- Việc quản lý khu đất Spring Lakes
Judy K. sở hữu một mảnh đất rộng khoảng 70 mẫu Anh tại một vùng thôn quê miền trung Michigan và bà đặt tên cho nó là “Spring Lakes.” Khu đất có hai hồ nước khiêm tốn, luôn được cung cấp nước bởi những con suối nhỏ. Cũng có một vài đầm lầy và một “ngọn núi” có rừng bao phủ (đúng hơn là một quả đồi rộng). Đồng thời, ở đó cũng có hai đồi đất dùng cho việc mai táng của người Ấn vốn được dân Potawatomi từng cư ngụ tại vùng này để lại. Judy sinh sống trên khu đất của mình đồng thời cũng cho người ta mướn nhiều ngôi nhà nhỏ thôn dã từ khu đất ấy.
Trong khi Judy quản lý khu đất này, bà phải ra nhiều quyết định như: Có nên cho phép săn hươu nai và bẫy chuột xạ hương trong khu vực này chăng? Sẽ là ý hay nếu cắt bỏ một vài cây sồi bị bệnh ở phía bắc ngọn núi? Bà có nên phát quang cỏ dại và tảo ở các hồ nước để lấy chỗ cho việc bơi lội trên hồ chăng? Và nếu làm như thế, bà có nên dùng hóa chất, máy nạo vét định kỳ, hay dùng một vài giải pháp khác? Bà có nên cho phép câu cá trong các ao hồ, nếu làm thế, thì sẽ theo các khoản luật nào? Bà có nên đưa ra biện pháp nhằm ngăn chặn loài ngỗng Canada làm tổ trong các ao và làm vấy bẩn bãi cỏ quanh các ao hồ, hay phải từ bỏ những nỗ lực gìn giữ bãi cỏ xanh mát – giống như trong các công viên – chung quanh ao hồ? Còn các ngọn đồi dùng cho việc mai táng của dân Potawatomi thì sao, bà phải có trách nhiệm thông tri đến ban xã hội lịch sử địa phương về chúng chăng? Và giả như bà loại bỏ các cây sồi bệnh thì các ngọn đồi đó sẽ xáo trộn những gì?
Tất cả quyết định này đòi hỏi bà Judy thực hiện việc đưa ra các đánh giá về giá trị môi trường: Các đánh giá về cách thức và mức độ chúng ta nên đánh giá những đặc điểm khác nhau về môi trường tự nhiên (non-human environment): các cá thể thực vật và động vật, các loài, hệ sinh thái và tất cả các tác động đa dạng của chúng. Tuy nhiên, để tránh làm phức tạp vấn đề, Judy không thực hiện những đánh giá này một mình. Bà thường lắng nghe các ý kiến (trưng cầu cũng như không được trưng cầu) từ những người mướn đất của bà, con cái bà, và hàng xóm của bà. Tất cả họ đều cảm thấy mình có phần và trách nhiệm trong khu đất đó. Các quan chức nhà nước từ các cơ quan về động vật hoang dã, y tế cộng đồng và chất lượng môi sinh cũng thường xuyên ghé thăm và bàn thảo với Judy về những mối bận tâm của họ; đồng thời, tư vấn cho bà về các khoản quy định đang hiện hành liên quan đến môi trường. Judy nên cân nhắc lợi ích của những người liên quan khi đưa ra quyết định? Mục đích quản lý đất đai của bà là gì? Trong mức độ nào nhà nước nên can thiệp và ra lệnh cho bà được làm hay không được làm những gì trên khu đất của mình?
- Quyển sách này nói về điều gì.
Không phải ai trong chúng ta đều may mắn sở hữu khu đất lên đến 70 mẫu Anh ở miền trung Michigan, nhưng cũng giống như Judy K., tất cả chúng ta đã và đang phải đối diện với nhiều vấn đề về các giá trị môi trường. Cho dẫu bạn là một chuyên gia chính sách, một nhà quản lý doanh nghiệp, một sinh viên, hay một người nội trợ, bạn phải đối diện với những quyết định tác động đến môi trường tự nhiên bên cạnh con người. Bạn phải thực hiện những quyết định về cách thức tuân theo những quy định liên quan đến môi trường hoặc cách thức xử lý rác thải nhựa. Bạn phải quyết định trồng loại cây nào trong khu vườn nhà mình hoặc liệu có thể sử dụng thuốc diệt cỏ. Đồng thời, bạn cũng phải quyết định liệu có nên ủng hộ cho các ứng viên chính trị và những lý do tìm cách áp đặt hoặc thay đổi luật môi trường. Quyển sách này nói về những gì bạn phải nghĩ đến khi đưa ra những quyết định đó. Cụ thể hơn, quyển sách nói đến cách thức mà một tài liệu học thuật về đạo đức môi trường có thể giúp bạn thực hiện những quyết định đó.
Việc tiến hành những quyết định liên quan đến các giá trị môi trường bao gồm phần nào đó những điều luật hoặc những nguyên tắc luân lý mà bạn muốn sống theo, nghĩa là, bạn phải có bổn phận nào với những người khác cũng như với thế giới tự nhiên. Đó là một vấn đề trọng tâm trong lĩnh vực đạo đức môi trường. Tuy vậy, đạo đức môi trường bao hàm nhiều điều hơn là chỉ tuân thủ những quy tắc. Nó cũng bao hàm việc suy tư một cách sáng tạo và thận trọng về việc làm thế nào để mối tương quan của bạn với tự nhiên góp phần xây dựng một cuộc sống ý nghĩa và đáng sống. Điều đó có nghĩa là, đạo đức môi trường đề cập đến cách sống một Cuộc sống tốt đẹp trong mối tương quan với tự nhiên và trong mối tương quan với các hữu thể khác – những người cũng đang lệ thuộc vào thế giới tự nhiên. Tóm lại, đạo đức môi trường đề cập đến mối tương quan của bạn với thế giới tự nhiên có ý nghĩa gì với bạn: tự nhiên có vai trò thế nào trong việc góp phần vào viễn tượng về một cuộc sống tốt đẹp của bạn; bạn có những nghĩa vụ nào đối với hữu thể nhân sinh và các hữu thể tự nhiên liên hệ đến các tài nguyên tự nhiên; và liệu bạn có nhận thức bản thân như là một người quản lý của trái đất này chăng.
Quyển sách này nhằm giúp bạn thông suốt những câu hỏi đặt ra đó. Nó được viết ra cho những khóa học về đạo đức môi trường vốn không thể thiếu cho các chương trình khoa học và các nghiên cứu liên quan đến môi trường. Tôi mường tượng độc giả của mình là các sinh viên (ở bậc đại học hoặc sau đai học) những người mong muốn trở thành những nhà quản lý môi trường gắn liền với cuộc sống của họ, với tư cách là một công dân, một nhà hoạch định chính sách, hay một chuyên gia quản lý môi trường. Tôi cũng mường tượng độc giả là những ai đang tham gia một khóa học trong một trường đại học hoặc cao đẳng ở Mỹ; do vậy, các ví dụ minh họa hầu hết tôi lấy trong bối cảnh Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ, và có thể nói rằng, quyển khoa giáo này về tổng thể mang “âm hưởng Mỹ quốc”. Tuy nhiên, nhiều (có lẽ là hầu hết) học giả đạo đức môi trường không đến từ Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Đây là một lịch vực đa quốc gia, và tôi sẽ tìm kiếm và tận dụng sự uyên bác từ những học giả đang sống và làm việc ở các quốc gia khác nhau trên thế giới.
(còn tiếp)
Chuyển ngữ: Học viên Phaolô Nguyễn Xuân Danh
Nguồn: Kimberly K. Smith, Exploring Environmental Ethics – An Introduction,
(Carleton College, Northfield: Springer, 2018), 1-2.