HỌC VIỆN THÁNH GIUSE – DÒNG TÊN VIỆT NAM

Maurice Blondel, Tính Tất Yếu Và Tính Siêu Việt Của Hành Động

Luận văn tốt nghiệp
chương trình Dự Bị và Triết Học
tại Học Viện Thánh Giuse – Dòng Tên Việt Nam

Học viên thực hiện
Giuse Trần Ngọc Huynh, S.J.

Giáo sư hướng dẫn
Phaolô Đậu Văn Hồng

Tháng 04 năm 2020

Mục Lục

Dẫn nhập

Suy tư về hành động cũng chính là suy tư về những vấn đề được đặt ra trên phương diện tư tưởng, trên bình diện thực tiễn và dưới khía cạnh niềm tin. Trước hết, nếu có một tư tưởng về cuộc sống, thì tư tưởng ấy phải khởi đi từ chính hành động. Cuộc sống đưa đến những lý thuyết hợp lý hay không cũng phải được kiểm chứng qua hành động. Hành động vừa gần gũi nhưng vừa không dễ dàng có thể gói ghém trong một định nghĩa, một phạm trù hay một lý thuyết. Hành động vừa là điểm khởi vừa là điểm đến của suy tư nơi con người vì dẫu là một tiến trình suy nghĩ, nhưng cuối cùng cũng phải đưa đến hành động; thậm chí có thể nói, suy nghĩ đồng thời cũng là một hành động. Thứ đến, về phương diện thực tiễn, đứng trước những vấn nạn trong phận người, về chiến tranh, về đau khổ hay nghèo đói…con người đặt ra những câu hỏi về ý nghĩa cuộc đời, về tự do và hạnh phúc. Người ta vẫn phải sống, phải hành động, chịu phán xét, như trăn trở: “Người ta hành động nhưng không biết hành động là gì…nhưng phải chịu phán xét bởi hành động.”[1] Lại nữa, nơi hành động luôn tồn tại một khoảng cách khôn dò, giữa thực tại và hiện tượng, giữa lý trí và niềm tin, giữa khoa học và tôn giáo, làm cho con người không thể không thao thức. Trong khi đó, hành động vẫn luôn là một diễn trình gắn với phận người, là quá khứ hiện tại và tương lai, qua hành động, con người “gieo vãi tương lai nơi chính hiện tại.”[2] Vậy nên, hành động vốn là một vấn nạn cần suy tư trong triết học. Tuy nhiên, hành động lại bị quên lãng trong dòng tư tưởng triết học. Chỉ đến khi trở thành đề tài trong luận án tiến sĩ của Maurice Blondel, triết gia người Pháp, hành động mới được chú ý tới. Ông đã khẳng định: “Chỉ có hành động mới nói đủ về hành động, chỉ có hành động mới định nghĩa đúng về hành động.”[3] Qua khảo luận tỉ mỉ và thấu đáo về hành động, Blondel đã mở ra một lối nhìn mới về triết học hành động, cũng là một cách tiếp cận về phận người.

Hành động cũng là chủ đề mà bài luận xoáy sâu để khám phá ra tính tất yếu và siêu việt của nó. Đề tài đến từ thao thức của người viết về vận mệnh con người vốn gặp được nơi tư tưởng của Blondel một sự thôi thúc lên đường và dấn thân để đi vào lãnh hạt nền tảng nhất của con người – hành động. Khi tiếp cận tác phẩm của ông, cho đến cuối cùng, bài luận nhắm tới khảo sát cơ sở để lượng định: phải chăng để sống vận mệnh của mình, hành động đối với con người là tất yếu và hành động ấy mang tính siêu việt nội tại? con người, ngang qua hành động thích đáng, có triển vọng đạt tới sự hoàn thiện không?

Để chứng minh luận đề trên, bài luận tiếp cận tác phẩm trong bối cảnh và nền tảng triết học hành động để làm nổi bật vấn nạn hành động trong chương 1; chương 2 cho thấy tính tất yếu của hành động nơi vận mệnh con người; và sau cùng, cho thấy bản thân hành động ấy chỉ được thúc đẩy tới sự hoàn thiện nơi siêu việt tính thể hiện rõ hơn cả trong ước muốn con người ở chương 3. Mục tiêu của bài luận trước hết nhắm tới hiểu tư tưởng của Blondel; đồng thời, cho thấy nỗ lực nối kết giữa thần học và triết học, giữa đức tin và lý trí, khoa học và tôn giáo, siêu nhiên và tự nhiên, là những phạm trù vẫn còn giá trị cho cuộc sống ngày hôm nay. Từ đó, người viết hy vọng được mở ra trong một viễn ảnh khả dĩ đượm tính triết học của Blondel về hành động để có thể đạt tới sự hoàn thành vận mệnh của chính mình.

Chương 1: Vấn đề hành động

Hành động, một vấn đề bị quên lãng

Sơ lược bối cảnh triết học cuối thế kỷ XIX

Cho tới thế kỷ XIX, Âu châu chạm tới bức tường của những vấn nạn thời đại: chiến tranh, các cuộc cách mạng, sự suy vong và mất niềm tin vào những cơ cấu vững chắc nhất như Giáo hội Kitô Giáo. Dòng lịch sử triết học cận đại đã phải đối diện với thực tại cuộc sống và bị khựng lại trước những nan đề của đời sống con người. Nền triết học có bề dày lịch sử vẫn chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi tư tưởng của Kant về phương diện triết học và đạo đức[4] có những hướng phát triển mới. Phái tân-Kant nhấn mạnh chiều kích lý trí thực hành xét như quy tắc sống; khuynh hướng hiện sinh tìm cách dấn thân vào hành động để đáp trả nhu cầu thực tại; chủ nghĩa thực dụng đòi buộc đi vào hành động với hiệu quả tức thời.

Ở Pháp, ba dòng tư tưởng nổi bật trong giai đoạn này là chủ nghĩa thực chứng, chủ nghĩa duy tâm, chủ nghĩa duy linh đi liền với sự hình thành hiện tượng luận của Husserl. [5] Tình cảnh hậu chiến đã khiến cho các nhà tư tưởng thao thức về cách thế hành động nhập cuộc vào cuộc sống, tìm kiếm một chỗ dựa sau những ngày tháng điêu linh mà đỉnh cao là những cuộc tranh luận về vận mệnh con người. Tuy vậy, các triết gia vẫn loay hoay với định nghĩa về hữu thể, về luân lý, về tự do và về phận người nói chung mà quên đi hành động thiết yếu. Thực ra Aristotle đã từng khai mở vấn đề hành động khi đưa ra ba loại hình hành động là làm (make), thực hành (practice) và chiêm niệm (contemplate), trong đó chiêm niệm là hành động đạt mức cao nhất; [6] hành động cũng là cuộc sống mang chiều kích chiêm niệm. Tuy vậy, từ sau thời Aristotle cho tới Blondel, vấn nạn về hành động lại không được bàn tới.

L’Action, một nỗ lực phê bình cuộc sống và phân tích khoa học về thực hành

L’Action ra đời như là một “quả bom tri thức” đối với giới trí thức phương Tây nói chung và giới học giả Pháp nói riêng. [7] Chính qua tác phẩm này, Maurice Blondel (1861-1949) đã bước ra khỏi hậu trường tri thức để đi vào diễn đàn của triết học và trở thành nhân vật vừa gây tranh cãi, lại vừa có ảnh hưởng mạnh mẽ.[8] Bằng nỗ lực phi thường[9], Blondel đưa ra hướng giải quyết cho vấn đề về hành động. Đó là sự kết hợp giữa phương pháp phê bình, suy tư sáng suốt và tinh tế về hành động với những phân tích tỉ mỉ và thấu đáo mang tính khoa học.

Phương pháp luận mà Blondel sử dụng là phương pháp nội tại vốn xác định những gì con người đang thực sự suy nghĩ, cả trong những mối tương quan chủ thể và khách thể;[10] để “hành động trình diện chính nó như nó là trước chúng ta;”[11] và tiếp cận với hữu thể ngang qua sự phản tỉnh phê phán trên chủ thể. Nếu như Kant đã phân tách giữa tư tưởng và hữu thể, giữa lý thuyết và hành động thì Spinoza đã nhắm tới việc vượt qua vực thẳm giữa tư tưởng và hiện hữu.[12] Blondel đã tiếp bước Spinoza nỗ lực nối kết giữa tư tưởng và ý muốn, tư tưởng và hành động. L’Action quả thực là một tác phẩm đặt nền tảng trên khoa học để phê bình về cuộc sống, khoa học về thực hành. Với Blondel, vấn đề hành động cần được nhìn nhận một cách khoa học mà không có bất kỳ định đề hay giáo huấn đạo đức nào ép buộc người khác chấp nhận. Mục đích của Blondel là để cho thấy chỉ có hành động mới đủ sức nhận ra và định nghĩa về chính hành động.

Chỗ đứng của triết học về hành động

Qua Blondel, triết học về hành động được nhìn nhận với sự tự trị của nó trong dòng Triết học. Triết học về hành động cũng đã định hình chỗ đứng của Blondel trong dòng tư tưởng nhân loại. Với Spinoza, ông trở thành người kế thừa xuất sắc phương pháp nội tại [13]; với Kant, ông trở thành kẻ phê phán vĩ đại về phương pháp biện chứng siêu nghiệm và phê bình lý trí thực hành[14]; cùng với Henri Bergson, ông trở thành người phát huy phương pháp hiện tượng luận vốn mới được Husserl khai mào ít năm trước đó; với giới thần học Kitô giáo, ông trở thành kẻ đặt lại lối tiếp cận đức tin tận căn[15]. Tất cả nằm ở phương pháp phê bình về cuộc sống và khoa học về thực hành. Khi nghiên cứu về phương pháp phê bình của Blondel, McNeill cho rằng mục đích cuối cùng của tinh thần phê phán là để thấy lối nhìn vượt trên tư tưởng và mọi ngành khoa học; giúp người ta có thể khám phá nơi tính liên tục và hợp nhất của mọi ngành khoa học cũng như sự giới hạn tuyệt đối của chúng. Lối nhìn này theo Blondel hệ ở hành động.[16] Hành động được cho là chìa khoá để giải gỡ các lý thuyết và là điểm giao để con người định hình chỗ đứng trong vũ trụ. Một mặt ông nói về tính tự trị của triết học đối với cuộc sống; mặt khác, ông đã kết nối triết học với cuộc sống bằng một phương pháp biện chứng, đồng thời phê bình chính khoa học về thực hành. Triết học hành động của Blondel là một nghiên cứu hàn lâm tìm ý nghĩa của sự hoàn thiện đời sống và hành động của con người.[17]

Hành động, một vấn đề mang tính triệt để và bao trùm

Uyên nguyên hơn vấn đề luân lý

Blondel đã mở đầu công trình của mình với câu hỏi mang hơi hướng hiện sinh: “Phải chăng đời sống con người có một ý nghĩa? Có một vận mệnh cho cuộc sống hay không?”, câu trả lời là không nếu như luân lý là sức mạnh bên ngoài bắt ép con người. Con người luôn gắn với một nền luân lý xã hội và dường như con người có xu hướng giải quyết vấn đề hành động bằng cách phớt lờ, ém nhẹm đi hay bỏ mặc nó như một sự cất đi gánh nặng lương tâm khi nại tới những thực tại mầu nhiệm.[18] Đó là một kiểu nại tới luân lý để bằng lòng với hành động không ý thức.

Blondel chứng minh rằng, đạo đức không hẳn là yếu tố quyết định, bởi vì chính đạo đức cũng chỉ xuất hiện như một chặng trong biện chứng mà thôi, trong khi tự nó, biện chứng nhắm tới mục đích cao hơn và rộng hơn, đó là cách hiểu về nền tảng siêu hình và tôn giáo nơi hành động con người xét trong tổng thể. Ông tiếp cận hành động con người với sự tự do của ý thức trong cuộc sống, mà điều kiện đầu tiên là tạm để qua một bên những giáo huấn thuộc về đạo đức.[19] Ở đây ta đọc thấy phương pháp siêu nghiệm của Kant và biện chứng pháp của Hegel. Blondel cũng tự nhìn nhận: “Tính tiềm tàng của cuộc sống thì cao hơn nhiều so với những gì mà Kant hay Spinoza từng thấy.”[20] Như ông đã khẳng định, không có vấn đề đạo đức hay siêu hình nào có thể giải quyết đơn lẻ, cũng chẳng có tính luân lý đứng bên ngoài chân lý. Mục đích sau cùng của Blondel là để chỉ ra rằng không có nền đạo đức tự nhiên nào, không có dòng chảy triết học tách biệt nào có thể tách khỏi tôn giáo và siêu nhiên. Ông hướng tới tới phương thức hành triết bằng một lối nhìn tổng thể, chứ không hề nghiêng về thần học như nhiều người vẫn quan niệm.[21] Hành động phải trở nên lý lẽ cho tất cả, do đó hành động mang tính nền tảng và đi trước vấn đề luân lý.

Đối lập với triết học về hư vô

Hư vô phải chăng là điểm tới của con người? Blondel đặt phê bình của mình về hành động trong tư thế đối lập với tư tưởng về hư vô của F. Nietzsche. Ông bóc tách, phân tích nhằm tri nhận sự khởi phát và dòng tiến triển của chủ nghĩa hư vô. Tư tưởng cốt yếu của hư vô chủ nghĩa là chối bỏ cái cội nguồn: hiện hữu chỉ có khi con người tạo ra.[22] Về vấn nạn vận mệnh con người, chủ nghĩa hư vô cho rằng câu trả lời nằm ở hư vô (nothingness). Nhưng Blondel chứng minh ngược lại: con người không thể tồn tại từ hư vô; con người không thể phát xuất từ hư vô. Bởi lẽ hành động thì không thể là hư vô. Thêm vào đó con người chịu phê phán bởi hành động của mình. Con người tồn tại với hành động và nếu con người chịu phê phán bởi hành động của mình thì con người không thể là hư vô. Nếu khởi đầu là hư vô thì con người đã không tồn tại. Qua những điều này, Blondel đả kích mạnh mẽ sự tự lừa dối mình, đẩy mình lên một cách phù khiếm, khinh thường người khác của chủ nghĩa hư vô. Ông khẳng định rằng hư vô không phải là con đường của hành động trong vận mệnh con người. [23] Nói mạnh hơn, “không có con đường như thế.”[24] Nhưng phải chăng đưa tất cả vận mệnh con người hay hành động vào lý luận hoặc nại tới niềm tin là có thể giải thích được?

Vượt thắng chủ nghĩa duy lý, duy tín, hàm chứa triết học thực dụng

Người ta có xu hướng giản lược chân lý vào một khung quy chiếu hay khẳng định theo một cấu trúc khô cứng, giới hạn thực tại vào một lối nhìn. Blondel đã cảnh báo nguy cơ này có mặt trong cả triết học. Ông chỉ trích sự giản lược, chủ trương “duy” (ism) trong triết học: “Họ luôn tìm kiếm mối tương quan giữa hữu thể và sự hiểu biết, giữa thực tại và lý tưởng, rồi cho rằng mình có thể xác định các mối tương quan ấy.”[25] Thay vì một khung quy chiếu, Blondel chỉ chấp nhận cái gọi là “một điều nào đó”[26] (something) làm tiền đề cho phương pháp nghi ngờ triết học theo kiểu của Descartes. Qua đó ông chỉ trích đích danh chủ nghĩa duy hiện tượng, chủ nghĩa phê phán và chủ nghĩa duy tâm là chỉ tiếp cận đối tượng một cách phiến diện để rồi tin vào đó một cách ngây ngô, chấp nhận tất cả mà thực ra không thực sự biết đó là gì. Có lẽ ông chịu ảnh hưởng từ Descartes khi nói: “Trên thế gian này, trong chính tôi, bên ngoài tôi, tôi không biết rõ nơi chốn nào cũng không biết rõ điều nào, tôi chỉ biết một điều nào đó mà thôi.”[27]

Blondel cũng phản ứng lại hai nhóm chủ nghĩa duy lý và chủ nghĩa duy tâm, chủ nghĩa hiện sinh và triết học thực dụng. Nếu như triết học duy lý và duy tâm tập trung suy tư vào lý thuyết và những tư tưởng trừu tượng, siêu hình đưa tới sự xa cách hành động, thì trào lưu hiện sinh, thực dụng và cả tư tưởng về hoạt động của Marx lại thôi thúc con người nhập cuộc vào hiện hữu bằng hành động, đưa đẩy hành động ra phía trước nên không để cho hành động có cơ hội phản tỉnh. Hành động chính nó biện minh cho nó và trở nên hiện hữu bởi nó.

