Ảnh từ Internet

CHƯƠNG VIII: KITÔ HỌC: NIỀM TIN CỦA HỘI THÁNH VÀO ĐỨC GIÊSU

27 Đức Giêsu và các môn đệ của Người đi tới các làng xã vùng Xêdarê Philípphê. Dọc đường, Người hỏi các môn đệ: “Người ta nói Thầy là ai?”28 Các ông đáp: “Họ bảo Thầy là ông Gioan Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Êlia, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó.”29 Người lại hỏi các ông: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (Mc 8,27-29a).

  1. “ANH EM BẢO THẦY LÀ AI?”

Câu hỏi Đức Giêsu đặt ra cho các môn đệ là câu hỏi then chốt. Chúng ta có thể đọc những gì viết về Ngài, học hỏi cuộc đời của Ngài, tham khảo các học giả, và giải thích các lời Ngài dạy, nhưng điểm cốt yếu: Ngài là ai? Ngài là bậc thầy vĩ đại chăng? Ngôn sứ chăng? Đấng Mêsia chăng? Con Thiên Chúa chăng? Kitô học là nỗ lực của Hội Thánh để trả lời cho câu hỏi này, để mô tả Đức Giêsu là ai. Giờ đây, khi nhìn lại cuộc đời, cái chết và phục sinh của Đức Giêsu, chúng ta sẽ đẩy sự tập trung của chúng ta đến Kitô học: sự hiểu biết của Hội Thánh về ngôi vị của Đức Giêsu cũng như ý nghĩa cuộc đời của Ngài.

Mỗi Kitô hữu đều có một Kitô học mang tính cá vị. Kitô học riêng của mỗi người là cách chúng ta trả lời câu hỏi: “Anh em bảo Thầy là ai?” Một số người nhấn mạnh nhân tính của Đức Giêsu, những người khác nhấn mạnh thiên tính; một số nhấn mạnh tương quan của Ngài với người nghèo, những người khác nhấn mạnh vai trò thầy dạy của Ngài, trong khi những người khác nữa thuật lại các giáo huấn chính thức của Hội Thánh. Tất cả những mô tả trên về Đức Giêsu, theo quan điểm của mỗi người, đều đúng. Thế nhưng không một câu trả lời nào trong số đó nắm giữ trọn vẹn chân lý.

Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận

Trong những danh hiệu dưới đây, danh hiệu nào mô tả tốt nhất hiểu biết của bạn về Đức Giêsu: Thầy dạy, bạn của người tội lỗi và người nghèo, Đức Chúa, Đấng Mêsia, Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ? Và tại sao?

  1. CÁC KITÔ HỌC TÂN ƯỚC: TRONG PHÚC ÂM NHẤT LÃM VÀ GIOAN

Các Phúc Âm Nhất Lãm. Bạn là ai? Đáp án cho câu hỏi đó phụ thuộc rất nhiều vào việc chúng ta hỏi ai. Một người bạn có thể mô tả bạn rất khác so với cha hay mẹ của bạn. Mô tả của giáo viên này có lẽ cũng rất khác với mô tả của giáo viên kia. Hữu thể người rất phức tạp và không dễ mô tả. Chúng ta có nhiều khía cạnh khác nhau liên quan đến cá tính mỗi người. Điều này đúng và tương tự khi nói về con người của Đức Giêsu Kitô.

Trong Hội Thánh, luôn có sự đa dạng Kitô học – những cách khác nhau nhằm mô tả mầu nhiệm Đức Giêsu Kitô. Không có một Kitô học đơn độc trong Tân Ước. Có nhiều loại Kitô học khác nhau. Tuy nhiên, các Kitô học này không mâu thuẫn, nhưng bổ sung và làm nổi bật nhau. Có lẽ ví dụ rõ ràng nhất về sự đa dạng này là sự kiện chúng ta nhìn nhận trong Kinh Thánh không chỉ có một nhưng là bốn Phúc Âm. Trong khi các Phúc Âm này có nhiều điểm chung, mỗi Phúc Âm đều có điểm nhấn riêng độc nhất của mình.

Trong Phúc Âm Máccô, điểm nhấn đề cập Đức Giêsu là Đấng Mêsia chịu đau khổ. Các học giả tin rằng, thánh sử Máccô viết cho độc giả (có thể ở Rôma) đang chịu rất nhiều bách hại. Vì vậy, chẳng ai ngạc nhiên khi thánh sử Máccô xem đây là điểm quan trọng trong Phúc Âm của ngài. Ngài quả quyết với họ rằng chính Đức Giêsu đã phải chịu những đau khổ mà giờ đây họ đang chịu. Máccô cho thấy sứ mạng của Đức Giêsu là chu toàn cách triệt để không phải chỉ qua các giáo huấn vĩ đại hay các phép lạ đầy quyền năng, nhưng là trong chính cái chết của Ngài. Máccô dường như giải thích sự đau khổ và cái chết của Đức Giêsu dưới ánh sáng những gì đã được ngôn sứ Isaia viết về người tôi tớ của Thiên Chúa, Đấng ngang qua đau khổ của mình sẽ chữa lành nhân loại.

