Môn học: Triết học Tôn giáo
Giáo sư: Vũ Uyên Thi, S.J.
Học viên: Nguyễn Văn Viện, S.J.
Có lẽ, nói về sự dữ là chuyện không mới, nhưng nói như cách của Teilhard de Chardin thì quả là đặc biệt. Với Teilhard de Chardin, sự dữ không phải là một hữu thể hay một cái gì độc lập nhưng đúng hơn là một tình trạng của toàn bộ thụ tạo đang trong quá trình tiến về điểm Omega. Sự dữ có thể được phân chia thành: sự dữ do hỗn loạn và thất bại; do phân hủy; do tăng trưởng; do đơn độc và lo âu. Vậy, cái nhìn này được diễn tả cụ thể ra sao và nó sẽ dẫn tới hậu quả nào?
Trong tác phẩm Hiện Tượng Con Người,[1] tác giả Teilhard de Chardin S.J. gần như không đề cập trực tiếp vấn đề sự dữ, trừ phần phụ lục với nhan đề “Một Vài Lưu Ý Về Vị Trí Và Phần Của Cái Xấu Trong Một Thế Giới Đang Tiến Hóa”. Phần phụ lục này được thêm sau này, cách thời điểm hoàn thành các phần chính gần một thập kỷ.[2] Từ dữ kiện này, nhiều người thắc mắc về quan điểm của tác giả xung quanh vấn đề sự dữ. Nó có gì đặc biệt đến độ tác giả phải thêm phần này vào sau những đề cập liên hệ đến tiến hóa của vũ trụ? Xuất phát từ quan tâm này, bài viết sẽ tìm hiểu về sự dữ theo quan điểm của tác giả trong tác phẩm Hiện Tượng Con Người. Sau khi tìm hiểu cách tiếp cận vấn đề của tác giả Chardin, bài viết sẽ nêu khái quát quan điểm sự dữ của ngài. Cuối cùng sẽ nêu lên vài vấn đề nổi bật phát sinh từ quan điểm của tác giả.
Trước hết, tác giả Teilhard de Chardin tiếp cận sự dữ theo hướng hiện tượng luận. Đó là việc con người trở về với tri thức uyên nguyên và nền tảng nhất nhờ quan sát những gì sự vật tự bày tỏ.[3] Theo cách thức của cha Chardin, việc tiếp cận với hiện tượng này luôn đặt ở cái nhìn toàn thể (the whole) chứ không phải là tổng số (the sum of its parts). Ngài đã quan sát toàn bộ lịch sử nhân loại và vũ trụ trong một tiến trình từ quá khứ đến hiện tại và tương lai. Quá trình này giúp tác giả nhận ra những ý nghĩa mà nó biểu lộ cho mình. Những biểu lộ ấy được tác giả phác họa như một quá trình tiến hóa hay cuộn lại (involution) của toàn bộ vũ trụ. Đó là một quá trình đi từ cái rất đơn giản cho đến cái cực kì phức tạp. Vị Giêsu hữu người Pháp này đã cố gắng chia sẻ cho nhân loại về những gì mình thấy. Cha dẫn độc giả vào nỗ lực nhìn và thấy con người dưới lăng kính của những hiện tượng. Muốn khám phá vấn đề đến cùng, con người cần có một loạt những cảm thức (sense) về độ sâu của thời gian, về số lượng, về quy mô, về phẩm chất, về vận động, về cái hữu cơ. Cách tiếp cận riêng này đã đưa tác giả đến một nhận thức mới “con người không phải là tâm điểm tĩnh của thế giới nhưng là trục và hướng của sự tiến hóa.”[4] Do đó, vấn đề sự dữ cũng được tác giả tiếp cận theo lối này, tác giả chỉ dẫn người đọc đến với những bộc lộ của sự dữ trong vũ trụ và người đọc phải tự đi sâu vào để hiểu cái uyên nguyên và nền tảng nhất của nó.
Với cách tiếp cận như trên, cha Teilhard de Chardin đã thấy sự dữ “đang rỉ ra, một cách không cưỡng lại được và một cách đa hình, trên mọi lỗ hổng và chỗ nối, qua mọi khớp của hệ thống nơi tôi đặt mình vào.”[5] Hệ thống tác giả muốn đề cập ở đây là toàn bộ vũ trụ với quá trình tiến hóa đang diễn ra. Quá trình tiến hóa tuần tự ấy khởi đi từ điểm Alpha, vật chất (matter), sự sống (life), tư tưởng (thought), tinh thần (spirit) và kết thúc ở điểm Omega.[6] Trên hệ thống này, người ta có thể thấy sự dữ như một dòng chảy đang rỉ ra ở khắp mọi vị trí, mọi khúc khuỷu với nhiều hình thức khác nhau đến nỗi như không thể ngăn lại sự phát sinh của nó. Như thế, tác giả Chardin không nêu định nghĩa tường minh về sự dữ nhưng chỉ dẫn mọi người đến với những gì đang diễn ra trong vũ trụ. Từ cách nhìn bao quát đó, tác giả Chardin đưa ra bốn hình thái của sự dữ.
Đầu tiên, sự dữ do sự hỗn loạn và thất bại (evil of disorder and failure). Con người được phú ban khả năng phản tư (reflection), là khả năng quay ngược về bản thân và chiếm hữu chính mình như một đối tượng có khả năng nhận thức và tự nhận thức, biết và thấy mình biết.[7] Khả năng phản tư này giúp con người thấy một thế giới tiến triển với những mò mẫm và tình cờ (groping and chance). Sự mò mẫm có thể coi như một tình trạng tương lai chưa rõ ràng, trong khi các sinh vật phải nỗ lực cạnh tranh và phát triển để tồn tại và tiến về phía trước. Đôi khi chính con người cũng bị cuốn vào sự dò dẫm và tình cờ này nên kết quả sinh ra có cả thất bại và thành công, đau khổ lẫn hạnh phúc…mà ở đây, tác giả cho thấy mặt trái của những kết quả trên là sự hỗn loạn và thất bại hiện diện ở mọi cấp độ. Nó đi từ mức độ vật chất (vật vô tri) nâng lên nỗi đau khổ trên da thịt (vật hữu tri), rồi cao hơn nữa là sự tàn ác và hành hạ của tinh thần (con người), là thụ tạo có khả năng tự phân tích và tự chọn lựa. Nó xảy ra luôn luôn, khắp nơi. Nó hình thành và tái hình thành quanh và trong con người.
Thứ đến, sự dữ do sự phân huỷ (evil of decomposition). Hình thức này là một khía cạnh của sự dữ nói trên, bởi bệnh tật và mục nát luôn đến từ sự tình cờ không may nào đó. Nhiều người thường trầm trọng hoá vấn đề này nhưng với tác giả thì đây là một tình trạng bình thường cần thiết trong quá trình tiến hoá. Chính vì thế, ở cuối quá trình phân hủy này, vũ trụ sẽ đạt đến độ bền vững và tính thống nhất tối hậu của nó tại điểm Omega.[8]
Tiếp theo, sự dữ do sự đơn độc và lo âu (solitude and anxiety). Đây là nỗi lo âu lớn lao của ý thức đang thức tỉnh trước những phản tư về vũ trụ bao la xung quanh mình. Sự thức tỉnh này kéo theo đòi hỏi sự “siêu sống không bị giới hạn.”[9] Đó là cái nhìn hướng về tương lai không bị giới hạn bởi cái chết hoàn toàn, nhờ phản tư. Đây chính là dấu ấn riêng chỉ có ở con người, bởi theo tác giả chỉ có con người mới có sự phản tư. Để đi đến sự sống không giới hạn, con người cần tránh ngõ cụt của sự đơn độc. Ngõ cụt đó là sự ngộ nhận con người thường gặp phải khi nỗ lực để đến thành công. Ngộ nhận này gồm hai hướng. Hướng đầu tiên đề cao chủ nghĩa cá nhân, tách biệt và cô lập mình khỏi cá nhân khác. Hướng còn lại đề cao chủ nghĩa chủng tộc, là cái làm mê đắm biết bao người. Nó lôi cuốn con người vào sự ích kỷ tập thể. Hai hướng này đi ngược lại quá trình cuộn lại và hợp nhất của toàn thể vũ trụ. Những người ấy mắc sai lầm khi bỏ qua hiện tượng cốt yếu “sự hợp lưu tự nhiên của các hạt tư duy” (The Confluence of Thought). Sự hợp lưu này là một quá trình hợp nhất tất cả để tạo nên một sự đổi mới tinh thần trái đất. Nó đòi buộc sự tự hài hòa của tinh thần để cân bằng mối tương quan giữa cá thể và tập thể của sự phân tán.[10]
Cuối cùng, sự dữ do sự tăng trưởng (evil of growth), nỗi sợ vượt cạn (childbirth), là quy luật bí ẩn của tiến trình ngày càng hợp nhất, từ cơ chế hoá học tầm thường đến cấp độ tinh thần phức tạp. Theo góc nhìn ấy, sự dữ không còn theo hướng tình cờ nhưng là sự tất yếu của chính cấu trúc tiến hoá. Nó tồn tại như là một hệ quả tất yếu của quá trình vũ trụ cuộn lại. Hay nói khác, vũ trụ trong quá trình cuộn lại và nội tâm hóa cũng phải lao nhọc, phạm tội, và đau khổ…Tiến trình này sẽ diễn ra cho đến khi đạt đến đỉnh Omega.
