CHƯƠNG 13

Bí Tích Thánh Thể

Image result for eucharist

Ảnh từ Internet

  1. BỮA TIỆC VƯỢT QUA

Khi giờ đã đến, Đức Giê-su vào bàn, và các Tông Đồ cùng vào với Người. Người nói với các ông: “Thầy những khát khao mong mỏi ăn lễ Vượt Qua này với anh em trước khi chịu khổ hình. Bởi vì, Thầy nói cho anh em hay, Thầy sẽ không bao giờ ăn lễ Vượt Qua này nữa, cho đến khi lễ này được nên trọn vẹn trong Nước Thiên Chúa.” Rồi Người nhận lấy chén, dâng lời tạ ơn và nói: “Anh em hãy cầm lấy mà chia nhau. Bởi vì, Thầy bảo cho anh em biết, từ nay, Thầy không còn uống sản phẩm của cây nho nữa, cho đến khi Triều Đại Thiên Chúa đến.” Rồi Người cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các ông và nói: “Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy.” Và tới tuần rượu cuối bữa ăn, Người cũng làm như vậy và nói: “Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em. (Lc 22, 14-20)

Vào đêm trước khi chịu chết, Đức Giêsu đã chia sẻ một bữa ăn với các môn đệ thân tín của Ngài. Bữa ăn này đã trở thành nền tảng cho Bí tích quan trọng nhất, đó là Bí tích Thánh Thể. Để hiểu Bí tích Thánh Thể, chúng ta cần quay trở lại thời điểm diễn ra bữa ăn này.

Đức Giêsu đã đi lên Giêrusalem như hàng ngàn người Do Thái đang trên đường hành hương dự lễ Vượt Qua. Tại Giêrusalem, Ngài đã được ca ngợi như “Đấng Cứu Thế”, một tước hiệu vương quyền xúc phạm đến người Rôma. Ở đó, Đức Giêsu đã đối diện với các nhà lãnh đạo Do Thái. Ngài đã đi vào đền thờ và xua đuổi những người đổi tiền. Ngài đã gọi các luật sĩ và người Pharisêu là những kẻ dẫn đường mù quáng và đạo đức giả. Ngài đã đòi hỏi dân chúng yêu mến Thiên Chúa hết lòng, không thờ phượng Người vì lợi lộc hay lôi kéo Người vì sự công chính theo cách riêng của mình. Ngài là một thách thức cho các nhà lãnh đạo tôn giáo và Rôma, và Ngài đã phải chết vì cuộc đương đầu này.

Vào đêm trước khi chịu chết, Ngài đã tụ họp với những người bạn thân thiết nhất để chia sẻ bữa ăn. Nhưng đây không chỉ là một bữa ăn như các bữa ăn thông thường khác. Luca cũng như Mátthêu và Máccô mô tả bữa ăn này như bữa tiệc Vượt Qua mà người Do Thái cử hành để tưởng niệm cuộc xuất hành khỏi ách nô lệ ở Ai Cập. Đó là một bữa ăn mang ý nghĩa tôn giáo sâu sắc đối với người Do Thái. Với người Do Thái, bữa tiệc Vượt Qua có ý nghĩa tưởng nhớ và sống lại biến cố xuất hành khỏi Ai Cập và thoát khỏi Pharaô. Họ ăn mặc như những người trốn chạy. Có những câu hỏi từ các thành viên trẻ nhất của gia đình “Tại sao ngày này lại khác tất cả các ngày khác?” Người cha sẽ giải thích ý nghĩa của cuộc xuất hành đối với người Do Thái. Thức ăn và bữa ăn mang tính biểu tượng cao.

Đầu tiên, lời chúc lành trên bánh không men là dấu hiệu của sự giải thoát khỏi Ai Cập. Những con người vội vàng ra đi nên không thể đợi bột lên men.

Thịt cừu nướng nhắc nhớ máu chiên Vượt Qua dính trên các trụ cửa. Khi thiên thần sự chết băng qua, họ nhận ra ơn cứu độ của họ ở nơi Chúa.

Rượu, chén chúc tụng là một nhắc nhớ về giao ước giữa Chúa và dân của Người.

Rau đắng nhằm nhắc nhớ về sự đắng cay trong hành trình dân đi trong sa mạc tiến về đất hứa.

