Môn học: Ngôn Sứ
Giáo sư: Cao Gia An, S.J.
Học viên: Vũ Chí Kiên, S.J.
Bản văn Is 4,2-6, được người viết phân tích và bình giải cẩn thận, vừa cho thấy tin mừng dành cho người nghèo: họ là dân thánh được Thiên Chúa tuyển chọn, thanh tẩy và thánh hóa, vừa nói lên tâm tư khao khát của con người: hướng về Thiên Chúa là Đấng hiện diện, bảo vệ và gìn giữ dân Ngài chọn.
I. Bản văn đồng đại
1.1. Xác lập giới hạn của bản văn
Đoạn văn Isaiah 4:2-6 mà chúng ta tìm hiểu nằm trong những sấm ngôn đầu tiên của Isaiah Đệ Nhất. Lời giới thiệu, được thêm vào bởi các soạn giả, “Đây là điều mà ông I-sai-a, con ông A-mốc, đã được thấy về Giu-đa và Giê-ru-sa-lem” cho thấy đoạn Is 2:1 bắt đầu một phần mới; và sự thay đổi bất ngờ của chủ ngữ ở chương 5, “tôi xin hát tặng bạn thân tôi” (5, 1) giới hạn bản văn (2:1 đến 4:6) thành một phần riêng biệt.
Mặt khác, từ Is 2:1 cho đến Is 4:6, chúng ta thấy cung giọng thay đổi liên tục. Is 2:2-5 tiên báo vinh quang của “núi Nhà Đức Chúa”; Is 2:6-9 lại chuyển sang cung giọng phê phán nhằm lên án thói mê tín, tham lam, thờ ngẫu tượng trong nhà Gia-cóp; Tiếp sau những sấm ngôn phê phán là những lời cảnh báo “nỗi kinh hoàng Đức Chúa gây ra” (2:10-22), cảnh hỗn loạn tại Giê-ru-sa-lem (3:1-15), và những tang thương của Giê-ru-sa-lem (3:16-4:1; 4:2-6); cuối cùng, cả đoạn kết thúc với cung giọng an ủi. Ngôn sứ vẽ lên một viễn tượng đầy hy vọng về một dân mới quy tụ dưới sự bảo hộ của Đức Chúa (4:2-6).
Nếu để ý chúng ta có thể thấy một cấu trúc văn chương khá chặt chẽ của bài sấm ngôn với cung giọng an ủi khởi đầu và kết thúc, trong khi đoạn giữa là những sấm ngôn lên án và cảnh báo. Như thế, phần chúng ta tìm hiểu vừa có tính độc lập vừa liên kết chặt chẽ với các phần trước cả về mặt cấu trúc lẫn ý nghĩa. Về cấu trúc, nó có thể là phần kết đẹp cho cả một đoạn lớn; về ý nghĩa nó là “ánh sáng hy vọng” cho những sấm ngôn tiêu cực, hỗn loạn, hoang tàn, chết chóc được nói ở giữa. Nhờ đó chúng ta hiểu được, như Oswalt chỉ ra, mục đích cuối cùng của Đức Chúa không phải là tiêu diệt mà là cứu vớt, không phải để phá bỏ mà là để xây dựng[1].
Vì giới hạn bài viết, ở đây chúng tôi không phân tích hết cả phần lớn từ Is 2:1 đến Is 4:6, mà chỉ phân tích đoạn cuối Is 4:2-6. Tuy nhiên, để có thể khám phá hết tầng ý nghĩa của bản văn, đôi khi chúng tôi quay lại với phần trước để xác lập ý nghĩa và nội dung của những chi tiết liên quan. Với việc xác lập bản văn như thế, giờ đây chúng ta có thể phân tích những yếu tố nội tại để xây dựng cấu trúc bản văn.
1.2. Cấu trúc
Không khó để thấy rằng đoạn văn này có cấu trúc liên tiến. Bỏ qua nội dung gây tranh cãi về hình ảnh “chồi non”, câu 2 cho chúng ta những hình ảnh mang đậm nét thiên nhiên với “chồi non” và “hoa màu ruộng đất”, đây là những yếu tố bên ngoài, một khung cảnh diễn tả sự hồi sinh. Câu 3 và câu 4 đi sâu vào trong khung cảnh ấy, cả hai đều nói về con người nhưng trên hai bình diện khác nhau. Chủ đề câu 3 nói về những con người cụ thể, “những người sống sót ở Xi-on”, hay “Giê-ru-sa-lem”. Câu 4 đề cập đến con người trên bình diện xã hội, cộng đoàn. “Các thiếu nữ Xi-on” là hình ảnh tượng trưng cho cả một dân tộc, những người Giu-da sống ở Giê-ru-sa-lem. Câu 5 và câu 6 hoàn thiện bức tranh về một Giê-ru-sa-lem mới, một dân mới được Thiên Chúa quy tụ và bảo vệ. Bức tranh vẽ cuối cùng này dẫn chúng ta vào trong một khung trời hòa điệu của hoài niệm quá khứ với thực tế hiện tại và khát vọng tương lai. Nói một cách dễ hiểu, vị ngôn sứ dẫn chúng ta từ những biến chuyển bên ngoài của thiên nhiên đến những gội rửa từ bên trong để nâng chúng ta lên một viễn tượng huy hoàng của “núi nhà Đức Chúa”.
