Thiên Chúa hứa ban cho ông dòng dõi đông như sao trên trời và ông Abram tin vào Chúa.

Môn học: Ngũ Thư

Giáo sư: Phạm Tuấn Nghĩa

Học viên: Nguyễn Hải Đăng, S.J.

 

Khởi đi từ việc phân tích tìm hiểu ý chính của chương 15 sách Sáng Thế, người viết đi vào ý nghĩa của chương này trong tương quan với Ngũ Thư: Thiên Chúa lập giáo ước với con người và con người đáp lại trong lòng tin. Theo đó, một số gợi ý cầu nguyện hữu ích cho những ai chuẩn bị tuyên khấn dòng được người viết trình bày tiếp theo trên cơ sở của ý nghĩa chương 15: lắng nghe và đáp trả trong lòng tin trước sáng kiến của Thiên Chúa dành cho chính đương sự: khấn dòng – giao ước giữa Thiên Chúa và người khấn.

 

Đoạn Sáng Thế 15,5-12.17-18 được chọn đọc troang phụng vụ. Người viết sẽ chọn phân tích toàn bộ chương 15 để thấy được sự nối kết với các chương khác trong mạch văn của câu chuyện.

I. Phân đoạn

Sau khi tìm hiểu các cách phân đoạn của các tác giả khác[1] và sau khi tìm hiểu bản văn, người viết phân đoạn Sáng thế chương 15 từ câu 1 đến câu 21 như sau:

1-6: Thiên Chúa hứa ban cho ông Abram dòng dõi:

       1-3: Thiên Chúa minh xác Ngài là Đấng bảo vệ ông Abram và ông đặt vấn đề về dòng dõi thừa kế;

       4-6: Thiên Chúa hứa ban cho ông dòng dõi đông như sao trên trời và ông Abram tin vào Chúa;

7-21: Thiên Chúa lập giao ước với ông Abraham về đất đai:

       7-8: Thiên Chúa nhắc lại việc ban đất và ông Abram đặt vấn đề về sự xác thực của lời hứa này;

        9-11: Chuẩn bị lễ vật để lập giao ước;

      12-16: Thiên Chúa cho ông Abram biết viễn tượng của ông và của dân tộc ông trước khi có đất hứa làm gia nghiệp;

       17-21: Thiết lập giao ước về đất đai.

II. Bối cảnh bản văn:

Chương 15 nối kết như thế nào với những chương trước và sau chương này? Đâu là điểm nhắm của chương?

Sách Sáng thế có 50 chương. St 1,1-11,26 bàn về sự tích các dân tộc. St 11,27-50,26 nói về về lịch sử các tổ phụ của dân tộc Israel cụ thể là St 11,27-25,18: câu chuyện về ông Abraham; St 25,19-36,43: câu chuyện về ông Gia-cóp; St 37,1-50-26: câu chuyện về gia đình Giuse, Giu-đa và Gia-cóp.[2]

Chương 15 nằm trong phần câu chuyện về ông Abraham. Trong đó, ở đoạn Sáng Thế 11,27-12,9, Thiên Chúa gọi ông Abram rời khỏi đất của tổ tiên và đi đến vùng đất Chúa hứa ban, và Ngài hứa làm cho ông thành một dân tộc lớn. Câu chuyện tiếp tục kể về ông Abram và bà Sara ở Ai cập (x. St 12,10-20); ông Abram và ông Lót (x. St 13,1-18); ông Abram và ông Mê-ki-zê-đê (x. St 14,1-24).

Trong chương 15, Thiên Chúa thiết lập giao ước với ông Abram về đất đai bằng một nghi thức trọng thể. Và Thiên Chúa hứa ban cho ông Abram một dòng dõi đông như sao trên trời (x. St 15,5). Về phần mình, ông Abram đã tin vào lời Đức Chúa và ông được coi là người công chính (x. St 15,5).

