Lời Giới Thiệu

Đứng trước một thế giới nhiễu nhương hiện nay, có lẽ ai cũng cảm thấy mình có trách nhiệm xây dựng để nó trở nên tốt hơn. Các tín hữu Công Giáo cũng không ngoại lệ. Noi gương Chúa Giê-su, các tín hữu có trách nhiệm nhập thế để xây dựng thế giới cũng như xây dựng Nước Trời giữa lòng thế giới. Tuy nhiên, đôi khi ta cảm thấy bối rối vì không biết phải làm sao để dung hòa cả hai điều ấy: thế giới hữu hình và Nước Trời vô hình. Bài viết dưới đây là một nỗ lực tìm hiểu thế giới và cách tín hữu xây dựng thế giới ấy theo tư tưởng của thần học gia Công Giáo người Đức Johann Baptist Metz trong tác phẩm Theology of the World. Người viết trước tiên sẽ khai phá quan điểm về thế giới; sau đó sẽ trình bày một cách dấn thân xây dựng thế giới của người tín hữu; cuối cùng, đưa ra một bài phê bình về tư tưởng của Johann Baptist Metz.

Dẫn nhập

Kể từ sau thời Trung Cổ, Ki-tô giáo không còn bị bó hẹp trong những không gian chật chội nhưng đối diện với sự mở rộng về nhiều chiều kích của thế giới như địa lý, tư tưởng, khoa học, và thậm chí cả những xung đột mới về chính trị, kinh tế. Trước bối cảnh như thế, những nhà thần học thường đặt câu hỏi: đâu là căn tính đích thực của Ki-tô giáo? và Ki-tô giáo có vai trò như thế nào trong sự vận hành của thế giới? Trong số những nhà thần học đi tìm câu trả lời đó có Johann Baptist Metz (1928). Thậy vậy, Metz đã viết nhiều tác phẩm để bàn về những vấn nạn vừa nêu, một trong các phẩm ấy, nổi bật nhất là “Theology of World[1]. Từ tác phẩm này, chúng ta sẽ dựa trên suy tư của Metz để cùng khám phá cách hiểu về thế giới, dưới nhãn quan Ki-tô giáo góp phần định hướng đời sống dấn thân trong xã hội của người tín hữu.

Khám phá những cách hiểu về thế giới trong dòng lịch sử

Bối cảnh đặt vấn đề cách hiểu về thế giới

Để khởi đầu cho tác phẩm của mình Metz đặt lại vấn đề cách hiểu của Ki-tô giáo về thế giới. Cụ thể, đức tin nhìn việc hiện thế hóa (secularity[2]) của thế giới đương thời như thế nào? Phải chăng đức tin khép mình lại, như hình ảnh những người môn đệ ở trong căn phòng đóng kín trước ngày lễ Hiện Xuống năm xưa, để phớt lờ việc hiện thế hóa. Nếu thế, đức tin ấy chỉ đóng khung trong hệ thống ngôn từ để diễn đạt về Thiên Chúa và thế giới. Hệ quả là, đức tin ấy có nguy cơ biến thành huyền thoại, nó không còn có khả năng đụng chạm vào các thực tại trần thế nữa. Trái lại, nếu đức tin ấy mở ngỏ cho sự mặc khải của chính Thiên Chúa về thế giới, thì đức tin ấy sẽ tác động cách cụ thể vào lịch sử của con người.

Vậy tại sao lại có một sự khép lại của đức tin đối với thế giới như thế? Metz giải thích rằng trong lịch sử, đặc biệt là vào thời Trung Cổ, người ta quan niệm hiện thế hóa như một thực tại quá lớn để có thể nắm bắt được, nên người ta đã dùng mọi phương thế của Ki-tô giáo nhằm khép lại với thế giới, và rút lui vào tương quan trực tiếp với Thiên Chúa[3]. Tuy nhiên câu trả lời trên dường như chưa thỏa mãn, do vậy Metz tiếp tục đi tìm nguồn gốc đích thực của việc khước từ hiện thế hóa thế giới. Để làm điều này, Metz khởi sự bằng việc tìm hiểu những quan niệm về thế giới đã từng có trong lịch sử.

Thế giới được thần hóa (divinized)

Trở lại lịch sử xa xưa của con người, đặc biệt với người Hy-lạp cổ đại, Metz khám phá ra rằng con người cảm nhận mình quá bé nhỏ so với thiên nhiên. Một mặt con người cảm nhận mình được nuôi nấng, gìn giữ bởi thiên nhiên. Nhưng mặt khác, con người lại kinh nghiệm thiên nhiên như là những vị thần đe dọa sự sáng tạo của họ và báo thù họ bằng những tai ương. Tất cả những kinh nghiệm ấy đã định hình nơi con người về những đặc tính thánh thiêng của thế giới. Với lăng kính như thế, con người hiểu về chính mình như một hình ảnh của vũ trụ tự nhiên, một tiểu vụ trụ. Đồng thời, con người cũng nhìn nhận thiên nhiên xuất hiện như là một chủ thể thánh thiêng có thể đụng chạm được (tangible divine subjectivity). Nói cách vắn tắt, thiên nhiên được thần hóa (divinized). Tuy nhiên, ‘vị thần’ này lại không phải là một Đấng Siêu Việt, trái lại vị này chỉ là những nguyên lý và quy luật của vũ trụ. Những nguyên lý hay quy luật ấy, thực chất chỉ là những đặc tính trong toàn bộ bức tranh tổng thể của vũ trụ. Như thế, với lối nhìn ấy, thế giới đã không được tách biệt với thần linh. Bởi đó, Metz cho rằng thế giới chưa thực sự được hiện thế hóa[4].

Thế giới được nhân hóa (hominized)

Ở trong quá khứ, thế giới đã được thần hóa, vậy thì trong thời hiện đại của chúng ta thì sao? Phải thừa nhận, thời hiện đại của chúng ta đã có một sự thay đổi rất lớn. Con người đang dần thoát ra khỏi sự thống trị của thiên nhiên để dành lại quyền làm chủ trên nó. Những quy luật của thiên nhiên xưa kia được coi là huyền bí, thì nay đang nằm gọn trong bàn tay của con người. Thiên nhiên giờ đây để con người có thể tác động và kiến tạo trên nó như thể con người là một đấng tạo hóa, hay một bậc thầy xây dựng. Nói một cách vắn gọn, thế giới giờ đây được nhân hóa (hominized)[5].

Tuy nhiên, việc nhân hóa này dường như đã đi quá đà. Bằng chứng là, thế giới của chúng ta nằm gọn trong tầm kiểm soát của con người. Thế giới ấy bị hạ giá, từ thụ tạo của Thiên Chúa giờ đây chỉ còn lại thuần túy là vật chất, và là sản phẩm của sự sáng tạo của con người. Tắt một lời, thế giới dường như bị tách lìa khỏi Thiên Chúa. Như thế, cách hiểu về thế giới được nhân hóa của thời hiện đại đang làm cho đức tin của con người chết dần[6]. Hệ lụy ấy có thể được bộc lộ rõ nét nơi trào lưu vô thần, cả ở bình diện tư tưởng lẫn thực hành, tiêu biểu như Nietzsche (1844-1900), Marx (1818-1883), Bertrand Russell (1872-1970)… Thật vậy, trào lưu này thường xem đức tin chỉ là một bộ phận (sector) trong nhiều mẫu thức kinh nghiệm hoặc chỉ là những khái niệm được suy tư trong tâm trí của con người. Không những thế, trào lưu này còn đồng hóa kinh nghiệm của Ki-tô giáo với tất cả các kinh nghiệm về sự thần hóa trong lịch sử cổ đại. Sự thần hóa ấy bị trào lưu vô thần coi là cản trở sự tự do và sáng tạo của con người. Do vậy, khi con người trải nghiệm việc nhân hóa thế giới, trào lưu vô thần muốn giải trừ tất cả những gì được coi là huyền bí, trong số đó, có cả Thiên Chúa của Ki-tô giáo.

Sau khi đã giải trừ như vậy, trào lưu vô thần muốn đặt con người làm trọng tâm, và thế giới nơi con người tồn tại trở nên một đối tượng cho sự biến đổi theo ý chủ quan của con người. Thế giới ấy được nhận thức hoàn toàn căn cứ trên chủ thể tính là con người[7]. Tương lai của thế giới ấy hoàn toàn nằm trong năng lực sáng tạo của con người. Hệ quả là, trào lưu vô thần đưa ra những ý thức hệ sai lầm về một thứ thiên đường trần thế, tựa như một chủ thuyết không tưởng (utopianism) về một niềm tin ngây thơ vào sự tiến bộ[8]. Không những thế, trào lưu vô thần còn làm con người ngày càng trở nên yếu nhược và mất đi tính siêu việt, đồng thời sự tự do của con người cũng trở nên mong manh. Thêm nữa, những khuynh hướng cá nhân ngày càng nổi lên mạnh mẽ, trong khi sự hiệp nhất của con người ngày càng giảm bớt. Bằng chứng cụ thể cho những giới hạn ấy là các cuộc chiến tranh liên miên đã xảy ra trong lịch sử. Các cuộc chiến làm cho thế giới không còn là mối phúc lành, là nơi đáng sống, nhưng là nơi chứa đầy nỗi đau đớn và sự đe dọa[9]. Như vậy, từ những kinh nghiệm thực tế vừa nêu, Metz giúp chúng ta có thể nhận ra sự chuyển dịch trong sự nhận thức về thế giới: tức là từ thái cực được nhân hóa (hominized) chuyển sang thái cực phi nhân tính hóa (de-humanized) [10].

Không chỉ dừng lại ở việc phê bình các trào lưu vô thần theo khuynh hướng cộng sản, Metz còn phê bình cả những trào lưu hữu thần theo khuynh hướng tư bản. Thật vậy, trong tác phẩm “The Emergent Church”, Metz đã phê bình rằng trào lưu hữu thần theo khuynh hướng tư bản đã giảm thiểu Ki-tô giáo xuống chỉ còn phục vụ thuần túy cho việc theo đuổi các mục tiêu xã hội như sự tiến bộ, sự giải phóng, chủ nghĩa cá nhân, nhưng lại bỏ quên chiều kích liên đới, và sự hoán cải con tim[11].

