HỌC VIỆN THÁNH GUSE – DÒNG TÊN VIỆT NAM
Mầu Nhiệm Hỏa Ngục Không Chỉ Thật Sự Kinh Khiếp Nhưng Còn Được Nhận Thức Cách Tích Cực
Luận văn tốt nghiệp thần học
tại Học Viện Thánh Giuse – Dòng Tên Việt Nam
Học viên thực hiện
Trương Minh Cao, S.J.
Giáo sư hướng dẫn
Tháng 05 năm 2019
Mục Lục
- Lời Giới Thiệu
- PHẦN I: DẪN NHẬP và NỀN TẢNG
- PHẦN II: LẬP LUẬN CỦA HANS URS VON BALTHASAR
- Hỏa Ngục như là dấu chỉ của việc Thiên Chúa thi ân
- Khả thể chọn lựa Hỏa Ngục của con người bộc lộ khả năng tự do mà Thiên Chúa ban tặng cho con người. Liệu rằng tự do giới hạn của con người có thể nào tự cắt bỏ khỏi Thiên Chúa cách hoàn toàn trong chính quyết định của nó?[11]
- Hỏa Ngục là một sản phẩm (product) của Ơn Cứu Độ[13]
- Hỏa ngục như là một quà tặng của hồng ân Thiên Chúa[15]
- Tương tác với Hỏa Ngục như là sự kiện của Ba Ngôi
- Hỏa Ngục như là dấu chỉ của việc Thiên Chúa thi ân
- PHẦN III: SUY TƯ PHẢN TỈNH
- KẾT LUẬN
- Thư mục tài liệu tham khảo
Lời Giới Thiệu
Có hỏa ngục hay không và ta nên hiểu như thế nào về hỏa ngục? Giáo Hội khẳng định “có”. Tuy nhiên, đôi khi người ta thường vì sợ mà hiểu sai về hỏa ngục chứ ít khi chịu suy tư về nó một cách nghiêm túc. Bài viết dưới đây trình bày suy tư của tác giả Hans Urs von Balthasar về hỏa ngục. Balthasar vẫn thừa nhận sự kinh khiếp của hỏa ngục nhưng ông nhấn mạnh hơn về cái đẹp của nó. Cái đẹp ấy chỉ có thể hiểu được qua cái chết và sự phục sinh của Chúa Giê-su Ki-tô. Quả vậy, nếu sự khủng khiếp của hỏa ngục thường trở thành cái cớ để người ta chất vấn lòng thương xót của Thiên Chúa, thì nay chính cái đẹp của nó đã trả lại cho lòng thương xót của Thiên Chúa đúng chiều rộng và chiều sâu mà nó vốn có.
PHẦN I: DẪN NHẬP và NỀN TẢNG
Giới thiệu
Hội Thánh tin vào sự hiện hữu của Hỏa Ngục, thế mà ngày nay có nhiều người (kể cả người tín hữu) không còn tin vào thực tại này nữa hay tin nhận một cách sai lầm. Nhắc đến Hỏa Ngục có thể gây cho người ta run sợ vì những tưởng tượng khủng khiếp về nó (có thể do sự lai tạp quan niệm của các nền văn hóa và tôn giáo khác nhau), hoặc đó chỉ còn là những câu chuyện huyền thoại hay hoang đường mà thôi. Nhiều câu hỏi được đặt ra chấp vấn bản thân. Tại sao cần phải có mầu nhiệm Hỏa Ngục? Đâu là ý nghĩa của nó? Ta có nhất thiết tin vào mầu nhiệm này? Niềm tin này có tác động hay ảnh hưởng chi trên ơn gọi của con người? Đặc biệt là, mầu nhiệm này có liên hệ thế nào với bản tính tự do của con người và tình yêu vô biên của Thiên Chúa? Bài viết này tạm dựa trên một số quan điểm của Hans Urs von Balthasar[1] để suy tư và tìm một cách hiểu tích cực hơn về ý nghĩa của mầu nhiệm Hỏa Ngục cho những bận tâm của bản thân. Nhờ đó nó giúp bản thân sống sung mãn chiều kích đức tin của Hội Thánh và cùng đồng hành với con người hôm nay.
Bài viết sẽ khởi đầu bằng việc tìm hiểu một vài thuật ngữ, sau đó nêu ra một số lối nhìn chưa chính xác về mầu nhiệm Hỏa Ngục và lối nhìn phù hợp với đức tin của Giáo Hội. Kế đến, bài viết mô tả một số nền tảng về Thánh Kinh và Thánh Truyền. Phần chính yếu là những lập luận của tác giả trong cái nhìn tích cực của mầu nhiệm. Sau cùng là một số suy tư và bình luận của cá nhân.
Khía cạnh thuật ngữ và khái niệm
Ngục (Shéol // Hadés)
“Ngục” hay còn gọi là “Âm Phủ” hoặc “Âm Ty”, Kinh Thánh cho biết đó là nơi trú ngụ của các vong linh, dù lành hay dữ, trước khi Đấng Cứu Độ đến (x. Pl 2,10; Cv 2,24; Kh 1,18; Ep 4,9; Tv 89,49; Is 28,19; Ed 32,17-32). Ở đó, các linh hồn không được nhìn thấy Thiên Chúa và đang chờ mong Đấng Cứu Độ (x. Tv 6,6; 88,11-13). Số phận của họ không giống nhau (x. Lc l6,22-26; GLCG 633). Nơi này cũng còn được gọi là “Ngục Tổ Tông”[2]
Hỏa Ngục[3] (Infernus // Hell)
Hỏa Ngục là tình trạng một người chết trong tội trọng mà không sám hối, không đón nhận tình yêu thương xót của Thiên Chúa cách vĩnh viễn vì một chọn lựa tự do. Một tình trạng tự loại trừ chính mình khỏi sự hiệp thông với Thiên Chúa và các Thánh như thế được gọi là “Hỏa Ngục” (GLCG 1033). Như vậy, mỗi người sau khi chết sẽ trải qua một cuộc phán xét riêng, quy chiếu đời sống của họ với Đức Kitô. Nếu họ là kẻ dữ thì họ lập tức bị luận phạt muôn đời (GLCG 1022).[4] Khi Đức Kitô trở lại trong vinh quang, một cuộc phán xét cuối cùng sẽ diễn ra. Mọi kẻ chết sẽ được phục sinh: “ai làm điều lành thì sống lại để được sống; ai làm điều dữ thì sẽ sống lại để bị kết án” (Ga 5,28-29). Hỏa ngục là biểu lộ tình trạng vĩnh viễn [5] và tận cùng hệ quả của suốt đời sống trần thế nơi kẻ dữ.
Đôi khi, từ “Hell” (tiếng Hy Lạp là “γεέννης”) cũng được dùng để ám chỉ đến “địa ngục” hay “cõi người chết”[6], cõi mà chính linh hồn Đức Giê-su sau khi chết đã đến để giải thoát các linh hồn người công chính.
Theo Hans urs von Balthasar, ta cần làm rõ một vài điều sau. “Sheol” hay “Hades” phải được hiểu trong nghĩa của Cựu Ước, là nơi ở của những linh hồn kẻ chết trước Đức Kitô. Đó là tình trạng vắng bóng phúc kiến Thiên Chúa dành cho những kẻ tội lỗi. Những kẻ cư ngụ trong một thế giới bị lãng quên (Tv 88,13). Augustine phân biệt hai cấp độ trong “Sheol”: có một “infernum” thấp hơn (nơi của người “phú hộ” sống) và một “infernum” cao hơn (nơi Lazarus ngự trong lòng tổ phụ Abraham). Cả hai bị phân tách bởi “chaos magnum” (sự hỗn loạn lớn) nhưng cả hai đều thuộc về “Hades” (thậm chí hai cấp này có thể đối thoại được với nhau). Chính Đức Kitô sau khi chết, linh hồn Ngài đã xuống tận nơi thấp hơn này. Do đó, từ “Hell” chỉ được hiểu trong nghĩa của Tân Ước; nó có nghĩa “chức năng” của sự kiện Đức Kitô.