Thánh sử Mátthêu có điểm nhấn khác. Đối với Mátthêu, Đức Giêsu là sự hoàn tất của Cựu Ước và là bậc thầy vĩ đại đã kiện toàn luật Tôra. Thánh sử bắt đầu Phúc Âm của mình bằng cách trình bày gia phả của Đức Giêsu truy gốc đến tổ phụ Ápraham. Thánh sử chăm chú vào việc kết nối sự liên hệ của Đức Giêsu với niềm hy vọng của Ítraen. Mátthêu kể câu chuyện giáng sinh bằng cách cấu trúc câu chuyện này xoay quanh năm đoạn trích từ Cựu Ước. Trong từng trường hợp, Đức Giêsu được xem như sự hoàn tất Cựu Ước. Tương tự như vậy, Mátthêu thêm vào Phúc Âm của mình rất nhiều giáo huấn của Đức Giêsu. Nhưng thánh sử trình bày rõ ràng rằng trong lời dạy của Đức Giêsu, Ngài đến không phải để hủy bỏ Lề Luật và các ngôn sứ nhưng để kiện toàn chúng (x. Mt 5,17).

Thánh sử Luca mong muốn trình bày Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ muôn dân, cả dân ngoại lẫn dân Do Thái. Ngài là Đức Chúa không những của Ítraen mà còn của thế giới và toàn bộ lịch sử. Thánh sử Luca cũng bao gồm gia phả, nhưng không giống với Mátthêu, ngài truy nguồn gia phả của Đức Giêsu đến tận nguyên tổ Ađam (rõ ràng chỉ mang tính biểu tượng) bởi vì Ađam là cha của toàn thể nhân loại. Trong tác phẩm thứ hai, cuốn Công vụ Tông đồ, thánh sử đã dõi theo sự lan truyền Kitô giáo tới dân ngoại và tới Rôma là trung tâm nổi tiếng của thế giới.

Thêm vào đó, thánh sử Luca cũng cho thấy quan tâm đặc biệt của mình trong việc phác họa Đức Giêsu là bạn của người nghèo, người bị áp bức và người tội lỗi. Đối với thánh Luca, tình yêu của Thiên Chúa không bao giờ có giới hạn.

Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận

Trong số các đề tài của Phúc Âm Nhất Lãm, đề tài nào gần gũi nhất với sự hiểu biết riêng của bạn về Đức Giêsu?

Đức Giêsu trong Phúc Âm Gioan: Ngôi Lời Đã Làm Người. Tông đồ Gioan nhấn mạnh Đức Giêsu là Lời Vĩnh Cửu của Thiên Chúa đã mặc lấy xác phàm. Thánh nhân nhấn mạnh sự hiệp nhất giữa Đức Giêsu và Thiên Chúa hơn nhiều so với các sách Nhất Lãm. Gioan có nền Kitô học phát triển cao nhất so với bất kỳ cuốn Phúc Âm nào. Trong Lời Tựa, thánh sử đã phát triển Kitô học của ngài về Ngôi Lời như sau:

1 Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời.
Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa,
và Ngôi Lời là Thiên Chúa.

2 Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa.

3 Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành,
và không có Người,
thì chẳng có gì được tạo thành.
Điều đã được tạo thành

 

14 Ngôi Lời đã trở nên người phàm
và cư ngụ giữa chúng ta.
Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người,
vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người,
là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật.

 

17 Quả thế, Lề Luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Mô-sê,
còn ân sủng và sự thật, thì nhờ Đức Giê-su Ki-tô mà có.

18 Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả;
nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa
và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha,
chính Người đã tỏ cho chúng ta biết. (Ga 1,1-3. 4. 17-18)

Đức Giêsu được trình bày là Lời của Thiên Chúa đã làm người. Gioan bắt đầu Lời Tựa bằng các từ tương tự như chúng ta thấy trong phần mở đầu của sách Sáng Thế, vì Gioan muốn phác họa Đức Giêsu là Lời đồng hiện hữu ngay từ nguyên thủy với Thiên Chúa, Lời đó đã hiện diện ngay từ buổi ban đầu tạo dựng. Trong  sách Sáng Thế, Thiên Chúa tạo dựng qua Lời của Ngài: “Thiên Chúa phán: ‘Hãy có ánh sáng và tức thì có ánh sáng.’” Chính Lời sáng tạo của Thiên Chúa giờ đây đã mặc lấy xác phàm nơi con người của Đức Giêsu. Trong hai câu cuối (của Lời Tựa), Đức Giêsu được so sánh với lời của Thiên Chúa ban tặng ông Môsê. Lời đó thấp kém hơn Đức Giêsu bởi vì lời đó mặc khải Lề Luật của Thiên Chúa, nhưng Đức Giêsu mặc khải tình yêu của Thiên Chúa, và thật ra Ngài mặc khải chính Thiên Chúa.

Bên cạnh Lời Tựa, Gioan đưa ra một Kitô học xuyên suốt Phúc Âm của ngài và ngài đặt nền Kitô học đó trên môi miệng Đức Giêsu. Trong suốt Phúc Âm, có hàng loạt những câu nói của Đức Giêsu bắt đầu với cụm từ: “TÔI LÀ.” Cụm từ này gợi lên danh xưng của Thiên Chúa trong Cựu Ước là Giavê (Yahweh) hàm ý tính đồng nhất giữa Đức Giêsu và Thiên Chúa. “Kitô học” này mang ít vẻ triết học và chủ yếu dựa trên hình ảnh hơn là ý tưởng:

35 “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!” (Ga 6,35).

12 “Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống” (Ga 8,12).

9 “Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ” (Ga 10,9).

11 “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10,11).

25 “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống.26 Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết” (Ga 11,25-26).

6 “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6).

5 “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái” (Ga 15,5).

Trong mỗi đoạn trên, chúng ta nhận thấy mối tương quan của Đức Giêsu với những kẻ theo người và thành quả của mối tương quan đó.

Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận

Câu nào trong số các câu nói: “Tôi là” trong Phúc Âm Gioan có ý nghĩa nhất đối với bạn? Đâu là hình ảnh tốt nhất diễn tả mối tương quan của bạn với Đức Giêsu?

  1. CÁC TƯỚC HIỆU CỦA ĐỨC GIÊSU TRONG TÂN ƯỚC

Một trong những cách Hội Thánh tiên khởi dùng để giải quyết câu hỏi liên quan đến căn tính của Đức Giêsu là đặt cho Ngài các tước hiệu. Các tước hiệu này tuy có nguồn gốc từ Cựu Ước, nhưng chúng luôn cần phải được giải thích lại khi áp dụng cho Đức Giêsu.

Đấng Mêsia (Đức Kitô: Đấng được xức dầu). Ngay danh xưng của Đức Giêsu cũng vượt trên một tên gọi bình thường. Đây là một Kitô học: vì nó mô tả Đức Giêsu là ai. Lịch sử gọi tên Ngài là Giêsu Kitô. Từ Kitô dĩ nhiên không ám chỉ tên họ (tên cuối) của Đức Giêsu. Đây là một lời phát biểu về đức tin. Đức Giêsu là Đấng Kitô. Chữ “Christos” trong tiếng Hy Lạp tương đương nghĩa với chữ “Messiah” trong tiếng Do Thái. Như chúng ta thấy, khái niệm về đấng Mêsia khởi đầu với các vua Do Thái ám chỉ một nhân vật sẽ cứu dân Ítraen và phục hồi sự ưu tuyển trước đây của họ.

Danh xưng Giêsu Kitô mang nghĩa Đức Giêsu là Đấng Mêsia. Nhưng thậm chí ngay cả tước hiệu đó vẫn không phù hợp với Ngài. Khi tông đồ Phêrô được Đức Giêsu hỏi: “Anh em bảo con người là ai?” Ông đáp: “Thầy là Đấng Mêsia (Đấng Kitô).” Và Phêrô đã đúng. Nhưng ông cũng sai, vì đối với Phêrô, Đấng Mêsia luôn là vị thiên sai khải hoàn: một ông vua thuộc dòng tộc Đavít sẽ phục hồi vinh quang cho Ítraen, một ông vua sẽ quy tụ mọi người thờ phượng Giavê cách đích thực. Khi Đức Giêsu mô tả chính Ngài với tư cách là Đấng Mêsia phải chịu đau khổ và chịu chết, Phêrô không thể chấp nhận, và ông bắt đầu thuyết phục Đức Giêsu. Đức Giêsu là Đấng Mêsia nhưng Ngài không phải là đấng Mêsia theo kiểu dân Ítraen đang mong đợi. Ngài là Đấng Mêsia, nhưng đồng thời chính Ngài định nghĩa cho tước hiệu Mêsia sẽ như thế nào. Khi Hội Thánh tiên khởi sử dụng danh hiệu “Mêsia” để mô tả Đức Giêsu, Hội Thánh biết rằng ý nghĩa của danh hiệu đó đã được biến đổi. Vâng, Đức Giêsu là con vua Đavít, là sự hoàn tất lời hứa của Thiên Chúa với dân Ítraen. Nhưng đồng thời Ngài là Đấng Mêsia để giải phóng họ không phải khỏi ách thống trị của người Rôma nhưng khỏi tội lỗi. Ngài là Đấng Mêsia khi thiết lập cách thế mới trong tương quan với Thiên Chúa, cũng như một cách thế sống mới.

Đức Chúa. Một vấn đề khác Hội Thánh tiên khởi gặp phải đó là cố gắng mô tả mối tương quan giữa Đức Giêsu với Thiên Chúa là Cha. Đối với người Do Thái, chỉ có một Thiên Chúa. Chúa Cha là Thiên Chúa, còn Đức Giêsu không phải là Chúa Cha. Vậy bằng cách nào chúng ta có thể nói về thần tính cũng như vai trò của Đức Giêsu? Có hai danh hiệu đã giúp Hội Thánh trả lời trọn vẹn câu hỏi này.

Danh hiệu đầu tiên là “Đức Chúa.” Nếu chỉ so sánh Đức Giêsu với người công chính, người thánh thiện, vị ngôn sứ hay bậc thầy vĩ đại, thì Đức Giêsu trổi vượt hơn rất nhiều. Ngài là Đức Chúa. Ngài được Thiên Chúa tôn vinh và được cho chỗi dậy. Từ “Đức Chúa” gồm hai ý nghĩa. Nó có thể chỉ “ông chủ” xét theo quyền bính thế gian, hoặc từ đó có thể chỉ chính Thiên Chúa. Danh hiệu này được áp dụng cho Đức Giêsu sau khi phục sinh nhằm cho biết thẩm quyền của Ngài vượt trên toàn thể công trình sáng tạo. Đây chính là từ “Lord-Kyrios” được dùng để chỉ chính Thiên Chúa trong Cựu Ước bằng tiếng Hy Lạp. Chúng ta nhận ra đây là bài thánh thi được thánh Phaolô dùng trong thư gởi tín hữu Philíphê:

6 Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, 7 nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang
mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế.

8 Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết,
chết trên cây thập tự. 9 Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. 10 Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; 11 và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: “Đức Giêsu Kitô là Chúa” (Pl 2,6-11).

Bài thánh thi trên nhấn mạnh Đức Giêsu được phong danh hiệu Đức Chúa vì sự trung thành tuyệt đối của Ngài với Thiên Chúa qua việc vâng phục cho đến chết. Ngài được Thiên Chúa cho chỗi dậy và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên tất cả các danh hiệu. Vai trò được siêu tôn của Đức Giêsu đã được trao cho Ngài vào lúc phục sinh. Chúng ta gặp chủ đề này trong lời giảng của các Kitô hữu tiên khởi được tìm thấy trong sách Công vụ Tông đồ. Thánh Phêrô đã giảng cho đám đông vào ngày Lễ Hiện Xuống và nói: “Vậy toàn thể nhà Ítraen phải biết điều này: Đức Giêsu mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Kitô” (Cv 2,36). Cương vị Đức Chúa của Đức Giêsu bắt đầu từ thời điểm phục sinh.

Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận

Theo bài thánh thi trong thư gởi tín hữu Philíphê, Đức Giêsu được nâng lên và được tôn vinh, vì Ngài đã không tìm kiếm vinh quang hay tán dương nhưng thay vào đó Ngài tự hạ mình. Bạn có thể nghĩ ra bất kỳ ví dụ nào trong cuộc sống riêng của bạn khi bạn tìm thấy hạnh phúc đích thực qua việc đặt nhu cầu của người khác trên nhu cầu của chính bạn không?

Con Thiên Chúa. Đây chính là danh hiệu thứ hai, Hội Thánh đã dùng để diễn tả mối tương quan đặc biệt của Đức Giêsu với Chúa Cha. Chúng ta quá quen thuộc khi nghe danh hiệu này trong bối cảnh Ba Ngôi đến nỗi chúng ta gặp khó khăn để hình dung ý nghĩa nguyên thủy của nó. Đối với chúng ta, Con Thiên Chúa có nghĩa là Thiên Chúa. Nhưng thần học thời Hội Thánh sơ khai chưa phát triển tới mức đó. Trong Cựu Ước, danh hiệu con Thiên Chúa có thể ám chỉ bất cứ người nào được Thiên Chúa chúc phúc hoặc liên quan đến dân tộc Ítraen xét theo tổng thể. Một lần nữa, Hội Thánh sử dụng danh hiệu này và biến đổi ý nghĩa của nó. Sau khi phục sinh, Đức Giêsu được biết đến với tư cách là Con Thiên Chúa theo cách thức độc nhất. Một lần nữa, chính Đức Kitô là người đã mang ý nghĩa cho thuật ngữ đó. Danh hiệu này chỉ mối tương quan đặc biệt của Đức Giêsu với Chúa Cha, một danh hiệu mà tất cả các Kitô hữu nhờ ân sủng được mời gọi trở nên con Thiên Chúa. Danh hiệu này giúp Hội Thánh giải thích mối tương quan của Đức Giêsu với Thiên Chúa và cung cấp ngôn ngữ sau này được dùng để củng cố giáo lý về Ba Ngôi.

Thư gởi tín hữu Do Thái cho thấy sự liên hệ mật thiết giữa cương vị làm Con của Đức Giêsu và mối tương quan riêng của chúng ta với Thiên Chúa:

14 Chúng ta có một vị Thượng Tế siêu phàm đã băng qua các tầng trời, là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa. Vậy chúng ta hãy giữ vững lời tuyên xưng đức tin.15 Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội (Dt 4,14-15).

 

8 Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục;9 và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người (Dt 5,8-9).

Cương vị làm con của Đức Giêsu ở đây được mô tả như một điều gì đó được kiện toàn qua việc Đức Giêsu trung thành với Thiên Chúa trong và qua nhân tính của Ngài. Đây là một điểm rất quan trọng vì Đức Giêsu với tư cách là Con Thiên Chúa được trình bày như một mẫu gương cho toàn thể nhân loại.

Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận

Tác giả thư gởi tín hữu Do Thái nói rằng Đức Giêsu bị cám dỗ mọi đàng như chúng ta, và nhờ đó mới học được vâng phục ý của Thiên Chúa qua đau khổ và cố gắng. Những ý tưởng này có phù hợp với hiểu biết của bạn về Đức Giêsu không? Nếu không, có lẽ bạn đã tách Đức Giêsu ra khỏi nhân tính đích thực của Ngài.

Tôi tớ của Thiên Chúa. Như chúng ta đã biết, Hội Thánh phải tìm cách giải thích ý nghĩa cuộc khổ nạn và cái chết của Đức Kitô vì thực tế chẳng ai mong đợi những điều như vậy. Một trong những cách để giải thích là nhờ sự soi sáng từ hình ảnh người tôi tớ đau khổ trong sách ngôn sứ Isaia. Trong các chương 40-55, Ngôn sứ Isaia viết về một nhân vật bí ẩn được gọi là người tôi tớ của Giavê. Không ai biết chính xác vị ngôn sứ này muốn ám chỉ ai, nhưng các đoạn văn đã thuyết phục Hội Thánh tiên khởi tin rằng người tôi tớ đau khổ được mô tả đó chính là Đức Giêsu. Một cách cụ thể, các bài thơ về người tôi tớ này có thể giúp Hội Thánh hiểu về cuộc khổ nạn cũng như cái chết của Đức Giêsu. Vì thế không có gì ngạc nhiên khi chúng ta đọc các đoạn văn này trong Phụng vụ thứ Sáu Tuần Thánh:

3 Người bị đời khinh khi ruồng rẫy, phải đau khổ triền miên và nếm mùi bệnh tật. Người như kẻ ai thấy cũng che mặt không nhìn, bị chúng ta khinh khi, không đếm xỉa tới. 4 Sự thật, chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta, còn chúng ta, chúng ta lại tưởng người bị phạt, bị Thiên Chúa giáng hoạ, phải nhục nhã ê chề. 5 Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành. 6 Tất cả chúng ta lạc lõng như chiên cừu, lang thang mỗi người một ngả. Nhưng ĐỨC CHÚA đã đổ trên đầu người tội lỗi của tất cả chúng ta (Is 53,3-6).

Con Người. Một trong những danh hiệu khác thường nhất của Tân Ước được tìm thấy trong các Phúc Âm là: “Con Người.” Điều này thật bất thường vì danh hiệu đó có rất ít nền tảng trong Cựu Ước (x. Đanien 7), nhưng nó lại là danh hiệu được Đức Giêsu sử dụng thường xuyên nhất để nói về chính mình. Ngài thường sử dụng danh hiệu này khi ám chỉ những đau khổ Ngài sẽ chịu. Chúng ta biết rất ít về ý nghĩa của danh hiệu này bởi vì nền tảng của nó quá mơ hồ. Có thể Đức Giêsu sử dụng danh hiệu này vì nó không hàm chứa bất kỳ dự tính mạnh mẽ rõ ràng nào, và rồi chính Ngài sẽ cho nó ý nghĩa.

  1. KITÔ HỌC CỦA THÁNH PHAOLÔ

Thánh Phaolô (trước là Saolô) thành Tácxô chính là nhà tư tưởng vĩ đại nhất của Tân Ước. Ngài không phải là một trong số các tông đồ ngay từ ban đầu; thực ra ngài đã bách hại Hội Thánh tiên khởi. Tuy vậy, ngài đã trải qua cuộc hoán cải tận căn nhờ được gặp gỡ với Chúa phục sinh. Ngài tiếp tục trở thành một thần học gia và một nhà truyền giáo vĩ đại nhất của Hội Thánh sơ khai. Thánh Phaolô, thậm chí còn trổi vượt hơn các tác giả Phúc Âm, có thể giải thích ý nghĩa cuộc đời, cái chết và phục sinh của Đức Kitô. Tuy vậy, điểm nhấn của ngài lại không đặt quá nặng vào việc Đức Kitô là ai, trái lại, ngài nhấn mạnh việc Đức Kitô đã làm gì cho chúng ta và vai trò của Đức Kitô trong lịch sử cứu độ.

Kitô học của thánh Phaolô tập trung hầu như toàn bộ vào cái chết và phục sinh của Đức Giêsu. Phaolô hầu như không đề cập đến các lời giảng, các phép lạ hay việc làm của Đức Giêsu. Đối với Phaolô, chính cái chết và phục sinh của Đức Kitô là sự kiện vĩ đại mang lại ơn cứu độ làm thay đổi toàn bộ mối tương quan của nhân loại với Thiên Chúa. Lời dạy của thánh Phaolô vừa phức tạp vừa khó hiểu. Chúng ta cố gắng tóm tắt đơn sơ các điểm chính yếu của ngài:

  1. Luật của Môsê không đủ thẩm quyền để mang lại ơn cứu độ cho con người, bởi vì tự bản chất con người không thể sống hoàn hảo và chu toàn mọi đòi hỏi của Luật.
  2. Chúng ta được cứu độ, không phải bởi Luật, nhưng nhờ hồng ân của Thiên Chúa, ân sủng nhưng không do tình yêu của Ngài dành cho chúng ta.
  3. Hồng ân của Thiên Chúa được mặc khải trong và qua cái chết và phục sinh của Đức Giêsu.
  4. Đức Kitô là Ađam mới mang đến cho chúng ta phương thế mới để làm người qua việc trung thành với tình yêu của Thiên Chúa. Những ai ở “trong Đức Kitô” thì ở trong cuộc sáng tạo mới.
  5. Những ai tin vào Đức Kitô sẽ sống trong Thần Khí. Qua Thần Khí chúng ta nhận được ân sủng của Thiên Chúa, và ân sủng này đưa chúng ta đến ơn cứu độ.
  6. Sự phục sinh của Đức Kitô là hoa quả đầu mùa của toàn thể công trình sáng tạo. Trong đó, chúng ta được mời gọi để sống trong niềm hy vọng.

Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận

Thánh Phaolô nhấn mạnh hồng ân của Thiên Chúa là quà tặng tình yêu thuần túy của Ngài dành cho chúng ta. Chúng ta tự mình không dành được ân huệ đó. Nhưng khi chúng ta biết chúng ta được yêu, cuộc đời chúng ta sẽ không bao giờ như cũ. Nó sẽ được cuốn theo dòng chảy tình yêu của Thiên Chúa dành cho mọi người. Cách nào đó chúng ta phải trở nên khác và tự do hơn. Niềm tin của bạn có tạo ra một biến đổi thực sự trong cuộc đời bạn không? Bằng cách nào?

  1. CÁC CÔNG ĐỒNG NICEA VÀ CHALCEDON: ĐỨC GIÊSU KITÔ LÀ THIÊN CHÚA THẬT VÀ LÀ NGƯỜI THẬT

Như chúng ta đã biết, các tác giả Tân Ước sử dụng hình ảnh, danh hiệu, thánh thi và các câu chuyện để diễn tả sự hiểu biết của mình về Đức Giêsu Kitô. Họ thực hiện điều đó cùng với việc dùng Kinh Thánh Cựu Ước như nền tảng để giải thích Đức Giêsu là ai. Tuy nhiên, khi Hội Thánh phát triển, Hội Thánh tách mình khỏi bối cảnh cũng như văn hóa của Do Thái giáo. Kitô giáo lớn mạnh và phát triển không chỉ trong số những người Do Thái nhưng giữa những người nói tiếng Hy Lạp. Những người này cũng cố gắng giải thích Đức Giêsu là ai. Tuy nhiên, họ quan tâm nhiều đến các mô tả mang tính triết học hơn là những mô tả trong Kinh Thánh. Câu hỏi họ đặt ra cũng khác biệt. Tân Ước chính yếu nhằm trình bày Đức Giêsu là ai trong tương quan với chúng ta và với Thiên Chúa – nói cách khác, chức năng của Ngài là gì. Các Kitô hữu sau này cố gắng giải thích Đức Giêsu là ai trong chính yếu tính và hữu thể của Ngài.

Câu hỏi quan trọng nhất cần phải được giải đáp là: “Đức Giêsu Kitô có phải là Thiên Chúa không?” Trong khi Tân Ước rõ ràng trình bày sự hiệp nhất của Chúa Cha và Người Con, nhưng không có nghĩa rằng Tân Ước trực tiếp quan tâm đến câu hỏi trên. Một trong những giám mục của Hội Thánh tiên khởi có tên là Ariô dạy rằng Đức Giêsu Kitô không hoàn toàn là Thiên Chúa. Bởi vì chỉ có một Thiên Chúa, nên Đức Giêsu phải thuộc về trật tự sáng tạo. Ngài là Người Con được sáng tạo bởi Thiên Chúa, và vượt trội trên hết các công trình sáng tạo, nhưng Ngài là Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và con người. Lời dạy này bị các nhà lãnh đạo Hội Thánh bác bỏ tại Công đồng Nicea năm 325. Công đồng tuyên tín rằng Đức Giêsu là một trong cùng bản thể với Chúa Cha. Ngài không được tạo thành nhưng được “sinh ra” bởi Chúa Cha. Trong điều này, Con Thiên Chúa rõ rằng khác biệt với hết mọi loài thọ tạo. Ngài không thuộc trật tự sáng tạo nhưng hiện hữu ngay trong chính bản thể của Thiên Chúa. Giáo huấn chính thức của Công đồng Nicea đã cho chúng ta Kinh tin kính Nicea mà chúng ta tuyên xưng trong thánh lễ.

Sau Công đồng Nicea, không có câu hỏi nào về giáo huấn của Hội Thánh liên quan đến thần tính của Đức Giêsu với tư cách là Con Thiên Chúa. Tuy nhiên, mọi vấn đề chưa hoàn toàn qua đi. Khi mọi người được dạy rõ ràng rằng Đức Giêsu là Thiên Chúa thật, vậy vấn đề nhân tính của Ngài vẫn cần phải được làm rõ. Sau một loạt các tranh cãi mở rộng trong các công đồng và thượng hội đồng, thì Công đồng Chalcedon năm 451 tuyên bố Đức Giêsu Kitô là:

Hoàn hảo trong thần tính và cũng hoàn hảo trong nhân tính, là Thiên Chúa thật và cũng là con người thật kết hợp bởi linh hồn và thân xác có lý trí, đồng nhất với Chúa Cha trong cách thức hiện hữu của thiên tính và đồng nhất với chúng ta trong cách thức hiện hữu của nhân tính, giống như chúng ta trong mọi sự ngoại trừ tội lỗi… Chúng tôi tuyên xưng rằng Đấng ấy, cùng một Chúa Giêsu Kitô, Người Con duy nhất được sinh ra, phải được công nhận có hai bản tính, không lẫn lộn hay hoán đổi, không phân chia hay tách rời nhau… mọi đặc tính riêng liên quan đến mỗi bản tính đều được bảo toàn và chúng cùng tồn tại trong một con người và một ngôi vị duy nhất (hypostasis).