Bên cạnh đó, Blondel còn đối kháng với chủ thuyết duy tín khi cho rằng: “Vấn đề vận mệnh con người không thể nào chỉ trả lời bằng một hiểu biết ngây ngô, nại tới các tư tưởng tôn giáo mà thiếu đi sự suy xét và hiểu biết.”[28] Hành động cần phải được luận bàn cách triệt để mà không định kiến theo nền luân lý cố định. Blondel chống lại một hành động luân lý bởi giáo huấn: “Chúng ta phải chống lại ý muốn của mọi tính luân lý quá tự phụ để giải quyết vấn đề của cuộc sống vốn nhốt mình trong giáo huấn xoàng xĩnh […] hành động thì cao hơn nhiều.”[29]

Như vậy, có thể nói hiện hữu chính là hành động hay nói như các triết gia hiện sinh: hành động đưa con người vào hiện hữu.[30] Vì thế, hành động đi trước và bao trùm địa hạt đạo đức, loại trừ khả thể hư vô, đưa tới thực dụng: thực dụng chỉ đóng góp vào hành động, chứ không thể vượt trên hành động.

Hành động, vấn đề nền tảng cho vận mệnh con người

Hạn từ hành động (action), tất yếu (necessary) và siêu việt (transcendence)

Hành động mang tính phổ quát và tất yếu nơi hữu thể người, đồng thời làm nên yếu tính của con người. Hành động vốn mang chiều kích hữu thể nên không thể định nghĩa một cách quán triệt. Người ta chẳng qua chỉ có thể mon men tiếp cận và để nó tự tỏ lộ trong các khía cạnh khác nhau, đặc biệt qua tính tất yếu của nó. Hành động vừa là một điều gì đó hiển nhiên, nhưng lại là một tiến trình để đạt tới. Trong L’Action, có thể tìm ra hơn ba khái niệm về hành động: hành động như tinh thần sống trong triết học; hành động như nguyên lý tổng hợp của hiện tại; hành động như thúc đẩy không lý do và không đóng khung được.[31] Blondel nhìn nhận hành động rộng sâu hơn tất cả những gì chúng ta có thể nói về nó, nghĩ về nó. Chỉ có hành động mới có thể giải thích về chính hành động. Do đó, hành động vượt qua suy tư đơn thuần hay sự định khuôn tư tưởng.

Tất yếu là từ xuất hiện nhiều trong luận án của Blondel. Tất yếu có thể hiểu là nhất thiết phải như thế, không thể khác được và không thể chối bỏ. Hành động tất yếu theo ông là không tránh được và được xét như yếu tố làm nên con người: “Hành động là một sự tất yếu, tôi nhất thiết phải hành động.”[32] Theo nếp nghĩ thông thường, tính tất yếu luôn được đặt trong tư thế chẳng những đối lập với tự do mà còn triệt tiêu tự do. Ở đây, Blondel cho thấy tất yếu và tự do không những không loại trừ nhau mà còn bổ túc cho nhau trong hành động. Đó là một loại tất yếu đến trước tự do. Tính tất yếu luôn được nhìn nhận trong tương quan với hiện hữu của con người.

Siêu việt là một yếu tính của hành động vì theo lối nhìn của Blondel, hành động một mặt mang tính nội tại, mặt khác lại không thể nhất nhất luỵ phục con người trong vai vế chủ thể, con người quá lắm chỉ là chủ thể đệ nhị. Vì thế, hành động nội tại phải nại tới một sự cộng-chung của hành động ngoại tại, để con người được xét như một chủ thể nhập cuộc vào hành động. Nếu như Marx cho rằng, con người làm chủ lịch sử nghĩa là làm chủ hành động và kiểm soát hành động thì Blondel đáp trả thật mạnh mẽ: “Hơn cả là một biến cố, nó là một sự tất yếu, hành động được sinh ra thậm chí không cần đến tôi”.[33] Con người không thể kiểm soát, tạo giới hạn hay đóng vai chủ thể duy nhất đối với hành động. Đàng khác con người không thể nằm ngoài hành động.[34] Tóm lại, hành động vừa mang tính nội tại, vừa vượt ra khỏi chính nó, vượt lên trên cả tác nhân. Đây là siêu việt tính mà Blondel nhìn nhận và bài viết sẽ bàn sâu hơn ở các chương sau.

Cứu cánh của hành động

Với Blondel, hành động vừa đưa con người đến tận điểm của thế giới nhưng cũng vừa mở ra một một thế giới mới vì chính hành động mở đường cho mỗi hữu thể và kiến tạo thế giới sống. Ngang qua đặc tính bao trùm như vậy, hành động nối kết thuyết tất định khoa học với thuyết tất định thực tiễn.[35] Chính nơi hành động, con người hiện hữu trong thế giới và vượt quá sự chi phối của nguyên lý tất định hiểu theo nghĩa khoa học. Nhưng cũng vì hành động, con người vươn tới tự do và nhờ đó vượt quá thực tiễn mang tính quyết định. Hành động tạo nên sự hiện hữu và cách thế hiện hữu của con người. Hành động (viết thường) kiến tạo thế giới sống và nâng thế giới sống lên tới Hành Động (viết hoa) của sự sáng tạo. Bên cạnh đó, cứu cánh của hành động là đưa vận mệnh của con người đến chỗ thành toàn, nghĩa là một cách cụ thể đưa con người từ khát khao tự do, từ ước muốn tự-túc-tự-mãn (self-sufficient) [36] với ý chí, lý trí và tự do được phú bẩm hướng đến hoàn thành vận mệnh riêng của mình. Thêm vào đó, vai trò của hành động là hình thành hữu thể và phát triển hữu thể.[37] Vì hành động làm nên hiện hữu nên trong việc tháp nhập vào Hành Động, con người cần hành động sao cho xứng danh là người. Chính nhờ hành động mà con người có thể hiện hữu trọn vẹn.

Như vậy, với tác phẩm L’Action, Blondel đã đưa vấn đề hành động vốn bị lãng quên trở thành một chủ đề quan trọng trong triết học. Với ông, vấn đề về hành động luôn có đó nhưng chưa được giải quyết tường tận hay chưa được thực sự bàn tới. Quả vậy, ngay từ phần đầu công trình của mình, Blondel từng nhận định: “Tôi hoạt động, nhưng thậm chí không biết hành động là gì, không ước vọng để sống, không biết chính xác tôi là ai hay ngay cả điều tôi là.”[38] Thật thế, hành động vốn dĩ thật dễ quên có lẽ vì người ta lầm tưởng nó là quen thuộc hay có khi vì người ta chùn bước khi nhận thấy quá khó để định nghĩa. Đó chính là lý do thôi thúc Blondel nghiên cứu về hành động:

Chính ý nghĩa của từ này (Action) và sự phong phú trong nội dung của nó sẽ được vén mở từng chút một. Thật đáng để cho con người thấy tất cả sự cấp bách của cuộc sống, sự hoàn hảo đang bị giấu ẩn trong những công việc của họ, để khiến họ mạnh mẽ, cùng với sự thúc bách để thêm tin tưởng nhằm quyết liệt và can đảm hành động.[39]

So với Kant, với Hegel, với thuyết thực dụng và với thuyết hiện sinh, điểm độc đáo của Blondel là nối kết phân tích khoa học về hành động với phê bình cuộc sống. Nhờ sự nối kết này, ông giúp cho con người nhận ra được mình, biết được mình muốn gì và mình đi về đâu. Bất kỳ cuộc khảo sát khoa học nào cũng chỉ kết thúc khi quay trở về và soi sáng những quy định thực tế cuộc sống.[40] Quả thế, thực tế chứng minh rằng chỉ trong thực hành người ta mới nhìn nhận giá trị của bất kỳ phán đoán hay định luật nào. Chính hành động chất vấn các chủ thuyết mang tính “duy” và vượt ra khỏi sự giới hạn của các chủ thuyết ấy, ra khỏi thách đố chủ nghĩa hư vô, đồng thời bao phủ vấn đề luân lý. Hành động luôn hướng hữu thể trở thành hiện hữu thành toàn, nó gắn với con người và thực thi vận mệnh con người vươn tới cứu cánh của mình nơi hành động. Tính phổ quát, tất yếu và siêu việt của hành động là yếu tố nền tảng cho vận mệnh con người.

Chương 2: Tính tất yếu của hành động

Vấn đề hành động gắn liền với hữu thể người. Chương hai cho thấy tính tất yếu của hành động cũng luôn đặt trong mối tương quan với hiện hữu tất yếu của con người vốn được thể hiện nơi khắc khoải thẳm sâu trong con người hiện sinh, nơi những lý lẽ trong hành động và vận hành nội tại nơi hành động.

Hành động và hiện hữu

Nỗi khắc khoải căn bản của kiếp người

“Con người là gì? Ý nghĩa của tồn tại là gì?” vốn là những vấn nạn đặt ra cho con người ở mọi thời. Nỗi khắc khoải ấy luôn gắn liền với hiện hữu. Về phương diện xã hội, vấn đề này gây nên biết bao suy tư cho con người khi đối diện với tình trạng chiến tranh, nghèo đói, phân biệt chủng tộc… Trên bình diện cá nhân, khắc khoải trở nên sâu sắc hơn trong khoảnh khắc con người đối diện với những hoàn cảnh ngặt nghèo nhất của phận người, đó là sinh – lão – bệnh – tử. Câu hỏi này được khơi dậy mạnh mẽ hơn vào thời trào lưu hiện sinh lên ngôi. Cùng trong mạch tư tưởng hiện sinh của thời đại mình, Blondel trăn trở về vận mệnh con người và về cách thức giúp sống vận mệnh ấy.

Blondel khởi đầu công trình của mình với trăn trở: “Cuộc đời của con người có hay không có ý nghĩa? Con người có vận mệnh hay không?”[41] Như đã nói, đây không hẳn là vấn nạn mới, nhưng chính bối cảnh xã hội, cơ cấu tôn giáo cũng như mối xung khắc giữa đức tin và lý trí đã thúc đẩy Blondel đi tới một khảo sát thấu đáo về nỗi trăn trở của thời đại. Đặt ra câu hỏi này cũng có nghĩa là khởi xuất một cuộc tìm kiếm con đường cho cuộc đời. Người ta ủ ấp câu hỏi ấy trong tâm tư không có nghĩa là dừng lại nhưng là tiếp tục sống cuộc đời hiện sinh của mình. Họ vẫn phải hành động, vẫn phải tiếp tục đối diện với những chọn lựa của cuộc sống. Blondel cho rằng ngay cả khi không làm gì thì bất cứ ai cũng đã chọn lựa hoạt động một cách nào đó. Bên cạnh đó, trong con người luôn có một mối căng thẳng giữa những gì tôi mong muốn trở thành với điều mà tôi đang là. Đây chính là điểm gây nên nỗi sợ hãi đối với con người: điều mà Kierkegaard gọi là khắc khoải (anxiety), Heidegger nhìn nhận như là sự đào nhiệm hay trượt ngã của Dasein.[42] Với Blondel, đó chính là sự bất cân xứng trong hành động của mình “giữa những gì tôi biết, tôi sẽ là và tôi làm, cùng nỗi sợ những hành động khiến tôi đánh mất chính mình, nhưng không trốn thoát khỏi mình, trong khi mình vẫn là mình và sẽ luôn trong tiến trình trở thành mình.”[43] Đây là một sự giằng xé nội tâm con người. Để giải quyết vấn nạn này, với Kierkegaard, lo âu và sợ hãi trước khoảng cách vô tận giữa hữu hạn và vô hạn chỉ có thể thắng vượt nhờ bước nhảy của niềm tin để rồi không cần đến luận lý mà vẫn có giải pháp cho sự dày vò của tinh thần,[44]. Còn đối với Blondel, kể cả đức tin cũng phải được tiếp cận khởi đi từ hành động bởi vì bản chất đức tin chính là một hành động của chọn lựa.

Blondel còn cho rằng mọi thứ trong cuộc sống đều làm phát sinh những vấn nạn. Có thể hiểu những giới hạn của phận người là những nguyên cớ phát sinh những vấn nạn ấy. Thật vậy, cuộc sống vốn dĩ khá phức tạp với sự đan xen của nhiều khía cạnh hay lãnh vực khác nhau trong một vấn đề như Blondel từng nhận định: “Mọi câu hỏi đều quy về giá trị cuộc sống, từ chính thực tại của hiện hữu vốn pha trộn giữa khoa học, luân lý và siêu hình học. Đó là vấn nạn của con người tổng thể.”[45] Tuy vậy, nói cho cùng, hành động bao trùm hiện hữu. Hành động là khai mào hiện hữu và dấn bước vào hiện hữu nên con người tất yếu hiện hữu, nhất thiết hiện hữu. Hữu thể con người có thể bị cho là bất tất nhưng hiện hữu là tất yếu. Mà tất yếu của hiện hữu chính là hành động. Bởi thế, nếu hành động có giải quyết nỗi khắc khoải căn bản của kiếp người thì cũng là điều tất yếu.

Nhưng làm sao biết được vận mệnh và hành động thế nào để đạt tới vận mệnh ấy? đó là câu hỏi mà cả tác phẩm L’Action đi tìm kiếm. Ở đây, có mối tương quan giữa thuyết định mệnh và sự hiện hữu con người.

Thuyết định mệnh và hành động

Nếu hiện hữu của con người là tất yếu thì thử hỏi con người có tự do để là mình nữa không? Con người có hoàn toàn tự do để hành động không? F. Nietzsche ngay từ ban đầu đã phủ nhận sự tự do nội tại nơi con người khi cho rằng con người bị ném vào thế giới này mà không có tự do để nói không và ông chọn thái độ sống phản kháng bằng cách phá bỏ hết mọi nguyên tắc để tự mình sống như là chính mình. Kant thì nại tới mệnh lệnh tuyệt đối để xác định đâu là động lực thúc đẩy của hành động. Với Blondel, ông tiếp cận thuyết định mệnh và hiện hữu con người trong một cung cách giữa hai lằn ranh. Một mặt ông cho rằng con người chung chia định mệnh với mọi sự vật ở trong không gian và thời gian. Nhưng mặt khác, ông cho rằng con người nhận chịu sự chi phối bởi một định mệnh không tuyệt đối. Điểm làm cho con người không bị chi phối một cách tuyệt đối bởi định mệnh đó là hành động. Chính hành động làm nên hiện hữu của con người trong vũ trụ, với không gian và thời gian. Hành động cho phép con người vươn ra khỏi những gì là định luật, giới hạn của tự nhiên.