Với tác giả, những đau khổ và sai lầm, nước mắt và máu…là những phụ phẩm của quá trình tiến hóa. Và chúng mới chỉ là những hé mở của thế giới cho những quan sát và phản tỉnh đầu tiên của con người mà thôi. Điều đó có thực hay không tác giả thực sự chưa có câu trả lời, nó vẫn còn là một cánh cửa mở cho suy tư sau này.
Như thế có thể thấy, với cha Teilhard de Chardin, sự dữ không phải là một hữu thể hay một cái gì độc lập nhưng đúng hơn là một tình trạng của toàn bộ thụ tạo đang trong quá trình tiến về điểm Omega.[11] Cho đến khi kết thúc quá trình ấy, sự dữ hiện diện là tất yếu, liên tục và biến đổi khôn lường mà dường như không thể cản ngăn. Cái nhìn ấy dẫn người ta đến vài vấn đề liên quan tới sự dữ như sau.
Vấn đề trước tiên là sự khác biệt dễ thấy trong việc phân chia sự dữ của tác giả Chardin với nhiều tác giả khác. Khác biệt này không chỉ nằm ở số lượng nhưng còn hệ ở nội dung. Ở phần này, bài viết chỉ nêu ra sự khác biệt về số lượng và khái quát sự khác biệt về nội dung. Việc phân tích chi tiết về dấu ấn của cha Chardin trong nội dung về sự dữ sẽ được phân tích chi tiết ở phần sau.
Thường các tác giả khác, như triết gia John Harwood Hick đã cho biết, phân chia sự dữ thành ba nhóm: sự đau đớn thể xác (physical pain), sự đau khổ tinh thần (mental suffering) và sự độc ác luân lý (moral wickedness). Trong đó, sự độc ác luân lý có thể dẫn đến hai loại trên, bởi sự phi nhân của con người mới là nguồn cơn sinh ra các đau khổ. Thánh Augustine cho rằng sự dữ là sự thiếu hụt sự thiện nơi tạo vật. Từ đó, sự dữ tự nhiên là sự trừng phạt do tội lỗi con người gây ra.[12] Nhiều người khác cũng phân sự dữ thành hai loại gồm sự dữ do tự nhiên và sự dữ do con người.
Cha Chardin phân chia sự dữ thành bốn loại như đã nêu trên. Trong bốn loại, duy chỉ sự dữ do sự cô độc và lo âu là điều chỉ có ở con người. Có lẽ sự phân chia này phát xuất từ yếu tố phản tư, là khả năng con người có thể quay ngược về bản thân và nhận thức về chính mình và thế giới xung quanh.[13] Nghĩa là trong bối cảnh của quá trình tiến hóa, tác giả lấy sự phản tư của con người làm khởi điểm cho việc phân chia này. Khi nhìn về chính mình, con người phát hiện ra khoảng không đơn độc và lo âu trong lòng họ. Khi nhìn ra thế giới, họ thấy sự hỗn loạn và thất bại, phân huỷ và tăng trưởng. Trong đó, tác giả cho rằng sự dữ do phân hủy là một khía cạnh nằm trong hỗn loạn và thất bại. Còn sự dữ do tăng trưởng được đặt riêng. Cùng với đó, lý do khác nằm ở hướng tiếp cận của cha Chardin. Như đã nói ở phần trên, tác giả tiếp cận vấn đề theo hướng hiện tượng nên việc phân chia dựa theo những gì đã tỏ lộ cho ngài khi quan sát sự dữ trong vũ trụ. Vì thế, cách tiếp cận theo hướng hiện tượng luận và cơ sở về phản tư đã tạo nên sự khác biệt trong cách phân chia sự dữ của tác giả Teilhard de Charin.
