Euthanasia

Môn học: Luân Lý Y Sinh Học & Luân Lý Tính Dục Công Giáo

Giáo sư: Sr. Trần Như Ý Lan

Học viên: Nguyễn Hải Đăng

 

“Quyền được chết” được đề xuất đưa vào bộ luật dân sự. Nhằm trả lời một số ý kiến ủng hộ quyền này, người viết làm rõ khái niệm và hình thức của quyền này trước khi chỉ ra rằng cơ sở của những lập trường ủng hộ chỉ là vì mục đích nhân đạo. Phân tích và phê bình kỹ hơn, người viết tiếp tục cho thấy không chỉ có những điểm còn mập mờ giữa mục đích nhân đạo với vì lợi ích cá nhân, mà còn có thể kéo theo những hệ quả đáng tiếc về luật pháp, ý tế, đạo đức và xã hội nếu thực hiện quyền này.

 

Dẫn nhập

Ngày 22/04/2015, tuổi trẻ online đăng bài “Đề xuất đưa quyền được chết vào bộ luật dân sự?” [1] Trong đó, tiến sĩ Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Pháp chế (Bộ Y tế) đề xuất “quyền được chết” theo nghĩa là gây cái chết êm dịu. Ông nói: “người bệnh nặng, y học bó tay, gia đình kiệt quệ, mong được chết một cách êm dịu cũng rất nên chấp thuận cho họ”. Theo đề xuất này, có nhiều ý kiến trái chiều. Một bài viết online được đăng trên web đời sống pháp luật cho hay: “Tuoitreo

nline đã thực hiện 685 ý kiến bạn đọc cho thấy có 557 ý kiến đồng ý bổ sung quyền được chết vào bộ luật dân sự (chiếm 81,3%). Có 117 ý kiến không đồng ý và 11 ý kiến khác”.[2] Dù vậy, tham khảo trên tuổi trẻ online, người đọc ghi nhận có 24 ý kiến được nêu ra cả ủng hộ lẫn không ủng hộ. Bài viết này sẽ phân tích phê bình những ý kiến ủng hộ “quyền được chết” qua đó giúp nhận ra đâu là lý do chính (luận cứ) mà hầu hết các ý kiến thiên về. Dựa trên nền luân lý của Hội thánh Công giáo, người viết trưng dẫn một số điểm liên quan đến luận cứ được nêu ra.

I. Khái niệm và hình thức về “quyền được chết” (an tử)

1. Khái niệm:

“Quyền được chết” bắt nguồn từ tiếng Hy-lạp ‘euthanatos’. Trong đó, ‘eu’ nghĩa là tốt và ‘thanatos’ là chết. Như vậy, ‘euthanatos’ có thể được dịch là cái chết tốt đẹp hay an tử. An tử là chủ ý kết liễu mạng sống con người, là làm chết êm dịu, là làm chết nhanh chóng hơn chết tự nhiên bằng sự can thiệp của y khoa với mục đích giúp cho bệnh nhân đang mắc bệnh nặng hết phương cứu chữa khỏi phải chịu đựng những cơn đau đớn quá mức. Đó cũng được hiểu là cố tình ngưng điều trị để kết liễu sớm sinh mạng vô phương cứu chữa ở giai đoạn cuối, hay còn gọi là giết chết vì lòng thương hại (mercy killing) để tránh đau đớn quá mức cho người bệnh.