Con người được quy định trong không gian và thời gian nên luôn sống trong sự giằng co giữa xã hội tính và cá nhân tính, giữa yếu tố nội tại và ngoại tại, đồng thời cũng luôn trong tư thế của một kẻ phải chọn lựa. Cuộc đời luôn là một chuỗi những chọn lựa. Bất cứ chọn lựa nào cũng nào cũng là hành động, dẫu đó là chọn lựa không làm gì cả. Blondel nhìn nhận rằng: “Hành động là một biến cố, một biến cố chung nhất và liên tục nhất của tất cả, ấy là sự diễn tả trong tôi một chủ nghĩa tất định phổ quát.”[46] Trong triết học của Blondel, biến cố hành động ấy có thể hiểu là “điều nào đó” vốn đã xảy ra, đã sẵn trước trong không gian và thời gian, đã từng ghi dấu trong lịch sử. Hành động là chung nhất và liên tục vì như đã nói, bước vào cuộc đời thì đã có hành động. Hành động luôn tất yếu nơi con người vì thế hành động xét cho cùng là biểu hiện nơi con người một sự tất định phổ quát. Blondel đi xa hơn, ông còn cho thấy một lối nhìn khác nữa về hành động: hành động còn vượt trên cả biến cố, thậm chí hành động nảy sinh mà không cần đến con người, nghĩa là vượt trên sự can dự của con người. Về điểm này, những ai đã quen với chủ nghĩa của Marx sẽ cảm thấy khó chấp nhận. Đối với Marx, con người làm chủ hành động, hành động là cách mạng, con người hành động để đưa đến tự do. Chính vì đối kháng với tư tưởng của Marx mà Blondel từ đầu cho đến cuối tác phẩm L’Action đã vận dụng luận lý đưa lên chiều kích siêu việt nơi hành động và giúp chúng ta hiểu hành động chẳng những vừa mang chiều kích nội tại, tự trị, nhưng còn như cưu mang một lực vươn lên một sự siêu vượt. Lại nữa, hành động luôn mang chiều kích của niềm tin. Con người không thể nào kiểm soát được hành động: Tôi hành động nhưng tôi không thể biết trọn vẹn kết quả của hành động; tôi chỉ có cái nhìn tiền kiến, một tiên thiên về hành động; tôi không thể kiểm soát nổi diễn trình của hành động.

Hành động bao trùm đời sống con người và định hình cuộc sống của họ. Hành động đã từng diễn ra trong quá khứ luôn trong mối liên kết với hiện tại và trong tiến trình kiến tạo tương lai của con người. Hành động là một đòi buộc, nó phải được con người đưa ra, ngay cả khi đó là một chọn lựa đau đớn, một hy sinh hay thậm chí là cái chết.[47] Với thân xác và lý trí, con người luôn trong tư thế sẵn sàng hành động. Đó là tính tất định của hành động nơi con người. Vì thế, không thể có chuyện con người dừng lại để không hành động gì cả. Như vậy, thử hỏi có một lối mở nào cho con người sống cuộc sống của mình bằng chính hành động của mình không? Đây là điểm đưa dẫn Blondel tới chỗ khai triển cái gọi là lằn ranh bên kia của nguyên lý tất định. Lằn ranh ấy được trả lời qua chính sự hiện hữu và cách thế mà một hữu thể diễn tả và để mình trở thành hiện hữu.

Hành động, câu trả lời cho hiện hữu

Đối với Blondel, hiện hữu của con người luôn là một huyền nhiệm. Huyền nhiệm ở đây có thể hiểu là có những điều ẩn giấu ở nơi thẳm sâu chính nội tâm con người mà được bộc lộ qua hành vi bên ngoài. Để đối diện với sự thẳm sâu đó, con người cần đi vào trong chính hành động của họ để nhận ra ý nghĩa sâu xa của hành động ấy.

Blondel đã từng nêu lý do để nghiên cứu về hành động là để thấy những thúc đẩy ngầm ẩn trong tự thân hành động.[48] Thật thế, hành động luôn ẩn chứa nhiều yếu tố tiềm tàng thôi thúc con người lên đường. Lực ấy đến từ chính yếu tối nội tại của con người, làm toát lên hình ảnh của con người. Điều này phần nào tương ứng với quan niệm của các nhà hiện sinh khi họ cho rằng “chính con người tạo nên hiện hữu của mình”. Ở đây, hành động nói lên rõ hơn cả sự có mặt của con người trong cuộc đời này. Quả thế, theo Blondel: “Chính nhờ việc quan sát các hoạt động của mình chứ không phải nhờ tư tưởng của chính mình mà con người mới hy vọng nhận ra mình như chính mình và để làm nên chính con người mà họ thực sự mong muốn.”[49]

Tuy nhiên, Blondel cũng nêu ra một sự khó khăn để sống là chính mình và hành động là mình. Dưới áp lực ngoại tại, con người đôi khi sống và hành động không còn là mình; sống chỉ là một sự thoả hiệp với ngoại trị. [50] Thực tế cho thấy con người chịu chi phối bởi cái nhìn người khác, khiến cho họ chịu áp lực và cuộc sống đôi khi chỉ là tô vẽ một hình ảnh đẹp nhưng không có thật nơi mình, hay chỉ để làm hài lòng người khác bất chấp đúng sai. Blondel còn cho rằng bất kỳ hoạt động hướng tới hoàn thiện nào cũng cần phải hành động, phải lao tác cho dầu phải nhận chịu khổ đau, bị thôi thúc bởi đam mê hay gặp phải đối kháng. Chính trong hành động tự nguyện, con người vận dụng khuynh hướng hướng thiện của mình để chọn lựa sự thiện. Ngang qua sự vận hành tự nguyện, dường như con người đạt được một sự hiểu thấu về chính mình. Hành động cũng tạo nên nền tảng đời sống cá nhân của chính con người đồng thời đưa con người tiến lên phía trước trong tiến trình thành toàn.[51]

Cũng nơi nội tại con người luôn có sự phân mảnh bên trong: những điều tôi muốn làm và những điều tôi làm. Blondel nhìn nhận rằng, chỉ qua hành động chúng ta mới có thể xác định được chính mình,[52] biết mình có thể vượt qua hay không vượt qua được những đam mê hay những chống đối bên trong chính mình. Ông còn nhận định rằng: “Bao lâu chúng ta không hành động, chúng ta không thể biết về chính mình, khi ấy chúng ta sống và suy nghĩ như thể trong một giấc mơ.”[53] Chính qua hành động, con người mới trải mình và vươn ra bên ngoài khuôn khổ cá nhân.

Hành động còn được coi như tấm gương giúp cho con người có được hình ảnh khả giác về bản chất hay hiện hữu của của mình. Thật vậy, mỗi khi hành động, con người hành động vì một số điều nào đó lớn hơn những gì họ nghĩ.[54] Con người có thể có những suy nghĩ hay thậm chí những ảo tưởng về bản thân mình, nhưng chỉ qua hành động con người mới hiện hữu như mình là. Qua hành động người ta có thể khảo sát con người rõ hơn và thấu đáo hơn là khảo sát qua tư tưởng. Bằng hành động, con người khẳng định sự tồn tại của chính mình, đồng thời cho thấy sự sống động của chính mình, dẫu cho sâu xa hơn trong mỗi hành động là một sự ràng buộc để trả lời cho con người về điều mình là và sẽ trở thành. Qua hành động, con người biết mình và dần dà đi tới vận mệnh đích thực của mình ngang qua thử thách, ngang qua sự đáp trả bằng hành động.[55] Blondel còn chứng minh về cả niềm tin của mình xét như là hành động: hành động chứng minh giá trị của niềm tin.

Vấn đề đặt ra tiếp theo là hành động có đối nghịch với tư tưởng như nhiều người vẫn hiểu không? Có còn lý lẽ cho hành động vốn đã là tất yếu không?

Hành động và lý tính

Hành động dưới góc độ hiện tượng luận

Ngay từ đầu, Blondel cho rằng hành động chứa đựng lý tính trong những cấp độ khác nhau. Cấp độ ở đây được hiểu là các khía cạnh của con người: từ lý thuyết đến thực tiễn cuộc sống; từ lãnh vực sinh học, tâm lý, tâm linh đến các bình diện cá nhân, xã hội…

Khi phê bình cuộc sống, Blondel đi từ lý thuyết đến những thực hành khả dĩ kiểm chứng, từ bình diện tư tưởng sang bình diện thực tiễn. Phương pháp khoa học ông vận dụng cho triết học hành động gồm hai phần: phần chung giống như với mọi khoa học và phần riêng dành cho phân tích khoa học về thực hành. Khoa học nào cũng dựa vào sự quan sát một chuỗi những biến cố có liên hệ với nhau. Riêng khoa học về hành động lại khác ở chỗ có sự đồng nhất giữa chủ thể và khách thể của sự quan sát: người nghiên cứu đề xuất giả thuyết để thẩm tra chính kinh nghiệm của riêng mình, người ấy giải thích điều chính mình trải nghiệm. [56] Từ cả hai phần, ông tiếp cận hiện tượng hành động dưới phân tích khoa học chặt chẽ từ ảnh hưởng toán học, vật lý, đến tâm lý; từ mức độ cá nhân đến cộng đồng và nhân loại. Trong từng cấp độ, ông áp dụng lý thuyết vào hành động và cho thấy tính bất túc của từng ngành, đẩy tới việc không thể không bàn tới phổ quát và siêu hình. Cho đến lúc này thì khoa học gặp giới hạn.

Cơ sở cho khoa học là tương quan giữa triết học và cuộc sống. Blondel cho rằng có một mối phụ thuộc hỗ tương: các ý tưởng hướng dẫn hành động, nhưng thân thể lại tôi luyện các ý tưởng và giúp cho con người thiết lập chính bản thân mình dựa trên nền tảng của thực hành thực tế chứ không phải trên mơ mộng.[57] Thật thế, triết học và đời sống không là con đường một chiều. Nếu cuộc sống rất nên học hỏi từ nơi triết học, thì triết học cũng cần phải hỏi từ nơi cuộc sống.[58] Một đàng, triết học hay mọi lý thuyết đều cần được chứng minh những gì là thực tiễn, kể cả lý thuyết khoa học. Thực tế của cuộc sống chính là mẫu thử chính xác hơn cả bởi vì chính qua hành động mà con người thể hiện cũng như điều chỉnh những suy tư của mình. Đàng khác, nhờ khoa học về thực hành, Blondel còn dự phóng một kết quả vượt quá sự kiểm soát qua thời gian, đó là vận mệnh tương lai của con người đã bắt đầu hình thành ngay trong hành động hiện tại.

Với phương pháp phê bình nội tại, Blondel chứng minh rằng có sự bất nhất giữa giác quan và hoạt động khoa học. Nguồn vô thức của hành động làm cho các điều kiện lý tưởng của khoa học trở nên chông chênh. Dầu vậy, hành động là “điểm chính xác nơi mà thế giới của tư tưởng, thể giới luân lý và thế giới của khoa học gặp gỡ nhau.”[59] Con người hành động không là Cogito trống rỗng và trừu tượng theo kiểu của Descartes; cũng không phải là một thực tại mù mờ, một hiện tượng hão huyền và một vật tự thân không thể nhận biết. Con người là chủ thể được kinh nghiệm lấp đầy, vừa là hiện tượng vừa là vật tự thân, vận dụng cùng một lúc cả lý trí thuần tuý lý thuyết lẫn lý trí thực hành. Hành động đi xa hơn một Cogito được lấp đầy với kinh nghiệm; nó vừa là noumenon (tinh thần) và phenomenon (hiện tượng), cả lý trí thuần tuý và lý trí thực hành.[60] Giống như Kant, Blondel thừa nhận nhu cầu đối với một tổng hợp một tiên thiên, nhưng khác với Kant vốn tin rằng cần thiết để đặt ra định đề sự tồn tại của vật tự thân, Blondel khám phá ra một tổng hợp siêu nghiệm trong hiện tượng được biết trực giác một cách trực tiếp và trung gian về hành động.[61]

Không thể phủ nhận tính siêu nhiên hay siêu hình trong luận lý, nhưng chỉ nơi hành động, hành động mới được diễn tả chân thực về chính nó. Theo Blondel, một chứng cớ mà chỉ là một lập luận logic thông thường thì luôn ở trong tình trạng trừu tượng và có tính nghiêng chiều mà không dẫn tới hữu thể.[62] Hay nói cách khác, nếu chỉ dừng lại ở mức độ lập luận logic thì hữu thể không hiển lộ như nó là được, nhưng chỉ qua hành động hữu thể mới tỏ lộ. Do đó hành động trở thành một căn cứ phê bình tất yếu cho chính hiện hữu và về cuộc sống.

Lý lẽ của hành động

Với Blondel, vì mỗi hành động đều có lý tính nên mọi khía cạnh của cuộc sống cũng phải được tìm hiểu lý lẽ dựa trên hành động.

Khi đặt hành động làm giải pháp cho nỗi khắc khoải của phận người và làm nên tính chất và ý nghĩa hiện hữu của một người, hành động ấy phải có những lý lẽ của nó. Thực ra, không phải ai cũng nghĩ như vậy. Với Kierkegaard, hành động có thể có lý lẽ nhưng lý lẽ ấy bị giới hạn khi đụng chạm tới một hố ngăn cách giữa đức tin và lý trí. Với đức tin thì người ta không thể nại tới lý lẽ trọn vẹn được.[63] Quan niệ tion, 52ian này, trong chính tôi, ngoại tại nơi tôi tôi không biết ở đâu hay điều gì khác, tôi chỉ biết có một số điều nào đó”m này vẫn luôn hiện diện trong tâm trí của nhiều người, từ thời Ánh sáng, cho tới những khủng hoảng về luận lý đức tin Kitô giáo thời Blondel và thậm chí cho đến ngày hôm nay. Nhưng như đã từng bàn, đây cũng chính là điểm đã thúc đẩy Blondel trình bày luận đề của ông và cũng là đóng góp rất lớn đối với Công giáo trong việc nhìn nhận một bộ khung tồn tại đồng thời giữa đức tin và lý trí; đồng thời làm cho Blondel trở thành người của Công đồng Vaticano II mặc dù ông sống trước đó cả gần một nửa thế kỷ.[64] Blondel cho rằng cho đến tận cùng thì đức tin cũng phải là một hành động với lý lẽ tận căn của nó.

Đức tin vốn là một hành động, một chọn lựa. Mà đã là hành động thì cũng phải được khảo sát bằng phương pháp phê bình cuộc sống và cũng cần được tra cứu cho tới tận căn, cho tới ngọn nguồn. Đức tin hiểu một cách nào đó luôn là hành động trong tư thế giằng co. Đúng hơn, vị trí của đức tin là ở nơi khoảng cách giữa điều người ta biết và điều nó thực sự là; giữa hữu hạn và vô hạn; giữa thực tại thâm sâu và hiện tượng bên ngoài; giữa thực tại hữu hình và thực tại mang tính huyền nhiệm. Nếu đức tin không có lý lẽ, người ta dễ dàng rơi vào ảo tưởng. Việc tìm kiếm chân lý nhất thiết phải đương đầu với những mâu thuẫn không thể tránh khỏi giữa các phương diện này với các phương diện kia. Blondel quan niệm rằng: “Nếu mọi thứ chỉ nhấn mạnh quá tới một khía cạnh mà thiếu sự mở ra và trao ban thì những gì chúng ta sống thiếu đi tính nội dung bên trong, điều này cũng giống như việc khoác cho Thiên Chúa một vẻ ngoài mà thực ra Người không bao giờ là như vậy.”[65] Với luận lý này, ông tố giác một thứ hành động thiếu lý lẽ vốn là nguy cơ dẫn tới mê tín.

Giống như Bergson bận tâm với sự phân rẽ giữa việc biết về thế giới ngang qua trí thông minh toán học và trực giác tinh thần[66], Blondel quan tâm tới mối căng thẳng giữa khoa học hiện đại và đức tin truyền thống. Blondel nhận thức rằng khoa học hiện đại đã khuyến khích một hình thái hiểu biết giác quan và vì thế đe doạ tới những nền tảng của đời sống luân lý vốn là điều mà ông lập luận là hình mẫu bên trong. Từ lối nhìn này, Blondel nỗ lực tái hội nhất những thái cực của đức tin và khoa học. Để thực hiện việc tái hội nhất này, Blondel quay trở về một sự khảo sát về đời sống luân lý trong cách thể hiện nền tảng nhất của nó-như nó xuất hiện trong hành động.[67]

Phương pháp của Blondel đôi khi là mô tả và truy nguyên; triết học của ông khai triển bởi việc mở ra lối nhìn sâu xa nền tảng của ông về hành động qua phân tích của đời sống thực tiễn, luân lý, kể cả niềm tin tôn giáo.[68] Hành động đều mang lý lẽ trong nó dù ở các cấp độ khác nhau.

