Nội dung:
5.1 Tương lai của khu đất Spring Lakes
5.2 Các thế hệ tương lai
5.3 Các thế hệ tương lai và chính sách công
5.3.1 Đạo đức học và việc chiết khấu cho chính sách khí hậu.
5.3.2 Kiểm soát dân số.
5.4 Trở lại với vấn đề tương lai của khu đất Spring Lakes
5.5. Phần đọc thêm
5.3.1. Đạo đức học và việc chiết khấu cho chính sách khí hậu
Các nhà kinh tế học thường phải cân nhắc cách phân bổ của cải giữa thế hệ hiện tại và các thế hệ tương lai. Chủ đề này xuất hiện thường xuyên nhất trong kinh tế học khi bàn về chiết khấu và tỷ lệ chiết khấu xã hội. Việc nghiên cứu chủ đề này là một cách thức tốt để đưa hai ngành quan trọng – kinh tế học và đạo đức học – đi vào đối thoại với nhau. Chủ đề này là một minh họa tuyệt vời cho thấy tại sao việc đào tạo liên ngành lại được đánh giá cao đối với những người quan tâm đến môi trường. Khi các nhà kinh tế tiến hành việc phân tích chi phí-lợi ích (cân nhắc các phí tổn của một công việc so với lợi ích của công việc đó), thì việc chiết khấu các lợi ích trong tương lai là rất hợp lý: Mặc dù có vẻ như 10.000 đô la trong 10 năm tới có giá trị tương đương 10.000 đô la ngay lúc này, nhưng thật ra không phải vậy. Nếu như bạn sở hữu 10.000 đô la và đầu tư một cách khôn ngoan, bạn sẽ có hơn 10.000 đô la trong 10 năm tới. (Số tiền chính xác sẽ phụ thuộc vào loại lợi nhuận bạn có thể nhận được.) Nói khác đi, 10.000 đô la trong 10 năm tới có giá trị nhỏ hơn 10.000 đô la trong hiện tại. Hiểu được thực trạng đó, các nhà kinh tế học thường chiết khấu các lợi ích trong tương lai, sử dụng ước tính lãi suất (một thước đo chung về mức độ đầu tư của cải dự kiến sẽ tăng lên mỗi năm) nhằm quyết định tỷ lệ chiết khấu đó nên là bao nhiêu.
Các chính phủ cũng thực hiện giống như thế. Khi quyết định có chi tiền cho một dự án công cộng hay không, họ cân nhắc xem họ có thể làm gì khác với số tiền đó. Một câu hỏi quan trọng mà họ phải xem xét đó là họ đang có những cơ hội nào để tài trợ cho dự án này. Họ tính toán những chi phí cơ hội đó, và sẽ không tiếp tục dự án nếu như những phí tổn cao hơn lợi ích mà dự án mang lại. Nói cách khác, họ chiết khấu các lợi ích theo một số yếu tố liên quan đến loại lợi nhuận mà họ có thể nhận được từ số tiền đó nếu nó được đầu tư vào một nơi khác. Đây gọi là tỷ lệ chiết khấu xã hội (the social discount rate). Thường tỷ lệ chiết khấu xã hội ở các nước phát triển rơi vào khoảng từ 3% đến 7%.
Các chuyên gia về chính sách khí hậu đã tranh luận về việc sử dụng tỷ lệ chiết khấu nào khi tính toán chi phí và lợi ích trong việc chống biến đổi khí hậu. Trong khi hầu hết mọi người dùng đến một tỷ lệ chiết khấu xã hội tiêu chuẩn vào khoảng 3%, thì lập luận của Nicholas Stern nói ở trên lại cho rằng tỷ lệ đó phải thấp hơn.
Trước hết, ông chỉ ra rằng đây không phải là một phân tích chi phí-lợi ích điển hình. Trong hầu hết các phân tích chi phí-lợi ích, chúng ta có thể đưa ra các giả định về lộ trình phát triển chung của thế giới; chúng ta chỉ là đang chọn lựa giữa muôn vàn lựa chọn khác nhau trong lộ trình phát triển đó. Tuy nhiên với vấn đề biến đổi khí hậu, chúng ta đang chọn những lộ trình phát triển khác với lộ trình chung ấy. Thực vậy, chúng ta đang lựa chọn giữa tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới nhanh hơn hoặc chậm hơn trong tương lai gần: tức là phải chọn các quy định chặt chẽ về khí thải nhà kính và tăng trưởng kinh tế chậm hơn, hoặc các quy định lỏng lẻo về khí thải nhà kính và tăng trưởng kinh tế nhanh hơn. Điều đó có nghĩa là chúng ta đang lựa chọn mức lãi suất cao hơn hay thấp hơn mà các nhà đầu tư sẽ đạt được. Do đó, chúng ta không thể chỉ đơn thuần giả định một tỷ lệ lãi suất tiêu chuẩn làm cơ sở cho việc chiết khấu. Như Stern đã đề cập, lãi suất là nội sinh (endogeneous) [đó là kết quả của một mô hình kinh tế, chứ không phải là một nguồn đầu vào độc lập). Một nhà kinh tế học có thể phát biểu theo cách này: Đây không phải là một tình huống thích hợp để phân tích cận biên vì chúng ta không đưa ra quyết định “cận biên” mà là quyết định giữa các hệ thống kinh tế khác nhau.