Vấn đề thứ hai, có nét tương đồng trong lối nhìn sự dữ của triết gia Chardin với các tác giả khác mà cụ thể ở đây là triết gia Plotinus, thánh Augustine. Quan điểm đó có thực hợp lý? Nội dung phần này sẽ tập trung vào so sánh quan điểm của vị Giêsu hữu này và hai tác giả trên để thấy nét tương đồng và bất tương đồng giữa các vị này.
Cách chung, Plotinus cho rằng sự dữ phát sinh khi các hữu thể cao hơn trong dòng phát toả (the emanation) hướng về thế giới vật chất bên dưới.[14] Theo đó, sự dữ không phải là cái xấu nhưng chỉ là tình trạng hay xu hướng tách lìa khỏi Cái Một (the First) của vật chất.[15]
Thế nhưng nếu tìm hiểu sâu hơn, người ta thấy có sự khác biệt giữa tác giả Chardin và Plotinus ở chiều hướng. Hướng phát toả của Plotinus là hướng đi xuống, từ Cái Một-hiện hữu hoàn thiện hơn, xuống vật chất-hiện hữu ít hoàn thiện hơn. Ngược lại, theo sự tiến hoá của vũ trụ, hướng của cha Chardin là hướng đi lên, từ hiện hữu chưa hoàn thiện đến hiện hữu hoàn thiện hơn. Sự khác biệt chiều hướng này dẫn đến ý nghĩa khác biệt của sự dữ theo quan điểm của hai tác giả. Sự dữ của Plotinus dẫu không hoàn toàn xấu nhưng như mang nét tiêu cực do nó hậu quả của tiến trình tách lìa khỏi cái hoàn thiện hay Cái Một. Trái lại, sự dữ theo cha Chardin như những sản phẩm phụ quý giá phát sinh của quá trình thanh lọc và hoàn thiện hoá của những cái bất toàn đến cái hoàn thiện hơn.
Với chiều hướng phát sinh sự dữ xem chừng là ngược nhau ấy, liệu có thể kết hợp hai tác giả? Plotinus khi đề cập về sự phát toả, hướng đi xuống, đã để lại một khoảng trống chưa giải đáp về hướng đi lên. Đó là quá trình quy hồi, từ vật chất đến Cái Một. Tác giả Chardin đã đưa ra quá trình đi lên từ vật chất cơ bản đến điểm Omega, nhưng lại bỏ trống tiến trình sinh ra vật chất cơ bản. Mà theo tác giả vật chất cơ bản đó là “phần còn lại cuối cùng của mọi phân tích luôn ngày càng tiến bộ của khoa học”.[16] Vì vậy, việc ghép quá trình phát toả của Plotinus và tiến hoá của cha Chardin lại với nhau là có thể chấp nhận được. Có lẽ, người ta sẽ trả lời được vấn đề quy hồi mà Plotinus đã bỏ ngỏ nhờ quá trình vũ trụ cuộn lại của cha Chardin. Vật chất sẽ quay trở về với Cái Một bằng việc đính vào một cái siêu nhiên, (cái siêu nhiên ấy sẽ cầm lái con tàu tiến hoá đến điểm Omega).[17] Cái siêu nhiên của cha Chardin có thể coi là cái hấp lực của Cái Một trong phát tỏa của Plotinus. Ngược lại ta cũng có thể lý giải phần nào đó quá trình phát sinh ra vật chất cơ bản của tác giả Chardin dựa vào tiến trình phát toả của Plotinus. Ở đây, bài viết chỉ đưa ra một gợi mở, thiết tưởng cần một nghiên cứu khác để giải đáp tường tận về vấn đề này.
