Một cách tuyệt đối, mọi tội lỗi, từ quá khứ, đến hiện tại và tương lai, đã được tha hết vào ngày hôm đó trên thập giá. Chúa chúng ta là một hiện tại vĩnh cửu (an eternal now). Ngài hiện hữu ngoài thời gian, vì thời gian là một sáng tạo của Thiên Chúa và hành động của Ngài có thể áp dụng cho muôn đời. Tuy nhiên, chúng ta phải đạt được ơn cứu rỗi qua thời gian. Do đó, chúng ta cần các bí tích, đặc biệt là bí tích giải tội, ban hiệu năng cứu độ nơi máu thánh Chúa Kitô cho các linh hồn bị tổn thương của chúng ta.
Chúa chúng ta, trong sự khôn ngoan và thông hiểu của Ngài, biết rằng chúng ta sẽ sống với hệ quả của tội nguyên tổ, được gọi là dục vọng (concupiscence)[1]. Mặc dù chúng ta được tạo ra tốt lành, và nhờ bí tích Rửa Tội, chúng ta đã được cứu chuộc nhờ máu thánh Chúa Kitô, chúng ta vẫn có thể sử dụng ý chí tự do của mình và tự do từ chối những ân huệ này của Thiên Chúa. Chúng ta có thể chọn không hợp tác với sự phong phú của ân sủng mà Thiên Chúa thông ban cho chúng ta qua các bí tích. Do đó, Chúa Kitô đã thiết lập bí tích Giải Tội như một phương tiện của lòng thương xót và chữa lành. Trong Máccô 2:17, Chúa Giê-su tuyên bố, “…Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.”
Biết rằng chúng ta có một ý chí yếu đuối, một lý trí mờ tối và những đam mê đôi khi trở nên thái quá, Ngài hiểu rằng chúng ta sẽ rơi vào tội lỗi và sẽ cần ơn tha thứ của Ngài. Quy chiếu Kinh Thánh truyền thống về việc thiết lập bí tích Giải Tội là Mátthêu 16: 13 – 19. Trong đoạn này, Chúa chúng ta trao chìa khóa Nước Trời cho các tông đồ và các đấng kế vị, giám mục và linh mục. Trên thực tế, một trong những biểu tượng cổ xưa nhất để biểu thị bí tích Giải Tội là hai chiếc chìa khóa đặt chéo nhau. Nó biểu thị sự cầm buộc và tháo cởi. “Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy” (Mt 16:19).
Trên thực tế, linh mục dùng quyền cầm buộc và tháo cởi này nhân danh Chúa Kitô. Chúa Kitô tháo cởi với chìa khóa của ơn tha tội, nhưng tội sẽ không được tháo cởi khi người ta không hối cải và không có ý định thay đổi. Linh mục, trong ngai tòa thiêng liêng của bí tích, phải phán đoán ý hướng của hối nhân. Mặc dù hiếm khi ngài trì hoãn ban bí tích và từ chối xá giải, nhưng điều đó cũng có thể xảy ra. Nếu một người thú nhận phạm tội sử dụng các biện pháp ngừa thai (nhân tạo[2]) và không có ý định thay đổi cuộc sống của họ vì điều đó quá khó khăn hoặc chỉ là họ không muốn, thì vị linh mục phải từ chối ban ơn tha tội cho đến khi ngài có thể chắc chắn rằng hối nhân thống hối và muốn thay đổi.
Chuyển ngữ: Nhóm Maiorica, Học viện Dòng Tên
Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D., The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question, (Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007), 112-13.
[1] X. Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo số 405 [chú thích của người dịch]
[2] Chú thích của người dịch.