Trong tình huống này, rõ ràng chúng ta đang phải đánh đổi giữa các thế hệ: Chúng ta có nên chấp nhận một tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm hơn trong vài thập kỷ tới nhằm bảo vệ các thế hệ tương lai khỏi những thiệt hại do khí hậu bất ổn gây ra? Stern xem xét hai lý do nhằm ưu đãi thế thệ hiện tại hơn các thế hệ tương lai:
Lý do đầu tiên, người ta có thể thực hiện việc chiết khấu thời gian thuần túy – nghĩa là, ưu tiên cho thế hệ hiện tại chỉ vì họ là thế hệ đang sống. Stern không nghĩ rằng có nhiều lý do để thực hiện điều này. Ông để tâm đến lập luận cho rằng chúng ta có lý khi biệt đãi những người thân thiết – gia đình và hàng xóm của chúng ta – hơn những người xa lạ. Như chúng ta đã bàn ở mục 4.2.4, một số triết gia lập luận việc có mối tương quan đặc biệt với một người nào đó có thể là một cơ sở cho tình trạng đạo đức. Nếu như chúng ta nghĩ điều ấy là đúng, thì đó có thể là một lý do nhằm ưu ái thế hệ hiện tại hơn là những người xa lạ trong một thế giới tương lai mà chúng ta chưa biết. Nhưng Stern chỉ ra rằng chủ nghĩa thiên vị (favoritism) như vậy không phù hợp với các nhà hoạch định chính sách. Là một người mẹ, bạn có thể ưu ái con mình; nhưng là một quan chức chính phủ, bạn phải đối xử công bằng với bạn bè và người lạ. (Điểm này là một minh họa về nguyên tắc mà chúng ta đã thảo luận trong mục 3.8, cho rằng nghĩa vụ đạo đức của một người có thể được định hình bởi vai trò của người ấy.) Tuy nhiên, Stern chấp nhận một lý do khiến cho thế hệ hiện tại có chút quan trọng hơn so với thế hệ tương lai: Rủi ro có thể xảy ra là các thế hệ tương lai sẽ không thành hiện thực. Ví dụ, một thiên thạch có thể va chạm vào trái đất và hủy diệt toàn bộ sự sống của con người. Đó là lý do để sử dụng tỷ lệ chiết khấu theo thời gian thuần túy rất nhỏ (0,01%).
Lý do thứ hai, Stern quan tâm đến lập luận cho rằng những người trong tương lai sẽ giàu có hơn chúng ta ở hiện tại, vì thế họ sẽ định giá mỗi đơn vị tiêu dùng bổ sung thấp hơn. Có nghĩa là, chúng ta thường nghĩ rằng 1.000 đô la đáng giá với một người nghèo hơn với một người giàu, bởi vì người giàu đã được đáp ứng hầu hết các nhu cầu. Vì thế, nếu như chúng ta mong muốn các thế hệ tương lai giàu có hơn mình, thì chúng ta phải ưu tiên cho thế hệ hiện tại. Stern đồng ý với luận lý này ở một mức độ nào đó. Nhưng ông cũng chỉ ra rằng mọi người có trực giác khác nhau về việc ưu ái người nghèo hơn người giàu bao nhiêu là hợp lý. Do đó, chúng ta thường giữ hệ số chiết khấu này khá nhỏ để không quá làm mất lòng giới nhà giàu (trong trường hợp này là thế hệ tương lai). Stern cũng không chắc thế hệ tương lai sẽ giàu có hơn, ít nhất là về mặt môi trường. Họ có thể sẽ trở nên bần cùng hơn. Nhưng cuối cùng, ông vẫn sẵn sàng sử dụng một tỷ lệ chiết khấu cao hơn nhằm tính đến khả thể các thế hệ tương lai sẽ giàu có hơn chúng ta.
