Con Đường Trổi Vượt Hơn
Chúa Nhật IV, Thường Niên, Năm C – 1 Cr 12:31-13:13
Sau khi đã giải thích rằng nguồn cội của mọi ân sủng thiêng liêng đến từ cùng một Thần Khí và rằng mọi ân sủng đều được ban cho vì lợi ích của thân thể Giáo Hội, thánh Phao-lô khuyến khích tin hữu Cô-rin-tô cố gắng tìm kiếm những ân sủng thiêng liêng cao trọng hơn. Ý thức rằng cộng đoàn non trẻ của mình mê thích những ân sủng hơn người như ơn nói các tiếng lạ, ngài khuyến khích các tín hữu Cô-rin-tô bước theo một con đường trổi vượt hơn vốn khả dĩ cho mọi người, con đường tình yêu.
Đọc lần đầu, có vẻ đoạn văn này không liên quan đến điều thánh Phao-lô đã và sẽ nói trong chương 14. Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ hơn sẽ thấy bản văn này có vai trò sống còn trong lập luận của thánh Phao-lô về các ân sủng của Thần Khí.
12:1-31 Nhiều ân sủng từ một Thần Khí xây dựng một thân thể duy nhất là Giáo Hội.
12:31 – 13:13 Tình yêu là con đường trổi vượt hơn mọi ân sủng này.
14:1-40 Ơn nói tiên tri có ích lợi hơn ơn nói các tiếng lạ bởi vì nó xây dựng Giáo Hội.
Vai trò chính của 12:31 – 13:13 là chỉ cho thấy rằng không có tình yêu thì mọi ân sủng Thần Khí ban cho sẽ không thể sinh hoa trái trong cộng đoàn của Giáo Hội; bởi vì trong khi các ân sủng thiêng liêng như nói các tiếng lạ xây dựng chính cá nhân trước cộng đoàn, thì nếu thiếu tình yêu họ không hề xây dựng thân thể của Đức Ki-tô là Giáo Hội.
Trong phần đầu của đoạn văn này (cc. 1-3), thánh Phao-lô liệt kê nhiều ân sủng vốn sẽ được ngài thảo luận ở chương 12: nói các tiếng lạ, nói tiên tri, hiểu biết, và đức tin. Trong tất cả các ví dụ, ngài khẳng định rằng thiếu tình yêu thì các ân sủng này chẳng có ích gì. Lập luận rằng không có gì có thể thay thế cho tình yêu, ngài sử dụng nhiều tuyên bố tích cực lẫn tiêu cực để giải thích ý nghĩa của tình yêu (cc. 4-6). Cuối cùng, ngài so sánh tình yêu với các ơn nói tiên tri, nói các tiếng lạ, và hiểu biết; rồi kết luận rằng mọi ân sủng khác sẽ mất đi, nhưng tình yêu thì còn mãi (cc. 8-13).
Sau khi minh giải tầm quan trọng trổi vượt của tình yêu, ở chương 14, thánh Phao-lô lập luận rằng ơn nói tiên tri sẽ sinh ích cho cộng đoàn hơn ơn nói các tiếng lạ bởi vì những chỉ dẫn tiên tri xây dựng cộng đoàn trong khi những phát biểu mơ hồ của những kẻ nói các tiếng lạ thì không. Vì thế, chương này bắt đầu với câu: “Anh em hãy cố đạt cho được đức mến, hãy khao khát những ơn của Thần Khí, nhất là ơn nói tiên tri” (14:1).
Những ai chọn bản văn này để giảng có lẽ nhận thấy nó khó khăn hơn họ tưởng bởi vì bản văn quá quen thuộc và thường bị tách khỏi bối cảnh của nó. Tuy nhiên, bối cảnh rộng hơn của các chương 12 – 14 cho thấy rằng mục đích của thánh Phao-lô là xây dựng thân thể Giáo Hội.
Bởi vì bối cảnh rộng lớn này bàn về việc xây dựng Giáo Hội, bàn luận của thánh phao-lô về tình yêu ắt hẳn mang chiều kích giáo hội. Tình yêu ngài tán dương xây dựng thân thể Đức Ki-tô. Thiếu tình yêu ấy, cộng đoàn không thể tồn tại, dù cho nó sở hữu bao nhiêu ân sủng đi nữa. Tình yêu ấy lấy mẫu từ tình yêu hủy mình của Đức Ki-tô đấng đã trao ban chính ngài cho Giáo Hội. Tình yêu ấy cũng được diễn tả tròn đầy nhất trong một bối cảnh giáo hội. Vì vậy, những ai chọn bản văn này để giảng phải cố gắng nối kết giáo huấn của thánh Phao-lô về tình yêu với đời sống thường ngày của Giáo Hội.
Chuyển ngữ: Phaolô Nguyễn Hữu Phong SJ
Nguồn: Frank J. Matera, Strategies for Preaching Paul, (Minnesota: The Liturgical Press, 2001), 117 – 118.