Tin Mừng đã kể lại cho chúng ta biết thời kỳ ẩn dật của Chúa Giêsu trong sa mạc, và trong suốt thời gian này, Ngài đã ăn chay bốn mươi đêm ngày. Đây là thời gian Chúa Giêsu chuẩn bị để bắt đầu sứ vụ công khai. Kể từ thời Chúa Giêsu, việc ăn chay và tĩnh tâm cầu nguyện đã được coi là một cách tuyệt vời để có thể sáng suốt chọn lựa nghề nghiệp và định hướng ơn gọi. Ăn chay cũng giúp người ta sắp xếp mọi thứ trong cuộc sống cho có trật tự. Nhờ chay tịnh, bạn có thể kiểm soát những đam mê thấp kém để chỉ sử dụng những gì bạn cần để sống chứ không hơn.
Theo truyền thống Công giáo, ăn chay luôn là một phần trong những thực hành mùa Chay. Giáo lý của Hội Thánh Công giáo dạy chúng ta về điều răn thứ năm trong số 2043 rằng: “Kiêng thịt và giữ chay trong những ngày thống hối do Hội Thánh quy định. Điều răn thứ năm này đảm bảo thời gian khổ chế và thống hối để chuẩn bị cho chúng ta mừng các lễ phụng vụ, và giúp chúng ra làm chủ được các bản năng và đạt tới sự tự do của trái tim”.
Sách Giáo Lý cũng giải thích ở số 1438 khi nào chúng ta nên ăn chay: “Những thời gian và những ngày thống hối trong năm phụng vụ (mùa Chay, mỗi ngày thứ Sáu tưởng niệm Chúa chịu chết), là những thời điểm đặc biệt để thực hành việc thống hối trong Hội Thánh. Những thời gian này đặc biệt thích hợp cho các cuộc linh thao, các buổi cử hành phụng vụ thống hối, các cuộc hành hương thống hối, những việc hãm mình tự nguyện như giữ chay và bố thí, chia sẻ huynh đệ (các công tác từ thiện và truyền giáo).
Mỗi năm, mỗi giáo phận đều ban hành những thực hành Mùa Chay chung cho cả giáo phận, hướng dẫn các tín hữu về những ngày giữ chay và kiêng thịt. Những ngày giữ chay và kiêng thịt là thứ Tư Lễ Tro và thứ Sáu Tuần Thánh. Tất cả các Ngày Thứ Sáu khác trong Mùa Chay đều là Ngày Kiêng Thịt. Từ Thánh Lễ Tiệc Ly vào chiều thứ Năm Tuần Thánh cho Lễ Vọng Phục Sinh vào tối thứ Bảy Tuần Thánh, việc Giữ Chay Phục Sinh nên được tuân giữ, để với một tâm hồn thanh thoát và vui tươi, chúng ta có thể sẵn sàng để cử hành niềm vui Phục Sinh.
Truyền thống cổ xưa, có liên hệ mật thiết với các Nghi thức Tuần Thánh và Nghi thức Khai tâm Kitô giáo cho người trường thành, được khuyến khích, đặc biệt là ở những nơi có nghi thức rửa tội cho các tân tòng trong Thánh Lễ Vọng Phục sinh.
Nghĩa vụ kiêng thịt chỉ áp dụng cho những người Công giáo trong độ tuổi từ 18 đến 59. Ăn chay theo truyền thống Công giáo có nghĩa là hãm mình cố gắng chỉ ăn một bữa no trong ngày và không ăn vặt, đồng thời cũng được ăn hai bữa nhỏ, nhưng với điều kiện là hai bữa nhỏ này khi gộp lại không bằng hoặc lớn hơn một bữa no. Nghĩa vụ kiêng thịt ràng buộc tất cả những người Công giáo đã đủ 14 tuổi. Kiêng thịt trong truyền thống Công giáo có nghĩa là không ăn thịt động vật (thịt bò, thịt lợn, thịt gia cầm, và thịt thú săn – nói chung, thịt của bất kỳ động vật máu nóng nào) và tất cả các sản phẩm từ thịt. Cá và thịt của tất cả các loài động vật máu lạnh, rau và trái cây đều được phép sử dụng bất cứ lúc nào.
Nói chung, nghĩa vụ giữ chay và kiêng thịt là một nghĩa vụ nghiêm túc. Mặc dù về bản chất, không tuân giữ một ngày thống hối nào đó có thể không bị xem là nghiêm trọng; nhưng không tuân giữ tất cả mọi ngày thống hối, hoặc không tuân giữ một số lượng đáng kể những ngày thống hối mà không có lý do chính đáng, sẽ được coi là một vấn đề nghiêm trọng. Những người không thể kiêng thịt vì một lý do chính đáng vào bất kỳ ngày thứ Sáu nào của Mùa Chay đều được yêu cầu thực hiện một số hành vi thống hối khác, hoặc kiêng thịt vào một ngày khác. Các bà mẹ mang thai hoặc cho con bú, bệnh nhân tiểu đường, tất cả những ai đang cần phải ăn để uống thuốc, và những người trong quân đội khi diễn tập hoặc đang chiến đấu, đều được miễn chuẩn.
Nếu bạn là một người ăn chay thì sao? Trong trường hợp này, kiêng thịt nghĩa là bạn không ăn một trong những loại rau hoặc trái cây mà bạn yêu thích. Bạn cũng có thể ăn những thứ bạn không thích thay vì kiêng những thứ bạn thích, với sự cho phép của cha xứ, nếu việc kiêng thịt thông thường là rất khó hoặc không thể thực hiện được.
Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D.,
The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question,
(Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007). 347.