Bữa tối đó không phải là bữa ăn bình thường mà Đức Giêsu đã ăn với các bạn hữu. Đó là một bữa ăn diễn tả tâm điểm đức tin của Ítraen. Trong bối cảnh của bữa ăn này, Đức Giêsu đã thay đổi ý nghĩa của bữa ăn. Bánh này không còn là bánh của xuất hành nữa. Thay vào đó Đức Giêsu nói “Này là Mình Thầy”. Rượu này cũng không còn ý nghĩa nhắc lại giao ước cũ nữa, nhưng giờ đây một giao ước mới sẽ được ký kết với Thiên Chúa, theo một cách tương quan mới với Thiên Chúa và Đức Giêsu chính là trung gian của mối tương quan này. “Chén này là giao ước mới trong Máu Thầy, sẽ được đổ ra cho các con”.

Đức Giêsu đã dạy dỗ các môn đệ ba năm trời. Và trong bữa ăn tối vào đêm trước khi chịu chết, Ngài dùng cơ hội này để nhắc lại với các môn đệ: Thầy là tấm bánh bị bẻ ra, Thầy là chén rượu phải đổ ra. Bữa ăn này là đỉnh cao của toàn bộ đời sống tự nguyện tùng phục của Đức Giêsu. Nó cũng là một sự báo trước của hành động yêu đến cùng. Thân thể Ngài sẽ sớm được bẻ ra giống như tấm bánh này, máu Ngài cũng sẽ được đổ ra giống như chén rượu này.

Ngài để lại cho các môn đệ một cách tưởng nhớ về sự hiện diện của Ngài đối với họ. Đó là một bữa ăn mà họ sẽ cử hành mỗi năm nhưng bây giờ mang một ý nghĩa mới. Xuất hành không còn là một sự kiện trung tâm của lịch sử cứu độ nữa. Đúng hơn, như Đức Giêsu nói “Hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy.”

Trình thuật về Bữa Tiệc Ly như một bữa ăn Vượt Qua có thể được tìm thấy trong các Tin Mừng Mátthêu, Máccô và Luca. Tuy nhiên, Gioan không kể cho chúng ta những chi tiết này. ngài chỉ đơn giản nhìn nhận bữa tiệc nhưng ngài viết:

“Trong một bữa ăn, Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Đức Giê-su đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau. Vậy, Người đến chỗ ông Si-môn Phê-rô, ông liền thưa với Người: “Thưa Thầy! Thầy mà lại rửa chân cho con sao? ” Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Đức Giê-su mặc áo vào, về chỗ và nói: “Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không? Anh em gọi Thầy là “Thầy”, là “Chúa”, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau.” (Ga 13, 4-6.12-14)

Vào thời Đức Giêsu, bởi vì đường không được lát đá, cách đơn giản để thể hiện lòng hiếu khách là rửa chân cho khách khi họ đặt chân tới nhà mình. Nhiệm vụ này sẽ được thực hiện bởi người đầy tớ nếu anh ta có mặt ở đó. Trong Tin Mừng Gioan, bữa tiệc ly được kết nối với việc Đức Giêsu rửa chân cho các môn đệ. Ngài đã đảm nhiệm vai trò của một tôi tớ. Đây là một nghi thức mà chúng ta vẫn cử hành hàng năm vào chiều thứ Năm Tuần Thánh. Tuy nhiên, nghi thức này cũng có một mối liên hệ với Bí tích Thánh Thể: làm cho Bí tích Thánh Thể còn hơn một bữa ăn chia sẻ. Đó là một thực tại sống động. Chúng ta phải sống Bí tích Thánh Thể bằng cách đặt chính mình vào vị trí phục vụ người khác: bằng cách cúi xuống rửa chân, để chính mình được bẻ ra và đổ ra như bánh và rượu. Trong bữa Tiệc Ly, Đức Giêsu đã để lại cho chúng ta một cách sống và một cách phục vụ khiêm tốn hơn là chỉ để lại một nghi thức để cử hành.

Suy nghĩ và Thảo luận

Nếu tối nay bạn trở về nhà và sẵn sàng rửa chân cho một người trong gia đình mình thì bạn thử nghĩ xem phản ứng của người đó là gì? Họ có để cho bạn làm điều đó không?