Các tranh luận này mặc dầu là những nỗ lực hết sức tỉ mỉ nhưng dường như đã tách biệt Đức Giêsu ra khỏi chính đời sống và lời dạy của Ngài. Ngày nay Kitô hữu bình dân không quan tâm lắm đến các tranh cãi thời sơ khai trong nội bộ Hội Thánh. Tuy vậy, các kết luận đạt được quả thực rất quan trọng. Vậy các kết luận đó là gì?

  1. Đức Giêsu Kitô là một ngôi vị với hai bản tính, vừa là con người vừa là Thiên Chúa. Ngôi vị đó chính là Ngôi Hai trong Chúa Ba Ngôi, là Lời hay Logos.
  2. Mọi điều có thể nói về Thiên Chúa, cũng có thể nói cho Đức Kitô.
  3. Mọi điều có thể nói về con người, chúng ta cũng có thể nói về Đức Kitô ngoại trừ việc Ngài không có tội.

Đây là giáo huấn chính thức của Hội Thánh. Điều này có ý nghĩa gì?

Đức Giêsu là Thiên Chúa Thật đã trở nên Phàm Nhân. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Đức Giêsu không phải là Thiên Chúa? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Ngài chỉ đơn thuần là ngôn sứ hay sứ giả, người chỉ cho chúng ta con đường để đạt tới cuộc sống đích thực với Thiên Chúa? Điều này sẽ tạo nên những khác biệt nào?

Nếu Đức Giêsu không phải là Thiên Chúa, vậy Thiên Chúa vẫn tồn tại đâu đó bên ngoài hoàn cảnh của con người. Ngài có thể quan tâm đến sinh vật và thiết tha yêu thương chúng, nhưng Ngài hoàn toàn không kết hợp chính Ngài với chúng ta. Ngài đã không trở nên một với chúng ta.

Vì Đức Giêsu là Thiên Chúa, chúng ta tin rằng con người và Thiên Chúa kết hợp với nhau mãi mãi. Sự thánh thiêng đã bước vào thân phận con người, và vì thế thân phận con người không bao giờ có thể giống như trước được nữa. Chúng ta có thể tìm thấy Thiên Chúa là Đấng đầy quyền năng, ngay trên mặt đất này không chỉ trong vẻ đẹp của tự nhiên hay trong sự hoành tráng của các nghi lễ nhưng ngay trong các hữu thể người với máu và thịt này. Nơi mầu nhiệm nhập thể, Thiên Chúa đã liên kết chính Ngài với chúng ta trong và qua Người Con duy nhất của Ngài.

Nếu Đức Giêsu là Thiên Chúa, một số câu hỏi khó nảy sinh như: Ngài có trí tuệ của Thiên Chúa không? Ngài chỉ xuất hiện dưới lớp vỏ bọc là con người hay sao? Ngài có biết trước các sự kiện tương lai không (chẳng hạn như việc một ngày nào đó Ngài sẽ được người ta đọc thấy trong cuốn sách này)? Hài Nhi Giêsu bé bỏng có biết làm các bài toán không? Chúng ta gặp rất nhiều khó khăn khi đối diện với những câu hỏi này bởi vì sự hiệp nhất giữa nhân tính và thiên tính nơi Đức Giêsu là một mầu nhiệm vượt quá khả năng nhận thức của chúng ta. Hầu hết các thần học gia ngày nay nhấn mạnh rằng nếu Đức Giêsu thực sự có bản tính nhân loại, vậy thì Ngài cũng cần phải học hỏi và lớn lên qua kinh nghiệm và kiến thức như mọi người. Ngài cũng phải học hỏi như tất cả chúng ta, Ngài cũng phụ thuộc vào văn hóa và lịch sử. Đây mới thực sự là chân dung của Đức Giêsu mà các sách Phúc Âm lẫn các sách Tân Ước muốn phác họa cho chúng ta.

Nhân tính của Đức Giêsu. Giáo huấn của Hội Thánh đã nói rất rõ ràng Đức Giêsu là con người thật. Ngài có trí óc của con người và thân thể con người. Ngài không đơn thuần chỉ xuất hiện như một con người.

Điều này sẽ tạo nên những khác biệt nào? Đáp án cũng tương tự như phía trên. Nếu Đức Giêsu không phải là con người thực sự, thì Thiên Chúa đã không kết hợp chính Ngài với chúng ta. Thiên Chúa đã viếng thăm chúng ta, nhưng Ngài không trở nên một với chúng ta. Như chúng ta đã thấy, Đức Kitô được gọi là “Ađam mới,” “Đấng được sinh ra trước tiên trong toàn bộ công trình tạo dựng,” bởi vì qua nhân tính của Ngài, Ngài đã mặc khải cho chúng ta ý nghĩa đích thực của toàn thể nhân loại.

Mặc dù Đức Giêsu thực sự là Đấng duy nhất (không có bất kỳ người nào khác là Con Thiên Chúa đã mặc lấy xác phàm), Ngài cũng là mẫu mực cho tất cả nhân loại. Vì tất cả chúng ta cùng được mời gọi để trở nên con Thiên Chúa nhờ ân sủng của Ngài. Tất cả chúng ta cùng được mời gọi để chia sẻ sự phục sinh và để sống một cuộc sống hiệp nhất với Thiên Chúa.

Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận

Trong mối tương quan riêng của bạn với Đức Giêsu, bạn có khuynh hướng nhấn mạnh nhân tính hay thiên tính?