Các hình ảnh hay ý niệm được dùng để diễn tả Hỏa Ngục: Chúa Giê-su thường nói về lửa không hề tắt của “Hỏa Ngục” (Mt 5,22.29; 13,42.50; Mc 9,43-48), ở đó cả linh hồn lẫn thân xác có thể bị hư mất (Mt 1,28); “Nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt” (Mc 9,48); “lò lửa” (Mt 13,41-42); “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời!” (Mt 25,41). “Lửa” này nói lên một hình phạt của Thiên Chúa áp dụng cho những kẻ trong Hỏa Ngục (lửa này khác với lửa thanh luyện của Luyện Ngục). Lửa thật, nhưng không giống như tiến trình đốt cháy vật lý. Thánh Thomas Aquinas nói rằng, ảnh hưởng ngay lập tức của lửa là một trong những “alligatio” [tình trạng bị ràng buộc, bị bóp nghẹt, bị kiềm tỏa và bị vây hãm bởi thụ tạo] trên con người.[7] Những cụm từ “đời đời” hay “muôn đời” hoặc “không hề tắt” diễn tả tính vĩnh cửu của Hỏa Ngục, vĩnh viễn bị tách biệt khỏi Thiên Chúa.
Một số lối nhìn chưa đúng đắn về Hỏa Ngục
Trước tiên, Hỏa Ngục đến từ cảm thức thiện–ác đi đôi với cảm thức tục–thiêng chứ không phải ai đó đã nhìn thấy một nơi gọi là “Hỏa Ngục”.[8] Có lẽ cảm thức này khởi phát từ niềm tin thời rất xa xưa: người ta không coi chết là hết (ví dụ: thuật ướp xác các Pharaon trong Kim Tự Tháp Ai Cập, hay cách chôn người chết của người Neanderthal sống trước ta gần 200 ngàn năm). Kế tiếp, ý thức về sự công bình đưa đến ý niệm về thưởng phạt và bù đắp ở đời này hay đời sau (không thể cứ để kẻ ác nhởn nhơ và kẻ lành cứ khổ mãi đến chết được). Những ý thức này làm phát sinh ý tưởng về hai nơi: Thiên Đàng và Hỏa Ngục.
Quan điểm khác, Hỏa Ngục là một tình trạng quả báo tạm thời của nguyên lý nhân quả, tuy nó vẫn là “cõi có hi vọng” nhưng là một nơi của sợ hãi. Trường phái Ấn Giáo và Phật Giáo là các tôn giáo chủ trương luân hồi thì xem Hỏa Ngục/Âm Phủ (cả Thiên Đàng) chỉ là tạm bợ, để sau khi thụ hưởng hết nghiệp quả (do công hay tội) người ta sẽ đầu thai vào một kiếp sống dương thế mới. Vì nó là tạm bợ nên còn có khả thể đầu thai, và thậm chí diễn ra theo nguyên lý [nhân quả] nên nó còn có hi vọng đổi mới.
Hơn thế nữa, nhiều người hiểu sai hay hiểu chưa đúng mức về chính Thiên Chúa qua mầu nhiệm Hỏa Ngục. Trước tiên, người ta cho rằng, Thiên Chúa mâu thuẫn với chính Ngài – Đấng Thương Xót. Ngài là Đấng Thương Xót thì sao lại có Hỏa Ngục được (nơi của kết án). Thứ đến, Ngài không là Thiên Chúa toàn năng, vì “cục đá” Hỏa Ngục mà Ngài đã làm ra thì Ngài không thể vác nỗi hay Ngài không hiện diện ở đó. Hay thậm chí, người ta nhìn nhận rằng, Hỏa Ngục là nơi ở của những thế lực đối kháng “cân sức” với Thiên Chúa.
Lối nhìn nền tảng phù hợp với đức tin về Hỏa Ngục
Tuy không ai nhìn thấy có Hỏa Ngục, nhưng ta biết có Hỏa Ngục là qua Đức Kitô, chỉ nhờ đã kinh nghiệm được ơn cứu rỗi nơi Đức Kitô – Thiên Chúa làm người. Hỏa Ngục không phải là một nơi, không chỉ là cảm thức thiện-ác, cũng không nhất thiết là một hệ quả của nguyên lý nhân quả và cũng không là một nhóm các thế lực đối đầu nằm bên ngoài thẩm quyền của Thiên Chúa. Hay nói cách khác, Hỏa Ngục không phải được nảy sinh ra từ phương diện tâm lý của con người. Nền tảng của Hỏa Ngục được nhận biết qua kinh nghiệm được cứu nơi Đức Kitô và nhờ mặc khải của Ngài.
Nền tảng
Nền tảng Thánh Kinh
Cựu Ước có nhắc đến một vài khía cạnh đáng lưu ý. Trước tiên, câu chuyện của ông Gióp (x.G 38-42), ông nhận thấy Ngài sẽ bào chữa cho người công chính và xét xử kẻ tội lỗi, không nhất thiết ở đời này mà còn cả đời sau. Thứ hai, các sách Ezekiel (x.Ed 32,22-32), Tiên tri Isaia (x.Is 14,15), Thánh Vịnh (x.Tv 15; 48; 72) và sách Khôn Ngoan (x.Kn 4,19) cho biết có một nơi gọi là “She’ol” hay “Âm phủ” – nơi của những kẻ chết [cả công chính lẫn bất chính], tuy nhiên họ bị xét xử khác nhau. Người công chính thì được bảo vệ khỏi sự chết. Thứ ba, sách Isaia (x.Is 66,24) có nói về một nơi (“Gehenna”) gần Gierusalem mà ở đó kẻ tội lỗi bị đau khổ muôn đời.
Tân Ước cho thấy 5 yếu tố về giáo thuyết được ghi chú trong lời dạy của Chúa Giêsu và các tông đồ. Thứ nhất, Mt 12,32 cho thấy sự hiện hữu của một tội không thể tha thứ liên quan đến việc khước từ Chúa Thánh Thần – khước từ sự tha thứ của Thiên Chúa. Thứ hai, tác giả Tin Mừng Matthêu cho thấy Đức Giêsu đã phân tách rõ ràng giữa người tốt và kẻ xấu (x.Mt 13,49), giữa người được cứu và kẻ bị kết án (x.Mt 25,31-32), thậm chí cuộc phân tách này sẽ chỉ được sáng tỏ vào thời sau hết. Thứ ba, thánh Phaolô cũng đề cập thường xuyên đến việc loại trừ kẻ tội lỗi khỏi sự sống vĩnh cửu hay khỏi Vương Quốc (x.1 Cr 6,9-10). Thứ tư, Tân Ước cũng đề cập đến một số chi tiết giải thích về bản chất của cuộc phát xét vĩnh viễn này, cụ thể như “lửa hỏa ngục” hay “giòi bọ” (Mc 9,47-48), “lò lửa” (Mt 13,42), “khóc lóc nghiến răng” (Mt 13,50). Cuối cùng, Tân Ước cũng nói cách rõ ràng về đặc tính vĩnh viễn của cuộc phán xét cánh chung: “lửa đời đời” (Mt 25,41), “chịu cực hình muôn kiếp” (Mt 25,46), “án diệt vong muôn đời” (2Thes 1,9), “khói từ chốn khổ hình của chúng sẽ bốc lên đời đời kiếp kiếp” (Kh 14,11).
Nền tảng Thánh Truyền
Có hai điểm chính yếu cần được nhấn mạnh nơi các Giáo phụ liên quan đến cuộc phán xét vĩnh viễn này. Trước tiên, tư tưởng của Origen thật đáng chú ý, ngài dựa vào đoạn Kinh Thánh Cv 3,21 (có cụm từ “phục hồi vạn vật”) cho rằng đau khổ Hỏa Ngục chỉ mang tính đời tạm (dù tạm thời nhưng cũng rất khủng khiếp) và có tính chữa trị. Tất cả mọi tội nhân đều được thanh tẩy khỏi tội và sẽ được cứu, sẽ có một cuộc hòa giải chung cho hết mọi người ngay ở đời này. Giáo Hội giảng về sự kết án đời đời chỉ nhằm làm khiếp đảm hay nhằm đe dọa những kẻ phạm tội kiên quyết. Origen và Gregori de Nysse có thể được gọi là các “Giáo Phụ đầy lòng thương xót”. Tuy nhiên, thánh John Chrysostom cho rằng, “không thể không có sự trừng phạt và Hỏa Ngục.” Thánh Augustine nhìn thấy tính vĩnh viễn của Hỏa Ngục và tính vĩnh cửu của Thiên Đàng như là hai mặt của một đồng tiền. Các ngài nhấn mạnh sự công minh của Thiên Chúa. Công Đồng Constantinople II (553) đã khước từ tư tưởng của Origen; Công Đồng khẳng định sẽ có cuộc xét xử cho các quỷ dữ và cho những người thánh thiện ở đời này và chung cuộc vào thời sau hết.