Dựa vào những nét chính yếu này, chúng ta có thể xây dựng cấu trúc bản văn.
Cấu trúc chung
VIỄN TƯỢNG TƯƠNG LAI 2a Ngày đó,
(Hồi sinh từ hoang tàn đổ nát) 2.b chồi non ĐỨC CHÚA cho mọc lên sẽ là vinh quang và danh dự,
____________________ 2.b’ và hoa màu từ ruộng đất trổ sinh sẽ là niềm hãnh diện và tự hào
____________________ 2.c cho những người Ít-ra-en thoát nạn.
DÂN THÁNH 3.a Những người sống sót ở Xi-on
(Thiết lập một dân mới) và những kẻ còn sót lại ở Giê-ru-sa-lem sẽ được gọi là thánh. Tất cả được ghi tên vào sổ để sống tại Giê-ru-sa-lem.
(Được thanh tẩy) 4.a Khi Chúa Thượng đã dùng thần khí thông minh và thần khí có sức thiêu huỷ
____________________ 4.b mà tẩy sạch các thiếu nữ Xi-on khỏi những gì ô uế, và gột rửa Giê-ru-sa-lem khỏi máu đã đổ ra trong thành,
VIỄN TƯỢNG TƯƠNG LAI 5.a thì trên khắp núi Xi-on, và trên những người hội họp ở đó,
(Núi nhà Đức Chúa) ĐỨC CHÚA sẽ tạo ra một đám mây ban ngày, một đám khói và một ngọn lửa rực sáng ban đêm.
___________________ 6.a Thật vậy, trên tất cả, 6 là mái lều làm bóng râm ban ngày cho khỏi nóng,
____________________ 6.b làm nơi nương ẩn khi bão táp mưa sa.
1.3. Bình giải bản văn
1. Hồi sinh từ hoang tàn chết chóc
Bài sấm khởi đầu bằng việc định vị thời gian. “Ngày đó”, cùng với những lần xuất hiện trước đó (2:20; 3:7,18;4:1,2) và lời mở đầu Is 2:2, “trong tương lai, núi nhà Đức Chúa”, hướng chúng ta về một viễn tượng sẽ mở ra trong tương lai. Tuy nhiên, đây là lần cuối cùng và cũng là lần duy nhất trạng từ “ngày đó” xuất hiện với cung giọng an ủi. Do đó, nó không chỉ xuất hiện như một thành tố thuộc cấu trúc văn chương mà còn đặt dấu chấm hết cho những chuỗi “ngày đó” tiêu cực, hoang tàn, chết chóc phía trước. “Ngày đó” lần này báo hiệu sự hồi sinh. Sự hồi sinh ấy nảy nở trên những dấu chỉ tự nhiên.
Có nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến ý nghĩa hình ảnh chồi non xuất hiện trong Is 4:2. Cụm từ Do thái “צֶמַח” (bản các giờ kinh phụng vụ dịch là “chồi non”) được tìm thấy nhiều lần trong các sách ngôn sứ với ý nghĩa cả ở thể danh từ lẫn thể động từ. Chẳng hạn Giê-rê-mi-a nói đến “một chồi non chính trực” (23:5; 33:15), hoặc Da-ca-ri-a cũng tiên báo một “chồi non” sẽ xuất hiện trong dòng Đa-vít(3:8; 6:12); những cũng có nhiều đoạn, cụm từ này được dùng với nghĩa động từ, chỉ sự nảy nở, đâm chồi nảy lộc… (x. Ed 16:7) Vấn đề ở đây là cụm từ này không minh nhiên nói về đấng Messiah như có thể đọc thấy trong Giê-rê-mi-a hay Da-ca-ri-a. Hơn nữa, không thể nói rằng cụm từ này chịu ảnh hưởng bởi cụm từ minh nhiên chỉ về Đấng Messiah đã có trong Giê-rê-mi-a hay Da-ca-ri-a, vì điều này có vẻ không hợp lý về mặt thời gian. Do đó, để chứng minh nguồn gốc Messiah của nó, các học giả phải nại vào những dấu vết của cụm từ này xuất hiện trong các sách thuộc truyền thống trước đó như Dilightzch hay Young đã làm[2] và cho thấy nó có ảnh hưởng đến cách dùng hình ảnh này của Isaiah. Tuy nhiên, những liên hệ này không có giá trị chắc chắn nội tại, ngoại trừ luận lý của Alexander qua phân tích cấu trúc văn chương của bản văn. Alexander khẳng định hình ảnh “chồi non” ở đây chỉ về đấng Messiah của Đức Chúa nhờ thủ thuật phân tích cấu trúc đối ngẫu trong thơ Do thái. Ông cho rằng “chồi non Đức Chúa cho mọc lên” được đặt song đối với “hoa màu từ ruộng đất trổ sinh” (siêu nhiên đối lại với tự nhiên) cho thấy rằng chồi non này phải được hiểu theo nghĩa siêu nhiên, nghĩa là chỉ về Đấng Messiah. Dù lý luận khác nhau nhưng phần lớn các tác giả chú giải theo hướng này sẽ lấy căn tính Messiah của chồi non là tư tưởng chủ đạo để đọc toàn bộ đoạn này. Dù sao, đó cũng là những đóng góp suy tư hữu ích, nhưng nó có vẻ hơi gán ghép và xa rời bản văn. Ở đây, tôi chọn hướng chú giải thứ hai.
