Thư Phi-líp-phê trình bày cho các nhà giảng thuyết hai chủ đề thần học: sự tự xóa mình và sự bắt chước. Cả hai phải được hiểu trong bối cảnh rộng lớn hơn của đời sống cộng đoàn.
Sự Tự Xóa Mình
Sự tự xóa mình mà thư Phi-líp-phê nói đến được bắt nguồn trong kenosis hoặc mầu nhiệm tự huỷ của Đức Ki-tô, đấng đã không lợi dụng thiên tính của mình khi còn sống giữa trần gian. Bằng hành động tự xóa mình, vốn biến mình thành tôi tớ của mọi người, người đã tự huỷ đến độ chịu chết một cách ô nhục trên thập giá. Vì thế, sự tự xóa mình mà thư Phi-líp-phê nói đến là một hành động phục vụ có tính đại diện cho những người khác để xây dựng cộng đoàn.
Một khái niệm như thế thì xa lại với xã hội phương tây hiện đại vốn khuyến khích nhau tự thăng tiến mọi tiềm năng cá nhân để thực sự trở nên chính họ. Nó chỉ có nghĩa trong một cộng đoàn của các tín hữu có cùng tâm trí với nhau, những người cùng tuyên xưng rằng Đức Chúa của họ là tôi tớ của tất cả. Trong một bối cảnh như thế, sự tự xóa mình của Đức Ki-tô trở nên chìa khóa để có cùng một tâm trí trong đời sống cộng đoàn.
Sự Bắt Chước
Một chủ đề diễn ra trong tất cả các bài đọc Phụng vụ từ thư Phi-líp-phê là sự bắt chước: bắt chước Đức Ki-tô và bắt chước thánh Phao-lô. Chủ đề này bắt rễ sâu xa từ trong lòng đạo đức Công Giáo, tiêu biểu nơi cuốn Bắt Chước Đức Ki-tô của Thomas à Kempis và cuốn Đời Sống của Các Thánh của Butler. Không may, nó đã bị lãng quên trong những năm gần đây, và xã hội thế tục ngày nay lại tô vẽ nên nhiều kiểu mẫu khác để các tín hữu bắt chước, thường là nơi các nhân vật thể thao hoặc truyền hình giải trí.
Vì thế, các nhà giảng thuyết cần phải khôi phục lại chủ đề về sự bắt chước. Sự bắt chước là cách nói của thánh Phao-lô về chức môn đệ và có thể được tóm kết theo cách sau. Các tín hữu bắt chước Đức Ki-tô bằng cách bắt chước kiểu mẫu của ngài trong việc vâng phục cho đến đến trên thập giá. Họ tham dự vào cái chết của Đức Ki-tô dành cho thế giới với niềm hy vọng vững chắc rằng Thiên Chúa sẽ nâng họ dậy từ cái chết, giống như ngài nâng dậy chính Người Con biết vâng lời của ngài. Bởi vì thánh Phao-lô đã đồng hóa mình với kiểu mẫu của cái chết và sự phục sinh của Đức Ki-tô, ngài kêu gọi người khác hãy bắt chước ngài để họ có thể bắt chước Đức Ki-tô. Thực ra, ngài cho các cộng đoàn một kiểu mẫu giải thích cho ý nghĩa của việc chết và sống với Đức Ki-tô. Người ta lúc nào cũng có nhu cầu thấy những kiểu mẫu giúp họ nhận ra ý nghĩa của việc sống trong và cho Đức Ki-tô. Các tín hữu thời nay phải trở nên những mẫu gương như thế để những người khác bắt chước theo.
Chuyển ngữ: Phaolô Nguyễn Hữu Phong S.J.
Nguồn: Frank J. Matera, Strategies for Preaching Paul
(Minnesota: The Liturgical Press, 2001), 52-53.