Như vậy, dẫu hai tác giả nhìn có điểm chung là cùng nhìn sự dữ như là một tình trạng nhưng bề sâu ý nghĩa của tình trạng ấy lại có sự khác biệt nhau. Tuy vậy việc kết hợp sự phát tỏa của Plotinus và Chardin là có thể và điều này giúp lý giải phần nào những khoảng trống mà mỗi tác giả để lại.
Tác giả Teilhard de Chardin dường như cũng có nét đồng tình với thánh Augustine trong quan điểm về sự dữ. Thánh Augustine cho sự dữ không là một cái gì hay một hữu thể độc lập nhưng chỉ là một tình trạng thiếu sự thiện nơi tính hữu hạn của các hữu thể.[18] Điểm này có vẻ tương đồng với quan điểm của cha Chardin, khi ngài cho sự dữ thể hiện sự chưa hoàn thiện của tạo vật trong quá trình tiến hoá.
Tuy vậy sự khác biệt của hai vị lại nằm ở khía thụ tạo. Thánh Augustine cho rằng thế giới được tạo dựng tốt đẹp, nhưng do con người lạm dụng tự do để phạm tội (sự dữ luân lý) nên sự dữ đã hiện diện trong thế giới. Một cách dễ hiểu hơn, theo lối nhân quả, sự dữ tự nhiên là hình phạt do tội lỗi con người gây ra. Nó mang sắc thái tiêu cực. Còn cha Chardin lại cho rằng sự dữ tồn tại là tất yếu ở trong hệ thống. Sự dữ ấy là sản phẩm phụ tất yếu của quá trình hoàn thiện nên mang nét tích cực. Như thế, sự dữ trong cách hiểu của cha Chardin và thánh Augustine tương đồng khi xem chúng như là tình trạng như bất tương đồng trong sắc thái ý nghĩa của sự dữ.
Vấn đề cuối cùng, tính tất yếu của sự dữ theo cha Teilhard de Chardin dẫn đến những thắc mắc về tự do của con người. Trước hết, như cha Chardin đã đề cập, sự dữ nhất định đến và nó xuất hiện ở mọi ngóc ngách của quá trình tiến hóa. Vấn đề được đưa ra ở đây là tại sao Chúa lại tạo ra sự dữ có tính tất yếu như thế? Triết gia Dr. Dietrich von Hildebrand thấy rằng, cái tất yếu của sự dữ trong quá trình tiến hóa ấy đã vô tình làm mờ đi giá trị của con người so với những tạo vật khác. Đó là làm mất ý nghĩa của hành vi nhân linh trước sự thiện và sự ác. Hay nói cách khác, sự tất yếu của sự dữ trong quá trình cuộn lại của vũ trụ đã che khuất cuộc chiến giữa tốt và xấu trong tâm hồn con người.[19] Bên cạnh đó, nhiều ý kiến khác liên kết vấn đề tất yếu của sự dữ với những đau khổ của con người như vấn đề diệt chủng trong chiến tranh. Nếu theo quan điểm của vị tu sĩ Dòng Tên này, người ta khó có thể chấp nhận được những đau khổ đó là một quá trình tất yếu của quá trình tiến hóa.
Để hồi đáp lại những vấn đề này, có lẽ nên minh định một chút để vấn đề được phân biệt sáng rõ hơn. Tác giả đã xác định rõ mục đích của mình là làm nổi bật tính tích cực của quá trình tiến hóa thành người chứ không chủ đích đề cập đế vấn đề sự dữ.[20] Như thế, vấn đề sự dữ được đưa vào đây gần như sẽ không đề cập chi tiết và giải quyết rốt ráo mọi vấn đề. Bên cạnh đó, cha Chardin muốn nhìn toàn cảnh quá trình tiến hóa từ khởi điểm Alpha đến đích điểm Omega, và chia sẻ những gì được quá trình đó bày tỏ cho ngài. Vì vậy có lẽ không hợp lý khi lấy một đoạn nhỏ trong cả tiến trình tiến hóa ra để phân tích và cho rằng nó không hợp lý. Hơn nữa, theo lối nhìn của tác giả, sự dữ không hẳn mang nét nghĩa xấu như người ta hay nghĩ, nhưng chỉ là phụ phẩm của quá trình tiến hóa. Sự dữ là một thực trạng của cuộc sống con người và không thể chối bỏ được. Chính tác giả cũng đã cảm nghiệm và trải qua những điều này trong những năm nhập ngũ cũng như suốt cuộc đời ngài. Vì thế, trong cái nhìn toàn cảnh, thực trạng không thể chối bỏ của sự dữ không đồng nghĩa với việc con người không thể rút ra những bài học phản tỉnh cho tương lai của nhân loại. Để theo cách nào đó, họ sẽ tránh hay giảm bớt được những đau khổ có liên hệ đến con người. Vấn đề này được đặt vào trong tự do của con người và cũng có thể là giải đáp phần nào đó cho phê bình của tác giả Dr. Dietrich von Hildebrand.