Hướng chú giải thứ hai hiểu chồi non theo nghĩa tự nhiên, cả “chồi non” lẫn “hoa màu từ ruộng đất” đều là những dấu chỉ tự nhiên chỉ sự hồi sinh của triều đại Thiên Chúa[3]. Ngoài việc không thấy liên hệ minh nhiên của hình ảnh này với hình ảnh chồi non được dùng sau này minh nhiên chỉ về Đấng Messiah, và phê bình tính thiếu cơ sở của những liên hệ, những học giả chú giải theo hướng này còn đưa ra một vài chi tiết chứng minh cho luận điểm này.
Thứ nhất, chúng ta không chắc Alexander lấy cơ sở gì để đặt cả cụm “chồi non Đức Chúa cho mọc lên” song đối với “hoa màu từ ruộng đất trổ sinh”; trong khi chúng ta cũng có thể đặt “chồi non” đối lại với “hoa màu” và “Đức Chúa cho mọc lên” đối lại với “từ ruộng đất trổ sinh” để cho thấy sự hồi sinh là kết quả cộng tác của nỗ lực tự nhiên và ân sủng siêu nhiên. Mặc dù, không có bằng chứng chắc chắn cho thấy cấu trúc nào hợp lý hơn, nhưng việc đưa ra một cấu trúc song đối khác cũng giúp chúng ta dè dặt hơn với khẳng định “chồi non” chỉ về Đấng Messiah, đơn giản là vì cả hai, phần nào, cũng chỉ là những gán ghép võ đoán mà thôi.
Thứ hai, Lange cho rằng cụm từ (צֶמַח) nguyên nghĩa Do Thái chỉ chồi non nói chung, chứ không phải là một danh từ số ít, chỉ một chồi non cụ thể. Hình ảnh chồi non chỉ về đấng Messiah trong các sách ngôn sứ Giê-rê-mi-a hay Da-ca-ri-a thường là danh từ số ít, chẳng hạn, “một chồi non chính trực” (Gr 23:5), “một mầm non” (Is 11:1; Gr 33:15) hay “Ta cho tôi tớ mệnh danh là “chồi non” xuất hiện” (Dc 3:8). Trong khi đó, hình thức danh từ nói chung (đôi khi Các Giờ Kinh Phụng Vụ dịch thành động từ – nảy nở (Ed 16:7) có thể được đọc thấy trong các trình thuật khác như St 19:25, Ed 16:7, Hs 8:7, Is 61:11, Tv 65:11 chỉ về thế giới tự nhiên. Hơn nữa, theo Lange cách hiểu này làm cho tính song đối trong thơ của bài sấm chỉn chu hoàn thiện hơn về phương diện từ ngữ. “Chồi non” – nói chung, đối lại với “hoa màu” sẽ đồng điệu hơn về từ loại[4].
Thứ ba, truyền thống thần học ngôn sứ thường gắn hình ảnh “chồi non” với đấng Messiah xuất thân từ nhà Đa-vít (Is 11:1; Gr 23:5). Đó là niềm vinh dự và tự hào cho người Giu-đa ở Giê-ru-sa-lem hay dân cư vương quốc phía nam. Do đó, nếu gán ý nghĩa về đấng Messiah cho hình ảnh chồi non ở đây có vẻ không phù hợp lắm với đối tượng bản văn nói đến là những người Ít-ra-en thoát nạn.
Với những dẫn chứng trên, chúng ta thấy không được thuyết phục lắm nếu gán ý nghĩa Messiah cho một hình ảnh không minh nhiên chỉ về nó. Mặc dù tôn trọng tính sống động của cách đọc bản văn nơi người đọc, chúng tôi chọn hướng chú giải nhìn “chồi non” và “hoa màu” như là những dấu chỉ tự nhiên cho thấy sức sống mới đang nảy sinh từ những hoang tàn, chết chóc.
