Mặc dù thánh Phao-lô không viết thư cho người Do Thái, tôi vẫn nghiên cứu nó vì những lý do sau. Thứ nhất, Giáo Hội sơ khai, đặc biệt là ở phương Đông, xem Thư Do Thái là một trong những thư của thánh Phao-lô, giống như nhiều bản thảo cổ đại khác. Cho nên không có gì đáng ngạc nhiên khi nhiều Ki-tô hữu vẫn nghĩ rằng Thư Do Thái là thư của thánh Phao-lô, mặc dù lá thư không thừa nhận thánh Phao-lô là tác giả. Thứ hai, Thư Do Thái đóng một vai trò quan trọng trong bài đọc Chúa Nhật, xuất hiện bảy lần suốt Năm B và bốn lần suốt Năm C. Thứ ba, cũng là lý do quan trọng nhất, Thư Do Thái là một trong số những bản văn có tư tưởng thần học sâu sắc nhất trong Tin Mừng.
Giống như các thư của thánh Phao-lô, Thư Do Thái tập trung vào sự thiết yếu của cái chết của Chúa Giê-su và phát triển một Ki-tô học tinh tế vốn xác định Chúa Giê-su là Con Thiên Chúa từ thuở đời đời. Cho nên cũng dễ hiểu khi mà các Giáo Phụ Đông Phương đã xem nó như một bản văn đến từ thánh Phao-lô. Tuy nhiên, Thư Do Thái phát triển nhiều chủ đề làm nó tách biệt khỏi các thư Phao-lô, trong đó chủ đề quan trọng nhất phải kể đến là chức thượng tế của Đức Ki-tô Giê-su. Lập luận rằng niềm tin của chức tư tế Lê-vi không có khả năng tha tội, Thư Do Thái trình bày Chúa Giê-su như một vị thượng tế theo phẩm trật Men-ki-xê-đê đấng có quyền tha tội, chỉ một lần và cho tất cả, khi người đi vào cõi trời qua cái chết của mình. Chủ đề này xuất hiện nhiều lần trong bài đọc Năm B, và tôi sẽ phát triển nó xa hơn khi tôi bàn về những bài đọc ấy.
Thư Do Thái cũng khẳng định rằng bởi vì Đức Ki-tô Giê-su đã tha tội một lần cho tất cả, cho nên chức tư tế Lê-vi và đền thờ không còn cần thiết nữa. Vì thế, trong khi thánh Phao-lô lập luận rằng tuân thủ luật Mô-sê không còn cần thiết nữa bởi vì Đức Ki-tô đã làm cho tội nhân trở nên công chính nhờ cái chết của người trên thập giá, Thư Do Thái cũng lập luận rằng chức tư tế Lê-vi và niềm tin của nó không còn cần thiết nữa bởi vì Đức Ki-tô Giê-su, vị thượng tế theo phẩm trật Men-ki-xê-đê, đã tha thứ tội lỗi một lần cho tất cả nhờ việc đi vào cõi trời. Nói cách khác, trong khi thánh Phao-lô nói rằng Đức Ki-tô đã làm điều Lề Luật đã không thể làm được (làm công chính hóa), Thư Do Thái nói rằng Đức Ki-tô đã làm điều niềm tin Lê-vi đã không thể làm được (tha thứ tội lỗi).
(Còn nữa)
Chuyển ngữ: Phaolô Nguyễn Hữu Phong SJ
Nguồn: Frank J. Matera, Strategies for Preaching Paul, (Minnesota: The Liturgical Press, 2001), 96-97.