Chương 16 cho thấy có sự can thiệp của con người vào kế hoạch của Thiên Chúa với ông Abram. Sáng Thế chương 16,1-16 kể về câu chuyện giữa bà Hagar và Sarai. Bà Sarai đã hiến nữ tỳ của bà là Hagar cho ông Abram để cô sinh con cho bà. Tuy nhiên, khi Hagar có thai, bà Sarai bị nữ tỳ của mình coi khinh. Kế hoạch của bà Sarai đổ bể.

Có phải vì sự can thiệp của con người nên tiếp theo ở chương 17 Thiên Chúa đã thiếp lập giao ước với ông Abram về dòng dõi? Dù thế nào đi nữa, ở đây chúng ta có thể thấy Thiên Chúa kiên định với lời hứa của Ngài là ban cho ông Abram một dòng dõi đông đúc. Chương 17 không trình thuật một nghi thức giao ước long trọng như giao ước về đất đai ở chương 15, nhưng từ “giao ước” được lặp đi lặp lại đến 13 lần. Điều này cho thấy Thiên Chúa rất “nghiêm túc” khi lập giao ước. Ngài cũng mời gọi con người, cụ thể là ông Abram, cần phải đáp lại bằng cách tuân giữ giao ước. Một dấu chỉ chứng tỏ giữ giao ước là cắt bì (x. St 17,9-11). Việc Thiên Chúa đã đổi tên ông Abram thành Abraham (nghĩa là cha của nhiều dân tộc) cũng nói lên tính chất “nghiêm túc” của giao ước mà Thiên Chúa sẽ thực hiện.

Chương 18 mô tả về việc Đức Chúa hiện ra với ông Abraham. Không giống với những thị kiến ở chương 12 và 15 là chỉ có Lời Đức Chúa phán với ông Abraham vào ban đêm hoặc qua giấc mơ, ở đây, Ngài hiện ra với ông vào ban ngày dưới hình dạng ba người đàn ông. Ông Abraham không chỉ nhìn thấy Đức Chúa mà còn nói chuyện trực tiếp và phục vụ các Ngài (x. St 18,8).

Sau các chương 18-21 kể về ông Abraham như là người công chính chuyển cầu cho ông Lót và các thành cũng như câu chuyện kể về Issac ra đời, chương 22 tập trung vào cuộc thử thách niềm tin của ông Abraham. Nếu như ở St 15,6 ông Abraham được kể là người công chính vì tin vào Đức Chúa, thì ở chương 18 cho thấy sự công chính của ông qua việc chuyển cầu cho người khác, và hơn thế chương 22 cho thấy sự công chính vượt trội của ông khi ông dâng hiến đứa con của lời hứa cho Chúa theo như lệnh Chúa truyền (x. St 22,2). Về phần Thiên Chúa, không chỉ hứa làm cho ông Abraham thành một dân lớn (x. St 12,2), Ngài còn hứa cho ông một người con thừa kế và một dòng dõi đông như sao trên trời (x. St 15,4-5). Ở đây, Thiên Chúa đưa ra một lời thề long trọng là sẽ ban cho ông Abraham một dòng dõi đông như sao trời cát biển.[3]