Một điểm đáng chú ý khác trong câu đầu tiên của bài sấm là sự phong phú của các danh từ mà ngôn sứ dùng để diễn tả: vinh quang, danh dự với hãnh diện, và tự hào. Trong truyền thống ngôn sứ, các từ này có thể được dùng để chỉ vẻ huy hoàng của một vùng đất mà Đức Chúa ban cho (Gr 3:19), hoặc nơi mà Ngài dẫn dân đến (Ed 20:6,15). Nếu nhìn sâu vào bức tranh này chúng ta có thể thấy phản phất đâu đây lời hứa đã định hình nên căn tính của một dân tộc (Xh 3:17). Có lẽ ít có dân tộc nào có cảm thức sâu xa về đất hứa như người Do thái. Do đó, một đàng chúng ta có thể thấy hình ảnh đất hứa ẩn tảng trong tâm thức và hiển thể ra trong những lời sấm của vị ngôn sứ; đàng khác chúng ta cũng có thể hiểu được phần nào cảm nhận của những người là đối tượng của những lời sấm này. Nói cách khác, lời sấm khởi đầu này không chỉ có tác dụng văn chương mở ra một viễn tượng tương lai tươi sáng, nó còn là những lời an ủi ngọt ngào đi vào chiều sâu tâm thức của người mà nó ngỏ với.
2. Dân thánh
Nếu câu đầu tiên (4:2) của bài sấm gợi cho chúng ta cảm thức về miền đất hứa, thì hai câu tiếp theo (4:3-4) lại nhắc chúng ta nhớ về căn tính của một dân tộc. Một dân tộc được gọi là thánh. Thế nào là một dân thánh? Vì đâu dân ấy được gọi là thánh? Phải chăng dân đó tốt lành, mạnh mẽ, cao cả hơn dân tộc khác?
Với cái nhìn tiên nghiệm, chúng ta có thể thắc mắc: ai là những người sống sót ở Xi-on? Ai sẽ là những kẻ còn sót lại ở Giê-ru-sa-lem? Is 2:1-3 không chỉ cho chúng ta biết đích danh họ là ai, nhưng cho chúng ta biết họ không là những ai.
“Này đây Chúa là ĐỨC CHÚA các đạo binh, cất khỏi Giê-ru-sa-lem và Giu-đa mọi chỗ nương chỗ tựa: chỗ tựa chỗ nương là bánh và nước, người hùng và chiến sĩ, quan toà và ngôn sứ, thầy bói và kỳ mục, sĩ quan và thân hào, cố vấn với phù thủy cao tay và những kẻ thạo nghề bùa ngải.” (Is 2:1-3)
Nghĩa là, họ không thuộc về thành phần những người mạnh khỏe, lãnh đạo và ưu tú của xã hội. Họ có thể là những kẻ cùng đinh, phụ nữ và trẻ em (3:25; 4:1) – những người ít có địa vị trong nhãn quan Do thái giáo. Dưới cái nhìn hậu nghiệm, với biến cố Giê-ru-sa-lem sụp đổ năm 587/586, và hai cuộc lưu đày (năm 597 và 587/586), chúng ta có thể xác định chính xác những người mà lời ngôn sứ muốn nói tới. Thực tế, họ là những người nghèo, những người thuộc tầng lớp thấp kém nhất trong xã hội. Tại sao những người này lại được gọi là thánh?
Theo Motyer, “những kẻ còn sót lại” này được gọi là thánh đơn giản là vì họ được Thiên Chúa chọn một cách hoàn toàn nhưng không. Thứ nhất, Thiên Chúa chọn họ không phải vì địa vị, tài năng hay phẩm chất nào của họ. Họ được chọn hoàn toàn là do ý Thiên Chúa. Thứ hai, Motyer giải thích rằng trong truyền thống cổ xưa, số phận sống hay chết của một người được quyết định bằng việc họ được ghi hay xóa tên khỏi “sách của Thiên Chúa”. Chúng ta có thể thấy chi tiết này trong sách Xuất hành: “Kẻ nào phạm tội làm mất lòng Ta, Ta sẽ xoá tên nó khỏi cuốn sách của Ta” (Xh 32: 33 hay Đn 12:1; Mal 3:16; Kh 3:5). Như thế, việc tất cả những người này được “ghi tên vào sổ để sống tại Giê-ru-sa-lem” cho thấy họ sống sót sau những năm tháng chiến tranh kéo dài không phải là do ngẫu nhiên may rủi, mà đúng hơn là do chọn lựa tiền định của Thiên Chúa[5].
Tuy nhiên, để được gọi là thánh, xứng với sự hiện diện của Thiên Chúa (Lv 11,45), đoàn dân mới này cần phải được thanh tẩy (Tv 69:29; Gr 22:30).
