- Nghĩa vụ công dân.
Theo lý thuyết khế ước xã hội truyền thống, một khi chúng ta đã xác định những điều mà chính phủ có thể yêu cầu công dân của mình làm một cách hợp pháp, chúng ta đồng thời cũng biết được nghĩa vụ của mỗi công dân phải làm những gì: Họ có nghĩa vụ tuân theo luật pháp. Tuy vậy, nhiều nhà lý luận chính trị chỉ ra rằng quan điểm hạn chế này về nghĩa vụ công dân không thực sự khả thi. Chúng ta thực sự đòi hỏi nhiều nơi mỗi công dân hơn chỉ là tuân theo luật pháp. Ví dụ, chúng ta chờ đợi công dân đóng góp vào lợi ích chung khi họ có thể – tham gia vào đời sống công dân, tham gia chính trị (trong một mức độ nào đó), đồng thời nuôi dạy con cái mình thành những công dân tốt cho đất nước. Chúng ta mong chờ nơi họ lòng khoan dung và sự tôn trọng lẫn nhau, vượt hẳn trên mức yêu cầu tối thiểu của luật pháp. Thực tế, trong một xã hội đang rối ren vì sự bất bình đẳng cơ cấu, có thể rất cần thiết cho các công dân để họ tham gia vào công cuộc phục hồi, cũng như gầy dựng lại mối tương quan tin cậy và hòa hợp giữa những người bị áp bức và những người được hưởng đặc quyền.
-
- Công lý phục hồi
Nghĩa vụ xây dựng xã hội trở nên công bình hơn thường được gọi là công lý phục hồi; đây là một loại công bình mà chúng ta có thể kể thêm vào danh sách ngày một tăng lên về các loại công bình khác nhau. Học thuyết về công lý phục hồi được phát triển nhằm giúp chúng ta điều hướng những xã hội đang rối ren vì bất công trong lịch sử, khi không có sự tín nhiệm và tin tưởng lẫn nhau trong các nhóm xã hội. Công lý phục hồi nhằm khôi phục tương quan tin tưởng giữa người bị áp bức và kẻ áp bức. Loại công lý này thường can hệ đến những kẻ đã gây ra bất công (hoặc hưởng lợi từ bất công) nhận lấy trách nhiệm về phần mình trong việc đã gây ra những mối tương quan rối ren đó. Các nạn nhân cũng có bổn phận tha thứ và thực hiện công việc gầy dựng lại cộng đồng. Thực tế, Ủy ban Hòa giải và Sự thật của Nam Phi là một điển mẫu cho loại công lý phục hồi này. Ủy ban này thực hiện công việc chữa lành các tương quan chủng tộc sau khi chế độ phân biệt chủng tộc kết thúc. Các nạn nhân của những vụ vi phạm nhân quyền được mời trình bày về những kinh nghiệm họ đã trải qua, và một số người được chọn để điều trần công khai. Các kẻ gây ra bạo lực cũng đưa ra lời khai và nhận khoan hồng từ bên nguyên cáo.
Tham gia vào công lý phục hồi không phải là điều duy nhất chúng ta có thể mong đợi ở đồng bào của mình. Chúng ta còn mong chờ họ giúp đỡ lẫn nhau khi thiên tại ập đến, và quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách khôn ngoan cho các thế hệ tương lai. Ví dụ, vào tháng 8 năm 2005 một siêu bão đã đổ bộ gần thành phố New Orleans và những con đê không thể bảo vệ thành phố. Kết quả gây nên trận lũ lụt kinh hoàng, và sự phản ứng không thỏa đáng của chính phủ đã dẫn đến hàng ngàn người chết và hàng trăm ngàn công dân Mỹ phải di tản đi nơi khác. Thảm họa rõ ràng đã cho thấy sự bất bình đẳng về chủng tộc và giai cấp ở Hoa Kỳ khiến nhiều người Mỹ cảm thấy rất lo lắng. Tuy nhiên, hầu hết những công dân Mỹ chúng tôi lại trải qua thảm họa đó ở một khoảng cách xa. Chúng tôi xem các hình ảnh trên tivi và tự hỏi, tôi nên làm gì cho biến cố này? Là một công dân Mỹ, tôi có trách nhiệm gì khi những con đê bị vỡ, khi nỗ lực cứu hộ trì trệ, khi sự bất bình đẳng về chủng tộc và giai cấp đã khiến toàn bộ thảm họa trở nên tồi tệ hơn?
Ý niệm về nghĩa vụ công dân dường như bao hàm ý niệm về trách nhiệm tập thể. Nghĩa là, bạn có một số trách nhiệm không phải do hành động cá nhân của bạn nhưng vì bạn có tư cách là một thành viên của cộng đồng. Ví dụ, thử hình dung bạn là một trong hàng trăm người bơi lội giỏi trên bãi biển mà khi ấy không có nhân viên cứu hộ, và một người nào đó đột nhiên bị đuối nước. Bạn có bổn phận cứu người đuối nước không? Nếu bạn không, thì những người khác cũng vậy. Nhưng nếu tất cả đều cố gắng cứu người đó, mọi người có thể cản đường bơi của nhau. Vậy, ta có thể kết luận như thế này sẽ hợp lý hơn: tất cả mọi người đều có nhiệm vụ tổ chức một nỗ lực giải cứu. Và đó là những gì mà chính phủ phải làm: Giúp chúng ta hoàn thành bổn phận giúp đỡ lẫn nhau.
Tuy vậy, chính phủ không cố gắng giúp đỡ hết mọi người trên thế giới, nhưng chỉ những đồng bào của chúng ta mà thôi. Vậy tại sao đồng bào của chúng ta nhận được sự lưu tâm này, trong khi họ có thể hoàn toàn là những người xa lạ với chúng ta? Khế ước xã hội là một trong những lời giải đáp cho vấn đề đó: Chính phủ là kết quả của khế ước xã hội mặc nhiên của chúng ta với nhau. Nhưng ý niệm của khế ước xã hội không thực sự giải thích tại sao chúng ta cảm thấy có nghĩa vụ với đồng bào của mình. Xét cho cùng, thực sự tôi chưa bao giờ thỏa thuận hay bàn bạc một hợp đồng nào với các cư dân ở bang New Orleans (bang nơi tôi đang sống). Vậy tại sao những cư dân đó lại là thành viên của khế ước xã hội, trong khi người dân ở Canada (những người sống gần với tôi hơn nhiều) lại không?
Triết gia Robert Goodin đã trả lời cho nghi vấn này. Ông lý luận rằng các thành viên cùng một xã hội chính trị có những bổn phận đặc biệt với nhau vì chúng ta dễ bị tổn thương hơn vì nhau. Các thành viên trong cùng một nhóm hoặc một tổ chức có thể gây hại và làm tổn thương nhau nhiều hơn là những người hoàn toàn xa lạ có thể gây ra. Những cư dân ở New Orleans đã phải phụ thuộc vào chính phủ Hoa Kỳ – vào các đồng bào của họ – để được trợ giúp. Họ cho rằng mình sẽ nhận được cùng một kiểu cứu trợ thiên tai mà các cộng đồng khác ở Hoa Kỳ nhận được. Do đó, những nơi khác của đất nước không bị thiên tai có trách nhiệm đặc biệt hỗ trợ cho người dân New Orleans.