Với sự sắp xếp của các chương trong câu chuyện về ông Abraham, chúng ta có thể thấy rằng theo trình tự tiến trình của câu chuyện về ông Abraham, có một sự tiến triển về mối tương quan giữa Thiên Chúa và ông Abraham. Thiên Chúa đi bước trước thiết lập tương quan với ông Abraham qua lời mời gọi (St 12,1), qua lời hứa (St 12,2; 15,4.7) và rồi đến giao ước (St 15,18.17,4-8). Về phần mình, ông Abraham đáp lại lời mời gọi của Chúa qua việc đặt niềm tin vào Chúa từng bước một. Ông bỏ nơi chôn nhau cắt rốn ra đi đến vùng đất Chúa Hứa (St 12,4-5); ông đặt những câu hỏi về tính xác thực của lời hứa (St 15,2.8). Sau khi rời khỏi đất gia tiên, ông Abraham đi đến vùng đất Chúa đã chỉ cho ông. Nhưng không lâu sau đó, ông và gia đình lại phải xuống Ai-cập tránh đói (x. St 12,10-20). Trở về với vùng đất Chúa đã chỉ cho, ông Abraham vẫn không khỏi băn khoăn về việc Thiên Chúa thực hiện lời hứa của Ngài. Hai câu hỏi mà ông đưa ra trong chương 15 không phải là một thái độ thiếu lòng tin của ông vào lời hứa, nhưng như một sự đòi hỏi có cái gì đó bảo đảm: “Lạy Đức Chúa là Chúa Thượng, Chúa sẽ ban cho con cái gì? Con ra đi mà không con cái, và người thừa tự gia đình con là Ê-li-e-de, một người Đa-mát” (St 15,2); “Lạy Đức Chúa, làm sao mà biết là con sẽ được đất này làm sở hữu? “ (St 15,8). Sự thinh lặng của ông Abraham trước lời mời gọi của Thiên Chúa[4] diễn tả một niềm tin trọn vẹn vào Chúa. Nếu như ở chương 15, ông Abraham cần một cái gì đó như “vật làm tin” vào lời hứa thì ở đây “vật làm tin” là đứa con duy nhất được đặt vào một thử thách (x. St 22). Ngay điều ông dựa vào để tin lại chính là điều gây khó khăn cho niềm tin của ông! Thế nhưng, niềm tin của ông Abraham ở đây đã vượt qua “vật làm tin” để chỉ tin vào lời Đức Chúa hứa với ông. Điều đó được thể hiện qua câu trả lời của ông: “Chính Thiên Chúa sẽ liệu”[5].

Câu chuyện về ông Abraham đi từ bóng tối đến ánh sáng, từ lời Chúa nói với ông ban đêm hay trong giấc mơ đến cuộc hiện ra với ông ban ngày dưới hình dạng khá rõ ràng. Đó là cách diễn tả tiến trình mối tương quan giữa Thiên Chúa và ông Abraham; của việc Thiên Chúa tỏ lộ chính Ngài cách tiệm tiến cho ông Abraham và của việc ông Abraham lớn lên dần dần trong niềm tin vào Thiên Chúa.

Tựu chung, các chủ đề được bàn trong các chương xung quanh chương 15 cách nào đó được tìm thấy trong chương 15. Nói cách khác, chương 15 có các chủ đề chính trong câu chuyện kể về ông Abraham. Ông Westermann còn cho rằng: “chương 15 này không chỉ là trung tâm xét về mặt cấu trúc trong các trình thuật về Abraham mà cho đến nay chương này vẫn còn được xem là trung tâm của câu chuyện về Abraham trong việc chú giải”[6].

III. Ý chính chương 15 trong tương quan với Ngũ Thư

Nhìn vào dàn ý của chương 15, chúng ta dễ thấy có hai điểm nổi bật, đó là lời hứa của Thiên Chúa với ông Abraham về dòng dõi và Ngài lập giao ước với ông về đất đai. Tuy nhiên, bối cảnh xảy ra trước và sau chương 15 cho thấy một chủ đề khá rõ nét nhưng lại được đề cập khá đơn sơ ở chương này, đó là niềm tin của ông Abraham. Trong chương 15, chỉ có một câu đơn sơ nói lên điều đó: “Ông tin Đức Chúa, và vì thế, Đức Chúa kể ông là người công chính” (St 15,6). Một số tác giả đặt cho tên cho chương này là: Thiên Chúa lập giao ước với ông Abraham (xem chú thích 1); Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ đặt tựa cho chương 15 là “Lời hứa và Giao ước của Thiên Chúa”[7] . Bên cạnh đó, một số tác giả khác đặt tên cho chương này là: Niềm tin của ông Abraham. Tựu chung, chúng tôi thấy ý chính của chương này là: (1) Thiên Chúa ban lời hứa và lập giao ước với ông Abraham và (2) ông Abraham đáp lại lời hứa giao ước bằng niềm tin vào Lời Thiên Chúa.