  1. CÁC CÁCH HIỂU NGÀY NAY VỀ ĐỨC GIÊSU

Giáo huấn chính thức của Hội Thánh tồn tại nguyên vẹn dù trải qua hơn mười lăm thế kỷ sau Công đồng Chalcedon. Tuy nhiên, nhiệm vụ của mỗi nền văn hóa và mỗi thế hệ là phải làm mới cách hiểu về Đức Kitô. Điều này không có ý nói chúng ta cần thay đổi giáo huấn của Hội Thánh. Vì Đức Kitô không phải là một học thuyết, nhưng là quyền năng và sự hiện diện của Thiên Chúa ở ngay giữa chúng ta. Ngài không thể trở thành một hệ thống công thức người ta cần thuộc lòng, nhưng là một ngôi vị đang mong chờ gặp gỡ những ai bước theo Ngài. Nếu các Công đồng Nicea và Chalcedon vẫn còn ý nghĩa, thì các công đồng này phải làm cho mỗi chúng ta hiểu rằng Đức Kitô đang hiện diện ngay giữa chúng ta.

Trong nhiều thế kỷ, sự hiểu biết về Đức Kitô trong Hội Thánh quá tập trung vào thiên tính (không có gì ngạc nhiên vì đây chính là điểm làm cho Ngài trở thành duy nhất). Tuy nhiên, ngày nay sự tập trung thường nhắm vào bản tính nhân loại của Ngài. Ngày nay chúng ta tập trung nhiều hơn vào lời giảng, thái độ, giá trị và thách đố của Ngài đặt ra cho chúng ta, là những kẻ bước theo Ngài. Việc tái khám phá Đức Giêsu lịch sử là việc làm quan trọng nếu chúng ta trung thành với cả hai bản tính của Ngài. Điểm quan trọng chúng ta cần nhớ là cả hai bản tính đó phải luôn được kết hợp và phải giữ “cân bằng.”

Ngày nay, vẫn còn rất nhiều loại Kitô học đáp ứng nhu cầu của con người:

  • Trái tim cực thánh của Đức Giêsu vẫn là hình ảnh quan trọng của Đức Kitô nơi nhiều tổ ấm và các gia đình. Điều này giúp chúng ta nhận ra rằng chúng ta cảm nghiệm được sự gần gũi của Đức Kitô trong chính cuộc sống và tình yêu của chúng ta.
  • Ngay giữa những người bị áp bức ở Nam Mỹ và trên toàn thế giới, Đức Giêsu thường được mô tả như một vị giải phóng kêu gọi tự do khỏi mọi áp bức, đặc biệt các áp bức liên quan đến chính trị và kinh tế.
  • Các quốc gia phát triển cao thường phác họa Đức Giêsu như mẫu người lý tưởng của nhân loại. Các quốc gia đó có thời gian rỗi rãi để đặt các câu hỏi liên quan đến ý nghĩa của cuộc sống vì họ có nhiều của cải so với thế giới.
  • Nhiều nhà trí thức bắt đầu phát triển một Kitô học “chính trị” nhằm giúp họ trình bày mối tương quan giữa Đức Kitô và thế giới chính trị.
  • Các nhóm hòa bình tập trung vào hình ảnh phi bạo động của Đức Giêsu.
  • Hàng triệu Kitô hữu phát triển một Kitô học dựa trên Thánh Thể.
  • Nhiều phụ nữ tập trung vào việc hiện ra của Đức Giêsu với chị Maria Mađalêna và thái độ nói chung của Ngài với phụ nữ. Họ phát triển một Kitô học tập trung chú ý đặc biệt đến các nhu cầu của phụ nữ nhằm chống lại những sự áp bức mà họ đã từng chịu.

Tất cả các “Kitô học” trên thường đề cập đến một chân lý về Đức Giêsu cũng như một nhu cầu của những người theo Ngài. Chính trong cách thức đó, các Kitô học này rất giống với các Phúc Âm.

Các câu hỏi ôn tập

  1. Khi nói “có một sự đa dạng Kitô học” trong Tân Ước có nghĩa gì?
  2. Đâu là những điểm nhấn trong Phúc Âm Mátthêu, Máccô, Luca và Gioan trong cách hiểu của họ về Đức Giêsu?
  3. Giải thích ý nghĩa của các tước hiệu: Đấng Mêsia, Đức Chúa, Con Thiên Chúa, Tôi tớ Thiên Chúa, và Con Người.
  4. Thánh Phaolô đã giải thích như thế nào về cương vị Đức Chúa của Đức Giêsu trong bài thánh thi gởi tín hữu Philíphê?
  5. Tác giả thư gởi tín hữu Do Thái đã giúp các Kitô hữu tiên khởi hiểu điều gì về Đức Giêsu?
  6. Đâu là một số ý tưởng chính trong Kitô học của thánh Phaolô?
  7. Giáo huấn chính của các Công đồng Nicea và Chalcedon liên quan đến Đức Giêsu là gì?
  8. Tại sao việc duy trì cả nhân tính và thiên tính nơi Đức Kitô là điều quan trọng?

Chuyển ngữ: Nhóm Học viên Dòng Tên

Nguồn: Anthony Marinelli, The Word Made Flesh: An Overview of the Catholic Faith, (Manila, Philippines: Saint Paulus, 1999), 119-134.