- Lời Chúa
31 Vậy, dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa.32 Anh em đừng làm gương xấu cho bất cứ ai, dù là cho người Do-thái hay người ngoại, hoặc cho Hội Thánh của Thiên Chúa;33cũng như tôi đây, trong mọi hoàn cảnh, tôi cố gắng làm đẹp lòng mọi người, không tìm ích lợi cho riêng tôi, nhưng cho nhiều người, để họ được cứu độ.
1 Anh em hãy bắt chước tôi, như tôi bắt chước Đức Ki-tô. (1 Cr 10:31-11:1)
- Tìm hiểu 1 Cr 10:31-11:1
Bài đọc tuần này là kết luận của thánh Phao-lô về việc ăn đồ cúng. Xuyên suốt chủ đề ngài nói rằng người mạnh không được làm cớ cho người yếu sa ngã, thậm chí ngay cả khi lương tâm mách bảo rằng họ có thể tham dự những bữa ăn có đồ cúng. Để lập luận như thế, ngày lấy sứ vụ tông đồ của chính ngài ra làm ví dụ: chính ngài cũng đã từng từ bỏ nhiều quyền lợi hợp pháp của mình để Tin Mừng được giảng dạy một cách hữu hiệu hơn. Ngài tuyên bố, “Hãy bắt chước tôi như tôi bắt chước Đức Ki-tô”. (11:1)
Mặc dù chủ đề bắt chước thánh Phao-lô xuất hiện thường xuyên trong các thư của ngài (x. 1 Cr 4:16; Pl 3:17; 1 Thes. 1:6), nó có vẻ là sự khoe khoang đối với các cộng đoàn hiện nay. Tuy nhiên, nó chẳng lạ gì đối với thánh Phao-lô, người mà, nhờ ơn hoán cải, đã nhìn thấy Đức Chúa theo cách thức mà người khác không được thấy. Nếu tín hữu phải bắt chước Đức Ki-tô, họ cần một mẫu gương, và thánh Phao-lô đã cho họ điều đó. Đây là lý do ngài nói, “Hãy bắt chước tôi như tôi bắt chước Đức Ki-tô”. Thánh Phao-lô còn trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô bị đóng đinh đến mức độ ngài có thể viết, “Tôi đã chịu đóng đinh với Đức Ki-tô.”. (Gl 2:19)
Trong khi mọi tín hữu được kêu gọi bắt chước Đức Ki-tô, thì những ai rao giảng tin mừng có bổn phận trở nên mẫu gương của tin mừng cho người khác. Họ phải có khả năng đứng trước các cộng đoàn và nói, “Hãy bắt chước tôi như tôi bắt chước Đức Ki-tô.”. Hoặc là các cộng đoàn phải có khả năng nói, “Chúng tôi bắt chước những người giảng dạy tin mừng cho chúng tôi, bởi vì qua đời sống của họ chúng tôi hiểu được như thế nào là chịu đóng đinh cùng Đức Ki-tô.”. Nếu cả nhà giảng thuyết lẫn cộng đoàn không thể nói được như thế nghĩa là đã có gì không ổn. Bản văn này cho nhà giảng thuyết một cơ hội để tái xem xét chủ đề bắt chước.
Nguồn: Frank J. Matera, Strategies for Preaching Paul, (Nguyễn Hữu Phong, SJ chuyển ngữ) (Minnesota: The Liturgical Press, 2001), 69-70.