Như thế, với khuynh hướng duy nhân hóa thế giới, người ta làm cho thế giới hoàn toàn tách biệt với Thiên Chúa.

Đến đây, một câu hỏi mới được đặt ra là làm thế nào lại có sự chuyển đổi quan niệm ấy, tức là từ thần hóa sang nhân hóa, thậm chí là phi nhân tính hóa. Trong quá trình chuyển đổi ấy, Ki-tô giáo chỉ đứng ở bên lề, hay có tác động gì không? Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu ở phần tiếp theo.

Hướng đến cách hiểu đích thực của Ki-tô giáo về thế giới

Xét ở bình diện lịch sử, người ta không thể phủ nhận Ki-tô giáo cũng là một thực thể của lịch sử. Vì thế, tôn giáo này cũng có một sự tác động không nhỏ vào trong nhận thức của con người về thế giới. Chúng ta có thể nhận thấy điều này trong tương quan của Ki-tô giáo với thế giới.

Ki-tô giáo trong tương quan với thế giới

Khi bàn về vấn đề tương quan của Ki-tô giáo với thế giới, Metz không chấp nhận quan điểm cho rằng tiến trình hiện thế hóa thế giới đối ngược lại với cách hiểu của Ki-tô giáo về thế giới. Thật vậy, Metz lý luận rằng, nếu quan niệm như thế thì phải chăng người ta đã làm cho lịch sử cứu độ là một thứ ngoại tại (extrinsic thing). Không những thế, người ta làm cho Ki-tô giáo không còn gắn kết chặt chẽ với lịch sử của thế giới nữa[12]. Với lý luận ấy, Metz lần về với biến cố thập giá của Đức Giê-su để hiểu về bản chất của việc hiện thế hóa thế giới. Ông nhận ra rằng, nơi biến cố thập giá của Đức Giê-su, Thiên Chúa tôn trọng và đón nhận thế giới. Về phần mình, thế giới vừa phản ánh thực trạng tội lỗi, một thực trạng luôn phản kháng lại Thiên Chúa và vừa mở ra đón nhận Thiên Chúa. Như thế, trong tiến trình đi đến việc hiện thế của thế giới, bao giờ nó cũng mở ra cho cả hai khả thể (phản kháng hay chấp nhận Thiên Chúa).[13]

Để có thể hiểu rõ hơn về tương quan của Ki-tô giáo và thế giới, Metz phân biệt hai khái niệm thần học: mệnh đề hình thức (formal statement) và mệnh đề thực tế (factual statement). Cụ thể, mệnh đề hình thức để nhấn mạnh về hành động can thiệp của Thiên Chúa qua việc thiết lập một ‘Vương Quốc’ của Ngài trong lịch sử thế giới. Nhờ đó, thế giới luôn có được tính năng động, chứ không cố định như quan niệm của người Hy-lạp. Thế giới được kết nối thân thiết với Ngài, chứ không còn xa cách với Ngài. Trong khi đó, mệnh đề thực tế cho thấy những hành động can thiệp cụ thể nơi Chúa Con với biến cố Ngôi Hai nhập thể làm người. Đây là dấu chứng rõ ràng cho thấy Thiên Chúa chấp nhận con người và thế giới. Tức là qua Chúa Con Nhập Thể, Thiên Chúa vẫn cho thấy thế giới khác biệt với chính Ngài, thậm chí ngay cả sau khi Phục Sinh (Chúa Ki-tô vẫn phục sinh với cả thân xác):

Thiên Chúa không giống như các thần, Ngài không phải là kẻ tiếm quyền như Moloch[14]. Sự thánh thiêng của Thiên Chúa hàm chứa ngay trong việc không rũ bỏ những khác biệt giữa Ngài và sự vật khác đang có, nhưng đúng hơn là Thiên Chúa chấp nhận những sự vật có sự khác biệt với chính Ngài…Như thế, Thiên Chúa không cạnh tranh với thế giới, nhưng là “người bảo vệ”(guarantor) của thế giới. Vẻ uy nghi của thế giới sẽ ngày một tăng lên trong sự mong đợi Thiên Chúa. Thiên Chúa không dập tắt ánh sáng của thực thể không thiêng thánh (the non-divine), nhưng làm cho nó sáng lên rực rỡ. Điều ấy càng cho thấy vinh quang vĩ đại của Ngài[15].

Và hơn thế nữa, Thiên Chúa còn chấp nhận thế giới theo nghĩa mở ra ngay cả với những đau khổ và dục vọng xảy đến (nơi biến cố Đức Giê-su chịu đóng đinh) để cho thấy tình yêu lớn lao của Ngài dành cho thế giới.

Tóm kết lại, để minh họa cho tương quan giữa Thiên Chúa và thế giới, Metz dùng hình ảnh tình bạn giữa hai người thân nhau. Khi hai người ấy tương quan càng sâu đậm là lúc người này chấp nhận người kia trong sự hiện hữu riêng tư của nó. Giờ đây, thế giới không còn là một mảnh vụn, hay một khu vực thuộc vũ trụ, nhưng là một thực tại trong tương quan với Thiên Chúa[16]. Bởi thế, trong quá trình hoạch định tương lai sẽ không còn sự tách biệt giữa tương lai của Ki-tô giáo và tương lai của thế giới, nhưng chỉ là một tương lai chung. Chính Ki-tô giáo sẽ bổ khuyết vào những giới hạn của quan điểm kỹ trị (technocracy), và các khoa học (bởi lẽ, những quan điểm ấy thường không giúp theo đuổi được những gì là đáng ưu tiên nhất, nhưng chỉ cho những thông số và khả năng nhận ra mối tương quan nhân quả). Nói cách rõ hơn, Ki-tô giáo mời gọi quan tâm đến vấn đề công ích. Như thế, những lời hứa như tự do, hòa bình, công bằng, hòa giải không còn mang tính riêng tư nữa, nhưng thúc đẩy mọi người cùng thực hiện[17].

Ki-tô giáo giúp giải trừ quan niệm thần hóa thế giới (divinized)

Như ở phần trên đã trình bày, Ki-tô giáo có quan niệm khác hẳn về Thiên Chúa và về thế giới. Cụ thể, Thiên Chúa không phải là một nguyên lý như quan niệm của người Hy-lạp, nhưng là một Đấng Sáng Tạo siêu vượt (a transcendent Creator), tức là Ngài không bị ràng buộc bởi các định luật của vũ trụ, nhưng hiện hữu cách độc lập. Trong khi đó, thế giới thì được nhìn nhận như một thụ tạo của Thiên Chúa, một thụ tạo được Thiên Chúa tôn trọng với quyền tự do của riêng nó. Với quan niệm như thế, Ki-tô giáo đã giúp cho người ta dám mạnh dạn đặt niềm tin tưởng và gắn kết với Thiên Chúa. Và nhờ đức tin, người ta có thể thoát khỏi việc nhìn nhận thế giới đồng hóa như một thực tại thần thánh, nhưng là tách biệt với thần thánh[18].

Trong đà tiến nhận thức ấy, cuối thời Trung Cổ, có sự tách biệt giữa thế quyền và thần quyền. Nhờ vậy, các thể chế nhà nước tách biệt hẳn với cơ cấu phẩm trật của Giáo Hội. Lúc này, nhà nước không còn là một thể chế thần thánh như trong thời Cổ Đại, nhưng là một thụ tạo hiện thế của Thiên Chúa. Ngoài ra, cũng vào cuối thời Trung Cổ, các khoa học đời bắt đầu phát triển, nổi bật là triết học. Nhân vật tiêu biểu được xem là người đặt nền cho sự phát triển ấy là thánh Tôma Aquinô (1225-1274). Càng về sau, người ta càng đạt được sự phân biệt rạch ròi giữa triết học và thần học. Sự phát triển độc lập của triết học đã được Giáo Hội nhìn nhận qua Công Đồng Vatican I. Như vậy, nhờ Ki-tô giáo, lý trí triết học đã đạt được một vị thế độc lập, khác hẳn với triết học của thời Hy-lạp cổ đại vốn gắn liền với chiều kích thần thánh.

Không chỉ có sự thay đổi về mặt tư tưởng, nhưng cả ở bình diện thế giới tự nhiên, Ki-tô giáo cũng đã đem lại một góc nhìn mới. Giờ đây, thế giới tự nhiên được xem như là ‘hiện hữu như chính nó’, nó không phải là thần thánh, mà chỉ là thụ tạo của Thiên Chúa. Thế giới tự nhiên xuất hiện trước con người như một chất thể để con người tác tạo. Thế giới vốn là Thụ tạo của Thiên Chúa giờ đây trở nên như là công trình của con người. Thế giới ấy khắc ghi rõ dấu vết của con người (vestigia hominis), chứ không chỉ là dấu vết của Thiên Chúa (vestigia Dei).

Để kết lại, Metz khẳng định rằng chính Ki-tô giáo đã đem lại cho thế giới khả thể hiện thế hóa được tròn đầy, tức là thế giới tách biệt với thần linh. Vì thế, chỉ Ki-tô hữu mới thấy được bản tính đích thực của thế giới, còn kẻ không tin thì không thể nào thấy được bản tính ấy. Mặc dù vậy, Ki-tô giáo trong quá khứ vẫn bị người Hy-lạp đương thời nhìn nhận như là tôn giáo của những kẻ vô thần[19].

Ki-tô giáo giúp giải trừ quan niệm phi nhân tính hóa thế giới (de-humanized)

Khi nhìn lại lịch sử của thế giới, người ta không thể phủ nhận vai trò của Ki-tô giáo trong việc giải trừ quan niệm thần hóa của người Hy-lạp. Thậy vậy, chính Ki-tô giáo đã tạo lên bước chuyển trong nhận thức về thế giới. Thay vì thế giới được nhìn nhận như vũ trụ, hay như thế giới tự nhiên đã được hoàn thành rồi và có tính cố định, nơi ấy con người được đặt vào, thì giờ đây thế giới được nhìn theo hướng quy nhân (anthropocentricity).

Tuy nhiên, hướng nhìn quy nhân đã khởi sự cho một lối đi thái quá khi nhận thức về thế giới. Tức là, thế giới được nhận thức lệ thuộc vào chủ thể con người. Con người trong tương quan với thế giới chỉ còn là tương quan giữa một chủ thể (con người) và khách thể (thế giới). Hướng nhận thức thái quá này được thể hiện ngang qua chủ thuyết duy tâm (idealism). Đi xa hơn, hướng nhận thức này còn được cô đọng theo chiều kích cá nhân, tức là tương quan tôi-bạn (I-Thou) [20]. Hệ quả là, thế giới bị rơi vào tình trạng phi nhân tính hóa (de-humanized).

Bởi vậy, Metz đề nghị cần phải xác định lại hai điểm nổi bật trong nhận thức về thế giới dưới nhãn quan Ki-tô giáo. Trước hết, thế giới không phải là một thực tại nằm ngoài con người, nhưng bao trùm lấy con người. Điều này được thể hiện qua việc làm của con người tác tạo trong thế giới, và qua hành vi cứu độ của Thiên Chúa nơi thế giới. Thứ hai, thế giới có một tương lai được đặt để trong lời hứa chắc chắn của Thiên Chúa nơi Đức Giê-su Ki-tô. Vì vậy, thế giới có sự chuyển động, và đang trở nên hiện hữu (coming into being). Điều này được thể hiện ngang qua chính hành động biến đổi thế giới của những người tin. Bên cạnh đó, Metz còn đề nghị thêm, để thế giới thoát khỏi tình trạng bị phi nhân tính hóa (de-humanized), Ki-tô giáo phải có trách nhiệm không để cho một thế giới nhân hóa bị đặt trong các ý thức hệ, nhưng phải khơi lên niềm hy vọng cho thế giới thấy được mặc khải nơi chính Thiên Chúa[21]. Như thế, Ki-tô giáo đang cho thấy thế giới phải lệ thuộc vào Ngài, chứ không phải chỉ nằm trong bàn tay con người.

Tóm kết lại, qua việc tìm hiểu về những quan niệm về thế giới, Metz giúp chúng ta nhận ra rằng, một mặt việc hiện thế hóa không phải là điều gây tại họa cho đức tin Ki-tô giáo, nhưng là quá trình giúp thoát khỏi việc đồng hóa thế giới như thần thánh. Mặt khác, Ki-tô giáo cũng cho thấy thế giới có mối liên hệ với Ngài. Ngoài ra, Metz cũng chúng ta cũng nhận biết thêm rằng khái niệm hiện thế hóa sau này được Ki-tô giáo sử dụng đã bị gán nghép theo một ý nghĩa xấu, tức là tất cả những hành vi bác bỏ thần thánh (vốn là quan niệm của những người chịu ảnh hưởng bởi văn hóa Hy-lạp kết án Ki-tô giáo). Không những thế, khái niệm hiện thế hóa còn bị người ta hiểu lầm là thái độ phản kháng lại chính Ki-tô giáo[22].

Trong phần trước, chúng ta cùng với Metz đã tìm hiểu về bản chất của thế giới, cũng như mối tương quan giữa Ki-tô giáo và thế giới. Vậy, câu hỏi tiếp theo được đặt ra là, đứng trước sự hiểu biết ấy, Ki-tô giáo có thái độ thế nào với thế giới? Metz sẽ giúp chúng ta đào sâu vấn đề này trong phần dưới đây.

Thái độ của Ki-tô giáo với thế giới

Thái độ của thần học

Trước hết, nhìn về tiến trình phát triển của thần học, Metz thấy rằng dòng chảy nhận thức về thế giới theo hướng nhân hóa đã đẩy người ta đi vào khuynh hướng cá nhân. Chính khuynh hướng này đã sản sinh ra một nền thần học mới có tính hiện sinh và siêu nghiệm. Phải thừa nhận, những trào lưu thần học này được xem như là sự “phản ứng ngược lại” với trào lưu thần học Kinh Viện, vốn đã từng tồn tại trong một thời gian dài kể từ thời Trung Cổ[23]. Thật vậy, trong khi trào lưu Kinh Viện nhấn đến tính khách quan của chân lý đức tin, thì thần học siêu nghiệm và hiện sinh lại nhấn đến chiều kích cá nhân của chủ thể. Nhờ đó, người ta nhận ra rằng đức tin Ki-tô giáo đi vào trong tương quan hiện sinh của con người. Tuy nhiên, trào lưu thần học mang tính cá nhân lại bộc lộ những điểm yếu. Ví dụ, chiều kích tương lai bị biến mất, tất cả chỉ lệ thuộc vào giây phút quyết định tức thời ở hiện tại. Hơn thế, trào lưu này còn làm mất đi chiều kích xã hội và chính trị của đức tin, một chiều kích đòi hỏi trách nhiệm và sự liên đới của kẻ tin với những người khác[24].

Tiếp đến, Metz chứng minh cho thấy rằng chiều kích tương lai của thế giới như đã trình bày ở trên có nền tảng rất rõ từ Kinh Thánh. Chẳng hạn, các lời mặc khải trong Cựu Ước không phải chỉ là tập hợp các thông tin về Thiên Chúa, nhưng là những lời hứa. Điều này được thể hiện rõ trong các trình thuật Sáng Thế hay Xuất Hành[25]. Nhờ tin vào lời hứa, dân Do Thái sống trải nghiệm về thế giới của niềm hy vọng hướng đến tương lai do chính Thiên Chúa tỏ lộ. Chính tương lai này khơi dậy tiềm năng của con người:

“…Thiên Chúa không ở ‘trên’ chúng ta, nhưng ở trước chúng ta. Sự siêu việt của Ngài tự mặc khải như là một ‘tương lai tuyệt đối’…không được xây dựng khởi đi từ những tiềm năng của sự tự do và hành động của con người. Đúng hơn, tương lai này mời gọi những tiềm năng mở ra với lịch sử…[26]

Như thế, quan niệm về thế giới của người Do Thái khác hẳn với quan niệm của người Hy-lạp cổ đại, vì người Hy-lạp chỉ coi thế giới là một thực tại lặp đi lặp lại – ‘chẳng có cái gì mới dưới ánh mặt trời’.

Còn ở trong Tân Ước, khởi đi từ lời của Đức Giê-su rao giảng về Nước Thiên Chúa, và từ chính biến cố Phục Sinh của Ngài, thế giới có một tương lai nơi chính Thiên Chúa. Tương lai này của thế giới làm nên yếu tính của Ki-tô giáo. Chính từ nền tảng này, thần học phải thay đổi cả hướng đi của mình. Cụ thể, cánh chung của Ki-tô giáo không chỉ dừng lại ở việc bàn luận về các sự sau (on the last things), nhưng phải bàn đến trách nhiệm của con người với tương lai của thế giới. Không những thế, thần học cũng phải vượt ra khỏi chiều kích cá nhân như trường phái hiện sinh, vốn bị Metz phê bình:

“…thần học mang tính nhân học hiện sinh rất dễ trở nên cô lập khỏi thế giới và lịch sử, khi mà chân trời của niềm hy vọng mang tính cánh chung làm cho thế giới xuất hiện như là lịch sử. Chỉ khi nào việc hiểu về thế giới như lịch sử mới làm cho hành động tự do của con người đạt được lập trường trọng tâm của nó…[27].

Ngoài ra, dựa trên tư tưởng của Moltmann, Metz còn nhấn mạnh thêm rằng:

Sự cứu độ Ki-tô giáo mang đến niềm hy vọng không phải thuần túy là việc cứu độ mang tính cá nhân linh hồn của người ta, hay thuần túy là việc cứu vớt cá thể khỏi một thế giới sự dữ. Nó càng không phải chỉ là niềm an ủi lương tâm cá nhân trong chiêm niệm, nhưng. nó còn là việc đạt tới một trật tự mang tính cánh chung của công bình, nhân tính hóa (humanized) con người và thiết lập sự bình an phổ quát[28].

Vẫn tiếp tục bàn về cách hiểu về thế giới theo Tân Ước, Metz cho rằng thực ra Tin Mừng không giới thiệu về Đức Giê-su theo nghĩa chỉ là những ngôn từ hoa mỹ, hay những trình thuật mang tính cá nhân, nhưng là nằm trong tổng thể của lời loan báo công khai cho mọi người (public). Bởi thế, thần học cần phải giúp mở rộng cách thông diễn về Tin Mừng hướng đến chiều kích cộng thể, chứ không chỉ dừng lại ở việc thông diễn theo nghĩa hiện sinh nơi tương quan I – Thou. Nếu không làm như vậy, các quyết định con người được khơi gợi từ đức tin mất đi sức mạnh, và chỉ là những hành động thuộc về cá nhân. Hơn thế nữa, ơn cứu độ của Thiên Chúa bị giảm thiểu, không còn mang tính cánh chung nữa nhưng chỉ còn là vấn đề hiện sinh của con người[29].

Từ những lý luận vừa nêu, Metz mời gọi thần học Ki-tô giáo phải hướng đến thần học chính trị (political theology), tức là một nền thần học khởi đi từ đặc tính cánh chung để phê bình, khơi dậy và thúc đẩy con người xây dựng thế giới hướng về lời hứa của Thiên Chúa. Đặc biệt là, nền thần học này phải giúp làm cho những ý tưởng (utopias) về công bằng và bình an được trở nên cụ thể hóa[30].

Sau này, trong tác phẩm “Faith in History and Society”, Metz còn đề nghị thêm rằng sống giữa một thế giới người ta dễ dàng quên đi những đau khổ của tha nhân, thần học luôn ghi nhớ về Đức Giê-su (với thương khó, sự chết, sự phục sinh) có sự liên hệ đến những người đau khổ, bị áp bức và loại trừ. Một sự ghi nhớ như thế sẽ giúp người ta luôn ý thức về một Đức Giê-su đã bước vào trong sự liên đới với những người đau khổ để đem lại cho họ một sự tự do đích thực. Không những thế, ký ức ấy còn khuôn đúc người ta trong đời sống luôn lý hướng đến công ích chung[31].

Với những lập luận vừa nêu, Metz đã gợi ý cho thấy thần học cần phải thoát ra khỏi hướng đi quen thuộc như việc bàn luận ở các định đề và công thức. Tức là người ta thường quen nhìn thế giới theo các mệnh đề đối lập: thế giới là thụ tạo tốt lành vừa là nơi chứa đầy sự dữ; hay thế giới là nơi nhận được ơn cứu độ, vừa là nơi bị kết án. Tất cả những mệnh đề này phản ánh hiện tượng về thế giới, và chúng không thể đan kết lại để tạo thành bản chất của thế giới. Trái lại, bản chất đích thực của thế giới nằm trong lời hứa của Thiên Chúa, tức là chiều kích cánh chung của thế giới[32]. Ngoài ra, Metz cũng đề nghị thần học không chỉ dừng ở chiều kích cá nhân nhưng tìm ra một hướng đi mới hướng đến việc hành động vì cộng đồng, theo gương của Chúa Ki-tô.

Thái độ của Giáo Hội

Khởi đi từ mầu nhiệm Nhập Thể của Chúa Con, Metz khẳng định rằng việc Ki-tô hóa thế giới không gì khác hơn là làm cho thế giới là chính nó, chứ không phải biến hóa nó thành thực tại thần thánh. Vì thế, tất cả các nỗ lực của Ki-tô giáo trong dòng lịch sử thực chất chỉ làm cho thế giới được trở nên hiện hữu đích thực. Tuy vậy, để thực hiện một sứ mạng như thế không dễ dàng, bởi vì thế giới đã bị tội lỗi phá hủy và làm cho trở nên tha hóa. Trong bối cảnh ấy, Giáo Hội xuất hiện như một thể chế của ân sủng (chẳng hạn như các chứng nhân, các bí tích) để bảo vệ thế giới nhằm đưa nó vào tình trạng hiện hữu đích thực, tức là một sự hiện hữu có tính cánh chung. Như thế, Giáo Hội không tồn tại vì chính nó, nhưng là vì Nước Thiên Chúa, Nước ấy chính là tương lai của thế giới. Nhờ vậy, Giáo Hội cũng cho thấy mình không chỉ là một thực tại thuộc về thế giới, nhưng Giáo Hội khác biệt với thế giới[33].

Vậy trước một sứ mạng cao cả như thế, Giáo Hội sẽ phải làm gì? Metz trả lời, tất nhiên Giáo Hội không thể chỉ sống tinh thần chiêm niệm thuần túy, vì những điều người ta chiêm niệm đều có sự liên hệ đến những thực tại đã hiện hữu trong thực tế rồi. Trong khi đó, tương lai của Giáo Hội vẫn chưa được kiện toàn, mà nó mới chỉ đang khơi dậy (arising). Vì thế, Giáo Hội cần phải sáng tạo (creative), và phải chiến đấu (militant) mạnh mẽ. Nhờ đó, Thành Đô Thiên Quốc có tính cánh chung có thể tiến vào hiện hữu[34]. Đặc tính sáng tạo và chiến đấu mà Metz muốn nói đến có liên hệ đến niềm hy vọng mà Ki-tô giáo đang cưu mang nơi Giáo Hội không phải là những thứ rẻ tiền, vì nó phải chống lại niềm hy vọng mà con người đang đặt để vào các ngẫu tượng. Muốn có niềm hy vọng đó, Giáo Hội phải học hỏi tính chiến đấu giống như Abraham đã thực hiện: “Nhờ đức tin, ông Áp-ra-ham đã vâng nghe tiếng Chúa gọi mà ra đi đến một nơi ông sẽ được lãnh nhận làm gia nghiệp, và ông đã ra đi mà không biết mình đi đâu” (Dt 11,8). Và tính chiến đấu ấy còn phải được học hỏi nơi hành vi tự hủy như Đức Giê-su, bởi lẽ chính Đức Giê-su đã không sống vì chính Ngài nhưng vì tất cả chúng ta. Nơi hành vi tự hủy của Ngài, tình yêu được thể hiện cách trọn vẹn[35].

Chính vì Ki-tô giáo có ơn gọi mang đặc tính cánh chung, nên Giáo Hội không nên thiết định chính mình như một phạm vi xã hội cô lập (getto-society), hay trở nên một lớp vỏ bảo vệ cho một ý thức hệ nào đó, hoặc co mình lại như một xã hội thu nhỏ (micro society) ở bên cạnh một xã hội lớn (great secular society). Trái lại, Giáo Hội phải để cho mình có khả năng phê bình xã hội (socio-critical) [36]. Với chức năng phê bình, Giáo Hội không còn hiện hữu cho chính mình nữa, đúng như Metz nói:

“…Khi một thể chế Giáo Hội sống dưới cái nhìn về cánh chung, thì Giáo Hội không còn sống cho chính mình nữa; Giáo Hội cũng không còn phục vụ cho chính mình nhưng là cho việc xác nhận mang tính lịch sử về ơn cứu độ của tất cả mọi người. Niềm hy vọng mà Giáo Hội loan báo không phải là niềm hy vọng cho chính Giáo Hội nhưng là cho Nước Thiên Chúa…[37].

Thêm nữa Metz đề nghị Giáo Hội cần phải cho người ta thấy được rằng:

“…bất cứ khi nào, một đảng phái, một nhóm người, một dân tộc, hay một tầng lớp tự nhìn nhận mình như là một chủ thể thì sẽ làm cho tổng thể lịch sử là mục tiêu của hành động chính trị, nó sẽ phát triển thành một ý thức hệ toàn diện…”[38].

Vẫn ở chiều kích phê bình, về mặt thực tiễn, Metz gợi ý rằng, ở một khía cạnh, Giáo Hội không chấp nhận lối suy nghĩ trong cặp phạm trù ‘bạn-thù’. Trái lại, Giáo Hội luôn phải tỏ rõ tình yêu phổ quát cho tất cả mọi người. Thêm nữa, Giáo Hội cũng phải tham dự một cách sáng tạo nhằm chống lại tất cả các hình thức căm phẫn, hầu tạo lập một nền hòa bình cho tất cả mọi người, đặc biệt là cho người cùng khổ. Bên cạnh đó, Giáo Hội cũng cần phải thực hiện các công cuộc hòa giải, bao dung và tha thứ[39]. Ở một khía cạnh khác, Giáo Hội luôn phải thể hiện tính đáng tin qua việc sử dụng quyền lực cách trong sạch (pure power), một thứ quyền lực xuất phát từ lời hứa của Thiên Chúa. Quyền lực ấy sẽ buộc tội Giáo Hội khi Giáo Hội quá trễ nải, yếu kém và lưỡng lự trong việc bảo vệ những người bị bách hại, bị đe dọa. Đồng thời quyền lực ấy là lời kết án phản bội lại tình yêu, khi Giáo Hội rút lui khỏi chức năng phê bình.

Ngoài ra, theo Metz, chiều kích phê bình còn thể hiện ở việc Giáo Hội mở ra đón nhận các ý kiến phê bình của công chúng (critical public opinion) cũng như việc dấn thân vào các hành động cụ thể chứ không phải chỉ dừng lại ở những bài giảng thuyết và những văn kiện mang tính giáo điều[40].

Chính vì đặc tính phê bình, nên thể chế của Giáo Hội mang ý nghĩa khác. Thể chế này không tồn tại vì chính nó nhưng là việc đảm bảo cho sự tự do được hoạt động nhằm hướng về Nước Thiên Chúa. Muốn làm được điều ấy, Giáo Hội phải đẩy xa tính bảo thủ, độc quyền. Với vai trò ấy, Metz kết luận rằng thể chế của Giáo Hội thực sự là cần thiết[41].

Tóm lại, với chức năng sáng tạo, chiến đấu và phê bình như vừa trình bày, Giáo Hội đang làm chứng cho thấy rằng: một mặt thế giới tách biệt với Thiên Chúa, nhưng mặt khác thế giới lại có sự gắn kết mật thiết với Ngài.

Thái độ của tín hữu

Có lẽ ai trong chúng ta cũng đồng ý rằng thế giới này có một tương lai, nhưng tương lai ấy là gì? Metz dựa trên quan điểm thần học của thánh Tôma Aquinô để lý giải rằng, tương lai ấy không phải chỉ là đối tượng tối hậu của tự nhiên (finis ultimus naturalis) hay chỉ là đối tượng tối hậu của siêu nhiên (finis ultimus supernaturalis). Như vậy, tương lai của thế giới, dưới góc nhìn của Ki-tô giáo, gồm cả hai chiều kích tự nhiên và siêu nhiên.

Chiều kích tự nhiên được diễn tả cụ thể qua việc người ta đang sống và tương tác với thế giới này. Sự tương tác này là điều đương nhiên, vì lẽ không ai có thể bỏ chạy khỏi thế giới. Nếu có ai đó nghĩ rằng mình bỏ chạy, thực sự ý nghĩ đó chỉ là ảo tưởng và người đó đang tự giam mình trong thế giới nhân tạo của bản thân.

Trong khi đó chiều kích siêu nhiên lại cho thấy thế giới không dừng lại với những gì đang có. Vì thế, người tín hữu được mời gọi không dừng lại ở việc hài lòng với những gì đang hiện hữu của thế giới này như lời Thánh Phaolô khuyên nhủ: “Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo” (Rm 12, 2). Metz bình luận rằng câu nói này của thánh Phaolô cho thấy ngài không phủ nhận thế giới này, nhưng thúc giục họ rời bỏ những gì không tốt đẹp như là thái độ khoe khoang, những của phù du của nó. Nhờ vậy, người tin có thể thực hiện được trách nhiệm của mình với thế giới hướng về tương lai mà Thiên Chúa đã hứa ban. Cụ thể, các tín hữu bước đi cùng với Đức Giê-su để học lấy cách chấp nhận và phục vụ thế giới như Ngài đã làm, đó là chịu đóng đinh vì thế giới[42]. Với cung cách ấy, kẻ tin trở thành người xây đắp tương lai của thế giới, đúng như Metz nói:

“…Chúng ta là những công nhân xây đắp tương lai, chứ không phải là những kẻ chỉ giải thích tương lai. Sứ mạng của lời hứa Thiên Chúa cho tương lai thúc đẩy chúng ta biến đổi thế giới này trở nên một Thành Đô Thiên Chúa có tính cánh chung…[43].

Như thế, giờ đây, kẻ tin chính là những người làm cho chân lý của Ki-tô giáo được thực hiện và lời hứa của Thiên Chúa về sự bình an và công bằng được cụ thể hóa ngay qua hành động của họ. Dưới góc nhìn này, người ta mới hiểu được ý nghĩa của việc chọn lối sống khổ hạnh (asceticism) của các tín hữu, đặc biệt là các ẩn sĩ và đan sĩ trong lịch sử có ý nghĩa như thế nào. Thông thường, người ta vẫn hiểu các vị ấy muốn trốn thoát khỏi thế giới hiện thời nhằm đi tìm sự kết thân gần gũi với Thiên Chúa. Nhưng thực ra, hành động chọn lựa của họ vừa muốn bắt chước một tình yêu thánh thiêng vô điều kiện dành cho con người cũng vừa sống niềm hy vọng vào Thiên Chúa về một tương lai cho thế giới đã được công bố[44]. Có lẽ với lối nhìn này, về sau, trong tác phẩm “Followers of Christ” Metz đã mạnh mẽ quả quyết rằng việc theo Chúa Ki-tô ngày hôm nay vẫn phải mang chiều kích huyền bí nhưng không loại trừ chiều kích chính trị (political)[45].

Sau cùng Metz cũng mời gọi người tin trong khi dấn thân kiến tạo tương lai cho thế giới, họ phải để mình được tự do khỏi các ý thức hệ sai lầm, cũng như những chủ nghĩa lãn mạn về hòa bình. Tức là một thứ hòa bình không hề có mâu thuẫn. Thứ hòa bình ấy chỉ là một dạng ‘bút danh’, và xa lạ với con người. Để làm như vậy, người tin phải phản kháng lại lối sống duy cá nhân nhưng hướng đến việc cùng nhau trở nên những người bảo vệ người nghèo và bị áp bức, đói khổ, không được giáo dục, những người đang đối diện với dịch bệnh. Những hành động này vốn là truyền thống tốt đẹp của Ki-tô giáo[46]. Ở chiều kích khác, Metz lại khuyên nhủ rằng người tin cũng cần phải dấn thân để hòa giải các mâu thuẫn của con người nhằm ngăn cản các cuộc chiến tranh nổ ra. Trái lại, nếu họ dửng dưng, không dấn vào thế giới để đem lại tự do, bình an, công bằng cho con người, người tin bị xem như là những kẻ đồng phạm [47].

Tóm lại, qua việc tìm hiểu thái độ của Ki-tô giáo với thế giới dưới góc nhìn của Metz, chúng ta có cơ hội được hiểu rõ hơn những chuyển động trong nhận thức ở cả ba bình diện: thần học, giáo hội và chiều kích cá nhân người tín hữu. Đến đây, những câu hỏi mới được đặt ra như sau: đâu là những đóng góp từ tư tưởng của Metz cho đời sống của Giáo Hội nói chung và của người tín hữu nói riêng? Đâu là những điểm tích cực, đâu là những hạn chế? Đâu là những điểm chờ trong tư tưởng của Metz, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu ở phần cuối dưới đây.

Phê bình tư tưởng của Metz

Có lẽ khi tiếp cận tư tưởng của bất kỳ một thần học gia nào, chúng ta không thể phủ nhận những khắc khoải của người đó trong việc đi tìm chân lý. Nhưng không vì thế, chúng ta có thể ôm trọn một cách ngây thơ những tư tưởng ấy, trái lại nên đón nhận trong sự phê bình. Chính sự phê bình đưa chúng ta có khả năng xác tín, cũng như khả năng nhận ra những giới hạn nơi tư tưởng đó. Với phương pháp tiếp cận như thế, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu xem đâu là những đóng góp và đâu là những ‘điểm mờ’ và ‘điểm chờ’ trong tư tưởng của Metz.

Những đóng góp từ tư tưởng của Metz

Trước hết, tư tưởng của Metz giúp giải trừ quan niệm sai lầm về hiện thế hóa, vốn đã từng tồn tại trong Giáo Hội, đúng như Metz nói:

Suốt một thời gian dài Giáo Hội đã quan sát tiến trình này (hiện thế hóa) với một sự oán giận – ngay cả cho đến lúc gần tới Công Đồng (Vatican II) – và thường xem xét nó một cách quá độc đoán như là một thứ sa ngã, hay là việc đi sai lạc, và rất ít khi có được sự can đảm để cho thế giới trở nên hiện thế hóa…[48].

Trong suốt dòng chảy lịch sử của Giáo Hội, hiện thế hóa luôn được đồng hóa với các hành vi bác bỏ những gì là thánh thiêng. Thật vậy, một mặt Metz giúp chúng ta nhận ra rằng ý nghĩa nội hàm của từ hiện thế hóa chỉ muốn ám chỉ đến việc giải thiêng theo quan niệm thế giới quan của Hy-lạp, chứ không phải là giải thiêng theo nghĩa bác bỏ chiều kích thánh thiêng thuộc về Thiên Chúa. Mặt khác, Metz cho thấy khái niệm hiện thế hóa cũng nhằm ám chỉ đến hành động tôn trọng của Thiên Chúa với thế giới, khi Ngài để cho nó được hiện hữu như chính nó, chứ không thần thánh hóa nó đến mức đánh mất chính nó. Với góc nhìn như thế, rõ ràng, hiện thế hóa không đáng để người ta phải sợ và xa lánh, trái lại, người ta cần phải để ý nhiều hơn trong khi tương tác với thế giới.

Về điểm này xem ra tư tưởng của Metz rất gần với tư tưởng về thần học chính trị của thánh Augustino. Cụ thể, trong bối cảnh đương thời, thánh nhân cùng lúc phủ nhận hai quan điểm nổi bật về thế giới. Trường phái Khắc Kỷ (Stoicism) quan niệm thế giới thấm đẫm chiều kích thánh thiêng. Trong khi đó, trường phái Plato (Platonism) quan niệm ngược lại rằng có một tách biệt giữa Thượng Đế và thế giới: ‘giữa Thượng Đế và con người chẳng có sự kết nối nào’. Trước những quan niệm ấy, thánh Augustino phản biện rằng thế giới thực sự chỉ là thụ tạo của Thiên Chúa. Tuy nhiên, nó phân biệt mà không tách biệt hoàn toàn với Ngài, bằng chứng là Ngài đã nhập thể làm người[49].

Thứ đến, tư tưởng của Metz giúp ý thức sự cao quý của chính thế giới. Có thể nói đây là một đặc nét trong tư tưởng của Metz so với các thần học gia khác khi cùng suy tư về thế giới cũng như việc dấn thân trong thế giới. Thật vậy, có nhiều triết gia lẫn thần học gia chỉ xem thế giới như là một đối tượng (object) để nơi ấy con người thực thi theo ơn gọi của mình. Cụ thể, trong lịch sử triết học cũng như thần học, đa phần người ta chỉ bàn đến hai chủ thể là con người và Thiên Chúa. Về chủ thể con người, họ nhìn nó dưới lăng kính xã hội học, hay sinh học, để nhận ra những sứ mạng để dấn thân trong thế giới. Sự dấn thân làm việc cộng tác nơi con người là điều thiết yếu vì sự tồn vong của cá nhân cũng như của cộng đồng[50]. Về chủ thể Thiên Chúa, không chỉ các thần học gia mà cả Huấn Quyền dường như chỉ tập trung bàn về Thiên Chúa như một Đấng tốt lành tạo dựng mọi sự, và con người là hình ảnh phản chiếu của Ngài (Imago Dei). Vì thế, con người càng dấn thân trong thế giới càng thể hiện rõ hình ảnh thiện hảo ấy của Thiên Chúa, cũng như càng góp phần hoàn thiện nơi chính con người[51]. Như thế, xem ra thế giới cũng không được triết học lẫn thần học bận tâm nhiều.

Trong bối cảnh như vừa nói, Metz đã đưa ra một góc nhìn khác. Ông không dừng lại ở việc nhìn thế giới như một đối tượng, nhưng như là một chủ thể (subject). Thế giới có những định luật của riêng mà Thiên Chúa trao ban cho nó. Không những thế, nó cũng có ơn gọi riêng mà đang trong tiến trình đi đến sự kiện toàn hơn nữa. Do vậy, con người khi hành động trong nó phải tôn trọng các định luật của nó, và phải hành động để ơn gọi của nó được hoàn thiện.

Tư tưởng vừa trình bày của Metz xem ra ngày càng phù hợp với bối cảnh hiện thời. Chúng ta có thể nhận ra điều ấy trong nhận thức cũng như hành động của Giáo Hội. Thật vậy, trong những thập kỷ gần đây, kể từ thời Đức Thánh Cha Leo XIII cho đến Đức Phanxicô, Giáo Hội đã bận tâm nhiều đến các chiều kích của xã hội và thế giới: chẳng hạn như việc nhìn nhận vai trò quan trọng của Nhà Nước trong xã hội (x. PP, 25-35), vai trò của các nghiệp đoàn (x. PP, 38-44); tính chính đáng của các quyền lợi kinh tế của các thể chế và cá nhân (x. QA, 32-61); sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật (x. MM, 242-246); trật tự trong vũ trụ cũng như trong cộng đồng nhân loại (x. PT, 1-3); sự phát triển của các dân tộc, và đặc biệt là quan tâm đến sự phát triển con người toàn diện (x. PP, 6-42); vai trò quan trọng của truyền thông (x. OA, 20) cũng như các hoạt động chính trị (x. OA, 46); sự tự do của con người trước những sản phẩm do mình chế tạo (x. RH, 15-16); giá trị và vai trò đích thực của lao động cũng như lương bổng của người lao động (x. LE, 9;19); vấn đề môi sinh (x. CA, 38; Laudato Si). Đặc biệt, vào những ngày chuẩn bị kết thúc Công Đồng Vatican II, Đức Phao-lô VI còn gửi một sứ điệp tới toàn thể nhân loại. Trong đó, ngài ghi nhận những đóng góp công lao của nhiều thành phần nhân loại, bao gồm những chính trị gia, những người lao động tri thức, những văn nghệ sĩ,…Tiếp nối tinh thần thiện chí ấy, vào ngày đầu năm 2019, nhân ngày hòa bình thế giới, Đức Thánh Cha Phanxicô còn thể hiện sự quan tâm đến hoạt động của các nhà chính trị khi ngài khích lệ người ta có hoạt động chính trị tốt để phục vụ cho hòa bình[52].

Đối với các tôn giáo khác, Giáo Hội Công Giáo đã có hướng nhìn tích cực hơn:

Giáo Hội không hề phủ nhận những gì là chân thật và thánh thiện nơi các tôn giáo đó. Với lòng kính trọng chân thành, Giáo Hội xét thấy những phương thức hành động và lối sống, những huấn giới và giáo thuyết kia, tuy rằng có nhiều điểm khác nhau với chủ trương mà Giáo Hội duy trì, nhưng cũng thường đem lại tia sáng của Chân Lý, Chân Lý chiếu soi cho hết mọi người.[53].

Từ hướng nhìn này, Giáo Hội tổ chức nhiều các cuộc đối thoại liên tôn, cũng như cộng tác với các tôn giáo trong việc phục vụ con người.

Về việc dạy giáo lý, ngày nay, thay vì theo lối truyền thống chỉ bận tâm đến vấn đề dạy kiến thức giáo lý thuộc về tín lý, hay cách thức thực hành các nghi thức phụng vụ, thì ngày nay Giáo Hội đã bận tâm nhiều hơn đến việc huấn luyện lương tâm các tín hữu biết cách dấn thân vào trong các hoạt động xã hội hợp với tin thần Ki-tô giáo. Cụ thể, vào năm 2015, cuốn giáo lý Docat đã được ban hành trong toàn thể Giáo Hội để hướng dẫn cho công việc đó. Không những thế, trong tổ chức của Tòa Thánh hiện nay luôn có các hội đồng phụ trách các vấn đề thuộc xã hội (y tế, giáo dục, khoa học, công lý và hòa bình…), còn ở cấp Hội Đồng Giám Mục địa phương cũng có các ủy ban phụ trách các vấn đề ấy. Bên cạnh đó, trong Hội Thánh cũng bắt đầu đã và đang xuất hiện nhiều các các tổ chức bác ái xã hội đang hoạt động rất mạnh mẽ, nổi bật trong số đó có tổ chức Caritas.

Sau cùng, tư tưởng của Metz giúp làm chất liệu cho các cuộc đối thoại với những người theo chủ thuyết cộng sản. Vì chủ thuyết cộng sản được áp dụng ở từng quốc gia có tính đặc thù riêng, thế nên, trong bài viết này chúng ta lấy một ví dụ điển hình về quan điểm của những người theo chủ thuyết cộng sản ở Việt Nam. Thật vậy, ở Việt Nam, những người cộng sản lấy thuyết Mác-Lê làm kim chỉ nam cho đường hướng chính trị của họ. Với định hướng này, những người cộng sản Việt Nam thường nhìn tôn giáo một cách khá chủ quan: “tất cả mọi tôn giáo chẳng qua chỉ là sự phản ánh hư ảo vào trong đầu óc của con người, của những lực lượng ở bên ngoài chi phối cuộc sống hằng ngày của con người”. Vì thế, họ lập luận rằng, nếu khoa học và phương thức lao động phát triển, thì tự nhiên tôn giáo sẽ biến mất. Tuy vậy, bao lâu con người chưa đạt các điều kiện đó, thì bấy lâu tôn giáo còn tồn tại[54].

Dựa trên tư tưởng của Metz, chúng ta có thể thấy rằng, những người theo chủ thuyết cộng sản ấy đã có sự lầm lẫn trong việc đồng hóa nhận thức tôn giáo thời Hy-lạp cổ đại và Ki-tô giáo. Hai thực tại tôn giáo này rất khác nhau. Nếu như tôn giáo Hy-lạp là sự thần thánh hóa thế giới, thì Ki-tô giáo giải trừ sự đồng hóa ấy, và trả lại cho thế giới như là chính nó. Hơn nữa, Metz cũng lập luận cho thấy Thiên Chúa của Ki-tô giáo là Đấng sáng tạo con người, chứ không phải con người sáng tạo Thiên Chúa. Vậy nên, thật là sai lầm khi họ muốn loại bỏ Thiên Chúa.

Ngày nay, những người theo cộng sản ở Việt Nam có lẽ bớt đi cái nhìn cực đoan hơn. Một mặt, họ chấp nhận sự tồn tại của Ki-tô Giáo nói riêng và các tôn giáo nói chung, như là một tình trạng bất đắc dĩ phải có, vì đất nước còn đang trong thời ‘quá độ’: “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân[55], thuộc về “văn hóa tâm linh”. Mặt khác, họ cũng ghi nhận sự đóng góp của tôn giáo qua các hoạt động bác ái xã hội[56] cũng như chức năng đáp ứng nhu cầu “giãn xả tinh thần” của con người[57]. Đứng trước quan điểm như thế, Metz cho thấy rằng Ki-tô giáo không chỉ góp phần làm thăng tiến thế giới này theo dự phóng và sáng kiến của con người, nhưng Ki-tô giáo còn cho thấy tương lai của con người và thế giới được hoàn thiện nơi thánh ý của Thiên Chúa. Không những thế, Metz còn chỉ ra sự nguy hại của một thế giới chối bỏ Thiên Chúa để đoạt quyền tự quyết thế giới cho riêng con người. Làm như thế, họ sẽ đẩy thế giới xa rời việc hiện thế hóa của nó, và làm thế giới trở nên tha hóa. Như vậy, thay vì là xây dựng thế giới, con người đang phá hủy thế giới.

Những giới hạn trong tư tưởng của Metz

Phải thừa nhận, tư tưởng của Metz có nhiều đóng góp tích cực như đã trình bày ở trên, nhưng không thể phủ nhận tư tưởng này cũng cho thấy những giới hạn, cũng như những thách thức mới.

Thứ nhất, cũng giống như bao thần học chính trị khác, tư tưởng thần học của Metz cũng gặp thách đố ở chỗ khi đi vào thực hiện bằng các hành động cụ thể. Chẳng hạn, làm thế nào để xác định được là người ta hiện thế hóa thế giới hay đang nhân hóa thế giới và đang phi nhân tính hóa? Làm thế nào để phân định chính xác được là người ta đang để cho thế giới được hiện thế hóa hay thần thánh hóa? Vì thực ra, những gì chúng ta gọi là thần hóa, hay phi nhân tính hóa thế giới hôm nay là do đã có sự hiểu biết hậu nghiệm về những gì đã diễn ra. Vậy, trước khi mọi sự xảy ra liệu người ta có thể có được phán đoán tiên thiên hay không? Nếu như không xác định rõ được, vậy thì phải chăng tư tưởng của Metz chỉ dừng lại ở mức gợi nguồn cảm hứng mà không đưa ra hướng hướng dẫn cụ thể[58].

Thứ hai, khi nhấn mạnh quá nhiều đến chiều kích hành động tác tạo trong thế giới, thì phải chăng hành động cứu độ của Thiên Chúa chỉ dừng lại ở việc làm cho hoàn thiện thế giới ấy. Thiên Chúa có thực hiện thêm điều gì chăng? Bên cạnh đó, việc nhấn mạnh đến chủ thể con người có làm giảm nhẹ vai trò chủ động của Thiên Chúa trong việc tác tạo thế giới không? Ngoài ra, chiều kích phụng thờ có giá trị như thế nào đối với việc tác tạo thế giới, hay nó chỉ được xem như công cụ để con người được nhắc nhở và thêm sức mạnh hoàn thành sứ mạng tác tạo thế giới.

Thứ ba, phải chăng Metz đã giới hạn lại tương quan giữa con người và Thiên Chúa chỉ như là một tương quan chủ-tớ. Chúa có một ý định cho hiện thế hóa thế giới và con người cứ theo nó mà thực hiện. John Milbank bình luận rằng lối nhìn về một tương quan như thế xuất phát từ cuộc khủng hoảng về hữu thể học. Từ góc nhìn ấy, sẽ rất khó để có được sự giao hòa giữa thế giới thần linh và con người. Bởi vậy, Milbank đề nghị về một tương quan giữa Thiên Chúa và con người là tương quan Agape. Thế giới phải được xây dựng trên tương quan ấy[59].

Với những giới hạn và thách thức vừa nêu, xem ra tư tưởng của Metz sẽ khơi gợi cho chúng ta tiếp tục suy tư và đào sâu hơn nữa theo dòng tư tưởng của ông.

Những điểm chờ trong tư tưởng của Metz

Sau khi đã cùng nhìn nhận cách quân bình những đóng góp, cũng như những giới hạn trong tư tưởng của Metz, chúng ta có thể thử tìm hiểu ở một bình diện khác, tức là những điểm chờ trong tư tưởng của ông.

Trước tiên, chúng ta nhận thấy Metz giúp chúng ta luôn có khẳng định nền tảng rằng thế giới luôn phải được tôn trọng như nó là chính nó. Tuy vậy, chúng ta không thể quên được trong thế giới ấy vẫn cùng lúc tồn tại những gì là tích cực cũng như tiêu cực. Thế nên, thiết tưởng, chúng ta cần phải làm thêm một động tác là đi tìm, nhận định, phân tích đâu là những định luật của thế giới, đâu là những định luật vận hành tích cực của nó. Đâu là giới hạn con người được phép can thiệp và giúp cải tạo thế giới và đâu là giới hạn không được phép. Chẳng hạn, việc nghiên cứu gen người là điều đáng khen ngợi nhằm góp phần chữa bệnh cho con người, nhưng nếu việc nghiên cứu ấy nhằm can thiệp chỉnh sửa gen ngay từ phôi thai để có những con người theo ý chủ quan của nhà khoa học[60] thì lại trở thành điều đáng lên án, vì con người không còn gì là huyền nhiệm nhưng chỉ là một sản phẩm của khoa học, kỹ thuật.

Thứ đến, dường như Metz mới chỉ nhấn mạnh có tính một chiều đến khía cạnh con người xây đắp tương lai của thế giới, nhưng lại thiếu đi khía cạnh ngược lại. Tức là chính thế giới, lịch sử cũng đang tác tạo lên sự nhận thức của con người, đặc biệt là tác tạo lên sự ý thức dấn thân. Do vậy, những nỗ lực tạo tác của họ trong thế giới không chỉ là hành động được gợi hứng để ban tặng cách quảng đại cho thế giới, nhưng cũng là những hành động xuất phát từ trong nội tại của đức tin, và là trách nhiệm đương nhiên mà con người cần thiết phải có với thế giới[61].

Tiếp theo, chúng ta ghi nhận quan điểm của Metz khi cho rằng thực tại thế giới còn tiếp tục trở nên (becoming). Vậy thì, việc thế giới đang được hiện thực hóa theo lời hứa của Thiên Chúa là kết quả hành động của chính Thiên Chúa hay là hành động của con người? Nếu như nó là kết quả của hai chủ thể (Thiên Chúa và con người), thì sự liên kết ấy là như thế nào? Ai là chủ thể chính?

Thêm nữa, điểm chờ nữa nơi tư tưởng của Metz là: Ngôi vị Thiên Chúa là điểm đến của con người, hay chính thế giới trong sự vẹn toàn của nó được Chúa hứa ban là điểm đến. Nếu tương quan ngôi vị Thiên Chúa là điểm đến thì liệu có làm suy giảm đề nghị thần học của Metz khi nhấn mạnh đến chiều kích công ích. Trái lại, nếu nhấn mạnh việc kiến tạo thế giới, thì như thế xem ra tương quan cá vị chỉ là thứ yếu, hoặc chỉ là chiều kích phụ trợ.

Sau cùng, Metz cố gắng chỉ cho thấy giới hạn của thần học hiện sinh và siêu nghiệm duy chiều kích cá nhân. Bởi vậy Metz đã đề nghị một thứ thần học mới là thần học chính trị để trả lời cho khiếm khuyết của nền thần học đương thời từ đó giúp người ta ý thức hướng về chiều kích cộng đồng nhiều hơn. Nhưng liệu khi làm như thế, vị thế của chiều kích cá vị của từng người với Thiên Chúa có giá trị như thế nào?

Kết luận

Nói tóm lại, qua việc tìm hiểu cách hiểu về thế giới theo nhãn quan Ki-tô giáo, từ góc nhìn của Metz đã giúp chúng ta có cơ hội đào sâu thêm đức tin của mình. Cụ thể, chúng ta có thêm nền tảng thần học về việc dấn thân trong việc xây dựng thế giới. Như thế, tư tưởng của Metz đã góp phần tạo nên luồng gió mới cho đời sống đức tin của người tín hữu. Thay vì trước đây, người tín hữu thường e ngại các thực tại của trần thế có thể đe dọa đến đức tin của họ, thì giờ đây họ mạnh dạn bước vào trong thế giới ấy với tất cả niềm hăng say của mình. Một khi người tín hữu sống được chiều kích như thế, họ sẽ làm cho những người vô thần có thể rũ bỏ được cái nhìn ác cảm về Ki-tô giáo chỉ như là một thứ thuốc phiện. Bên cạnh đó, họ đang cho thấy Ki-tô giáo đã và đang góp phần tác tạo lên lịch sử của thế giới, một thế giới đáng sống đối với con người và là thế giới được yêu mến và chúc phúc bởi Thiên Chúa.

Danh Mục Sách Tham Khảo

  1. Benedict XVI Joseph Ratzinger. Faith and Politics. Translated by Michael J. Miller and Others, San Francisco: Ignatius Press, 2018.
  2. Bùi Quang Minh.,ed. Hợp Tuyển Thần Học, số 52, Nxb Đồng Nai.
  3. Đại Hội Đảng Cộng Sản Việt Nam, lần VI, năm 1986 trong Đỗ Quang Hưng.,ed. Bước Đầu Tìm Hiểu về Mối Quan Hệ Giữa Nhà Nước và Giáo Hội. Nxb Tôn Giáo, 2003.
  4. Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI. Đức Tin Ki-Giáo Hôm Qua và Hôm Nay. Dịch giả Hồng Lam và Quốc Lâm, Nxb Hà Nội.
  5. Đồng Giám Mục Việt Nam. Hướng Dẫn Tổng Quát Việc Dạy Giáo Lý Tại Việt Nam. 2017, số 11.
  6. Đức Lê-ô XIII – Đức Gioan Phaolô II. Các Thông Điệp Xã Hội.
  7. Đức Phanxicô. Thông Điệp Laudato Si.
  8. Mác và Ph. Ăngghen. Toàn tập. Hà Nội:Nxb Chính Trị Quốc Gia, 1994.
  9. Nghị Quyết Đại Hội lần thứ IX của Đảng Cộng Sản Việt Nam, trong Bộ Giáo Dục và Đào Tạo. Giáo Trình Triết Học Mác-Lênin. Nxb Chính Trị Quốc Gia, 2003.
  10. Johann Baptist Metz. Theology of the World. Translated W. Glen-Doepel, New York: Herder, 1971.
  11. Henri-Jérôme Gagey. Nhân Học Ki-tô Giáo. Bản dịch Việt ngữ của Lm Fx. Nguyễn Tiến Dưng.
  12. Johann Baptist Metz. Faith in History and Society: Toward a Practical Fundamental Theology. Translated by David Smith, London: Burns and Oates, 1980.
  13. Johann Baptist Metz. Followers of Christ: the Religious Life and the Church. Translated by Thomas Linton, Burns and Oates: Paulis Press, 1978
  14. Johann Baptist Metz. The Emergent Church : The Future of Christianity in a Postbourgeois World. translated by Peter Mann, London: SCM, 1981
  15. Johann Baptist Metz. A Passion for God the Mystical – Political Dimension of Christianity. Translated J. L. Ashley, New Jersey: Paulist Press, 1997.
  16. Samuel Enoch Stumpf. Philosophy – History and Problem. Bản dịch Việt Ngữ của Đỗ Văn Thuấn, Lưu Văn Hy, Nxb Lao Động, 2004.

Danh Mục Các Trang Web Tham Khảo

  1. https://baomoi.com
  2. https://academic.oup.com

 


[1] Nguyên bản gốc theo tiếng Đức là “Zur Theologie der Welt” (Mainz: Matthias-Gru¨ newald Verlag, 1968).

[2]Secularity” tạm thời được dịch trong tiếng Việt là “hiện thế hóa”. Tức là việc chú ý đến giá trị nội tại của sự vật, và tác dụng của nó trong thế giới tự nhiên. [Cách dịch này được người viết dựa theo  Rev. Peter M.J. Stravinskas, Ph.D.,S.T.L.,Catholic Encyclopedia, (Indiana: Hungtington), tr 875]

[3] Xem Johann Baptist Metz, Theology of the World, translated by William Glen – Doepel (New York: Herder and Herder, 1971), tr 14-15.

[4] Xem Johann Baptist Metz, Theology of the World, translated by William Glen – Doepel (New York: Herder and Herder, 1971), 34 và 58-59.

[5] Xem Sđd., tr 59-60.

[6] Xem Sđd., tr 61.

[7] Xem Johann Baptist Metz, Theology of the World, translated by William Glen – Doepel (New York: Herder and Herder, 1971), tr 62.

[8]Xem Sđd., tr 47.

[9] Điển hình nhất trong kinh nghiệm này đó là tội ác diệt chủng xảy ra ở trại tập trung Auschwitz. Metz cho rằng biến cố đó được xem như cuộc khủng hoảng của thời hiện đại. Vì thế Metz cho rằng việc bàn luận về Thiên Chúa ngày hôm nay phải như là tiếng khóc than vì ơn cứu độ cho những người khác nữa, những người đang là những nạn nhân của sự bất công trong lịch sử, thay vì chỉ là những mệnh đề…. Tương tự như vậy, nếu người ta lắng nghe sứ điệp Phục Sinh mà không nghe được tiếng khóc của đấng đã chịu đóng đinh thì thực sự người ta đang nghe một câu chuyện hoang đường… [Xem Johann Baptist Metz, A Passion for God: The Mystical – Political Dimension of Christianity, translated J. L. Ashley (New Jersey: Paulist Press, 1997), tr 39-56].

[10] Xem Johann Baptist Metz, Theology of the World, translated by William Glen – Doepel (New York: Herder and Herder, 1971), tr 71-74.

[11] Xem Johann Baptist Metz, The Emergent Church : The Future of Christianity in a Postbourgeois World, translated by Peter Mann (London: SCM, 1981), tr 82-94.

Để có thể hiểu hơn về vấn đề này thiết tưởng chúng ta nên đọc bài phân tích xã hội của tác giả Benito Arrunada với tiêu đề “Protestants and Catholics: Similar Work Ethic, Different Social Ethic”. Trong bài viết này, tác giả đã chỉ ra cho thấy rằng Ki-tô giáo đã có tác động rất lớn đối với xã hội, chẳng hạn như việc làm thăng tiến các hoạt động sản xuất kinh doanh. Điều này xảy ra cách đặc nơi người Tin Lành, bởi vì họ quan niệm: ‘việc làm tốt tự thân không đảm bảo cho ơn cứu độ, nhưng chỉ là dấu chỉ tích cực trong đời sống đức tin của tín hữu. Vì thế, các tín hữu Tin Lành phải tự đánh giá chính mình với nhận thức không ngừng về luân lý. Việc đánh giá như vậy có thể dựa vào sự thành công được xem như là một dấu chỉ tích cực

Cf. Benito Arrunada, Protestants and Catholics: Similar Work Ethic, Different Social Ethic, The Economic Journal 2010.

Được đăng trên trang Web:  https://academic.oup.com/ej/article/120/547/890/5089702, truy cập ngày 27 tháng 02 năm 2019.

[12] Xem Johann Baptist Metz, Theology of the World, translated by William Glen – Doepel (New York: Herder and Herder, 1971), tr 16.

[13] Xem Sđd., tr 18-21.

[14] Đây là tên của một vị thần của dân Am-mon được nói tới trong các sách Cựu Ước, đặc biệt là sách các Vua, quyển thứ nhất, chương 11. Vị thần này thường được dâng kính bằng việc sát tế chính con người.

[15] Johann Baptist Metz, Theology of the World, translated by William Glen – Doepel (New York: Herder and Herder, 1971), tr 26-27.

[16] Xem Sđd., 30-32.

[17] Xem Johann Baptist Metz, Theology of the World, translated by William Glen – Doepel (New York: Herder and Herder, 1971), tr 149-154.

[18] Xem Sđd., tr 64-65.

[19] Xem Johann Baptist Metz, Theology of the World, translated by William Glen – Doepel (New York: Herder and Herder, 1971), tr 35-37.

[20] Xem Johann Baptist Metz, Theology of the World, translated by William Glen – Doepel (New York: Herder and Herder, 1971), tr 52-55.

[21] Xem Sđd., tr 76.

[22] Xem Johann Baptist Metz, Theology of the World, translated by William Glen – Doepel (New York: Herder and Herder, 1971), tr 41.

[23] Về điểm này, Metz cũng phê bình thêm rằng, vào thời Khai Sáng, sự đan kết giữa chiều kích tôn giáo và xã hội bị phá vỡ. Dẫn chứng rõ ràng là tôn giáo bị ý thức hệ vô thần lên án gay gắt. Trong bối cảnh ấy, lẽ ra thần học có thể đứng ra ‘giải gỡ’ cuộc mâu thuẫn. Nhưng vì thần học Kinh Viện lại mang tính siêu hình, tức là nền thần học với nhiều ý niệm và phạm trù xuất phát từ bối cảnh lịch sử không có sự mâu thuẫn giữa tôn giáo và xã hội. Sự giới hạn này của thần học Kinh Viện là nguyên do khai sinh ra nền thần học hiện sinh. Nền thần học mới này sử dụng nhiều các phạm trù mang tính thân mật, riêng tư, phi chính trị. Thực sự thì, nền thần học này cũng nhấn mạnh nhiều đếu đức ái, nhưng chỉ là đức ái dành cho người lân cận (neighbourhood). Tóm lại, nền thần học mới mang tính cá nhân và không quan tâm nhiều đến chiều kích xã hội của Ki-tô giáo [Xem Johann Baptist Metz, Theology of the World, translated by William Glen – Doepel (New York: Herder and Herder, 1971), tr 107-108.].

[24] Xem Johann Baptist Metz, Theology of the World, translated by William Glen – Doepel (New York: Herder and Herder, 1971), tr 81-82.

[25] Metz đề nghị dịch câu Xh 3, 14 là “Ta sẽ là Đấng sẽ là” (I will be who I will be) thay vì dịch là “Ta là Đấng ta là” (I am who I am).

[26] Xem Sđd., 88-89.

[27] Johann Baptist Metz, Theology of the World, translated by William Glen – Doepel (New York: Herder and Herder, 1971), tr 89-90.

[28] Xem tư tưởng của  Moltmann từ Jurgen Moltmann, Theologie der Hoffnung, Munich, 1964, tr 303.

[29] Xem Johann Baptist Metz, Theology of the World, translated by William Glen – Doepel (New York: Herder and Herder, 1971), tr 109-111.

Trong một tác phẩm khác “Faith in History and Society”, dường như Metz cũng có ý phê bình thẳng thắng trường phái thần học của thầy mình là Karl Rhner, bằng việc gọi tên thần học đó là ‘thần học quý phái’. Một nền thần học chỉ giới hạn việc tiếp cận thiêng liêng với Thiên Chúa, vì thế người ta có thể biến Thiên Chúa trở nên bất động và như một chức năng trang trí [Cf. Johann Baptist Metz, Faith in History and Society: Toward a Practical Fundamental Theology, translated by David Smith (London: Burns and Oates, 1980), tr 157-161].

[30] Xem Johann Baptist Metz, Theology of the World, translated by William Glen – Doepel (New York: Herder and Herder, 1971), tr 96.

[31] Xem Johannes Metz, Faith in History and Society: Towards a Practical Fundamental Theology, translated by David Smith (London: Burns and Oates, 1980), tr 90-112.

[32] Xem Johann Baptist Metz, Theology of the World, translated by William Glen – Doepel (New York: Herder and Herder, 1971), tr 41.

[33] Xem Sđd., tr 49-50.

[34] Xem Johann Baptist Metz, Theology of the World, translated by William Glen – Doepel (New York: Herder and Herder, 1971), tr 93-94.

[35] Xem Sđd., tr 97.

[36] Xem Sđd., tr 96.

[37] Xem Sđd., tr 116.

[38] Xem Johann Baptist Metz, Theology of the World, translated by William Glen – Doepel (New York: Herder and Herder, 1971), tr 118.

[39] Xem Sđd., tr 139-140.

[40] Xem Sđd., tr 119-124.

[41] Metz giải thích thêm rằng, trong lịch sử người ta có khuynh hướng phản kháng lại thể chế, vì các thể chế này thực chất chỉ là việc công thức hóa các lập trường cá nhân. Bởi thế, các thể chế này không thể dẫn người ta đạt đến mục đích nào là đáng “ưu tiên hơn” (preference). Như vậy, thể chế ấy chỉ là con đẻ của ý thức hệ. Triết học về sau cũng đã ý thức được điều này, và người ta đề nghị giải trừ quan điểm “chủ thể tính mang tính phê bình – critical subjectivity” [Xem Johann Baptist Metz, Theology of the World, translated by William Glen – Doepel (New York: Herder and Herder, 1971), tr 131-135]

[42] Xem Johann Baptist Metz, Theology of the World, translated by William Glen – Doepel (New York: Herder and Herder, 1971), tr 92-93.

Về điểm này, trong tác phẩm “A passion for God”, Metz lấy dẫn chứng từ mối phúc của Tin Mừng (cho kẻ nghèo, kẻ khóc than, kẻ đói khát sự công chính) để diễn giải rằng những người sống trong tình cảnh đó đúng là họ cũng đang phải chịu đau khổ huyền nhiệm (Mystical) nhưng cũng từ bối cảnh ấy cho thấy họ không còn cậy dựa vào bất cứ điều gì khác ngoại trừ một mình Thiên Chúa, và họ cũng không mong đợi gì khác hơn là chính Ngài và sự công bình phổ quát cho tất cả mọi người (Political). [Xem Johann Baptist Metz, A Passion for God: The Mystical- Political Dimension of Christianity, translated J. L. Ashley (New Jersey: Paulist Press, 1997), tr 157-163 ].

[43]Johann Baptist Metz, Theology of the World, translated by William Glen – Doepel (New York: Herder and Herder, 1971), tr 94-95.

[44] Xem Johann Baptist Metz, Theology of the World, translated by William Glen – Doepel (New York: Herder and Herder, 1971), tr 103-104.

[45] Xem Johann Baptist Metz, Followers of Christ: the Religious Life and the Church, translated by Thomas Linton (Burns and Oates:Paulis Press, 1978), tr 29-44.

[46] Xem Johann Baptist Metz, Theology of the World, translated by William Glen – Doepel (New York: Herder and Herder, 1971), tr 154-155.

[47] Xem Sđd., tr 139-140.

[48] Xem Johann Baptist Metz, Theology of the World, translated by William Glen – Doepel (New York: Herder and Herder, 1971), tr 142-143.

[49] Xem diễn trình tư tưởng thần học chính trị của thánh Augustino trong Benedict XVI Joseph Ratzinger, Faith and Politics, translated by Michael J. Miller and Others, (San Francisco: Ignatius Press, 2018), tr 46-47.

[50] Tư tưởng của Plato và Aristotle được trích trong Samuel Enoch Stumpf, Philosophy – History and Problem, (bản dịch Việt Ngữ của Đỗ Văn Thuấn, Lưu Văn Hy, Nxb Lao Động, 2004), tr 62-82.

[51] Xem Trần Khắc Bá, Nhìn lại quan điểm của Giáo Hội về Bản Chất con người trong yếu lược giáo huấn của Giáo Hội về xã hội, được trích trong Hợp Tuyển Thần Học, số 52, tr 13-29.

[52] Xem Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Sứ điệp nhân Ngày Hòa bình Thế giới, ngày 01 tháng 01 năm 2019.

[53] Công Đồng Vatican II, Tuyên Ngôn Nostra Aetate, 2.

[54] Xem C. Mác và Ph. Ăngghen, Toàn tập, (Hà Nội: Nxb chính trị quốc gia, 1994),  20.

[55] Xem Nghị Quyết Đại Hội lần thứ IX của Đảng Cộng Sản Việt Nam trong Bộ Giáo Dục và Đào Tạo, Giáo Trình Triết Học Mác-Lênin, (Hà Nội: Nxb Chính Trị Quốc Gia, 2003), 460.

[56] Quan điểm của Đại Hội Đảng Cộng Sản Việt Nam, lần VI, năm 1986 trong Đỗ Quang Hưng (chủ biên), Bước Đầu Tìm Hiểu về Mối Quan Hệ Giữa Nhà Nước và Giáo Hội, (Nxb Tôn Giáo, 2003), tr 107.

[57] Xem Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Hướng Dẫn Tổng Quát Việc Dạy Giáo Lý Tại Việt Nam, 2017, số 11.

[58] Xem tư tưởng của Jacques Maritain trong Henri-Jérôme Gagey, Nhân Học Ki-tô Giáo, bản dịch Việt ngữ của Lm Fx. Nguyễn Tiến Dưng,  tr 228-231.

[59] Xem tư tưởng của John Milbank, trong Henri-Jérôme Gagey, Nhân Học Ki-tô Giáo, Bản dịch Việt ngữ của Lm Fx. Nguyễn Tiến Dưng, tr  32-34.

[60] Gần đây một bác sĩ Hạ Kiến Khuê, người Trung Quốc đã thực hiện việc chỉnh sửa gen của một bé gái và đã bị cộng đồng thế giới lên án gay gắt. (Xem trang Web https://baomoi.com/nghien-cuu-tao-be-gai-trung-quoc-chinh-sua-gen-bi-phan-doi-quyet-liet/c/28999066.epi), truy cập ngày 28 tháng 02 năm 2019.

[61] Xem Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI, Đức Tin Kitô-Giáo Hôm Qua Và Hôm Nay, (bản dịch Việt ngữ của Hồng Lam và Quốc Lâm, Nxb Hà Nội), tr 90-96.