1. Bài đọc 

(Is 53, 10-11)

10 ĐỨC CHÚA đã muốn người phải bị nghiền nát vì đau khổ.

Nếu người hiến thân làm lễ vật đền tội,

người sẽ được thấy kẻ nối dõi, sẽ được trường tồn,

và nhờ người, ý muốn của ĐỨC CHÚA sẽ thành tựu.

11 Nhờ nỗi thống khổ của mình,

người sẽ nhìn thấy ánh sáng và được mãn nguyện.

Vì đã nếm mùi đau khổ, người công chính, tôi trung của Ta,

sẽ làm cho muôn người nên công chính

và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ.

2. Tìm hiểu bản văn

Đoạn Kinh Thánh này được coi là thuộc về đoạn cuối trong bài ca thứ 4 của người tôi trung đau khổ trong sách ngôn sứ Isaia (trong số 4 bài ca: Is 42,1-4; 49,1-6; 50,4-11; 52,13—53,12).

Đây là đoạn văn duy nhất trong toàn bộ sách Cựu ước nói đến việc hiến tế con người. Như được thấy trong các mạch văn của Kinh Thánh Cựu ước, người ta chỉ sát tế các con vật cho các thần linh. Điều đó chứng tỏ Thiên Chúa không đồng tình với truyền thống sát tế con người của dân ngoại. Tuy nhiên, việc người tôi trung của Thiên Chúa bị sát tế ở đây cho thấy tầm mức quan trọng của hành vi này.

Thiên Chúa không hề vui vẻ gì khi người tôi trung của mình phải chịu sát tế; nhưng Ngài hài lòng vì người tôi trung ấy đã trung thành với Ngài. Chính người tôi trung ấy vô tội sẽ gánh lấy tội lỗi nhân loại để nhân loại được tha thứ. Điều này được thấy tương tự trong một số đoạn Thánh vịnh và trong hình ảnh con chiên vô tội được sát tế ở sách Lê-vi (Tv 1,21,34; Lv 7).

Nếu như ở các bài ca trước của người tôi trung đau khổ nói đến ác tâm của những người xung quanh thì ở bài ca này, người tôi trung ấy đã hứng chịu mọi kết quả gây ra từ sự ác tâm ấy. Thế nhưng người tôi trung của Thiên Chúa, dù vô tội, đã chấp nhận hiến tế như một con chiên gánh thay tội nhân loại để cho muôn người được cứu. Cũng qua đó, ý muốn cứu độ nhân loại của Thiên Chúa được thực hiện.

Dĩ nhiên, Thiên Chúa chẳng nỡ để người tôi trung của mình phải chết mà không có ích lợi gì. Qua việc hiến tế của người tôi tớ đau khổ, Thiên Chúa đã cho người tôi tớ ấy vinh quang muôn đời và cho nhờ nơi người ấy, những con người công chính được cứu độ xuất hiện. Đó cũng chính là điều cho thấy Thiên Chúa là Đấng Công bình.

Truyền thống Ki-tô giáo coi hình ảnh người tôi trung của Thiên Chúa trong đoạn này được hiểu là sự tiên trưng cho Đức Giê-su Ki-tô, Đấng vô tội đã chịu hiến tế, gánh tội con người để thực hiện ơn cứu độ của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Việc Đức Ki-tô tự mình chịu lấy những đau khổ vì phần rỗi muôn người đã cho chúng ta thấy con đường để nên thánh. Đó là con đường yêu thương, phục vụ và tự hiến chính mình, như được mô tả trong bài Tin Mừng hôm nay (Mc 10,35-45).

Giuse Tuân. Vũ Chí Thành Sj

THAM KHẢO

John Barton and John Muddiman, The Oxford Bible Commentary, Oxford University Press, 2001, tr.477-478.

Thomas, Notes on Isaia, Sonic Light, 2012, tr.250-252.

CGKPV, Kinh Thánh – ấn bản 2011, Nxb. Tôn Giáo, 2011, tr.1639.