Dù Giáo Hội nhìn nhận Hỏa Ngục là một tình trạng thật khủng khiếp, nhưng cũng nhận thấy Thiên Chúa chủ động tiếp cận và bày tỏ tình yêu cho cả các kẻ dữ. Trước tiên, thánh Thomas Aquinas, trong “Summa Contra Gentiles”[9] đã đặt câu hỏi: “Xem ra Chúa Kitô đã xuống Hỏa Ngục?” Sau cùng ngài trả lời: “Chúa Kitô là sự Khôn ngoan của Thiên Chúa, đã xuyên qua mọi phần hạ tầng của trái đất.” Ngài đã đi xuống mỗi ngục bằng những thể cách khác nhau, và Ngài đi xuống tận “nơi sâu thẳm nhất của ngục”.[10] Việc “đi xuống” một mặt vừa tỏ rõ quyền bính của Đức Kitô, mặt khác vừa diễn tả tình thương cứu độ của Thiên Chúa. Đây có thể là nền tảng tư tưởng mà Hans Urs von Balthasar dùng đặt nền cho lý thuyết “Đức Kitô xuống Hỏa Ngục” của mình; cũng như Karl Rahner, cả hai đều nhìn nhận cùng lúc cả lòng thương xót và sự công bình của Thiên Chúa khi suy xét về mầu nhiệm Hỏa Ngục này.
PHẦN II: LẬP LUẬN CỦA HANS URS VON BALTHASAR
Hỏa Ngục như là dấu chỉ của việc Thiên Chúa thi ân
Khả thể chọn lựa Hỏa Ngục của con người bộc lộ khả năng tự do mà Thiên Chúa ban tặng cho con người. Liệu rằng tự do giới hạn của con người có thể nào tự cắt bỏ khỏi Thiên Chúa cách hoàn toàn trong chính quyết định của nó?[11]
Trước tiên, ta xét tương quan giữa hai “kiểu” tự do: Tự do trước (tự do tuyệt đối) và tự do sau (tự do hữu hạn của con người). Tự do trước là cội nguồn, là cùng đích và là đối tượng mô thức của cái tự do sau. Tự do sau vừa có đặc quyền chính đáng (tự do có trách nhiệm), vừa chỉ có thể là nó khi vượt qua chính nó và hướng đến sự thiện tuyệt đối. Cái sau phụ thuộc vào cái trước, và cái trước cũng không thể thay đổi cái sau ngoài việc thiết đặt trên cái sau một dấu ấn vĩnh cửu trong cội nguồn của nó. Thiên Chúa đã đặt để dấu ấn của Ngài trong cấu trúc siêu nghiệm của tự do. Vì thế, chỉ trên nền tảng của cấu trúc siêu nghiệm này, tự do mới có thể chọn lựa được bất kỳ cái tốt cụ thể nào, thậm chí nếu nó quyết định chọn chính nó như một cái tốt [tự đủ]. Nếu cái tự do sau chọn chính nó như là một sự thiện tuyệt đối thì nó đã tự đưa mình vào một mâu thuẫn là sẽ khước từ chính nó. Nếu nó cứ duy trì [cách ngoan cố] cái mâu thuẫn này cách vô tận thì đó chính là “Hell”.
Thứ đến, Hỏa Ngục được đặt để trong tay Thiên Chúa, tuy nhiên đó cũng là hữu thể ở trong tình trạng tự kết án chính mình. Lửa Hỏa Ngục thiêu hủy ở đây không gì khác hơn là lửa của chính Thiên Chúa và đến từ Thiên Chúa. Đó là sức mạnh bốc cháy của Thiên Chúa thiêu hủy bản tính tự do, nhưng không theo kiểu lửa bình thường. Tuy nhiên, thực ra là cái tự do sau đã hủy hoại chính nó, khi sự căm ghét và giận dữ chống lại Thiên Chúa trong nó tương ứng với sự thân mật siêu nhiên của tình yêu, mà Ngài đã cấy đặt vào và ban tặng trong bản tính của tạo thành. Đến nỗi mà, tình yêu này tự tỏ cho thấy như là sức nặng và là lửa của cơn thịnh nộ Thiên Chúa.
Hơn nữa, tự do của con người còn là hình ảnh của tự do tuyệt đối trong tương quan yêu thương của Ba Ngôi. Con người hữu hạn mang hình ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi, nghĩa là người ta chỉ là người và trở nên người nhờ liên kết với người khác (the other).[12] Cũng vậy, sự tự do của con người sẽ tìm thấy chính nó chỉ trong một không gian tự do được người khác chia sẻ. Điều này mời gọi con người nhận ra sự tự do của anh ta đang ở trong sự trao đổi vĩnh cửu của tình yêu. Đó là sự sống của Ba Ngôi: tự do tuyệt đối của Ngôi Vị này luôn luôn vừa trao ban cho Ngôi Vị kia vừa được nhận từ Ngôi Vị kia hoàn toàn. Ơn gọi siêu nhiên của con người hướng về tình yêu Ba Ngôi. Nghĩa là tự do được ban cho anh ta dường như có “giới hạn” trong Thiên Chúa; trong sự trao đổi yêu thương này, tự do được trao vào tay của anh ta [cách tận cùng] như là quà tặng sẽ mang anh ta đến tròn đầy.
Cuối cùng, chính Đức Kitô là yếu tính tự do của nhân loại và gắn kết chặt chẽ trong Thiên Chúa. Yếu tính tận cùng của thế giới đặt nền trên Lời và chỉ được tri nhận với tư cách là Lời. Lời gắn chặt trong Thiên Chúa và là nền tảng hiện hữu của tạo thành. Đức Kitô là Ngôi Lời Thiên Chúa, Ngôi Lời luôn hướng về hòa giải với thế giới. Trong Đức Kitô, sự sống Ba Ngôi hướng về hòa giải giữa thế giới với Thiên Chúa. Sự hiện hữu của Đức Kitô thông truyền cho thế giới cái tự do của sự thiện tuyệt đối. Chỉ có sự tự do của Đức Kitô mới có đủ sức mạnh để bẻ gãy những giới hạn và mọi bận tâm của nhân loại, để hội nhất cái muôn vẻ vào trong sự hiệp nhất có trật tự – Lời. Khi hữu thể của Chúa Giêsu gắn chặt với thập giá thì Ngài nhận thức về sự tự do cao nhất. Vì thế, gắn bó với Đức Kitô và chỉ như thế thôi sẽ dẫn nhân loại vào trong một “luật hoàn hảo, luật của tự do” (Gc 1,25). Một người càng quyết định cho Thiên Chúa và gắn bó chính mình với Ngài thì càng trở nên tự do hơn. Như thế, ngang qua sự liên kết của chúng ta với Đức Kitô mà khái niệm về “tự do” trở nên quá rộng lớn đến nỗi mà tất cả sự tự do trên trái đất này dường như là giới hạn và vô nghĩa. Hơn nữa, không gian tự do được mở lên bởi Đức Kitô là không gian của “hơi thở Thần Khí”, đó là không gian của Ba Ngôi. Vì thế, điều này chiếu một tia sáng cho nhận thức, con người có khả năng và có tự do để có thể quay lựng lại với Thiên Chúa cách hoàn toàn. Đồng nghĩa, Thiên Chúa đã ban cho con người một khả năng tự do quá lớn lao và đó cũng chính là Sự Thiện Tuyệt Đối mà con người được nhận lãnh.
Hỏa Ngục là một sản phẩm (product) của Ơn Cứu Độ[13]
“Sản phẩm” ở đây có nghĩa là đối tượng “thị kiến kẻ chết” (“visio mortis”) của Đấng Cứu Độ, chỉ có thể là thực tại Hỏa Ngục thuần túy – là tội trong chính nó. Một sản phẩm mà từ nay trở về sau phải được “chiêm ngắm” trong cái “for itself” của chính nó bởi Đấng Cứu Độ. Như thế, trong tình trạng “bị đày xuống” hoàn toàn mà nó trở thành cái hiện hữu “for him” của Đấng Cứu Độ: Ngài đã nhận lấy sức mạnh và quyền lực để vượt qua nó trong sự Phục Sinh.
