Nội dung:
5.1 Tương lai của khu đất Spring Lakes
5.2 Các thế hệ tương lai
5.3 Các thế hệ tương lai và chính sách công
5.3.1 Đạo đức học và việc chiết khấu cho chính sách khí hậu.
5.3.2 Kiểm soát dân số.
5.4 Trở lại với vấn đề tương lai của khu đất Spring Lakes
5.5. Phần đọc thêm
5.3.2 Kiểm soát dân số
Dân số quá đông cũng là một vấn đề đạo đức đặc biệt liên quan đến vấn đề bổn phận đối với các thế hệ tương lai. Hiện tại, có hơn 7 tỷ người trên trái đất. Các nhà nhân khẩu học dự đoán rằng nếu xu hướng hiện tại cứ tiếp tục, dân số loài người sẽ ổn định ở mức khoảng 10 hoặc 11 tỷ người vào thế kỷ XXII. Nhiều nhà sinh thái học tin rằng 10 tỷ người sẽ vượt quá giới hạn sinh thái của hành tinh; trên thực tế, ở mức 7 tỷ, chúng ta có thể đã vượt quá giới hạn sinh thái rồi. Họ quan ngại rằng nếu như chúng ta không dừng hoặc đảo ngược sự gia tăng dân số thì các thế hệ tương lai sẽ phải thừa hưởng một thế giới không thể chu cấp đủ cho hết mọi người. Dĩ nhiên, không phải ai cũng chia sẻ mối bận tâm này. Và chúng ta cũng không chắc chắn về việc hành tinh của chúng ta có thể chu cấp đủ cho bao nhiêu con người. Có lẽ những tiến bộ về công nghệ và quy hoạch sử dụng đất thông minh hơn có thể giảm bớt gánh nặng về dân số loài người. Nhưng nếu dân số của chúng ta vượt sức chứa của hành tinh, thì chúng ta phải vật lộn với vấn đề liệu có cách tiếp cận đạo đức nào để hạn chế dân số hay không.
Đạo đức về việc kiểm soát dân số đặt ra một số vấn đề khó nhưng thú vị. Tất nhiên, một vấn đề đã được thảo luận ở trên: vì các thế hệ tương lai sẽ không tồn tại nếu không có những quyết định của chúng ta, họ có quyền phàn nàn về những điều kiện sống của họ hay không? Chúng ta nợ các thế hệ tương lai một thế giới tốt đẹp như thế nào? Câu hỏi thứ hai đã được Derek Parfit giải thích trong cùng một cuốn sách nói về Vấn đề không đồng nhất. Parfit là nhà thực dụng, vì vậy ông ta muốn tăng hạnh phúc hoặc phúc lợi cho con người. Tuy nhiên, ông lại đặt câu hỏi, chúng ta có nên đặt mục tiêu tăng mức độ hạnh phúc toàn thể hay chỉ là mức độ hạnh phúc trung bình? Nếu như chúng ta nhắm tới việc tăng hạnh phúc toàn thể, chúng ta phải tiếp tục tăng trưởng dân số, thêm càng nhiều người càng tốt, cho dẫu họ sẽ ngày càng ít hạnh phúc hơn. Tổng số hạnh phúc của họ vẫn sẽ tăng lên, mặc dù mỗi người trong số họ có thể chỉ cảm thấy khá hơn sự bất hạnh một chút. Điều đó dường như không phải là một mục tiêu tốt (Parfit gọi đó là một “kết thúc buồn”). Mặt khác, chúng ta có thể cố gắng tăng mức hạnh phúc trung bình bằng cách giảm tổng số người lại nhưng đảm bảo tất cả họ phải thực sự hạnh phúc. Điều này có vẻ là một ý tưởng hay, nhưng liệu chúng ta có thể biện minh cho việc khuyên một cặp vợ chồng đang rất hạnh phúc rằng họ không nên sinh con thứ ba chỉ vì đứa trẻ đó sẽ kém hạnh phúc hơn (cho dẫu vẫn có cuộc sống rất tốt)?