Thiên Chúa đi bước trước ban lời hứa và lập giao ước với con người là một chủ đề lớn trong sách Ngũ Thư. Không chỉ đến chương 12, lời hứa của Thiên Chúa mới xuất hiện. Trước đó, Thiên Chúa đã hứa và lập giao ước với ông Nô-ê. Sáng Thế 6,18 cho thấy Thiên Chúa hứa sẽ lập giao ước giữa Ngài với ông Nô-ê khi Ngài cứu gia đình ông khỏi cơn lụt hồng thủy (x. St 6,13-22). Sau Đại hồng thủy, Thiên Chúa đã thiết lập giao ước với ông Nô-ê và con cái của ông: “Đây Ta lập giao ước của Ta với các ngươi, với dòng dõi các ngươi sau này” (St 9,9). Sau đại hồng thủy, một nhân loại mới xuất hiện với gia đình ông Nô-ê và những sinh vật ông mang theo. Như thế, giao ước của Thiên Chúa với ông Nô-ê và con cái của ông không phải với một gia đình nhưng mang tính toàn thể nhân loại. Còn với Abraham thì khác.

Trong chương 15, Thiên Chúa lập giao ước với ông Abraham một cách trọng thể. Giao ước này về đất đai. Ở chương này, từ “giao ước” chỉ được nhắc đến một lần (x. St 15,18). Tuy nhiên ở chương 17, Thiên Chúa thiết lập giao ước với ông Abraham về dòng dõi, thì từ “giao ước” được lặp đi lặp lại đến 13 lần. Người đọc chương này có cảm giác như Thiên Chúa sợ con người quên giao ước nên cứ phải nhắc đi nhắc lại. Câu chuyện của bà Sara và nữ tỳ Hagar trong chương trước đó là một sự phá vỡ giao ước của Thiên Chúa mà được tác giả Sailhamer ví như dân Israel bỏ Chúa để thờ bò vàng trong sách Xuất Hành.[8] Tuy vậy, giao ước với ông Abraham không mang tính toàn thể như giao ước với ông Nô-ê. Với ông Abraham, giao ước chỉ mang tính cá nhân như một người cha của một dân tộc được chọn, một vị ngôn sứ của Chúa. Tuy nhiên, ở sách Xuất Hành, Thiên Chúa thiết lập giao ước không chỉ với một người nhưng với dân tộc Israel ngang qua ông Mô-sê.[9] Tính chất quan trọng của giao ước được thể hiện qua số lần lặp lại của từ này. Có 26 lần từ “giao ước” được nhắc đến trong sách Sáng thế; 34 lần trong sách Xuất Hành; 12 lần trong sách Lêvi; 17 lần trong sách Dân-số; và 27 lần trong sách Đệ Nhị Luật.

Về cách thức, sách Xuất Hành chương 3 mô tả về việc Đức Chúa đến ngỏ lời với Mô-sê khi ông đang đi chăn chiên (x. Xh 3,4). Ngài đi bước trước mời gọi ông đi đến cộng tác với Chúa nhằm đưa dân Israel ra khỏi Ai-cập (Xh 3,7-10).

Song song với việc Thiên Chúa thiết lập giao ước, con người đáp lại giao ước của Đức Chúa bằng đức tin và bằng việc giữ giao ước cũng là một chủ đề được nhắc đến nhiều trong sách Ngũ Thư. Động từ “tin” không được nhắc đến nhiều trong Ngũ Thư. Sáng Thế 15,6 nói ông Abram tin vào lời Đức Chúa; Xuất Hành 4,31 và 14,31 nói toàn dân tin vào Đức Chúa. Tuy nhiên, những hành động của một cá nhân hay một tập thể diễn tả sự đáp lại ấy. Quả vậy, “tin” (cùng gốc với từ Amen) nguyên nghĩa là vững chắc, đích thực, trung thành. Những hành động diễn tả thái độ tin, cũng như không tin được nhắc đi nhắc lại trong Ngũ Thư. Lập bàn thờ kính Đức Chúa (St 8,20; 12,8; 13,18), cúi rạp người xuống (St 17,3; 17,17; Ds 16,4) là hành động thể hiện sự kính phục trước lời mời gọi của Chúa. Hành vi đúc bò vàng của dân Israel nói lên việc không tin kính vào Đức Chúa (x. Xh 32).