Thứ nhất, họ phải được tẩy sạch khỏi những gì “ô uế”. “Các thiếu nữ Xi-on” ở đây liên hệ đến Is 3:16: “ĐỨC CHÚA phán: Vì các con gái Xi-on kiêu kỳ, chúng vừa đi vừa vênh mặt, liếc mắt, chúng bước đi nhún nhẩy, khua kiềng đeo chân”. Trong diễn tả này, có một cử chỉ mà tiếng Việt không diễn hết nghĩa của nó. וּֽמְשַׂקְּרֹ֖ות עֵינָ֑יִם – “wanton/seductive eyes” chỉ một cái nhìn lẳng lơ, khiêu gợi. Nó gợi lên cái nhìn chào mời của “gái điếm” mà các ngôn sứ thường dùng để lên án sự bất trung của dân, khi họ không còn trung thành với Thiên Chúa Duy Nhất mà chạy theo các thần dân ngoại. Do đó, ở khía cạnh cá nhân, sự ô uế mà lời ngôn sứ nói đến không chỉ là những những ô uế cụ thể bên ngoài mà còn là một thái độ nội tâm bên trong đối với Thiên Chúa. Ở phương diện tôn giáo, nó phê phán thái độ sống tôn thờ ngẫu tượng thay vì Thiên Chúa Duy Nhất. Trên phương diện chính trị, cái nhìn này cũng phản ánh đường lối chính trị ảo tưởng của giới lãnh đạo Giê-ru-sa-lem khi đặt tin tưởng vào sự giúp đỡ của ngoại bang thay vì vào chính Thiên Chúa.
Thứ hai, họ phải được gột rửa khỏi “máu đã đổ ra trong thành”. Không có dẫn chứng minh nhiên nào về việc đổ máu trong thành được nói đến trong cả bài sấm từ Is 2:1 đến Is 4:6. Các nhà chú giải cho rằng chi tiết này liên hệ đến máu người vô tội đổ ra do những bất công xã hội mà giới lãnh đạo hay chế độ độc tài gây ra (Is 1:15; 9:4; 26:21). Tuy nhiên, có một chi tiết đáng chú ý liên quan lời mời gọi hoán cải của Đức Chúa trong Is 1: 15-17. Đó là, khi Đức Chúa kết án “những bàn tay đầy máu” thì đồng thời ngài cũng mời gọi họ hãy “rửa cho sạch, tẩy cho hết” những tội ác họ đã phạm, và “hãy tập làm điều thiện, tìm kiếm lẽ công bình”. Chúng ta có thể thấy rõ hai nhịp của một cuộc hoán cải: từ bỏ nết xấu và tập luyện nhân đức. Theo Motyer, đó là lý do tại sao Đức Chúa lại dùng “thần khí thông minh[6]” và “thần khí có sức thiêu hủy” để thanh tẩy và gội rửa dân.
Tác nhân Đức Chúa dùng để thanh tẩy dân là “thần khí thông minh” và “thần khí có sức thiêu hủy”. Theo nguyên ngữ tiếng Do thái: בְּר֥וּחַ מִשְׁפָּ֖ט (spirit of judgment) chỉ thần khí phán đoán, và וּבְר֥וּחַ בָּעֵֽר (spirit of burning) chỉ thần khí có sức thiêu hủy. Motyer cho rằng “phán đoán” (judgment) có liên hệ đến “công bằng” (justice) và “thiêu hủy” liên hệ đến “lửa” (fire). Trong truyền thống ngũ thư, lửa tượng trưng cho sự thánh thiện của Thiên Chúa, vừa hấp dẫn lại vừa đáng sợ, chẳng hạn Đức Chúa hiện ra với Mô-sê trong bụi gai bốc cháy (Xh 3:2-5), hay trong các cuộc thần hiện (Xh 19:18). Ngoài ra, lửa còn là dấu chỉ Thiên Chúa ký kết giao ước (St 15:17). Sách Lê-vi cho thấy lửa được dùng để đốt các của lễ trong các hy lễ tạ tội (Lv 4) nhưng không có hình ảnh nào nói về lửa tượng trưng cho việc thanh tẩy[7], ngoài việc Isaiah được thanh tẩy miệng lưỡi bằng một cục than hồng (Is 6:7). Những phân tích trên cho thấy, lửa không phải là tác nhân thanh tẩy, đúng hơn chính sự tốt lành thiện hảo của Thiên Chúa có sức thanh tẩy như ngọn lửa thiêu hủy mọi thứ xấu xa mà nó chạm tới. Tuy nhiên, giống như Isaiah được thanh tẩy miệng lưỡi là để thi hành sứ mạng, đoàn dân mới được thần khí có sức thiêu hủy của Thiên Chúa gột rửa và thanh tẩy cũng là để thiết lập một triều đại mới vững bền trên nền tảng là “đức chính trực công minh” (justice) (Is 9:6). Chính thần khí thông minh hay phán đoán là tác nhân kiến tạo vương quốc ấy trong tâm hồn từng người và trong cộng đoàn dân Chúa.
3. Núi nhà Đức Chúa
Hai câu cuối cùng của bài sấm (4:5-6) vẽ lên hình ảnh một cộng đoàn sống động được quy tụ trên núi thánh Xi-on. Đức Chúa hiện diện ở giữa để che chở và bảo vệ họ. Có nhiều lớp hình ảnh được lồng ghép vào nhau trong bức tranh này, và mỗi hình ảnh cho chúng ta một tầng nghĩa khác nhau pha trộn trong cùng một bức tranh. Nhờ đó, khi nhìn vào sâu trong bức tranh, chúng ta có thể khám phá một chân trời hòa quyện của hoài niệm quá khứ với thực tế hiện tại và mơ ước tương lai.
Trước khi phân tách từng hình ảnh, có ba điểm đáng chú ý trong tiểu khúc này. Thứ nhất, liên từ אִ֣ם- “khi” hay “if” (4:4) trong tiếng Do Thái được dùng để nói về một sự kiện chắc chắn sẽ xảy ra nhưng không xác định thời điểm[8]; Thứ hai, chủ ngữ trong cả hai câu 4 và 5 đều là “Đức Chúa”; Và cuối cùng, động từ וּבָרָ֣א – tạo ra, hay create là một từ, trong Cựu ước, chỉ được dùng cho hành động sáng tạo của Thiên Chúa[9]. Những chi tiết này ngụ ý rằng, bức tranh mà tiểu khúc này khắc họa có thể được xem như một công trình sáng tạo mới của Đức Chúa.
Trong sách Xuất hành, có hai biến cố có liên hệ đến “cột mây” và “cột lửa”. Biến cố thứ nhất là hành trình dân Do thái rời Ai-cập tiến về núi thánh Xi-nai và lang thang trong sa mạc. Trong hành trình đó, “cột mây” và “cột lửa” diễn tả sự hiện diện của Thiên Chúa đồng hành, bảo vệ và chiến đấu thay cho dân chống lại kỵ binh và chiến mã Pha-ra-ô (Xh 13:21-22, 14:19-25). Sau đó, khi nhà tạm được hoàn tất, “cột mây” và “cột lửa” đậu lại trên nhà tạm (Xh 40:34). Biến cố thứ hai là cuộc thần hiện. “Cả núi Xi-nai nghi ngút khói, vì ĐỨC CHÚA ngự trong đám lửa mà xuống” (Xh 19:18). Có vẻ như lời sấm của Isaiah pha trộn tất cả các hình ảnh này lại với nhau. Thứ nhất, không có đoàn người xuất hành được phác họa minh nhiên nhưng có những con người “thoát nạn”, những người “sống sót”, những kẻ “còn lại” được “cột mây ban ngày” và “cột lửa rực sáng ban đêm” hướng dẫn quy tụ trên núi Đức Chúa. Một số nhà chú giải gọi đó là một cuộc xuất hành mới (Sawyer, Clendenen). Thứ hai, không có nhà tạm, nơi đặt hòm bia giao ước, nhưng có “mái lều”; hơn nữa, “cột mây”, và “cột lửa” không đậu xuống trên mái lều nhưng là mái lều ở trên tất cả. Cuối cùng, không có các yếu tố của một cuộc thần hiện, nhưng có hình bóng “giao ước” của cuộc thần hiện. Trong truyền thống Do thái, וְסֻכָּ֛ה – mái lều, canopy đôi khi gắn liền với các đám cưới[10]. Sawyer liên hệ nó đến giao ước giữa Thiên Chúa và dân như hôn ước giữa “trai tài sánh duyên cùng thục nữ” (Is 6:5). Hình ảnh mái lều “làm bóng râm ban ngày cho khỏi nóng, làm nơi nương ẩn khi bão táp mưa sa” diễn tả Thiên Chúa như vị hôn phu gìn giữ và bảo vệ hiền thê của mình[11].
Tóm lại, với cái nhìn hậu nghiệm, chúng ta có thể thấy những âm vang huy hoàng của quá khứ, những cảm thức ngọt ngào của giao ước thánh hòa lẫn với những kinh nghiệm đau thương của hiện tại. Tất cả hội tụ trong một viễn tượng tương lai đầy tràn sức sống, bình an, công bình, chính trực nơi dân thánh được quy tụ và gìn giữ bởi chính Thiên Chúa.
II. Sự Hình Thành Bản Văn (đọc xuyên đại)
Nếu để ý kỹ, chúng ta sẽ thấy bản văn có một vài chi tiết giúp chúng ta xác định các lớp khác nhau hình thành nên bản văn.
- Hình ảnh những “người Ít-ra-en thoát nạn” có vẻ lạc lõng so với nội dung toàn bộ bài sấm. Thứ nhất, sấm ngôn này là “điều mà Isaiah, con ông A-mốc, đã thấy về Giu-đa và Giê-ru-sa-lem” (Is 2:1), nên phần lớn nội dung đề cập đến dân Giu-đa, Giê-ru-sa-lem và Xi-on. Hơn nữa, nếu bỏ đi câu 2, và bắt đầu từ câu 3 với “ngày đó, những người sống sót ở Xi-on…” thì nội dung bài sấm thống nhất về chủ đề lẫn đối tượng. Thứ hai, ngôn sứ Isaiah được cho là hoạt động ngôn sứ trong khoảng 40 năm, bắt đầu từ một vài năm trước cuộc chiến Si-rô Eph-ra-im (740-736) và kết thúc vào khoảng những năm 700. Trong khi Is 2:1 -4:6 là một trong những sấm ngôn sớm nhất của ngôn sứ Isaiah[12]. Do đó niên đại của sấm ngôn này có thể được xác định vào những năm đầu hoạt động ngôn sứ của ông. Trong khi đó, hình ảnh những người Ít-ra-en thoát nạn khiến chúng ta liên tưởng đến những người Ít-ra-en chạy loạn xuống Giu-da và Giê-ru-sa-lem sau biến cố Sa-ma-ri thất thủ và vương quốc phía bắc sụp đổ năm 722. Như thế, nội dung câu 2 có thể được thêm vào bởi các nhà biên soạn sau này.[13]
- Sấm ngôn dùng ngôn ngữ rất tươi sáng, đầy vẻ tự hào để nói về sự hồi sinh của triều đại mới: “vinh quang”, “danh dự”, “hãnh diện và tự hào”. Watts cho rằng đó là tất cả những gì dân Do Thái thiếu khi bị mất nước và lưu đày. Hơn nữa, bối cảnh núi Xi-on ở câu 5, 6 liên hệ đến khung cảnh thần hiện trong sách Xuất hành, nhưng “cột mây” và “cột lửa” lại là hai hình ảnh đặc trưng của biến cố xuất hành. Sự lồng ghép này làm nổi bật lên vai trò bảo vệ của Thiên Chúa đối với đoàn dân Ngài chọn; tuy nhiên, nó cũng cho thấy nỗi ám ảnh chiến tranh (có lẽ là những năm 597 đến 587/586) vẫn còn lẩn khuất chưa tan trong tâm thức những người còn đang sống[14].
- Đền thờ Giê-ru-sa-lem là trung tâm tôn giáo lẫn văn hóa chính trị của dân Do thái. “Lưỡi xướng ca sẽ dính với hàm, nếu ta không hoài niệm, không còn lấy Giê-ru-sa-lem làm niềm vui tuyệt đỉnh của tâm hồn” (Tv 137). Trong khi đó, vị ngôn sứ lại gợi lên một không gian thánh hoàn toàn khác – không gian của thời xuất hành, trên núi Xi-nai, lang thang trong sa mạc và không có đền thờ. Do đó, có vẻ như những lời sấm này đến từ một thời điểm nào đó sau khi đền thờ Giê-ru-sa-lem đã bị phá hủy (587/586). Ngoài ra, Sawyer cho rằng hình ảnh và ngôn ngữ của sấm ngôn này thuộc về dòng văn chương khải huyền (như Đa-ni-en, hay Giô-en), là dòng văn chương xuất hiện vào thế kỷ 5, 4 B.C hơn là dòng văn chương ngôn sứ[15].
Tóm lại, những chi tiết trên cho thấy, những sấm ngôn và thông điệp của nó có thể đã được rao giảng bởi ngôn sứ Isaiah vào thế kỷ VIII, nhưng bản văn và một vài chi tiết cho thấy dấu hiệu nó có thể đã được thêm vào hoặc biên soạn lại cho phù hợp với bối cảnh mới nhiều năm sau đó.
KẾT LUẬN
Chúng ta có thể khép lại bài viết với một vài chi tiết tóm kết cả hai cách đọc đồng đại và xuyên đại. Trước hết, với cung giọng an ủi, Is 4:2-6 thực sự là tin mừng dành cho người nghèo, những người còn sót lại. Tin mừng ấy nói cho họ biết họ được chọn để trở thành dân thánh mới. Họ sẽ được Thiên Chúa thanh tẩy và thánh hóa. Thiên Chúa hiện diện ở giữa họ để bảo vệ và gìn giữ như tân lang đối với tân nương của mình.
Thứ đến, như một lời ngôn sứ, sấm ngôn này trình bày điều Thiên Chúa muốn ngỏ cho dân. Tuy nhiên, trong ngôn ngữ con người, và qua lịch sử biên soạn, chúng ta có thể đọc thấy những lớp bản văn khác nhau phản ánh những tâm thức khác nhau của dân Chúa. Điều đó cho thấy ngôn sứ không chỉ diễn tả trung thành lời của Thiên Chúa, một phần nào đó, nó còn bày tỏ khát khao của con người đối với Thiên Chúa. Chúng ta có thể cảm thấy một sự hòa điệu nào đó giữa siêu nhiên và tự nhiên, để lời sấm thực sự là lời Thiên Chúa đánh động nơi chiều sâu tâm thức của một dân tộc.