Dường như không còn cách nào tốt hơn để giải quyết nan đề này bằng cách nại đến luận chứng của các nhà thực dụng. Thật vậy, trong các cuộc thảo luận về chính sách dân số, việc tiếp cận vấn đề từ một góc độ khác – từ một cơ cấu dựa trên quyền thay vì một cơ cấu thực dụng – đã trở nên khá phổ biến. Nghiên cứu thực nghiệm đáng chú ý hiện nay đang ủng hộ quan điểm cho rằng một khi phụ nữ được tiếp cận với giáo dục, cơ hội kinh tế và kiểm soát sinh đẻ, thì tỷ lệ sinh sẽ giảm. Do đó, thay vì tập trung vào việc cho phép dân số toàn cầu tăng trưởng bao nhiêu, thì nhiều chuyên gia về chính sách môi trường cho rằng chúng ta nên tập trung vào việc bảo vệ các quyền của phụ nữ. Có những lý do chính đáng để tin rằng việc đảm bảo tính tự trị của phụ nữ giống với nam giới sẽ giúp cho dân số thế giới giảm và ổn định hơn. Thực tế, điều đó cũng giúp chấm dứt đói kém và suy dinh dưỡng, vì một nghiên cứu tương tự chỉ ra rằng một khi phụ nữ kiểm soát nguồn nhân lực trong gia đình, thì thức ăn được phân phối công bằng hơn và trẻ em ít bị thiếu đói. Thực vậy, có thể việc giải quyết nhiều vấn nạn môi trường toàn cầu có liên hệ chặt chẽ với việc cải thiện địa vị của phụ nữ (quan điểm này ủng hộ cho lập trường của các nhà theo chủ nghĩa nữ quyền sinh thái tin rằng việc áp bức phụ nữ và khai thác tự nhiên bừa bãi có mối liên hệ hỗ tương). Việc chú tâm đến địa vị của phụ nữ mang lại hiệu quả hỗ trợ các chính sách mà chúng ta biết cách thực hiện (như tạo ra nền giáo dục và kiểm soát sinh sản) và thể hiện sự tôn trọng nhân quyền. Ngược lại, những chính sách nhằm hạn chế quy mô gia đình cách trực tiếp (chẳng hạn như nỗ lực của Trung Quốc nhằm giảm tỷ lệ sinh) đã bị chỉ trích là can thiệp quá nhiều vào các quyết định thân mật của đời sống gia đình và gây ra nhiều hệ lụy xã hội không mong muốn khác.
Mối liên hệ giữa địa vị của phụ nữ và dân số cho thấy rằng với tư cách là một công dân, cách tốt nhất để giải quyết vấn đề dân số quá tải có thể là hãy ủng hộ các chính sách nhằm mang lại cho phụ nữ cơ hội bình đẳng về giáo dục và kinh tế cũng như toàn quyền kiểm soát quyết định sinh sản của họ. Vấn đề đạo đức khó hơn đó là nguy cơ quá tải dân số sẽ ảnh hưởng như thế nào đến quyết định có con của cá nhân bạn. Đây là vấn đề đạo đức cá nhân, chứ không phải là chính sách công. Nghĩa là, người ta có thể tin rằng sinh con là trái đạo đức (do gánh nặng dân số đang đè nặng trên trái đất) nhưng chính phủ cũng không nên can thiệp vào quyết định sinh con của một người (bởi vì một chính phủ tự do phải tôn trọng quyền tự chủ của người dân, tức là người phụ nữ ấy có tự do thực hiện một lựa chọn phi đạo đức).
