Creed là một từ Latinh có nghĩa là “Tôi tin”. Kinh Tin Kính là một lời tuyên bố về sứ mạng của Giáo hội; đây là một công thức tuyên tín được viết ra, được cầu nguyện, nghiên cứu và xướng đọc, mặc dù điều này không có nghĩa Kinh Tin Kính là một tuyên bố hoàn toàn trọn vẹn về đức tin. Nhưng những điều chính yếu thì đã được viết ra trong Kinh Tin Kính. Kinh Tin Kính có nền tảng dựa trên Kho Tàng Đức Tin. Vị Tông Đồ sau cùng được nhận lãnh mặc khải công về Thiên Chúa và về kế hoạch cứu độ là Thánh Gioan, người môn đệ được yêu mến. Khi ngài qua đời, kỷ nguyên của mặc khải công kết thúc. Những giáo huấn chính yếu của Đức Kitô và các Tông Đồ đã tạo nên Thánh Truyền. Bởi vì Thánh Truyền xuất phát từ Lời được viết ra (Kinh Thánh). Sách Thánh và Thánh Truyền không có bất cứ xung khắc nào; đúng hơn, chúng bổ sung cho nhau – giống như hai dòng nước xuất phát từ cùng một con suối hoặc một nguồn nước.
Kinh Tin Kính thuộc về Thánh Truyền. Qua nhiều thế kỷ, Kinh Tin Kính đã được thêm vào nhiều chi tiết, không phải vì những chi tiết này là những mặc khải mới, nhưng là những diễn giải rõ hơn về các vấn đề thần học. Một trong những Kinh Tín Kính lâu đời nhất là Kinh Tin Kính Các Tông Đồ, một công thức tuyên tín trong mười hai điều. Kinh này chứa đựng những học thuyết nền tảng của Kitô giáo và là bản tóm tắt những lời giảng dạy của các Tông Đồ được viết ra sau này. Có một điểm cần lưu ý là các Kitô hữu Đông Phương không sử dụng Kinh Tin Kính Các Tông Đồ trong Phụng vụ Thánh Lễ. Tại Tây Phương, Giáo hội đã cho phép sử dụng Kinh Tin Kính Các Tông Đồ trong các Thánh Lễ Chúa Nhật dành cho trẻ em.
Kinh Tin Kính Nicea là thành quả của Công đồng Nicea và Công đồng Constantinople trong thế kỷ IV. Một lần nữa, các học thuyết có từ thời các Tông Đồ, nhưng đã được các Nghị Phụ Công đồng diễn giải thêm. Kinh Tin Kính Nicea được tạo ra để đáp trả lại một lạc giáo thời đó, lạc giáo Arius. Lạc giáo này phủ nhận thiên tính của Chúa Giêsu Kitô và do đó chống lại tín điều Thiên Chúa Ba Ngôi. Lạc giáo Arius đã trở nên phổ biến vào thế kỷ IV đến nỗi hai Công đồng đã phải triệu tập để chống lại những giáo lý sai lầm này. Tại Công đồng Nicea, các Giám mục từ khắp Đế quốc La mã đã ký tên dưới bản Kinh Tin Kính, vốn khẳng định thiên tính của Đức Kitô và lên án lạc giáo Arius. Kể từ thế kỷ IV, Kinh Tin Kính Nicea là bản Tuyên Xưng Đức Tin và được sử dụng trong các Thánh Lễ Chúa Nhật và các ngày lễ buộc.
Kinh Tin Kính của Thánh Athanasiô là một trong những tuyên bố về chân lý Đức Tin được chấp nhận từ thế kỷ V. Mặc dù không được viết bởi Thánh Athanasiô, nhưng kinh này lại mô tả và phản ánh rất rõ ràng những lời dạy của ngài. Kinh Tin Kính của Thánh Athanasiô là một bản tóm tắt các giáo lý của Giáo hội về Chúa Ba Ngôi và mầu nhiệm Nhập Thể của Chúa Giêsu. Kinh này khác với Kinh Tin Kính Các Tông Đồ và Kinh Tin Kính Nicene vì nó chỉ đề cập đến hai điểm này mà thôi.
Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D.,
The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question,
(Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007).