Với đoạn văn này, chúng ta đi vào tuyên bố minh bạch nhất của thánh Phao-lô về sự công chính nhờ đức tin. Nếu các nhà giảng thuyết định nói bất cứ thứ gì về thư Ga-lát, họ phải tập trung vào bản văn này.

Sau khi thuật lại một cách chi tiết cách thức ngài đã lãnh nhận tin mừng khi Thiên Chúa mặc khải Người Con cho ngài (1:13-24), thánh Phao-lô còn kể thêm hai chi tiết ngài đã trải qua để thuyết phục các tín hữu Ga-lát về chân lý của tin mừng mà ngài đã loan báo cho họ. Bởi vì các chi tiết ấy không được sử dụng trong các bài đọc, cho nên các nhà giảng thuyết cần ý thức về tầm quan trọng của chúng.

Chi tiết thứ nhất là cuộc viếng thăm Giê-ru-sa-lem lần thứ hai của thánh Phao-lô (2:1-10), xảy ra sau 14 năm kể từ cuộc gặp của ngài với thánh Phê-rô. Trong suốt cuộc thăm viếng này thánh Phao-lô đã giải thích với giáo hội ở Giê-ru-sa-lem về tin mừng phi-cắt-bì mà ngài đã rao giảng giữa các Dân Ngoại, và ngài đã bảo vệ “chân lý của tin mừng” (2:5) trước “những anh em giả danh giả nghĩa” (2:4), những người đã hối thúc các tân tòng Dân Ngoài của ngài chịu cắt bì. Sau chuyến viếng thăm này, chi tiết thứ hai đã diễn ra ở An-ti-o-khi-a (2:11-15) nơi các tín hữu Do Thái và Dân Ngoại đang chia sẻ bữa ăn huynh đệ, dù cho Luật Do Thái cấm người Do Thái ăn cùng Dân Ngoại, vì họ không chịu tuân theo luật ăn chay của Lề Luật. Khi một vài tín hữu Do Thái, vốn được thánh Gia-cô-bê sai đi, đến An-ti-ô-khi-a, dĩ nhiên họ đã buộc thánh Phê-rô, Bar-na-ba, và các tín hữu Do Thái khác rời khỏi bữa ăn huynh đệ ấy. Chính ở điểm này mà thánh Phao-lô đã khiển trách thánh Phê-rô vì đã không bước theo “chân lý của tin mừng” (2:14).

Chân lý của tin mừng khẳng định rằng một người được nên công chính không nhờ vào việc thực hiện những điều Lề Luật dạy như việc ăn chay nhưng nhờ vào điều Thiên Chúa đã thực hiện trong Đức Ki-tô. Đây là lý do tại sao mà cả các tín hữu Dân Ngoại lẫn Do Thái cần đặt lòng tin vào Đức Ki-tô hơn là dựa vào những điều Luật dạy.

Những điều Lề Luật dạy bao gồm tất cả mọi chỉ định của Luật Mô-sê, về nghi lễ lẫn luân lý. Nhưng theo bối cảnh của thư Ga-lát cho thấy, thánh Phao-lô đặc biệt quan tâm đến những chỉ định liên quan đến dấu chỉ bên ngoài vốn phân biệt người Do Thái với các Dân Ngoại, ví dụ như những chỉ định ăn chay của Lề Luật. Tư tưởng của ngài có thể được diễn giải theo cách thức sau:

Thiên Chúa không giải thoát hoặc làm chúng ta nên công chính nhờ việc tuân thủ hợp pháp các luật liên quan đến dấu chỉ bên ngoài vốn chỉ để phân biệt người Do Thái với các Dân Ngoại: cắt bì, ăn chay, giữ ngày Sa-bát. Nếu sự công chính chỉ có nhờ việc tuân thủ Lề Luật, vậy thì Thiên Chúa không cần phải gửi Người Con đến để công chính hóa chúng ta. Việc Thiên Chúa gửi Người Con cho thấy mục đích của Lề Luật không phải để làm công chính hóa. Sự công chính đến từ việc Thiên Chúa đã thực hiện trong Đức Ki-tô. Đây là lý do chúng ta phó thác mình cho Đức Ki-tô hơn là dựa vào việc chu toàn Lề Luật. Chính Thiên Chúa tuyên bố chúng ta vô tội. Tôi là người Do Thái nhiệt thành nhất, nhưng dành riêng sự nhiệt thành của tôi cho luật mà, bởi một sự đảo ngược kỳ lạ và mỉa mai, đã dẫn tôi đến khoảng khắc của ơn kêu gọi và hoán cải của mình.

Trong thời gian Cải Cách, Công Giáo và Tin Lành đã tranh cãi quyết liệt về giáo huấn về sự công chính của thánh Phao-lô. Ngày nay, trong khi Công Giáo và giáo hội Tin Lành Lu-thê-rô đã đồng ý với nhau ở những điểm quan trọng về chủ đề này, rất nhiều tín hữu Công Giáo vẫn còn bối rối về ngôn ngữ: sự công chính hóa. Bản văn này là cơ hội để các nhà giảng thuyết tóm tắt những điểm chính yếu trong giáo huấn của thánh Phao-lô. Bởi vì, mặc dù tình huống thánh Phao-lô đã đối mặt có khác so với của chúng ta, điểm chính yếu vẫn luôn là một: Thiên Chúa làm chúng ta nên công chính thông qua Người Con của ngài, Đức Ki-tô Giê-su. Chúng ta không thể “tự độ” cũng không thể tự làm mình công chính hóa trước mặt Thiên Chúa. Chúng ta là tội nhân. Chúng ta lệ thuộc vào ân sủng của Ngài.

Chuyển ngữ: Phaolô Nguyễn Hữu Phong SJ
Nguồn: Frank J. Matera, Strategies for Preaching Paul (Minnesota: The Liturgical Press, 2001), 133-135.