Môn học: Phân định & Đồng hành Thiêng liêng
Giáo sư: Nguyễn Đức Hạnh, S.J.
Học viên: Trần Thiên Kính, S.J.
Lương tâm ngay thẳng và chắc chắn là điều kiện tiên quyết để cả người đồng hành và người thụ hướng khả dĩ đi vào tiến trình phân định và đồng hành thiêng liêng. Từ đây, trong vai trò trung gian, người đồng hành giúp người thụ hướng phân định ý Chúa thể hiện trong lương tâm của người thụ hướng bằng khí cụ quan trọng là bộ phân định thần loại theo thánh I-nhã. Trong tương quan tự do và tôn trọng, một khi đã thực sự cởi mở chân thành với Chúa qua người đồng hành, người thụ hướng sẽ được soi sáng và giúp đỡ để nhận ra và vâng theo ý Chúa. Vì thế, người viết tập trung làm rõ khái niệm lương tâm Công Giáo trong môi trường hiểu biết và vận dụng nơi phân định và đồng hành thiêng liêng.
Không ai có thể phủ nhận vai trò quan trọng của lương tâm trong phân định và đồng hành thiêng liêng, vì lương lâm là yếu tố giúp cho người đồng hành và người thụ hướng phân định và tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa để sống theo. Trong bài viết này, trước hết người viết sẽ trình bày cách hiểu về lương tâm và phân định-đồng hành thiêng liêng theo quan điểm Kitô giáo, sau là nêu lên tương quan tương hỗ giữa lương tâm và phân định-đồng hành thiêng liêng.
Về lương tâm, theo sách Giáo lý Giáo Hội Công giáo số 1778, “lương tâm là một phán quyết của lý trí; nhờ đó, con người nhận biết một hành vi cụ thể mình định làm, đang làm hay đã làm, là tốt hay xấu. Trong lời nói và hành động, con người phải trung thành tuân theo điều mình biết là chính đáng và ngay lành.”[1] Như thế, ở trong chiều sâu của nội tâm, con người khám phá ra một luật vốn bó buộc phải tuân theo. Một luật luôn luôn thúc đẩy con người yêu mến điều thiện và tránh xa điều dữ. Thiên Chúa đã viết luật này nơi thâm tâm của mỗi người, hay nói cách khác luật này là tiếng nói của Thiên Chúa hay thánh ý của Ngài.[2]
Lương tâm gồm ba điều: thứ nhất là nhận biết các nguyên tắc luân lý tổng quát; thứ hai là áp dụng vào việc cân nhắc thực tiễn các lý do và lợi ích trong những hoàn cảnh cụ thể; thứ ba là phán quyết về các hành vi cụ thể sắp làm hay đã làm.[3]
Về phân định và đồng hành thiêng liêng, cách chung phân định và đồng hành thiêng liêng được gọi là đồng hành thiêng liêng vì trong đồng hành thiêng liêng gồm tóm cả việc phân định. Đây là điểm mà cha F. Antonisamy quan niệm, khi cha cho rằng đồng hành thiêng liêng là việc gặp gỡ đối thoại thân thiện giữa hai người trong mối tương quan liên vị, để cùng giúp nhau đạt đến sự hoàn thiện Kitô giáo, sự tự do thông qua việc phân định và cầu nguyện.[4]
Theo cha Trương Thanh Tùng S.J., “đồng hành thiêng liêng như là sự trợ giúp của một tín hữu với một tín hữu, nhằm giúp người được trợ giúp tăng trưởng trong đời sống thiêng liêng và tìm biết ý Chúa trên đời mình. Đôi lúc, việc đồng hành cũng bao gồm việc trợ giúp những xáo trộn tâm lý ít trầm trọng, cũng như tư vấn các vấn nạn mục vụ nảy sinh trong tiến trình đồng hành.”[5] Trong cách hiểu này, một điểm quan trọng mà chúng ta cần chú ý là việc “tìm biết ý Chúa” vốn liên hệ đến lương tâm xét như là tiếng nói hay thánh ý của Ngài.
Sau khi đã hiểu cách tổng quát về lương tâm và đồng hành thiêng liêng, chúng ta xét đến mối tương quan giữa chúng với nhau. Trước hết, lương tâm được huấn luyện trong đồng hành thiêng liêng, cụ thể ở đây là lương tâm của cả người đồng hành lẫn người thụ hướng. Như cách hiểu về đồng hành thiêng liêng ở trên, một trong những đích nhắm của việc đồng hành là người đồng hành phải làm sao giúp người thụ hướng “tìm biết ý Chúa” vốn được thể hiện ngang qua lương tâm của họ. Điều kiện cần thiết để người đồng hành thực hiện được mục đích trên là trước hết và trên hết người đồng hành phải đạt được một lương tâm trưởng thành[6] ở một mức độ nào đó, nghĩa là, có được một lương tâm đúng đắn và chắc chắn,[7] vì nếu không sẽ hướng dẫn sai. Chỉ khi nào người đồng hành đạt được một lương tâm trưởng thành như thế thì mới có khả năng trợ giúp người thụ hướng để họ cũng có được một lương tâm trưởng thành.
Về phía người thụ hướng, để được huấn luyện lương tâm, họ phải có khả năng thông đạt vấn đề của mình, nhất là bày tỏ lương tâm một cách ngay thật cho người đồng hành biết. Tuy nhiên, người đồng hành không được ép buộc họ bày tỏ lương tâm của mình nếu họ không muốn, bởi việc đồng hành được đặt nền trên mối tương quan tự do và tôn trọng lẫn nhau.
Do việc huấn luyện lương tâm là một tiến trình suốt đời[8] đối với bất cứ người tín hữu nào, nên đồng hành thiêng liêng như là “trường huấn luyện” để lương tâm của người đồng hành và người thụ hướng không ngừng lớn lên và ngày càng trưởng thành hơn. Điều cần lưu ý ở đây là Thiên Chúa đóng vai trò chính yếu trong việc huấn luyện lương tâm của cả người đồng hành lẫn người thụ hướng. Tuy nhiên, người đồng hành đóng vai trò trung gian giữa Thiên Chúa và người thụ hướng, với giả định rằng người đồng hành đã có kinh nghiệm thiêng liêng và có lương tâm trưởng thành.
Việc huấn luyện lương tâm của người thụ hướng được thể hiện ở những điểm sau. Người đồng hành giúp người thụ hướng nhận ra đâu là những nguyên tắc phổ quát, áp dụng các nguyên tắc đó vào hoàn cảnh riêng của họ và giúp họ đưa ra một phán quyết cho hành vi họ đã làm hay sẽ làm. Như thế, người đồng hành làm sao để hướng dẫn người thụ hướng đi đến một phán quyết về hành vi: phán quyết này có thể là phán xét (lương tâm phán xét) về một hành vi đã thực hiện trong quá khứ là đúng hay sai, xấu hay tốt; phán quyết này cũng có thể là phán đoán (lương tâm phán đoán) về một hành vi sẽ thực hiện trong tương lai là tốt hay xấu, có đòi buộc phải thực hiện hay không. Điều cần thiết là người đồng hành phải nắm vững hai nguyên tắc sau: (1) giúp cho người thụ hướng phải luôn luôn hành động theo lương tâm chắc chắn của mình và (2) không bao giờ được hành động với một lương tâm hoài nghi.[9]
Theo nguyên tắc thứ nhất, việc huấn luyện ở đây là làm sao người thụ hướng đạt được một lương tâm đúng và chắc chắn; họ có thể phán quyết để đi đến việc thực hiện hành vi với một lương tâm như thế. Tuy nhiên, cũng có trường hợp lương tâm họ chắc chắn nhưng sai lạc do nhiều nguyên nhân.[10] Lương tâm sai lạc có hai loại: có thể vượt qua[11] hoặc không thể vượt qua[12]. Nếu lương tâm sai lạc và có thể vượt qua được, thì chủ thể phải chịu trách nhiệm về hành vi; ngược lại, lương tâm sai lạc và không thể vượt qua, thì chủ thể không chịu trách nhiệm về hành vi ấy. Do vậy, người đồng hành cần nhạy bén để phân định về trường hợp lương tâm sai lạc của người thụ hướng thuộc loại nào, rồi mới trợ giúp họ sửa chữa (trường hợp lương tâm sai lạc có thể vượt qua) hay đưa ra những lời khuyên thích hợp để giúp họ tránh hành động sai trái (trong trường hợp lương tâm sai lạc không thể vượt qua).
Theo nguyên tắc thứ hai, trường hợp người thụ hướng mang một lương tâm hoài nghi, thì nhiệm vụ của người đồng hành là giúp người thụ hướng làm sáng tỏ nhờ hai câu hỏi sau: (1) Chân lý đích thực trong vấn đề này là gì? (2) Phải làm gì trong một hoàn cảnh như thế? Câu hỏi thứ nhất liên hệ đến việc hoài nghi về mặt lý thuyết và có thể không có câu trả lời; câu hỏi thứ hai liên hệ đến việc hoài nghi về mặt thực hành. Nếu hoài nghi về mặt thực hành, thì có hai quy tắc để người đồng hành khuyên người thụ hướng là: (1) Chọn giải pháp an toàn hơn về mặt luân lý và (2) Luật nghi không buộc, luật buộc không nghi.[13]
Một trong những điều căn bản trong đồng hành thiêng liêng là người đồng hành không bao giờ quyết định thay cho người thụ hướng. Sau khi người đồng hành đã giúp cho người thụ hướng nhận ra những điều trên, thì chính người thụ hướng phải đảm nhận và chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Thế nhưng có những trường hợp vị đồng hành phải cứng rắn bắt người thụ hướng vâng phục, chẳng hạn trường hợp của những người lương tâm bối rối. Một quyết định cụ thể cho họ lúc này là giải pháp khôn ngoan.
Thứ đến, lương tâm là yếu tố nền tảng để thực hiện việc phân định thiêng liêng trong đồng hành thiêng liêng. Trong quá trình đồng hành, một khi người thụ hướng bày tỏ cho người đồng hành vấn đề của mình, nhờ khả năng lắng nghe thấu hiểu, người đồng hành biết được những chuyển động nơi người thụ hướng; nhận ra tiếng Chúa nói nơi họ qua lương tâm. Tuy nhiên, tiếng nói lương tâm của họ có thể bị bóp méo, bị lệch lạc bởi những tiếng nói khác từ ma quỷ, xác thịt và thế gian. Vì vậy, người đồng hành trợ giúp người thụ hướng có thể phân định đúng tiếng nói của Thánh Thần (hay Thần Lành) và vạch mặt những lừa phỉnh của ma quỷ (Thần Dữ).[14] Đây chính là việc nhận định thần loại, người đồng hành cần thiết phải giúp cho người thụ hướng có được khả năng phân định đó.
Để có thể giúp người thụ hướng phân định thiêng liêng, người đồng hành cần giúp cho người thụ hướng nắm vững những nguyên tắc quan trọng trong hai bộ nhận định thần loại của Thánh Inhã, gồm những tác động của Thần Lành cũng như Thần Dữ (cùng phương thế tấn công của Thần Dữ) vốn tác động lên người thụ hướng, cụ thể là lên lương tâm của họ. Người thụ hướng càng thân quen với việc phân định thần loại, thì lương tâm họ càng nhạy bén để phân biệt đâu là tiếng nói của Thần Lành để vâng theo, và tiếng nói của Thần Dữ để tránh. Điều này có thể thực hiện bằng việc xét mình hằng ngày, như một phương thế hữu hiệu để thực tập việc phân định thiêng liêng.
Tóm lại, mục đích chính yếu của việc đồng hành thiêng liêng là người đồng hành đóng vai trò trung gian để trợ giúp người thụ hướng lớn lên trong tương quan với Thiên Chúa. Tương quan này được thể hiện ngang qua việc người thụ hướng lắng nghe và thi hành theo tiếng Chúa nói trong lương tâm của mình. Việc đồng hành là trường huấn luyện sao cho lương tâm được nhạy bén với tiếng nói của Chúa để đạt được một lương tâm trưởng thành, đồng thời lương tâm là yếu tố nền tảng để thực hiện việc phân định thiêng liêng trong đồng hành thiêng liêng.
———————————————————-
[1] Giáo lý Giáo Hội Công Giáo, số 1778.
[2] x. Dei Vebum 16, Bản dịch của Phân khoa Thần học Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt, Công Đồng Vaticanô II (Tủ sách Đại Kết, 1995), tr. 132.
[3] Giáo lý Giáo Hội Công Giáo, số 1780.
[4] x. Fr F. Antonisamy, An introduction to Christian spirituality (Mumbai: Saint Paul Press, 1999), tr. 171.
[5] Tùng, Trương Thanh, S.J., Đồng Hành Thiêng Liêng, Lưu hành nội bộ, tr. 11.
[6] Một lương tâm trưởng thành phải có khả năng phán quyết đúng và chắc chắn về một điều đúng hay sai, tốt hay xấu.
[7] Một lương tâm đúng phán quyết một điều là đúng khi điều đó thực sự là đúng, hoặc là sai khi điều đó thực sự là sai. Một lương tâm chắc chắn phán quyết về một điều mà không e ngại một điều ngược lại có thể đúng. x. Fagothey, Austin SJ., Right and Reason: Ethics in Theory and Practice (Tan books and publishers, 2000), tr.47.
[8] x. Giáo lý Giáo Hội Công Giáo, số 1784.
[9] Một lương tâm hoài nghi do dự khi đưa ra một phán quyết hoặc e ngại một điều ngược lại có thể đúng. x. Fagothey, Austin SJ., Right and Reason: Ethics in Theory and Practice (Tan books and publishers, 2000), tr.47.
[10] Chẳng hạn như: thiếu hiểu biết về Đức Ki-tô và Tin Mừng, thiếu hiểu biết về Giáo huấn của Giáo Hội, gương xấu của người khác, nô lệ các đam mê, thói quen xấu…
[11] Một người biết rằng anh ta có thể sai thì phải sửa chữa sai lỗi đó và buộc phải làm như thế trước khi hành động. Ví dụ: Một người, vì không biết luật giao thông mà gây tai nạn, thì người đó buộc phải học luật giao thông.
[12] Một người không biết rằng anh ta có thể sai phạm và không thể sửa chữa sai lỗi đó. Ví dụ: Một người tâm thần giết người, nhưng không ý thức được việc làm này.
[13] x. Fagothey, Austin SJ., Right and Reason: Ethics in Theory and Practice (Tan books and publishers, 2000), tr.51.
[14] Thần Dữ và Thần Lành là hai thuật từ được Thánh Inhã sử dụng trong Hai bộ nhận định thần loại trong sách Linh Thao. x. Linh Thao, số 313 đến số 336.