1. Bài đọc (Đnl 6,2-6)

6

2Như vậy anh (em) cũng như con cháu anh (em) sẽ kính sợ ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), mọi ngày trong suốt cuộc đời, tuân giữ tất cả những chỉ thị và mệnh lệnh của Người mà tôi truyền cho anh (em), và anh (em) sẽ được sống lâu. 3Hỡi Ít-ra-en, hãy nghe và lo đem những điều ấy ra thực hành; như vậy anh (em) sẽ được hạnh phúc và trở nên thật đông đảo, trong miền đất tuôn chảy sữa và mật, như ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của cha ông anh (em), đã phán với anh (em).

4Nghe đây, hỡi Ít-ra-en! ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa chúng ta, là ĐỨC CHÚA duy nhất. 5Hãy yêu mến ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), hết lòng hết dạ, hết sức anh (em). 6Những lời này tôi truyền cho anh (em) hôm nay, anh (em) phải ghi tạc vào lòng.

2. Tìm hiểu bản văn

Đoạn Kinh Thánh (Đnl 6,2-6) có vị trí hết sức đặc biệt trong đời sống của người Do Thái vì nó cho thấy việc dân Ít-ra-en cần phải giữ trong tương quan với Thiên Chúa. Trước sách Đệ Nhị Luật, yêu cầu được đưa ra cho dân Ít-ra-en thực hành chỉ dừng lại ở việc kính sợ Thiên Chúa. Tuy nhiên, ở đây còn đòi hỏi hơn việc kính sợ; phải là yêu mến. Động từ yêu mến cho thấy một tương quan thân thiết, gẫn gũi giữa Thiên Chúa và dân của Người. Như thế, Thiên Chúa mời gọi dân đi vào tương quan mật thiết với Người. Đó cũng chính là điều răn được coi là quan trọng nhất, chi phối mọi mặt đời sống của dân Ít-ra-en.

Hai câu 2 và 3 gợi lại cho chúng ta hình ảnh Thiên Chúa chúc lành cho con người trong vườn Địa Đàng. Khi ấy, Thiên Chúa đã phán cho con người “sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất” (St 1,28). Bên cạnh đó, sách Giô-suê cũng đã tả lại cho chúng ta việc dân Chúa tuân giữ luật và được chúc lành, hạnh phúc trong vùng đất tràn trề sữa, mật mà Thiên Chúa đã hứa ban.

Câu 4 và 5 là lời kinh Sơ-mà trong truyền thống người Do Thái. “Sợ-mà” là “hãy nghe đây!”, những chữ đầu tiên của đoạn luật thánh quan trọng nhất. Luật đó chính là hãy yêu mến Thiên Chúa duy nhất bằng cả lòng dạ và sức lực mỗi người. Vì yêu mến Thiên Chúa, mỗi người sẽ tuân giữ luật trong tương quan với Thiên Chúa, với các thụ tạo khác. Nếu để ý nguyên ngữ, chúng ta thấy câu này không có động từ. Thiên Chúa – một. Từ “một” ở đây nhấn mạnh tính tự thân, nội tại. Điều này đối ngược với quan niệm đa thần. Thiên Chúa là duy nhất. Bản thể của Người bất khả phân biệt, không phân chia, không đa diện. Tiếp theo, câu 5 lại cho chúng ta thấy rằng việc yêu mến Thiên Chúa phải được diễn tả trọn vẹn bằng cả mạng sống mình: hết lòng, hết dạ, hết sức lực. Có thể thấy, mẫu gương tuyệt vời nhất cho chúng ta về điều này chính là Đức Giê-su (Ga 10,18; 15,13; Rm 5,6-8; Lc 9,24-25; 21,1-4; 1 Cr 13,3; …).

Không những cho chúng ta một mẫu gương sống động về việc yêu mến và tuân hành thánh ý Thiên Chúa Cha, Đức Giê-su còn kiện toàn cho chúng ta điều luật quan trọng nhất này trong Tin Mừng hôm nay (Mc 12, 28b-34). Trong đó, Đức Giê-su vừa khẳng định điều luật tối quan trọng là yếu mến Thiên Chúa, như lời kinh Sơ-ma đã dạy; vừa cho chúng ta khoản luật bổ túc là “yêu người thân cận như chính mình”. Như thế, “mến Chúa-yêu người” là những điều luôn đi song hành cùng nhau và trở nên điều luật quan trọng nhất của người Ki-tô hữu.

Giuse Tuân. Vũ Chí Thành Sj

THAM KHẢO

John Barton and John Muddiman, The Oxford Bible Commentary, Oxford University Press, 2001, tr.141-142.

CGKPV, Kinh Thánh – ấn bản 2011, Nxb. Tôn Giáo, 2011, tr.327-328.

John H. Sailhamer, The Pentateuch as Narrative: A Biblical Theological Commentary, Zondervan, 1992, tr.438-440.