Trong quá khứ, người ta đã từng dùng một chiếc búa nhỏ bằng bạc gõ ba lần theo nghi thức lên trán của vị Giáo Hoàng vừa qua đời và gọi tên thánh của ngài để đảm bảo rằng ngài đã chết chứ không phải đang ngủ. Ngày nay, bác sĩ của Đức Giáo Hoàng sẽ tuyên bố với vị Hồng y cao niên nhất khi Đức Giáo Hoàng đã chết về mặt y học. Tới lượt mình, vị Hồng y này sẽ thông báo cho tất cả các Hồng y đủ điều kiện bầu Giáo Hoàng trên toàn thế giới (dưới tám mươi tuổi) và công bố với thế giới rằng Đức Giáo Hoàng đã qua đời. Lễ tang và việc chôn cất Giáo Hoàng diễn ra từ 4 đến 6 ngày sau khi ngài tạ thế. Sau đó là thời gian để tang chín ngày (được gọi là novemdiales, tiếng Latinh có nghĩa là “chín ngày”). Mật nghị Giáo Hoàng để chọn người kế vị thường diễn ra sau 15 ngày khi Giáo Hoàng qua đời, nhưng cũng có thể được kéo dài tối đa là 20 ngày để các Hồng y đến được Vatican.
Mật nghị Hồng y (Conclave) xuất phát từ tiếng Latinh (cum + clave = với + chìa khóa) vì cửa Nhà nguyện Sistine thực sự bị khóa lại cho đến khi các Hồng y bầu chọn được Giáo Hoàng mới. Không có bầu cử sơ bộ, không có chiến dịch tranh cử, không có tranh cãi. Các Hồng y có thể bỏ phiếu cho bất kỳ người nam Công giáo nào mà họ chọn. Nhưng 99% các Mật nghị đều chọn một vị Hồng y làm Giáo Hoàng, vì các Hồng y đã biết nhau ở một mức độ nào đó; tuy nhiên, về mặt lý thuyết, bất kỳ Giám mục, linh mục, phó tế, hoặc giáo dân nào cũng có thể được bầu chọn.
Cần có 2/3 đa số phiếu để bầu một Tân Giám mục của Rôma và cũng là Giáo Hoàng của Giáo hội Công giáo. Tất cả các phiếu bầu đều là bí mật và nếu không có ai được bầu, rơm ướt sẽ trộn lẫn với các lá phiếu. Chúng sẽ được đốt và tạo ra khói đen để đám đông tụ tập ở Quảng trường Thánh Phêrô có thể nhìn thấy. Khói đen ám chỉ rằng chưa bầu được Giáo Hoàng. Nếu đã có người nhận được 2/3 đa số phiếu bầu, thì vị Hồng y đó sẽ được hỏi liệu ngài có chấp nhận việc bầu cử hay không. Nếu chấp nhận, ngài được hỏi sẽ lấy danh hiệu Giáo Hoàng là gì (giống như Gioan Phao lô II hay Bênêđictô XVI) và các lá phiếu được đốt mà không có rơm ướt để đám đông nhìn thấy bên ngoài có khói trắng bay ra, có nghĩa là: “Chúng ta có một Giáo Hoàng mới”. Các chuông nhà thờ được kéo vang để cho mọi người được biết cách chắc chắn.
Hai cuộc bỏ phiếu diễn ra mỗi ngày, và nếu không có ai có đa số 2/3 trên phiếu bầu thứ 22, thì người nào nhận được đa số (50% cộng thêm một) sẽ được chọn. Sau khi người được bầu chấp nhận và chọn danh hiệu Giáo Hoàng, sẽ có một Hồng y thông báo trên ban công của Đền thờ Thánh Phêrô: Annuntio vobis gaudium magnum: Habemus Papam! (“Tôi thông báo cho anh chị em một niềm vui lớn lao: Chúng ta đã có một vị Giáo Hoàng!”)
Nếu các Hồng y bầu một người không phải là Giám mục, thì trước khi được phong làm Giáo Hoàng, người đó phải được truyền chức và tấn phong Giám mục, vì Giáo Hoàng luôn đồng thời là Giám mục Rôma. Nếu là một giáo dân, anh cần phải được truyền chức phó tế, linh mục, rồi Giám mục trước khi được phong làm Giáo Hoàng. Theo truyền thống, mũ ba tầng (vương miện ba tầng) được sử dụng qua nhiều thế kỷ để “phong vương” cho Đức Giáo Hoàng, và nghi lễ này được gọi là lễ đăng quang của Giáo Hoàng, cho đến gần đây khi Đức Gioan Phaolô I từ chối việc đăng quang cũng như hai người kế vị tiếp theo của ngài, Đức Gioan Phao lô II và Bênêđictô XVI . Các Giáo Hoàng thích được đeo dây pallium trên người, đó là một dải len lông chiên giống như dây các phép, tượng trưng cho đẳng Giám mục. Tuy nhiên, các vị Giáo Hoàng trong tương lai chắc chắn có thể khôi phục lại thực hành của lễ đăng quang, vì Giáo Hoàng là người đưa ra các quy tắc. Lý do cho chiếc vương miện ba tầng có từ thời Trung cổ. Vào thời của Đế chế Rôma Thần thánh, các vị vua đội vương miện một tầng, và hoàng đế đội vương miện hai tầng. Giáo Hoàng đội vương miện ba tầng để biểu thị quyền tự chủ của mình khỏi sự kiểm soát của thế tục và quyền lực thiêng liêng tối cao của mình đối với thế giới thế tục. Vương miện cũng tượng trưng rằng trong vương triều Giáo hoàng có một người là hiện thân của cả quyền lực lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D.,
The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question,
(Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007). 380-381.