IV. Lấy một vài ý để giúp tĩnh tâm cho đối tượng cụ thể

  1. Nhóm đối tượng: những người chuẩn bị tuyên khấn Dòng
  2. Kết hợp St 15 và Tin Mừng Lc 9,28b-36: Chúa hiển dung
  3. Có 3 điểm:

1/ Lời khấn như một giao ước:

Trong bài đọc sáng thế chương 15, điểm được nhấn ở đây là Thiên Chúa đi bước trước đưa ra lời hứa và chủ động thiết lập giao ước với con người, cụ thể là với ông Abraham, người được Chúa mời gọi trước đó ở chương 12. Ắt hẳn giao ước không thành nếu chỉ có một phía. Muốn lập giao ước thì phải có hai bên. Và giao ước nhắm đến một mục đích nào đó. Chẳng hạn, giao ước về đất đai, hay giao ước về dòng dõi. Chúng ta có thể đặt câu hỏi rằng, có cần thiết phải lập giao ước không? Có cần thiết phải “cột” hay “buộc” nhau một khế ước chăng? Khi lập giao ước với ông Abraham, phải chăng Thiên Chúa đang đưa ông và một tình thế bắt buộc? Đọc chương Sáng Thế 15, chúng ta thấy rằng Thiên Chúa lập giao ước là vì con người chứ không phải vì Chúa. Câu 2 và 8 trong chương này cho thấy ông Abraham muốn một cái gì đó chắc chắn về lời hứa của Chúa. “Làm sao con biết được” là điệp khúc ông lặp lại. Thái độ này cũng gặp thấy nơi ông Mô-sê khi Chúa sai ông đến với con cái Israel ở Ai-cập[10]. Trước sự băn khoăn như thế, Thiên Chúa đã lập giao ước. Vì thế, có thể nói rằng, giao ước để giúp con người sống tương quan với Thiên Chúa bền chặt hơn, tin tưởng vào Thiên Chúa hơn.

Trong đoạn Tin Mừng Luca về Chúa hiển dung, khi Chúa Giêsu cầu nguyện thì có hai ông là Mô-sê (đại diện cho lề luật) và ông Ê-li-a (đại diện cho ngôn sứ) hiện ra đàm đạo với Ngài về cuộc xuất hành mà Ngài sắp thực hiện tại Giê-ru-sa-lem (x. Lc 9,29-30). Cuộc xuất hành đó chính là cái chết mà Chúa Giêsu chịu vì con người như một giao ước khác giữa Thiên Chúa và con người. Nay chúng ta thường gọi là “Giao ước mới”. Giao ước cũ trên núi Si-nai xưa. Ở đây, hai vị đại diện cho Cựu Ước như những chứng nhân và hình ảnh tiên trưng của Chúa Giêsu đàm đạo với Ngài cho thấy tính chất có sự tiếp nối giao ước mà Thiên Chúa đã lập với các tổ phụ và với dân Israel. Điều đó cũng diễn tả tính chất quan trọng của Giao ước mà Thiên Chúa sắp thực hiện. Lễ vật giao ước không phải là con vật: dê, cừu, chim gáy, bồ câu (St 15,9), nhưng là chính là Con Thiên Chúa. 