Tự do và hành động

Hành động dẫu cho là một điều tất yếu trong việc thực hiện nỗi khắc khoải căn bản của con người, nhưng vẫn được đặt trong tương quan giữa lý lẽ và sự tự do trong ý chí. Dầu cho được chi phối bởi nguyên lý tất định nhưng như phần đầu đã chứng minh, đây là một loại tất định không tuyệt đối.

Blondel cho rằng hành động dầu bị chi phối bởi những quy luật tất yếu, dẫu cho là đòi hỏi không ngừng trong việc lôi kéo con người tới vận mệnh của mình, nhưng vẫn có tính tự do. Điểm có thể làm cho hành động có được sự tự do là tri thức phản tỉnh. Thật vậy, Blondel cho rằng sự hình thành cũng như hiệu quả của tri thức phản tỉnh xuất phát từ tính tự ý và sự nhận thức giải phóng chính mình ra khỏi mình bằng việc lý giải về chính mình. Ý chí tự do vẫn tồn tại trong con người và được bao hàm trong mọi hành động được phản tỉnh, đồng thời ý thức tự do cũng chấp nhận tất cả những hệ quả của sự can thiệp của chính nó nơi hành động.[69] Do đó, dầu khởi điểm là chủ nghĩa tất định song nó vượt ra khỏi sự chi phối bởi việc nhận thức về chính mình.

Blondel chứng minh một căn nguyên tất yếu của tự do nơi hành động của con người. Ý thức về hành động bào hàm ý niệm về vô hạn vốn gắn liền với ý niệm tự do: ý niệm vô hạn này giải thích sự ý thức về hành động tự do. Hành động có ý thức tìm thấy sự lý giải của nó và toàn bộ lý lẽ của nó chỉ trong một nguyên lý không thể tránh được đối với những dữ kiện của sự ý thức cũng như đối với những hiện tượng khả giác; đây là ý thức của tính khởi đầu của riêng nó duy nhờ sự quy về một đặc tính vô hạn và siêu vượt khỏi chính nó.[70]

Con người vốn hành động theo chính ý tưởng họ có về hành động trong mức độ họ ý thức về nguyên lý và cùng đích nơi hành động của mình. Một mặt hành động có tự do khi hành động theo lý trí và mục đích. Mặt khác, hành động được nhìn nhận khi ý thức về chính sự tự do trong khi hành động. Đây là ý niệm về sự vô hạn nơi hành động. Nhờ có ý niệm ấy mà con người có nền tảng cho những quyết định tự nguyện của mình: một sự phản tỉnh và tự do cần phải được hành động dựa trên ý thức về tính vô hạn. Vì hành động chứa đựng lý lẽ và ý thức phản tỉnh, một ý thức về tính vô hạn chỉ có ở nơi một hành động tự do nên có hành động tự do chỉ khi ý thức về hành động.[71] Bởi vì hành động là tham dự vào một năng lực vô hạn cho nên muốn có ý thức khi hành động chúng ta phải có ý tưởng về năng lực vô hạn này. Nơi hành động hợp lý luôn có một sự tổng hợp giữa năng lực vô hạn và ý tưởng con người có về năng lực này: tổng hợp này là điều mà Blondel gọi là tự do.[72] Dù muốn hay không, tự do vốn tồn tại cố hữu nơi con người, nhưng con người có thực sự tự do khi hành động hay không thì điều ấy còn tuỳ thuộc vào ý thức con người có về hành động khi hành động.

Như vậy, khi hành động con người trở nên chính mình, nhưng hành động ấy phải là hành động với sự tự do. Có thể nói tự do là một đặc tính siêu vượt và là năng lực vô hạn nơi con người. Tuy vậy, Blondel cũng nhìn nhận về tính phức tạp và đa diện của sự tự do xét như năng lực vô hạn vì nó vốn không xác định được và trong khi hành động, nó dường như tuyệt đối trung lập, nó thúc đẩy nhưng mang tính độc đoán nên cách nào đó năng lực ấy lại là một sự phi lý trí.[73] Do đó, ở đây có thể nhìn nhận một “thuyết quyết định của tự do”.[74] Như thế, mặc dù trong hành động, con người có yếu tố tự trị, nhưng mặt khác, hành động ấy vẫn mang một yếu tố ngoại trị tác động nên nó. Do đó, hành động vẫn là tất yếu với sự tự do. Chính sự tự do này đưa con người tới sự thành toàn của vận mệnh, làm cho hành động tỏ lộ tính tất yếu của nó.

Tính tất yếu của hành động

Nguyên nhân hành động

Nói đến vận mệnh con người là nói đến thân phận được sinh ra, trôi dạt trong cuộc sống và tìm cách hướng về bến bờ hạnh phúc. Nói đến sống cũng là nói đến chọn lựa và từ bỏ, đó là một mối giằng co nội tại trong cuộc sống giữa những ý muốn của con người. Nói đến vận mệnh cũng là chấp nhận hay từ chối một ý niệm về một sự hoàn thiện lôi kéo và thúc đẩy. Hành động xuất hiện từ đó, đi vào thực tại sống mà với Blondel đó là sự tác động kép giữa tính tự trị (autonomy) và dị trị (heteronomy).

Hành động xuất hiện nơi cá nhân hướng tới việc chấp nhận hay chối bỏ tính tự nhiên và siêu nhiên, trong sự tương tác giữa cá nhân và xã hội. Hành động còn xuất hiện như “mối ràng buộc mang tính bản chất” vốn làm nên tính thống nhất của mỗi hữu thể, đồng thời đảm bảo mối liên hệ của cá nhân với tất cả. Hành động đến từ cõi phổ quát và sẽ quay trở về cõi phổ quát. Nhờ việc mang theo “điều nào đó” vốn đóng vai ấn định, chính hành động là điểm hội tụ để cho những gì là tự nhiên, nhân linh và thần thiêng gặp gỡ nhau. Xét cho cùng, con người không phải là chủ thể duy nhất hay đệ nhất của hành động. Hành động có nguồn gốc bao trùm hơn, giúp con người nhập cuộc vào hành động. Nguồn gốc ấy tác động để làm cho con người tiếp nối hành động. Nguồn gốc ấy ở ngoài con người, đến trước con người và làm nên hiện hữu con người.

Là người ấy là hành động. Hành động là đi tìm căn nguyên nỗi khắc khoải và lấp đầy sự trống trải của khoảng cách giữa ước vọng và thực tế. Hành động xét như quy luật nhân quả, do sự hiện hữu của con người nên có hành động. Hành động hiện hữu để giúp con người hiện hữu. Con người hiện hữu nên nhất thiết phải hành động. Đối với Blondel, nhu cầu tất yếu của hiện hữu người là tự-túc-tự-mãn. Nhu cầu ấy luôn thúc đẩy con người hành động với sự vận hành tổng thể để đạt tới nó.

Tính vận hành tổng thể của hành động

Khi xét về mối tương quan giữa hành động của thân thể và yếu tố tâm lý nội tại của con người, Blondel cho rằng, hành động của mỗi người đều mang tính vận hành tổng thể.[75] Tính tổng thể ở đây có thể được hiểu như toàn bộ con người, với tinh thần và thể chất, giữa tương quan quá khứ hiện tại và tương lai. Hành động vận hành tổng thể gắn liền với hữu thể chuyển động.

Mỗi hoạt động là một hệ thống của những năng lực kết hợp lại. Năng lực ở đây hội tụ nơi các thành tố cơ thể và tâm lý. Hay nói theo Blondel, hành động là sự hoà trộn, liên kết giữa đời sống thể chất và tinh thần. Trong hoạt động có điều gì đó còn hơn cả chính hoạt động: vừa có tính tổng hợp tất cả những yếu tố thúc đẩy bên trong con người, vừa có các thành phần cùng vận hành trong sự đối lập trong chính hành động.[76] Hành động người ta thường hiểu chỉ là sự hoạt động của cơ thể. Có người còn cho rằng, hành động đối lập với tư tưởng, suy nghĩ.[77] Tuy nhiên, chính trong hành động, con người tổng thể được phô bày, cả về khía cạnh thể lý lẫn tinh thần, ước muốn, động lực,… Xét về khía cạnh cơ thể, từng hành động là sự vận hành của tất cả các cơ phận hoạt động kết hợp chặt chẽ với nhau và hướng về một mục đích. Thật thế, Blondel nhìn nhận khi phản tỉnh về kinh nghiệm nói chung: di chuyển một bàn tay, bàn chân hay lắc đầu…con người dường như hoạt động mà không biết về những nguồn gốc của bộ máy này. Thật ra làm sao con người có thể thực thi một hành động nếu như từng bộ phận tách biệt nhau. Về phương diện tinh thần, khi hành động, chúng ta còn bị chi phối bởi những ao ước tiềm ẩn và những khát vọng minh nhiên. Nó tồn tại song song với nhau trong một hành động. Quả vậy, con người không thể làm tất cả những điều mình muốn, nhưng thường thì phải làm cả những gì mình không muốn với một thái độ tự nguyện.[78] Tôi có thể tình nguyện hy sinh thời gian của mình để giúp đỡ người khác với ước muốn họ có thể vượt qua được khó khăn, nhưng tiềm ẩn trong đó là ước muốn khẳng định tài năng của mình. Về mặt tự nhiên tôi không muốn mất công sức cho việc đó, nhưng tôi nhận thấy mình không thể không hành động.

Về thời tính, nếu có một tổn thương hay nỗi đau tồn tại trong quá trình hành động thì điều này cũng đến từ một khuynh chiều vốn dĩ đã có mặt ở sâu bên trong con người. Bất cứ điều gì con người có thể quyết định hoặc thực hiện, họ luôn bị gắn vào sự biện hộ cho hành động và nghĩ về nó như một điều gì đó có lý, ngay cả khi nó đối lập với một ý muốn trước đó.[79] Trong một lối nhìn khác, hành động mang tính phi thời gian để đi vào vĩnh cửu. Hành động luôn ghi dấu ấn trong dòng thời gian. Tính vĩnh cửu đi vào hành động và hành động là một tổng hợp của quá khứ, hiện tại và tương lai. Thật vậy, Blondel có lý khi nhìn nhận: “Tất cả những hành động đã trải qua thời gian thì không hề qua đi theo thời gian, giây phút có thể qua đi nhưng những hệ quả hành động hay những công trình của hành động vẫn còn để lại.”[80] Chúng ta có thể minh chứng điều này qua nhiều khía cạnh: hành động của các thi sĩ đã để lại những bài thơ; hành động của các kiến trúc sư để lại những công trình nghệ thuật; hành động phát minh của các nhà khoa học để lại những lý thuyết và ứng dụng cho cuộc sống.

Hành động còn chứa đựng tổng hợp tinh vi hơn nơi việc con người bộc lộ bản thân, trong tiến trình thành nhân và vươn tới sự thành toàn vận mệnh của mình. Hành mở rộng ra với tính tổng thể của những hành vi, từ công việc đơn giản của người thợ thủ công vốn thể hiện ý tưởng của mình ngang qua vật chất bên ngoài, đến tác động của luân lý trên con người qua việc cá nhân hội nhất đời sống thể lý và tinh thần hoà hợp với trật tự cuộc sống. Sâu xa hơn, Henry Dumery cho rằng hành động mà Blondel hiểu còn vận hành tổng thể nơi tính thụ động tích cực của sự chiêm niệm mà qua đó con người cộng tác vào hành động thiêng liêng.[81] Nói theo Aristotle, hành động chiêm niệm cũng là hành động đi vào chiều kích siêu hình và vô hạn của vũ trụ, nhờ đó con người vươn tới hoàn thiện.

Như vậy, hành động có tính vận hành tổng thể nơi con người và là một sự kết hợp với mọi chiều kích nội tại. Điều này diễn ra một cách tất yếu vì con người hiện hữu tổng thể. Vậy hành động vận hành ngoại tại ra sao?

Tính không gián đoạn của hành động

Hành động bao gồm một chuỗi các hành động. Hành động sẽ nảy sinh hành động vì hành động chính là cuộc sống của con người. Thật vậy, Blondel đã cho thấy hành động nảy sinh từ những điều kiện mà từ đó nó kéo theo sự nuôi dưỡng chính nó, rồi tiếp tục phát triển, mở rộng trong môi trường mà nó khởi phát và từ đó sinh hoa kết quả.[82]

Một mặt, hành động xác định sự hiện hữu của con người trong thế giới như đã bàn luận. Mặt khác, hành động cũng mang dấu ấn và là sự vọng lại của những môi trường mà nó bắt nguồn. Nó tiếp tục nảy sinh những hành động kế tiếp và một hành động luôn tự giãn nở ra nơi môi trường. Blondel đã nêu ra thực tế là chúng ta luôn để lại dấu ấn vĩnh cửu qua bước chân của mình vào môi trường nơi chúng ta sống.[83] Vì tự bản chất, hành động sẽ không bị xoá nhoà hoàn toàn. Nó sẽ còn ghi dấu nơi cuộc sống và tác động vào cả vũ trụ. Nó làm dội lại những hành động khác. Do đó, hành động được sinh ra và tiếp tục mở rộng. Có khi nào hành động bị dừng lại hay không? Thưa, ngay cả khi con người cho rằng mình dừng lại thì đó cũng là một hành động chọn lựa. Cho tới cuối cùng, dù có nhận thức được hay không thì chính con người “bị phán xét nơi hành động của mình” như Blondel đã đặt vấn đề về hành động.

Mọi hành động là dang dở. Hay nói cách khác, hành động luôn được nhìn trong viễn kiến của tiến trình đang hình thành. Nói như Blondel, hành động luôn xuất hiện trong tình trạng chuyển dịch liên tục, tức là, nó dường như ở trong tiến trình trở thành (becoming) vĩnh viễn. Lý do cho điều này là hành động luôn được thúc đẩy hướng tới mục tiêu khoả lấp ước muốn tự-túc-tự-mãn vốn đang tồn tại nơi con người.[84] Dĩ nhiên mục tiêu ấy cứ dần mở rộng cho đến khi con người đạt tới sự thành toàn vận mệnh riêng của mình. Hành động vì thế luôn được đặt trong mối tương quan của ước muốn, hành động, vận hành, sản sinh: con người bị lôi cuốn từng chút một hướng tới những bước phát triển mà có lẽ chính họ cũng không thấy trước được, nhưng hoà hợp với sự gợi hứng sâu xa của ý muốn nền tảng.[85] Do đó, tiến trình phát triển các tương quan này là mầm mống cho sự phát triển nội tại nơi hành động, cũng là tiến trình thành nhân của con người.

Qua những gì đã bàn về tính tất yếu của hành động thể hiện qua các khía cạnh khác nhau, chúng ta không thể định nghĩa hành động chỉ qua khoa học và giới hạn hành động vào trật tự tự nhiên. Vì chính khi chúng ta hành động như vậy, hành động của chúng ta lên tiếng và kéo chúng ta ra khỏi khẳng định ấy bằng sự nghi ngờ chính mình, làm cho ta tiếp tục rơi vào khủng hoảng lúc khởi đầu con đường tìm kiếm. Khi nói về hiện tượng hành động, qua từng bước một phân tích chi li, cẩn thận và hết sức thấu đáo và chặt chẽ cho thấy chúng ta phải định nghĩa hành động thông qua khoa học, tuy nhiên, chúng ta không chỉ xác định nó chỉ qua khoa học mà thôi, hay không thể thu hẹp nó vào trật tự tự nhiên được. Nói cách khác, hành động cho dầu có lý trí và được chứng minh chặt chẽ khoa học thì không thể bị giới hạn trong địa hạt vật chất hoá mà khoa học sẽ nhìn nhận. Nó vươn ra xa trật tự tự nhiên thông thường.

Blondel nhìn nhận hành động ý thức tìm thấy sự lý giải của nó và toàn bộ lý lẽ của nó chỉ ở nguyên lý không thể lược gọn vào những dữ kiện của ý thức cũng như hiện tượng khả giác. Ấy là ý thức về sự khởi đầu của chính nó chỉ nhờ việc quy về một đặc tính của vô hạnh tính và siêu vượt với chính nó. Chính vì thế, khi bàn về hành động xét như tính tất yếu trong phận người, ta không thể dừng lại hay giới hạn hành động trong hiện tượng tự nhiên, nhưng hành động còn siêu vượt trong chính nó vì hành động được thực hiện đôi khi cả với những điều chúng ta có thể biết và những điều chúng ta không thể dự liệu.[86] Đối với Blondel, hữu thể không yên vị nhưng luôn trong tư thế lên đường. Đây là điều đưa bài luận tới một điểm không thể tránh được, đó là tính siêu việt nơi chính hành động của con người.

Chương 3: Tính siêu việt của hành động

Hai chương đầu đã bàn về vấn đề hành động và tính tất yếu của hành động. Vì hành động không thể bị giới hạn ở trật tự tự nhiên nên chương thứ Ba là tất yếu: Hành động đi vào Vô hạn, siêu vượt khỏi con người. Đây là tính siêu việt của hành động. Chương này sẽ cho thấy hành động mang chiều kích siêu việt là nhờ vào việc tham dự vào Hành Động Siêu Việt. Tính siêu việt ấy được thể hiện qua ước muốn, tính cộng-chung của hành động và khao khát thành toàn của vận mệnh con người.

Ước muốn và hành động

Tính chất vô hạn của ước muốn nơi hành động

Điều làm cho hành động trở nên siêu việt nội tại đó là ước muốn nơi con người đặt vào hành động. Ước muốn sâu xa hơn cả là hướng về tuyệt đối, vô hạn. Người ta không thể ngừng hành động. Nhưng điều gì khiến họ không thể dừng được? Phần trước đã nói về hành động như một yếu tính của hiện hữu con người. Bản chất của con người không chỉ dừng lại ở tình trạng hiện tại. Hữu thể người cũng không thể bị xác định như một tình trạng nào đó. Nhưng trong con người luôn có một thúc đẩy, một sự thu hút con người vươn tới để thành toàn. Hỏi rằng ước muốn này có thể được định mức không? Blondel nhìn nhận rằng, hiện hữu con người vốn là mầu nhiệm và ước muốn nơi hành động là vô hạn. Vô hạn ở đây đặt trong tương quan với tính giới hạn của con người. Điều này đưa tới mâu thuẫn: con người vốn dĩ giới hạn nhưng lại muốn lấp đầy một môi trường nào đó vô hạn.

Trong phần nói về tự do và hành động, vấn nạn vẫn còn tồn tại là kể cả trong hành động có tự do, thì hành động vẫn vừa mang yếu tố tự trị nhưng vừa chịu chi phối bởi ngoại trị. Blondel đã nói về điểm phức tạp này: “Những gì chúng ta thực sự muốn thì không phải là những gì chúng ta được nhận ra trong mình, nhưng là những gì vượt khỏi chúng ta và làm chủ chúng ta.”[87] Điểm này có thể được hiểu là có những yếu tố con người ngộ nhận là lòng muốn thực sự, nhưng thực ra đó không phải là ước muốn sâu xa và chân thực nhất. Do đó, chính ước muốn cũng có sự chi phối của ngoại trị. Ước muốn này vô hạn và vượt trên những điều mà giờ đây con người có thể nhận thức được. Bằng chứng là, trong thực tế, lúc này tôi có thể ước mong điều này, nhưng trong thời điểm khác với hoàn cảnh khác, tôi thực sự muốn điều khác. Có những ước muốn tôi không ý thức hay dự phóng được trong thời điểm hiện tại. Có những ước muốn hay thao thức hiện tại tôi cũng không thể gọi tên nhưng vẫn tác động mạnh đến tôi. Blondel cho rằng: “Tính ngoại trị của ước muốn này không hề mâu thuẫn với khao khát sâu xa về sự tự do, nhưng nó chỉ gột rửa tự do và đáp lại thúc đẩy của tự do mà thôi.”[88] Có những khi hành động mà tôi thực hiện thuận theo thúc đẩy của ước muốn hiện tại tôi nhận thức được, tuy nhiên khi hành động tôi lại cảm thấy không được thoả mãn. Luôn tồn tại ước muốn nào đó sâu thẳm hơn thúc đẩy con người đi tìm và đạt tới. Nói theo Blondel, ước muốn ấy là làm chủ chính mình, tự-túc-tự-mãn. Chính vì vậy, theo ông thật là vô ích nếu con người cố giới hạn hành động tự nguyện của mình vào ý chí của nó.

Tính siêu vượt của ước muốn nơi hành động còn được Blondel nhìn nhận độc đáo qua sự hiện hữu đặc biệt của con người: “Chúng ta không ở trong không gian và thời gian, nhưng hơn thế thời gian và không gian ở trong chúng ta.”[89] Quả vậy, ước muốn thúc đẩy hành động thậm chí vượt qua những giới hạn tự nhiên của con người. Hành động một lần nữa cho thấy tính giãn nở và phát triển liên tục của nó được thể hiện qua tính chất vô hạn của ước muốn. Thêm vào đó, Blondel cũng đưa ra lập luận về tính siêu việt nơi hành động thể hiện qua tính vô hạn của ước muốn khi nói: “Để muốn chính mình được lấp đầy, độc lập, tôi phải muốn nhiều hơn điều mà tôi đã từng có thể nhận ra.”[90] Quả thế, những gì tôi nhận ra trong ước muốn vươn tới tự-túc-tự-mãn phải có ước muốn lớn hơn, vươn ra khỏi những gì tôi đã biết và nhận thức trong thúc đẩy của ước muốn hướng tới hành động. Do đó, luôn tồn tại một ước muốn vô hạn vươn ra khỏi giới hạn của ước muốn hiện tại. Hay nói cách khác siêu việt tính nơi ước muốn thể hiện qua hành động vẫn đang trong tiến trình trở nên thành toàn. Nhưng nhờ đâu con người khám phá tính vô hạn ấy của ước muốn?

Hành động giúp nhận ra ước muốn

Như đã từng bàn, ước muốn vốn mang đặc tính vô hạn nên có thể nhìn nhận rằng không dễ dàng có thể nhận ra ước muốn thực sự và đâu là ước muốn đang chi phối hành động hiện tại. Thực tế cho thấy, trong khi hành động, chúng ta đi tới ước muốn những điều mà dường như lúc đầu mình không ước muốn, những gì chúng ta không thực sự muốn vì thiếu can đảm hay năng lực và biết những gì chúng ta rất muốn. [91] Do đó, hành động là một phương thế mà qua đó, những ước muốn được diễn tả.

Theo Blondel, trong việc xác định ước muốn nơi hành động, con người không luôn đi theo phán đoán cuối cùng theo sự hiểu biết, nhưng họ luôn chịu ảnh hưởng của tất cả những khuynh hướng và các thói quen của mình. Ước muốn là một diễn trình của chính nó để tiếp tục đi tới ước muốn khác. Chính vì thế hành động giúp làm cho ước muốn hiển lộ nhưng không chỉ một mà còn khám phá ra nhiều ước muốn đằng sau đó. Hơn nữa, chính hành động cũng tạo ra ước muốn.

Hiện hữu con người đòi buộc hành động, hành động là tất yếu và càng hành động, người ta càng khám phá ra những thúc đẩy đằng sau đó là những ước muốn. Hiện hữu của con người luôn được lôi cuốn tới sự hoàn thiện, tự lập. Con người phấn đấu theo ý chí để đạt tới sự hoàn thiện ấy. Tuy nhiên, hành động theo ý chí không đủ sức để đạt tới hữu thể độc lập. Blondel cho rằng: “Hành động luôn phóng vượt hơn những gì mong muốn và đã thực hiện.”[92] Con người ước muốn để hành động và để thực hiện ước muốn đó; ước muốn diễn tả chính nó chỉ trong hành động xác định.

Hành động là tất yếu nơi hiện hữu con người. Hành động giúp ước muốn hiển lộ. Trong khi ước muốn luôn vươn tới sự vô hạn, siêu vượt trên chính con người. Cho nên, một cách nào đó có thể nói nơi hành động và ước muốn vô hạn, con người nhận ra tính siêu vượt nơi hiện hữu của mình một cách tất yếu. Song, hành động mang trong mình siêu việt tính liệu có tương đương với ước muốn vô hạn nơi con người?

Sự chênh lệch giữa hành động và ước muốn

Vẫn luôn tồn tại khoảng cách giữa hành động và ước muốn. Hành động thì tất yếu mà ước muốn thì vô hạn. Ước muốn thúc đẩy và đi trước hành động nên có một sự chênh lệch giữa chúng.

Có một sự phân mảnh bên trong hành động: giữa ước muốn và hoạt động thực tế. Đây là nguyên nhân dẫn đến sự bất nhất trong cuộc sống và có những quyết định không thể thực hiện hay không được thực hiện vì theo Blondel, muốn và làm là hai chuyện khác nhau. Chúng ta chỉ có thể biết chắc về mình khi chúng ta hành động.[93] Tuy nhiên, sự chênh lệch nội tại không đồng nhất với sự bất hoà giữa hành động và ước muốn. Quả vậy, chính sự chống đối và phân mảnh trong cuộc sống lại là chất liệu để người ta có thể khám phá ra chính mình với những khoảng cách tồn tại giữa ước muốn và việc làm, từ đó điều chỉnh hành động thích nghi với ước muốn.

Thực tế chỉ ra rằng chúng ta không thể làm tất cả những gì mình mong muốn, chúng ta không mong muốn tất cả những gì chúng ta phải làm, nhưng rất thường khi phải làm nhưng một cách tự nguyện. Chính vì thế, trong hành động vẫn bao hàm sự mâu thuẫn và chống đối bên trong giữa các ước muốn, giữa khuynh hướng tự nhiên và thực tế. Tự bản chất, con người được lôi cuốn về một hữu thể thành toàn. Blondel đã chỉ ra khoảng cách không thể lấp đầy trong sự trọn vẹn của một con người. Đối với ông, “con người mong muốn để trở nên tự-túc-tự-mãn nhưng họ không thể đạt tới.”[94] Cái chết chính là một kinh nghiệm gồm tóm tất cả. Nơi cái chết, có sự chôn vùi của mọi ước muốn trong hành động. Đồng kinh nghiệm với Heidegger trong quan niệm hữu-thể-hướng về-cái-chết vốn gây nên một sự đau đớn (anguish), con người muốn vượt qua kinh nghiệm này nhưng lại không thể, điều này gây nên nỗi sầu muộn nơi con người.

Chính sự bất túc của hành động trong việc hiện thực hoá ước muốn và sự biện chứng của ước muốn là một minh chứng của siêu việt tính nơi hành động. Hành động dẫu được thúc đẩy bởi ước muốn, cho dù đó là ước muốn có thực sự được con người muốn hay không, thì nó vẫn diễn ra. Ước muốn đưa hành động vươn ra khỏi chính cá nhân, đưa tới chiều kích của xã hội và Hữu-Thể-Tất-Yếu. Trong nỗ lực để làm cho hành động của mình cân bằng với ước muốn, con người đi tới những hình thức đa diện của hành vi mê tín.[95] Ước muốn muốn nỗ lực để làm thoả lòng ước mong của nó nơi hữu thể bằng cách thôi thúc chủ thể hướng tới mục đích xác định; ước-muốn-đã-muốn cộng tác vào những nỗ lực này nhưng duy trì việc không bao giờ thoả mãn.[96]

Con người không thể nào biết rõ chính mình hay người khác. Trong hành động, luôn tồn tại những điều nào đó mà con người chưa từng biết, chưa từng hiểu và chưa từng ước muốn; luôn có một sự bất cân xứng liên tục giữa tự thân đối tượng và tư tưởng của họ; giữa việc làm và ý muốn.[97] Nhưng con người vẫn phải hành động và hiện hữu. Khoảng cách hay lỗ trống trong hành động cho thấy có một sự vật bên ngoài tất yếu lôi cuốn con người sống và hành động tiến tới.

Vậy làm thế nào chính hành động trở nên một nhân tố cho sự hoà giải những đối lập về các ý muốn tồn tại trong chính nó, bằng cách nào nó trở nên yếu tố gắn kết giữa tổng hợp hữu cơ và gắn kết tính cá nhân ý thức?

Tính đồng-hành-động (co-action)

Tính giằng co giữa các chọn lựa trong hành động

Cuộc sống vốn bao hàm một chuỗi những chọn lựa, hay nói cách khác, hành động là tiến trình thực hiện các chọn lựa của cuộc sống. Đứng trước một sự chọn lựa luôn có sự giằng co trong nội tâm con người giữa ước muốn bị muốn và ước muốn con người thực sự muốn nơi hành động.

Blondel sử dụng hạn từ ước-muốn-đang-muốn (volonté voulante)ước-muốn-đã-muốn (volonté voulue) để diễn tả sự phân biệt giữa ước muốn vận hành trong một mức độ sâu đậm và ước muốn vận hành trong một mức độ hời hợt hơn. Cuộc sống đặt ra khả thể của chọn lựa theo hai loại ước muốn vốn tồn tại song song này. Một cách cụ thể đó là chọn lựa theo ước muốn được thúc đẩy tự nhiên hay hành động với ước muốn sâu xa và chân thực của con người. Ước-muốn-đang-muốn mang đặc tính tinh tuyền và căn bản mà Blondel gọi là élan[98] (lực phóng) ban sơ với đặc tính đơn thuần, vững chắc và sâu xa, một dòng chảy ngầm trong hành động. Ước-muốn-đã-muốn mang tính hời hợt với đặc điểm mơ hồ, mang đa sắc thái của diễn tiến trong ước muốn, gồm tóm của những khát khao mang tính duy nghiệm, biểu hiện ít sự vững chắc và không nhắm tới mục đích cụ thể nào. Blondel nhìn nhận vận mệnh của con người xét như hữu thể người phụ thuộc vào sự tác động lẫn nhau của hai ý muốn này. Hai ước muốn này chi phối chọn lựa hành động, tuy vậy ước muốn sâu xa hay ước-muốn-đang-muốn bao hàm nhiều hơn thực tại và thúc đẩy mạnh hơn so với ước-muốn-đã-muốn. Ước-muốn-đang-muốn tạo một sức ép không ngừng trên ước muốn bề mặt để kết hợp với nó. Chúng ta có thể tìm thấy những mối liên kết giữa ý niệm của Blondel về ước muốn muốn này với ý niệm của Fichte về ego thuần tuý như hành vi và lý thuyết của Schelling về một hoạt động cơ bản của ý muốn hay chọn lựa ban đầu mà diễn tả chính nó nơi những chọn lựa cụ thể.[99] Nhưng với Blondel, ước muốn hiển lộ có lợi thế của riêng nó vốn ngăn chặn chiến thắng cuối cùng của ước muốn giấu ẩn cho tới khi con đường dài và khó khăn của tính biện chứng được vượt qua.[100] Con người được đưa tới diện đối diện với một chọn lựa tối thượng: hoặc là chọn bất kỳ giá nào một sự thoả mãn của ý muốn mà ý muốn ấy tương đương với bản chất và chiều sâu của ước ao chân thành nhất nơi mình, hoặc là chọn buông mình mãi giữa những hư ảo của những thoả mãn giới hạn.[101] Blondel đã từng khẳng định:

Tôi có thể hoàn thành những gì mình đã từng quyết tâm không? Không. Trong số những gì tôi biết, tôi muốn và sẽ làm luôn có sự bất cân xứng không thể giải thích, nó làm tôi rối loạn. Những quyết định của tôi thường đi xa hơn những gì tôi nghĩ, những hành vi của tôi đi xa hơn những ý định của mình. Những hành động ấy khi được thực hiện thì chúng đè nặng lên cuộc sống của tôi hơn là tôi hành động trên chúng. Tôi thấy mình như tù nhân của chúng. Chúng đóng khung quá khứ, xâm lấn vào tương lai.[102]

Tình trạng tự nhiên của con người là một tình trạng đau khổ. Con người không thể làm điều mình muốn; nhưng lại làm những gì họ không muốn và thường kết thúc bằng việc muốn làm những gì mà ban đầu con người đã không muốn làm.[103] Nếu chỉ giới hạn mình trong những ước muốn thuộc về cá nhân và hời hợt, con người không thể đi tới điểm đích của sự thành toàn, đạt tới siêu việt tính nơi mình. Nhưng hành động thiết yếu cần mở ra với ngoại tại.

Tính cộng-chung của hành động

Blondel cho rằng, con người được sinh ra, được thành hình và tồn tại chỉ nhờ việc xác định chính mình trong một cùng đích phi-cá-nhân. Thật vậy, trong tác phẩm của mình, Blondel luôn nhìn nhận sự bất túc (in-sufficent) nơi cá nhân. Con người không tự đủ cho chính mình. Ông cho rằng, con người phải hành động vì người khác, với người khác và ngang qua người khác.

Hành động không bao giờ chỉ là hành động riêng của cá nhân. Hành động không đủ để đưa người ta đi ra ngoài giới hạn của cá nhân. Điều này có thể được nhìn nhận trong yếu tính xã hội nơi mỗi con người. Cũng theo Blondel, chúng ta không thể quản lý những vấn đề nơi cuộc sống riêng của mình.[104] Sự tồn tại của con người vốn gắn bó ràng buộc với nhau đến nỗi không thể hiểu được một hành động đơn lẻ nếu không mở chính mình ra với vô hạn, cũng như đi xa hơn mục tiêu mà chúng ta đặt ra ban đầu. Ở điểm này, có thể thấy hơi hướng trong cách tiếp cận liên chủ thể của Husserl. Hành động đã lưu giữ trong ý thức nên mang tính nội tại, nhưng khi tôi quay về với hiện tượng để có thể có nối kết liên vị thì cái tôi và thân xác của tôi, của người khác tiếp tục được mở ra, hoà trộn, đi lên. Cho nên hành động không chỉ tính nội tại nhưng còn có yếu tố siêu việt vì nó tiếp tục tiếp nối âm vang hành động, đưa tới điều tất yếu và tột độ bậc nhất là Siêu Việt.

Blondel khẳng định: “Tôi không bao giờ có thể cảm thấy đủ nơi chính mình. Để trở nên một hữu thể trọn vẹn và ngày càng hoàn thiện hơn, tôi không thể và không bao giờ hành động đơn độc.”[105] Thật vậy con người phải vươn mình ra khỏi tính cá nhân hẹp hòi, đi tới một sự đồng-hành-động. Đồng-hành-động có thể hiểu dưới những khía cạnh khác nhau: đồng-hành-động nơi chính các thành tố trong hữu thể hay trong phương diện cá nhân với tập thể. Nó xuất phát từ khát khao của chủ thể để diễn tả chính mình, để mở rộng ý muốn của nó vào một cái khác; mặt khác là để nhận thức điều khác như điều khác là. Blondel nhận định: “điều như vậy dường như mâu thuẫn trong những ước vọng của con người, chúng ta muốn rằng những người khác là chính chúng ta và chúng ta muốn họ ở lại trong chính mình.”[106] Nơi những hành động của chúng ta, chúng ta tha thiết sự cộng tác của những tác nhân khác trong khi tôn trọng sáng kiến và sự động lập của họ; ngược lại, chúng ta cố gắng hướng về như là thiết thân một sự liên kết bao nhiêu có thể.[107]

Về các thành tố trong hữu thể, ngoài khía cạnh hành động vận hành trong tính tổng thể như đã đề cập phần trước, nó còn là sự cộng-chung của ước muốn vô hạn, của ý chí và lý trí. Thân thể vốn là một sự cấu thành của vật chất trong vũ trụ, ý muốn là sự cộng gộp của sự vận hành xã hội tính trong vũ trụ, lý trí là sự nhìn nhận kho tàng hiểu biết của cả nhân loại đắp bồi qua thời gian dài. Vì thế, nơi hành động con người đó là cả một vũ trụ, từ vật chất đến tinh thần đang vận hành bên trong hành động ấy. Blondel cho thấy: “Con người được tách ra khỏi tự nhiên, dường như họ cũng phải quay trở về tự nhiên và lãnh nhận từ nó sự bổ túc cần thiết.”[108] Đấy là xét trong phương diện chủ thể. Về khía cạnh đối thể, vũ trụ, vật chất và tinh thần cũng nhận chịu tác động của hành động. Thật vậy, người ta hành động trong vũ trụ, với vũ trụ và hướng về sự vật trong vũ trụ. Vũ trụ cũng tác động lên hành động và hành động cũng tác động vào sự vận hành của vũ trụ.

Xét theo phương diện xã hội, Blondel cho thấy chúng ta phải hướng tới người khác, giải phóng chính mình ra khỏi những thúc đẩy mà vốn thúc đẩy và kiểm soát chúng ta. Thật vậy, cuộc sống con người là sự hợp lực hay góp chung của tất cả những mẩu mảnh khác nhau, cá nhân cần mở ra để cống hiến cho tập thể; hành động của chúng ta là sự cộng tác, cùng làm việc của tất cả các thành phần trong vũ trụ này. Điều này hướng tới chiến thắng của liên cá nhân, liên nhân vị trên chủ nghĩ vị kỷ, quy cá nhân; lấy mình là trung tâm. Đối với Blondel, quy kỷ là một sự ngây ngô, ảo tưởng về chính bản ngã của mình.[109] Đồng thời, hành động còn hướng về thực tại của một cộng đồng liên chủ thể. Cộng đồng ấy xuất hiện như một cơ thể sống động. Blondel giải quyết vấn đề liên chủ thể trên nền tảng của tính năng động biện chứng mà ông cân nhắc trong hành động.[110] Chính qua hành động, nhu cầu cho sự liên đới mở ra vươn tới cả nhân loại, hướng tới một sự nối kết chặt chẽ giữa con người và toàn thể vũ trụ được hiện thực hoá.[111] Không dừng lại ở đó, hành động đưa con người vươn ra khỏi vũ trụ hữu hình, luôn khát khao và lấp đầy con người của mình. Nhưng điều này vẫn còn nằm ở ước muốn giới hạn. Con người hành động còn để đi vào Hành Động bao trùm và phổ quát hơn.

Từ hành động cộng-chung đến Hành Động

Có một Hành Động trong các hành động. Blondel đã nỗ lực chứng minh sự tồn tại của Hữu-thể- tất-yếu (the Necessary Being) nơi vũ trụ chi phối hành động con người. Cho tới tận cùng, hành động con người là đi vào Hành Động trong vũ trụ. Nói như Blondel, đó là “Hành-Động-Thuần-Khiết của Tư-Tưởng-Hoàn-Hảo.”[112] Điều này được chứng minh nơi sự siêu việt trong lý trí, ước muốn và động năng lôi cuốn trong hành động.

Trước hết, mỗi hành động của con người vốn mang đặc điểm chung của loài. Theo Blondel, khi hành động chúng ta đi vào một hành động khác với những lý lẽ chung. Hành động khác ở đây có thể là của cộng đồng nhân loại với những dấu vết của văn hoá, của tiến hoá và mang trong mình dòng chảy của tư tưởng. Hay nói cách khác, mọi hành động nơi con người đều đi vào hành động chung và thu tích hay học hỏi tư tưởng và mục đích chung.[113] Hành động đơn lẻ luôn được vận hành trong hành động chung và chịu chi phối của hành động chung ấy. Qua hành động, con người đi vào sự vận hành của vũ trụ. Nơi hành động, con người nối kết với hành động của mọi sinh vật. Hành động hiện diện nơi tất cả vũ trụ này. Từ những công trình vĩ đại của khoa học, nghệ thuật và thậm chí cả nhân đức vốn vượt quá sự ý thức cá nhân cũng thuộc về tất cả.[114] Tuy nhiên, hành động còn đi vào trong một Hành Động lớn hơn và bao trùm hơn mà Blondel gọi là Hành Động của Hữu-thể- tất-yếu.

Có một Hành Động thuần khiết của Tư-tưởng-hoàn-hảo cũng có nghĩa là tồn tại một Hữu-thể Độc-nhất và Tất-yếu. Blondel cho rằng, đằng sau mỗi hành động là một sự thúc đẩy bởi một Hữu Thể khôn ngoan và đầy sức mạnh. Để chứng minh điều này, ông lập luận rằng, con người luôn ý thức về một sức mạnh và một sự khôn ngoan vô hạn vượt trên con người vốn giới hạn. Bên cạnh đó, nhìn theo lối mục đích luận luôn có sự thống nhất giữa các sự vật. Chính các sự vật phản ánh phần nào nguyên lý tối hậu của sự khôn ngoan và tốt đẹp. Thêm vào đó, chính ý thức về sự bất toàn và có những điểm yếu nơi con người cho thấy có một sự hoàn thiện tối thượng và trọn hảo vẫn đang hiện hữu. Một mặt, con người đang đi tới để toàn nhập vào Hữu Thể Độc nhất ấy, mặt khác con người vẫn đang trong tiến trình tiệm cận mà không bao giờ đồng nhất mình với Hữu Thể ấy. Nhưng có cách nào để hành động đi vào Hành Động? Thưa, có hai chiều.

Chiều thứ nhất, hành động đi vào Hành Động. Blondel cho rằng, con người khởi đi từ chính nội tại của mình tới Hành Động để rồi từ Hành Động tiếp tục đi tới Hành Động. Con người hẳn là không hiểu thấy Hành Động nơi chính Hành Động, nhưng khởi đi từ chính Hành Động vốn đã ở sẵn trong con người.[115] Quả thế, con người ý thức và biết một chút về Hành Động qua khả năng vượt phóng của ước muốn nơi chính hành động của mình. Tiến trình hiểu biết và đi vào Hành Động là một tiến trình tiệm tiến mang tính biện chứng.

Chiều thức hai là Hành Động đi vào hành động. Hành Động ở đây là Nhập Thể. Với Blondel, mức độ cao nhất của tổng hợp liên chủ thể và vì thế nền tảng của khách thể chân thực không đơn giản là một cộng đồng hài hoà giữa các nguyên hữu (monads), nhưng còn biểu lộ rõ hơn cả trong Ngôi Lời Trở Nên Xác Thịt.[116] Tức là Thiên Chúa đến ở với con người và trở nên con người. Khác với Husserl phản tỉnh trên vấn đề liên chủ thể tính đưa dẫn tới nền tảng khoa học, Blondel đưa dẫn tới nền tảng của chân lý tôn giáo.

Phương pháp nội tại trong triết học hành động giúp nhìn nhận về hành động của sự hữu hạn của con người với một Hữu thể vô hạn. Nhưng dầu đó là đồng-hành-động, là một hành động (viết thường) đi vào Hành Động (viết hoa) thì hành động luôn nhắm tới sự thành toàn của vận mệnh con người. Yếu tố siêu vượt hoạt động nơi tự nhiên để đưa con người từ tự nhiên hành động mang chiều kích siêu việt. Đây là điều được bàn trong phần tiếp theo.

Hành động và sự thành toàn của vận mệnh con người

Hành động hướng tới vận mệnh của con người

Bản chất của con người là hành động. Hành động ấy luôn hướng tới thực hiện vận mệnh của mình. Một mặt, con người chính là những gì mà họ đã làm – hữu thể ở trong hành động, nhưng mặt khác con người hành động trong tư thế hướng về Hữu-Thể-Tất-Yếu. Cho nên, vận mệnh của con người không chỉ giới hạn nơi những gì họ làm, nhưng còn nơi hành động kết hợp với Tuyệt đối nơi mình. Blondel cũng khẳng định điều này: “Không chỉ là những hành động thực sự biểu tỏ những gì chúng ta đã là, nhưng hành động còn làm cho chúng ta lớn lên và đi ra khỏi chính mình.”[117] Vậy, “con người có một cùng đích nơi chính mình không?”[118]

Con người có vận mệnh riêng của mình. Chính nơi hành động, một mặt con người tương tác và nối kết các yếu tố nội tại với ngoại tại như đã bàn tới trong tính cộng-chung, nhưng mặt khác, con người còn ý thức và nhờ ước muốn thẳm sâu, với sự tự do như năng lực vô hạn, con người nhận thức về vận mệnh riêng của mình. Nói như Blondel, hành động là “tổng hợp của tình trạng cá nhân dưới viễn cảnh hướng tới phạm vi sau cùng của vận mệnh con người.”[119]

Hành động của con người luôn hướng tới vận mệnh của mình. Tuy nhiên, qua tính chất vô hạn nơi ước muốn, hành động luôn vươn tới chiều kích siêu việt, con người mang trong mình hành động siêu vượt trên chính mình. Con người hành động vươn ra khỏi mình, đến xã hội và tới siêu việt, để đạt tới con người mà mình là. Chính nơi đây, khoa học chịu nhiều thách đố. Khoa học vốn mang tính chắc chắn và phân biệt, vật hoá đối tượng để phân tích,[120] trong khi bằng phương pháp nội tại và hiện tượng luận, con người đi vào vũ trụ và luôn mở ra để vũ trụ, vạn vật tự tỏ lộ cho chính mình. Từ đó, nhận thức về vận mệnh của mình và cũng chọn lựa hành động cho chính mình.

Con người vốn đang hành động hướng tới thành toại vận mệnh của mình ngay trong không gian và thời gian. Về không gian, dầu được xác định trong cá phạm vi hay mức độ khác nhau, mà chúng ta có thể gọi cho chúng một cái tên: cá nhân, xã hội hay gia đình, quốc gia và cả nhân loại thì hành động vẫn ở trong tư thế mở.[121] Tư thế mở là vì hành động vẫn tiếp tục sống trong các mức độ trong nhân loại, nhưng luôn vươn tới sự liên kết và nối lại các mối tương quan, mở rộng phạm vi của mình. Vì thế, vận mệnh của con người không chỉ hệ ở nơi cùng đích của cá nhân, nhưng hành động có thể đạt tới chỉ khi đặt mình trong tư thế mở ra với các sự vật nơi vũ trụ. Hành động cũng đi trong tư thế chuyển động cùng với hữu thể người. Hữu thể người có sự giằng co giữa cái nó thực sự đang là và điều mà nó phải trở nên được thể hiện nơi hành động.[122] Nói theo Aristotle, hành động đi cùng với mối căng thẳng giữa bản thể và hiện hữu. Nhưng đó chỉ trong trật tự tự nhiên. Blondel còn nhìn nhận hành động được thúc đẩy tới sự Tuyệt đối hầu đưa vận mệnh con người đạt tới viên mãn.

Tuy nhiên, con người đồng thời cũng cảm nhận một giới hạn nơi mình rằng, mình không thể nào nắm giữ Tuyệt đối ấy trong mình. Chính trong cảm thức ấy mà con người nhận ra sự bất lực nơi mình, như Blondel đã diễn tả: “Tôi không thể làm nên chính mình, không thể làm điều tôi muốn, tôi bị ngăn chặn để vươn ra khỏi chính mình.”[123] Cũng qua cảm nhận ấy mà con người nhìn nhận một Điều-khác (the Other), một tính tuyệt đối đang bao bọc mình. Điều này được thể hiện qua đặc tính bất túc nội tại của hành động.

Hành động và sự bất túc nội tại

Hành động từ đầu đã bàn tới mang tính bất túc nội tại, dầu trong mọi khía cạnh dưới mọi góc nhìn. Con người vẫn ở trong giới hạn của không gian thời gian cụ thể. Tuy vậy, thôi thúc và sự trăn trở của con người vốn dĩ luôn vươn ra khỏi không gian và thời gian sẽ tạo nên trong con người mối giằng co. Hay nói cách khác, một vũ trụ rộng lớn này cũng không thể đóng khung con người. Con người, nhất thiết là phải hành động, nhưng hành động tự nơi mình không đủ.