2. Hình thức:

Có những hình thức an tử như trực tiếp, gián tiếp, chủ động, thụ động, tự nguyện, và không tự nguyện. Trực tiếp: là bất cứ hình thức can thiệp nào, như chích độc tố hoặc để suy dinh dưỡng nặng, nhằm làm bệnh nhân chết sớm hơn; Gián tiếp: dùng phương tiện gây chết sớm hơn dù không trực tiếp muốn, ví dụ do dùng thuốc giảm đau ở liều lượng mạnh (song hiệu – mục đích nhắm đến là giúp giảm đau cho bệnh nhân, nhưng hệ quả kéo theo là bệnh nhân có thể chết sớm hơn); Chủ động/Tích cực: dùng phương thế chắc chắn làm bệnh nhân chết ngay; Thụ động: làm chết sớm hơn do lơ là chăm sóc hoặc bỏ không chữa trị; Tự nguyện: là theo quyết định, yêu cầu của bệnh nhân. Có hai trường hợp: (1) bệnh nhân bày tỏ ý muốn, và bác sĩ hoặc một người khác trực tiếp hành động; (2) bác sĩ trợ tử: bệnh nhân mong muốn, bác sĩ cộng tác mà không trực tiếp hành động, nhưng giúp bệnh nhân thực hiện hành động kết liễu cuộc đời. Không tự nguyện: do quyết định của thân nhân hoặc (và) bác sĩ.

II. Phân tích phê bình ý kiến ủng hộ

1. Một số luận cứ và phê bình

          a. Luận cứ “giết chết vì lòng thương xót”:

Nhìn chung, các ý kiến trên tuoitreonline ủng hộ “quyền được chết” phần lớn dựa trên luận cứ “giết vì lòng thương xót” (mercy killing). Ý kiến của Happy Die cho rằng “quyền được chết là một lựa chọn có hậu cho bệnh nhân mà y học vô phương cứu chữa vì bệnh nhân đau đớn và còn hệ lụy cho người thân”. Ý kiến ủng hộ của bạn Quang Thái là vì đã chứng kiến mẹ anh hấp hối trong nhiều giờ, anh ước mong mẹ anh ra đi nhẹ nhàng không vất vả. Tương tự, ý kiến của Pham Van Be cho rằng anh đã mong luật này từ lâu khi chứng kiến người thân phải sống cuộc sống thực vật nhiều năm. Bạn Lý ủng hộ quyền được chết được đưa vào luật vì chứng kiến cảnh đau đớn khổ sở của ba khi mắc bệnh ung thư ống thực quản. Bạn cho biết: “5 tháng điều trị, y học bó tay và suốt 5 tháng kế tiếp không ăn uống được, sống nhờ truyền dung dịch, … Mỗi lần bị co thắt ba tôi phải chịu đau kinh khủng và ngất xỉu vài chục phút”. Vì vậy, phần lớn các ý kiến ủng hộ đưa ra lí do mà có thể gọi là “vì lòng thương xót” đối với người bệnh và với người thân của họ.

          b. Ủng hộ luật vì luật mang tính nhân đạo:

Cũng có một số ý kiến gọi “quyền được chết” là nhân văn và đạo đức. Bạn Trần Thiên Trường cho việc đề xuất quyền được chết là một vấn đề mang tính nhân văn. Bạn Pháp Vô gọi quyền này là quyền nhân văn; bạn Dinh Tran gọi quyền được chết là giải thoát nhẹ nhàng nên đó là nhân văn và đạo đức. Như thế, xin quyền được chết hay ủng hộ quyền được chết lý do đơn giản là vì luật này mang “tính nhân đạo”.

          c. Trao quyền được chết cho bệnh nhân vô phương cứu chữa là giải thoát họ:

Bên cạnh đó, một số ý kiến nhìn nhận trao “quyền được chết” cho những người bệnh vô phương cứu chữa là một sự giải thoát cho họ. Bạn Pham Van Be mong đợi quyền này được chuẩn nhận vì chứng kiến người thân vật vã lâu năm không được giải thoát. Bạn Dinh Tran cho rằng “ai cũng mong có ‘quyền được chết này’, khi sống mà quá đau đớn, không hy vọng gì nữa. Giải thoát nhẹ nhàng là nhân văn và đạo đức.”

          d. Phê bình luận cứ:

Vì lòng thương xót, vì luật nhân đạo hay vì lợi ích?

Với kinh nghiệm của con người, ai cũng mong được sống và sống mạnh khỏe, hạnh phúc. Chết là một thảm họa, là vận xui. Thế thì lí do vì sao người ta muốn loại bỏ sự sống? Phải chăng sự sống khi đó không còn mang lại lợi ích, không được như mong chờ, hay sự sống khi đó là một gánh nặng, sự sống mang lại khổ đau? Phải chăng sự sống cũng đang được đưa lên bàn cân để cân đong đo đếm với lợi ích của cá nhân mỗi người, của tập thể xã hội. Chắc hẳn, thuyết ưu sinh ra đời đã ảnh hưởng không ít lên việc đưa sự sống lên bàn cân với lợi ích.

Thuyết ưu sinh (eugenics) là học thuyết nổi tiếng những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, do nhà nhân chủng học người Anh là Francis Golton khởi xướng vào năm 1883. Thuyết này nhắm đến việc triệt sản ép buộc nhằm loại bỏ các cá thể khuyết tật như người bị tâm thần, người mù, người điếc, phụ nữ có quan hệ tình dục bừa bãi, người đồng tính hoặc các bộ tộc bị xếp vào giống người không “đủ chuẩn”.[3]

Do ảnh hưởng của thuyết ưu sinh, người ta đã giết chết êm dịu những trẻ sơ sinh bất bình thường hay dị tập trầm trọng; triệt sản những người dị tật, lệch lạc tình dục, phạm tội ác, mắc bệnh truyền nhiễm di truyền. Hitler đã dựa trên học thuyết này để giết chết êm dịu bằng lò hơi ngạt những người thiểu năng, tâm thần và ngay cả những chủng tộc được xem là hạ đẳng. Không ít người lên án học thuyết này vì nó mang lại không ít hệ lụy dở khóc dở cười cho xã hội như cha mẹ thiên tài nhưng sinh ra con cái câm điếc.[4] Đó là thực tế. Tuy nhiên, ngày nay thuyết này đang được nhân rộng dưới cái tên khá kêu “phá thai ưu sinh” nhằm loại bỏ những thai nhi được chẩn đoán là dị tật, khiếm khuyết trầm trọng hầu để tránh đau khổ cho đứa bé sau này cũng như cho cha mẹ của bé.

Không chắc rằng những gì đang xảy ra cho những thai nhi theo cái gọi là “phá thai ưu sinh” lại không đang xảy ra với những người cận kề cái chết mà được gọi là “an tử”. Phải chăng an tử cho người bệnh tật vô phương cứu chữa lại không do ảnh hưởng của thuyết ưu sinh vốn được biện hộ với một lý do nhân từ là “giết chết vì lòng thương xót”?

Phải chăng trao quyền được chết là nhân đạo, giúp bệnh nhân chết là giải thoát?

Đứng trên quan điểm này, chúng tôi thiết nghĩ không phải ai cũng đồng ý như vậy. Dĩ nhiên, từ góc nhìn của người khỏe mạnh, lòng mong muốn của họ đối với người thân yêu của mình là mong người thân bị bệnh sớm được giải thoát khỏi đau khổ bệnh tật. Khổ thay, vấn đề giải thoát đau khổ lại là cái chết. Có bốn cái khổ: sinh, lão, bệnh, tử. Chết cũng là một cái khổ. Đó là quy luật của tự nhiên. Theo giáo lý của một số tôn giáo lớn, chết không phải là hết, nhưng là cửa ngõ bước vào một đời sống khác. Vì vậy, chết không đồng nghĩa với sự giải thoát. Có chăng theo cái nhìn duy vật, đó là sự chấm dứt cái khổ về phần xác. Tuy nhiên, còn phần thiêng thì sao? Giáo lý nhà Phật cho biết nếu như người đó vẫn còn mang những nghiệp xấu thì cái chết của người đó không phải chấm dứt đau khổ nhưng phải đầu thai vào một cuộc sống đau khổ hơn! Giáo lý Hội thánh Công giáo dạy khi chết con người còn mang tội thì phải đền trả trong nơi luyện tội. Cho nên, đối với người bệnh tật, không chắc rằng cái chết là sự giải thoát với họ. Biết đâu, những giây phút gian nan, đau đớn cận tử lại là những giây phút giúp họ lấy công chuộc tội cho một cuộc giải thoát đích thực hơn.

2. Quyền trên sự sống: Ai có quyền trên sự và hậu quả của quyền đó

Khi đòi “quyền được chết” là một sự khẳng định quyền định đoạt sự sống. Về phương diện sự sống, chúng tôi cũng tự hỏi: ai có quyền trên sự sống của mình hay người khác? Có một vài ý kiến nêu lên vấn đề về quyền. Ý kiến bạn Huệ Võ cho rằng: “có những người chờ sự ra đi dai dẳng, đau đớn và bất lực, vậy sao không cho họ một quyền được lựa chọn nhanh chóng và nhẹ nhàng”. Bạn Trương Huy đề nghị nên đưa “quyền được chết” vào luật “để tránh những cái chết đau đớn cho người bệnh và cũng làm cho thân nhân nhẹ nhõm hơn”. Dẫu rằng ở đây, các ý kiến không đề cập đến quyền tự quyết của người bệnh, của thân nhân trên sự sống nhưng xin cho “quyền được chết”, đó là quyền tự kết liễu đời mình hay nhờ người khác giết chết mình. Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là: ai có quyền trên sự sống của mình hay của người khác?

Với sự sống, ai cũng tự nhận thấy nó như một quà tặng được trao ban. Con người chỉ biết đón nhận. Con người không tạo ra sự sống. Khoa học, y học tiến bộ đến bao nhiêu đi nữa cũng chỉ dừng lại ở mức độ duy trì hay kéo dài sự sống chứ không thể tạo ra sự sống. Sự sống con người được trao tặng, liệu con người có quyền trên sự sống, và nếu có thì ở mức độ nào?

Ai cũng nhận thấy sự sống là quý giá. Con người mất cái gì đó còn có thể lấy lại được. Mất sự sống thì không thể. Vì vậy, cho dẫu pháp luật cho phép “quyền được chết”, ai dám tước mạng sống của mình hay của người khác trong sự thanh thản bình an. Người bệnh mong muốn được chết có chăng cũng là ở trong cơn đau đớn, cô đơn, thất vọng. Người thân của bệnh nhân hay bác sĩ biết rằng hành động của mình hành động của mình sẽ gây cho bệnh nhân chết lập tức lại không để lại nơi họ một chấn thương về tâm lý về sau.

Kinh Thánh cho biết rằng: sự sống con người là do Thiên Chúa tạo dựng và trao ban (Sáng thế 2:7). Vì vậy, Hội thánh Công giáo luôn tin nhận rằng chỉ có một mình Thiên Chúa làm chủ sự sống và có quyền định đoạt trên sự sống con người. Ai xúc phạm đến phẩm vị, sự sống con người là xúc phạm đến Thiên Chúa. Thánh Công đồng Vaticano II viết:

Tất cả những gì đi ngược với chính sự sống, như giết người dưới bất cứ hình thức nào, diệt chủng, phá thai, giết chết cách êm dịu, hoặc tự tử trực tiếp (…). Và trong khi làm thối nát nền văn minh nhân loại, thì tất cả những điều trên lại càng bôi nhọ chính những kẻ chủ động hơn là bôi nhọ những kẻ phải chịu sự nhục mạ, đồng thời cũng xúc phạm nặng nề đến danh dự của Ðấng Tạo Hóa.”[5]

Về an tử, Hội thánh một lần nữa khẳng định mạnh mẽ trong Tuyên ngôn về an tử liên quan đến bản thân bệnh nhân, người thân của họ, bác sĩ và cả các quyền bính rằng:

“Cần phải khẳng định mạnh mẽ một lần nữa rằng không ai hoặc không điều gì bằng bất cứ cách thức nào có thể cho phép việc giết chết con người vô tội, dù đó là … người khổ sở vì bệnh nan y vô phương cứu chữa hay người hấp hối. Ngoài ra, không ai được phép yêu cầu hành vi giết người này, dù là cho chính mình hay cho người được ủy thác cho mình coi sóc. Cũng không được chấp thuận hành vi này, dù là minh nhiên hay mặc nhiên. Không một quyền bình nào được lấy pháp luật mà khuyên làm hoặc cho phép làm một hành vi như thế. Bởi lẽ đây là sự vi phạm thiên luật, là sự xúc phạm phẩm giá con người, là tội ác chống lại sự sống và là sự tấn công vào cộng đồng nhân loại”[6]

Vì vậy, với lập trường của Hội thánh Công giáo, không ai được phép giết người vô tội cho dù bất kỳ lí do nào.

3. Những hậu quả kéo theo nếu quyền này được trao[7]:

Hậu quả về luật pháp:

Nhằm tránh nhiệm vụ chăm sóc hay tranh giành tài sản, con cháu sẽ “đi đêm” với bác sĩ để sửa bệnh án, hoặc tạo áp lực ép ông bà, bố mẹ bị bệnh kí vào giấy an tử. Như thế, luật an tử trở nên công cụ tiếp tay cho hành vi giết người có chủ đích, tạo ra một thứ bất hiếu trong xã hội.

Cũng sẽ xảy ra trường hợp có người dùng vũ lục, hay sự không tỉnh táo của bệnh nhân để ép kí vào giấy đề nghị an tử để giết người có chủ đích mà không bị truy tố.

Nhằm để trốn nợ, một số bệnh nhân tự chọn cách “tự tử” được chuẩn nhận này cho dù bệnh tình không quá bi đát phải chết.

Quyền được chết sẽ mâu thuận với hiến pháp các nước: sinh mạng con người là bất khả xâm phạm hay với mâu thuẫn với khái niệm đạo đức cổ truyền: “ngươi không được giết người vô tội dù bất kỳ hoàn cảnh nào”.

Hậu quả về y tế:

Y học có nhiệm vụ duy nhất là cứu người. Nếu quyền được chết được chấp nhận, những người làm trong ngành y phải kiêm thêm một nhiệm vụ khác: “giết người” hay hỗ trợ giết người, giúp người khác chết. Khi bắt đầu hành nghề, bác sĩ long trọng tuyên thệ lời thề đạo đức y học còn gọi là lời thề Hippocrates. Thế nên, nếu bác sĩ kiêm thêm một việc “giết người theo yêu cầu” tự bản thân họ sẽ thấy không ổn, sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của người hành nghề y.

Việc hợp pháp hóa an tử sẽ làm cho y khoa không còn động lực phấn đấu để tìm ra những phương thuốc đặc trị mới cho những bệnh hiểm nghèo. Nó cũng làm nhụt chí bệnh nhân không còn muốn đấu tranh với bệnh tật. Nhiều người sẽ chỉ muốn kết liễu đời mình khi đối diện với vài cơn đau dù cơ hội chữa khỏi vẫn còn. Baroness Campbell, người đã sáng lập ra Not Dead Yet UK, một mạng lưới người khuyết tật chống lại việc hợp pháp hóa giết người khuyết tật cho rằng: “nếu được thông qua, quyền được chết là ‘lời mời’ người ta tự tử thay vì nỗ lực vượt qua khó khăn”. [8]

Cũng có nhiều trường hợp người bị bệnh nặng, bác sĩ “bó tay”, bệnh viện trả về chờ chết nhưng sau đó lại hồi phục cách kì diệu, chẳng hạn một bệnh nhân sau nhiều năm hôn mê đã tỉnh dậy. Nếu áp dụng quyền được chết thì có thể vô tình đã giết đi một sinh mạng.

Hậu quả về đạo đức và xã hội:

Việc người bệnh quyết định ký vào giấy an tử mà người thân không đồng ý sẽ để lại những di chứng tâm lý cho người ở lại. Cũng sẽ để lại những hậu quả không tốt đối giữa những người thân ủng hộ với những người thân không ủng hộ.

Việc cho phép an tử có thể sẽ dẫn đến việc “bình thường hóa” việc tự sát trong xã hội. Ai gặp khó khăn, cảm thấy bế tắc không có đường thoát sẽ tìm đến cái chết. Vì thế, vô tình cho phép an tử lại cổ súy cho việc tự sát.

Lời kết

Nói tóm lại, nói đến “quyền được chết” là đụng đến sự sống. Sự sống con người là quý giá, là thánh thiêng. Không ai có quyền xâm phạm ngay cả chính bản thân mình. Đó là luật của lương tâm, là tiếng nói bên trong con người. Trên thế giới, chưa có luật pháp nào cho phép “quyền tự tử”. Ủng hộ “quyền được chết” là nói đến quyền trên sự sống con người. Vấn đề được đặt ra: ai có quyền trên mạng sống người khác và có quyền đến mức nào. Giáo hội Công giáo khẳng định: chỉ một mình Thiên Chúa mới có quyền trên sự sống con người.

Đối diện với đau khổ, cũng cần phải nhận thấy rằng nguyên nhân gây đau khổ không chỉ là những bệnh tật thể lý. Vì vậy, chỉ tìm sự giải thoát nơi thể lý có lẽ vẫn không ổn.

Con người sống có tính xã hội, nên sống hay chết không phải là vấn đề của cá nhân mà là của xã hội. Nó ảnh hưởng đến tâm lý và sinh hoạt của người còn sống như bác sĩ và người thân. Bên cạnh đó, người bệnh có ao ước kết liễu đời mình chủ yếu khi nằm trong tình trạng tuyệt vọng, cô đơn thay vì sáng suốt, tự do bình thản.

Và điều cuối cũng cần nhìn lại là mục đích của y khoa là chữa trị cứu người chứ không phải vì nhu cầu lợi ích nào đó mà đảo nghịch mục đích cao quý của mình. Nên chăng thay vì giết chết để thoát khỏi cơn đau, y khoa nên tìm cách giúp bệnh nhân giảm đau, giúp họ thêm sức lực để chống chọi với bệnh tật.

[1] X. “Đề xuất đưa quyền được chết vào bộ luật” (10/05/2015) http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20150422/de-xuat-dua-quyen-duoc-chet-vao-bo-luat-dan-su/737417.html, (22/04/2015).

[2] X. “Quyền được chết: quì lạy con để xin thuốc độc tự tử” (28/04/2015) http://www.doisongphapluat.com/tin-tuc/tam-diem-du-luan/quyen-duoc-chet-quy-lay-con-de-xin-uong-thuoc-doc-tu-tu-a92648.html, (13/05/2015).

[3] X. Theo SKDS“Triệt sản theo thuyết ưu sinh: tiến bộ y học hay phi đạo đức”, http://bacsybotay.com.vn/y-hoc-suc-khoe/chi-tiet/triet-san-theo-thuyet-uu-sinh-tien-bo-y-hoc-hay-phi-dao-duc-639 (26/05/2015).

[4] X. Theo SKDS“Triệt sản theo thuyết ưu sinh: tiến bộ y học hay phi đạo đức”, http://bacsybotay.com.vn/y-hoc-suc-khoe/chi-tiet/triet-san-theo-thuyet-uu-sinh-tien-bo-y-hoc-hay-phi-dao-duc-639 (26/05/2015).

[5] Thánh Công Đồng Vaticanô II, Hiến chế mục vụ về Giáo hội trong thế giới hôm nay – Gaudium et Spes (Đà Lạt: Phân khoa thần học giáo hoàng học viện Pio X, 1972), số 27.

[6] Trần Mạnh Hùng, An tử & Trợ tử (Hà Nội: Nxb. Tôn giáo, 2004), 203-204.

[7] Tham khảo bài viết “quyền được chết” trên http://vi.wikipedia.org/wiki/Quy%E1%BB%81n_%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c_ch%E1%BA%BFt (27/05/2015).

[8] X. Kiều Oanh “Thế giới tranh luận về quyền được chết – Kỳ 2: Sao cô còn ngồi đó mà sống?” (26/04/2015) http://www.thanhnien.com.vn/the-gioi/the-gioi-tranh-luan-ve-quyen-duoc-chet-ky-2-sao-co-con-ngoi-do-ma-song-555701.html, (13/05/2015).