Đời tu hình thành nhờ một giao ước, lời khấn hứa. Một người chỉ trở thành tu sĩ khi khấn ba lời khấn công khai trong một Dòng tu hay một Tu hội được Hội Thánh chuẩn nhận. Ba lời khấn: Khó nghèo, Khiết tịnh, và Vâng phục được gọi là ba lời khuyên Phúc Âm. Qua lời khấn, người đó theo sát Đức Ki-tô, dưới sự tác động của Thánh Thần, nhằm đạt đến đức ái hoàn hảo qua việc phục vụ Hội thánh và con người (x. Giáo luật 573, triệt 1). Một người khấn hứa trong Dòng Tu phải chăng chỉ muốn trở thành một tu sĩ mà thôi, hay tự thâm tâm họ nhận được lời mời gọi “hãy nên hoàn thiện” như Chúa Ki-tô đã mời gọi anh thanh niên trong Tin Mừng? Trong giờ cầu nguyện, chúng ta dừng lại để suy nghĩ về lời khấn mà chúng ta đã thực hiện. Một vài câu hỏi gợi ý:

  • Tôi đã ý thức đến đâu về lời Khấn của mình trước Chúa về Khó nghèo, Khiết tịnh và Vâng phục?
  • Phải chăng tôi tự ý mình đi vào tương quan mật thiết với Chúa ngang qua lời khấn, hay có một cách gì đó lôi kéo tôi?
  • Tôi thấy lời khấn như một giao ước là sự ràng buộc tôi hay là sự giải thoát tôi?

2/ Thiên Chúa là Đấng chủ động, đi trước ngỏ lời với tôi

Sáng Thế chương 15 ngay đầu chương đã diễn tả Thiên Chúa là Đấng trực tiếp ngỏ lời với ông Abraham: “có lời Đức Chúa phán” (St 15,1). Cách thức ngỏ lời trực tiếp như thế được lặp lại ở chương 22 câu 1 và 11. Hình ảnh Thiên Chúa đi bước trước ngỏ lời với con người là hình ảnh sống động trong Cựu Ước. Thiên Chúa đã ngỏ lời với ông A-đam (St 3,9), với Abraham (St 12), với Gia-cóp (St 28), với Mô-sê (Xh 3).

Hình ảnh đó chúng ta cũng gặp thấy trong đoạn Tin Mừng về Chúa hiển dung: có tiếng từ đám mây phán. Mây biểu hiện sự hiện diện của Thiên Chúa. Tiếng nói từ đám mây là tiếng nói của Thiên Chúa. Thiên Chúa ngỏ lời với các môn đệ khi ông Phê-rô đang đưa ra những dự tính khác cho Thầy Giêsu và cho các ông: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a.” (Lc 9,33) Các môn đệ không chỉ được Thầy Giêsu – Con Thiên Chúa dạy bảo, mà còn được chính Chúa Cha hướng dẫn khi các ông có dự tính sai với giao ước mà Chúa Giêsu sắp thực hiện.

Kinh nghiệm được Thiên Chúa tỏ mình trực tiếp không phải ai cũng có, nhưng cách này hay cách khác, ai cũng có kinh nghiệm về việc Thiên Chúa đi bước trước mời gọi đi vào kế hoạch của Ngài. Có những lúc chúng ta có cảm tưởng rằng chúng ta chủ động đi vào lời khấn hứa. Nghĩ như vậy chẳng có gì sai. Vì hành động khấn hứa phải là một hành động chọn lựa trong tự do và trách nhiệm. Nếu không có tự do, lời khấn không thành. Tôi khấn, chứ không phải bị buộc phải khấn. Tôi có trách nhiệm với lời khấn của tôi. Tuy nhiên, cũng có một kinh nghiệm khác sâu xa hơn rằng tôi khấn được là nhờ ơn Chúa. Có một cái gì đó lôi kéo chúng ta từ thuở đầu để đi đến một chọn lựa khấn, chọn lựa nghe tiếng Cha để “xuống núi”, thay vì dừng lại theo ước muốn và dự tính “dựng lều, ở lại” của mình. Dừng lại một chút, chúng ta có thể đặt câu hỏi:

  • Tiếng gọi nào, cơ duyên nào, biến cố nào đưa tôi đến với đời tu?
  • Khao khát dâng hiến của tôi là gì?

