1. Bài đọc I (Đn 7,13-14)

13Trong những thị kiến ban đêm,

tôi mải nhìn thì kìa:

có ai như một Con Người 

đang ngự giá mây trời mà đến.

Người tiến lại gần

bên Đấng Lão Thành

và được dẫn đưa tới trình diện.

14Đấng Lão Thành trao cho Người

quyền thống trị,

vinh quang và vương vị;

muôn người thuộc mọi dân tộc,

quốc gia và ngôn ngữ

đều phải phụng sự Người.

Quyền thống trị của Người

là quyền vĩnh cửu,

không bao giờ mai một;

vương quốc của Người

sẽ chẳng hề suy vong.

2. Tìm Hiểu Bản Văn

Sách Đa-ni-en có phần mở đầu diễn tả bối cảnh lưu đày ở Babylon (587-538 TCN) nhưng thực tế là được soạn thảo vào thời gian mãi về sau này, tức là vào thời vua Hy-lạp, An-ti-ô-khô IV bách hại. Vua này đã làm ô uế nơi cực thánh trong đền thờ Giê-ru-sa-lem khi đặt các tượng thần Hy-lạp trong đó. Vua còn bắt dân Do-thái phải bỏ tập tục cha ông cũng như không được tôn thờ Gia-vê Thiên Chúa. Trong bối cảnh như vậy, Đa-ni-en đã có những thị kiến dưới hình thức khải huyền.

Trong câu 13, hạn từ Con Người có gốc là bar trong tiếng A-ram, hay Bën trong tiếng Híp-ri. Nếu chúng ta dựa vào đoạn (Đn 7,18.22.25.27) thì có thể hiểu hạn từ này ám chỉ đến một tập thể dân Ít-ra-en, dân thánh của Thiên Chúa được giải thoát khỏi sự áp bức của các con thú, tức là các đế quốc. Cũng vậy, bốn con thú được đề cập ở (Đn 7,3-7) tượng trưng cho 4 đế quốc đã bách hại dân Ít-ra-en. Hơn nữa, bốn con thú đó cũng có thể ám chỉ 4 vị vua của những đế quốc ấy (Đn 7,17). Suy thêm ra, một sừng nhỏ của con thú thứ tư có những con mắt như mắt người và một cái mồm nói những điều quái gở (Đn 7,8) là chính vua An-ti-ô-khô IV, là Ê-pi-pha-nê, tức là một cá nhân. Suy như thế là để chúng ta cũng có thể nhận thấy rằng đối thủ của cái sừng nhỏ ấy cũng phải là 1 cá nhân. Đó là Con Người được đề cập như một thủ lãnh, đại diện cho Đấng Thánh của Thiên Chúa.

Trong thị kiến, Đa-ni-en thấy “có ai như một Con Người”. Con Người ấy thuộc thế giới này đến để nhận quyền thống trị, vinh quang và vương vị từ Đấng Lão Thành (câu 14). Tuy nhiên, Con Người ấy cũng ngự mây trời mà đến, tức là đến từ nơi Thiên Chúa.

Thị kiến này của Đa-ni-en vừa củng cố niềm tin, hy vọng của con cái Ít-ra-en vào nơi Thiên Chúa. Họ tin rằng đây là lời tiên báo Thiên Chúa sẽ sớm giải thoát dân Người khỏi tay những đế quốc đang bách hại họ. Vì thế, dân Ít-ra-en hằng trông mong đấng Mê-si-a đến để giải thoát và dẫn họ tới một vương triều mạnh mẽ và vĩnh cửu của Thiên Chúa. Với ánh sáng Tin Mừng, chúng ta cũng nhận thấy đây là lời tiên báo Nước Thiên Chúa ngự trị vinh hiển và Đức Giê-su Ki-tô chính là Con Người, Đấng ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến (Mc 14,62). Nước ấy không bị giới hạn nhưng tồn tại trong vĩnh cửu. Đó là lý do trong bài Tin Mừng hôm nay, ông Phi-la-tô không thể hiểu được điều mà Đức Giê-su nói: “Nước tôi không thuộc về chốn này!” (Ga 18,33-37).

Giuse Tuân. Vũ Chí Thành, Sj

Tham khảo

CGKPV, Kinh Thánh – ấn bản 2011, Nxb. Tôn Giáo, 2011, tr.1919-1920.

John Barton and John Muddiman, The Oxford Bible Commentary, Oxford University Press, 2001, tr.567.