Giáo hội Công giáo được chia thành các địa hạt và khu vực khác nhau. Một phạm vi lãnh thổ nhất định được ấn định bởi chính Giáo hội địa phương tạo thành một giáo xứ. Tại giáo xứ, các tín hữu đã rửa tội được hướng dẫn bởi một cha sở. Ngài có trách nhiệm chăm lo cho nhu cầu được lãnh nhận các bí tích, các nhu cầu thiêng liêng và học hỏi giáo lý của giáo dân. Có hai loại giáo xứ: tòng nhân và tòng thổ. Các giáo xứ tòng thổ được xác định thông qua việc phân chia ranh giới đất đai, và các giáo xứ tòng nhân được xác định theo sắc tộc hay quốc tịch của các tín hữu. Ví dụ, trong một thành phố có thể có mười giáo xứ Công giáo. Trong số mười giáo xứ này, năm giáo xứ có thể là giáo xứ tòng nhân. Bất kỳ ai trong thành phố đó đều có thể gia nhập giáo xứ tòng nhân, miễn là họ thuộc về sắc dân đó. Còn tòng thổ là khi các tín hữu được xác định thuộc về một giáo xứ theo khu vực địa lý mà họ sinh sống. Ngày nay, các quy tắc đã được nới lỏng hơn, và nhiều giáo xứ tòng nhân có thể bao gồm các tín hữu thuộc các quốc tịch khác nhau thay vì chỉ có một quốc tịch như trước kia. Ngoài ra, mọi người có thể gia nhập các giáo xứ khác bên ngoài khu vực họ sinh sống nếu cha sở cho phép.
Giáo phận bao gồm nhiều giáo xứ lại với nhau. Giáo phận cũng được xác định theo lãnh thổ, thường là các tỉnh. Các cha sở, linh mục, phó tế, giáo sĩ, giám quản giáo phận là những người thuộc quyền của một Giám mục, vốn là thủ lãnh của giáo phận. Phủ giáo phận là trung tâm điều hành toàn giáo phận, và trong các phòng ban của phủ giáo phận có Giám mục, tổng đại diện, đại diện tư pháp, và tất cả các bộ phận khác. Văn phòng Giám mục giải quyết các vấn đề liên quan đến giáo sĩ và tín hữu của giáo phận.
Tổng giáo phận về cơ bản là một giáo phận, nhưng là một thành phố và địa hạt lớn. Thông thường, một tổng giáo phận cũng là một thành phố trung ương, và vị Giám mục của tổng giáo phận ấy được gọi là “Tổng Giám mục Chính Tòa” (metropolitan). (Thuật ngữ “metropolitan” được sử dụng để nói về tổng giáo phận cũng như Tổng Giám mục đứng đầu địa hạt ấy.) Một Tổng Giáo mục có những khác biệt nhất định. Trước hết, khi các Giám mục trong một tổng giáo phận đến Rôma để tham dự chuyến viếng thăm “Ad Limina”, vị Tổng Giám mục Chính Tòa có những vinh dự đặc biệt và sẽ là người đầu tiên được chào Đức Giáo Hoàng. Thứ hai, một Tổng Giám mục có thể trông nom một giáo phận thuộc hạt nếu có vấn đề phát sinh. Cuối cùng, các Tổng Giám mục thường có khuynh hướng được nâng lên thành Hồng y. Giáo phận và tổng giáo phận có thể có các Giám mục phụ tá được chỉ định để phụ giúp Đấng Bản Quyền. Eparchy là từ được dùng để chỉ một giáo phận trong Giáo hội Công giáo Đông Phương. Thuật ngữ này biểu thị một tỉnh lị theo cơ cấu phẩm trật Giáo hội. Người đứng đầu chính thức của một eparchy được gọi là eparch, tức là vị Giám mục thường quyền sở tại.
Tất cả các giáo phận và tổng giáo phận của một quốc gia tạo nên một Hội đồng Giám mục. Các Hội đồng Giám mục là cơ sở cấu thành của Hội đồng Giám mục Quốc gia. Cách chung, các Hội đồng Giám mục sẽ quyết định các quy tắc và luật lệ liên quan đến mọi tín hữu Công giáo thuộc hội đồng này. Hội đồng Giám mục có thể đưa ra các tuyên bố chung và khi Đức Giáo Hoàng cho phép các vấn đề cụ thể được quyết định theo khu vực, Hội đồng Giám mục có thể bàn thảo và đưa ra quyết định với sự phê chuẩn cuối cùng của Tòa Thánh.
Các Hội đồng Giám mục từ khắp nơi trên thế giới tạo nên Giáo hội hoàn vũ, có Đức Giáo Hoàng là thủ lãnh, với tư cách là Đại diện của Chúa Kitô. Đức Giáo Hoàng cũng là nguyên thủ quốc gia. Thành phố Vatican là một quốc gia tách biệt với nước Ý. Quốc gia Vatican có tiền tệ, tem thư, cảnh sát và chính phủ riêng. Với tư cách là nguyên thủ quốc gia, Đức Giáo Hoàng là người có quyền tối cao và quyền miễn trừ ngoại giao. Giống như các quốc gia khác, Vatican có ngoại giao đoàn trên toàn thế giới. Danh hiệu chính thức của một đại sứ của quốc gia Vatican là Sứ thần Tòa Thánh.
Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D.,
The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question,
(Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007). 355-356.