Tác giả Chardin đặt tự do trong tương quan với sự phản tư. Nhờ quá trình phản tư, con người bước vào một khoảng không mới, nơi quá trình cá thể hóa diễn ra sâu thẳm trong con người. Và họ được liên kết với cá thể khác để tạo nên một xã hội phát triển liên tục hướng tới sự hợp nhất trong quá trình hội tụ của vũ trụ. Khoảng không mới đó là vùng trời tự do của con người. Từ đây, quá trình tiến hóa của vũ trụ không chỉ có cái ngẫu nhiên và tình cờ nữa mà hơn thế, tiến trình ấy có thêm yếu tố hoạch định gắn liền với khả năng phản tư của con người. Trong viễn ảnh đó, tự do theo cha Chardin không tách rời sự kết hợp hài hoà với hai yếu tố khác là cái được quy hoạch (planned) và toàn thể hoá (totalised). Chính sự hài hòa này đưa đến một tương lai tươi sáng cho nhân loại và vũ trụ.[21] Như vậy, theo cách hiểu của tác giả, con người vẫn có một không gian tự do qua việc sử dụng khả năng phản tư của mình để tham dự vào quá trình cuộn lại của thế giới. Có lẽ chính điều đó, sẽ là nguồn cội sinh ra giá trị của hành vi nhân linh của con người. Và cũng là câu trả lời khả tín hơn cả cho thắc mắc của các nhà tư tưởng về hành vi nhân linh của con người.
Như vậy nhờ những nỗ lực nghiên cứu miệt mài, tác giả Teilhard de Chardin, dưới cái nhìn hiện tượng luận, đã đem đến một cái nhìn mới mẻ về sự dữ trong dòng chảy không ngừng để tiến về điểm Omega của vũ trụ. Trong một vũ trụ không ngừng cuộn lại, tác giả đã cho thấy những hình thái khác nhau của sự dữ. Nào là sự dữ do hỗn loạn và thất bại, do phân hủy, do đơn độc và lo âu và do tăng trưởng. Sự phân chia hình thái đó tạo ra những nét bất tương đồng thú vị so với lối nhìn của triết gia Plotinus hay của thánh Augustine. Bên cạnh những nét tươi sáng, quan điểm về sự dữ trong tiến hóa vũ trụ của cha Chardin còn để lại những thắc mắc liên hệ giữa tính tất yếu và sự tự do, điều mà bài viết này đã cố gắng tìm lời giải đáp hợp lý bao nhiêu có thể. Có lẽ, đúng như tác giả đã chia sẻ ở những dòng cuối của tác phẩm Hiện Tượng Con Người. Tất cả những điều xem chừng như là sự dữ đó mới chỉ là những điều Thế giới đang vận động hé lộ cho con người trong giai đoạn quan sát và suy xét ban đầu mà thôi. Nó có thực sự là tất cả hay không còn là một cánh cửa đang chờ đợi những bước chân của hậu thế.
Nguồn tham khảo
Birx, H. J. (1999). The Phenomenon of Pierre Teilhard de Chardin. UU Humanist Assosiation, 33. Retrieved 12 28, 2017, from http://huumanists.org/publications/journal/phenomenon-pierre-teilhard-de-chardin
Chardin, T. d. (2014). Hiện Tượng Con Người. (Đ. X. Thảo, Trans.) NXB Tri Thức.
H.Hick, J. (1963). Philosophy of Religion (Vol. 4). New Jersey: Prentice Hall.