Theo Nicolas Cusa nói về thị kiến cõi chết của Đức Kitô, cõi chết thứ hai này là địa ngục thấp hơn (“lower or deeper underworld”) mà kẻ chết bị loại bỏ hoàn toàn (bị xét xử hoàn toàn nhất). Chính linh hồn Đức Kitô đã tự do chọn lựa đi vào trong cõi chết này và chiêm ngắm kẻ chết. Sự đau khổ của Đức Kitô là một sự đau khổ lớn nhất mà Ngài nhận lấy, giống như đau khổ của những kẻ bị đọa đày không thể đau khổ hơn nữa (trương độ của xét xử Hỏa Ngục). Ngài muốn kinh nghiệm cái cảm thức bị trừng phạt giống kẻ bị đọa đày trong Hỏa Ngục vì vinh quang của Cha, nên đã vâng phục cho đến tận cùng. Nghĩa là, để ngợi khen và chúc tụng Thiên Chúa trong mọi cách có thể, Ngài đã làm vì sự công chính hóa của chúng ta, và chỉ một mình Ngài ngang qua cái chết như thế đi vào trong vinh quang.
Trong cuộc Vượt Qua, Đức Kitô đã thuộc về nhóm của những kẻ bị tước đoạt hết sức mạnh, nên không thể chiến đấu để chiến thắng “quyền lực Hỏa Ngục” bằng sức mạnh được. Nhưng chắc chắn rằng, cái “yếu đuối” tột đỉnh này phải làm một với đối tượng thị kiến của Ngài: cõi chết thứ hai – tội lỗi cách trọn vẹn, và chiêm ngắm trong thực tại trần trụi của tội lỗi.[14] A. Gugler diễn tả, Hỏa Ngục như là một thành phần còn lại cuối cùng mà tuyệt đối bất khả phục hồi sự sống, nơi sự căm ghét của kẻ thù thể hiện cách khách quan và tuyệt đối. Tuy nhiên, đừng quên rằng, giữa những kẻ chết thì không hề có một sự hiệp thông sự sống nào. Sự liên kết (solidarity) của Đức Kitô ở đây có nghĩa là, sự hiện hữu cô độc giống người khác và với những kẻ khác. Hỏa Ngục trở nên một đối tượng cho việc chiêm ngắm của Đấng Cứu Độ và nó trở nên một hiện hữu vĩnh cửu nơi chính Ngài.
Hỏa ngục như là một quà tặng của hồng ân Thiên Chúa[15]
Hỏa ngục là nơi bị kết án đến tận cùng bởi Thiên Chúa, nơi tống giam những gì là tội lỗi (nơi ở của tội lỗi), cái được bóc tách ra khỏi kẻ tội lỗi và từ kẻ tội lỗi nhờ vào công nghiệp của Thập giá Đức Kitô. Trong lịch sử của sự sa ngã và cứu độ, sự hiện hữu của một nơi như thế thì cần thiết hơn là không có, vì đó là bằng chứng trải dài về sự tha thứ tội lỗi của Thiên Chúa. Người Con là hình ảnh của Cha trong Ngôi Vị của Ngài đã lấy đi tội của thế giới, đồng thời Ngài diễn tả chính mình trong thân thể Hiền Thê Ngài (Giáo Hội) như là một tội nhân sống động giờ đây bị trơ trụi vì tội lỗi. Qua việc “tống giam” những gì thuần túy tội lỗi, ta có thể nói Hỏa Ngục như là dấu chỉ của tình thương cứu độ của Thiên Chúa cho nhân loại.
Hỏa Ngục còn là dấu chỉ khách quan cho thấy sự chiến thắng của Thiên Chúa trên tội lỗi và sự dữ. Tội lỗi của thế giới được quét sạch khỏi những kẻ được cứu nhờ công trình của thập giá. Ngài chủ động tích cực đi xuống đến tận đáy vực thẳm của tội lỗi và sau đó đi lên khải hoàng. Ngài chấp nhận thế chỗ cho kẻ tội lỗi. Từ đây, Ngài muốn xét tội không phải trong ánh sáng của chiến thắng nữa, nhưng trong sự tối tăm của tội lỗi. Trong nghĩa đó, Hỏa Ngục quả là một quà tặng của hồng ân Thiên Chúa.
Tương tác với Hỏa Ngục như là sự kiện của Ba Ngôi
Hỏa ngục thì quá bé nhỏ so với cái lớn lao của Thiên Chúa[16]
Trong Thiên Chúa, khi con người chiêm ngắm Ngài thì được thông dự vào trong một phương thức hiện hữu (mode of being) mà “bao gồm tất cả thời gian trong đó.” Nếu anh bị loại ra khỏi sự chiêm ngắm này (khỏi sự thông dự vào Hữu Thể Thiên Chúa) thì anh cũng bị loại ra khỏi cái “bao gồm” đó, và vì thế chỉ còn bị thu hẹp trong chính cái thời gian vô tận hiện hữu của riêng anh. Anh bị tước bỏ tất cả sự tiếp xúc với Thiên Chúa và với mọi thụ tạo thân mật với Ngài, bị trơ trọi về tất cả các chiều kích định tính sự sống vô tận của Thiên Chúa. Đó là ra khỏi hoàn toàn các khía cạnh thuộc dòng chảy tích cực được tìm thấy trong thời gian[17] của Thiên Chúa.
Bên cạnh đó, ta nhận thấy trong mầu nhiệm thập giá của Đức Kitô, cái vô tận của đau khổ nơi Ngài cũng là sự vô tận của ơn cứu độ. Tình trạng Chúa Con trải qua trên thập giá được xem là một tình trạng vô tận (condition of timelessness), vì nó có “không gian” đủ cho mọi tội nhân kinh nghiệm [Hỏa Ngục] khi bị Thiên Chúa loại bỏ (x.Rm 8,3-4), về cả mặt cường độ lẫn trương độ. Cái lớn lao ở chỗ, Người Con đã tự nguyện mang lấy trên chính mình sự bị tước đoạt của Thiên Chúa dành cho kẻ tội lỗi, nhưng trong sự hiệp thông luôn mãi. Ngài đã đơn độc đảm nhận lấy sự bỏ rơi của Thiên Chúa dành cho tội nhân và cảm nhận thấy trọn vẹn chiều kích bị đánh mất Cha. Gioan Thánh Giá diễn tả kinh nghiệm của ngài:
“Những đau khổ của Hỏa Ngục bao phủ lấy tôi” như sau: “linh hồn cảm thấy một cách sống động nhất về bóng dáng của tử thần, thều thào trong cơn hấp hối và những đau khổ của Hỏa Ngục. Vì nó tự cảm thấy vắng bóng Thiên Chúa, bị Thiên Chúa trừng phạt và loại bỏ, là đối tượng của đau buồn và bị nguyền rủa. Linh hồn cảm thấy tất cả những điều ấy và nhiều hơn nữa: nó cảm thấy rằng, tình trạng này sẽ là tận cùng của mọi cùng tận.”
Đối với Chúa Con, bị tách khỏi Cha là “sức nặng của vĩnh cửu (eternity),… trên cây thập giá Ngài cảm thấy cô độc trong cái chết, một cái chết tận cùng và vô hạn, trong đó mọi phút giây và điểm nhìn hiện tại sẽ tan biến cách hoàn toàn. Những gì là chốc lát đối với con người thì đối với Ngài là vĩnh cửu.” Mặc dù, cuộc Vượt Qua của Chúa Giêsu diễn ra trong không thời gian cụ thể, nhưng nó vượt trên các ranh giới đó về mọi phương diện. Cái vô tận của thập giá không chỉ phủ định thời gian xác định tính chất của Hỏa Ngục mà còn là một “siêu thời gian.” Thư 1Cr 3,18 nói: “Đức Kitô đã chết cho tội lỗi, một lần cho tất cả” diễn tả cả nội dung lẫn ý nghĩa của sự kiện. Như thế, sự tách biệt Cha và Con có thể được hiểu là một diễn tả “nhiệm cục” của sự sống vĩnh cửu. Đó không phải là những kinh nghiệm may rủi, không phải là tai nạn, cũng không phải là số mệnh nhưng là tình trạng thuộc bản thể của đời sống Ngài. “Vì thế Ngài đau khổ để mang lấy tất cả tội lỗi,… bởi vì Ngài là Thiên Chúa.” Theo đó, sự đau khổ có tính cứu độ của Chúa Giêsu vượt lên trên tất cả tính hữu hạn của tội lỗi một cách vô cùng.