  1. SỰ HIỆN DIỆN CỦA ĐỨC KITÔ TRONG BÍ TÍCH THÁNH THỂ

Hội thánh Công Giáo luôn luôn dạy rằng Đức Giêsu thật sự hiện diện trong bánh rượu đã được thánh hóa trong Bí tích Thánh Thể. Để giải thích sự hiện diện này, thánh Tôma đã sử dụng thuật ngữ “biến đổi bản thể.” Theo giải thích này, yếu tố vật chất không thay đổi, vẫn là bánh là rượu. Nhưng bản thể là cái thiết yếu bên trong thì thay đổi. Bản thể bây giờ là Mình và Máu Đức Kitô. Thánh Tôma nói rằng đây không phải là sự biến đổi vật lý nhưng là sự biến đổi siêu hình, vì vậy chỉ có thể hiểu được bằng con mắt đức tin.

Ngày nay, các nhà thần học thường mô tả sự hiện diện này như một sự hiện diện bí tích. Đức Giêsu thật sự hiện diện, nhưng là sự hiện diện của Đấng đã phục sinh, thoát khỏi những giới hạn của không gian và thời gian để đến với chúng ta. Sự hiện diện mang tính bí tích có nghĩa là Đức Kitô đang tiếp tục tự hiến chính mình Ngài cho chúng ta trong tình yêu ngang qua lễ vật của bánh và rượu trong Thánh Lễ. Tình yêu tự hiến của Thiên Chúa đối với chúng ta là chân lý sâu xa nhất trong đức tin của chúng ta. Chúng ta cử hành để tưởng nhớ Đấng đã yêu chúng ta vô điều kiện và tiếp tục mong muốn đưa chúng ta đến gần Ngài hơn nữa. Tình yêu và ân sủng này được tặng ban bằng vô vàn cách: nơi vẻ đẹp của công trình sáng tạo, nơi tình yêu gia đình và tình bạn, nơi khả năng hiểu biết và sáng tạo. Đối với tín hữu Công Giáo, tình yêu và ân sủng còn được tặng ban cách mạnh mẽ nhất trong bí tích Thánh Thể. Bí tích Thánh Thể là món quà cá vị của Đức Giêsu dành cho các môn đệ, nhờ đó Ngài tiếp tục hiện diện với từng cá nhân chúng ta cũng như với cả cộng đoàn. Sự hiện diện của Ngài trong Bí tích Thánh Thể đến với chúng ta qua cộng đoàn, qua linh mục, qua Lời Chúa và độc đáo nhất là trong sự hiệp thông của chúng ta nơi bánh và rượu với Mình Máu Đức Kitô.

Suy nghĩ và Thảo luận

Nếu bạn phải giải thích sự hiện diện của Đức Kitô trong Bí tích Thánh Thể

cho một em chuẩn bị rước lễ lần đầu, bạn sẽ giải thích như thế nào?

  1. THÁNH LỄ NHƯ MỘT HY TẾ

Nếu bạn lớn lên trong Giáo Hội Công Giáo, có lẽ bạn thường nghe về việc Thánh Lễ được hiểu như một hy tế. Bây giờ chúng ta sẽ chú ý đến yếu tố quan trọng này của Thánh Lễ, đó là khái niệm hy tế.

Đối với một số người, hy tế chỉ có nghĩa đơn thuần là một lễ nghi nhằm có thể xoa dịu cơn giận của Thiên Chúa. Đối với Đức Giêsu, hy tế đích thực phải đến từ con tim, đó là tự hiến chính Ngài cho Chúa Cha. Hy tế không thay thế cho tình yêu, cũng không phải là cách lèo lái hay xoa dịu Thiên Chúa. Hy tế là một sự tự hiến. Đó là hân hoan phó dâng chính mình vào bàn tay nhiệm màu của Thiên Chúa. Đối với Đức Giêsu, hy tế là yếu tố cốt lõi cho đời sống của tất cả các Kitô hữu: “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi thì sẽ tìm được sự sống.”

Với Đức Giêsu, những lời này đã đi đến tận cùng trên thập giá. Đôi khi cái chết của Đức Giêsu được mô tả một cách sai lệch, như thể cái chết của Ngài là một lễ vật làm mở cửa thiên đàng hay như thể là máu của Đức Giêsu xoa dịu cơn giận của Thiên Chúa. Đó là một sự bóp méo tệ hại về ý nghĩa hiến tế của Đức Giêsu. Cái chết của Ngài trên thập giá là sự diễn tả tình yêu đến cùng và trọn vẹn cho chúng ta cũng như để diễn tả việc Ngài hoàn toàn phó thác trong tay Cha.

Khi chúng ta cử hành Thánh Lễ, chúng ta không lặp lại cái chết của Đức Giêsu. Vì thánh Phaolô đã nói: “Đức Kitô đã chết một lần cho tất cả.” Vậy làm sao hiểu Thánh Lễ là một hy tế? Đó là một hy tế cá nhân chứ không đơn thuần là một nghi thức. Nếu chúng ta chỉ đơn giản tin vào sức mạnh của nghi thức thì chúng ta hãy nói: “Tôi sẽ hy sinh một giờ của tôi cho Chúa vào Chúa Nhật và bằng cách đó tôi sẽ làm vui lòng Chúa và tuân giữ lề luật của Ngài.” Nói cách khác, hy tế cá nhân đòi hỏi chúng ta tự hiến chính mình trong tình yêu. Theo nghĩa này, khi chúng ta mang bánh và rượu lên bàn thờ là chúng ta mang chính mình tới bàn thờ. Cũng như lời thề hứa trong hôn nhân, chúng ta để cho hy tế này khuôn đúc mình trở thành một người luôn tìm đặt cuộc đời mình trong tay Chúa, như những lời tuyên xưng trong Thánh Lễ “Lạy Chúa, chúng con không còn sống cho chính mình nữa nhưng là sống cho chính Chúa.”

Cũng vậy, Thánh Lễ cử hành sự kiện Đức Giêsu chịu chết và hy tế của Ngài không phải chỉ là một sự kiện đã xảy ra trong quá khứ mà không có ảnh hưởng đến tương lai. Đức Giêsu tiếp tục tự hiến chính mình với đôi tay rộng mở trao ban tình yêu phổ quát dành cho tất cả anh chị em. Cái chết của Ngài chứa đựng một chân lý phổ quát và vĩnh cửu được hiện tại hóa trong mỗi cử hành của Thánh Lễ. Đó là sự thật về quyền năng tình yêu Thiên Chúa, đó là chân lý của thập giá.

           

Suy nghĩ và Thảo luận

Từ “hy tế” đến từ tiếng Latinh nghĩa là làm điều gì là thánh thiện.

Bạn có thể nghĩ về những hy tế cá nhân nào có thể làm cho thế giới thánh thiện hơn?

 

  1. THÁNH LỄ NHƯ MỘT BỮA TIỆC

Một trong những điều nổi bật nhất về Đức Giêsu trong các Tin Mừng là cách thể hiện tình yêu của Ngài trong các bữa ăn. Qua các Tin Mừng, chúng ta thường bắt gặp hình ảnh Đức Giêsu đang dùng bữa. Có lúc, Đức Giêsu chỉ rõ những người thù địch với Ngài đã quy gán cho Ngài là một người mê ăn uống.

Ông Gioan đến, không ăn không uống thì thiên hạ bảo “Ông này bị điên.” Con Người đến cũng ăn cũng uống như ai, thì thiên hạ lại bảo “Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi.” Nhưng đức Khôn Ngoan được chứng minh bằng hành động.”

Đối với những người thời Đức Giêsu cũng như người thời nay, việc chia sẻ bữa ăn là dấu chỉ của tình bạn và lòng hiếu khách. Đức Giêsu không mang đến một sứ điệp ảm đạm và chết chóc nhưng là công bố Tin Mừng, một sứ điệp tình yêu của Chúa Cha dành cho tất cả con cái của Ngài. Khi đồng bàn với những người tội lỗi công khai, là người thu thuế và các cô gái điếm, Đức Giêsu đã gặp phải sự chống đối mạnh mẽ từ phía các nhà lãnh đạo tôn giáo vào thời của Ngài. Họ cảm thấy bị xúc phạm bởi việc giao thiệp và việc kết thân của Ngài với những người tội lỗi trong bữa ăn là một sự sỉ nhục cùng cực:

“Người đến dùng bữa tại nhà ông. Nhiều người thu thuế và người tội lỗi cùng ăn với Đức Giê-su và các môn đệ: con số họ đông và họ đi theo Người. Những kinh sư thuộc nhóm Pha-ri-sêu thấy Người ăn uống với những kẻ tội lỗi và người thu thuế, thì nói với các môn đệ Người: “Sao! Ông ấy ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi! ” Nghe thấy thế, Đức Giê-su nói với họ: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.” (Mc 2, 15-17).