Hành động là cách diễn tả sự hiện hữu của một cá nhân. Nhưng sự hiện hữu ấy vẫn đang trong tiến trình trở thành một sự hiện hữu được lấp đầy. Do đó, hành động kéo theo cũng luôn được lôi kéo bởi một thao thức và khát vọng lớn hơn. Blondel cho rằng hành động tuy vẫn diễn ra với sự vận hành tổng thể nhưng vẫn mang trong mình một sự bất túc nơi chính mình và thế giới này. Hành động vốn được vận hành trong một Hành Động Vô Hạn và năng lực tự do vốn là năng lực vô hạn thúc đẩy con người hành động hướng tới siêu việt nơi mình.

Tự thân con người hành động cũng chưa đủ đưa tới vận mệnh trọn vẹn. Thật vậy, hành động lớn hơn sự nhận hiểu về chính hành động. Vì con người không là chủ thể duy nhất của hành động và hành động của con người chỉ mang tính đồng-hành-động nên tự bản thân con người hành động thì không thể đưa tới hạnh phúc viên mãn. Tính hiệu năng của hành động phải từ một Hữu-Thể-Tất-Yếu và vô hạn đi xuống chứ không đơn thuần chỉ nơi chính chủ thể. Cho nên, tự bản chất, hành động của con người có sự bất túc.

Có một nguy cơ con người có thể rơi vào khi đứng trước sự bất túc nội tại, khi hành động lớn hơn nhận thức, khi ước muốn và hành động, khi tự do và các yếu tố thúc đẩy có một khoảng cách lớn và gây nên sự chông chênh nơi con người, họ đi tới thái độ và chọn lựa của niềm tin. Nhưng như đã bàn tới trong phần lý lẽ của hành động, một khi đức tin vốn là một hành động chọn lựa mà không có hình ảnh chân thực về mình, cũng không ý thức sự giới hạn của mình, đồng thời chưa nhận thức Hữu-Thể-Tất-Yếu, niềm tin ấy lại là một sự mê tín, một thứ duy tín. Blondel cũng nhìn nhận về nguy cơ mê tín ấy là “nhìn chính mình như một thần tượng”[124]; là dừng lại ở trong chính mình, biến mình thành tuyệt đối, phóng chiếu và làm cho ước muốn và hành động của mình thành một vị Chúa nào đó.

Do đó, mọi nỗ lực để đưa hành động con người đến sự hoàn hiện cho đến nay đều thất bại. Blondel cũng cho thấy hành động con người tự mình không thể nào tìm đến sự hoàn thiện chính mình và trở thành tự đủ nơi mình.[125] Tác giả Popkin còn gọi triết học về hành động của Blondel là triết học về sự bất cân xứng (philosophy of disproportion).[126] Bất cân xứng ở đây được hiểu là khoảng cách giữa hành động và đích nhắm vận mệnh thành toàn của con người. Liệu có hành động nào khả dĩ đưa tới vận mệnh đích thực của con người không?

Có hành động khả dĩ đưa tới Hạnh phúc

Cho tới lúc này, có thể nhìn nhận về tính tất yếu và siêu việt như yếu tính của hành động. Hành động hướng con người tới thành toàn vận mệnh của mình. Hành động vốn là một tiến trình với sự hội tụ tất cả các thành tố của con người, được định hướng và thúc đẩy bởi ước muốn vô hạn. Nhưng Hành động như vậy vẫn còn nằm trong trật tự tự nhiên và kết quả vẫn đưa đến một lỗ trống trong lương tâm con người. Hành động cần phải đi vào Hành Động. Hành động được thu hút bởi Hữu-Thể-Tất-Yếu mà có thể gọi là Thiên Chúa.

Trước hết, luôn có một khoảng trống trong sự vươn tới hạnh phúc của con người. Quả vậy, trước vấn nạn đau khổ con người, Blondel cho rằng, cảm nhận trong hoàn cảnh ấy là sự xa lạ đối với chính mình. Con người không thể kiểm soát được cuộc đời, con người cũng không hoàn toàn hiểu biết về chính mình. Tất cả chỉ đơn thuần là phải chấp nhận hành động, đón nhận trật tự vũ trụ; chấp nhận chính mình, chấp nhận cả những ước muốn để hành động mà sau đó nó phán xét về chính nó.[127] Hành động đều được thúc đẩy bởi những ý muốn vô hạn. Nhưng dầu có thế, nơi con người, những khắc khoải của kiếp người còn tồn tại cho thấy điểm tới của sự thành toàn hay được gọi cách chung là hạnh phúc vẫn còn là một điều gì đó xa vời với cá nhân.

Blondel cho rằng, muốn đạt tới bến bờ hạnh phúc viên mãn, con người luôn luôn phải hành động. Hành động này phải là hành động hướng về việc tìm kiếm Thiên Chúa. Đồng thời, hành động cũng là một cách thế cộng tác với Hữu-Thể-Tất-Yếu. Nói như Blondel: “Vì hành động là một tổng hợp của con người với Thiên Chúa; con người ở trong tiến trình trở thành vĩnh cửu, được thúc đẩy hướng tới vô hạn”.[128] Như thế, hành động luôn trong tư thế của việc tìm kiếm và ý thức vĩnh cửu tính của nó. Thêm vào đó, hành động hướng tới sự Siêu việt thì đồng thời cũng phải đón nhận Siêu việt đi vào mình và thay đổi mình. Blondel cũng khẳng định, nếu con người không thay đổi thì sẽ dẫn đến cái chết trong hành động.[129] Sự thay đổi này phải là liên tục vì tính siêu việt vốn đã là một phần trong con người và tác động liên tục vào con người, lôi kéo và thúc đẩy hành động của con người. Một cách cụ thể, con người phải chọn lựa lối sống nào? Hành động trong thái độ nào?

Thái độ cần thiết là hành động trong sự ý thức liên lỉ về tính vô hạn trong con người. Từ đó, từ bỏ những viễn ảnh cá nhân làm bóp méo hình ảnh chân thực về cuộc đời và vận mệnh của mình để nhận ra tính tuyệt đối đang có nơi mình. Khi nhận ra sự thúc đẩy và mời gọi sâu xa của tuyệt đối tính, con người nương theo và dấn thân hành động.[130] Đây là cách thế để giúp chọn lựa, đồng thời hoà giải những mâu thuẫn giữa các ước muốn tồn tại bên trong con người. Vì bản chất, những điều cao thượng hơn, siêu vượt hơn sẽ giúp giải gỡ những đối kháng thông thường. Blondel cũng khẳng định để đạt tới điều này, cần một tâm thế khiêm nhường lắng nghe và sẵn sàng hy sinh đam mê của mình. Nhưng những thái độ này không thể có được một khi không có thái độ của niềm tin. Nhưng đây là một niềm tin luyện lọc để không rơi vào mê tín.

Blondel nhìn nhận rằng một đời sống khắc khổ là khoa học đích thực và sự hy sinh là một cuộc thực nghiệm cốt yếu, cả hai được minh chứng nơi ý muốn chân thành và quảng đại.[131] Ông nhìn nhận hãm dẹp thân xác là một thực nghiệm siêu hình đích thực để con người có thể đụng chạm vào chính Hữu-thể-tất-yêu, để tránh đi những ảo tưởng về mình và về cuộc sống. Ngược lại, đối với F. Nietzsche những gì nhu nhược, thiếu nghị lực, ốm đau, bệnh hoạn, khiến ta thất trận, chịu tác động của ngoại giới là ác. Trong khi đó luân lý Thiên Chúa giáo đã cổ võ cho sự khiêm tốn, hiền từ và kết án kẻ mạnh như là những tội nhân![132] Ông cho rằng, thái độ khiêm nhường và hy sinh là điều xấu. Đây có thể nói là cách phê phán phiến diện nếu như nhìn dưới lăng kính phổ quát theo triết học hành động. Nietzsche cổ võ sống trong tư thế đấu tranh và tất cả đều lo vun vén cho lợi ích cá nhân, thoả mãn nhu cầu của chính mình. Trong khi, từ đầu người viết đã cho thấy, trung tâm của mối bận tâm của con người cần được thúc đẩy vươn ra khỏi sự thúc đẩy ban đầu của ý muốn cần được thoả mãn. Các triết gia khắc kỷ đã đúng trong việc nhấn mạnh tính phổ quát của con người, tức là, trong sự phụ thuộc lẫn nhau với hệ thống tổng thể của các sự vật.[133] Để hài hoà với hệ thống tổng thể này, hành động bỏ mình là tất yếu. Do đó, chính khi từ bỏ và đi vào một lối sống chiêm niệm, hy sinh mới là một cuộc đời hành động xứng danh là người, đưa con người vươn tới sự vô hạn.

Hành động của con người là sự bỏ mình, chuyển đổi trọng tâm, là tháp nhập vào Hữu-thể- tất-yếu, để Hữu-thể- tất-yếu hành động trên mình. Nói như Blondel: “Hành động tự nó không đưa tới sự hoàn thiện, chỉ khi Thiên Chúa trao ban chính mình Ngài cho con người, thì mới đạt tới hạnh phúc.”[134] Hành động trao ban chính là Hành Động mẫu mực và là điểm nhắm của động lực trong hành động của con người. Blondel cho rằng, những người khắc khổ, hãm dẹp bản thân là những người ưu tuyển và có khả năng đạt tới hạnh phúc viên mãn.

Kết luận và một vài nhận định, mở rộng

Bài luận khảo cứu chủ đề “tính tất yếu và tính siêu việt của hành động” qua tác phẩm đầu tay và có thể coi quan trọng nhất của Blondel về triết học hành động – L’Action xuất bản năm 1893 – cũng là luận án tiến sĩ của ông. Qua tác phẩm này, Blondel chứng minh vận mệnh con người nhất thiết thể hiện qua hành động; con người hiện hữu qua chính hành động và nơi hành động, con người giải quyết những vấn nạn của mình. Thật vậy, “chúng ta không thể giải quyết vấn đề về đời sống mà lại không sống, không thể bàn tới hay chứng minh về hữu thể mà lại không cần tới hành động.”[135] Tuy nhiên, bằng phương pháp phê bình khoa học ông cho thấy tính bất túc của hành động tự nơi chính chủ thể, qua đó cho thấy một năng lực siêu việt nội tại nơi hành động.

Nếu như trong Sáng thế, thuở ban đầu là hỗn mang, với Kierkegaard khởi nguồn là khắc khoải, với Parmenides nguyên uỷ là ngạc nhiên, thì với Blondel, nguồn cội là hành động. Hành động có thể coi như một trong những chìa khoá để truy nguồn tận căn, một căn cứ triết học và khoa học độc đáo, quán triệt; đồng thời là một trong những nền tảng để đi vào lãnh vực niềm tin.

Trước hết, về lãnh vực khoa học, Blondel đã áp dụng phương thức khoa học chung về mô tả giác quan để truy nguyên về hành động, nhờ đó tạo nên một phương thức để thẩm định các lý thuyết cuộc sống. Về đặc thù, khoa học về hành động cho phép mô tả hữu thể trong tư cách chủ thể và khách thể không tách rời, đi đến tận căn là ước muốn của con người.

Thứ đến, dưới khía cạnh hữu thể học, tư tưởng về hành động của Blondel có thể sánh ví ngang tầm với tư tưởng hữu thể âu lo của Kierkegaard, với hữu thể tương quan của M. Heidegger, với hữu thể chuyển động của triết gia cùng thời là H. Bergson và hữu thể vượt phóng của Levinas. Blondel nhấn mạnh tới hành động như một sự nối kết tổng thể giữa tư tưởng, ý chí và lý trí của hữu thể người. Nếu H. Bergson đã mở lối hiện sinh sau này bằng tư tưởng về hữu thể chuyển động thì triết học hành động của Blondel đặt nền cho hiện sinh với phương pháp nội tại cặn kẽ và đầy tính khoa học. Triết học hành động đóng góp nền tảng cho lối nhìn để thấy đâu là những nền móng của luân lý đạo đức giúp đưa tới hành động lý tưởng.

Chính Blondel nhìn nhận triết học về hành động của mình như là một phần thống nhất của “một cuộc tiến hoá của tư tưởng hiện đại” về lãnh vực đạo đức. Trong một tác phẩm viết về cuộc tiến hoá của Spinoza, Blondel đồng hoá tiến trình tiến hoá bắt đầu với phẩm Ethics của Spinoza đi đến Phê phán lý tính thực hành của Kant, tới học thuyết về khoa học của Fichte và chủ nghĩa duy tâm siêu nghiệm của Kant, vươn tới sự hoàn thiện luận lý nơi triết học biện chứng của Hegel và bắt đầu sự biến đổi của nó đi vào triết học hành động với triết học tích cực cuối cùng của Schelling.[136] Như thế, L’Action là một sự kế thừa và phát triển của triết học đạo đức.

Về phương diện tri thức luận, phạm trù khái niệm hành động có thể đặt bên cạnh phạm trù siêu nghiệm của I. Kant. Với Blondel, tự do đến sau tính tất yếu, đi liền với nhận thức và phán đoán. Để hành động phải có tự do, có nhận thức và phán đoán. Lý tính nơi hành động thể hiện ở điểm này. Chính nhận thức và phán đoán mang lại tầm vóc cho hành động. Sau vấn đề tự do, nhận thức, phán đoán thì có yếu tố thúc đẩy luân lý hiểu theo nghĩa lương tri, hướng thượng đưa con người tới sự thành toàn vận mệnh. Tuy nhiên con người hành động không bao giờ đủ, mọi công nghiệp của con người chỉ góp phần vào Hành Động. Hành Động luôn vượt lên trên đóng góp con người. Công cuộc dẫn đến thành toàn không chỉ cần con người, nhưng còn cần một Điều-khác nữa mà Blondel gọi là Siêu việt.

Nếu như dòng triết sử kéo từ Plato, Aristote cho đến, Descartes, Kant và Hegel dường như xa rời hành động thực tiễn, thay vì giúp con người suy nghĩ về thân phận và định mệnh của mình lại đi khuyến khích con người quên mình để mãi tìm hiểu những lẽ huyền vi của tạo hoá;[137] còn chủ nghĩa hiện sinh lại tập trung vào vấn nạn cấp thời của con người, thì Blondel lại vừa tìm về những điều hiện sinh thuyết quan tâm, nhưng đồng thời nỗ lực để nối kết con người cùng những vấn nạn hiện sinh với Hữu-Thể-Tất-Yếu, là Thiên Chúa. Như thế, triết học hành động của ông phần nào toàn diện hơn Hiện sinh và truyền thống triết học trước ông.

Trên nền tảng tất yếu và siêu việt của hành động, Blondel còn mở ra chiều kích tôn giáo của con người. Trong giới trí thức, Blondel bị gán cho là kẻ lấy triết học để hộ giáo Kitô. Tuy nhiên, ông không hề công khai tự nhận mình đang hộ giáo, ít nhất là trong luận án tiến sĩ của mình. Điều ông thực hiện là đặt vấn đề về con người cho đến tận căn. Ông không phủ nhận căn tính Kitô hữu của mình, nhưng nếu như thành luỹ của Giáo hội Công giáo bị tấn công bởi những nhà duy khoa học, Blondel tiếp cận và đi vào chủ đề con người ngang qua chính phương pháp của khoa học. Ông cho thấy sự bất túc của các ngành khoa học. Bên cạnh đó, ông lý luận chặt chẽ và đưa ra những phủ chứng về sự duy tín. Vì vậy dù không công khai nhưng hàm ẩn nơi luận án của mình, Blondel là một nhà hộ giáo tinh tế và khéo léo. Thật thế, khi nghiên cứu về L’Action, có thể nhận thấy mục đích của Blondel luôn nhắm tới là khẳng định tính tất yếu của niềm tin và ân sủng xét như yếu tố đưa con người tới vận mệnh hạnh phúc. Ông giúp con người tránh khuynh hướng mê tín vốn có nhờ lý trí và khám phá ước muốn thẳm sâu nhất của con người qua hành động. Mặc dù ông không nói nhiều tới niềm tin và ân sủng nhưng lại cố tình làm nổi bật chỗ đứng của những yếu tố này. Lối phân tích của ông xét cho cùng đều đưa tới tính cộng-chung hành động vốn được mở lối nhờ ân sủng và niềm tin. Tính cộng-chung của hành động là sự dự phần vào Hành Động. Con đường dự phần là hai chiều: từ hành động của con người và từ phía Hành Động; tức là niềm tin và ân sủng.

Với triết học về hành động, Blondel còn giúp cảnh tỉnh xu hướng chạy theo thành tích, cố đạt được kết quả trước mắt mang tính thực dụng ngắn hạn. Bên cạnh đó, lập luận trong L’Action của ông giúp loại trừ sự biện hộ hay thần thánh hoá những yếu đuối con người cũng như sự nhu nhược của mình nấp sau tấm mặt nạ nhân đức. Ông khẳng định con người cần phải hành động. Hành động cao cả là hành động hy sinh; hành động đáng mong ước là hành động không vì chính mình nhưng vì và cho người khác. Hành động lý tưởng là hành động luôn tiếp nối, nhập cuộc và dự phần vào Hành Động của Thiên Chúa. Hành động không đưa tới hạnh phúc khi con người tự tách biệt ra khỏi Hành Động.Với tự do và khuynh hướng tự túc, con người vẫn có khả năng tự mình tách mình ra khỏi Hành Động nếu khư khư giữ lại cho mình, ích kỷ và đóng kín.

Hành động đã từng bị coi là chủ đề chưa xứng tầm để nghiên cứu triết học.[138] Thế nhưng, kể từ khi L’Action ra đời, hạn từ “hành động” mới xuất hiện trong bộ Vocabulaire technique et critique de la philosophie danh tiếng, liền sau đó là những cuộc hội thảo về triết học thường ít nhiều bàn về L’Action và Blondel.[139] Tư tưởng Blondel còn đóng góp vào nỗ lực hoà giải đức tin và lý trí trong Giáo hội. Peter Henrici khi nghiên cứu về thông điệp Fides et Ratio còn cho rằng L’Action chính là bộ khung và làm nền tảng cho bản văn quan trọng này.[140] Điều này cho thấy tư tưởng về hành động như một cầu nối mà qua đó, đức tin và lý trí, siêu nhiên và tự nhiên, khoa học và tôn giáo đến gần và đối thoại với nhau hơn.

Sau cùng, khi nghiên cứu khía cạnh tính tất yếu và siêu việt của hành động trong tác phẩm L’Action, người viết nhận thấy lối nhìn của Blondel về hành động vừa sâu xa vừa bao trùm, vừa triệt để lại vừa độc đáo. Đó là một lối nhìn vừa mang tính hàn lâm chặt chẽ nhưng cũng không thiếu tính trực giác thiêng liêng. L’Action đã khẳng định sự đáng quý của bản chất tôn giáo nơi con người, đồng thời cho thấy sự tế nhị và thuyết phục trong việc chứng minh sự hiện hữu tất yếu của Thiên Chúa. Sự sâu sắc và phong phú của tác phẩm không dễ để nắm bắt và hiểu thấu. Nhưng với những gì thu lượm được sau tiến trình dài nỗ lực hết mình tìm hiểu tác phẩm, người viết được gợi hứng để tiếp tục đào sâu tư tưởng của Blondel. Đồng thời, tư tưởng về hành động cũng như là một lời ngỏ với bản thân người viết để dấn thân hơn trong hành động, một thứ hành động liên đới với người khác và kết hiệp với Hữu-Thể-Tất-Yếu ngõ hầu hoàn thành vận mệnh của mình.

Tài liệu tham khảo

Blondel, Maurice. Action – Essay on a Critique of Life and a Science of Practice. Translated by Oliva Blanchette. Indiana: University of Notre Dame Press, 1984.

—. L’Action (1893)- Essai d’une critique de la vie et d’une science de la pratique. Quadrige: Presses Universitaires de France), 1893.

Blondel, Maurice. “Lettre-Préface, in J. Paliard and P. Archambault.” Etudes Blondéliennes, fascicule 1, 1951.

—. The Idealist Illusion and Other Essays. Translated by Fiachra Long. Springer Science, 2000.

Đỉnh, Trần Thái. Triết Học Hiện Sinh. Hà Nội: NXB Văn Học, 2005.

Duméry, Henry. la Philosophie de L’ Action. Paris: Aubier , 1948.

Dupont, Christian. Phenomenology in French Philosophy: Early Encounters. New York: Springer, 2014.

Egan, Gerard. The Dialectic of Action in Maurice Blondel’s L’Action (1893). n.d.

English, Adam C. The Possibility of Christian Philosophy, Maurice Blondel at the intersection of theology and philosophy. Routledge radical orthodoxy series, 2017.

Frederick Copleston, S.J. A history of philosophy: Mordern Philosophy, From the French Revolution to Sartre, Camus, and Levi-Strauss. Vol. IX. New York: Doubleday, 1977.

Gilbert, Katherine. Maurice Blondel’s Philosophy of Action. Chapel Hill, N.C: Department of Philosophy, University of North Carolina, 1924.

Hannan, Myles B. “Maurice Blondel – The Philosopher of Vatican II.” The Heythrop Journal, Nov 2015: 907-918.

Henrici, Peter. “Maurice Blondel dans I’Encyclique Fides et Ratio.” L’innommé, novembre-décembre 6, 2000: 53-66.

Kierkegaard, Soren. The Concept of Anxiety. Translated by R.Thomte. Princeton: Princeton University Press, 1980.

Linh, Nguyen Chi. Tempralité et Historicité chez Maurice Blondel. Paris: Institut Catholique de Paris, Faculté de Philosophie, Mâitrise, Octobre 1997.

McNeill, John. The Blondelian Synthesis: A Study of the Influence of German Philosophical Sources on the Foundation of Blondel’s Method and Thought. Leiden: E. J. Brill, 1966.

Popkin, Richard H. The Pimplico History of Western Philosophy. London: Pimplico, 1999.

Portier, William L. “Twentieth-Century Catholic Theology and the Triumph of Blondel.” Communio, Spring 2011: 103-137.

Stumpf, Samuel Enoch. Lịch Sử Triết Học và các Luận Đề. Translated by Lưu Văn Hy Đỗ Văn Thuấn. Hà Nội: NXB Lao Động, 2004.

Trị, Lê Thành. Hiện Tượng Luận Về Hiện Sinh. Saigon: Trung Tâm Học Liệu Bộ Văn Hoá Giáo Dục và Thanh Niên, 1974.

Wartenberg, Thomas E. Existentialism: A Beginner’s Guide. Oxford: Oneworld Publication, 2008.

 


[1] M. Blondel, Action – Essay on a Critique of Life and a Science of Practice, Trans. By Oliva Blanchette (Indiana: University of Notre Dame Press, 1984), 3.

[2] Ibid., 434.

[3] Ibid., 430.

[4] Cf. Gerard. Egan, The Dialectic of Action in Maurice Blondel’s L’Action (1893), 5.

[5] Cf. Christian Dupont, Phenomenology in French Philosophy: Early Encounters (New York: Springer, 2014), 22-36.

[6] Cf. Adam C. English, The Possibility of Christian Philosophy_ Maurice Blondel at the Intersection of Theology and Philosophy (Routledge Radical Orthodoxy, 2007), 83-87.

[7] Cf. M. Blondel (1984), trích phần giới thiệu của O. Blanchette, xi.

[8] Cf. Ibid.

[9] Blondel đã đặt bút viết suốt từ năm 1889 đến 1893 với ít nhất 2-3 dàn bài cho luận án này (lời giới thiệu của Blanchette, xiii-xiv)

[10] Cf. John McNeill, The Blondelian Synthesis: A Study of the Influence of German Philosophical Sources on the Foundation of Blondel’s Method and Thought (Leiden: E. J. Brill, 1966), 61.

[11] M. Blondel (1984), 13.

[12] Cf. Frederick Copleston, S.J, A history of philosophy: Mordern Philosophy from the French Revolution to Sartre, Camus, and Levi-Strauss (New York: Doubleday, 1977), 226-227.

[13] Cf. John McNeill, The Blondelian Synthesis, 16-39.

[14] Cf. Ibid., 42-55.

[15] Cf. William L. Portier, “Twentieth-Century Catholic Theology and the Triumph of Blondel,” Communio 38 (Spring 2011): 104-105.

[16] Cf. M. Blondel (1984), 62.

[17] Cf. John McNeill, The Blondelian Synthesis, 72.

[18] Cf. M. Blondel (1984), 17.

[19] Cf. Ibid., 431.

[20] Ibid.

[21] Cf. M. Blondel (1984), Phần giới thiệu của O. Blanchette, xv.

[22] Cf. Adam C. English, 9-10.

[23] Cf. M. Blondel (1984), 42-50.

[24] Ibid., 51.

[25] Ibid., 18.

[26] Nguyên văn bản Tiếng Pháp “il y a quelque chose”, trích từ Maurice Blondel, L’Action (1893)- Essai d’une critique de la vie et d’une science de la pratique (Quadrige: Presses Universitaires de France), số 4.

[27] M. Blondel (1984), 52.

[28] Ibid., 17.

[29] Ibid., 431.

[30] Cf. Samuel Enoch Stumpf, Lịch Sử Triết Học và các Luận Đề, Đỗ Văn Thuấn và Lưu Văn Hy dịch (Hà Nội: NXB Lao Động, 2004), 633-635.

[31] Katherine Gilbert, Maurice Blondel’s Philosophy of Action (Department of Philosophy, University of North Carolina, Chapel Hill, N. C., 1924), 6.

[32] M. Blondel (1984), 6.

[33] M. Blondel (1984), 4.

[34] Cf. Ibid., 5.

[35] Cf. Ibid., 143.

[36] Cf. Ibid., 52.

[37] Cf. Ibid., 426.

[38] Ibid., 3.

[39] Ibid.

[40] Cf. Ibid., 11.

[41] M. Blondel (1984), 3.

[42] Cf. Thomas E. Wartenberg, Existentialism: A Beginner’s Guide (Oxford: Oneworld Publication, 2008), 140-142.

[43] M. Blondel (1984), 14.

[44] Cf. Soren Kierkegaard, The Concept of Anxiety, trans. R. Thomte (Princeton: Princeton University Press, 1980), 156.

[45] M. Blondel (1984), 13.

[46] M. Blondel (1984), 4.

[47] Cf. Ibid.

[48] Cf. Ibid., 3.

[49] Ibid., 183.

[50] Cf. Ibid., 6.

[51] Cf. Ibid., 158.

[52] Cf. Ibid., 161.

[53] Ibid., 183.

[54] Cf. Ibid., 218.

[55] Cf. Ibid., 6.

[56] Cf. Katherine Gilbert, 12.

[57] Cf. M. Blondel, The Idealist Illusion and Other Essays, Translation and Introduction by Fiachra Long Annotations by Fiachra Long and Claude Troisfonta, 11.

[58] Cf. M. Blondel (1984), phần giới thiệu của dịch giả, tr. Xv.

[59] M. Blondel (1984), 28.

[60] Gerard. Egan, 9.

[61] Cf. Christian Dupont, 69.

[62] Cf. M. Blondel (1984), 316.

[63] Cf. Thomas E. Wartenberg, Existentialism: A Beginner’s Guide (Oxford: Oneworld Publication, 2008), 81.

[64] Myles B. Hannan, “Maurice Blondel – The Philosopher of Vatican II,” The Heythrop Journal, Volume 56, No. 6, (Nov 2015): 907-918.

[65] M. Blondel (1984), 18

[66] Cf. Christian Dupont, 60.

[67] Cf. Ibid.

[68] Cf. Ibid., 61.

[69] Cf. M. Blondel (1984), 130.

[70] Cf. Ibid., 123.

[71] Cf. Ibid., 124.

[72] Cf. Ibid., 125.

[73] Cf. Ibid., 132.

[74] Cf. Ibid., 135.

[75] Cf. M. Blondel (1984), 161-175.

[76] Cf. Ibid.,176.

[77] Cf. Ibid, giới thiệu của O. Blanchette, xiii.

[78] Cf. M. Blondel (1984), 167.

[79] Cf. Ibid., 169.

[80] Ibid., 339.

[81] Cf. Henry Dumery, la Philosophie de L’ Action (Paris: Aubier 1948), p. 36.

[82] M. Blondel (1984), 53.

[83] Cf. Ibid., 198.

[84] Cf. Ibid., 202-203.

[85] Cf. Ibid., 204

[86] Cf. Ibid., 219.

[87] M. Blondel (1984), 136.

[88] Ibid., 137.

[89] Ibid., 310.

[90] Ibid., 313.

[91] Cf. Ibid., 184.

[92] Ibid., 300.

[93] Cf. Ibid., 161.

[94] Ibid., 302.

[95] Cf. Ibid., 284.

[96] Cf. Christian Dupont, 68-69.

[97] Cf. M. Blondel (1984), 314-319.

[98] Trong L’Action, Blondel sử dụng thuật ngữ này nhiều với hàm ý động lực thôi thúc hành động hướng về phía trước.

[99] Cf. Frederick Copleston, S.J., 229.

[100] Cf. Katherine Gilbert, 16-17.

[101] Cf. M. Blondel (1984), 32.

[102] Ibid., 5.

[103] Cf. Ibid, 33.

[104] Cf. Ibid., 192.

[105] Ibid.

[106] Ibid., 229.

[107] Cf. Christian Dupont, 83.

[108] M. Blondel (1984), 194.

[109] Cf. Ibid., 193.

[110] Cf. Christian Dupont, 83.

[111] Cf. M. Blondel (1984), 233.

[112] Ibid., 319.

[113] Cf. Ibid., 222-224.

[114] Cf. Ibid., 226-229.

[115] Cf. Ibid., 322.

[116] Cf. Christian Dupont, 84.

[117] M. Blondel (1984), 191.

[118] Ibid., 238.

[119]  MBlondel, “Lettre-Préface, J. Paliard and P. Archambault, eds., Etudes Blondéliennes, fascicule 1 (Paris: PUF, 1951), 21.

[120] Cf. M. Blondel (1984), 239.

[121] Cf. Ibid., 235.

[122] Cf. Nguyen Chi Linh, Tempralité et Historicité chez Maurice Blondel (MA thesis., Institut Catholique de Paris, Faculté de Philosophie, Mâitrise Octobre 1997), 42.

[123] M. Blondel (1984), 327.

[124] Ibid., 284.

[125] Cf. Ibid., 299.

[126] Cf. Richard H. Popkin, The Pimplico History of Western Philosophy (London: Pimplico, 1999), 714-715.

[127] Cf. M. Blondel (1984), 300-301.

[128] Ibid., 325.

[129] Cf. Ibid., 329-333.

[130] Cf. Ibid., 348-349.

[131] Cf. Katherine Gilbert, 13.

[132] Cf. Lê Thành Trị, Hiện Tượng Luận Về Hiện Sinh (Trung Tâm Học Liệu Bộ Văn Hoá Giáo Dục và Thanh Niên, 1974), 81.

[133] Cf. Katherine Gilbert, 31.

[134] M. Blondel (1984), 346.

[135] Ibid., 422.

[136] Cf.  John McNeill, The Blondelian Synthesis, 290.

[137] Cf. Trần Thái Đỉnh, Triết Học Hiện Sinh (Hà Nội: NXB Văn Học, 2005), 17.

[138] Christian Dupont, 62.

[139] Cf. M. Blondel (1984), phần giới thiệu của giáo sư Blanchette, xi-xii.

[140] Cf. Peter Henrici, L’innommé, Maurice Blondel dans I’Encyclique Fides et Ratio, (Communio, no. XXV, 6 – novembre-décembre 2000), 53-66.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *