Tượng Thánh Phaolô trước vương cung thánh đường Thánh Phêrô

  1. Lời Chúa

1 Thưa anh em, về ngày giờ và thời kỳ Chúa đến, anh em không cần ai viết cho anh em.2 Vì chính anh em đã biết rõ: ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm ban đêm.3 Khi người ta nói: “Bình an biết bao, yên ổn biết bao! “, thì lúc ấy tai hoạ sẽ thình lình ập xuống, tựa cơn đau chuyển bụng đến với người đàn bà có thai, và sẽ chẳng có ai trốn thoát được.

4 Thưa anh em, anh em không ở trong bóng tối, để ngày ấy như kẻ trộm bắt chợt anh em.5 Vì tất cả anh em là con cái ánh sáng, con cái của ban ngày. Chúng ta không thuộc về đêm, cũng không thuộc về bóng tối.6 Vậy chúng ta đừng ngủ mê như những người khác, nhưng hãy tỉnh thức và sống tiết độ.

 

  1. Tìm hiểu 1 Tx 5:1-6

Khi giải thích sự liên kết khăng khít giữa sự phục sinh của Đức Ki-tô và sự phục sinh của các tín hữu, thánh Phao-lô chuyển sang đề tài về thời gian: Khi nào sự trở lại diễn ra? Chính thánh Phao-lô nghĩ rằng ngài sẽ vẫn còn sống khi Đức Chúa trở lại (x. 4:17). Tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca cũng mong chờ điều ấy. Thậm chí vài người trong số họ còn tham gia vào những cuộc phỏng đoán về thời điểm Đức Ki-tô trở lại.

Dù xác tín vào việc Đức Ki-tô sẽ trở lại, nhưng thánh Phao-lô cũng ý thức rằng ngài không biết khi nào điều đó xảy ra. Vì thế, để các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca không còn suy đoán bừa bãi, thánh Phao-lô nhắc họ rằng ngày Đức Ki-tô trở lại sẽ xảy ra vào một thời điểm họ ít mong đợi nhất. Vì thế, thánh Phao-lô kêu gọi cộng đoàn làm một điều họ có thể làm trong bối cảnh ấy: hãy tỉnh thức. Sống như con cái ánh sáng thì quan trọng hơn biết đích xác thời gian ngày Đức Chúa trở lại. Tránh xa bóng tối thì quan trọng hơn suy đoán về sự trở lại của Đức Ki-tô.

Trong khi thánh Phao-lô đối mặt với tình thế trong đó ngài phải kìm hãm lại sự mong mỏi cánh chung của các cộng đoàn của ngài, thì hầu hết các nhà giảng thuyết hiện nay đối mặt với một vấn đề đối nghịch: niềm hy vọng ngày Đức Ki-tô trở lại không còn hoặc rất ít được quan tâm trong đời sống của nhiều Ki-tô hữu. Chẳng còn sự lo lắng, hối hả nơi họ, cũng chẳng còn sự mong đợi rằng quyền năng Thiên Chúa có thể đụng đến cuộc sống họ vào bất cứ lúc nào.

Những nhà giảng thuyết hiện nay phải giúp những cộng đoàn của họ hiểu ý nghĩa của việc loan báo về ngày Đức Ki-tô trở lại. Để làm điều ấy, họ phải giải thích rằng sự hiện diện của tội lỗi và sự xấu trong thế giới cho thấy chiến thắng cuối cùng của Thiên Chúa vẫn chưa diễn ra. Vẫn còn một điều gì đó để hy vọng, một sự cứu độ chung cuộc mà Đức Ki-tô sẽ thực hiện trong thời điểm của Thiên Chúa. Niềm hy vọng như thế đòi hỏi các tín hữu sống với sự ý thức rằng họ thật sự cần sự cứu rỗi chung cuộc vốn chỉ Thiên Chúa mới có thể thực hiện được trong Đức Ki-tô.

 

Nguồn: Frank J. Matera, Strategies for Preaching Paul, (Nguyễn Hữu Phong chuyển ngữ) (Minnesota: The Liturgical Press, 2001), 59-60.