Đối với Đức Giêsu, bữa ăn không chỉ là chuyện ăn chuyện uống nhưng bữa ăn chính là một cách để nói về tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu mở rộng cho tất cả mọi người nam cũng như nữ, đặc biệt là những người cần đến lòng Chúa thương xót nhất. Các bữa ăn của Đức Giêsu với người nghèo, người tội lỗi, người bị loại trừ là dấu chỉ của tình liên đới với những người bị khinh miệt và loại trừ. Các bữa ăn này là dấu chỉ của bữa tiệc thiên đàng mai sau.

Trong bối cảnh này, sẽ không có gì ngạc nhiên khi cho rằng sự cao quý nhất của Bí tích đến từ kinh nghiệm của bữa tiệc Vượt Qua. Chúng ta đã khảo sát mối liên hệ của Bí tích Thánh Thể với bữa tiệc Vượt Qua. Vì thế, ở đây chúng ta sẽ nhìn vào mối liên hệ giữa Thánh Lễ với các bữa ăn huynh đệ mà Đức Giêsu đã ăn. Thánh Lễ chứa đựng rất nhiều đặc tính quan trọng của các bữa ăn mà Đức Giêsu đã cử hành. (1) Thánh Lễ là dấu chỉ của sự hiệp thông, tình bạn và tình yêu. Giống như bữa ăn tối Tạ ơn ở Mỹ, bữa ăn trở thành nơi hàn gắn các mối tương quan, bữa tiệc Thánh Thể cũng quy tụ và nuôi dưỡng cộng đoàn Kitô hữu. (2) Thánh Lễ cũng là bữa ăn mà những người tội lỗi được mời tham dự. Một trong những điều đầu tiên chúng ta làm trong Thánh Lễ là nhìn nhận tội lỗi của mình và xin Chúa tha thứ. (3) Giống như các bữa ăn mà Đức Giêsu cùng ăn với những người nghèo và người tội lỗi, Thánh Lễ là đấu chỉ của bữa tiệc Nước Trời tương lai. Nó báo trước ngày tất cả chúng ta sẽ được mời gọi để đồng bàn với Chúa. (4) Thánh Lễ là một thách đố để làm hiện tại hóa triều đại Thiên Chúa. Trong một thế giới có nửa tỷ người sống trong tình trạng thiếu ăn trầm trọng, Thánh Lễ là một lời nhắc nhở mạnh mẽ rằng tất cả anh chị em của chúng ta cần được mời đến bàn tiệc.

 

Suy nghĩ và Thảo luận

Đôi khi các bữa ăn chỉ là dịp để các gia đình tập họp và trò chuyện, vậy các bữa ăn trong gia đình bạn có vai trò gì? Bạn có buộc phải về nhà ăn tối không? Mỗi tuần bạn có bữa ăn đặc biệt nào không?

 

  1. CẤU TRÚC CỦA THÁNH LỄ

Những người viết kịch và tiểu thuyết sẽ luôn nói rằng tác phẩm của họ phải có 3 phần: dẫn nhập, nội dung chính và kết luận. Điều đó nghe có vẻ đơn giản một cách buồn cười nhưng lại là một cấu trúc thiết yếu vì nếu không, thì tác phẩm văn chương không còn là một tác phẩm nữa. Thánh Lễ cũng tương tự như vở kịch vậy, nó không phải là hình thức cầu nguyện tự phát nhưng là một nghi lễ phụng vụ. Nó có một chuyển động và diễn tiến theo hai phần: phụng vụ Lời Chúa và phụng vụ Thánh Thể.

