Những lời này trích ở phần mở đầu của thư thánh Phao-lô gửi các tín hữu Ga-lát. Chúng gồm một lời chào thăm (cc. 1-5) và một phần diễn tả sự ngạc nhiên (cc. 6-10). Bài đọc hôm nay không sử dụng toàn bộ lời chào thăm của thánh Phao-lô, bỏ cc. 4-5, trong đó ngài có một trình bày quan trọng về Đức Ki-tô Giê-su “Đấng đã tự hiến mình vì tội lỗi chúng ta để cứu chúng ta khỏi cõi đời xấu xa hiện tại.” Tuy nhiên, không ít độc giả sẽ hiểu nhầm ý của thánh Phao-lô. Ngài đã không nhận chức tông đồ từ, hoặc qua, con người nhưng qua Đức Ki-tô Giê-su và qua Thiên Chúa, Đấng đã làm cho Đức Ki-tô trỗi dậy từ cõi chết. Tất nhiên, thánh Phao-lô đang ám chỉ ơn gọi và cuộc hoán cải của ngài, trọng tâm của bài đọc tuần tới.

Khi được so sánh với những lời chào thăm của thánh Phao-lô trong các lá thư khác, lời chào thăm của các tín hữu Ga-lát gây chú ý bởi độ dài và cách nói đanh thép, trong đó ngài nhấn mạnh đến nguồn gốc thánh thiêng nơi chức tông đồ của mình. Ngài khiến các tín hữu Ga-lát ý thức rằng chức tông đồ của ngài khởi nguồn trong Đức Ki-tô và Thiên Chúa. Trong bài đọc tuần tới, thánh Phao-lô sẽ nói điều tương tự về tin mừng mà ngài loan báo giữa các Dân Ngoại, rồi từ đó thiết lập nên nguồn gốc thánh thiêng của tin mừng ngài rao giảng cũng như chức tông đồ của ngài (xem 1:11).

Sau lời chào thăm này, thánh Phao-lô diễn tả một sự ngạc nhiên rằng các tín hữu Ga-lát đã quên đi một cách quá mau chóng tin mừng ngài đã loan báo cho họ. Phần này chắc hẳn khiến các tín hữu Ga-lát ngạc nhiên bởi vì, ở điểm này, các thư của thánh Phao-lô thường bao gồm một lời nguyện tạ ơn trong đó ngài cầu nguyện cho độc giả của lá thư và tạ ơn Chúa vì những ơn lành Chúa đã ban xuống trên họ. Thiếu đi một lời nguyện như vậy và được thay thế bằng phần ngạc nhiên không mong đợi này cho thấy có một sai lầm nào đó đang diễn ra.

Vấn đề là những nhà truyền giáo khác đã đến vùng Ga-lát và gây xáo động các tân tòng của thánh Phao-lô bằng cách loan báo một thông điệp mà ngài xem là một sự bóp méo tin mừng bởi vì nó đòi các tín hữu Ga-lát phải chịu cắt bì và phải giữ Luật Mô-sê, rồi lại phải tin vào điều Thiên Chúa đã thực hiện trong Đức Ki-tô. Kết cục, những kẻ gây rối ấy đã đặt lại vấn đề về sự tròn đầy của biến cố Đức Ki-tô. Chẳng có gì tệ hơn việc chân lý tin mừng gặp hiểm nguy.

Bản văn này là một ví dụ tuyệt diệu về lòng nhiệt huyết của thánh Phao-lô đối với chân lý tin mừng. Nó có thể được tóm tắt như sau: “Một người được nên công chính là nhờ lòng tin vào Đức Ki-tô chứ không phải nhờ thực thi Lề Luật” (2:16). Bởi vì chức tông đồ của thánh Phao-lô có nguồn gốc trong Đức Ki-tô và Thiên Chúa, các tín hữu Ga-lát có thể tin cậy vào tin mừng ngài đã loan báo cho họ. Để được chắc chắn, tin mừng ấy có thể được các tông đồ khác loan báo, nhưng nó không bao giờ được phép thỏa hiệp. Nó có thể được diễn tả bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, nhưng bất cứ điều gì chất vấn về sự tròn đầy của điều Thiên Chúa đã thực hiện trong Đức Ki-tô đều là một sự bóp méo tin mừng.

Trong khi các cộng đoàn [ngày nay] sẽ cảm nhận được cảm xúc và tính cấp thiết được diễn tả nơi bản văn này, nhưng đa số sẽ không hiểu được tại sao thánh Phao-lô lại viết như thế. Vì vậy, các nhà giảng thuyết phải nói đôi chút về vấn đề thánh Phao-lô đã phải đối mặt ở Ga-lát. Không cần phải trình bày quá bao quát và chi tiết, nhưng nên giải thích cuộc khủng hoảng thánh Phao-lô đã đối diện (một vài người đã chất vấn tin mừng ngài rao giảng), hồi đáp của ngài (đức tin trong Đức Ki-tô là nền tảng của tin mừng), và điều đang gặp nguy hiểm (chân lý tin mừng). Một bài giảng như thế sẽ tóm lược được thông điệp chính của thư Ga-lát và chuẩn bị cộng đoàn cho các bài đọc sau này.

Chuyển ngữ: Phaolô Nguyễn Hữu Phong, S.J.
Nguồn: Frank J. Matera, Strategies for Preaching Paul (Minnesota: The Liturgical Press, 2001), 
129-131.