3/ Đáp lại lời mời gọi trong đức tin

“Ông Abraham tin Đức Chúa, và vì thế, Đức Chúa kể ông là người công chính” (St 15,6). Ông Abraham đã tin vào những gì Đức Chúa nói với ông. Ông có chứng cứ để tin. Chúa nói dòng dõi ông đông như sao trên bầu trời. Chúa chỉ cho ông thấy bầu trời đầy sao. Điều thú vị ở đây là ông tin vào dòng dõi đông như thế trong khi một đứa con nối dòng ông cũng chưa có (x. St 15,2). Chính vì tin, ông Abraham mới được kể là công chính. Sau này, thánh Phao-lô đã triển khai tư tưởng này khi nói: Quả thế, người ta được Thiên Chúa làm cho nên công chính nhờ lòng tin vào Đức Giê-su Ki-tô. (Rm 3,22) Không chỉ tin vào Thiên Chúa là Cha thì được nên công chính mà còn tin vào Đức Giê-su, Con của Ngài nữa.

Trong Tin Mừng về Chúa hiển dung, Chúa Cha mời gọi các môn đệ vâng nghe Con của Ngài: Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người! (Lc 9,35) Vâng nghe – thái độ của đức tin mà Thiên Chúa luôn đòi hỏi nơi con người đối với Ngài. Tiếng này phát ra khi các ông đang dự tính một kế hoạch khác.

Đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa cần có đức tin, hay nói cách hành động đáp lại tiếng Chúa mời gọi là một hành động đức tin. Một kinh nghiệm mà nhiều người trải qua là không thể nào giữ lời khấn được. Chúng vượt quá sức con người. Ai không có đức tin thì càng không thể hiểu làm sao người ta có thể sống khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục. Nhưng lại có những người sống đời sống tu cách tốt đẹp và bình an. Đó là thực tế. Một kinh nghiệm thực tế là có người sống được cái mà tự sức họ thấy không thể. Vì vậy, đáp lại tiếng Chúa mời gọi đi vào đời sống tu ngang qua các lời khấn là hành vi của đức tin. Một sự cộng tác và kế hoạch của Thiên Chúa.

Tin không phải là mù quáng, tin đại, nhưng có cơ sở để tin. Ông Abraham được Chúa dẫn vào đêm đen và chỉ cho ông thấy bầu trời đầy sao. Chúa hứa dòng dõi ông sẽ đông như sao trên trời như thế. Tương tự trường hợp của Đức Mẹ trong biến cố truyền tin. Mẹ được Chúa cho một dấu chỉ là bà chị họ Ê-li-sa-bét đang mang thai trong lúc tuổi già. Dù sao, tin vẫn phải chấp nhận sự mù mờ của điều phải tin. Tin là dám liều mình đi vào kế hoạch của Thiên Chúa, bỏ lại kế hoạch riêng của đời mình.

  • Chuẩn bị tuyên khấn, bạn cảm thấy lời khấn thách đố và an ủi ở điểm nào?
  • Tự hỏi xem: Bản thân tôi đã đáp lại lời mời gọi của Chúa trong mỗi giây phút sống như thế nào?
  • Kinh nghiệm Đức tin của ông Abraham giúp gì cho bản thân tôi trong tương quan với Thiên Chúa?

————————————————————————

[1] Theo NIV, chương 15,1-21 sách Sáng Thế được phân đoạn rất vụn và đặt tựa đề cho chương này là “The Covenant with Abram”: 1; 2-3; 4-5; 6; 7; 8; 9; 10; 12-16; 17-21. Trong khi đó, bản NRSV đặt tựa đề cho chương là “God’s Covenant with Ahram” và chia thành 4 đoạn như sau: 1-6; 7-11; 12-16; 17-21 (x. The New Interpreter’s Bible, Vol. I (Nashville, USA: Abingdon Press, 1994), 443).

