(Hình ảnh tử internet)
Tóm lược
Mở đầu bằng việc nêu ra một căng thẳng liên quan đến mối tương quan dai dẳng giữa chủ thể – đối thể, dựa trên quan điểm của Merleau-Ponty, bài viết được chia thành ba chương chính. Chương I trình bày sự nhập cuộc của hiện tượng luận như một giải pháp đảm nhận nghịch lý nhị nguyên giữa chủ thể – đối thể; những điểm quan trọng [về thân xác (body/ la corpe)] trong Hiện tượng luận về Tri giác của Merleau-Ponty sẽ được nhắc đến như bước đột phá; tuy nhiên vẫn còn đó sự dang dở như chính Merleau-Ponty thừa nhận: “Những vấn đề đặt ra [trong Hiện tượng luận về Tri giác] không thể giải quyết được vì tôi bắt đầu ở đó từ sự phân biệt ‘ý thức’ – ‘đối thể’”. Chương II và III thao tác chủ yếu trên Hữu hình và Vô hình. Bắt đầu bằng việc phê bình triết học phản tư của Kant, biện chứng của Sartre và trực giác của Bergson, Merleau-Ponty chỉ ra sự cần thiết phải đi đến một lối tiếp cận mới của đối vấn. Không chỉ là phương pháp triết học, đối vấn là cách thức hiện hữu, được hậu thuẫn bởi một khái niệm mới: nhục thể (flesh/ la chair). Từ đây, Merleau-Ponty không còn đề cập đến ‘đối thể’ – ‘nhận thức’, thay vào đó là hữu hình và vô hình như những biến tấu của nhục thể. Chương III dành để thăm dò sâu hơn khi đề cập một hạn từ đặc biệt, “Chiasme”. Theo đó, ngang qua các đặc tính của tính kỷ ái, tính khả hồi và ‘hiện hữu tại…’, chiasme được diễn đạt như là cấu trúc của nhục thể. Cuối cùng, bài viết kết thúc với một số gợi mở từ những chất liệu của đề tài này.
Từ khoá: thân xác/cơ thể, nhục thể, đối vấn, hữu hình, vô hình, chiasme, Merleau-Ponty.