Hoa, D. T. (2004). Edmund Huserl. (T. Cư, Trans.) Huế: Thuận Hóa.
Stanford Encyclopedia of Philosophy. (n.d.). Retrieved from https://plato.stanford.edu/entries/neoplatonism
Stumpf, S. E. (2004). Lịch sự triết học các luận đề. (Đ. V. Hy, Trans.) NXB Lao Động.
The Absolute Primary of Christ. (n.d.). Retrieved from http://absoluteprimacyofchrist.org/critique-of-fr-teilhard-de-chardin-by-dr-dietrich-von-hildebrand/
Trung Tâm Học Vấn Đa Minh. (n.d.). Retrieved from http://catechesis.net/index.php/triet-hoc/triet-kinh-vien/than-ly/857-ly-hoc-ve-thuong-de-su-du-va-van-de-thuong-de
Whosoever Desires. (n.d.). Retrieved from https://whosoeverdesires.wordpress.com/2009/09/13/evolution-and-original-sin-the-problem-of-evil/
[1] Teihard de Chardin, Hiện Tượng Con Người (The Phenomenon of Man), Dịch bởi Đặng Xuân Thảo (NXB Tri Thức, 2014)
[2] Thời gian hoàn thành phần chính của tác phẩm là 1938-1940, nhưng phải gần một thập niên sau (1948) phần phụ lục mới hoàn thành. Xem H. James Birx, The Phenomenon of Pierre Teilhard de Chardin, ( 1999, Vol 33, Num 1), truy cập 28/12/2017, http://huumanists.org/publications/journal/phenomenon-pierre-teilhard-de-chardin
[3] Diêu Thị Hoa, Edmund Huserl, Dịch bởi Trịnh Cư (Huế: Thuận Hóa, 2004). Trích từ Triết sử Cận Hiện Đại , 131-142
[4] Xem Teihard de Chardin, Hiện Tượng Con Người, Lời mở đầu và dẫn nhập
[5] Xem Teihard de Chardin, Hiện Tượng Con Người, 544
[6] Điểm Alpha là điểm khởi đầu, tương phản với điểm Omega là điểm kết thúc. Xem Teihard de Chardin, Hiện Tượng Con Người, 442
[7] Có 2 cấp độ phản tư, cấp đầu tiên là cấp cá thể, cấp thứ hai mang tính tập thể và cao cấp hơn bằng sự sắp xếp và hội tụ ở tầm cỡ hành tinh của mọi sự phản tư trong các phần tử của trái đất. Xem Teihard de Chardin, Hiện Tượng Con Người, 270-273; 527,537
[8] Xem Teihard de Chardin, Hiện Tượng Con Người, 43-44
[9] Xem Teihard de Chardin, Hiện Tượng Con Người, 529-530
[10] Xem Teihard de Chardin, Hiện Tượng Con Người, 403-418
[11] https://whosoeverdesires.wordpress.com/2009/09/13/evolution-and-original-sin-the-problem-of-evil/, truy cập 28/12/2017
[12] John H.Hick, Philosophy of Religion, (New Jersey: Prentice Hall, 1963), Vol 4, 39-42
[13] Xem Teihard de Chardin, Hiện Tượng Con Người, 270-271
[14] Xem thêm tại Stanford Encyclopedia of Philosophy, https://plato.stanford.edu/entries/neoplatonism/
[15] Xem Samuel Enoch Stumpf, Lịch sự triết học các luận đề, trans. Dịch bởi Đỗ Văn Thuấn & Lưu Văn Hy (NXB Lao Động, 2004) 105-110
[16] Xem Teihard de Chardin, Hiện Tượng Con Người, 37-39
[17] Xem Teihard de Chardin, Hiện Tượng Con Người, 404, 512-519, 521
[18] http://catechesis.net/index.php/triet-hoc/triet-kinh-vien/than-ly/857-ly-hoc-ve-thuong-de-su-du-va-van-de-thuong-de, truy cập 28/12/2017
[19] http://absoluteprimacyofchrist.org/critique-of-fr-teilhard-de-chardin-by-dr-dietrich-von-hildebrand/, truy cập 28/12/2017
[20] Xem Teihard de Chardin, Hiện Tượng Con Người, 543-544
[21] Xem Teihard de Chardin, Hiện Tượng Con Người, 491-505