Thường thì người ta nghĩ rằng cha mẹ đỡ đầu (godparent) chỉ như một chi tiết thêm vào trong nghi thức rửa tội. Nhưng Giáo Luật trao trách nhiệm nhiều hơn cho những “người làm chứng” này. ‘Cha mẹ đỡ đầu’ (godparent) và ‘người đỡ đầu’ (sponsor) là những thuật ngữ tương đồng hay có thể sử dụng thay thế nhau. Cha mẹ đỡ đầu đi vào một mối tương quan thiêng liêng với người được rửa tội. Nước rửa tội của Giáo Hội được xem như là ‘cung lòng’ hạ sinh đời sống vĩnh cửu. Nhờ Bí tích rửa tội, chúng ta trở thành nghĩa tử của Thiên Chúa, gọi Thiên Chúa là Cha và Giáo hội là mẹ. Chúng ta cần người đỡ đầu để hướng dẫn chúng ta bằng lời cầu nguyện và gương mẫu trong hành trình đức tin.
Trong xã hội hôm nay, khi không còn thực thi quyền chăm sóc, vai trò của người đỡ đầu hoàn toàn mang tính thiêng liêng. Ngoài việc cầu nguyện cho đứa trẻ, người đỡ đầu nên tham dự một cách tích cực với tư cách là một mẫu gương Kitô hữu cho đời sống của em. Cha hoặc mẹ đỡ đầu là một ‘người hướng dẫn’ thiêng liêng, người dạy dỗ ngang qua gương sáng. Các thánh cho chúng ta những mẫu gương sống đức tin thế nào thì cha mẹ đỡ đầu cũng nên trở thành mẫu gương sống động trong đời sống đức tin như vậy. Cha mẹ đỡ đầu trợ giúp các bậc cha mẹ trong việc giáo dục đức tin Công Giáo cho con cái mình. Họ không thay thế vai trò của cha mẹ, những nhà giáo dục chính yếu trong việc giáo dục đức tin. Tuy nhiên, đôi lúc khi cha mẹ yếu đuối trong đức tin, thì không phải là một điều bất thường nếu như cha mẹ đỡ đầu can thiệp để đảm bảo rằng các em được nuôi dưỡng một cách thích hợp trong Giáo Hội.
Chuyển ngữ: Nhóm Maiorica, Học viện Dòng Tên
Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D., The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question, (Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007), 102-103.