Cánh Chung Học (Eschatology) (từ tiếng Hy Lạp ta eschata) nghĩa là “môn học về những điều sau hết.” Cánh Chung Học là một nhánh thần học, tập trung vào những gì truyền thống gọi là “tứ chung”, bao gồm cá nhân (sự chết, sự phán xét, thiên đàng, và hỏa ngục) và phổ quát (cuộc tái lâm của Chúa Kitô, sự sống lại của kẻ chết, sự phán xét chung, và tận thế). (Xem câu hỏi số 64).
Con người sẽ trải nghiệm, một cách cá nhân, việc chấm dứt cuộc sống dương gian của mình, và sau đó, tại một thời điểm mà chỉ một mình Thiên Chúa biết, toàn bộ thế giới (và vũ trụ vật chất) cũng sẽ đi đến hồi kết. “Tứ chung” đầu tiên xảy ra khi một ai đó chết và “tứ chung” thứ hai xảy ra vào ngày tận thế. Mỗi người trên trái đất, kể từ thời của A-đam và E-và, đã hoặc sẽ kinh nghiệm sự chết. Sáng thế 2:17 coi cái chết là hình phạt do tội lỗi, và vì tất cả chúng ta đều phạm tội cách này hay cách khác, nên tất cả chúng ta đều phải chết một ngày nào đó (Rô-ma 5:12).
Chuyện gì sẽ xảy ra cho người ta sau khi chết? Cuộc phán xét riêng xảy ra ngay khi người đó qua đời. Về mặt triết học và thần học, chết là khi linh hồn bất tử rời khỏi thân xác. Xác chết bắt đầu xơ cứng, và cuối cùng là thối rữa và phân hủy. Vì linh hồn bất tử, nên linh hồn không thể tồn tại nơi thế giới vật chất như trái đất mà không có thân xác thể lý. Do đó, cuộc phán xét riêng sẽ diễn ra ngay khi cái chết xảy ra. Chúa Giêsu Kitô xuất hiện, không phải như một Đấng Cứu Độ và Cứu Chuộc như Ngài đã làm ở trần gian vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh; thay vào đó, Ngài xuất hiện như một Vị Thẩm Phán của người sống và người chết. Người chết được phán xét bởi cuộc sống mà người đó đã sống trên đời.
Tránh phạm tội (giữ các điều răn) chỉ là một nửa nhiệm vụ mà mỗi người được Chúa trao phó. Nửa còn lại là hãy làm điều tốt. Người ta đã làm gì trong đời họ? Nói “tôi không giết người”, “tôi không ăn cắp” hay “tôi không làm sự dâm dục” là chưa đủ, mặc dù tránh những điều ấy hoặc bất kỳ tội lỗi nào như thế đã là một điều tốt. Mát-thêu 25: 31–46 kể lại dụ ngôn, trong đó, Chúa Giêsu là mục tử phân tách chiên với dê. Chiên được đặt bên phải, còn dê bên trái. Những người bên phải được lên thiên đàng, còn những người bên trái phải xuống hỏa ngục. Điều gì quyết định bạn là chiên hay dê? Đoạn đó cũng cho thấy rằng chiên là những người quan tâm đến người khác (bạn bè, hàng xóm và khách lạ), trong khi dê là những người phớt lờ nhu cầu của anh chị em mình. Chúa Giêsu nói với những người bên trái trong phúc âm của thánh Mát-thêu rằng, ‘Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm viếng.’ Họ cũng sẽ trả lời, ‘Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói, khát, hoặc là khách lạ, hoặc trần truồng, đau yếu hay ngồi tù, mà không phục vụ Chúa đâu?’ Bấy giờ Người sẽ đáp lại, ‘Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy.’ Thế là họ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng sự sống muôn đời.”
Những tội “không làm”, chẳng hạn, thiếu lòng thương xót cả thể xác lẫn tinh thần (xem Câu hỏi số 148) là bằng chứng cáo buộc bạn là dê và sẽ được đặt ở bên trái để vào hỏa ngục. Người ta thường nghĩ rằng ơn cứu độ được đảm bảo cho họ, miễn là họ có đức tin, và nhất là không phạm tội, vì vậy không cần phải “làm điều thiện”. Tuy nhiên, Mát-thêu 25 cho thấy không hề có chất vấn về những gì người ta tin; thay vào đó, họ bị phán xét về việc liệu họ có thực hành niềm tin của mình hay không.
Giáo lý Công giáo dạy rằng trong cuộc phán xét riêng, một trong ba phán quyết có thể xảy ra. Một là trường hợp tồi tệ nhất: một người xấu xa và vô luân không chỉ phạm tội trọng và không hoán cải, mà còn không biết giúp đỡ người khác. Người đó bị kết án phải xuống hỏa ngục. Trường hợp khác tốt nhất; một người tốt lành và thánh thiện đã giữ các điều răn, sống một đời sống đạo hạnh và thánh thiện, luôn giúp đỡ khách lạ cũng như bạn bè. Họ sẽ được thưởng niềm vui của thiên đàng.
Khả năng thứ ba (ở giữa) là người không quá xấu để phải vào hỏa ngục nhưng cũng không đủ tốt để được lên thẳng thiên đàng. Tội lỗi ở trần gian của họ được tha thứ nhưng vẫn còn một cái gì đó gắn với tội lỗi (họ có những ký ức nghiêng chiều về một số tội). Họ cần thanh tẩy (thanh luyện) cách nào đó; do đó, họ đi vào luyện ngục trước khi lên thiên đàng. (Xem Câu hỏi số 67.) Mọi người trong luyện ngục đều hoàn toàn được đảm bảo lên thiên đàng, nhưng trước tiên họ phải loại bỏ bất kỳ và tất cả những đam mê về tội trước khi bước qua cánh cổng thiên đàng.
Chuyển ngữ: Nhóm Maiorica, Học viện Dòng Tên
Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D., The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question, (Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007), 70-71.