Chính yếu thì đây là vấn đề thuộc lịch sử. Nhiều giáo phái Tin Lành có nguồn gốc từ các giáo phái Tin Lành trước đó, vốn tách ra từ Giáo Hội Công Giáo Rôma vào thời Cải Cách (Reformation). Anh Giáo (Anglican) [và Giáo Phái Episcopal của Anh Giáo], Giáo Hội Luther, Giáo Hội Calvin hay Giáo Hội Cải Cách là bốn nhánh chính trong thế kỷ 16. Những thế kỷ sau chứng kiến một sự phân chia nhỏ hơn giữa các Giáo Hội này (như các Giáo Hội Methodist, Trưởng Lão (Presbyterian church), Congregational, and Báp-tít (Baptist)). Càng xa rời nguồn gốc, hình thức càng trở nên khác biệt. Các Hội Thánh Tin Lành khác nhau nhấn mạnh các điều khác nhau. Ví dụ, phái Báp-tít (Baptist) nhấn mạnh đến phép rửa dành cho người lớn (hơn là cho trẻ sơ sinh hay trẻ nhỏ) để những người lãnh nhận bí tích này ý thức rằng mình đã được cứu độ. Giáo Phái Tin Mừng (Evangelicals) và Ngũ Tuần (Pentecostals) nhấn mạnh Chúa Thánh Thần và được đổi mới trong Thánh Thần. Phái Trưởng Lão (Presbyterians), phái Calvinists, và phái Congregationalists coi thuyết giảng là quan trọng nhất. Mọi phái Tin Lành đều đồng ý về tầm quan trọng của phép rửa và nhìn nhận nó là bí tích. Thánh Thể (Holy Communion hay Holy Eucharist) đôi khi được gọi là “Bữa Ăn Tối của Chúa” cũng được coi là một bí tích bởi các nhánh chính của phái Tin Lành mặc dù họ quan niệm rất khác về bản thể và hiệu năng của bí tích này. Hôn nhân Kitô giáo không được gọi là một bí tích trong hầu hết những giáo hội Chính Thống không thuộc Công Giáo hay không thuộc Đông Phương, nhưng được xem như là một bậc sống thánh thiện và một nghi lễ không thể bỏ qua hoặc thiếu tôn trọng. Những bí tích “Công Giáo” khác – chẳng hạn, Thêm Sức, Truyền Chức, Sức Dầu Bệnh Nhân, và Thống Hối (Xưng Tội) – chỉ có hiệu năng thuộc về nghi thức trong quan niệm của Tin Lành. Chính Thống Đông Phương có cả bảy bí tích hợp pháp.
Nhiều giáo phái Tin Lành có những nghi thức chỉ định, ám chỉ hay biểu trưng cho các bí tích như việc cử hành bữa Tiệc Ly hay thêm sức. Nhưng cách hiểu của họ là các nghi thức này không có gì hơn ngoài diễn lại có tính biểu tượng hoặc có tính ẩn dụ (những gì đã diễn ra trong Kinh Thánh). Những ly khai càng gần với gốc Công Giáo, càng gìn giữ được bảy bí tích. Chẳng hạn, nhiều tín hữu Anh Giáo (vài người trong số họ tự gọi mình là Công Giáo Anh) tuyên bố cử hành cả bảy bí tích.
Trong khi Anh Giáo và Công Giáo đồng ý rằng Đức Kitô thiết lập bảy bí tích, nhưng không đồng thuận về tính liên tục và hợp pháp của việc của hành các bí tích. Tất cả các nhánh chính của Kitô Giáo có bí tích rửa tội hợp pháp dưới nhãn quan Công Giáo, do đó, người Tin Lành trở lại không cần phải rửa tội lại trừ khi có một nghi ngờ nghiêm trọng về chất thể (đổ hay dìm vào trong nước) hay mô thể (tuyên xưng công thức rửa tội nhân danh Ba Ngôi). Giáo Hội Công Giáo cũng công nhận tính thành sự của hôn nhân Kitô Giáo bất cứ khi nào hai người đã được rửa tội (một người nam và một người nữ) bước vào hôn nhân thánh đầu tiên trong ý muốn tự do của họ. Nhưng Giáo Hội Công Giáo từ chối tính thành sự của các bí tích của các giáo phái khác (ví dụ như bí tích Thêm Sức, Truyền Chức,…) vì có một sự tách rời nghiêm trọng với tính tông truyền đối với việc tấn phong các giám mục, các linh mục và phó tế cũng như việc sử dụng các lời hoàn toàn khác và ý hướng của thừa tác viên trong tương quan với điều mà Hội Thánh Công Giáo sử dụng và thấy là cần thiết.
Như đã nói, từ thời các tông đồ, Hội Thánh Công Giáo luôn tin và cử hành bảy bí tích do Chúa Giêsu Kitô thiết lập để thông ban ân sủng. Cả Bảy bí tích này có nguồn gốc trong Thánh Truyền và được đề cập đến trong Kinh Thánh: Rửa Tội (Mt 28:18–20), Thêm Sức (Cv 8:14–17, 9:17–19, 10:5), Thánh Thể (Mt 26:26–28, Mc 14:22–25, Lc 22:7–20, Ga 6:25–71), Thống Hối (Ga 16:1–8, Mt 16:13–19), Xức Dầu Bệnh Nhân (Gc 5:13–16), Hôn Phối (Mt 19:3–12), và Truyền Chức (Cv 14:22–23, Dt 5:1–10). Các bí tích này được xem như toàn bộ cơ câu tương ứng với những giai đoạn tự nhiên và siêu nhiên của đời sống, như là các bí tích khai tâm, các bí tích chữa lành và các bí tích xây dựng cộng đoàn.
Chuyển ngữ: Nhóm Maiorica, Học viện Dòng Tên
Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D., The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question, (Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007), 91-92.