Thiên thần là các thụ tạo thiêng liêng; các ngài là những hữu thể thiêng liêng không có thể xác. Phẩm trật của các Thiên thần có ba cấp độ, theo thứ tự giảm dần, là:
1. Xêraphim, Kêrubim và Bệ thần (thrones)
2. Quản thần (dominations), Dũng thần (virtues), Quyền thần (powers)
3. Lãnh thần (principalities), Tổng lãnh Thiên thần (archangels), và Thiên thần (angles)
Ta có thể thấy một dẫn chứng liên quan đến Thiên thần Xêraphim trong Isaia 6:2: “Phía bên trên Người, có các Xêraphim đứng chầu. Mỗi vị có sáu cánh: hai cánh để che mặt, hai cánh để che chân và hai cánh để bay”. Thiên thần Kêrubim được đề cập đến trong Sáng Thế Ký 3:24: “Người trục xuất con người, và ở phía đông vườn Êđen, Người đặt các Kêrubim với lưỡi gươm sáng loé, để canh giữ đường đến cây trường sinh”. Các Bệ thần được nhắc đến trong Thánh vịnh 9:4: “Chúa là vị thẩm phán chí công, Ngài ngự toà xét xử, bênh vực và bảo vệ quyền lợi con”. Thánh Phaolô nói về các Tổng lãnh Thiên thần trong thư 1 Thêxalônica 4:16: “Vì khi hiệu lệnh ban ra, khi tiếng Tổng lãnh Thiên thần và tiếng kèn của Thiên Chúa vang lên”. Những phẩm trật khác của các Thiên thần không được tìm thấy trong các dẫn chứng Kinh Thánh, nhưng lại được đề cập đến trong các nguồn ngụy thư hoặc Sách Talmud (Các sách chú giải kinh thánh của các thầy Rabbi và học giả Do Thái).
Mỗi tên của một Thiên thần đều mang một ý nghĩa nào đó. Micae có nghĩa là “Ai bằng Thiên Chúa”. Raphaen có nghĩa là “Thiên Chúa chữa lành”. Gáprien có nghĩa là “Sức mạnh của Thiên Chúa”.
Ba Tổng lãnh Thiên thần được nêu tên xuất hiện trong Kinh Thánh. Tổng lãnh Thiên thần Micae được nhắc đến trong Sách Đanien 10:13: “Thiên sứ lãnh đạo vương quốc Ba Tư đứng chống lại ta hai mươi mốt ngày. Và này Micae, một trong các thiên sứ lãnh đạo cao cấp, đã đến trợ lực ta. Ta để người ở đó, bên cạnh các vua Ba Tư”. Tổng lãnh Thiên thần Gáprien được trình bày trong Luca 1:19: “Sứ thần đáp: ‘Tôi là Gáprien, hằng đứng chầu trước mặt Thiên Chúa, tôi được sai đến nói với ông và loan báo tin mừng ấy cho ông’”. Tổng lãnh Thiên thần Raphaen xuất hiện trong sách Tobia 12:15: “Tôi đây là Raphaen, một trong bảy thiên sứ luôn hầu cận và vào chầu trước nhan vinh hiển của Đức Chúa”. (Sách Tobia là một trong bảy sách đệ nhị quy điển của Kinh Thánh Công giáo.)
Sứ vụ chính yếu của các thiên thần là ca ngợi và tôn vinh Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa của các ngài. Các thiên thần có phẩm trật thấp hơn cũng thi hành một sứ vụ thứ hai. Sách Giáo lý của Công đồng Trentô phát biểu trong Phần IV đoạn 9 rằng: “Nhờ sự quan phòng của Thiên Chúa, các Thiên thần đã được giao phó sứ mệnh bảo vệ con người và đồng hành với mỗi người để gìn giữ họ khỏi mọi hiểm nguy … Cha chúng ta ở trên trời đã cắt đặt cho mỗi người chúng ta một thiên thần hộ thủ. Các ngài luôn gìn giữ canh phòng giúp chúng ta thoát khỏi cạm bẫy mà kẻ thù rắp tâm chuẩn bị, đẩy lùi các cuộc tấn công đáng sợ mà kẻ thù gây ra cho chúng ta; và dưới bàn tay hướng dẫn của ngài, chúng ta sẽ đi đúng đường, không sa vào những lối nẻo sai lầm mà mưu kế của kẻ thù đặt ra nhằm lôi kéo chúng ta ra khỏi con đường dẫn về thiên quốc”.
Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D.,
The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question,
(Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007). 348.