78] Hadot.

[79] Marcus.

[80] Marcus, 22.

[81] Marcus, 44.

[82] Marcus, 8.

[83] Ibid.

[84] Marcus, 76.

[85] Marcus, 28.

[86] Marcus, 11.

[87] Marcus, 19.

[88] Marcus, 111.

[89] Marcus, 88, 67.

[90] Marcus, 10.

[91] Marcus, 53.

[92] Marcus, xxii.

[93] Marcus, 8.

[94] Marcus, 87.

[95] Marcus, 85.

[96] Tad Brennan, The Stoic Life : Emotions, Duties, and Fate (Oxford: Clarendon Press, 2005), 4.

[97] Marcus, 113.

[98] Hazlitt et al., 67.

[99] Abraham H. Maslow, “Theory Z,” in The Farther Reaches of Human Nature (New York, N.Y., U.S.A.: Arkana, 1993).

[100] Marcus, 114.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *