- Lời Chúa
1 Nếu quả thật sự liên kết với Đức Ki-tô đem lại cho chúng ta một niềm an ủi, nếu tình bác ái khích lệ chúng ta, nếu chúng ta được hiệp thông trong Thần Khí, nếu chúng ta sống thân tình và biết cảm thương nhau,2 thì xin anh em hãy làm cho niềm vui của tôi được trọn vẹn, là hãy có cùng một cảm nghĩ, cùng một lòng mến, cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng như nhau.3 Đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình.4 Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác.5 Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Ki-tô Giê-su.
6 Đức Giê-su Ki-tô
vốn dĩ là Thiên Chúa
mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì
địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,
7 nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang
mặc lấy thân nô lệ,
trở nên giống phàm nhân
sống như người trần thế.
8 Người lại còn hạ mình,
vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết,
chết trên cây thập tự.
9 Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người
và tặng ban danh hiệu
trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu.
10 Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giê-su,
cả trên trời dưới đất
và trong nơi âm phủ,
muôn vật phải bái quỳ;
11 và để tôn vinh Thiên Chúa Cha,
mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng:
“Đức Giê-su Ki-tô là Chúa”. (Pl 2,1-11)
- Tìm hiểu Pl 2:1-11
Đây là phần quan trọng nhất trong thư gửi tín hữu Phi-líp-phê. Cũng được công bố vào Chúa Nhật Lễ Lá, đoạn văn đóng vai trò trung tâm trong những bàn luận về sự tiền hiện hữu của Đức Ki-tô. Tuy nhiên, vì ngầm giả định rằng cộng đoàn của mình đã quen thuộc với thần học sâu xa của bài ca trong đoạn văn, thánh Phao-lô đã sử dụng bản văn ấy như lời mời gọi sống luân lý. Những nhà giảng thuyết hiện đại cũng noi gương ngài.
Đoạn văn này là một phần của toàn bộ lời kêu gọi sống luân lý được trình bày ở Pl 1:27-2:18 trong đó thánh Phao-lô kêu gọi cộng đoàn sống hiệp nhất. Tuy nhiên, nếu trước đó thánh Phao-lô trình bày chính mình như mẫu gương để bước chước (1:12-26), thì giờ đây ngài lại cho thấy Đức Ki-tô mới là gương mẫu thực sự cần phải noi theo.
Đoạn văn được chia làm hai phần. Phần thứ nhất (2:6-8) bắt đầu với sự nâng cao và tự hạ của Con Thiên Chúa, Đấng dù hiện hữu từ đời đời nhưng vẫn sẵn sàng từ bỏ địa vị ngang hàng với Thiên Chúa để mặc lấy xác phàm nhân và chịu hạ mình đến mức chịu chết như những nô lệ trên thập giá. Vì thế, mặc dù là Con Thiên Chúa, Đức Ki-tô vẫn chấp nhận sự nhục nhã đến mức tồi tệ nhất được biết đến trong thế giới Rô-ma thời bấy giờ.
Trong phần thứ hai của đoạn văn (2:9-11), thánh Phao-lô chuyển từ sự tự hạ đến việc được vinh danh. Bởi vì Người Con vốn hiện hữu từ đời đời đã hạ mình đến mức như thế, cho nên Thiên Chúa đã vinh danh người bằng cách ban cho Đức Giê-su danh thánh: “Thiên Chúa”. Đây là lý do toàn vũ trụ phải tuyên xưng Đức Ki-tô Giê-su là Chúa.
Cách thức của sự tự hạ và vinh danh mà thánh Phao-lô thiết lập trong đoạn văn này thì giống với giáo huấn của Đức Giê-su trong Tin Mừng: Người đứng đầu sẽ thành kẻ rốt hết, và người rốt hết sẽ lên hàng đầu, người cao trọng nhất là đầy tớ của mọi người. Đây là học thuyết nền tảng của Ki-tô hữu nhưng lại là điều khó học nhất. Nếu noi theo khuôn mẫu này để sống, tín hữu Phi-líp-phê sẽ làm cho niềm vui của thánh Phao-lô được nên trọn vẹn và họ sẽ sống như một cộng đoàn hiệp nhất.
Bè phái và chia rẽ đã và sẽ luôn là một phần trong đời sống của Giáo Hội. Tuy nhiên, Tin Mừng kêu gọi tín hữu mặc lấy tấm gương tự hủy của Đức Ki-tô. Những ai bắt chước người sẽ không còn tham vọng cá nhân, và cũng sẽ không còn xem chính mình hơn kẻ khác. Những người như thế sẽ được Thiên Chúa vinh danh và sống an bình trong cộng đoàn.
Nguồn: Frank J. Matera, Strategies for Preaching Paul, (Nguyễn Hữu Phong SJ chuyển ngữ) (Minnesota: The Liturgical Press, 2001), 50-51.