Nội dung:

5.1 Tương lai của khu đất Spring Lakes

5.2 Các thế hệ tương lai

5.3 Các thế hệ tương lai và chính sách công

5.3.1 Đạo đức học và việc chiết khấu cho chính sách khí hậu.

5.3.2 Kiểm soát dân số.

5.4 Trở lại với vấn đề tương lai của khu đất Spring Lakes

5.5. Phần đọc thêm

5.3 Các thế hệ tương lai và chính sách công

Sự bất định của tương lai đặc biệt gây ra những phiền toái đối với chính sách môi trường. Hãy xét đến trường hợp của việc biến đổi khí hậu: Vì hiệu ứng khí nhà kính vẫn kéo dài trong bầu khí quyển nên bất kỳ chính sách hữu hiệu nào nhằm chống lại việc thay đổi khí hậu cũng phải có tầm nhìn kế hoạch dài hạn. Những quyết định chúng ta thực hiện ngay thời điểm này sẽ tác động đến các thế hệ tương lai trong khoảng 100 hay 200 năm sau. Một số chuyên gia chính sách biến đổi khí hậu cho rằng vì những bất định này, chúng ta không nên quá đặt nặng bổn phận của mình với các thế hệ tương lai; nghĩa là, chúng ta nên tập trung phát triển sự hạnh phúc thịnh vượng của mình và chăm sóc những con người đang sống trong hiện tại. Luận lý này có thể nhận được một số ủng hộ ngầm từ Vấn đề không đồng nhất của Parfit: Tóm lại, phải chăng ngay cả khi chúng ta mang đến cho các thế hệ tương lai một thế giới có khí hậu bất ổn đi nữa, thì điều đó chắc chắn vẫn tốt hơn là thế hệ đó không tồn tại trong tương lai?

          Nhà kinh tế học người Anh Nicholas Stern đã chỉ trích lập trường này. Ông cho rằng chúng ta phải có bổn phận như nhau đối với tất cả mọi thế hệ, cả trong hiện tại và tương lai. Công bình là phải đối xử bình đẳng, và chúng ta không có một lý lẽ nào biện minh cho việc mình đối xử với các thế hệ tương lai khác với những người trong hiện tại. Theo ông, việc không coi trọng lợi ích của những người trong tương lai đơn thuần là một thành kiến theo Chủ nghĩa Hiện tại (Presentist bias).Điều đó giống như việc chúng ta “bán anh em xa, mua láng giềng gần”. (Về mặt đạo đức, các công dân có thể thiên vị bạn bè thân thiết của họ, nhưng những nhà hoạch định chính sách phải công tâm và vô tư hơn). Stern cũng cho rằng chúng ta có đủ tự tin ước tính những tác động có thể xảy ra của việc biến đổi khí hậu để nhận biết rằng: Cơ bản mà nói một thế giới ngày càng mát mẻ sẽ tốt cho các thế hệ tương lai hơn là một thế giới ngày một ấm lên. Phân tích của Stern đi đến kết luận chúng ta phải sẵn sàng hy sinh 1% tổng GDP mỗi năm để giữ cho nhiệt độ trung bình toàn cầu không tăng quá 5 độ C. (GDP thế giới vào khoảng 50 nghìn tỷ đô la khi ông công bố lập luận này, vì vậy ông đã gợi ý rằng chúng ta nên chi 0,5 nghìn tỷ đô la hàng năm cho việc giảm phát thải khí carbon). Dĩ nhiên, Stern hiểu rằng đây là một số tiền khá lớn để chi cho những con người chưa biết được họ có hiện hữu trong hàng trăm năm nữa hay không. Do đó, ông cũng cho rằng số tiền chúng ta bỏ ra để phát triển các công nghệ sạch, có thể tái tạo và hiệu quả hơn, sẽ tạo thêm những lợi ích đối với phúc lợi của con người trong tương lai gần. Vì thế, ngay cả khi chúng ta sai lầm về những tác hại do biến đổi khí hậu tạo ra, chúng ta cũng sẽ không phải hối tiếc vì đã chọn đường lối phát triển xanh-sạch hơn này.

          Cả Stern và Parfit đều nhận ra rằng bất kể vấn đề nhận thức nào đi nữa, chúng ta không thể thuyết phục những con người như bà Judy K. rằng bà không nên lo lắng quá về các thế hệ tương lai. Ý tưởng cho rằng chúng ta đang để lại cho đời sau một thế giới tốt đẹp hơn nhằm giúp thỏa mãn nhu cầu của chúng ta về một cuộc sống ý nghĩa; đấy là một cách thức làm cho cuộc đời của chúng ta có ý nghĩa. Mặt khác, việc coi trọng lợi ích của tất cả các thế hệ tương lai giống với thế hệ hiện tại có vẻ không hợp lý. Chúng ta nào có biết gì về tương lai ở xa tít tắp, nhưng chúng ta lại thực sự biết được những đau khổ mà con người hiện tại đang phải gánh chịu ngay lúc này. Thách đố đó là phải tìm ra một con đường có thể vừa chu toàn bổn phận của chúng ta với con người ở hiện tại vừa mở ra nhiều lựa chọn cho các thế hệ tương lai. Các phần tiếp theo sẽ khám phá những thách đố đó trong bối cảnh của hai vấn đề quan trọng liên quan đến việc quản trị môi trường toàn cầu: thiết lập tỷ lệ chiết khấu cho chính sách khí hậu và giải quyết vấn đề bùng nổ dân số.

Chuyển ngữ: Học viên Phaolô Nguyễn Xuân Danh

Nguồn: Kimberly K. Smith, Exploring Environmental Ethics – An Introduction,
(Carleton College, Northfield: Springer, 2018), 59-60

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *