(Hình ảnh từ internet)
Phong trào đại kết là nỗ lực của Giáo hội nhằm xây dựng những nhịp cầu đối thoại giữa Giáo hội với các tôn giáo khác. Đây không phải là kế hoạch để thiết lập một tôn giáo duy nhất, có mẫu số chung thấp nhất, nơi các học thuyết và luật lệ bị pha trộn và thỏa hiệp để bất kỳ ai và tất cả mọi người đều có thể gia nhập. Phong trào đại kết thừa nhận thực tế lịch sử về những sai lầm và lạm dụng của các cá nhân trong Giáo hội và sự mất đoàn kết hiện đang tồn tại, đặc biệt là giữa nhiều hệ phái Kitô giáo. (Xem Câu hỏi 211 và 232 để biết thêm về những chia rẽ và hệ phái này nổi lên như thế nào.)
Phong trào đại kết Công giáo không cố gắng áp đặt sự hợp nhất, cũng không giả vờ đã đạt được sự thống nhất hoàn toàn rồi. Công việc đại kết cố gắng chữa lành vết thương cũ do sự chia rẽ gây ra, nhưng không phải bằng cách thay đổi giáo thuyết. Đại kết Công giáo tìm kiếm sự hợp tác và tôn trọng lẫn nhau bất cứ khi nào có thể. Ví dụ, các công việc bác ái đã được thực hiện bởi các tổ chức từ thiện Công giáo và các dịch vụ xã hội của các tín hữu Tin Lành Luther. Các buổi cầu nguyện tạ ơn đã được tổ chức trên khắp nước Mỹ, nơi những người theo đạo Tin Lành, Công giáo, Do Thái giáo, Hồi giáo và những tôn giáo khác quy tụ lại với nhau và bày tỏ lòng biết ơn vì những phúc lành Thiên Chúa đã ban cho đất nước.
Phong trào đại kết cố gắng tránh những tranh cãi chửi rủa, và thay vào đó là trình bày các học thuyết trong bối cảnh song đôi, tức là cố gắng cho thấy rằng Công giáo có được sự toàn vẹn của chân lý và ơn sủng, nhưng đồng thời các Giáo hội khác cũng có một số chân lý và một số ơn sủng. Vì vậy, không còn tồn tại tư tưởng: “Chúng tôi đúng, và các bạn sai”; nhưng đúng hơn đó là: “Chúng tôi có được một câu chuyện đầy đủ và hoàn chỉnh”. Vì các bí tích của Giáo hội Chính Thống Đông Phương đều có hiệu lực, nên những nỗ lực để thống nhất Giáo hội này với Giáo hội Công giáo Latinh là ưu tiên hàng đầu của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, cũng như của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI. Việc hợp nhất với các tín hữu Tin Lành trở nên khó khăn hơn do sự khác biệt rất lớn và nghiêm trọng về giáo thuyết, Giáo luật và phụng vụ. Tuy nhiên, các Đức Giáo Hoàng và các Công đồng đã không ngừng nỗ lực làm việc cùng với những người anh em Kitô hữu này để phục vụ người nghèo, chăm sóc bệnh nhân và thăng tiến hòa bình.
Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D.,
The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question,
(Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007). 385.