Phần I: Phụng vụ Lời Chúa

Cuộc rước. Khi bắt đầu Thánh Lễ, chủ tế cùng đoàn đồng tế và người giúp lễ tiến vào cung thánh. Cuộc rước này giống như một cuộc diễu hành. Nó nhắc nhở chúng ta như một dân hành hương đang sống trên cuộc lữ hành đức tin. Ở đây, chúng ta đi một hành trình từ cuộc sống thường ngày đến bàn thờ Thiên Chúa. Lời Chúa được giương cao trong cuộc rước để nói về vị trí đáng kính trọng của Lời Chúa trong cộng đoàn đức tin.

Nghi thức thống hối. Sau lời chào đầu lễ, chúng ta bắt đầu Thánh Lễ bằng cách thừa nhận rằng chúng ta là một cộng đoàn của những người tội lỗi, những người đã thất bại trong việc sống đức tin của mình một cách tròn đầy nhất có thể. Nhìn nhận điều này nên chúng ta cầu nguyện rằng: “Xin Chúa thương xót chúng con, xin Chúa Kitô thương xót chúng con, xin Chúa thương xót chúng con.” Ngoài ra, chúng ta cùng với nhau cầu nguyện với kinh thú tội: “Tôi thú nhận…”

Các bài đọc và bài giảng. Chúng ta đọc các bài đọc trong Kinh Thánh. Chúng ta chia sẻ với nhau những câu chuyện về đức tin để định hình đời sống của chúng ta cũng như của cộng đoàn. Đây là đỉnh cao trong phần đầu tiên của Thánh Lễ. Thông thường phụng vụ Lời Chúa có ba bài đọc: một bài từ Cựu Ước, một bài từ Tân Ước và một bài từ các Tin Mừng. Các bài đọc được lựa chọn để phù hợp với các chủ đề khác nhau trong năm phụng vụ. Các bài đọc xoay quanh trong một chu kỳ ba năm.

Chu kỳ năm A, chúng ta chủ yếu đọc Tin Mừng Mátthêu, năm B chúng ta đọc Tin Mừng Máccô, năm C chúng ta đọc Tin Mừng Luca. Trong mùa Phục sinh đọc Tin Mừng Gioan. Tin Mừng có một vị trí đặc biệt nổi bật trong các bài đọc. Bài giảng thường là một phản tỉnh về các bài đọc. Đó là vai trò của người giảng (thường là linh mục hay phó tế) giải thích ý nghĩa của các bài đọc trong ánh sáng của bối cảnh cộng đoàn. Tiếp theo là Kinh Tin Kính, đó là lời tuyên xưng đức tin căn bản của Giáo Hội từ công đồng Nicea 325. Phụng vụ Lời Chúa kết thúc với lời nguyện giáo dân, lúc đó chúng ta cầu nguyện cho các nhu cầu của Giáo Hội và thế giới.

Phần II: Phụng vụ Thánh Thể

Dâng lễ vật. Phần này thường được gọi là dâng bánh rượu. Bắt đầu với của lễ là bánh và rượu được chuyển lên bàn thờ. Linh mục đọc lời nguyện: “Lạy Chúa là Chúa cả trời đất, chúc tụng Chúa đã rộng ban cho chúng con bánh này là hoa màu ruộng đất và công lao của con người, chúng con dâng lên Chúa để bánh này trở nên bánh trường sinh nuôi sống chúng con.”

Kinh nguyện Thánh Thể. Kinh nguyện Thánh Thể là kinh nguyện trung tâm của Thánh Lễ. Có bốn kinh nguyện Thánh Thể khác nhau có thể được đọc. Trọng tâm của mỗi kinh nguyện là việc tưởng nhớ bữa ăn Vượt Qua và lời truyền phép: “Trong đêm bị trao nộp, Người cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn và chúc tụng. sau đó, Người bẻ ra và trao cho các môn đệ và nói: “Các con hãy cầm lấy mà ăn, này là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con.” Cùng một thể thức ấy, vào cuối bữa ăn tối, Người cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn và chúc tụng rồi trao cho các môn đệ và phán: “Các con hãy cầm lấy mà uống, này là chén Máu Thầy, máu giao ước mới và vĩnh cửu sẽ đổ ra cho các con và tất cả được tha tội. Các con hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy.”

Kinh nguyện Thánh Thể được hướng tới Chúa Cha và kết thúc với lời ca ngợi tuyệt vời: “Chính nhờ Người, với Người và trong Người, trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh thần, mọi vinh quang và danh dự là của Cha toàn năng đến muôn thuở muôn đời.” Sau đó toàn thể cộng đoàn thưa “Amen.”

