Năm 1505, Đức Giáo Hoàng Juliô II thành lập lực lượng vệ binh Thụy Sĩ, một cơ quan vệ sĩ riêng của Đức Giáo Hoàng. Việc tuyển dụng các vệ binh dựa trên thỏa thuận kéo dài hàng thế kỷ giữa Tòa Thánh và cơ quan dân sự Công giáo Thụy Sĩ. Vệ binh là những nhân viên “cảnh sát” chính thức của quốc gia Vatican và cũng là vệ sĩ của Đức Giáo Hoàng. Đồng phục ba màu đỏ, vàng và xanh lam của các vệ binh được thiết kế bởi Michelangelo vào thế kỷ XVI và vẫn được sử dụng cho đến ngày nay. Đồng phục mang màu sắc của gia đình Medici, vốn là nơi đã sản sinh cho Giáo hội nhiều Giáo Hoàng trong thời kỳ Phục Hưng. Các vệ binh cũng có những đồng phục khác và quân phục khi làm việc ngoài đường phố; những trang phục này được trang bị các hình thức phòng vệ phù hợp hơn trong xã hội ngày nay; tuy nhiên, bất cứ ai đến thăm Rôma thường sẽ bắt gặp những lính canh theo phong cách Michelangelo. Họ có mặt tại mọi sự kiện mà Đức Giáo Hoàng hiện diện, và họ cũng đóng quân trên khắp quốc gia Vatican, vốn là một quốc gia tách biệt với Rôma. Từ sau vụ cố ám sát Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vào năm 1981, việc đào tạo vệ binh Thụy Sĩ đã thay đổi để có thể đạt được tất cả các khía cạnh của việc bảo vệ và an ninh hiện đại. Các vệ binh phải hoàn thành những khóa huấn luyện khắc nghiệt về karate, tự vệ, judo, cách sử dụng súng và vũ khí tấn công hạng nặng.
Có 110 vệ binh, cộng với sáu sĩ quan; và trách nhiệm chính của họ là canh gác các cung điện Tòa Thánh. Những vệ binh này là các chiến binh kỳ cưụ của quân đội Thụy Sĩ và có đủ khả năng ngoại giao để xử lý tất cả các loại du khách từ Hồng y, Giám mục, linh mục đến tổng thống, vua và thủ tướng. Sự kiện lịch sử nổi tiếng nhất liên quan đến lực lượng vệ binh Thụy Sĩ là việc họ bảo vệ Đức Giáo Hoàng Clêmêntê VII trong cuộc bố ráp thành Rôma vào năm 1527. 147 Vệ binh Thụy Sĩ đã bị giết chết và chỉ có 42 người đến được nơi an toàn với Đức Giáo Hoàng ở Lâu đài Thiên Thần. Lâu đài này tọa lạc trên sông Tiber, vốn không quá xa Vatican, và được kết nối với Đền Thánh Phêrô bằng một đường hầm. Trong những biến động chính trị, đường hầm này đã cho thấy nó là một lối thoát hiểm thành công được các Giáo Hoàng sử dụng.
Cơ cấu của các vệ binh đã được sửa đổi trong những năm qua. Hiện nay, có bảy cấp bậc trong lực lượng vệ binh. Các sĩ quan cấp cao có cấp bậc đại tá. Các vệ binh ở cấp bậc thấp nhất được gọi là cảnh vệ và không được phép kết hôn cho đến khi họ đạt cấp hạ sĩ. Người ứng tuyển vào lực lượng vệ binh phải cao ít nhất 5,9 feet (khoảng 1,8 mét) và có thư giới thiệu từ các thành viên trước đây của lực lượng vệ binh mà hiện đã trở về Thụy Sĩ, hoặc của một linh mục, cảnh sát địa phương, hoặc từ các quan chức chính phủ. Việc phục vụ Đức Giáo Hoàng như một huy hiệu danh dự của gia đình, và có thể thay thế cho nghĩa vụ quân sự bắt buộc của Thụy Sĩ.
Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D.,
The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question,
(Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007).