Nếu ai đó tin rằng chúng ta đang tiến gần đến giới hạn sinh thái của hành tinh, thì dường như khó có thể biện minh cho việc đưa thêm một sinh linh vào thế giới, đặc biệt khi nhận con nuôi là một lựa chọn khả thi. Việc nhận con nuôi cho phép một người đạt được những mục tiêu của việc làm cha mẹ mà không làm tăng thêm chi phí sinh thái. Thật vậy, một số người lý luận rằng vai trò làm cha mẹ nuôi thấp hơn vai trò làm cha mẹ “thực sự”, nhưng quan điểm đó khó có thể được ủng hộ về mặt triết học. Sự phản đối mạnh mẽ hơn đối với lập trường này là hệ thống pháp luật có thể khiến việc nhận con nuôi của một số người trở nên rất khó khăn, nhưng vấn đế này có thể được giải quyết bằng những điều luật tốt hơn. Nếu việc nhận con nuôi tương đối dễ dàng, tại sao người ta lại lựa chọn sinh thêm một đứa bé trong một hành tinh đã rất đông đúc?
Mặt khác, quan niệm sinh con là trái đạo đức là điều rất khó chấp nhận đối với hầu hết mọi người. Hầu hết các truyền thống văn hóa và tôn giáo đều dạy rằng việc sinh con là một phước lành và có lẽ là một bổn phận nữa. Thật vậy, trong phần lớn lịch sử nhân loại, các xã hội đã được hưởng lợi từ sự gia tăng dân số. Ngay cả bây giờ, một số nhà lãnh đạo chính trị quan ngại rằng sự suy giảm dân số ở quốc gia của họ sẽ gây ra các chi phí kinh tế và xã hội. (Tuy nhiên, những người khác lại phản đối quan điểm “theo chủ nghĩa thuận sinh” này (pro-natalist) với lý do có thể tránh được những chi phí đó bằng cách cho phép nhập cư nhiều hơn.) Chắc chắn chúng ta mong muốn con người vẫn tiếp tục sinh con để có thể duy trì một nền văn minh nhân loại bền vững, và chắc chắn cũng không ai mong muốn con mình được sinh ra trong một xã hội coi chúng như một gánh nặng và bị nguyền rủa. Nhưng có vẻ sai lầm khi xem việc có con như một đặc ân chỉ dành cho những người có công trạng hoặc một nguồn lực đặc biệt nào đó.
Giống như hầu hết các câu hỏi khác trong đạo đức môi trường, không có một câu trả lời thỏa đáng cho thách đố này. Nhưng tôi nghĩ chúng ta có thể rút ra một vài kết luận từ cuộc thảo luận này. Ít nhất, chúng ta có thể kết luận rằng việc lựa chọn giới hạn quy mô gia đình của một cá nhân, hoặc hoàn toàn không sinh con, có thể là điều chính đáng. Ít nhất có một số lý do để tin rằng có những giới hạn sinh thái đối với sự gia tăng dân số của nhân loại. Trừ khi chúng ta đạt đến sự chắc chắn hơn rằng hành tinh của chúng ta có thể hỗ trợ dân số hiện tại mà không làm suy thoái hệ thống hỗ trợ sinh thái của chúng ta, chúng ta không nên gây áp lực để mọi người có con. Chúng ta cũng có thể kết luận rằng ít nhất người ta phải đảm bảo con cái do mình sinh ra có được một cuộc sống tốt đẹp và hướng tới việc không sinh quá nhiều con vượt khả năng chu cấp của bản thân. Những cam kết này, cùng với sự hỗ trợ cho các chính sách bảo vệ quyền tự do sinh sản, sẽ giúp tạo nên một thế giới mà chúng ta không phải đối mặt với sự lựa chọn bi thảm giữa việc bảo vệ hành tinh hoặc sinh con. Mặc dù đây có thể là hoặc không là nghĩa vụ mà chúng ta phải có đối với các thế hệ tương lai, nhưng ít nhất chúng ta có thể nói rằng một thế giới như thế rất đáng ao ước, và do đó cũng rất đáng để chúng ta cố gắng làm cho thế giới ấy trở thành hiện thực.
Chuyển ngữ: Học viên Phaolô Nguyễn Xuân Danh
Nguồn: Kimberly K. Smith, Exploring Environmental Ethics – An Introduction,
(Carleton College, Northfield: Springer, 2018), 62-64