Nội dung:
4.1 Vấn đề loài hươu
4.2 Xác định Cộng đồng Đạo đức
4.2.1 Thuyết giá trị
4.2.2 Nhân sinh
4.2.3 Những động vật khác
4.2.4 Tất cả các sinh vật
4.2.5 Thuyết giá trị theo chủ nghĩa đa nguyên – chủ nghĩa biểu hiện
4.2.6 Các loài
4.2.7 Hệ sinh thái
4.3 Trở lại với vấn đề của loài hươu
4.2.5 Thuyết giá trị theo chủ nghĩa đa nguyên – chủ nghĩa biểu hiện (Pluralist-Expressivist)
Theo triết gia Elizabeith Anderson, tất cả các lối tiếp cận trên đều quá đơn giản trong một thế giới phức tạp mà chúng ta đang sống. Bà đề nghị rằng thay vì chỉ chú ý đến mức độ đánh giá sự vật, thì ta nên nghĩ về cách thức đánh giá những sự vật đó. Trong cuốn sách Giá trị trong Đạo đức và Kinh tế (Value in Ethics and Economics), bà lập luận rằng các phương thức đánh giá khác nhau, như sự tôn trọng, kính sợ, yêu thương, và ngưỡng mộ, thì phù hợp với các loại hàng hóa và sinh vật khác nhau.
Cơ chế này hoạt động thế nào? Làm sao chúng ta biết được “cách thức đúng” để đánh giá một thứ gì đó? Anderson khẳng định những phương thức đánh giá khác nhau này không phải là một vấn đề của sở thích cá nhân, chủ quan thuần túy; chúng là vấn đề của những chuẩn mực và thông lệ xã hội. Để bắt đầu, bà tuyên bố rằng việc đánh giá một điều gì đó cách đúng đắn không chỉ là một cảm giác; nhưng còn liên quan đến hành vi và biểu hiện. Do đó, năng lực của một người để đánh giá điều gì đó cách thích đáng phụ thuộc vào sự tồn tại của các chuẩn mực, các thể chế và các thông lệ; những điều này nói cho chúng ta biết cách thức hành động để biểu hiện thái độ phù hợp với một điều gì đó. (Đây là lý do tại sao học thuyết của bà là học thuyết của “người theo chủ nghĩa biểu hiện” (expressivist): học thuyết này coi việc xác định giá trị là một vấn đề của sự biểu hiện.)
Ví dụ, trong xã hội Hoa Kỳ, việc đi lễ và cầu nguyện là một cách thức phổ biến và dễ hiểu để thể hiện một cách đúng đắn sự tôn kính dành cho vị thần linh của mình. Hầu hết mọi người trưởng thành trong Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đều quen thuộc với thông lệ này, ngay cả khi chính họ không đi đến nhà thờ. Phương thức đánh giá (sự tôn kính) này là khả thi vì chúng ta có những thông lệ xã hội cho phép người ta diễn tả sự tôn kính. Dĩ nhiên, nhiều cộng đồng có những lối thực hành xã hội khác nhau để diễn tả sự tôn kính: khiêu vũ, ca hát, bái lạy trước đền Mecca, ăn chay…vv. Bởi lẽ cách một người diễn tả sự tôn kính là một vấn đề của việc thực hành mang tính xã hội, nó có thể khác nhau từ cộng đồng này qua cộng đồng khác. Hơn nữa, giả như bạn nhận thấy mình trong một cộng đồng không hề có bất kỳ thực hành nào xung quanh giá trị về lòng sùng kính thiêng liêng, thì sẽ rất khó để diễn tả giá trị đó. Dĩ nhiên, bạn vẫn có thể cầu nguyện hoặc bái lạy trước đền Mecca, nhưng sẽ rất khó để giải thích cho người khác biết bạn đang làm gì và tại sao bạn làm như vậy.
Điểm quan trọng là: Anderson cho rằng việc có khả năng để giải thích cho người khác – cũng như cho chính mình – những gì bạn đang thực hiện là ý nghĩa của việc đánh giá một điều gì đó cách hợp lý. Để giải thích việc bạn đang làm, bạn phải liên hệ đến một vài lý tưởng xã hội (social ideal). Theo như ngôn từ của Anderson, “lý tưởng đặt ra những tiêu chuẩn về hành vi và cảm xúc mà con người mong đợi bản thân đáp ứng được trong sự liên hệ với tha nhân, các mối tương quan và mọi sự” (Anderson 1993, tr.6). Chúng ta đã và đang bàn về sự tôn kính – một lý tưởng xã hội: một người có lòng sùng kính cảm thấy và diễn tả cách thích đáng lòng tôn kính với vị thần linh của mình. Tương tự, một người ái quốc diễn tả lý tưởng xã hội về “chủ nghĩa ái quốc” qua những hành vi nhất định. Ví dụ, ở Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, người ta có thể diễn tả lòng ái quốc bằng việc chào cờ và đứng trang nghiêm hát quốc ca – hay đối với một số vận động viên, họ sẽ quỳ gối khi quốc ca vang lên. Sẽ là chuyện bình thường khi người ta không đồng thuận về việc làm sao để diễn tả các giá trị của một người nào đó cách tốt nhất, cũng như biết được những giá trị đó thực sự có ý nghĩa gì. Tuy vậy, để cho mọi người có được những lập luận như thế, họ phải cùng chia sẻ một sự thấu hiểu căn bản về lý tưởng xã hội, phương thức đánh giá xác đáng của nó, và những thực hành mang chiều kích xã hội chung quanh nó.
Lý thuyết này rất hữu ích trong việc tạo ra ý nghĩa cho nhiều cuộc tranh biện về đạo đức môi trường. Ví dụ, Anderson đề xuất phương thức đánh giá phù hợp với hầu hết động vật là sự quan tâm (consideration) – nghĩa là, sự ân cần căn bản (basic kindness). Tôi sẽ cho rằng nhiều người Mỹ tin họ mang nợ thú cưng của mình nhiều hơn những thứ khác, thậm chí có lẽ hơn cả tình yêu gia đình. Nhưng phương thức đánh giá (sự quan tâm và tình yêu gia đình) diễn tả một lý tưởng xã hội mà chúng ta thường gọi là tình bằng hữu động vật (animal friendship). Giả như chúng ta chấp nhận lý tưởng đó, chúng ta sẽ không đối xử với động vật như những hàng hóa đơn thuần, như thể sự tồn tại của chúng vì công dụng và tiện ích cho con người. Chắc chắn đó không phải là cách thức chúng ta đối xử với những bằng hữu động vật của mình! Tương tự, chúng ta không nên đối xử với Grand Canyon hoặc một loài hoa đồng nội có nguy cơ tuyệt chủng như những hàng hóa đơn thuần được; phương thức đánh giá thích hợp đối với những thành phần tự nhiên đặc biệt như thế phải là sự kính sợ (awe), hoặc sự tôn kính (reverence), hoặc ít là sự trân trọng (appreciation).
Học thuyết của Anderson đem lại cho chúng ta một lối nẻo khác để hiểu một số lập luận đạo đức mà chúng ta đã thảo luận ở trên. Ví dụ, chúng ta có thể nói rằng cuốn sách của Paul Tayler đề xướng “tôn trọng tự nhiên” như một lý tưởng xã hội mới. Sách của ông cống hiến một lập luận triết học nhưng cũng miêu tả một lý tưởng, một điều kiện trên trái đất ở đó con người có thể theo đuổi những sở thích cá vị và lối sống văn hóa của họ; đồng thời cũng để cho cộng đồng sinh vật trong một hệ sinh thái tự nhiên đa dạng và rộng lớn đảm trách sự tồn hữu của chúng không hề bị một can thiệp nào cả. Giả như chúng ta nhận thấy viễn tượng đó hấp dẫn, chúng ta hẳn phải thể hiện “sự tôn trọng đối với tự nhiên” bằng việc chính chúng ta thực thi những gì mà triết gia này gợi ý, và bằng việc hạn chế gây thương tổn cho những loài động vật và thực vật hoang dã, cũng như hạn chế tác động xấu lên hệ sinh thái hoang dã.
Dĩ nhiên, chúng ta có thể quan ngại khi học thuyết của Anderson nói đến cách chúng ta nên đánh giá các động vật (cũng như các sinh vật khác hoặc hàng hóa khác) phụ thuộc vào các quy chế xã hội, vì vậy bà có vẻ giống với một triết gia theo chủ nghĩa tương đối văn hóa. Đồng thời, chúng ta cũng nhận biết một vài khó khăn với chủ nghĩa tương đối văn hóa. Chúng ta đã lưu ý rằng các thành viên cùng một nền văn hóa có thể bất đồng về ý nghĩa xã hội của một điều thiện ích, và điều đó có thể dẫn đến xung khắc về lối hành xử được cho là hợp lẽ giữa họ. Ví dụ, có rất nhiều bất đồng về lối hành xử thích hợp nhằm diễn tả sự quan tâm đến động vật: Một số người tin rằng sự quan tâm đến các động vật hoang dã có nghĩa là không bao bị con người thống trị, vì thế con người không phải chăm sóc khi chúng bị thương. Những kẻ khác thì cho rằng chăm sóc động vật hoang dã bị thương là biểu hiện đẹp đẽ của sự quan tâm. Những nhóm người này không đồng thuận về ý nghĩa “tình bằng hữu động vật” thực sự là gì và tình bằng hữu đó thực sự đòi hỏi điều gì. Và những người khác cũng có thể hoàn toàn phản đối lý tưởng về tình bằng hữu động vật. Vậy đâu là quan điểm đúng, hay ít là chính đáng?
Anderson giải thích rằng để biện minh cho một lý tưởng giống như tình bằng hữu động vật, “người ta phải có khả năng kể một câu chuyện tạo nên ý nghĩa cho lý tưởng đó, mang lại những điểm cao trào lôi cuốn, cho thấy làm cách nào mà quan điểm đánh giá của câu chuyện vén lộ được những khiếm khuyết, những hạn chế, hoặc sự thiếu nhạy cảm ở các quan điểm phản đối cách thức đánh giá này” (Anderson 1993, tr. 92). Dó đó, để bảo vệ tình bằng hữu động vật, tôi sẽ nói đến những bộ tuyển tập những câu chuyện kể trong cộng đồng nói về tình bạn giữa con người và con vật, kể cả động vật hoang dã. Tôi sẽ nại đến những câu chuyện này nhằm chứng minh rằng mối tương quan như thế mang lại những thỏa mãn về mặt tình cảm mà những người không yêu quý động vật có được. Tôi có thể lên án những kẻ không có cùng lý tưởng này là lạnh lùng, khó tính và không hạnh phúc. Tôi có thể viện dẫn bằng chứng thực nghiệm cho những minh giải đó. Cần biết rằng theo lối tiếp cận của Anderson, lập luận đạo đức không chỉ giới hạn trong việc tranh luận liệu động vật có thể suy luận hoặc đau đớn hay không (mặc dù những luận điểm đó có thể sẽ xuất hiện). Nó cũng bao hàm việc mô tả phong phú về tình bạn với động vật có thể trông như thế nào. Phương pháp lý luận đạo đức này có vẻ khác với phương pháp được nói đến ở phần 2.3 như là “phương pháp tra vấn đạo đức”.
Lý thuyết của Anderson sẽ không hấp dẫn đối với những người đang kiếm tìm những nguyên lý phổ quát qua đó làm cơ sở cho đạo đức môi trường (ví dụ, những người theo chủ thuyết khách quan về đạo đức). Tuy nhiên, hãy nhớ lại luận lý của những nhà thực dụng cho rằng mục đích của đạo đức là giúp chúng ta điều hướng thế giới đạo đức của chúng ta. Lý thuyết của Anderson có thể giúp chúng ta hiểu và thực hiện hiệu quả những tranh luận đạo đức về các vấn đề môi trường, ngay cả khi lý thuyết của triết gia này không dựa trên những nguyên lý phổ quát, khách quan.
Liệu rằng những thảo luận ở trên có giúp cho bà Judy K. điều hướng được vấn đề đạo đức quanh việc quản lý loài hươu không? Ít nhất, nó cho thấy rằng loài hươu có thể có tư cách đạo đức dựa trên nền tảng là loài có tri giác. Giả như các bạn đồng thuận với Tom Regan và Paul Taylor, các bạn sẽ nhận ra rằng theo một mức độ tự do nào đó loài hươu có quyền mưu cầu cuộc sống riêng của chúng. Dẫu vậy, điều đó không có nghĩa là bà Judy K. cứ mặc cho chúng dày xéo vườn tược và khu rừng của nhà bà. Những lý thuyết kể trên cho thấy chúng ta cần phải có một chút quan tâm đến loài hươu; tuy vậy lợi ích của chúng phải cân bằng với lợi ích của những loài xứng đáng về mặt đạo đức khác nữa. Vì thế, chúng ta mới chỉ bắt đầu những phân tích của chúng ta mà thôi. Bà Judy cũng cần phải xem xét bổn phận của bà với khu rừng và những loài khác đang sinh sống trong đó.
Ăn thịt động vật có hợp đạo đức không?
Một trong những vấn nạn khó khăn nhất trong đạo đức môi trường là liệu việc tôn trọng động vật có đồng nhất với việc biến chúng thành thức ăn hay không. Thoạt nhìn, những vị ăn chay trường có một lập trường đạo đức mạnh mẽ: Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng giết một sinh vật là làm hại sinh vật đó. Với bất cứ học thuyết đạo đức nào đi nữa, nếu chúng ta sát hại một sinh vật có tư cách đạo đức, chúng ta cần phải biện minh cho sự sát hại đó. Và việc muốn ăn thịt dường như không phải là một lời biện minh có trọng lượng. Chung quy, hầu như mọi người trong các xã hội công nghiệp hiện đại không cần phải ăn thịt; chúng ta có thể lựa chọn nhiều loại thức ăn khác.
Một câu trả lời cho lập luận này là việc sát hại một con vật (theo một cách thức nhân đạo không gây đau đớn) thực sự không làm hại con vật đó. Động vật (theo quan điểm này) không sợ chết; chúng không đầu tư cho tương lai. Tất cả động vật đến một lúc nào đó rồi cũng chết, và chết đi để nuôi sống con người còn hơn là chết vì già nua bệnh tật. Hơn nữa, hầu hết động vật mà chúng ta ăn đều là những loài đã được thuần hóa, chúng sẽ không tồn tại nếu như chúng ta không nuôi chúng để lấy thịt. Việc có một cuộc sống dẫu cho ngắn ngủi nhưng hạnh phúc lại không hơn việc chẳng hề tồn tại một giây phút nào ư?
Tất nhiên, câu trả lời này giả định những vật nuôi trong nhà phải được hưởng một cuộc sống dễ chịu. Hiện nay, hầu như chúng không có được điều đó. Ví dụ, phần lớn lượng thịt tiêu thụ ở Hợp chủng quốc Hoa Kỳ có nguồn gốc từ các con vật được nuôi trong các cơ sở chăn nuôi động vật có quy mô (CAFOs). CAFOs có rất ít luật sư biện hộ. Tuy nhiên, về các loài động vật được chăn nuôi theo những phương thức nhân đạo hơn thì sao?
Ví dụ, hãy xem trường hợp của một chủ doanh trại bò rừng ở miền Nam Dakota. Đàn bò của ông ta lang thang trên các thảo nguyên của người dân địa phương giống như tổ tiên của chúng. Khi nhận được đơn đặt hàng thịt bò rừng, ông ta cẩn thận chọn và giết một con trong đàn. Việc chọn như thế giúp ông đảm bảo cho đàn vật được khỏe mạnh cũng như đảm bảo duy trì lượng cỏ được đầy đủ. Đồng cỏ cũng được hưởng lợi xét như một hệ sinh thái từ việc chăn thả bò rừng. Liệu có trái đạo đức không khi ăn bánh mì kẹp thịt bò rừng của chủ trang trại này?
Đó là một vấn đề hóc búa. Dĩ nhiên, bò rừng sẽ chết cách này hay cách khác và việc chúng chết trong già nua hay bệnh tật có thể còn đau đớn hơn việc chúng bị chủ trang trại giết. Chúng ta cũng có thể quan ngại về việc nếu không có thị trường cho bánh mì kẹp thịt bò rừng, toàn bộ loài bò rừng có thể biến mất. Cuối cùng, có một sự thật là việc sản xuất cây trồng cũng làm hại hàng triệu động vật, hoặc trực tiếp, trong quá trình cày và thu hoạch, hoặc gián tiếp, qua việc tác động của nó đến môi trường sống. Triết học đạo đức truyền thống không đưa ra một lối giải quyết rõ ràng cho tình huống đạo đức tiến thoái lưỡng nan này.
Thuyết giá trị của Elizabeth Anderson đưa ra một lối tiếp cận khác với nan đề đó. Theo học thuyết của Anderson, câu hỏi khả dĩ phải là “Nuôi động vật lấy thịt có nghĩa là gì?” Nghĩa là, việc làm này có phù hợp với lý tưởng tình bằng hữu động vật của chúng ta không? Một số sẽ cho rằng một khi giết một con vật là chúng ta đang phản bội lại tình bạn của chúng ta với nó. Nhưng, những tay thợ săn và những bác nông dân có thể sẽ cho rằng việc làm của họ diễn tả lý tưởng tốt đẹp và có ý nghĩa. Các thợ săn thì cho rằng họ thể hiện sự tôn trọng với động vật săn mồi bằng cách tuân theo những điều luật về săn bắn. Các bác nông dân thì cho rằng họ cho thấy sự quan tâm chăm sóc đến vật nuôi của họ bằng cách tôn trọng “khế ước vật nuôi”: thỏa thuận ngầm nhằm mang lại cho vật nuôi của họ một cuộc sống tốt đẹp và một cái chết đầy nhân đạo. Theo quan điểm của Anderson, lập luận đạo đức về vấn đề này không nên chỉ đơn thuần tập trung vào việc cho rằng liệu cái chết có phải là một tác hại, đúng hơn nên khám phá ý nghĩa và giá trị của những cách sống chung với loài vật.
4.2.6 Các loài
Chúng ta có thể bị thuyết phục rằng chúng ta phải có bổn phận đối với từng sinh vật, hoặc ít nhất là với từng cá thể động vật. Tuy nhiên, chúng ta có bổn phận với các loài xét như một tổng thể không? Câu hỏi này không dễ có câu trả lời. Thực tế, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác đã ban hành luật bảo vệ các loài có nguy cơ tuyệt chủng, ngay cả khi phát triển kinh tế. Nhiều người chấp nhận nguyên tắc chúng ta cần phải có bổn phận bảo vệ các loài. Nhưng bổn phận đó là với ai – cho những người khác hay cho chính các loài ấy? Phải chăng các loài thuộc về những thể loại sinh vật mà chúng ta cần phải có bổn phận với chúng? Nghĩa là, các loài đó có tư cách đạo đức không?
Chúng ta cần hiểu ý nghĩa các loài là gì. “Các loài” là một thuật ngữ được các nhà sinh vật học dùng một cách rộng rãi nhất nhằm phân loại sinh vật. Với các nhà sinh vật học, một loài về cơ bản là một nhóm những sinh vật giống nhau về mặt di truyền. Giống nhau như thế nào? Giống như với bất kỳ một hệ thống phân loại nào, điều đó phụ thuộc vào đích nhắm của bạn. Ví dụ, những chuyên gia nghiên cứu về vi khuẩn thường phát biểu rằng khái niệm loài không hề hữu ích gì cho họ, bởi lẽ gen di truyền chuyển động quá nhanh giữa vi khuẩn. Tuy nhiên, những nhà sinh thái học thì lại nhận thấy khái niệm loài hữu dụng trong việc phân loại sinh vật theo loài. Sự giống nhau về mặt di truyền học thường là do sự thích nghi với một hệ sinh thái chung và đó là điều mà các nhà sinh thái học quan tâm. Nhưng, sự giống nhau đó có khi lại là do một chương trình nhân giống. Loài chuột trong phòng thí nghiệm là một điển hình có thể thấy đồng nhất về mặt di truyền. Liệu điều đó có làm cho chúng thành một loài khác biệt không? Nếu vậy, chúng có đáng được bảo vệ như những con đại bàng hay gấu Bắc Cực có nguy cơ tuyệt chủng không?
Một số nhà sinh vật học định nghĩa loài là một cộng đồng sinh vật có thể giao phối với nhau và tạo ra các con có thể sống được. Đây là một định nghĩa có giá trị, cho dẫu định nghĩa này không hữu hiệu cho một số lượng lớn các loài sinh sản vô tính. Và ngay cả trong số các sinh vật sinh sản hữu tính, có rất nhiều vùng xám chưa xác định; các quần thể sinh vật thường đang trong quá trình định hình. Phải có những điểm khác nhau nào để được xác định là một loài riêng biệt?
Cuối cùng, cách chúng ta định nghĩa “loài” phụ thuộc vào lý do tại sao chúng ta định nghĩa “loài”. Điều đó có nghĩa là chúng ta phải quyết định tại sao các loài có giá trị đạo đức trước khi chúng ta có thể quyết định những gì được coi là (về mặt đạo đức) một loài. Đây là một điểm quan trọng sẽ tiếp tục được đưa ra: Đạo đức môi trường nhất thiết phải vay mượn rất nhiều khái niệm và thuật ngữ từ khoa học tự nhiên, như “các loài”, “hệ sinh thái”, và “đa dạng sinh học”. Điều này khiến người ta nghĩ rằng những thuật ngữ đó mang tính khoa học, có ý nghĩa rõ ràng, khách quan, trung lập và không hề tạo ra bất cứ tranh cãi nào. Nhưng, các thuật ngữ đó không hẳn như vậy. Chính các nhà khoa học đã tranh luận về ý nghĩa và ngay cả tính hữu dụng của chúng nữa. Cách thức chúng ta định nghĩa các thuật ngữ trên thường phụ thuộc vào một phán quyết về giá trị: Chẳng hạn, chúng ta định nghĩa “loài” theo cách phản ánh điều gì đó mà nhà nghiên cứu hoặc xã hội đánh giá về thế giới tự nhiên. Khi mượn khái niệm từ một ngành khác, thì điều quan trọng là phải làm quen với các cuộc bàn luận và tranh cãi về ý nghĩa của khái niệm đó, và đào sâu bên dưới bề mặt của tính khách quan đối với những phán quyết giá trị mà những khái niệm này phản ánh.
Điểm đó dẫn chúng ta tới vấn đề tiếp theo. Chúng ta đã bàn đến nhiều cơ sở nhằm công nhận tư cách đạo đực của động vật. Từng loài động vật có thể có ham muốn, niềm tin, và mục đích; chúng có thể nghiệm thấy sự đau đớn và niềm hân hoan. Chúng ta có thể phải có bổn phận đối với chúng vì chúng có lợi ích. Trái lại, có loài không có khao khát, niềm tin, hoặc mục đích. Có loài chỉ là một chủng loại (category), chẳng hạn “người có mái tóc đỏ”. Mặc dù chúng ta chắc chắn phải có nghĩa vụ đối với những người có mái tóc đỏ, nhưng thật khó để biết chúng ta có thể có nghĩa vụ như thế nào đối với chủng loại người (category) có mái tóc đỏ. Tương tự, trong khi chúng ta có thể phải có bổn phận với từng thành viên của một loài, tuy nhiên thật khó để giải thích tại sao chúng ta có bổn phận bảo tồn loài đó xét như là một nhóm. Dù sao đi nữa, việc giải thích này sẽ phải khác với việc giải thích về bổn phận của chúng ta đối với từng loài động vật.
Một khả thể đó là bổn phận bảo tồn loài đơn thuần là một sự nới rộng bổn phận của chúng ta với từng động vật. Một số động vật có tính xã hội cao và chỉ có thể lớn mạnh khi chúng sống trong cộng đồng cùng loài. Điển hình như loài ngựa và loài linh trưởng. Nếu như chúng ta muốn loài ngựa và loài linh trưởng sinh trưởng tốt, chúng ta phải đảm bảo rằng chúng phải có những con vật cùng loài sống cùng, có nghĩa là chúng ta phải đảm bảo tính liên tục của những cá thể trong loài của chúng. Tuy nhiên, kiểu lý luận này không giải thích được tại sao chúng ta tìm cách bảo tồn loài không có tính xã hội cao theo cách như vậy, hoặc tại sao chúng ta muốn bảo tồn các loài thực vật (có lẽ vốn chẳng hề ảnh hưởng gì nếu không có cá thể cùng loài với chúng)
Một lập luận phổ biến hơn đó là chúng ta bảo tồn loài không vì lợi ích của chúng nhưng vì lợi ích của chính chúng ta. Nghĩa là, loài không có giá trị nội tại, chúng chỉ có giá trị công cụ với con người. Thật tốt khi sống trong một thế giới có rất nhiều loài khác nhau. (Hay có thể chỉ tốt khi sống trong một thế giới có rất nhiều loài sinh vật tự nhiên, không phải do biến đổi gen?) Chúng ta có thể lo lắng rằng việc tuyệt chủng một loài thảo mộc có thể tước khỏi chúng ta một phương thuốc chữa bệnh hiểm nghèo, hoặc một loài có thể đóng vai trò rất không thể thiếu trong một hệ sinh thái quan trọng. Đó là một lập luận tốt để ủng hộ việc bảo tồn một số loài, nhưng không phải tất cả các loài hiện hữu đều có giá trị thực tiễn cho loài người. Thực ra, sự tuyệt chủng của bất kỳ loài nào đều tước đoạt khỏi con người cơ hội để nghiên cứu về loài đó, và hiểu hơn về các quá trình tiến hóa và thích nghi. Nhưng chúng ta cũng không thể chắc chắn rằng loài tuyệt chủng sẽ không được thay thế bằng một loài khác, loài có giá trị hoặc đáng quan tâm tương đương như thế. Vậy tại sao chúng ta cảm thấy phải có nghĩa vụ bảo tồn các loài hiện có?
Lilly-Marlene Russow đã đưa ra lập luận thú vị cho rằng bổn phận bảo tồn loài rốt cuộc dựa trên một loại giá trị công cụ đặc biệt: giá trị thẩm mỹ. Lập luận này cần tới một chút giải thích dông dài, vì các triết gia hàn lâm thường coi thẩm mỹ học là một môn học hoàn toàn khác với đạo đức học. Theo truyền thống, thẩm mỹ liên quan đến cách chúng ta đưa ra đánh giá về cái đẹp và mùi vị, còn đạo đức liên quan đến cách chúng ta đưa ra phán đoán về đúng và sai. Tuy nhiên, nếu như chúng ta nghĩ đạo đức học là ngành quan tâm đến việc làm sao để sống một cuộc đời tốt đẹp, đáng lựa chọn, thì thẩm mỹ học chắc chắn là một phần quan trọng của đạo đức học.
Chúng ta sẽ bàn sâu hơn về thẩm mỹ học ở mục 7.5. Còn bây giờ, điểm quan trọng là các phẩm tính thẩm mỹ là những phẩm tính của một đối tượng hoặc một kinh nghiệm góp phần làm cho người ta trân trọng hoặc không trân trọng đối tượng hoặc kinh nghiệm đó. Chúng là những phẩm tính làm cho một cái gì đó đẹp đẽ, trần tục, chán ngắt, đáng tởm, thú vị, cuốn hút…vv. Chúng bao gồm các phẩm tính giác quan: hình dáng, âm thanh, mùi vị, cảm giác. Nhưng chúng cũng có thể bao hàm các phẩm tính hữu hình ít hơn, như tính phức tạp, tính khan hiếm và tính bất ngờ. Giá trị thẩm mỹ cũng có thể phụ thuộc vào những điều bạn biết về đối tượng, chẳng hạn như lịch sử và ý nghĩa của nó.
Lập luận của Russow cho rằng chúng ta muốn bảo tồn chim đại bàng, gấu Bắc Cực, linh trưởng và ngay cả những loài thực vật nhỏ bé khiêm tốn như hoa lily trong họ loa kèn đang trên đà tuyệt chủng vì các loài đó có đặc tính thẩm mỹ mà chúng ta đánh giá cao. Chúng có thể đẹp đẽ, hùng vĩ, dễ thương, phức tạp, giản dị tao nhã, dữ dội, đáng yêu, bất ngờ, thú vị; có khá nhiều giá trị thẩm mỹ mà chúng ta có thể tìm thấy trong thế giới của những loài phi-con người. Đó là lý do giải thích về việc tại sao chúng ta coi trọng các loài quý hiếm hơn các loài phổ biến: Sự hiếm có tự nó là một giá trị thẩm mỹ, và các loài quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ mất đi tất cả các giá trị thẩm mỹ mà loài đó mang lại. Lý thuyết này cũng giải thích tại sao chúng ta tiếc thương vì sự tuyệt chủng của một loài dù cho đã có loài khác thay thế chúng. Loài khác có thể cũng có giá trị thẩm mỹ, tuy nhiên chúng sẽ không có cùng một đặc tính thẩm mỹ như loài tuyệt chủng. Tương tự, chúng ta cũng sẽ tiếc nuối khi đánh mất một bức họa của Picasso mặc dầu đã có những bức hoạ của Renoir. Tranh của Picasso có những phẩm tính riêng biệt mà chúng ta không muốn đánh mất chúng.
Tất nhiên, các ví dụ loại suy cũng có một chút lạc đề. Sự thật là chúng ta không nghĩ loài mà chúng ta đang mất đi sẽ sớm được thay thế. Nhiều nhà sinh thái học cho rằng việc con người làm biến đổi hệ sinh thái nhân danh phát triển kinh tế đã tạo ra một sự kiện tuyệt chủng hàng loạt: sự suy giảm nghiêm trọng và tương đối nhanh chóng về đa dạng loài trên toàn thế giới. Vì vậy, chúng ta không chỉ dừng lại với một bộ sưu tập các loài khác nhau, như thể chúng ta bán tranh của Picasso để lấy tranh của Renoir vậy. Cuối cùng chúng ta sẽ còn lại rất ít các loài, như thể toàn bộ bộ sưu tập nghệ thuật của thế giới đã bị tiêu hao đi. Việc đánh mất đi giá trị này đang gây choáng váng, và các nỗ lực bảo tồn loài chắc chắn là một phản ứng thích hợp cho sự mất mát này.
Nhưng đây là vấn đề phức tạp: Nếu chúng ta muốn bảo tồn các loài vì giá trị công cụ của chúng – vì lẽ chúng tạo cho con người cuộc sống tốt đẹp hơn – thì chúng ta phải cân nhắc những mất mát của chúng có ngược lại với những giá trị công cụ của tất cả những thứ chúng ta đạt được qua việc phát triển kinh tế: điện lực, chăm sóc sức khỏe, chế độ dinh dưỡng đầy đủ…v.v. Những thứ vừa kể cũng tạo cho con người một cuộc sống tốt đẹp hơn. Có lẽ, người ta có thể chấp nhận được một vài sự đánh đổi về sự phong phú các loài và những hàng hóa khác.
Tuy nhiên, có vẻ như không đúng khi phát biểu rằng việc chăm sóc sức khỏe nhiều hơn luôn luôn có thể bù đắp cho sự tuyệt chủng của gấu Bắc Cực và đại bàng đầu trắng. Theo như lý thuyết của Russow đã làm rõ, những hàng hóa này có những loại giá trị khác nhau, và chắc chắn chúng ta muốn có một thế giới phong phú đa dạng với nhiều loại hàng hóa và trải nghiệm khác nhau. Elizabeth Anderson có thể phát biểu rằng sự phong phú các loài (hoặc đa dạng sinh học, một khái niệm liên hệ) là một lý tưởng, như thế tình bằng hữu động vật là một lý tưởng nền tảng cho đạo đức về quyền lợi động vật của chúng ta. Việc dùng thuật ngữ của Anderson, phương thức đánh giá thích hợp cho các loài là sự đánh giá cao: đánh giá cao vẻ đẹp của chúng, sự phức tạp, sự độc đáo, sự kỳ dị, và những thuộc tính thẩm mỹ khác nữa. Các chính sách cho những loài đang trên đà tuyệt chủng của chúng ta được biện minh trong chừng mực chúng thể hiện đúng những giá trị thẩm mỹ đó. Chúng ta đánh giá cao các loài bằng việc bảo tồn chúng, ngay cả khi phải đối mặt với những áp lực về sự phát triển kinh tế.
Chuyển ngữ: Học viên Phaolô Nguyễn Xuân Danh
Nguồn: Kimberly K. Smith, Exploring Environmental Ethics – An Introduction,
(Carleton College, Northfield: Springer, 2018), 47-51