Bruce Vawter cũng phân chương này thành 4 đoạn, nhưng các đoạn hơi khác: 1-6; 7-12; 13-16; 17-21 (x. Bruce Vawter, On Genesis: A New Reading (Garden City, New York: Doubleday & Company, INC., 1972), 203-212).

Một số trường phái phân chương này thành 2 đoạn: 1-6 và 7-21 (x. James L. Mays, ed. The Harpercollins Bible Commentay (New York: HarperSanFrancisco, 2000), 92); (x. John Barton and John Muddiman, eds., The Oxford Bible Commetary (New York: Oxford University Press, 2001), 50); (x. William R. Farmer, ed., The International Bible Commentary (Minnesota: the Litrugial Press), 1998).

The New Jerrome Biblical Commentary đặt tên cho chương 15 này là “God promised Abraham a son and land”, và cũng phân thành 2 đoạn và đặt tựa cho mỗi phân đoạn như sau: 1-6: Thiên Chúa hứa ban cho ông Abraham một người con trai và tài sản; 7-21: Thiên Chúa hứa ban cho ông Abraham đất đai (x. Raymond E. Brown, ed., The New Jerome Bilical Comentary (New Jersey: Prentice-Hall, 1968), 21).

Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ phân chia như sau: 1-6; 7-11; 12-16; 17-18; 19-21 (x. )

[2] X. The New Interpreter’s Bible, Vol. I (Nashville, USA: Abingdon Press, 1994), 332-334.

[3] X. “Sứ thần của Đức Chúa từ trời gọi ông Áp-ra-ham một lần nữa16 và nói: “Đây là sấm ngôn của Đức Chúa, Ta lấy chính danh Ta mà thề: bởi vì ngươi đã làm điều đó, đã không tiếc con của ngươi, con một của ngươi,17 nên Ta sẽ thi ân giáng phúc cho ngươi, sẽ làm cho dòng dõi ngươi nên đông, nên nhiều như sao trên bầu trời, như cát ngoài bãi biển” (St 22,15-17).

[4] “Hãy đem con của ngươi, đứa con một yêu dấu của ngươi là I-xa-ác, hãy đi đến xứ Mô-ri-gia mà dâng nó làm lễ toàn thiêu ở đấy, trên một ngọn núi Ta sẽ chỉ cho” (St 22,1)

[5] Isaac nói: “Có lửa, có củi đây, còn chiên để làm lễ toàn thiêu đâu? ” Ông Áp-ra-ham đáp: “Chiên làm lễ toàn thiêu, chính Thiên Chúa sẽ liệu, con ạ” (St 22,8).

[6] Thomas L. Constable, Notes on Genesis, Edition 2015, 146.

[7] X. Kinh Thánh – ấn bản 2011, Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ dịch và chú thích (Hà Nội: Nxb. Tôn Giáo, 2011), 51.

[8] X. John H. Sailhamer, The Pentateuch as Narrative (Michigan: Zondervan Publishing House, 1992), 154-155.

[9] Đức Chúa gọi ông và phán: “Ngươi sẽ nói với nhà Gia-cóp, sẽ thông báo cho con cái Ít-ra-en thế này:4 Các ngươi thấy Ta đã xử với Ai-cập thế nào, và đã mang các ngươi như trên cánh chim bằng, mà đem đến với Ta.5 Vậy giờ đây, nếu các ngươi thực sự nghe tiếng Ta và giữ giao ước của Ta, thì giữa hết mọi dân, các ngươi sẽ là sở hữu riêng của Ta. Vì toàn cõi đất đều là của Ta.6 Ta sẽ coi các ngươi là một vương quốc tư tế, một dân thánh. Đó là những lời ngươi sẽ nói với con cái Ít-ra-en.” (Xh 19,3-6; x. Đnl 5,2).

[10] Ông Mô-sê nói: “Con là ai mà dám đến với Pha-ra-ô và đưa con cái Ít-ra-en ra khỏi Ai-cập?” (Xh 3,11).