Tuy nhiên, những lời ngôn sứ này xuất hiện trong bối cảnh chưa có thần học đời sau. Đối với họ, “sống sót” có thể đồng nghĩa với việc được Thiên Chúa ra tay cứu độ. Thần học về cánh chung vẫn là một hiện thực sẽ diễn ra ở đời này, giống như niềm tin thời kỳ đầu của Giáo hội, nền thần học này không giải quyết được vấn nạn cứu độ dành cho những người công chính hay vô tội bị giết chết vì bất công và chiến tranh. Hơn nữa, dưới cái nhìn hậu nghiệm, nền thần học về “số sót” này không giải quyết được vấn nạn đặt ra cho những người công chính bị lưu dày. Phải chăng Thiên Chúa đã bỏ rơi họ?
THƯ MỤC THAM KHẢO
- Blenkinsopp, J. (2008). Isaiah 1-39: A new translation with introduction and commentary (202). New Haven; London: Yale University Press.
- Clendenen, E. R. (2007). New American Commentary: Isaiah 1-39 (153). B & H Publishing Group.
- Gray, G. B. (1912). A critical and exegetical commentary on the book of Isaiah, I-XXXIX. Series title in part also at head of t.-p.; Commentary on chapters I-XXVII only; the commentary on chapters XXVIII-XXXIX which had been assigned to G. B. Gray and on chapters XL-LXVI which had been assigned to A. S. Peake was not completed. (76). New York: C. Scribner’s Sons.
- Lange, J. P., Schaff, P., Nägelsbach, C. W. E., Lowrie, S. T., & Moore, D. (2008). A commentary on the Holy Scriptures: Isaiah (77). Bellingham, WA: Logos Research Systems, Inc.
- Motyer, J. A. (1993). The prophecy of Isaiah: An introduction & commentary (Is 4:2). Downers Grove, Ill.: InterVarsity Press.
- Ortlund, R. C., Jr, & Hughes, R. K. (2005). Isaiah: God saves sinners. Preaching the Word (56). Wheaton, Ill.: Crossway Books.
- Oswalt, J. N. (1986). The Book of Isaiah. Chapters 1-39. The New International Commentary on the Old Testament (143). Grand Rapids, MI: Wm. B. Eerdmans Publishing Co.
- Sawyer, J. F. A. (2001, c1984). Isaiah: Volume 1. The Daily Study Bible series (41). Louisville: Westminster John Knox Press.
- Watts, J. D. W. (2002). 24: Word Biblical Commentary: Isaiah 1-33. Word Biblical Commentary (47). Dallas: Word, Incorporated.
- John W. Miller (1987). Meet the Prophets. Paulist Press, New York/Mahwah.
[1] Oswalt, J. N. (1986). The Book of Isaiah. Chapters 1-39. The New International Commentary on the Old Testament, chú giải câu 2.
[2] Delightzch chứng minh căn tính thần linh của chồi non biểu tượng của đấng Messiah bằng cách liên hệ với Ê-dê-ki-en 17:5- đoạn nói về một vị vua thuộc dòng Đa-vít được miêu tả như là “hạt giống cây xứ ấy” được gieo và nảy mầm. Young liên hệ động từ [צֶ֣מַח] với 2Sm 23:5, nơi đó, vua Đa-vít tuyên sấm về việc Đức Chúa sẽ cho mọi chiến thắng và mọi ước vọng của ngài được nảy mầm.
[3] Các tác giả chú giải theo hướng này có thể kể đến Calvin, Skinner, Scott và Kaiser. X. Motyer, J. A. (1993). The prophecy of Isaiah: An introduction & commentary (Is 4:2)
[4] Lange, J. P., Schaff, P., Nägelsbach, C. W. E., Lowrie, S. T., & Moore, D. (2008). A commentary on the Holy Scriptures: Isaiah (77). (Is 4:2)
[5] Motyer, J. A. (1993). The prophecy of Isaiah: An introduction & commentary (Is 4:2)
[6] בְּר֥וּחַ מִשְׁפָּ֖ט – spirit of judgment: Các Giờ Kinh Phụng vụ dịch là Thần Khí Thông Minh.
[7] Motyer, J. A. (1993). The prophecy of Isaiah : An introduction & commentary (Is 4:4)
[8] Motyer, J. A. (1993). The prophecy of Isaiah : An introduction & commentary (Is 4:4)
[9] Motyer, J. A. (1993). Sđd, chú giải c.4.
[10] Clendenen, E. R. (2007). New American Commentary: Isaiah 1-39 (tr.153)
[11] Sawyer, J. F. A. (2001, c1984). Isaiah : Volume 1. The Daily study Bible series (tr. 41)
[12] John W. Miller, Meet the Prophets, tr.90.
[13] Xem thêm. Sawyer, J. F. A. (2001, c1984). Isaiah : Volume 1. The Daily study Bible series (tr. 41)
[14] Watts, J. D. W. (2002). Vol. 24: Word Biblical Commentary: Isaiah 1-33. Word Biblical Commentary (tr.47).
[15] Sawyer, J. F. A. (2001, c1984). Isaiah: Volume 1. The Daily Study Bible series (tr.41)