Về mặt ngữ nghĩa, thuật ngữ này dùng để chỉ một người có quan điểm đối lập trong bất kỳ cuộc tranh luận nào. Người này sẽ thực hiện vai trò của mình trong tiến trình vô hiệu hóa và sẽ được gọi là Bảo Hệ Viên (Defender of Bond). Tiến trình vô hiệu bắt đầu khi có một người đặt vấn đề về tính hữu hiệu của hôn nhân tại một hội đồng xét xử của Giáo hội được gọi là Tòa án. Trong khi người phản đối tính hợp lệ của cuộc hôn nhân sẽ được chỉ định là người biện hộ cho chính mình, thì cũng có một người khác được chỉ định làm Kháng Biện Viên hoặc Bảo Hệ Viên. Bảo Hệ Viên phải đảm bảo tất cả các dữ kiện cẩn trọng và các dữ kiện tùy nghi đã được nghiên cứu và hoàn thiện để nếu sự vô hiệu được chấp thuận sẽ không có sai sót gì.
Trong thời gian trước Công đồng Vaticanô II, quá trình phong thánh cũng có sự tham gia của một Kháng Biện Viên. Vị này sẽ đưa ra lý do tại sao ứng viên phong thánh không nên được sắc phong. Nếu có rất ít tài liệu chống đối, thì ứng viên sẽ tiến tới việc được phong thánh. Kháng Biện Viên còn được gọi là Chưởng Lý hoặc Lục Sự. Họ được ủy quyền để kiểm tra các nhân đức và những báo cáo về các phép lạ của một người mà nhờ đó tiến trình phong chân phước được mở ra.
Kể từ khi có Bộ Giáo luật mới năm 1983, vai trò của Kháng Biện Viên cho việc phong thánh đã được chuyển thành một cuộc điều tra sâu rộng hơn, trong đó người biện hộ cho vị thánh sắp được sắc phong đảm nhận những trách nhiệm trước đây được giao cho Kháng Biện Viên. Người biện hộ này sẽ phỏng vấn những người hiểu biết về vị thánh ấy, lấy lời khai và tổng hợp dữ liệu về người đó. Ngoài ra, tất cả các thư từ, sách vở và báo chí viết bởi ứng viên phong thánh đều do người biện hộ nghiên cứu. Cuối cùng, những người tuyên bố có phép lạ nhờ sự cầu bầu của ứng cử viên phóng thánh sẽ phải được điều tra.
Những phép lạ này không chỉ được người biện hộ xem xét mà cả các bác sĩ y khoa, nhà tâm lý học và hàng giáo sĩ cũng phải tham gia. Vì vậy, thực sự không còn các phe đối lập nữa, nhưng chân lý vẫn là đối tượng của tất cả các cuộc điều tra.
Khi Đức Giáo Hoàng tuyên bố một người là thánh trong một buổi lễ sắc phong long trọng, thì ngài thực hiện điều ấy cách không thể sai lầm. Tính bất khả ngộ của Đức Giáo Hoàng là đặc sủng của Chúa Thánh Thần giúp bảo vệ Đức Giáo Hoàng khỏi sai lầm trong các vấn đề đức tin và phong hóa. Đây là lý do tại sao việc điều tra một ứng viên phong thánh là một quá trình lâu dài và kỹ lưỡng; không thể có chỗ cho bất cứ một hoài nghi nào. Mặc dù “Kháng Biện Viên” là một thuật ngữ cổ xưa, nhưng chức năng của vị này vẫn rất quan trọng và được sử dụng trong các tiến trình quy điển chính thức.
Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D.,
The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question,
(Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007).