Hiệp lễ. Sau khi lắng nghe lời Chúa và dâng lời cầu nguyện lên Chúa Cha, bây giờ chúng ta tham dự vào sự hiệp thông với Đức Kitô và với nhau. Chúng ta bắt đầu bằng cách cùng nhau đọc Kinh Lạy Cha. Lời cầu nguyện Chúa Giêsu dạy các tông đồ nối kết tất cả các tín hữu lại trong đức tin. Chúng ta chúc bình an cho nhau nhằm nhấn mạnh rằng, sự hiệp thông không chỉ với Thiên Chúa, nhưng còn là hiệp thông với nhau. Sau đó chúng ta ăn bánh và uống chén đã trở thành Mình và Máu, là sự hiện diện sống động của Đức Kitô.

Lời nguyện kết lễ và giải tán cộng đoàn. Chúng ta đã đi tới phần kết thúc Thánh Lễ, và chúng ta bị thách đố để ra đi và sống những gì chúng ta vừa cử hành: “Đi bình an để yêu thương và phục vụ Chúa.” Bí tích Thánh Thể cho chúng ta những dưỡng chất cần thiết để sống đức tin trong gia đình, trường học, nơi làm việc và trên thế giới.

Thánh Lễ mời gọi chúng ta quy tụ lại như một cộng đoàn của những người có đức tin để cử hành và tuyên xưng đức tin đó, làm mới và làm phong phú nó, đồng thời sai ta ra đi để sống đức tin ấy. Chúng ta đã xem xét diễn tiến của Thánh Lễ trong bảy phần, nhưng một cách nào đó Thánh Lễ vẫn luôn luôn lớn hơn tổng số các bộ phận của nó, vì trung tâm của Thánh Lễ là mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa mặc khải trong Chúa Kitô. Từ “Bí tích Thánh Thể ” có nghĩa là tạ ơn hay lòng biết ơn. Và có lẽ đó là cách tốt nhất để nói về Thánh Lễ. Chúng ta đến để nói lời tạ ơn với Chúa Cha vì một món quà lớn hơn sự hiểu biết của chúng ta: món quà sự sống, món quà tình yêu, món quà của Chúa Con và Chúa Thánh thần.

            Suy nghĩ và Thảo luận

Như luôn đúng với hầu như mọi điều, bạn nhận được từ Thánh Lễ những gì bạn đưa vào.

Đó là điều cần thiết để đi vào Thánh Lễ với một tinh thần cầu nguyện và cởi mở. Mặt khác, chắc chắn

Thánh Lễ sẽ mang lại ích lợi nếu được cử hành tốt. Bạn đã bao giờ tham dự một Thánh Lễ thực sự có ảnh hưởng đến bạn chưa? Nếu có, tại sao?

Câu Hỏi Ôn Tập

  1. Đức Giêsu đã thay đổi ý nghĩa của bữa tiệc ly như thế nào?
  2. Tiệc Vượt Qua là gì? Thức ăn dùng trong tiệc vượt qua biểu tượng cho điều gì?
  3. Trình thuật bữa tiệc Vượt Qua của thánh Gioan khác với các trình thuật trong Tin mừng Nhất Lãm như thế nào?
  4. Giáo Hội sơ khai đã cử hành Thánh Lễ ra sao?
  5. Phụng vụ đã thay đổi trọng tâm từ một bữa tiệc sang hy tế như thế nào?
  6. Người Công Giáo tin gì về sự hiện diện của Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể?
  7. Khác biệt giữa hy tế cá nhân và phụng vụ là gì? Chúng liên hệ đến Thánh Lễ như thế nào?
  8. Thánh Lễ là bữa tiệc tương tự như các bữa tiệc Đức Giêsu đã ăn trong đời sống của Ngài được hiểu như thế nào?
  9. Hai phần cơ bản của Thánh Lễ là gì? Hãy giải thích ý nghĩa của từng phần.

Chuyển ngữ: Nhóm Học viên Dòng Tên

Nguồn: Anthony Marinelli, The Word Made Flesh: An Overview of the Catholic Faith, (Manila, Philippines: Saint Paulus, 1999), 203-215.