Tuy nhiên, cuối cùng, Stern cảnh báo chúng ta không nên tập trung quá nhiều vào các kỹ thuật về việc chiết khấu khi quyết định phải làm gì với biến đổi khí hậu. Nhận định mà chúng ta đang đối mặt khá phức tạp: Chọn một con đường phát triển xanh-sạch hơn sẽ phải trả chi phí cao hơn, nhưng nó có thể mang lại nhiều lợi ích ngoài mong đợi. Và sự lựa chọn này cũng bao gồm các vấn đề về độ rủi ro, và cũng là những vấn đề phán đoán về giá trị: Chúng ta sẵn sàng chịu đựng được bao nhiêu rủi ro do suy thoái kinh tế? Chúng ta sẽ chi trả bao nhiêu để giảm các rủi ro có thể xảy ra cho các thế hệ tương lai? Làm cách nào chúng ta có thể xử lý thảm hoạ do biến đổi khí hậu gây ra? Có rất ít sự đồng thuận trong xã hội về vấn đề này, bởi vì mọi người có khả năng chịu đựng rủi ro khác nhau. Vì thế, ông đề nghị một lối tiếp cận đưa ra quyết định toàn diện. Chúng ta không nên chỉ cân nhắc các chi phí của việc hành động so với chi phí của việc không hành động. Chúng ta cũng nên phác thảo một số lộ trình phát triển hợp lý cho tương lai và xem xét mỗi lộ trình đó có thể giảm thiểu rủi ro thảm họa đến mức nào, và liệu nó có làm tăng các lựa chọn phát triển kinh tế trong tương lai hay không. Ngoài ra, chúng ta nên xem xét liệu các ước tính về chi phí và lợi ích trong những lộ trình phát triển có khả năng đáng tin cậy hơn so với các các lộ trình khác hay không (nghĩa là mức độ không chắc chắn vốn có trong mỗi lộ trình). Không có gì đáng ngạc nhiên khi Stern kết luận rằng việc chuyển từ nhiên liệu hóa thạch sang các công nghệ giảm phát thải khí nhà kính là lựa chọn tốt hơn cho con người ở hiện tại và tương lai, tất cả đều đã được đưa vào cân nhắc.
Giá trị kinh tế
Các nhà kinh tế giống với các nhà đạo đức đều quan tâm đến những điều người ta đánh giá và xem họ đánh giá điều đó như thế nào. Tuy vậy, các nhà kinh tế chỉ tập trung vào một khía cạnh hoặc một loại giá trị: giá trị kinh tế. Hàng hoá và dịch vụ có giá trị kinh tế nếu như con người thực sự đánh giá cao chúng, cũng như sẵn sàng trả tiền để có được chúng. Do đó, các nhà kinh tế tiếp cận với các vấn đề giá trị một cách thực nghiệm (tương tự như các nhà nhân chủng học) hơn là hỏi những gì chúng ta nên định giá trị. Bộ môn kinh tế học đã phát triển các thước đo giá trị kinh tế rất tinh vi, cùng với các lý thuyết giải thích cách tối đa hóa loại giá trị đó.
Các nhà kinh tế học nhận thấy rằng nhiều thứ chúng ta coi trọng lại không được mua bán trên thị trường. Tiền bạc không thể mua được tình yêu hay một nhân cách tốt, một gia đình hạnh phúc hay một cuộc sống có ý nghĩa. Nhưng một vài thứ đáng kinh ngạc lại có thể trở thành hàng hoá thị trường. Ví dụ, một hệ thống cho phép ô nhiễm có thể cho bạn quyền đưa chất thải vào môi trường. Cho phép người dân mua bán sự cho phép đó sẽ tạo nên một thị trường về quyền được gây ô nhiễm.
Tuy nhiên chúng ta có nên tạo ra những thị trường như thế? Các nhà kinh tế học có thể cho bạn biết một thị trường sẽ ảnh hưởng như thế nào đến giá trị kinh tế; ví dụ, các mô hình kinh tế cho thấy rằng chúng ta có thể đạt được việc kiểm soát ô nhiễm nhiều hơn với mức giá thấp hơn bằng cách tạo ra thị trường cho phép ô nhiễm. Tuy nhiên, họ không thể nói về việc liệu chúng ta có nên cố gắng làm giàu theo cách này hay không. Chúng ta có thể quan ngại rằng loại hệ thống này có thể ảnh hưởng xấu đến tính cách của chúng ta, bằng cách dạy chúng ta coi ô nhiễm như một giá trị hợp lý để kinh doanh thay vì đó là một cuộc tấn công hủy hoại cộng đồng sinh vật. Phân tích kinh tế cũng thường bỏ qua giá trị kinh tế đối với các loài khác con người. Bởi vì động vật không mua bán, các nhà kinh tế học không có cách nào để cân nhắc xem chúng có thể định giá nước sạch hoặc không khí sạch đến mức nào. Điều quan trọng là phải hiểu những hạn chế này khi dựa trên phân tích kinh tế.
Chuyển ngữ: Học viên Phaolô Nguyễn Xuân Danh
Nguồn: Kimberly K. Smith, Exploring Environmental Ethics – An Introduction,
(Carleton College, Northfield: Springer, 2018), 60-62