-
- Nghĩa vụ công dân sinh thái
Lập luận của Goodin lý giải vì sao chúng ta có cảm thức trách nhiệm giúp đỡ đồng bào của mình: Chính phủ của chúng ta tương tự như một tổ chức cứu trợ, và tất cả chúng ta phải có trách nhiệm giám sát xem chính phủ có hoạt động đúng cách không. Nhưng luận lý của triết gia này có thể cần mở rộng hơn: Triết gia Andrew Dobson cho rằng chúng ta phải có những trách nhiệm đặc biệt liên đới đến bất kỳ ai đã chịu những tổn thương do hành động của chúng ta. Vì thế, triết gia này đã nới rộng bổn phận công dân của chúng ta vượt ra ngoài phạm vi quốc gia, đến những công dân và thậm chí đến cả tự nhiên đang gánh chịu hậu quả do những quyết định của chính phủ gây ra. Dobson thúc giục chúng ta áp dụng khái niệm Nghĩa vụ công dân sinh thái, theo đó các tác động sinh thái của chúng ta lên thế giới đưa đến những nghĩa vụ chính trị – những nghĩa vụ mà chúng ta chỉ có thể thực hiện được bằng cách sống bền vững hơn.
Nghĩa vụ công dân sinh thái liên hệ chặt chẽ đến ý niệm về cộng đồng sinh vật và về việc mở rộng quyền đến các loài thuộc thế giới tự nhiên. Tương tự như những ý niệm đó, nghĩa vụ công dân sinh thái đe dọa ý niệm về một chính phủ giới hạn quyền: Giả như nghĩa vụ chính trị của chúng ta nới rộng đến tất cả mọi người hoặc tất cả mọi loài trong tự nhiên, vốn có thể hứng chịu những hành động của chúng ta (kể cả trong tương lai), liệu chính phủ có thể vươn tới đâu để bảo vệ những loài này? Ý niệm về nghĩa vụ công dân sinh thái cho thấy các nghĩa vụ chính trị của chúng ta cũng bao quát như những bổn phận đạo đức riêng tư của chúng ta vậy. Có lẽ bổn phận đó còn tiến xa hơn. Theo truyền thống, nghĩa vụ của công dân hạn chế hơn nghĩa vụ của một người tốt. Một công dân lương thiện chỉ thấu hiểu nỗi thống khổ mà đồng bào của mình phải chịu; còn một người lương thiện thì thấu hiểu nỗi thống khổ của toàn bộ hành tinh này.
-
- Nghĩa vụ công dân và các vấn đề môi trường toàn cầu
Những vấn đề môi trường toàn cầu như việc thay đổi khí hậu và việc mất đa dạng sinh thái đang cực kỳ thách thức những luận lý đạo đức thông thường. Như đã thảo luận trong các chương trước, học thuyết đạo đức của chúng ta được phát triển nhằm giúp mọi người đưa ra quyết định trong các vấn đề có quy mô nhỏ ở các cộng đồng trực tiếp, trong các tình huống mà hành động cá nhân có những hậu quả trực tiếp và rõ ràng đối với những người mà họ biết. Trong các điều kiện này, không khó để tuân theo quy tắc đạo đức chung là không được làm hại người khác. Tuy nhiên, những tổn hại về việc thay đổi khí hậu và mất đa dạng sinh thái thì lại rất khác biệt; chúng là kết quả của các hệ thống phức tạp về sản xuất, vận chuyển và tiêu dùng công nghiệp mà tất cả chúng ta đều tham gia nhưng không có ai kiểm soát cụ thể. Chúng là những vấn đề của hành động tập thể hướng đến cái ác: Hàng tỷ người trong quá khứ cũng như hiện tại đã gây nên những hiện tượng đó trong khi họ tương tác với hệ thống tự nhiên theo những cách thức hoàn toàn vô tội vạ và thậm chí còn đáng tán dương nữa. Hơn nữa, thay đổi hành vi cá nhân của bạn sẽ không thể giải quyết được các vấn nạn đã nêu trừ khi hàng tỷ con người đều làm như thế (trong trường hợp đó, bạn có thể sẽ không phải làm vậy!). Thật không may, nhiều vấn đề toàn cầu có cùng một đặc điểm: chúng đều được gây ra bởi một loạt những hành động bình thường, một chuỗi nguyên nhân phức tạp, và các tổn hại thì được khuếch tán và lan tỏa ra cả không gian và thời gian. Dường như mọi việc chúng ta làm đều gây hại cho những người khác. Vậy một công dân có những nghĩa vụ nào đối với những vấn đề này?
Một lần nữa, vấn đề của chúng ta hệ ở những giả định học thuật: Đạo đức học tập trung vào những tác nhân riêng lẻ; ngành này giả thiết những tác nhân đó có thể thực hiện những chọn lựa quan trọng. Nhưng những vấn đề toàn cầu lại là những vấn đề mang tính hệ thống, và chúng đòi hỏi một giải pháp hệ thống. Theo đó, việc giải quyết các vấn đề này đòi buộc chúng ta phải thay đổi các hệ thống kinh tế và chính trị, và đòi hỏi phải có một hành động mang tính chính trị. Những khái niệm về trách nhiệm tập thể và nghĩa vụ công dân sinh thái (chủ yếu được phát triển bởi các lý thuyết gia chính trị) có thể giúp thúc đẩy hành động chung như thế nhằm đối phó với việc biến đổi khí hậu hoặc việc mất đa dạng sinh thái (không đề cập đến các vấn đề toàn cầu khác, như nghèo đói, suy dinh dưỡng, và tình trạng áp bức bóc lột).
Nhưng trong khi chờ đợi một hành động chung như thế, bạn có nghĩa vụ giảm bớt đóng góp của cá nhân mình vào việc biến đổi khí hậu bằng cách thay đổi thói quen tiêu dùng không? Để có thể giảm thiểu những góp phần làm biến đổi khí hậu một cách triệt để sẽ đòi hỏi một đời sống khổ chế, từ bỏ hầu hết những vui thú về một xã hội tiêu thụ. Đời sống khổ hạnh có một lịch sử lâu dài và đáng trân trọng, tuy nhiên, hầu hết những người ủng hộ lối sống này chọn đời khổ hạnh không phải đơn thuần là để tránh làm hại người khác, nhưng là một con đường nhận ra của cải như một sự giác ngộ tâm linh, một đời sống đích thực hơn, và một sự nối kết phong phú hơn với tự nhiên cũng như cộng đồng. Chọn sống một đời khổ hạnh đơn thuần chỉ để tránh làm hại người khác dường như là một khái niệm nghèo nàn về một cuộc sống tốt đẹp. Hẳn nhiên, một đời sống tốt đẹp sẽ đạt được những điều gì đó hơn là chỉ hạn chế gây hại bao nhiêu có thể! Trách nhiệm đối với môi trường cũng quan trọng như thế; nhưng có lẽ nó không phải là giá trị quan trọng duy nhất trong cuộc sống của bạn. Thật vậy, bạn cũng có thể coi trọng những giá trị khác, chẳng hạn như một đời sống gia đình giàu sang, việc phục vụ cộng đồng, sự xuất sắc cả trong thể thao và nghệ thuật, hay mưu cầu tri thức khoa học. Việc chấp nhận những giá trị khác có lẽ sẽ đòi hỏi bạn phải tham gia vào một hệ thống kinh tế đang gây ra việc biến đổi khí hậu và tình trạng mất đa dạng sinh học.
Hơn nữa, ngay cả khi chúng ta không thể hoàn toàn thoát ra khỏi những hệ thống đầy dẫy vấn nạn môi trường và sống một đời sống đáng lựa chọn, thì chúng ta cũng có thể giảm đi những lệ thuộc của mình vào những hệ thống đó và khuyến khích người khác cũng làm như vậy. Lựa chọn như thế cho thấy những giá trị của bạn và hiện thực hóa những giá trị đó trong đời sống của bạn; hành động này làm cho việc chọn lựa thêm ý nghĩa. Tắt một lời, sống nhẹ nhàng thanh thoát dưới bầu trời này là một cách thế bạn đang chứng minh cho chọn lựa đó.
(còn tiếp)
Chuyển ngữ: Học viên Phaolô Nguyễn Xuân Danh
Nguồn: Kimberly K. Smith, Exploring Environmental Ethics – An Introduction,
(Carleton College, Northfield: Springer, 2018), 34-37.