Đức Kitô Vượt Qua đã xuống Hỏa Ngục và đảm nhận lấy Hỏa Ngục
Trước tiên, Đức Kitô đảm nhận lấy Hỏa Ngục nơi biến cố Thập giá. Như đã nói trên, trên cây thập giá, Đức Kitô kinh nghiệm trọn vẹn về tình trạng bị Thiên Chúa bỏ rơi tội nhân cách hoàn toàn. Đây là một kinh nghiệm tích cực và chủ động tự nguyện đảm nhận lấy “sự trừng phạt” dành cho tội nhân của Đức Kitô. Điều khác biệt, Ngài đảm nhận lấy sự bị loại bỏ nhưng trong sự hiệp thông với Cha luôn, nên tình trạng của Ngài trên thập giá thậm chí còn vô tận hơn cả sự vô tận của Hỏa Ngục. Tauler đã nhấn mạnh cách minh nhiên rằng, kinh nghiệm về sự bỏ rơi của Thiên Chúa trên cây thập giá (được chấp nhận cách vô điều kiện và vô tận) thì có thể hoàn toàn tương ứng với kinh nghiệm về tất cả các giới hạn thời đại.[18]
Thứ đến, Đức Kitô xuống Hỏa Ngục thực sự và đảm nhận lấy Hỏa Ngục vào Thứ Bảy Thánh.[19] Sự liên kết tận căn (solidarity) với cõi chết là chóp điểm và mục đích trước nhất của việc “đi xuống” này. Cả Augustine lẫn Thomas Aquinas đều cho rằng, Đức Kitô nhất thiết phải đi xuống “Hades”[20], không chỉ hệ tại ở một số sự khốn khó phải chịu nơi đau khổ thập giá, nhưng còn phải diễn tả thật sự tất cả những thiếu thốn (defectus) của kẻ tội lỗi. Hình phạt trên tội lỗi con người không chỉ trên thân xác mà còn trên linh hồn. Tất cả các linh hồn chết trước khi Đức Kitô đến, kể cả các tổ phụ thánh thiện, đều phải xuống Hỏa Ngục (infernum). Vì thế, để diễn tả hết toàn bộ các hình phạt trên những kẻ tội lỗi, thì Đức Kitô sẽ không chỉ chết mà linh hồn của Ngài còn đi xuống “ad infernum”. Tertulian, Con Thiên Chúa đã tự ý thích nghi với toàn bộ luật cái chết của con người. Irenaeus, Đức Kitô đã xuyên thấu khu vực của “inferi” để chữa lành và cứu độ; còn với Ambrosiaster, Đức Kitô sẽ nên giống chúng ta, Ngài bước đi trong bóng dáng của kẻ chết,… Tất cả điều này không nói gì nhiều về việc “đi xuống”, nhưng cũng nói ít nhiều về một chiến thắng vang dội của Đức Kitô vượt qua Hades – một cuộc chiến thắng nội tại trên sức mạnh của thù địch. Ngài cao hơn Thiên Đàng nên cũng sâu hơn Hỏa Ngục, vì Ngài siêu việt. Vì lòng trắc ẩn mà Ngài đã mang lấy trên mình nỗi sợ hãi, không vì Ngài phải chịu vậy nhưng hơn hết vì ý muốn xót thương.
Hơn nữa, khi Đấng Cứu Độ gắn kết với kẻ chết đồng nghĩa Ngài cũng đã miễn cho họ khỏi kinh nghiệm gắn chặt với sự chết (“poena damni”), đến nỗi mà, một ánh sáng lung linh từ thiên đàng của đức tin, tình yêu và hy vọng đã chiếu sáng vào địa ngục (abyss).[21] Qua việc thế chỗ này, Ngài đã nhận lấy toàn bộ kinh nghiệm của “poena damni” trên chính mình. Vì thế, Đấng Cứu Độ cho thấy, Ngài là Đấng duy nhất vượt qua kinh nghiệm chung về sự chết, vượt qua chiều sâu của địa ngục. Althaus cho rằng, cái chết của Đức Kitô trở nên phổ quát và đồng thời là đơn nhất và độc nhất có giá trị cứu độ.
Cuối cùng, Hỏa Ngục thuộc về Đức Kitô.[22] Sự kiện xuống Hỏa Ngục là sự kiện cứu độ và được ban cho toàn nhân loại. Nếu Đức Kitô chịu đau khổ (không chỉ do chọn lựa mà còn vì tất cả nhân loại) thì ngang qua chính sự kiện này, Ngài đã mang lấy tiếng “No” có tính cánh chung của tất cả con người liên quan đến ơn cứu độ. Kinh nghiệm đó chẳng gì khác hơn chỉ về một sự gắn kết với các cư dân ở “Sheol” mà chẳng có một tia sáng cứu độ nào được chiếu qua đó. Vì tất cả ánh sáng cứu độ chỉ duy nhất đến từ Đấng mà ở trong “solidarity” cho đến tận cùng này. Cho nên, Ngài cũng là Đấng duy nhất có thể thông truyền ánh sáng đó. Hơn nữa, tội lỗi định hình nên cái gọi là “vô trật tự” đệ nhị (do tự do con người hay Hỏa Ngục thấp hơn) – là nơi của thực tại tội lỗi trần trụi. Chính Đấng Cứu Độ khi chiêm ngắm cách bị động và khách quan cái thực thể Hỏa Ngục thuần túy này, đã phải mang lấy trong đôi mắt Ngài tất cả thực tại đó. Ngài vượt qua Hỏa Ngục sâu thẳm nhất này trong tâm thế tự do khỏi những ràng buộc của tội lỗi (như ở kẻ chết). Điều mà Thomas luôn nhấn mạnh đó là tự nguyện “mang lấy sự thế chỗ” của Ngài. Do đó, Hỏa Ngục thuộc về Đức Kitô và Ngài làm cho nó được đi vào trong Vương Quốc của chính Ngài (Đấng Cứu Độ).
Ngang qua Đức Kitô, tình yêu của Ba Ngôi được dành cho nhân loại; hành vi của Đức Kitô cũng chính là hành vi của Chúa Cha và cũng là hành vi của Ba Ngôi[23]
Nếu sự kiện Vượt Qua là sự kiện của Ba Ngôi thì sự thân chinh xuống Hỏa Ngục cũng là một sự kiện của Ba Ngôi. Người Con thực hiện mọi sự và đảm nhận mọi sự luôn trong tình hiệp thông với Cha. Việc Đức Kitô gắn kết với kẻ chết, hay đúng hơn là gắn kết với sự chết của kẻ chết, là kết quả tận cùng của sứ mạng Cha trao. Đây là một hiện hữu tận cùng của sự vâng phục [Cha], một sự “vâng phục của xác chết” (Đức Kitô chết vâng phục), một sự vâng phục có tính độc nhất. Đức Kitô mang lấy tất cả các chiều kích hiện hữu đối nghịch lại hoàn toàn với Thiên Chúa, toàn bộ đối tượng của phán xét cánh chung và trong tình trạng tuyệt vọng. Đó là sự vâng phục trong chiều kích sứ mạng của Cha.
Chúa Cha đã tiến cử Người Con là con người trong Hỏa Ngục (như một thừa tự tối cao về tự do của con người) và trao cho Ngài toàn quyền xét xử [để cứu độ thế gian]. Người Con đã tự nguyện mang lấy trong cái nhìn của Ngài tất cả sự bất toàn của phạm vi tạo dựng. Như lời của Irenea, nhờ Thị kiến này mà chúng ta được ơn phúc kiến Thiên Chúa. Cuộc “thám hiểm” sâu tận này của Ngài đã biến cái nhà tù thành một con đường [của tình yêu và ân sủng]. Do đó, tất cả nhân loại (cả trước lẫn sau Đức Kitô) cho đến nay đều được cứu, vì Đức Kitô đã làm trống Hỏa Ngục bằng kinh nghiệm Hỏa Ngục của Ngài – đó là một sự dâng nộp cho thế cực đối nghịch hay một sự thế chỗ. Chính vì thế, Ngài trở nên thẩm phán định đoạt về ơn cứu độ vĩnh cửu và đó là sự kiện cứu độ. K. Rahner nhấn mạnh đến “hiệu quả cứu độ” của sự kiện Thứ Bảy Thánh này: từ bây giờ, ơn cứu độ được ban tặng cho toàn nhân loại; trong cách đó, kẻ chết sẽ quyết định lời đáp trả với món quà đó. Khả năng quyết định của con người dưới tác động của “khao khát nền tảng” sẽ được hình thành trong suốt đời sống. Người Con – Đấng trung gian giữa Cha và nhân loại – đã làm mọi sự trong ý định tốt đẹp của Chúa Cha.
Như thế, chúng ta sẽ nhìn thấy mình trong Thiên Chúa. Bất kỳ ai tình nguyện lựa chọn bị bỏ rơi hoàn toàn để làm chứng cho Thiên Chúa, thì sẽ luôn nhận thấy có một người thậm chí còn bị bỏ rơi tuyệt đối hơn chúng ta. Người ấy ở bên cạnh tôi, bị bỏ rơi bởi Thiên Chúa (giống tôi) và vì tôi. Hơn nữa, trong Thiên Chúa, chúng ta cũng nhìn thấy mình trong sự hiệp thông với kẻ khác. Đức Kitô đón nhận lấy con đường bị Cha bỏ rơi, để biến con đường đệnh mệnh của con người thành con đường vâng phục vĩnh cửu. Nhờ đó Ngài mang lại sự êm ái cho nơi vô vọng, sưởi ấm những nơi lạnh lẻo, thương xót nơi công bình và “thanh luyện” cho nơi Hỏa Ngục. Thiên Chúa là nguyên mẫu của sự hiệp thông các thánh. Nhờ nguyên mẫu này mà một người có thể cầu nguyện và hy sinh trong vị thế của kẻ khác, và có thể “đặt mình thay thế” cho một ai đó khác. Như vậy, hành vi của Đức Kitô chính là hành vi của Ba Ngôi và cũng là hành vi của nhân loại.
PHẦN III: SUY TƯ PHẢN TỈNH
Về phía con người: con người thật bé nhỏ nhưng lại rất cao quý trước mặt Thiên Chúa. Bằng chứng là, Ngài trao cho con người tự do quá lớn, đến nỗi có thể chọn ngược lại với Ngài; khả thể bị phán xét đời đời nơi Hỏa Ngục giả định cái năng lực và chiều sâu của tự do con người. Con người dường như là “mục đích” sự hiện diện của Ơn Cứu Độ. Về phía Thiên Chúa: Ngài quyền năng nhưng lại yêu thương con người đến cùng và năng quyền ấy được tỏ lộ trong tình yêu. Bằng chứng là, Ngài chia sẻ tận cùng với con người chiều kích Hỏa Ngục nơi mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô. Đứng trước sự lạ lùng của mầu nhiệm tình yêu này, không thể có lời lẽ nào hay điều gì của con người diễn tả hết được. Mọi sự được thực hiện nơi Đức Kitô thì cũng được thực hiện nơi Ba Ngôi Thiên Chúa. Dường như Thiên Chúa trở nên quá nhỏ bé so với những gì tự do của con người làm trên Ngài, nhưng thực ra Hỏa Ngục lại quả nhỏ bé so với quyền năng và tình thương của Thiên Chúa.
Điều cần lưu ý, khi nói “Hỏa Ngục là quà tặng của hồng ân Thiên Chúa” có thể dễ gây ngộ nhận, Hỏa Ngục do Thiên Chúa tạo ra và nó thuộc về yếu tính của Ngài. Thiên Chúa ban Hỏa Ngục cho con người và nó rất tốt. Hoàn toàn không phải thế! Yếu tính của Thiên Chúa tuyệt đối tốt lành và thánh thiện.[24] Hỏa Ngục là điều kinh tởm và không ai dám nghĩ tưởng đến. Thiên Chúa vừa không làm ra Hỏa Ngục và cũng vừa không xóa bỏ nó. Thánh Augustine và thánh Thomas Aquino nói: sự dữ chỉ là khiếm khuyết của sự thiện mà thôi. Tuy nhiên, dường như Balthasar muốn ngụ ý rằng, Hỏa Ngục chính là dấu chỉ để nhận ra tình thương vững bền của Thiên Chúa. Đó là thực tại của cuộc phán xét tận căn của Thiên Chúa. Trong cuộc phán xét đó, nhiều linh hồn được tha thứ tội lỗi, tội lỗi được bốc tách ra khỏi linh hồn và bị giam cầm vào một chỗ. Hơn nữa, cuộc phán xét đó trả lại sự công bằng cho toàn thể nhân loại, đáp lại khát mong của muôn loài và tỏ lộ lòng thương xót vô cùng của Thiên Chúa nơi Đức Kitô. Điểm nhấn của Hỏa Ngục là thực tại tình yêu Thiên Chúa, thay vì nói về bản chất của nó.
Đặc biệt, nét độc sáng của Balthasar là ngày Thứ Bảy Thánh; nó trở nên một hiện hữu vĩnh cửu “for him” của Đức Kitô. Có lẽ đối với Balthasar, sự kiện Thứ Bảy Thánh là sự kiện tỏ lộ mầu nhiệm sâu thẳm nhất của Đức Kitô và cũng là của Ba Ngôi Thiên Chúa. Chính bản tính Thiên Chúa nơi linh hồn Đức Kitô đã hiện diện nơi Hỏa Ngục.[25] Có như thế, kinh nghiệm của thánh Phaolô khi nói về Đức Kitô mới có thể hiểu được: “Người có trước muôn loài muôn vật, tất cả đều tồn tại trong Người… Vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người” (Cl 1,17.19). Hay trong thư Do Thái có nói: “Người phải trở nên giống anh em mình về mọi phương diện, để trở thành vị Thượng Tế nhân từ và trung tín trong việc thờ phượng Thiên Chúa, hầu đền tội cho dân. Vì bản thân Người đã trải qua thử thách và đau khổ, nên Người có thể cứu giúp những ai bị thử thách” (Dt 2,17-18). Điều quan trọng nhất, Ngài là Đấng thập toàn, cưu mang tất cả sự viên mãn và nên giống con người về mọi phương diện. Tuy nhiên, có một sự khác biệt giữa Đức Kitô chết và các kẻ chết khác. Ngài đã tình nguyện chiêm ngắm sự chết, nhưng không bị ràng buộc bởi tội lỗi và tự do trong số những kẻ chết. Hơn nữa, khi phúc kiến Thiên Chúa linh hồn được thông dự vào sự Hiện Hữu Thiên Chúa, còn khi Đức Kitô thị kiến kẻ chết thì chính Ngài đã tham dự vào cái chết của kẻ chết và mở đường cho kẻ chết được ơn phúc kiến. Tất cả những gì mà Đức Kitô làm đều trở nên vĩnh cửu cho con người. Sự kiện ngày Thứ Bảy Thánh làm cho Mầu nhiệm Nhập Thể của Đức Kitô tiến đến chóp đỉnh và trở nên tròn đầy ý nghĩa.
Bên cạnh đó, Thần học cánh chung của Balthasar dường như nhấn mạnh chính yếu về khía cạnh hòa giải.[26] Một sự hòa giải giữa Thiên Chúa và nhân loại ngang qua và trong Đức Kitô. Các chiều kích nhân loại cũng được hòa giải với nhau. Tất cả phải đi vào sự hiệp thông, hiệp thông giữa các thụ tạo và hiệp thông giữa nhân loại với Thiên Chúa. Thiên Chúa đã tự nguyện hiệp thông tận cùng với nhân loại mất trật tự bằng cách đảm nhận lấy Hỏa Ngục nơi Đức Kitô. Đến lượt mình, con người phải chịu trách nhiệm trên cuộc đời của mình, trên người khác và trên cả công trình tạo dựng. Nghĩa là, không ai có thể xuống Hỏa Ngục một mình hay được cứu độ một mình. Cũng như sự tự nguyện chấp nhận đi vào cuộc Vượt Qua của Đức Kitô đem nguồn ơn cứu độ có tính chất phổ quát và cánh chung thế nào, thì tất cả mọi thụ tạo đều có một sự liên đới trách nhiệm trong tội một cách cánh chung như thế.[27] Nếu tự do của con người là một tự do đến nỗi có thể chọn sa Hỏa Ngục, thì nhờ sự chọn lựa của con người mà cả thế giới có thể được cứu; hơn nữa, ơn cứu độ mới là bản chất của Thế giới. Hiểu như thế, chương trình cứu độ hay kế hoạch hòa giải của Thiên Chúa diễn tả trong tương quan giữa Ngài với thế giới là một thực tại đầy kịch tính.
Ngoài ra, Balthasar cũng có nhắc đến hai khía cạnh lòng thương xót và sự công bình của Thiên Chúa khi nói về mầu nhiệm Hỏa Ngục, tuy nhiên không thấy ông lập luận rõ về tương quan hai mặt này.[28] Hỏa Ngục như là kết quả của một phán xét chung cuộc dành cho kẻ dữ, nơi biểu lộ rõ tường hình ảnh của một Thiên Chúa vừa công bằng nhưng cũng vừa đầy xót thương. Cuộc gặp gỡ với Đức Kitô như là Tiêu Chuẩn của cuộc phán xét và là chính Thẩm Phán đã làm cho mọi người phải trở nên con người chính thật của mình. Sự phán xét của Chúa chính là niềm hy vọng của nhân loại, vì đó vừa là công lý và vừa là ân sủng[29] (x.SS 47). Việc luận phạt của Thiên Chúa vừa đúng với hệ quả tội lỗi nơi kẻ ác vừa hợp với nhìn nhận của mọi người (không có chuyện trả thù). Phán xét không làm mất đi tính nhất quán hay tính hiện thực của yếu tính thương xót nơi Thiên Chúa dành cho con người. Ngài thương xót là thương xót, không có chuyện kém thương xót, du di hay xét những điều không có nơi hành vi của ai đó.[30] Ngài thương xót hết mọi người không trừ ai, khi Ngài công bằng chính là thương xót và khi thương xót là hoàn toàn công bằng. Thiên Chúa nhập thể nơi Đức Kitô chính là sự kết nối mật thiết giữa công bằng và xót thương (x.SS 47).
Sau cùng, bản chất của Hỏa Ngục là một mầu nhiệm vượt quá trí hiểu của con người và cũng đầy tính nghịch lý. Thực tại này không phải là “tác phẩm” của Thiên Chúa nhưng cũng vừa ở trong thẩm quyền của Ngài, vừa biết về tình trạng của nó vừa cũng chẳng biết gì. Nếu người ta nhìn thực tại Hỏa Ngục quá tiêu cực sẽ đánh mất ý nghĩa sự hiện diện của nó. Ngược lại, nếu người ta nhìn quá “tích cực” (có Hỏa Ngục thì mới có ơn cứu độ) hay quá hời hợt (nó chỉ để răn đe hay hù dọa) về Hỏa Ngục thì cũng dễ đánh mất thực tại này. Hỏa Ngục có thể được kinh nghiệm khi người ta kinh nghiệm về tội (tình trạng xa rời tình yêu của Thiên Chúa) hay hiện hữu bị phán xét hoặc là một tình trạng mâu thuẫn nội tại lên đến cực độ mà được giải thoát. Ngày nay người ta thường đề cập đến Hỏa Ngục theo nghĩa ẩn dụ hơn cho tất cả những đau khổ của đời sống nhân loại (x.SS 37). Con người vừa sợ hãi nó những cũng vừa rất tò mò. Thật sự khó hiểu khi nhân loại này luôn được Thiên Chúa thu hút về Ngài tự trong bản tính của nhân loại cách trọn vẹn, trong khi đó Ngài lại ban cho họ một khả năng có thể chọn Hỏa Ngục; sau cùng Ngài lại trả một giá máu nơi Đức Kitô để cứu chuộc. Trước giá máu ấy, liệu có linh hồn nào đủ mạnh để “cưỡng lại” sức hút “lửa tình” của Ngài để đi vào cõi trầm luân muôn đời?[31]
KẾT LUẬN
Kinh nghiệm của con người cho thấy, một khi người ta thốt ra hai từ “Hỏa Ngục” trên môi miệng thì quả thực điều ấy quá khiếp đảm đối với con người. Tuy nhiên, khi chiêm ngắm về mầu nhiệm Hỏa Ngục, chúng ta không quá lưu tâm đến tình trạng của nó, nhưng hơn thế là những việc Thiên Chúa đã làm cho nhân loại qua Đức Giêsu Kitô. Việc Thiên Chúa hành động đối với Hỏa Ngục có thể được xem là chính sự tự thông truyền của Thiên Chúa cho thế giới. Đó là “Cái Đẹp” (Beauty) của hiện hữu Thiên Chúa mà Balthasar muốn nhắn gởi. Đây không đơn thuần là một chân lý để tri nhận hay một lời đề nghị cho ý chí thực hành, nhưng nó còn tỏ lộ một nét đẹp thực sự và sự rực rỡ của Hiện Hữu Thiên Chúa.[32] Tuy nhiên, đối với Balthasar, “Cái Đẹp” (Beauty) không phải chỉ đơn lẽ nhưng phải luôn bao hàm hai yếu tố khác: “Chân lý” (Truth) và “Sự thiện” (Good).
Thế nên, Công bố hiện hữu của Hỏa Ngục là một công bố của Tin Mừng. Thiên Chúa nơi Đức Kitô đã không để cho con người đơn độc đối diện với sự dữ và rơi vào tuyệt vọng, nhưng đã cùng đồng hành với con người cho đến tận cùng. Dường như chẳng có điều gì có thể cản ngăn được tình thương mà Ngài dành cho nhân loại. Chiêm ngắm điều này ta càng thấm thía hơn câu nói của thánh Augustine: “ở đâu tội lỗi đầy tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan.” “Tội các ngươi dù có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết; có thẫm tựa vải điều, cũng hóa trắng như bông” (Is 1,18). Lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho nhân loại vượt qua mọi giới hạn và nền công bình được thiết lập cho “vạn dân” chính là Tin Mừng cho tất cả chúng ta.
Thư mục tài liệu tham khảo
Hans Urs von Balthasar, Misterium Paschale: The Mystery of Easter, Ignatius Press, 2005.
Hans Urs von Balthasar, Theo-drama: Theological Dramatic Theory, Vol. V: The Last Act, Ignatius Press, 1998.
Timothy J. Yoder, Hans Urs von Balthasar and Kenosis: The Pathway to Human Agency, Chicago, 2014.
Nicholas J. Healy, The Eschatology of Hans Urs von Balthasar: Being as Communion, Oxford U., 2005.
Matthew Lewis Sutton, Ph.D., Does God Suffer? Hans Urs von Balthasar’s Theology of Holy Saturday.
Dr John Webster, Hans Urs von Balthasar: The Paschal Mystery, Mag. Theology, Evangel, October 1983.
Joseph Ratzinger, ESCHATOLOGY Death and Eternal Life, Michael Waldstein, Cath.U.A. Press, 1988.
Lyra Pitstick, Christ’s Descent into Hell: John Paul II, Joseph Ratzinger and Us Volt Balthasar on the Theology of Holy Saturday, USA, 2016.
Joseph Ratzinger, Thông điệp Spe Salvi, ngày 30.11.2007.
Joseph Ratzinger, Thông điệp Deus Caritas Est, tháng 02.2006.
Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội (Lumen Gentium), Vatican II, ngày 21.11.1964.
Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, Bản dich của HĐGMVN, 2010.
Paul O’Callaghan, Christ Our Hope – An Introduction to Eschatology,U.A. Press, 2011.
ESCHATOLOGY – Proceedings from the 37th Annual Convention of the Fellowship of Chatholic Scholars, Ed. Elizabeth C. Shaw, Septemper 26-27.2014.
Gioan Phaolô II, Tông Huấn Hậu Thượng Hồi Đồng về Hòa Giải và Sám Hối Trong Sứ Mạng Của Hội Thánh Ngày Nay, ngày 02.12.1984.
HĐGMVN – Ủy ban Giáo lý Đức tin, Từ Điển Công Giáo – 500 Mục từ, Tôn Giáo, 2011.
[1] Hans Urs Von Balthasar sinh ở Lucerne năm 1905, học Văn học và Triết học Đức tại Vienna, Berlin và Zurich, và gia nhập Dòng Tên vào năm 1929. Sau khi học hành xa hơn, ông được phong chức linh mục vào năm 1936, và từ năm 1940 làm việc như một giáo sĩ Công giáo ở Basel. Năm 1950, ông rời khỏi Dòng Tên để trở thành người lãnh đạo của Johannesgemeinschaft (Cộng đồng St. John), một cộng đồng Kitô giáo giữa đời, và là người đứng đầu nhà xuất bản Johannesverlag. Bấy giờ ông được coi là một trong những nhà thần học Công giáo La Mã nguồn cội và có thẩm quyền nhất của thế kỷ, ông đã viết rất nhiều, không chỉ trong lĩnh vực giáo thuyết Kitô giáo mà còn trong lịch sử văn chương, triết học và linh đạo.
[2] X. HĐGMVN – Ủy ban Giáo lý Đức tin, Từ Điển Công Giáo – 500 Mục từ, (NXB.Tôn Giáo, 2011), Mục “Âm Phủ”, “Hỏa Ngục” và “Ngục Tổ Tông”.
[3] X. ISBE’s Dictionary: HELL – hel: (1) trong KJV, “Hell” có gốc từ Giéc-manh nghĩa là “to hide” hay “cover”, có nghĩa thông thường là thế giới của những người chết nói chung (Kinh Tin Kính có nói: “He descended into hell.”). Ngày nay, từ này hầu như được hiểu về một nơi tách biệt để kết án những kẻ hư mất hay những kẻ không ăn năn hối cải đến tận cùng; nơi đau khổ của kẻ ác. Bản dịch Cựu Ước nhằm thích nghi với ngôn ngữ Do Thái nên có nhiều nơi đã dùng từ “she’ol”, bản Tân Ước nhằm thích nghi với ngôn ngữ Hy Lạp nên tất cả các nơi dùng từ “Hades”. (2) Hơn nữa, theo nghĩa hiện đại, với KJV, từ “hell” trong Tân Ước tương đương với “Gehenna” (Mt 5,22.29; 10,28); bản sửa đổi đặt “Gehenna” bên lề. Với người Do Thái, “Gehenna” là một địa danh thuộc vịnh Hinnom, gần Giêrusalem, là nơi đau khổ của đời sau (“Gehenna of fire”). (3) Tuy nhiên, ở đoạn 2Pr 2,4: “Thật vậy, Thiên Chúa không dung thứ cho các thiên thần có tội, nhưng đã đẩy họ vào hố Địa Ngục tối tăm, giữ họ để chờ cuộc phán xét.” “hell” được diễn tả trong tiếng Hy Lạp là “Tartarus” – nơi trừng phạt các thiên thần sa ngã.
[4] X. CĐ. Lyon II, Professio fidei Michaelis Palaeologi imperatoris: DS, 858; ĐGH Benedict XII, Hiến Chế Benedictus Deus: DS1002; CĐ. Florentino, Decretum pro Graecis: DS1306.
[5] Theo Trần Sỹ Quý, S.J., “Vĩnh cửu” không liên quan gì đến thời gian. Vĩnh cửu chỉ là một tình trạng, do đó nếu nói “địa ngục vĩnh cửu” thì phải hiểu địa ngục ấy là tình trạng khốn khổ đã được định sẵn như thế và không thể thay đổi.
[6] X. HĐGMVN – Ủy ban Giáo lý Đức tin, Từ Điển Công Giáo: “Hỏa Ngục” còn dịch là “địa ngục”, trong tiếng La Tinh là “Infernus”; trong khi “Ngục Tổ Tông” cũng là “Inferi”.
[7] X. Paul O’Callaghan, Christ Our Hope – An Introduction to Eschatology, (Cath.U.A. Press, 2011), chapter 7: Hell – The Perpetual Retribution of the Sinner. Ba thuật ngữ diễn tả tình trạng đau đớn vì mất Thiên Chúa (trong tinh thần): (1) “sự thất bại hay thất đoạt” – một sự thất bại vĩnh viễn mà không còn nhận được bất kỳ niềm an ủi nào; (2) “tuyệt vọng” – đánh mất tất cả niềm hy vọng; và (3) “sự cô đơn” – đánh mất Đức Kitô.
[8] X. Hoành Sơn, Đời sau và Địa ngục, đăng 10/11/1014: https://dongten.net/2014/11/10/doi-sau-va-dia-nguc/
[9] X. Thomas Aquinas, Tổng Luận Thần Học, Quyển thứ III, Q.52, a.1.2.6.
[10] X. Ep 4,9: “Nếu Ngài đã đi lên, thế nghĩa là gì, nếu không phải là Ngài đã xuống những vùng hạ tầng của trái đất sao?”
[11] X. Hans Urs von Balthasar, Theo-drama, Vol V, part: The Absolute Good – Freedom, 171-172.
[12] “The other”: Con người chỉ là người và trở nên người thật sự nhờ liên kết với Thiên Chúa, với người khác và các tạo vật khác.
[13] X. Hans Urs von Balthasar, Mysterium Paschale, part: The Being Dead of the Son of God, 126-130.
[14] Thực tại tội lỗi trần trụi không còn gắn với một cá nhân riêng lẽ nào nữa.
[15] X. Hans Urs von Balthasar, Theo-drama, Vol. V, part: The Unusable Residue, 177.
[16] X. Hans Urs von Balthasar, Theo-drama, Vol V, part: Analogies of Timelessness, 173-174.
[17] “Dòng chảy tích cực được tìm thấy trong thời gian” là khả thể thay đổi trong tương lại nơi các quyết định của con người.
[18] X. Hans Urs von Balthasar, Theo-drama, Vol V, 174.
[19] X. Hans Urs von Balthasar, Theo-drama, Vol V, 174; Hans Urs von Balthasar, Mysterium Paschale, part: Solidarity, 123-124.
[20] “Hades” này được hiểu theo nghĩa của Cựu Ước.
[21] X. Hans Urs von Balthasar, Mysterium Paschale, 125-127.
[22] X. Hans Urs von Balthasar, Mysterium Paschale, 131-133.
[23] X. Hans Urs von Balthasar, Theo-drama, Vol V, 172; Hans Urs von Balthasar, Mysterium Paschale, 133-134.
[24] X. GLCG, 311.
[25] X. Lydra Patstick, Christ’s Descent into the Hell: John Paul II, Joseph Ratzinger and Hans urs von Balthasar on the Theology Holy Saturday, (USA, 2016), p.81: so sánh một vài tư tưởng của Joseph Ratzinger: Balthasar cho rằng, Đức Kitô bị Thiên Chúa bỏ rơi thật sự; trong khi Ratzinger cho rằng, chẳng có một sự bỏ rơi nào thấy cách rõ ràng vì Đức Kitô luôn luôn ở trong sự tiếp xúc với Cha. Thứ đến, Balthasar cho rằng, sự đi xuống của Đức Kitô có đặc tính thuộc bản tính Thiên Chúa; trong khi Ratzinger cho là thuộc bản tính con người. Hơn nữa, Balthasar thấy Đức Kitô đau khổ vì sự kết hiệp với tất cả tội lỗi và bị trừng phạt vì tất cả tội lỗi; trong khi Ratzinger cho rằng, Đức Kitô đau khổ trong cơn đau khổ và cám dỗ của nhân loại hay trải qua đau khổ của đời sống toàn cầu này. Cuối cùng, Balthasar cho rằng Đức Kitô trải qua sự xa lánh trong cõi của kẻ chết; còn Ratzinger cho là Đức Kitô mang lấy chính sự hiệp thông của Ngài vào cõi của kẻ chết.
[26] X. Nicholas J. Healy, The Eschatology of Hans urs von Balthasar: Being as Communion, (Oxford, 2005): Introduction.
[27] X. Tông Huấn Gaudete et Exsultate, chương 1: tất cả mọi người đều có sự liên đới với nhau về sự thánh thiện và có liên đới với nhau trong các thương tích.
[28] X. Hans Urs von Balthasar, Theo-drama, Vol V, 174.
[29] “Ân sủng” (“grace” // “χάρισμα” (Charisma)) cũng chính là “χαρά” (chara) – niềm vui, “ἔλεος” (eleos) – thương xót, và “ἀληθεία” (Aletheia) – chân lý.
[30] X. Paul O’Callaghan, ibid., Final Judgment, 130.
[31] X. Gr 20,7: “Lạy Đức Chúa, Ngài đã quyến rũ con và con đã để cho Ngài quyến rũ. Ngài mạnh hơn con, và Ngài đã thắng.”
[32] X. Dr John Webster, Hans Urs von Balthasar: The Paschal Mystery, (Mag. Theology, Evangel, October 1983).